Xóm tôi có cái tên không đẹp: xóm Na Ranh, còn tại sao lại gọi là Na Ranh thì chịu, hỏi các cụ 80 – 90 tuổi trong xóm cũng không ai biết. Người xóm khác còn cười giễu cợt, gọi lệch đi là xóm Ma Ranh. Xóm nghèo tiêu điều, những năm 70-80 của thế kỉ XX, chỉ có vài chục nóc nhà lợp lá cọ, vách buộc đứng trát bùn trộn với rơm băm nhỏ, kì quái thay, trong mấy chục nóc nhà ấy gần như toàn bộ là những con người có hình dáng và số phận kì dị. Đối diện nhà tôi là một nhà tướng cướp từ thời Pháp thuộc, từng đi tù nhiều lần, nay về già chỉ tập tễnh quanh nhà với một bên chân đã bị cắt gân. Ông ta tên là TRE, người cao gầy, mắt trũng sâu, lông mày rậm rịt giao nhau. Từ hai hốc mắt ấy thi thoảng lại phóng ra hai tia nhìn sắc lạnh. Lần đầu giáp mặt, tôi thấy lạnh toát sống lưng, có cảm giác tia nhìn lạnh lẽo của ông TRE như ngón tay ma quái rờ rẫm khắp người mình. Ông ta chỉ đáng sợ ở tia mắt kim châm ấy, còn thì hiền khô, không thấy nói năng gì bao giờ, chỉ có một lần, hai gã công tử nhà giàu vào vườn bắn chim không xin phép, khi bị cháu ông ngăn cản và đuổi ra khỏi vườn thì lại cười hô hố, tát thằng bé đến chảy máu mũi. Ông TRE chỉ cầm chiếc điếu cày khua khua dăm ba cái. Vậy mà hai thằng to như đô vật bò lăn, bò càng, vừa bò vừa chạy không kịp thở, đau kêu cha kêu mẹ.
Có sách hay mua về, tôi thường mò ra nghĩa địa, tìm một ngôi mộ có mái che nằm đọc cho mát, vừa yên tĩnh, vừa không có ai quấy rầy. Nhưng có một buổi chiều mùa thu, bỗng sương khói ở đâu ùn ùn ra trắng mờ, rồi cái lạnh kì quái vây bủa, cứ như có một vòng tay của ai đó ôm choàng lấy tôi, vòng tay làm bằng sương khói. Rồi hình như có tiếng cười lớn trong vắt từ phía sau bia mộ vang lên, cuốn sách đặt trên mộ bỗng mở loạt xoạt, chậm rồi nhanh dần hối hả. Tôi cúi xuống đọc tấm bia mộ mới biết đây là mộ của một cô gái chết trẻ khi mới 16 tuổi, đúng bằng tuổi tôi năm ấy.
Cư dân xóm Na Ranh cũng bám chặt nghĩa địa để kiếm ăn: đào huyệt, chôn cất, bốc mộ, xây mộ… Thằng Sen xanh rớt như lá khoai, vừa đắp xong xẻng đất cuối cùng, khi người nhà của tử thi vừa sụt sùi khóc vừa dìu nhau về được mấy bước, nó chùi tay bê bết bùn đất vào quần rồi vớ ngay bát cơm, quả trứng ngồi ăn thun thút. Tôi bảo:
– Kinh quá! Ma ăn rồi đấy, mày ăn tạp thế này rồi chết sớm
Nó nhìn tôi mắt trắng dã, chỉ có đúng ba miếng là hết bát cơm quả trứng, rồi thủng thẳng:
– Sống chết có số, ăn cũng chết, mà không ăn còn chết nhanh hơn. Đúng là bọn thành phố chúng mày không biết gì.
Anh Thiêm gào ầm ĩ:
– Có mau lên không, sang xây ngôi mộ kia đi. Hết ngày rồi đấy, ngồi đó mà cãi nhau.
Anh Thiêm thấp đậm, người to ngang, khỏe vô cùng. Nhưng anh hiền lành và sợ vợ. Vợ Thiêm bé choắt, mặt chuột kẹp, mắt ti hí, chửi chồng, chửi con như hát suốt ngày. Anh Thiêm hiền và khỏe lắm, bọn trẻ con kháo nhau, có lần thấy anh Thiêm làm tình với con trâu cái ngoài nghĩa địa.
Bố anh Thiêm cao hơn 1m80, gần 90 tuổi vẫn còn gánh lúa hàng tạ, phải chập hai đòn gánh cho khỏi gãy. Xưa ông cụ đi lính khố đỏ, sang tận Pháp, bị chê là khỏe nhưng ngu ngốc quá nên người ta cho về, cứ đêm đến là ông đè bà vợ hơn 70 tuổi ra đòi tòm tem. Nhiều đêm bà cụ kêu như cháy nhà, rồi thì cháy nhà thật, chả biết vật lộn thế nào, cây đèn dầu đổ vào ổ rơm, nhà tranh tre bốc cháy rừng rực. Hai ông bà trần truồng chạy ra sân. Ông như người khổng lồ cứ nồng nỗng đứng nhìn ngôi nhà cháy mà khóc tu tu, bà cuống quýt ngắt tàu lá chuối che thân vừa chửi xong xóc con dê cụ hiếp bà, vừa nhảy choi choi quanh nhà vì tiếc của. Tôi cùng mọi người đứng xem cũng lăng xăng hất vài thau nước vào chữa cháy mà chẳng ăn thua gì, sau khi cười nắc nẻ cùng mọi người, bỗng buồn rười rượi mà chẳng biết vì sao.
Ngay cạnh nhà tôi là nhà của Hùng “ngọng” một gã cao to có thể gọi là đẹp trai, chỉ có điều là gã ngọng líu ngọng lô, nghe hắn nói cứ như nghe người ta nói bằng tiếng Anh pha tiếng Trung Quốc, vừa nghe vừa dịch mãi mà chẳng hiểu gì. Nhà anh trai hắn sát vách nhà hắn, bà chị dâu hắn phốp pháp, hay cười toe toét, trắng như lợn cạo. Một đêm biết anh trai hắn đi soi ếch, hắn mò vào giường chị dâu, bà chị dâu nằm tênh hênh, ngáy như kéo gỗ. Hắn vào nằm bên cạnh, thì thầm vào tai bà chị:
– Ởi uần ra (cởi quần ra)
Bà chị nghe tiếng “ngoại ngữ” ấy biết ngay không phải chồng mình mới hét toáng lên, phóng ra sân, vừa chửi, vừa kể to cho cả xóm nghe. Tất cả biết chuyện, được một phen cười đau bụng. Rồi nhiều anh chồng từ hôm ấy cứ đến đêm lại thì thầm vào tai vợ “ởi uần ra”, có gã lại bảo, vợ gã nghe câu nói ấy lại có hứng hơn.
Tôi không ra nghĩa địa đọc sách nữa, kể từ hôm nghe thấy tiếng cười từ dưới mộ vọng lên. Tôi ra bờ kênh ngồi nhìn nước trôi, rong đuôi chó dưới đáy kênh vật vờ, xõa xượi trông như tóc người đàn bà chết đuối. Mùa đông, nước trong và lạnh lắm, tôi hay ra bờ kênh ngồi hàng giờ với bao câu hỏi đặt ra mà không có câu trả lời: – Sao thế giới trong truyện tuyệt vời đến thế mà sao xóm tôi lại khủng khiếp đến thế? Sao phần lớn những người ở xóm tôi lại tham lam, đê tiện và dâm đãng thế? Biết bao giờ tôi mới có thể rời xa cái ao làng này để đi tới biển khơi mơ ước của mình? Tôi hỏi hoa Mua, hoa không trả lời, hỏi sóng nước thì chỉ có đám rong đuôi chó vật vã, rũ rượi có khi nào chúng đồng cảm với tôi? Hoặc cũng muốn ra đi như tôi?
Đêm đêm, tiếng còi tàu từ ga Đồng Quang vọng đến, da diết và hổn hển như một lời thúc giục: Hãy lên đường!
Năm ấy, tôi đỗ vào một trường Đại học ở Hà Nội, cả xã tôi râm ran, cả xóm tôi vui mừng vì dễ đến hơn nửa thế kỉ nay xóm tôi không có ai đỗ vào Đại học. Bố tôi thịt hai con chó và một đàn gà mời cả xóm đến dự tiệc mừng tôi vào Đại học. Anh Thiêm lễ mễ bê sang tặng hai quả bí đỏ to kếch xù, anh bảo:
– Tặng mày cho khỏi quên cái xóm này, tối nào tao cũng đi tiểu gần gốc bí, thế quái nào mà bí nhà tao to gấp năm lần bí nhà hàng xóm.
Tôi nhìn thân hình khổng lồ của anh thầm đoán kích cỡ phi thường của những gì gắn vào cái hình khối kì vĩ ấy. Bỗng dưng tôi kinh bí đỏ, từ hôm ấy không dám ăn bí đỏ nữa. Bữa cơm ấy rất vui, người cho chục trứng, người cho đấu lạc. Ông bố anh Thiêm cởi trần, đánh một cái quần khố đỏ kì quái, ngồi ăn soàm soạp, một mình ăn bằng 3 – 4 người khác, chai rượu 65 tu một hơi cạn sạch. Lúc ra uống nước, ông kéo tôi lại gần lè nhè bảo:
– Ông nghèo, chẳng có gì cho cháu, thời đi lính sang Pháp, bọn lính tráng truyền tai nhau bốn câu này, ông nghe chẳng hiểu gì mà vẫn thích, nay tặng lại cho cháu vì nghe đồn mày cũng có máu văn nghệ, mày nghe rồi thấm được thì ấm vào thân, chứ đừng như ông, ít học dù làm như trâu nhưng vẫn khổ lắm, nghèo lắm.
Thế rồi ông ấy trợn mắt nhìn trăng, há mồm hồi lâu, hình như để nhớ lại rồi đọc bằng một giọng đọc rất lạ, nửa tỉnh nửa say, nửa khôn nửa dại, nửa giọng người, nửa không phải giọng người, có cái gì đó ma quái, rùng rợn:
“Người thế nào thì ma thế ấy
Bát cơm còm người với ma chia nhau
Nếu nó đủ, người nhiều lên ma sẽ ít
Trong ngực mỗi người, ma ngồi đó vuốt râu”.
Tôi nghe cũng chẳng hiểu gì, chỉ thấy kinh kinh, ông cụ đứng dậy ra về, có một mảnh lá chuối bẻ từ bao giờ, gói mấy miếng thịt, cục xôi bảo mang về bồi dưỡng cho bà lão. Còn gã Hùng “ngọng” mang tặng tôi một cái áo sơ mi còn khá mới, kẻ caro, mãi sau này tôi mới biết gã rút trộm ở mả nhà ai đấy. Có lần gặp tôi hỏi, gã cười hề hề nói bằng thứ ngoại ngữ của riêng hắn, tạm dịch ra là:
– Sang ăn cỗ đếch có gì, ngượng bỏ mẹ, chẳng lẽ lại đi tay không, tôi thì túng phải tính cháu ạ, có ai muốn thế đâu. Đời người như một bãi phân chó thôi.
Tôi đi học, thi thoảng mới về nhà. Xóm tôi chết vãn dần, toàn chết trẻ, hầu hết là ung thư. Hình như âm khí nặng nề của nghĩa địa làm người ta sinh bệnh. Mỗi lần tôi về, hay gặp anh Thiêm làm dưới ruộng, anh có dáng vẻ kì lạ không quên được, khi ngóng lên đường ngó xem ai đi qua, nom giống hệt một con trâu đực đang vểnh sừng khiêu khích một đối thủ nào đấy.
Rồi nhà tôi chuyển ra thành phố, cả nhà vui mừng vì thoát khỏi cái xóm khủng khiếp này. Vậy mà tôi lại hay nhớ và mơ về nơi ấy. Có một giấc mơ kì lạ cứ trở đi trở lại: Những người chết trong nghĩa địa sống lại cùng người trong xóm tôi dự một buổi tiệc to chưa từng thấy mà lại là tiệc cưới của tôi với cô bé 16 tuổi nằm dưới ngôi mộ tôi hay lên đọc sách. Người chết trong nghĩa địa là họ nhà gái rồng rắn đưa dâu, cô bé 16 tuổi bẽn lén váy trắng tinh khiết, chỉ có gương mặt khi mờ khi tỏ như được làm bằng sương khói. Cỗ cưới cũng chia đôi, người xóm tôi bầy thịt rượu ê hề, bên bàn nhà gái bày toàn ếch sống ngồi chồm hỗm, thở phì phò trên những cái đĩa tết bằng cây Thanh hao non xanh mướt. Bên nhà gái cho ếch sống vào mồm nhai ngồm ngoàm, khi ếch vọt chạy thì đuổi theo vồ chộp lung tung, làm bàn ghế đổ lăn lóc cả. Rồi đêm tân hôn, em bé nhỏ và lạnh lẽo trong vòng tay tôi, tôi đang hôn em thì bỗng hét lên vì một con cá trê từ miệng em trườn sang miệng tôi, chui qua cuống họng, xuống dạ dày… Cứ mỗi lần hét lên thì bừng tỉnh, rồi nôn thốc nôn tháo. Nhưng cứ vài hôm, tôi lại mơ thấy giấc mơ hãi hùng ấy mà chẳng hiểu vì sao.
Tôi trở thành một giảng viên Đại học, cứ mỗi năm một lần về thăm nhà cũ ở xóm ấy vào đêm ngày rằm tháng 7 âm lịch. Mà cũng thật kì lạ, cứ vào đêm hôm ấy, tôi không thể không vào thăm ngôi nhà cũ, như có một lực hút vô hình lôi kéo tôi đi. Còn nếu cố tình không đi, tôi sẽ bị ốm thập tử nhất sinh, gặp ác mộng kinh hoàng, thấy mình bị chôn sống trong một quan tài đầy nước và hàng trăm con cá Trê béo mẫm, bộ xương trong quan tài bỗng ôm ghì lấy tôi rồi cười sằng sặc. Lũ cá Trê lao vào tôi cắn xé, mắt chúng cứ long sòng sọc.Thế rồi bộ xương ôm tôi vỗ về và hát ru tôi… Ngôi nhà và khu vườn vẫn thế, chỉ nhỏ bé đi và cũ kĩ hơn. Chủ nhà mới không hiểu sao luôn đi vắng khi tôi đến nhà. Xóm đã có nhà xây mới, người vắng lắm, nghe nói có đại dịch ma túy tràn qua, lôi gần hết bọn con trai ra nghĩa địa. Tôi ngồi xuống bậu cửa, châm thuốc hút, bỗng giật mình, trong ngôi nhà không bao giờ đóng cửa, bốn câu văn vần của bố anh Thiêm viết lên giấy trắng dán vào tường, ngay gian giữa, nét chữ mềm mại, tròn tròn của con gái, trên bàn uống nước đặt một cái đĩa tết bằng cây Thanh hao, trên đó có một con cá trê to, có màu vàng nhợt – loại cá trê chỉ có trong quan tài ngập nước ngoài nghĩa địa./.
Nguồn Văn nghệ số 3/2019