Bà mở cửa đi ra, sương sớm như một đám khói ùa vào trong nhà, lạnh buốt. Sương mù. Bà kêu lên rồi vội vàng đóng cửa, quay vào, mặc thêm chiếc áo, khoác chiếc áo mưa ra ngoài rồi lấy thêm một mảnh ni lông trùm lên chiếc thúng đựng bao tải gai bên trong. Bà khóa cửa, đi ra ngõ phố. Một cái ngõ sâu hun hút và rất nhiều ngách ngang dọc, chằng chịt, đánh số thứ tự từ số 1 đến số 18.
Ba mươi hai năm nay, bà đã quá quen thuộc với ngõ có 18 ngách của khu phố Giăng Sáng. Khu phố dành cho người nghèo nằm ở phía bắc trung tâm thành phố, nơi tụ tập đủ các hạng người trong xã hội và chủ yếu là thuê để ở. Những công chức nhà nước mới chuyển đến thành phố làm việc. Những công nhân của các công ty, cánh bán hàng ngoài chợ, những người chuyên đi làm theo mùa vụ, sinh viên thuê nhà, các cô gái làm nghề gội đầu và cả những kẻ chưa bao giờ biết đi khai báo hộ khẩu tạm trú …
*
Lò bánh mỳ Phúc Hưng nằm phía cuối đường Sống Mòn. Mấy năm gần đây các xưởng làm bánh mỳ chuyển sang dùng điện thay thế toàn bộ công nghệ nướng bánh bằng than. Nhanh, sạch, không tốn mặt bằng. Chi phí thấp. Nhưng lò bánh nhà Phúc Hưng vẫn bảo thủ cùng phương pháp thủ công. Khách hàng thưa dần rồi vắng ngắt như sân khấu chèo. Nghe người ta bình phẩm thế, ông chủ lò bánh vẫn tỏ ra bình thản. Ông lẩm bẩm: “Dù sao vẫn cần có một nhà hát chèo”.
Cũng còn một số khách hàng quyết sống mái cùng với ông. Bà là một trong số ít ấy. Bà không nghĩ như ông, có nhà hát chèo hay không có cũng thế thôi, chỉ đơn giản bà sợ sự thay đổi và bỏ ông mà đi đến các xưởng mới thì thấy thế nào ấy. Bánh vẫn bán được, nhưng ít. Có lúc bà cũng tính toán nhưng rồi lại nghĩ khi ông chủ đóng cửa lò thì bà sẽ đàng hoàng đi lấy bánh ở các xưởng bánh chạy điện và gặp ông, bà sẽ không bị ngượng ngùng. Hôm nay, cũng như thường lệ, bà thường là khách hàng đến lấy bánh mỳ sớm nhất.
Sương mù ngày càng dày đặc hơn. Trời tối hơn lúc nãy.
Đám hơi nước nặng trĩu, bay sát mặt đường, ướt nhem nhép. Lúc ra khỏi khu phố Giăng Sáng bà có cảm giác như đêm đang trở lại làm cho bà thấy lo lắng. Có thể bây giờ mới đang nửa đêm, mình dậy sớm mất rồi. Trời tối lắm. Bà lại quả quyết mình không thể nhầm được. Bà đã nhìn đồng hồ lúc thức dậy, vả lại cái đồng hồ sinh học trong cơ thể bà luôn luôn chính xác. Bao giờ bà cũng thức giấc vào lúc bốn giờ sáng. Đã bao nhiêu năm. Quen rồi. Chiếc đồng hồ người vẫn chạy trơn tru lắm!
Ông chủ lò bánh đang ngồi nhìn ra đường. Sương mù làm cho bóng ông nhòe đi. Chắc ông ấy đang lo soắn vó. Nhìn thấy bà đi vào, ông liền hỏi ngay:
– Bà lấy bao nhiêu cái?
– Cho tôi 50 cái.
Ông chủ Phúc Hưng cất tiếng gọi. Một người nhân viên đi ra, lấy chiếc bao tải gai trong chiếc thúng như một cái máy đã quen thuộc rồi quay vào phía trong. Ông chủ nhìn bà trong lúc bà đang chăm chú nhìn chiếc đồng hồ báo thức đặt ở bàn. Ông ngạc nhiên hỏi:
– Hôm nay bà lấy nhiều bánh thế, có khách đặt à?
Bà vui vẻ hẳn lên vì biết chắc mình đã không bị nhầm giờ. Nghe tiếng hỏi bà liền nhìn vào mặt ông, trả lời:
– Không. Hôm nay tôi “mở tuyến” mới.
Ông cười vì sự hóm hỉnh của bà rồi hỏi:
– Tuyến nào thế?
– Phố Đông Quan.
Ông chủ Phúc Hưng đẩy cao chiếc kính trắng lên, nhìn bà chăm chú. Bà biết ánh mắt ấy đang tò mò hỏi liệu xem có bán được không? Mấy hôm trước bà có thăm dò mấy đứa trẻ cũng chuyên bán bánh mỳ như bà xem chúng đã bán ở đấy chưa, bán được không? Chúng bỉu môi bảo: “Khu ấy toàn công chức nhà nước. Ai người ta thèm ăn”. Thực ra bà chỉ hỏi bâng quơ thế thôi, cũng chưa có ý định đi sang bán bên ấy.
– Tôi cũng liều một nhát xem sao. Bánh mỳ nhà mình làm thủ công. Ngon! Mà cán bộ nhà nước lại thích ăn ngon. Ông thấy có phù hợp không? Bà hỏi lại ông một câu.
– Ừ thì… cũng chỉ là một thứ quà sáng, ăn chơi! No béo gì đâu.
Ông vui vẻ nói câu động viên.
– Cho tôi thêm năm dây sữa “cóc”. Bà nói. Ông đứng dậy lấy.
Bà xếp bánh cùng mấy dây sữa nhỏ vào thúng, lấy mảnh ni non trùm kín, ấn khít xung quang miệng, cắp nó lên hông, chào ông chủ rồi bước ra khỏi xưởng vừa lúc có khách hàng mới phi chiếc xe đạp thồ lên vỉa hè, khẽ quệt vào thúng bánh. Không sao!
Bà bước xuống lòng đường. Ánh sáng đèn đường rất đục. Phố xá đã bắt đầu có nhiều tiếng động. Tiếng kéo cửa sắt xếp ken két, tiếng sền sệt mài xuống nền của cánh cửa gỗ. Bà cất tiếng rao đầu tiên:
– Ai bánh mỳ nóng giòn đơ…ây…ây…
Tiếng rao chìm trong xương mù.
Âm thanh của nó như cố bơi qua làn hơi nước và bị kiệt sức, chìm xuống nơi cuối con đường. Đến chỗ rẽ, bà tiếp tục đi theo con đường uốn cong hình vòng cung. Chừng nửa cây số thì kết thúc, gặp một con đường khác. Kiến trúc nơi giao điểm của hai con đường giống hệt mõm hai con cá sấu há to, đớp cái bùng binh ở giữa. Đi đến đây thì bà bỗng có chút lưỡng lự. Hàng ngày, cũng tại điểm này, bà rẽ trái tắt qua bùng binh ra đường Đôi Mắt. Trước đây con đường Đôi Mắt dài nhất, đẹp nhất và bị chặn lại bởi con sông Lam Kiều chảy qua thành phố. Mấy năm nay người ta nối dài con đường, bắc cầu treo qua sông đi tới khu phố mới sầm uất Đông Quan. Bà chưa lần nào đi đến con đường mới ấy, cũng chưa một lần đi qua cái cầu treo dây văng ấy, mà chỉ nghe nói bên đó giống như một phiên bản Hồng Kông giữa thành phố này. Bà thường đến bán bánh mỳ ở khu chợ nằm ở cạnh con đường cũ. Quanh năm, suốt tháng, khu chợ hoạt động bắt đầu từ lúc bốn giờ sáng. Nếu là mùa hè chợ hoạt động sớm hơn cả tiếng đồng hồ. Một số chiếc bánh mỳ nóng giòn bà mở hàng tại đây cho những thương lái thức đêm vàng mắt để gom hàng và cho cánh phu xe, bánh mỳ kẹp vào nách, hai bàn tay nắm chặt càng xe, len lỏi chuyển hàng trong khắp khu chợ. Trời bắt đầu sáng hẳn bà ra khỏi khu chợ, tiếp tục đến giao bánh cho hiệu bánh mỳ pate Xu-Vơ – Nia vang danh, quán bánh mỳ sốt vang Dì Hảo nổi tiếng thành phố. Giao hàng xong, bà quay lại khu chợ lúc này đã rất đông người, bán lẻ bánh mỳ cho các hộ tiểu thương, mặc dù đã xơi cơm hoặc chén phở tái nhưng vẫn mua chiếc bánh mỳ để “ăn chơi”. Thường ngày bà bán trăm cái bánh vào mỗi buổi sáng. Cũng có ngày bán chạy, bà quay lại lò bánh Phúc Hưng để lấy thêm hàng. Đúng ra bà phải tới bán ở khu quen thuộc này trước đã. Số bánh lấy thêm bà sẽ đi bán sau, muộn hơn, đúng với dự định.
*
Phút lưỡng lự nơi có cái bùng binh đầu cầu Lam Kiều làm cho bà bị phá sản kế hoạch mua một đôi ủng cao su ngắn cổ để đi vào những ngày mưa rét sắp tới. Mùa đông năm nay đến muộn, nhưng kiểu gì nó cũng đến, dù quả đất có nóng đỏ lên, có biến đổi khí hậu thế nào thì nó vẫn đến, đem theo mưa phùn và rét ngọt. Bà nghĩ như thế và rất sợ. Bất giác nhìn xuống đôi dép tổ ong mới đi hai năm đã hỏng, bà thầm trách dép bây giờ không tốt bằng dép ngày xưa! Nhưng không sao, thắng 50 chiếc bánh mỳ này bà sẽ mua một đôi ủng, dép để mùa hè năm sau lại đi tiếp. Ngày hôm nay, siêu thị Lão Hạc khai trương vào lúc chín giờ sáng, giảm giá tới 30% tất cả các mặt hàng. Bà sẽ mua nó vào ngày hôm nay. Chắc chắn thế! Hôm nay có thể là một ngày may mắn, phát triển thêm thị trường mới đầy tiềm năng, lũ trẻ con không thể có kinh nghiệm ba mươi hai năm bán bánh mỳ như mình. Ngày mai, gió bấc tràn về, bà sẽ có một đôi ủng mới. Mấy năm trước bà đã có ý định mua nó, song rồi thấy đôi chân mình còn khỏe, chịu được cả sương muối. Nhưng bây giờ thì đôi bàn chân ấy trở nên lóng ngóng, rất bướng bỉnh. Đầu tư lúc này là đúng thời điểm. Tâm trạng cực kỳ hưng phấn khiến bà quên mất phải rẽ trái nhưng lại rẽ phải. Những ngã rẽ ở cuối con đường thường làm cho người ta phân tâm. Bao giờ cũng thế, rất nhiều lần, tại những ngã rẽ mới đầy hoang mang song sự tò mò, hấp dẫn như có con ma rủ rê, lôi kéo bà và thường thì nó thắng.
Chút lưỡng lự lúc ấy bà cũng thoáng nhận ra thời điểm rất sớm, lại có sương mù khiến cho thành phố dậy muộn hơn. Hôm nay còn là ngày chủ nhật – ngày Lười. Ngày Lười này tạo cơ hội việc làm cho biết bao người nhưng con người cũng như con thú chẳng con nào dại gì bước ra khỏi hang lúc này. Nhưng khu chợ trên đường Đôi Mắt thì ngược lại. Họ không được phép dậy muộn, họ không có ngày Lười để nghỉ ngơi. Những chiếc bánh mỳ của bà cũng không được phép chậm trễ. Ông trời không ban ân huệ ấy cho họ.
Khi nhớ ra đầy đủ sự tính toán, chuẩn bị từ trước thì bà đã đi sang nửa cầu bên kia. Bà biết rõ hôm nay trời có sương mù nhưng bà vẫn lấy nhiều bánh mỳ nhất. Chà! Mình già mất rồi. Già rồi, lẫn cẫn, đáng đời!
Bà đang ở trên độ cong cao nhất của chiếc cầu. Trên này gió to, hơi sương quất vào mặt, lạnh buốt. Hai năm nay thị lực của bà giảm xuống rất tệ hại. Những người già khác thị lực phục hồi nhưng bà thì ngược lại, bà không thể nhìn rõ như trước nữa mà chỉ thấy mọi thứ cứ nhập nhòe, mờ mờ. Cầu Lam Kiều vào giờ này không một bóng người. Đứng ở hai bên đầu cầu người ta cũng không thể nhìn thấy bà. Phía đầu cầu bên kia có một quầng sáng vàng vàng của đèn đường, ánh sáng không đủ xuyên qua màn sương. Dưới gầm cầu là một dòng sông sương đang cuồn cuộn chảy. Bên dưới nữa là dòng sông, bà biết chắc chắn thế nhưng sương mù như những đám mây bồng bềnh, liên tục khiến cho bà không được tự tin vào bước chân của mình. Nếu không may trượt ngã khỏi thành cầu, những đám mây sương dưới kia sẽ giữ lại, đưa bà sang một thế giới khác, không phải thế giới bên kia như người ta nói làm cho suy nghĩ của bà hết sức mông lung. Bà không dám đi sát thành cầu và cố gắng đi thật nhanh. Thúng bánh mỳ bao giờ cũng nằm ở sườn bên phải khiến xương sống quẹo sang trái trông rất khó coi. Nhiều lần bà có ý định quay lại nhưng rồi lại tiếc quãng đường đã di chuyển. Biết đâu bà sẽ bán hết được số bánh mỳ trong buổi sáng hôm nay? Hôm nay bà sẽ gặp may mắn với lại bán ở địa điểm mới giống như người ta đi khai hoang. Có thể thành công nhưng cũng có thể nghèo thêm. Không sao! Phải liều thôi. Buôn bán là thế. Được ăn cả, ngã về không. Không có đường lùi nữa rồi. Không thành công thì thành gio! Không sao! Bà cố gắng tự động viên mình nhưng xem ra nó đã bắt đầu đang lung lay. Sự may mắn cầu âu khiến bà thấy lo lắng.
Sang đến đầu cầu bên này bà áng chừng khoảng năm giờ rưỡi sáng. Con đường đột ngột mở rộng ra. Một đại lộ rộng lớn hiện ra trước mắt làm cho bà choáng ngợp. Bên trái là hồ nước mới đào chạy dọc theo đại lộ, mặt hồ rất rộng và cũng đang chìm trong sương làm cho nó phồng lên và phóng đại ra như mặt biển. Bà thấy chân đau và cái lưng mỏi ghê gớm liền dừng nghỉ dưới chân cột chỉ đường.
Một khu phố hoàn toàn mới. Lạ lẫm. Đầy hoang mang. Lo lắng.
Bà thầm trách mình chưa một lần bước chân sang đây. Nếu như, chỉ cần bà tò mò một lần. Chắc mình chỉ dám đi đến đây, chính cái chỗ này rồi đằng sau quay. Đi cho biết. Thế thôi! Nó quá cao sang và quá chênh lệch với những gì bà đã từng thấy. Thôi thì… giá như… cuộc đời bà đã có biết bao lần giá như. Không sao! Thiên hạ còn đầy ra đấy. Nhưng lần này thì khác. Bà thấy hối hận. Nếu có ai đó đem bà bỏ vào nơi này, bà sẽ bị lạc ngay trong thành phố của mình là cái chắc. Bà bám tay vào chiếc cột, thở, ngước cặp mắt kèm nhèm nhìn lên tấm biển đề: Đại lộ Ta Đi Tới và thấy rợn ngợp trước nó. Con đường rộng lớn, đen nhánh, thẳng tắp. Những vạch sơn phân làn đường thẳng tắp. Hai hàng cột đèn thẳng tắp. Hai hàng cây xanh cũng trồng thẳng tắp. Đẹp, rất đẹp. Bà thấy cái tên của đại lộ cũng đẹp. Ừ, thì Ta Đi Tới nào! Không thể nghỉ hơn được nữa. Phải hành quân thôi. Cặp chân bướng bỉnh có phần lười biếng buộc phải nghe theo. Bà nhẩm tính nếu đi hết con đường này sẽ mất nhiều thời gian, không như các đường phố thuộc trung tâm vừa ngắn lại vừa nhỏ. Bà cất thúng bánh mỳ lên hông rồi cắm cúi đi. Bên phải đại lộ là những tòa nhà cao, to, lừng lững, rất lạ, khác hoàn toàn với khu phố Giăng Sáng của bà. Nó thuộc đẳng cấp khác. Người ta ví nó là Hồng Kông, quả thật không ngoa. Đi đối diện tới mỗi tòa nhà bà đều nhìn vào. Tất cả các cửa còn đóng chặt. Có những tòa biệt thự nằm sâu phía bên trong cổng sắt cũng chưa có cái nào mở cửa. Ôi, đẹp thật. Hoành tráng quá! Những ngôi nhà nằm ven đại lộ khiến bà liên tưởng đến những tòa nhà Đế quốc. Mình lạc hậu thật. Quanh năm, suốt tháng chỉ đi những tuyến đường đã định và trở về với khu phố vốn có. Khu phố ấy không hề thay đổi trong suốt ba mươi hai năm nay. Cũng có một vài căn xây mới nhưng diện tích nhỏ và thường méo mó nên những ngôi nhà ấy chẳng đẹp và không hiện đại tý nào. Tiện ích là chỗ ở, bà nghĩ như thế.
Từ lúc bước chân sang khu phố mới bà chưa rao một lần nào. Bà biết tiếng rao bánh mỳ sẽ chìm trong sương và không thể lọt qua những khe cửa dầy làm bằng gỗ nguyên khối cho nên bà lầm lũi bước chỉ như một chấm nhỏ, lạc lõng trên đại lộ rộng mênh mông. Thỉnh thoảng có chiếc ô tô, ánh đèn chiếu sáng xuyên qua màn sương, lao vút đi mà không nghe thấy tiếng động cơ, chỉ nghe tiếng động nhem nhép của lốp xe bám mặt đường.
Giờ thì bà không thể đoán hiện đang là mấy giờ sáng, thấm mệt và cả nỗi lo ế bánh. Như mọi khi, vào giờ này sương loãng dần ra khi có ánh mặt trời. Bà mong cho mặt trời lò ra quá chừng nhưng cứ xem tình hình thế này, sương mù còn dày đặc thì có lẽ phải đến trưa mới tan sương. Sương mù kiểu gì vậy? Chắc là sương mù kiểu mới. Kiểu biến đổi khí hậu như người ta nói đây. Nếu biết thế này thì bà sẽ lấy ít bánh hơn, ít hơn cả mọi sáng. Bà chưa thấy có trận sương mù nào tai hại như này. Hóa ra sáng hôm nay mình đã không gặp may mà bị rủi. Bà tự giày vò mình vì đã không quay lại. Già rồi còn dại. Có thể mình tham? Nhưng từ trước đến giờ mình đâu có tham. Có thể mình vui vì đôi ủng. Có một tý ti cũng là có. Nhưng không đến nỗi tệ hại như thế. Thật xui xẻo! Cái xui xẻo này chắc chắn do sương mù gây nên. Những chiếc bánh không bán được trong buổi sáng sẽ bị nhăn lại, xọp xuống và mềm oặt, mủn ra. Tất cả là tại sương mù. Ra nông nỗi này cũng tại sương mù. Tại mày! Đồ sương mù! Chó má! Khốn kiếp! Nếu thời tiết bình thường, 50 chiếc bánh chứ 100 chiếc bánh cũng hết. Đường hiện đại, nhà hiện đại, chắc chắn con người sống ở đây cũng khác. Bà bình tâm lại đôi chút. Mình từng nghe nói và được nhìn thấy trên ti vi những con người sang trọng, sinh hoạt cũng sang trọng. Bên phố mới cũng là lớp người sang trọng. Họ sẽ ăn sáng giống những người châu Âu. Một vài lát bánh mỳ cùng cốc sữa nóng hay một cốc cafe Vina Tan. Chắc chắn những lát bánh mỳ đã chọn kia phải được làm thủ công, trăm phần trăm bằng tay. Đốt lò bằng tay, nhào bột bằng tay, quật bột bằng tay, nặn bằng tay, khay bánh đưa vào lò và ra lò cũng phải được trân trọng bằng bàn tay. Họ không ăn bánh mỳ chạy điện, cái đồ công nghiệp rẻ rách. Chắc chắn là thế! Vừa đi, vừa nghĩ. Bà căm giận sương mù.
Gặp một con đường thông ra đại lộ. Đứng ở ngã ba nhìn vào bà có cảm giác tuyến đường này thế nào cũng có nhà đã thức dậy. Bà không biết con đường này mang tên gì, tuy cũng cố nhìn nhưng không rõ. Mắt với chả mũi. Bà trách đôi mắt rồi tự bảo đã đến nước này thì tao cũng chả cần biết tên mày làm gì. Có thể là Gió Lộng. Có thể lắm vì gió ở đây không thổi qua được chiều cao những tòa nhà đành đi xuống lòng đường. Lòng đường như một ống hút khổng lồ làm cho sương mù rợn lên, cuồn cuộn, hun hút, đẫm hơi nước, thổi tung chiếc áo mưa bà đang khoác trên người. Tuy có chút lo lắng nhưng bà vẫn cố ghi nhớ đặc điểm con đường phòng khi trở lại. Tuyến này nhỏ hơn và hai bên là những tòa nhà không khác mấy những tòa nhà trên đại lộ nhưng bà thấy nó có vẻ Thực dân hơn. Phía trước, bên phải có ánh đèn vừa bật sáng, mặc dù còn cách đó mấy chục mét bà còn nghe rõ tiếng cuốn cửa. Bà vô cùng mừng rỡ, đôi chân cũng linh hoạt và có vẻ hơi cuống. Bà đi rất nhanh, chính xác là chạy. Bà bắt đầu rao:
– Bánh mỳ nóng giòn đơi…ây …ây…
Bà cứ rao cho đến khi dừng bước trước ngôi nhà. Bóng điện trong nhà bật sáng. Đèn ngoài hiên cũng bật sáng nhưng lại làm cho khó nhìn hơn vào phía bên trong. Bà đặt thúng bánh xuống bậc thềm rồi nhìn vào thấy một cô gái cao, dáng rất đẹp đứng cạnh cửa đang mỉm cười nhìn mình. Bà ngước lên rồi nói: “Chào cô!”. Cô ấy chỉ cười. Không thấy gọi mua bánh. Bà cố nheo đôi mắt để nhìn cho rõ hơn trong khi một tay vén chiếc áo mưa ướt đẫm sương, tay kia lần mở lớp ni lông lấy ra một chiếc bánh. Hơi nóng từ trong chiếc bao tải gai tỏa ra thơm phức và bốc khói. Bà mời:
– Cô ơi, có bánh mỳ nóng giòn đây! Bánh làm thủ công đấy cô ạ. Ngon lắm!
Cô gái vẫn mỉm cười nhìn bà. Bà lại mời tiếp nhưng cô ấy vẫn đứng thế, không đáp lại lời mời của bà. Bà thoáng buồn, lại cho chiếc bánh vào thúng, xốc lại áo mưa rồi tần ngần bước đi. Ừ, có lẽ bọn trẻ đồng nghiệp của bà nói đúng. Cô công chức ấy đẹp thế chắc gì đã ăn bánh mỳ. Nhưng phải công nhận cô ấy đẹp thật, không hề kiêu kỳ, cô ấy chỉ chưa nói, có thể do sương mù thôi. Buồn mà. Đúng, chỉ tại cái thằng chó sương mù kia kìa! Đồ đểu! Bà khẳng định cô ấy không hề khinh thường mình. Khinh thường mình thì cô ấy đã tắt nụ cười. Bà chưa từng thấy cô gái nào đẹp như thế. Thật hoàn hảo. Cô ấy cao nhỉ, chắc mình chỉ đứng đến ngực cô ấy chứ mấy. Bà cũng thấy sung sướng nếu được bán bánh cho một cô gái đẹp. Nhưng sao cô ấy kiệm lời thế? Hay là cô ấy chào mình mà mình không nghe thấy? Người đẹp thường ăn nói duyên dáng và nhỏ nhẹ. Nhưng tai mình đâu đã đến nỗi? Một người như cô ấy, mặt, mũi, mồm và cái cổ cao kiêu hãnh, khuôn mặt không gợn một nét chua ngoa, nanh nọc nào. Tất cả đều đẹp và mới thanh tú làm sao. Một người như cô ấy. Nụ cười của cô ấy. Ánh mắt của cô ấy khơi gợi, ướt đẫm tình cảm. Cô ấy không ăn bánh mỳ. Có thể cô ấy chỉ ăn hoa quả hoặc uống một cốc sữa nóng vào mỗi buổi sáng. Chắc chắn cô ấy không khinh bỉ bánh mỳ. Lũ trẻ bán hàng kia thì biết cái gì. Cô ấy chỉ ít nói. Tính cô ấy thế. Không sao!
Lầm lũi đi qua hai căn nhà tiếp theo thì bỗng bà nghe tiếng gọi: “Mỳ ơi”. Tiếng gọi ấy có phần kẻ cả, bề trên. Hình như từ phía trên tầng gọi xuống, xuyên qua làn sương giờ này đã bắt đầu loãng ra đôi chút. Bà lập tức quay lại. Mừng rỡ, có phần luống cuống. Vẫn cô gái ấy. Vẫn điệu cười quyến rũ ấy. Thật đẹp và lịch thiệp. Cô ơi, nói một tiếng đi! “Mỳ ơi, cho một cái” cũng được. Bà nhớ mình cũng có tên. Một cái tên rất đẹp, mềm mại nhưng đã từ ba mươi hai năm nay không có người gọi. Bên ngoài đường phố, ngoài chợ, ngõ hẻm, trong nhà, người ngồi trên xe máy, trong quán nước, trên xe ô tô…hay bất kể nơi nào, trông thấy bà là người ta chỉ cần gọi “mỳ ơi” là bà chạy tới. Tên Mỳ là tên chính thức của bà. Ba mươi hai năm nay bà quen với tên mới và dần quên mất tên do bố mẹ đặt cho. Ngay cả trong khu phố người ta cũng gọi bà là Bà Mỳ. Mỳ…cái tên cũng nghe được, mềm và nữ tính đấy chứ! Có một đôi lần mắc mớ công việc hành chính, bà ra phường. Cô cán bộ gọi tên theo thứ tự và gọi tên khai sinh của bà nhưng bà không nhận ra, vẫn ngồi hiền lành trên ghế đợi. Cô ấy gọi to hơn và những người bên cạnh cũng xướng tên khai sinh của bà, lúc ấy bà mới nhớ ra. Cô ấy mắng, bà đứng lúng túng chuộc lỗi: “Tôi… tôi thực tình… người ta vẫn gọi tôi là Mỳ. Đã lâu không gọi tên trong khai sinh. Tôi cũng quên. Xin lỗi cô”. Tất cả mọi người cười ồ. Có người còn nghiêm giọng chế nhạo một cách cay nghiệt. Nhưng bà liền nghĩ: không sao!
Bà đặt thúng bánh xuống thật cẩn thận, cởi hẳn áo mưa, mở bao, chùi tay vào áo lấy ra hai chiếc bánh. Người như cô ấy phải ăn hai cái. Nếu muốn giữ eo thì ăn một cái nhưng nghiệp bán hàng luôn dạy làm thế nào để bán được nhiều nhất.
– Cô ơi. Bánh của cô đây.
Bà đưa bánh vào tay cô. Bà bỗng nghe kịch một tiếng. Bà lại đưa tiếp thì vẫn nghe thấy tiếng động ấy và hình như bánh đâm phải vật rất cứng. Bà muốn dụi đôi mắt song cùi tay ướt quá. Một tay ôm hai chiếc bánh ghì vào ngực, đưa bàn tay lạnh giá còn lại sờ vào. Thì ra là một cái cửa kính. Tấm cửa kính trong suốt bị hơi nước bám vào, loang loáng làm cho bà khó nhìn. Cô ấy vẫn đứng trong cửa. Cô ấy vẫn mỉm cười với bà. Lần này bà dùng ngón tay gõ nhẹ vào tấm cửa kính, mời:
– Cô mời một cái hay hai cái?
Không thấy cô ấy trả lời. Im như cánh cửa. Bà lại nheo mắt gần như nhắm tịt lại để nhìn cô cho rõ hơn. Bà thoáng chút giận hờn. Đùa với ta ư? Bà ngoại của cô đấy! Cô ấy chắc chỉ đùa một tý thôi. Cái trò trẻ con ấy ta còn lạ gì. Thôi mua một cái cũng được. Không sao! Cô đừng đi ra, ngoài này sương giá, lạnh lắm. Cô lại đang mặc mỏng manh thế kia. Để tôi mang vào cho cô. Bà bạo dạn đưa tay lần vào tay nắm cửa và kéo ra. Cánh cửa không nhúc nhích.
Bà cố gắng ngóng cô một lần nữa trước khi đút bánh vào bao tải. Sờ thấy đầu bánh đã bị ướt làm cho bà thấy tiếc. Có lẽ nó sẽ bị bở ra. Không có ai mua thì bữa trưa để mình ăn. Không sao!
Cất thúng bánh lên hông bà lại lầm lũi bước đi, tiếng áo mưa kêu sột soạt. Bây giờ thì bà giận cô gái ấy thực sự. Rất giận. Mặt nóng lên. Từ trước đến giờ, tất cả những gì xảy ra mang bất lợi đến cho bà, bà đều bảo không sao. Đứa trẻ con gọi: “Mỳ, mỳ…”, bà vẫn cười tươi lên với nó. Nó có quyền. Con nít thì con nít, nó là người mua. Nó cần mua bánh, mình bán được bánh. Thế là đủ! Người đời không gọi bà bằng ngôi xưng. Ê, bánh mỳ! Không sao. Không nhìn bà, chỉ hất hàm, sẵng giọng: “Này, cho một cái”. Bao năm nay bà đã quen với những tên Mỳ, Này, Ê… Bà đều nghĩ không sao! Nhưng bây giờ thì bà thấy có. Có đấy! Mua hay không mua cũng nói với người ta một câu. Con gái con lứa! Đằng này cứ im lặng thế. Lại còn nụ cười hút hồn nữa chứ. Đây cũng là một kiểu lừa. Lừa người kiểu mới mà bây giờ bà bắt gặp. Bà nhiều lần cũng bị lừa cái kiểu tương tự. Nhưng lừa xong rồi người ta nhìn nhau cười ha ha, cười lăn lộn. Những lúc ấy bà rất giận nhưng cũng nhanh chóng bỏ đi. Cô ạ! Thà cô cứ cười như kia đi còn dễ chịu hơn là cười như này. Xót ruột lắm! Cái cười của cô như muối sát. Rất đau. Cô ấy ác thật! Ác kiểu mới. Ác mỹ miều. Trước đây người ta ác kiểu cũ. Thô bạo. Bây giờ văn minh hơn nên người ta ác kiểu hiện đại. Đẹp mà ác thì chẳng nên đẹp làm gì. Thật là tủi hổ. Cái gì cũng đẹp thế mà lại ác. Thế có khác gì cái tolet năm sao. Đồ mỹ nhân Tolet! Bước được mấy bước thì bà nghe tiếng gọi giật lại:
– Mỳ ơi! Mỳ đâu!
Cô ấy đã cất tiếng. Thế chứ! Tim bà đập dồn dập, quay ngược chân lại tức khắc. Cô ấy không phải hạng Tolet năm sao! Nhầm to rồi! Từng ấy tuổi đầu vẫn còn nông nổi. Chứng già đáng ghét! Bà thấy hối hận. Lần sau đừng vội vàng trách lầm người tốt. Nhớ đấy! Tai bà nghe có tiếng người khác. Tiếng dép chạy dồn. Tiếng gì đó rơi xuống sàn nhà vang lên. Tiếng của người trẻ hơn đáp lại:
– Dạ.
Vẫn tiếng của người ấy. Tiếng ban nãy. Tiếng của lúc trước nữa. Bà nghe rành rọt:
– Mày làm cái gì mà lâu thế! Đóng cửa hàng lại đi. Hôm nay sương mù. Không mở cửa!
Bà ngây ra không hiểu gì cả. Có thể cô ấy chỉ nghịch, nghịch dai, hơi ác một tý. Nhưng không có ai mua bánh. Điều này thì bà biết rõ nhất. Tiếng cửa cuốn lạch xạch đóng xuống. Bà tiếp tục đi, bước chân oán giận. Thúng bánh còn nguyên chưa mở hàng được cái nào. Mới sáng sớm mai đã bị người ta cợt nhả. Thật là xui xẻo. Bóng người lẫm xẫm, mất hút trong sương mù muối kín, chỉ nghe tiếng rao âm thầm đường phố:
– Ai bánh mỳ nóng giòn đơ…ơ…ây…ây…!
Nguồn Văn nghệ số 3/2019