R.Tagore (1861-1941) là nhà thơ vĩ đại của tâm hồn Ấn Độ. Ánh sáng huyền bí của tôn giáo, những suy tư triết học về con người nảy nở trên quê hương là dòng mạch chính chung đúc nên tư tưởng của R.Tagore. Bước vào thế giới nghệ thuật thơ R.Tagore, ta như được dẫn bước vào vườn ý niệm trong tâm người mà niềm yêu kính, ngưỡng vọng thiêng liêng hướng đến chúa, đồng nhất trong tình yêu vô lượng với con người và cuộc đời. Màu sắc tôn giáo ấy không chỉ được kiến tạo bằng những hình ảnh, giọng điệu sùng kính, cốt truyện đẫm màu tôn giáo mà gây ám ảnh bởi những dấu hiệu không gian gắn với những nghi thức hành lễ đặc biệt.

1. Con đường: không gian hành hương

Là bạn đồng hành của lữ khách, con đường trong thơ  R.Tagore là một hình tượng nghệ thuật đầy ám ảnh bởi tần suất xuất hiện và ý niệm chuyên chở. Ấy là cuộc hành hương trong tâm tưởng. Đến với thượng đế, niềm khao khát cháy bỏng trong tâm lữ khách phải trải qua một con đường dường như không có điểm kết thúc: “Thời gian cuộc hành trình tôi đi thì dài và đường đi cũng thế” (1); “Vinh dự thay cho anh chủ nhân oai hùng của đường dài vô tận” (2).

Nhưng đó là con đường mà chủ nhân trước khi đi, đã chuẩn bị tinh thần: “Đây là cuộc đi xa xôi nhất”. Bởi đây là cuộc ra đi vĩ đại mà điểm kết của cuộc hành trình là cuộc hạnh ngộ vĩ đại: “Tôi được đến bên Người”, “được chạm vào chân Người”, “được gặp mặt Người”. Cái đích của chuyến đi hiện ra khi cùng với những khao khát của lữ khách là sự dấn thân không mệt mỏi trên con đường thiêng: “Trước khi về tới nhà mình, lữ khách phải lang thang qua bao thế giới bên ngoài cuối cùng mới đến miếu thất sâu thẳm bên trong” (bài 12 – Lời dâng). Trong hành trình ấy, tình yêu thượng đế là người hướng đạo, chỉ cho lữ khách con đường phải đi, cái đích sẽ đến: “Cuối đường đá xám, tại vùng quê tịch mịch um tùm, bạn tôi đang ngồi một mình cô đơn” (3).

Dẫn ta đến cõi thiêng phải là một con đường thiêng mà nhiều khi ta chỉ có thể tìm được lối nhờ ân sủng của Người: “Bỗng dưng không gian chuyển động rùng mình, bầu trời dường như cúi xuống hôn trán tôi: Tâm trí bàng hoàng, tôi chợt tỉnh, chẳng khác gì ban mai thoát khỏi sương mờ” (4). Bằng tình yêu, Người đã đánh thức tâm trí “tôi”, kéo “tôi” ra khỏi những ham muốn tầm thường, đẩy “tôi” vào một con đường mới, mở ra trước mắt “tôi” một “thế giới thần tiên”, thế giới tạo vật – thực ra vẫn là thế giới quen thuộc xung quanh “tôi”, nhưng trước đó, khi tâm linh chưa tỉnh giấc, đời sống chỉ là theo thói quen. Với con đường mới, nhãn quan mới, “tôi” đã phát hiện ra vẻ lộng lẫy thần tiên của bông hoa thế giới mà mãi mãi sẽ chỉ là chiếc nụ phong kín hương sắc trước những “lối mòn” của cuộc đời. Bằng thực nghiệm tâm linh, nhân vật trữ tình đã nhận được một hạnh phúc lớn lao trên hành trình hòa hợp với cuộc đời: tìm thấy tuổi thơ bất diệt, tìm thấy sự vĩnh cửu của đời người trong lòng tạo vật.

Đối với R.Tagore, sống và chết như hai bờ của một dòng sông. Không ở đâu, ta bắt gặp một cách nhìn về cái chết nhẹ nhàng thanh thản như R.Tagore. Thần chết hiện ra như một người bạn: “Bây giờ là những người bạn cùng chơi trong những ngày trống rỗng vui vẻ gọi tim tôi về với anh ta” (5), như một vị hôn phu mà giai nhân nóng lòng chờ đợi: “Hoa đã kết thành tràng, sẵn sàng chờ đợi tân lang…” (6), như người mẹ hiền đón con vào giấc ngủ nồng say: “người xa lạ không tên gọi, không hình thù, với dáng dấp mẹ tôi hiền từ, đã giang tay ôm tôi vào lòng” (7)… Từ giã cuộc đời để đến với thần chết chỉ như trước một chuyến đi chơi xa: “Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường” (8). Bởi con đường ấy không dẫn ta đến điểm kết của đời sống mà đến với một cuộc sống mới với tinh thần bất tử: “Ôi, thượng đế, kính lạy Người lần cuối, như đàn hạc hoài hương, ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao, xin cho tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu” (9).

Con đường hành hương dẫn ta đến với thần chết, cho ta cơ hội để nhìn ngắm thế giới, nhìn lại mình và cảm nhận được sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc đời. Như vậy, trong cảm thức của chủ thể trữ tình, hành hương không phải là đến với những điện thờ âm u, huyền bí hay một cõi xa xôi, con đường hành hương dẫn ta đến với Người – vị chúa đời để ta nhận ra mình trong sự hòa hợp vẹn toàn.

2. Ngôi nhà: nơi linh hồn cư trú

Điểm gốc của cuộc hành hương đến với tử thần của mỗi linh hồn là ngôi nhà. Trong các bài thơ nói về cái chết, cuối tập thơ Tâm tình hiến dâng và Lời dâng, hình tượng ngôi nhà trở đi trở lại, là kết quả của nỗi ám ảnh không gian, nơi cư trú của linh hồn cá thể trên cõi thế.

Đây là lời chào của lữ khách trước khi lên đường:

Tôi đã được phép giã từ. Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường.

Này đây chìa khóa tôi gài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin anh em tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân.

Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm; nhưng anh em đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em. Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt. Lệnh triệu ban rồi, tôi đi đây (10) .

Cuộc chia tay nào cũng lưu lại chút dư vị luyến tiếc ngậm ngùi trong lòng kẻ đi người ở. Song cuộc chia tay này, người ra đi dường như đã có sự chuẩn bị từ lâu. Trong lời chào anh em ở lại chỉ hàm chứa sự biết ơn với lòng thanh thản. Chìa khóa “căn nhà” được trao lại như một sự cảm tạ cuối cùng với những người hàng xóm “đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em”. Hình ảnh ngọn nến đã tắt trong tương quan với ngôi nhà và lời từ biệt là sự khép lại một đoạn đời của linh hồn nơi trần thế vốn được che chở bởi một không gian cụ thể: ngôi nhà – thân xác. Ở đây cái tôi tâm linh đắm chìm trong một trạng thái đặc biệt ở một thời khắc đặc biệt: giao điểm của sự sống và cái chết. Song cảm nhận về thời khắc đó nhẹ nhàng vô chừng, bởi với tôi, đó là một cuộc dịch chuyển từ không gian này sang không gian khác nhưng vẫn “dưới cùng một bầu trời”.

Nếu khát khao mãnh liệt của mỗi người trên cõi trần thế là ngày một thống nhất hơn với thượng đế thì khi cuộc đời chấm dứt, khao khát mãnh liệt của con tim ấy là “xin cho đời tôi phiêu du đến quê hương vĩnh cửu ngàn thu”. Bởi đến một thời điểm, khi mỗi người cảm thấy đã quá đủ, quá thừa thì linh hồn nhỏ sẽ rời khỏi thân xác, dù cố công níu giữ cũng không được: “Trong chờ đợi tuyệt vọng, tôi đi tìm nàng, hết mọi xó góc căn phòng; không thấy nàng đâu. Nhà tôi nhỏ bé, cái gì đã ra đi chẳng thể nán lại bao giờ” (11). Trong một trạng thái đặc biệt, con người tâm linh đã phân thân: nhà tôi – tôi – nàng để tự thấu suốt mãnh lực huyền bí của đấng sáng tạo. “Nàng” đã từ bỏ ngôi nhà của tôi để đến với Người, tìm thấy sự hòa hợp vẹn toàn ở một thế giới khác ngoài cõi sống. Đó cũng là con đường tất yếu của mọi vật tạo nên dưới bàn tay của thượng đế.

Cửa, trong tương quan với ngôi nhà là lối mở, nối kết một tiểu vũ trụ với toàn thể bao quanh. Trong những tiếng gõ cửa của thế giới bên ngoài, tiếng gõ cửa của thần chết gây một chấn động đặc biệt. Thần chết rồi sẽ đến gõ cửa từng nhà, gọi từng linh hồn trở về với ông ta bởi đó là phận sự mà đấng tối thượng đã giao phó. Mỗi linh hồn đều ý thức được điều ấy. Bởi vậy, điều băn khoăn lớn nhất không phải khi nào thần chết đến gõ cửa mà là: “Vào hôm thần chết đến gõ cửa, anh sẽ lấy gì biếu hắn, hở anh?” linh hồn tự hỏi chính mình để rồi tự trả lời mình: “Ồ, tôi sẽ đặt trước mặt khách cốc rượu đời mình tràn đầy… Tôi sẽ đặt trước hắn tất cả trái nho thơm dịu của những ngày mùa thu, những đêm mùa hè, những gì kiếm được, những gì chắt chiu trong suốt cuộc đời cực nhọc” (12). Khi còn an cư trên cõi thế, mỗi linh hồn đã hiểu ý nghĩa lớn nhất của cuộc đời là “nhận và cho một cách can đảm” thì vào thời khắc này, khi thần chết đã đến, linh hồn lại thấy ý nghĩa của đời người trước biên giới tử – sinh là dâng tặng tất cả những gì đã chắt chiu trong suốt cuộc đời cực nhọc. Và ấy là lúc “ngọn đèn” đã tắt, chẳng còn gì trong “căn nhà hoang lạnh”. Đó là sự tắt sáng của linh hồn trên cõi thế để tỏa sáng ở một không gian khác: không gian vĩnh cửu.

Không gian ngôi nhà, trong cảm nhận của cái tôi là ngôi nhà của nhân gian ở tính chất mô hình giản dị nhất: một không gian có cửa, được thắp sáng bởi ngọn nến. Dù đắm chìm trong thế giới của riêng mình, ngọn nguồn cảm quan của tôi vẫn không xa rời hiện thực. Nhưng khi đặt ngôi nhà vào bối cảnh đặc biệt, bối cảnh của những cuộc du ngoạn và đối thoại trong tâm tưởng thì ngôi nhà hiện thực ấy lại ẩn chứa cả một thế giới siêu thực.

3. Hồ: không gian thanh tẩy và hóa giải

Hồ cũng như các nguồn nước khác (sông, biển) thường đi vào thi ca như người bạn thân thiết, nơi kí thác những tâm sự sâu kín của thi nhân. Trong thơ R.Tagore, hồ xuất hiện không phải như đối tượng của cảm xúc mà hoàn toàn thông nhập vào tâm tưởng nhà thơ tạo nên một hình tượng đặc biệt – một không gian nội hóa.

Cũng như các bài thơ khác của R.Tagore, bài 12 – Tâm tình hiến dâng rất giản dị. Hình ảnh người phụ nữ mang bình ra sông, hồ lấy nước là hình ảnh quen thuộc đã đi sâu vào tâm thức những người dân Ấn như một biểu tượng vẻ đẹp truyền thống nơi đây. Hình ảnh sinh hoạt bình thường ấy đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, góp phần hoàn thiện bộ mặt tinh thần người Ấn. Nước, ở phương Đông, được coi như yếu tố thứ nhất, khởi nguyên của sự sống, kết hợp với người phụ nữ – biểu tượng của đấng sáng tạo, của vĩnh hằng đã kiến tạo một hình tượng tuyệt vời mang ý nghĩa triết học: người phụ nữ là người chuyên chở nâng niu sự sống. Hồ chính là nguồn sống, nơi chứa đựng những mầm sống thế giới. Hồ nước và người phụ nữ gắn kết với nhau bằng mối quan hệ tình yêu, một kết hợp để thai nghén và gieo mầm sự sống. Bởi thế, lời vẫy gọi: “Nếu em mang bình đi lấy nước, xin hãy đến hồ tôi” là lời tình nhân với tình nhân. Tình yêu ấy không phải đến từ hôm qua mà được tác thành từ lâu: “Tôi quá quen với nhịp bước em đi, mỗi nhịp đập vang mạnh vào tim”. Hồ là nguồn sống tràn trề, luôn sẵn sàng dâng hiến cho em.

Trong đời sống tâm linh người Ấn, nước có tác dụng thanh tẩy. Sông Hằng, dòng sông có sức thanh lọc thần kì, từ buổi mai xa xưa của lịch sử đã gọi đến bên mình hàng triệu người Ấn để tẩy gội mọi uế tạp tội lỗi. Tắm nước sông Hằng là một nghi thức tôn giáo thiêng liêng. Hàng năm, trên sông Hằng diễn ra một lễ hội tắm lớn gọi là lễ KumbhMela. Chính R.Tagore cũng khẳng định trong Sâdhanâ: “Nước không chỉ rửa ráy tay chân mà còn thanh lọc con tâm, bởi vì nó tiếp xúc cả tâm hồn”. Vì thế, đến với “hồ tôi”, em sẽ tìm thấy sự mát mẻ, thanh thản cũng như cảm nhận được sức huyền diệu của nước – màn lọc tâm hồn. Trong lời mời tha thiết của “hồ tôi” có cả tình yêu khát khao được thấu nhận sự tương thông giữa cá nhân và tha nhân.

Với mỗi sinh linh, cái chết là sự khép lại một vòng đời. Ngay cả khi quẫn trí và muốn quyên sinh, cũng hãy chọn cho mình một nơi nương náu thích hợp cho linh hồn. “Hồ tôi”, ấy là nơi chốn nương náu vĩnh cửu của tâm hồn “em”, khi sự sống nơi “em” đã ngưng nghỉ. Không hẳn là thiên đường hay chốn niết bàn xa xôi mà là không gian gần gũi, có thể nhận thấy bằng trực giác nhưng sức mạnh của nó thật diệu huyền: thanh tẩy, hóa giải, khơi nguồn sự sống, đón nhận sự trở về của linh hồn. Những cuộc hành trình đến với “hồ tôi” cũng là hành trình đến với thượng đế, bởi đó cũng là một hiện thân của Người. Chỉ cần hướng tới Người trong tâm như người sùng đạo khát khao được tắm nước sông Hằng cứ đinh ninh trước mặt là sông Hằng thì tất sẽ được thanh tẩy.

Không gian trong thơ R.Tagore là một biểu hiện cụ thể của thế giới nghệ thuật thơ đầy bí ẩn và ám ảnh. Những dấu hiệu không gian mang màu sắc tôn giáo được chuyển hóa qua tâm hồn mơ mộng của thi sĩ, trí suy tưởng triết gia khiến cho chúng có tính chất của một không gian nội cảm. Đó là lý do khiến người đọc được diện kiến một không gian tinh thần, được tạo tác bởi niềm tin, tình yêu kính và khát vọng hòa hợp mãnh liệt với thượng đế và cuộc đời.

________________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. R.Tagore, Tuyển tập tác phẩm, tập 2, Nxb Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004, tr.488, 507, 513, 680, 531, 532, 531, 533, 538, 533, 530, 532.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : HOÀNG THỊ HẠNH