Nho giáo là một học thuyết có ảnh hưởng lớn, sâu rộng và lâu dài ở nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam. Không chỉ góp phần tổ chức và duy trì ổn định trật tự xã hội mà nó còn chi phối đến đời sống tư tưởng, trở thành chuẩn mực đạo đức của nhân dân ta. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định Nho giáo có ảnh hưởng không nhỏ đối với văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Các tác giả khi sáng tác luôn thấm nhuần quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”. Tuy vậy, cha ông ta từ ngàn đời xưa vẫn luôn có ý thức trong việc tiếp thu một cách chọn lọc để tư tưởng Nho giáo phù hợp với truyền thống và phong tục của người Việt. Nằm trong mạch nguồn chung của văn học chữ Hán Việt Nam, thơ chữ Hán dân tộc Tày cũng thể hiện sự ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo một cách sâu đậm.
Nho giáo là một học thuyết coi trọng vấn đề đạo đức, chú trọng tới việc tu thân. Các nhà nho luôn đề cao việc rèn luyện bản thân theo ngũ thường. Những tiêu chuẩn mà Nho giáo hướng con người phải tu dưỡng là biết cách ứng xử, thực hiện đạo vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, đạo kết giao bè bạn. Những mối quan hệ đó được xây dựng trên cơ sở trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhau, có tính chất hai chiều. Người có đạo đức là người luôn biết duy trì các mối quan hệ trên theo thứ tự, quy định của Nho giáo. Bên cạch đó Nho giáo cũng khuyên cách ứng xử trong xã hội nên trung dung, phải có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, biết thi thư lễ nhạc… Trong bài Tâm tư tác giả Bế Văn Phụng đã nói rõ nhân cách của một nho sĩ:
Bần nho tích nhật nguyên vô siểm
Siểm diện kim triêu tổng bất thân
(Nho sĩ dù bần hàn những ngày qua vẫn không siểm nịnh
Bộ mặt siểm nịnh ấy sáng nay cũng không thể chơi thân được)
Nhà nho là những người coi thường danh lợi, không màng giàu sang phú quý. Nho giáo khuyến khích con người “khắc kỷ phục lễ”, sống an bần lạc đạo. Điều quan trọng nhất đối với họ là phải giữ được sự trong sạch, thanh cao như cây tùng cây bách luôn vươn lên bất chấp sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Nhà thơ Hà Vũ Bảng trong bài Bần thán (Than nghèo) cũng đã nói lên cảnh ngộ cũng như suy nghĩ của những nhà nho nghèo thời đó:
Bần phạp như dư thế bất đa
Thánh điền tùy phận độ niên hoa
(Nghèo túng như ta ở trên đời này chẳng có mấy người
Ta theo phận cày trên ruộng Thánh (dạy chữ Nho) để nuôi thân)
Hà Vũ Bảng từ nhỏ đã nổi tiếng hiếu học, thi đỗ tú tài sau đó về quê dạy học. Nhà nho nghèo bữa ăn chỉ có muối thay cho thịt, rau sẵn ngoài vườn. Khách khứa bạn bè tới lui không có gì ngoài ấm trà nhạt thế nhưng với họ vật chất không phải là tất cả mà cao hơn là họ đã đỗi đãi với nhau bằng tình cảm chân thành:
Thô trà đại tửu tần tần chước
Đạm bạc vi tình hỹ vị tha
(Đành pha ấm trà nhạt thay rượu mà từ từ rót
Lấy đạm bạc làm tình cảm vậy chẳng gì hơn)
Trong thơ chữ Hán của các tác giả dân tộc Tày, nhiều bài thể hiện mong ước xây dựng đạo đức và chỉnh đốn lại xã hội. Là một người dòng dõi Nho học, đã từng thi đỗ tiến sĩ dưới thời nhà Mạc, nhà thơ Nông Quỳnh Vân với tâm niệm Thân thủ tiên tu quân tử đạo (Điều cần giữ trước tiên là cái đạo người quân tử) đã thể hiện rõ quan điểm của mình trong bài Quân tử đạo:
Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân
Nhân dĩ đức long tích tự văn
Văn tại gia bang tư tất đạt
Đạt do nhân kỷ dục phù nhân
(Trời không phụ bạc những người có lòng tốt
Đã từng nghe con người phải lo tích đức tu thân
Chịu lắng nghe người nhà và người trong cộng đồng việc sẽ thành đạt
Đạt còn do ước muốn của mình đã có chữ nhân)
Nhân là bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Khổng Tử. Học thuyết của ông đề cao việc thực hành điều nhân, coi nhân chính là cái đích của sự tu dưỡng. Nho giáo chủ trương phải yêu thương con người. Đức nhân là đức mục của người cầm quyền, đòi hỏi người làm quan phải có lòng thương người, ra sức làm việc cho dân. Nho giáo đề cao đức trị, lấy đức để cai trị dân thì dân sẽ tự cảm hóa mà theo về. Vì thế mà nhà thơ Bế Hữu Cung, trong bài Nhân đức, luôn tâm niệm:
Quan đồng tam tải khắc tư trù,
Nhân đức tòng tư ích dĩ tu.
(Làm quan ba đời nối gót theo người xưa, Nhân đức từ nay càng phải tu thân, sửa mình)
Cũng bàn về đạo của người quân tử, tác giả Hoàng Ích Uyển viết một cách khá cụ thể và rõ ràng trong bài Quân tử đạo (Đạo người quân tử):
Xử thế nhân quân vạn hóa thành
Trị thiên hạ đạo tại hồ minh
Thân hiền dĩ nhậm quần phương chúng
Viễn nịnh nhi sơ tứ hải ninh
(Người quân tử cư xử ở đời thì phải thiên biến vạn hóa mới nên
Cái đạo trị thiên hạ là ở chỗ sáng suốt thông minh
Phải thân với người hiền thì quần chúng các nơi tụ hội được
Cần xa lánh kẻ nịnh hót thì bốn biển yên vui)
Nho gia quan niệm người quân tử sau khi “tu thân, tề gia” thì phải “trị quốc, bình thiên hạ”. Trong việc cai trị người quân tử phải biết yêu người, coi người như bản thân mình. Khổng Tử trong tư tưởng chính trị của mình luôn đề cao chủ trương “cử hiền tài”, lựa chọn người có tài tham gia vào chính sự. Thấm nhuần tư tưởng của đạo thánh hiền, Hoàng Ích Uyển cũng quan niệm người quân tử phải gần gũi và trọng dụng những người hiền và xa lánh những kẻ nịnh hót. Người đứng đầu mà làm được điều đó thì sẽ tập hợp được quần chúng và làm cho đất nước được yên vui.
Nho giáo chủ trương tu thân rồi thì người quân tử phải có bổn phận ra làm quan, phải hành động để “trị quốc, bình thiên hạ”. Tác giả thơ chữ Hán dân tộc Tày có nhiều người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, thi đỗ và làm quan. Trong thời kỳ nước nhà gặp nạn ngoại xâm, nhiều người trong số họ đã trở thành thủ lĩnh tập hợp nhân dân chống giặc cứu nước. Những quan niệm của Nho giáo như “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” hay “tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”… đã thấm nhuần trong mọi suy nghĩ, hành động của họ làm nên những giá trị đạo đức cao đẹp, sâu đậm. Lương Tuấn Tú là người Tày quê ở châu Hà Quảng (nay là huyện Hòa An) Cao Bằng, học giỏi Hán văn, từng thi đậu cử nhân và làm lãnh binh tỉnh Cao Bằng. Khi thực dân Pháp đánh ra Bắc Kỳ lần thứ hai (1882) ông đem quân đội cùng dân binh Cao Bằng tham gia kháng chiến. Sau đó ông hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi tổ chức lực lượng đánh Pháp. Trong bài Ký Nghiêm tiên sinh (Gửi tiên sinh họ Nghiêm) ông đã bày tỏ nỗi lòng của mình trước tình cảnh nước nhà nguy khốn:
Quan trình vạn lý lưu quân mộng
Phiên phức trường canh hận quỷ Phan
Thiếu hữu tham mưu an lực lượng
Vô bằng trợ kế diệt hung tàn
(Đường xa ngàn dặm, đêm tôi vẫn nằm mộng gặp ngài
Tôi thường trằn trọc canh dài vì căm giận giặc Pháp
Hằng thiếu bạn tham mưu cùng tìm phương xây dựng lực lượng
Vốn không ai giúp bàn kế sách đặng tiêu diệt lũ hung tàn)
Tiên sinh họ Nghiêm là thông gia với tác giả Lương Tuấn Tú, giữ chức án sát, hưởng ứng chiếu chỉ Cần Vương của vua Hàm Nghi đi Quảng Đông xây dựng lực lượng chống Pháp. Lương Tuấn Tú vẫn ở nơi rừng núi Cao Bằng nhớ và mong mỏi người đồng chí luôn sát cánh cùng mình trong sự nghiệp chống giặc cứu nước sớm trở về nên đã viết những dòng thơ này. Tác giả căm giận thực dân Pháp cướp nước và luôn đau đáu trong lòng quyết tâm tiêu diệt lũ giặc cướp nước hung tàn đến nỗi bao đêm dài trằn trọc không ngủ được.
Bên cạnh những nhà nho yêu nước đã lãnh đạo nhân dân đánh giặc như Lương Tuấn Tú, Nghiêm Xuân Phương, còn có thể bắt gặp hình ảnh nhiều nhà nho mang tinh thần nhập thế tích cực như Hoàng Đức Mỹ, Phạm Đình Tranh… trong thơ chữ Hán dân tộc Tày. Họ đều là những sĩ phu giàu lòng yêu nước, không cam lòng nhìn kẻ thù giày xéo quê hương đã đứng lên kháng chiến. Phạm Đình Tranh là người theo Đông Kinh nghĩa thục và được tổ chức phân công về Lạng Sơn, Cao Bằng tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, vận động nhân dân theo trào lưu Duy Tân. Ông làm bài Nông Trí Cao từ (Đền Nông Trí Cao) ca ngợi Nông Trí Cao, một dũng tướng nhà Lý đã có công bảo vệ biên cương, giữ nền độc lập cho tổ quốc. Qua đó cũng đồng thời nói lên những hoài bão của mình, hoài bão của một người quân tử luôn khát khao cống hiến vì sự bình yên cho nước nhà:
Thần tiên long mã kim an tại
Nguyện tá vương linh nhất chỉ huy
(Roi thần ngựa tuấn xin hỏi nay ở đâu
Mượn uy linh của ngài để chỉ huy đánh quân địch một phen)
Nhà thơ Hoàng Đức Mỹ là người dòng dõi thi thư, đã từng thi đỗ cử nhân dưới triều vua Tự Đức. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ, ông đã theo Lương Tuấn Tú lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Ông cũng là người tiếp nhận ảnh hưởng phong trào Duy Tân, ảnh hưởng trường Đông Kinh nghĩa thục. Là một kẻ sĩ sống trong thời buổi nước nhà gặp nhiều gian nan, Hoàng Đức Mỹ không chỉ có những hành động yêu nước mà ông còn gửi gắm vào thơ những suy nghĩ, mong ước về một bậc minh quân trong bài Bắc thần cư kỳ sở. Nhan đề bài thơ này lấy từ câu nói của Khổng Tử: “Vi chính dĩ đức thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi” (Cai trị dân bằng đạo đức giống như sao bắc đẩu cứ ở yên chỗ của nó mà các sao khác phải chầu quanh). Đức trị là đường lối trị nước cơ bản của Nho giáo, chủ trương dùng đạo đức để cai trị, tổ chức và quản lý xã hội. Theo Nho giáo, người cầm quyền thay vì dùng pháp trị thì phải dùng đức trị để trị nước. Nho giáo cũng chủ trương lý tưởng tôn quân. Ông đặt niềm tin vào vị minh quân có thể tập hợp được các tầng lớp nhân dân tạo thành sức mạnh đánh đuổi giặc ngoại xâm, mong ước ngôi vua luôn “vững vàng không lung lay mà trị vì chốn thiên đình” (Sùng sùng bất động trị thiên khu). Cuối TK XIX một số nhà nho yêu nước gắn sự nghiệp của đời mình vào sự nghiệp của đất nước theo hướng duy tân, một số người phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Ở chốn biên cương các nhà nho dân tộc Tày cũng đã có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chung của dân tộc. Họ luôn quan niệm làm người phải biết xả thân vì nghĩa lớn, biết giữ trọn nghĩa trung quân, ái quốc, họ tự nguyện dấn thân vào con đường tranh đấu chống thực dân xâm lược Pháp, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh cả tính mạng của mình. Đó là những mẫu hình nhà nho nghĩa khí có nguồn gốc từ mẫu người quân tử của Nho giáo. Cùng với nhiều chí sĩ cần vương, nhiều sĩ phu yêu nước cuối TK XIX đầu TK XX, các nhà nho dân tộc Tày luôn ngời sáng những phẩm chất cao đẹp, trở thành niềm tự hào của nhân dân.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Nho giáo đã chi phối đến nhiều lĩnh vực và in dấu đậm nét trong văn học Việt Nam. Văn học trung đại Việt Nam chủ yếu được sáng tác bởi đội ngũ trí thức phong kiến, tức là những nhà nho. Coi văn học là một công cụ để tải đạo, để ngôn chí, trong sáng tác của mình các tác giả đã thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Nằm trong bối cảnh chung đó, thơ chữ Hán dân tộc Tày cũng không phải ngoại lệ. Qua thơ chữ Hán dân tộc Tày chúng ta thấy được hình ảnh những nhà nho thanh liêm, tận tụy luôn mong muốn đóng góp công sức của mình cho đất nước, những nhà nho với nhân cách cao đẹp, với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc luôn là những tấm gương mẫu mực của kẻ sĩ trong lúc nước nhà điêu đứng. Như vậy, xét về mặt tích cực, Nho giáo đã góp phần củng cố và vun đắp những nhân cách đáng quý trọng, góp phần tạo nên những giá trị văn học, văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017
Tác giả : NGÔ THỊ THU TRANG