Làng Vĩnh An huyện Tuy Viễn nằm ven đầm Thị Nại. Dân làng sống nghề chài lưới quanh năm bám biển. Bấy giờ, trong làng có chàng Lâm Diễn giỏi nghề bơi lặn. Chàng gắn bó với đầm nước như máu thịt, thông thuộc chỗ nông sâu, thủy triều lên xuống trong ngày, cảnh vật biến đổi theo các mùa trong năm… Rằm tháng hai năm ấy, làng tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa cá bội thu. Sau phần lễ là phần hội. Mọi người háo hức chờ đợi cuộc đua ghe. Trai tráng trong vùng nô nức thi tài. Lâm Diễn cũng tham dự. Hiệu lệnh xuất phát, ghe chàng lao vút lên trước, lướt băng băng về đích đầu tiên. Trong tiếng reo hò cổ vũ, chàng cười rạng rỡ đi giữa hai hàng cờ đuôi nheo lên bục nhận giải. Một người đứng trên gò cao lặng lẽ quan sát cuộc đua, thỉnh thoảng lại gật gù thích thú. Người ấy mặc võ phục gọn gàng, lưng giắt gươm dài. Đó là Lê Chất, quê làng Bình Trị, huyện Phù Ly. Lê Chất vừa được Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc phong chức Thủy quân Đô tùy, giúp Thế tử Nguyễn Bảo bảo vệ cửa biển Thị Nại. Lê Chất đang thị sát địa hình, chọn vị trí hiểm yếu bố trí phòng thủ. Ngoài khơi, quân Nguyễn rình rập sẵn sàng tiến công bất cứ lúc nào. Nhìn đầm nước mênh mông, lòng Thủy quân Đô tùy trĩu nặng nỗi lo. Việc cần kíp là phải tìm người am hiểu thủy thổ thu dùng vào việc quân. Lê Chất gặp cụ tiên chỉ làng Vĩnh An hỏi về chàng trai vừa giật giải. Nghe cụ kể cặn kẽ về Lâm Diễn, Lê Chất mừng thầm: “Đây chính là người cần tìm”. Lê Chất nhờ cụ gọi Lâm Diễn tới gặp. Vừa diện kiến, Lê Chất hết sức kinh ngạc vì Lâm Diễn giống mình đến lạ, từ gương mặt đến vóc dáng. Lâm Diễn cũng sững sốt không kém, nhìn quan chằm chằm như không tin vào mắt mình. Lê Chất cười thân thiện:

– Ta có việc quân cần ngươi góp sức. Hãy gia nhập đội thủy binh của ta nghe.

Lâm Diễn đáp:

– Bẩm quan, tôi chỉ quen nghề chài lưới, giúp được gì cho ngài đây?

Quan Thủy quân Đô tùy ân cần:

– Chỉ cần ngươi ưng thuận là được.

Lâm Diễn vẫn do dự chưa quyết. Lê Chất hỏi:

– Việc gì khiến ngươi còn ngần ngại?

– Bẩm quan, tôi còn mẹ già, vợ dại, con thơ không nỡ rời xa.

Cụ tiên chỉ nãy giờ đứng nghe, liền lên tiếng:

– Làm trai phải có chí tiến thủ. Đừng vì chuyện riêng mà bỏ qua cơ hội lập thân.

Lê Chất ân cần nói:

– Vào cửa quân, chỉ lo làm tốt phận sự. Ta sẽ chu cấp đầy đủ cho gia quyến ngươi.

Lâm Diễn quỳ xuống bái tạ.

*

Nhờ có Lâm Diễn, Lê Chất vẽ xong sơ đồ phòng thủ cửa biển Thị Nại dâng lên Nguyễn Nhạc. Vương hài lòng, ban thưởng rất hậu. Ngài nói với bề tôi:

– Cửa biển Thị Nại là nơi trọng yếu bảo vệ kinh thành, phía đông có núi Phương Mai che chắn, phía Tây có dãy Nhạn Châu làm chỗ dựa. Đây là chỗ dùng binh. Thủy quân giặc gây nhiều tổn hại vì ta chưa biết dựa vào địa lợi chống trả. Nay có được sơ đồ phòng thủ của Thủy quân Đô tùy, còn lo gì nữa.

Rồi sai Lê Chất theo sơ đồ ấy bố trí binh lực. Lê Chất nói riêng với Lâm Diễn:

– Công đầu này thuộc về ngươi đó.

Lời ấy của quan thủy sư đô tùy làm chàng hết sức cảm động.

Năm Nhâm Tý, Quang Trung mất, thế lực Nguyễn Ánh không ngừng lớn mạnh. Tin bại trận từ phương Nam liên tiếp đưa về. Triều Tây Sơn lủng củng, rối ren. Lê Chất ngẫm nghĩ: “Chim khôn chọn cành mà đậu. Người khôn chọn chủ mà thờ”. Sau nhiều đêm suy tính, cân nhắc, bèn viết thư xin hàng Nguyễn Ánh. Nhận được thư, Nguyễn Vương nói với các tướng:

– Ta nghe nói thằng này thực tài nhưng không biết lòng dạ thế nào. Chưa vội tin được.

Nguyễn Vương lờ đi, không hồi đáp. Lê Chất lo lắng kể chuyện ấy với nhạc phụ Đại Tư lệ Lê Trung. Nghe xong, Lê Trung nổi giận mắng:

– Mày ăn lộc chủ mà không lo tận trung báo đáp, lại làm việc bất nghĩa, bất trung. Nếu không phải nghĩa tế, tao giết mày để tạ tội Tây Sơn Vương.

Lê Chất sợ hãi nín thít. Lê Trung vì tình riêng ém nhẹm chuyện đó. Năm sau, xảy ra sự biến, vua Cảnh Thịnh chiếm thành Hoàng Đế. Nguyễn Nhạc uất hận thổ huyết chết. Thế tử Nguyễn Bảo bị giam lỏng ở huyện Phù Ly. Lê Chất được vua Cảnh Thịnh phong làm Thủy sư Đô đốc trấn giữ cửa biển Thị Nại. Đại Tư lệ Lê Trung giữ chức Trấn thủ Quy Nhơn. Năm Mậu Ngọ, Nguyễn Bảo vốn căm hận Cảnh Thịnh nổi dậy đánh chiếm Quy Nhơn. Nhưng thất bại, bị dìm xuống sông chết. Cảnh Thịnh nghi ngờ Lê Trung và Lê Chất dự mưu phản loạn, ra lệnh bắt cả hai về kinh trị tội. Lê Trung bị xử tử. Lê Chất đang đóng quân ở Trà Khúc nghe có biến nhanh chân đem những thuộc hạ trung thành chạy vào núi Trà Bồng. Quan quân truy lùng ráo riết. Lê Chất và những người đi theo trốn biệt vào hốc núi đầu non, đói khát rã rời, tình thế ngày một tuyệt vọng. Lâm Diễn vẫn tận tụy theo hầu. Chiều hôm đó, Lê Chất gọi tất cả lại bảo:

– Không thể tiếp tục trốn tránh mãi được. Chỉ còn một kế may ra mới thoát.

Quay sang Lâm Diễn đang đứng bên cạnh:

– Ta muốn mượn cái xác của ngươi để lừa bọn chúng.

Lâm Diễn sững sờ:

– Ngài muốn giết tôi ư?

– Chỉ có cái chết của ngươi mới cứu được bọn ta. Coi như kiếp này, ta nợ ngươi một mạng.

– Xin thương tình nghĩ lại. Tôi còn phụ mẫu, thê nhi…

– Ngươi nói nữa cũng vô ích, Lê Chất cắt ngang, có trách, hãy trách ông trời sinh ngươi ra giống ta.

Như đã sắp đặt trước, Lê Chất ra hiệu nhóm người thân tín ốp vào. Lâm Diễn bị chúng trói chặt. Chàng phẫn uất:

– Đồ khốn! Tao không ngờ mày táng tận lương tâm như thế.

Mặt trơ lì, Lê Chất lấy lọ thuốc độc đưa cho tên thuộc hạ:

– Hạ thủ đi.

Lâm Diễn căm hờn nhìn Lê Chất:

– Quân phản trắc, đê tiện. Hồn oan tao quyết báo thù.

Lê Chất khinh khỉnh:

– Thì mày cứ việc.

Một tên thuộc hạ nắm tóc Lâm Diễn giật mạnh đầu ra sau, bóp miệng đổ thuốc vào. Lâm diễn ho sặc sụa, nấc lên một tiếng, máu chảy thành dòng bên mép. Rồi lảo đảo khuỵu chân, ngã sấp xuống đất, người giật lên mấy cái, trút hơi thở cuối cùng. Lê Chất lại gần, thản nhiên cúi xuống đưa ngón tay vào mũi xem đã chết hẳn chưa, bất chợt thấy sau dái tai phải Lâm Diễn có một nốt ruồi son như hạt đậu.

Tin Lê Chất tự tử được loan ra. Quân Tây Sơn nhận diện tử thi và quả quyết đó là Lê Chất nên bẩm báo triều đình ngừng truy bắt. Nhờ kế “kim thiền thoát xác”, Lê Chất ẩn náu yên ổn trên núi Trà Bồng. Nguyễn Ánh vượt biển ra đánh Quy Nhơn, Lê Chất đem gia quyến tới xin hàng và dâng sơ đồ phòng thủ Thị Nại. Có được sơ đồ, Nguyễn Vương rất mừng, liền thu nhận. Tháng ba năm Kỷ Mùi, Nguyễn Vương lại ra đánh Quy Nhơn. Dựa vào sơ đồ và theo kế Lê Chất, quân Nguyễn dễ dàng chiếm được cửa Thị Nại, rồi tiến đánh hạ thành Hoàng Đế. Nguyễn Vương đổi tên là thành Bình Định, giao cho Đại tướng quân Võ Tánh trấn giữ. Lê Chất theo Nguyễn Vương về Gia Định, được phong tước Quận công.

*

Dẹp xong nhà Tây Sơn, năm Nhâm Tuất, Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế. Lê Chất là bậc khai quốc công thần được trọng dụng. Đường hoạn lộ thăng tiến. Năm Mậu Dần được phong chức Tổng trấn Bắc Thành, hàm Nhất phẩm, cai quản cả phương Bắc. Đến triều vua Minh Mạng, trưởng tử Lê Hậu lấy Nguyễn Phúc Ngọc Cửu, công chúa thứ tám của vua Gia Long. Thứ nữ Lê Thị Tường tiến cung, được Minh Mạng tấn phong cung tần, sinh hoàng nam là Nguyễn Phúc Miên Liên. Vinh hiển phủ phê, uy quyền tột đỉnh. Nhưng gần đây, do xích mích với các quyền thần ở triều như Nguyễn Hữu Thận, Trịnh Hoài Đức… nên bị họ ghét, thường tìm cớ chỉ trích, gièm pha… Điều đó khiến Lê Chất luôn cẩn thận đề phòng. Lại thêm chuyện Lê Hậu. Nó văn võ toàn tài, thông minh đỉnh ngộ. Quan hết lòng yêu thương, bảo ban nhắc nhở, tin tưởng sẽ xứng đáng kế thừa cơ nghiệp. Nhưng đôi lúc nhìn Lê Hậu, lại nhớ chuyện xưa, bởi nó giống hệt một người… Một đời xông pha trận mạc, đã chém giết biết bao người, kể cả những bằng hữu một thời dưới trướng Tây Sơn Vương. Nhưng không một chút bận tâm. Duy chỉ có ánh mắt căm hờn của người ấy trước khi chết thì cứ ám ảnh mãi…

Hôm đó, Lê Chất họp các nho sĩ Bắc Hà, những người giúp biên soạn bộ sách “Bắc Thành dư địa chí”. Quan Tổng trấn vuốt râu đắc ý:

– Sách đã soạn xong. Ta sẽ dâng cho hoàng thượng ngự lãm. Rồi sẽ luận công khó nhọc mà ban thưởng cho các ngươi.

Bỗng Lê Hậu lên tiếng:

– Xin phụ thân thưởng bồ đào mỹ tửu. Đừng ban rượu độc cho họ.

Mọi người kinh ngạc ngơ ngác nhìn nhau. Gương mặt Lê Hậu trông thật lạ, mắt sắc lạnh, ngun ngút hận thù… Lê Chất giận run người hỏi:

– Ý mày là gì?

Lê Hậu thản nhiên:

– “Điểu tận cung tàng”. Lời người xưa cao sâu lắm thay!

Lê Chất mắng:

– Nghịch tử! Sao mày dám lộng ngôn như vậy?

Một người tuổi tác đã cao đứng ra thưa:

– Bẩm quan! Trưởng tử trẻ người non dạ, lời nói còn nông nổi, xin ngài vì tình phụ tử mà tha cho một lần.

Người ấy vỗ mạnh vào vai Lê Hậu:

– Mau xin lỗi phụ thân đi.

Lê Hậu rùng mình, ngơ ngác như vừa tỉnh mộng, run sợ lắp bắp:

– Con… lỡ lời, xin phụ thân bớt giận.

Quan Tổng Trấn đứng dậy, hầm hầm bước vào trong. Người dự họp lẳng lặng ra về…

Sự việc chưa kịp lắng xuống, tết năm ấy, Minh Mạng tổ chức lễ mừng thọ Thái hậu hết sức trọng thể tại cung Diên Thọ. Phàm là người trong hoàng tộc dù ở kinh thành hay ngoài trấn cũng phải sắm sửa lễ vật về dự. Lễ xong, đêm ấy, vào cuối giờ tý, Thái hậu gọi Lê Hậu và Ngọc Cửu vào cung gặp riêng. Nhà vua cũng có ở đó. Thái hậu bảo Ngọc Cửu lại gần, trò chuyện tâm tình một lúc rồi nói với Lê Hậu:

– Ngọc Cửu là máu thịt của Tiên đế. Nay phận làm dâu phải rời cung cấm theo ngươi về phương Bắc xa xôi. Ngươi phải nâng niu chăm sóc không được để sắc vóc hao gầy, tổn hại cành vàng lá ngọc nghe chưa.

Lê Hậu cúi đầu xin vâng. Nhà vua hỏi:

– Phụ thân ngươi dạo này thế nào?

Vòng tay cung kính, Lê Hậu đáp:

– Tâu bệ hạ, phụ thân vẫn khỏe, chỉ có điều dạo này không được vui.

Giọng nhà vua trầm ấm:

– Chuyện gì xảy ra với ông ấy vậy?

– Phụ thân trách bệ hạ, vì hiền muội xuất thân cao quí, được tiến cung, sinh hạ  hoàng tử mà vẫn chịu phận cung tần. Lẽ ra phải tấn phong làm phi đứng đầu tam cung lục viện mới phải.

Mặt rồng cau lại, nhưng vẫn dịu giọng:

– Ông ấy còn nói gì nữa không?

Lê Hậu hồn nhiên nói:

– Thưa bệ hạ, phụ thân còn buồn bởi bệ hạ nghe lời của những kẻ xu nịnh tầm thường ở triều, xa lánh công thần ngoài trấn.

Nhà vua tức giận:

– Hắn dám khinh trẫm như thế à?

Lê Hậu quỳ xuống vái lạy rối rít:

– Thần chỉ nói lại lời thân phụ, không sai mảy may, xin bệ hạ tha tội!

Minh Mạng sa sầm nét mặt, cáo từ Thái hậu. Nhà vua đi khuất, Ngọc Cửu liền kéo Lê Hậu đứng dậy từ biệt Thái hậu. Ra khỏi cung, Ngọc Cửu tỏ vẻ lo lắng:

– Nhìn sắc mặt bệ hạ, thiếp biết người sẽ không bỏ qua chuyện này. Phụ thân sẽ gặp nguy khốn.

Mặt Lê Hậu xám ngoét:

– Có cái gì xúi giục ta thốt lên những lời ấy, không cưỡng lại được. Giờ phải làm sao đây?

*

Hôm sau, Minh Mạng gọi các đại thần vào điện Cần Chánh bàn việc. Vua bảo:

– Tổng trấn Bắc Thành có lời oán trẫm. Các khanh nghĩ thế nào?

Minh Mạng nói lại lời Lê Hậu. Phần đông các đại thần đều phẫn nộ trước sự bất kính của Lê Chất, họ hùa nhau kể thêm nhiều hành vi sai trái của Tổng trấn Bắc Thành như kết thân với Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt tạo vây cánh; rủ nhau từ quan một lượt ép vua; vào triều ngông nghênh không theo điển lễ… Cần phải nghiêm trị theo quốc pháp… Nhưng một vị can gián:

– Tâu bệ hạ, tội khi quân phạm thượng của Tổng trấn Bắc Thành đã rành rành. Nhưng Bắc Hà hiện còn chưa ổn, mầm mống phản loạn nhen ủ bộc phát khắp nơi. Chỉ có bàn tay sắt của ông ấy mới dẹp yên được. Xin bệ hạ suy xét kĩ.

Các đại thần lời qua tiếng lại, ý kiến không thống nhất. Hai hàng chân mày nhà vua chau lại, thói quen khi gặp chuyện khó xử. Lời Lê Hậu vẳng bên tai. Từ lúc kế vị ngôi báu, chưa một ai dám xúc phạm nhà vua như thế. Niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Nỗi căm giận như ngọn lửa thiêu đốt trong lòng đấng chí tôn. Nhà vua muốn đem kẻ bề tôi khinh mạn ấy lăng trì cho hả tức. Nhưng lời can gián vừa rồi ngẫm ra cũng đúng. Hiện thời, không ai có thể thay hắn trấn nhậm Bắc Hà được. Vì sự an nguy của xã tắc, để thêm ít lâu nữa cũng chưa muộn. Nhà vua phán:

– Việc này để trẫm xét sau. Các khanh không phải bàn tán gì nữa.

Chuyện xảy ra ở kinh tới tai Lê Chất. Quan Tổng trấn đứng ngồi không yên. Chạng vạng tối, phu thê Lê Hậu vừa về tới Bắc Thành, quan cho đòi Lê Hậu ra vọng lâu ở hoa viên phía sau gặp ngay tức khắc. Lúc này, trăng trung tuần nhạt mờ. Những cơn gió rờn rợn mang theo cái rét tháng giêng làm quan rùng mình. Mấy ngọn đèn lồng đỏ quạch lay lắt như vũ điệu ma quái. Tựa mình trên ghế, Lê Chất bồn chồn vừa giận vừa lo. Thằng nghịch tử bị mê lú hay sao mà dám nói lời lẽ ấy với vua? Nó không biết những lời ấy là tai họa ư? Vụ án Tiền quân Nguyễn Văn Thành còn rành rành ra đó. Cả một đời Tiền quân tận trung phò tá Đức Thế Tổ dựng nghiệp, công trạng lẫy lừng. Vậy mà chỉ vì nghịch tử Nguyễn Văn Huyên đam mê thi phú, ma xui quỉ ám thế nào lại làm một bài thơ bị đám gian thần suy đoán thêu dệt thành ý phản loạn. Kết cục Nguyễn Văn Thuyên bị xử trảm, Tiền quân bị buộc uống thuốc độc chết. Công và tội chỉ cách một làn ranh mỏng như sợi chỉ…

Bỗng một người lùi lũi bước tới. Lê Chất hỏi:

– Ai đó?

Một giọng nói lạnh lẽo:

– Không nhận ra à?

Lê Chất giật mình:

– Ngươi là…

– Cố nhân chóng quên thật. Lâm Diễn đây!

– Lâm Diễn nào? Mày đã chết rồi mà!

Lâm Diễn nói rành rọt từng tiếng:

– Phải! Tao chết thảm dưới tay mày. Gia đình li tán. Mẹ mất không thấy mặt con, thê tử bơ vơ, côi cút lưu lạc nơi góc bể chân trời. Nay tao về đòi món nợ năm xưa.

Rút gươm, Lê Chất rít lên:

– Vậy tao hóa kiếp mày thêm một lần nữa.

Lâm Diễn ngạo nghễ:

– Bàn tay mày đã gây bao tội ác. Giờ tới lúc phải đền tội!

Lâm Diễn áp lại, bóng chập chờn, Lê Chất kinh hãi vung gươm loạn xạ. Nhưng… Lâm Diễn đâu rồi? Chỉ có tiếng cười ghê rợn vang rền bốn phía như xoáy vào óc. Lê Chất hét lên: “Mày ở đâu? Ra đi!”. Tiếng cười nhỏ dần rồi tan biến mất. Lê Chất mở mắt. Không gian yên ắng. Lê Hậu quì mọp trước mặt từ lúc nào, không dám ngước mặt. Lê Chất sởn gai ốc, mồ hôi lạnh túa ra như tắm. Tra gươm vào vỏ rồi bước tới gần Lê Hậu, bất chợt thấy sau dái tai phải của trưởng tử có một nốt ruồi son, Lê Chất hoảng hốt kêu lên:

– Đích thị là mày rồi! Trời ơi!..

Càng không hiểu ý phụ thân trong lời nói vừa rồi, Lê Hậu càng thêm sợ hãi, co rúm người lại…

*

Ngọc Cửu lớn lên trong cung cấm, được nuông chiều yêu thương. Về Bắc Thành làm dâu, lòng nàng ngui ngút một nỗi nhớ không nguôi, nhớ tuổi thơ êm đềm, nhớ điện ngọc cung son. Giữa bốn bề xa lạ, nàng chỉ có thú vui duy nhất là yêu thương, chăm lo cho chồng con chu đáo. Con trai nàng tên Lê Luận, giống Lê Hậu như đúc. Cả nốt ruồi son sau dái tai phải. Không hiểu sao, thằng bé rất thích nước. Mỗi khi đi tắm, nó thích thú cười mủm mỉm. Lên bốn, vẫy vùng trong hồ không biết chán… Lê Hậu dạo này trở nên lạ lùng. Đôi lúc trầm ngâm, nét mặt ưu tư như có nỗi u uất trong lòng. Nàng hỏi. Lê Hậu không trả lời, chỉ im lặng thở dài. Chồng nàng gần đó mà sao cách xa vời vợi. Lại thêm căng thẳng ngấm ngầm giữa chồng với thân phụ. Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Cuộc sống ngày thêm phiền muộn, ngột ngạt, thấp thỏm lo âu…

Tết Đoan Ngọ, quan Tổng trấn Bắc Thành thết tiệc đãi các quan văn võ dưới quyền. Gần đây, quan thường đắm vào men rượu. Trông quan tiều tụy. Sắc mặt u tối, lúc nào cũng cau có. Những người hầu cận nơm nớp lo sợ mỗi khi lại gần. Chừng đã chếnh choáng, quan cáo từ đứng dậy đi vào thư phòng. Chân lảo đảo bước không vững. Lê Hậu tới đỡ phụ thân đi cùng. Bỗng từ trong ấy vọng ra tiếng quan quát tháo ầm ĩ. Rồi một tiếng thét rợn người. Mọi người chạy cả vào. Lê Hậu đang nằm sóng sượt trên vũng máu. Quan Tổng trấn cầm gươm, mắt ngầu đỏ lườm lườm nhìn thi thể Lê Hậu…

Tai họa giáng xuống bất ngờ, Ngọc Cửu đau đớn khôn cùng. Lo việc ma chay cho chồng xong, nàng trở nên ít nói, mặt mày ủ dột. Ngày lại ngày, nàng gắng gượng chăm lo, nuôi dạy Lê Luận. Thằng bé là nguồn sống duy nhất của nàng. Sau khi Lê Hậu chết, Lê Chất lâm bệnh lạ. Không ít lần đang nằm trên giường bỗng vùng dậy, tâm trạng bần thần, mắt dáo dác ngó quanh quất như muốn tìm kiếm cái gì. Hoặc nửa đêm tỉnh giấc, miệng lảm nhảm những lời lẽ lạ lùng không ai hiểu được. Người nhà cho là bị ma ám, chỉ còn biết lễ hậu cúng chùa, rước thầy về trừ tà, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, bệnh vẫn không thuyên giảm…

*

Năm Bính Tuất, thân mẫu qua đời, Lê Chất đang bệnh vẫn gắng gượng về quê thọ tang. Bệnh phát nặng rồi chết ở quê nhà. Tin ấy về tới Bắc Hà, giặc giã liền nổi lên khắp nơi, các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân làm quan quân triều vất vả đánh dẹp. Minh Mạng khép tội Lê Chất lúc sống không làm tròn phận sự chấn chỉnh quân uy, tiễu phạt kịp thời. Triều thần hiểu được ý vua muốn nhân đó mà truy xét tội phạm thượng của Lê Chất khi trước. Năm Bính Thân, quan Tả Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú dâng sớ xin xử Lê Chất mười sáu tội chết. Vua Minh Mạng chuẩn y. Gia sản Lê Chất bị tịch thu, vợ bị đưa về nguyên quán làm nô tỳ, cung tần Lê Thị Thường bị đày vào lãnh cung. Các con trai là Lê Cận, Lê Trương, Lê Kỵ bị kết án trảm giam hậu. Phần mộ Lê Chất bị san phẳng rồi dựng trên đó tấm bia đá khắc mấy chữ: “Gian thần Lê Chất phục pháp xứ” để bêu tiếng xấu muôn đời. Riêng trưởng tôn là Lê Luận bị đày đến miền biên viễn Quảng Yên. Vì Lê Luận còn niên thiếu nên Ngọc Cửu sai người nô bộc tâm phúc theo chăm sóc.

Năm Tân Sửu, vua Thiệu Trị lên ngôi, ban lệnh ân xá. Lê Luận được tha. Chàng về Hà Nội tìm mẹ. Sau vụ án năm Bính Thân, Ngọc Cửu nương náu nhà người bà con họ xa, ngày đêm trông chờ tin tức Lê Luận. Gặp lại con, mừng mừng tủi tủi, nước mắt lưng tròng. Lê Luận đã trở thành chàng trai rắn rỏi, da đen sạm. Ngọc Cửu đưa Lê Luận về quê viếng mộ nội tổ của chàng. Cỗ xe ngựa nhuốm bụi đường xa lộc cộc lăn bánh trên con đường làng đến trước mộ vào một chiều đông ảm đạm. Người xà ích cho xe dừng hẳn. Lê Luận nhanh nhẹn đỡ mẹ xuống xe. Cả hai bước lại trước mộ. Lê Luận chăm chú đọc mấy dòng chữ khắc trên bia đá, đột ngột thốt lên:

– Ác giả ác báo! Tạo ra oan nghiệt, tất nhiên báo ứng!

Ngọc Cửu khuyên giải:

– Người đã mất, nghĩa tử là nghĩa tận, không nên nặng lời.

Ngọc Cửu bày biện hoa quả trước mộ, thắp hương bái lạy. Những đám mây xám xịt mỗi lúc một dày đặc. Chợt những tia chớp lóe sáng xé toang bầu trời u ám. Tiếng sấm rền liên hồi vang động bốn bề. Ngọc Cửu bất giác nép vào con… Mưa bắt đầu lất phất… Lê Luận dịu dàng hỏi:

– Bây giờ mẹ con mình đi đâu?

– Đến một nơi thật bình yên để mẹ mãi được nương tựa bên con.

Trong đầu Lê Luận bỗng hiện ra một vùng biển xanh biếc, những con sóng bạc vỗ rì rầm vào bờ cát trắng. Một cái làng chài với những người dân mộc mạc, chân chất, mặn mòi nắng gió. Nơi đã cưu mang chàng trong những năm tháng lưu đày, cuộc sống kham khổ nhưng ăm ắp tiếng cười. Chàng vui vẻ đáp:

– Có một nơi không đền đài cung gấm, không khanh tướng công hầu nhưng luôn ấm áp tình người.

Ngọc Cửu thảng thốt:

– Thế gian này có một nơi như thế sao con?

– Vâng! Thưa mẹ!

Nguồn Văn nghệ số 38/2018