Bướm khế mặt người

Bướm ma! Con bướm khổng lồ, đầu hình mặt người.

Cách tôi chừng năm chục bước, dưới ánh nắng vàng vọt của buổi chiều tà, trên cành cây khế cao nhất, con bướm ấy, như thể từ trong thân cây khế nứt ra, mỗi cánh rộng tới hai gang tay, vỗ chấp chới, mái tóc dài bay lòa xòa, khuôn mặt trắng ngẫn ngó cần, đôi mắt màu hổ phách nhìn xuyên thẳng vào mắt tôi để thả ra những luồng điện tựa thôi miên. Mọi giác quan của tôi đang bị tê liệt, mọi say mê của tôi tất thảy đều tan biến, mọi trí tuệ minh mẫn của tôi cũng tiêu biến, khi cái mặt người của con bướm kia cứ chăm chăm nhìn tôi một cách ma quái như nó đã từng nhìn thấy tôi, từng chờ đợi và đoán chừng tôi sẽ đến đây, chỉ để cho nó dẫn dụ, hớp hồn bằng cái nhìn kinh dị của loài bướm ma mặt người, màu da trắng muốt đến mức có thể tóa ra những luồng hơi lạnh lẽo như vừa từ dưới nhà mồ chui lên. Khuôn mặt của người, cái mũi hếch lên kiêu hãnh, đôi mắt to màu hổ phách, cặp lông mày hình lưỡi mác, khuôn miệng rộng hơi nhếch lên như cười, và mái tóc rối bay phất phơ trong gió, thỉnh thoảng có sợi dính vào khóe miệng, chờm che đôi mắt to, nó căng cái nhìn rùng rợn với tôi, đôi cánh rộng vỗ nhịp nhàng đủ để thân treo lơ lửng trong không gian, trên lưng tua tủa những chiếc gai nhỏ, khiến thân nó như đính trên cành khế già. Hẳn là loại này rồi, cứ đúng lúc chiều tà ngày giữa thu, nhờ nguồn năng lượng của nó đã tôi luyện mấy trăm năm nay gặp khí thiêng trời đất sẽ tạo ra sức mạnh thần bí điều khiển nguyên khí vạn vật, nếu nó bắt lại được một người, nó sẽ được hóa hoàn toàn thành người trong vòng bốn mươi chín ngày vùi thân vào cát cùng với người đã bị nó bắt, trong khi toàn bộ dây thần kinh cơ thể bị cái nhìn ma mị kia làm cho tê liệt, tôi vẫn còn nhớ lại được câu chuyện cổ bà kể cho nghe từ hồi còn bé về bướm khế mặt người.

Ánh hoàng hôn hay màu mắt của con bướm nhuộm cam nhuộm mực lên mắt tôi, nó còn quét cái nhìn ra khắp lượt vườn xóm Chim, như quét một dòng điện chạy qua, cây trong vườn bỗng lay động ào ào, gió nổi lên thổi từng đợt cát cuốn vòng tròn quanh chân tôi, từng cành cây lá cỏ cùng thâm thẫm một màu cam pha, viền những đường đen, đỏ tựa như mắt người, tất thẩy cùng trừng trừng giương mắt bao vây lấy tôi, quấn chặt lấy bàn chân đang tê cứng. Có tiếng đổ ụp của cái vợt bướm khổng lồ được đan kết bởi hàng ngàn mắt người xuống đầu mình, trong lúc cận kề cái chết ấy, bỗng đâu luồng năng lượng nhân sinh chợt hồi tỉnh, đầu tiên là các đầu ngón tay, rồi cánh tay cựa quậy, đến bàn chân bỗng nhúc nhích được, tôi giẫy giụa, la hét trong làn gió bụi, lá cây đang trút ào ào như thể muốn vùi chôn thân xác của tôi. “Đừng,… đừng…”. Bàn tay to khỏe vỗ vai tôi trấn an. Tuyên, trên vai anh là chiếc vợt bướm chỉ có mấy cái lá cây vướng vào. Tôi bừng tỉnh, bíu lấy tay anh, chỉ cho anh cùng nhìn lên cây khế phía góc vườn thì đã chẳng thấy con bướm khế mặt người đâu, chỉ có cành khế đung đưa như vừa có người trèo xuống, mấy chiếc lá khế vàng vọt bay là là đậu xuống gốc cây. “Em vừa nhìn thấy bướm ma khổng lồ!”. Tuyên cười ha hả khiến mấy con chim đậu tít trên ngọn xoài đang hót phải ngừng lại nghe ngóng xem có hiện tượng lạ lùng nào đang diễn ra trong vườn. “Thế mà cũng tự xưng là nhà sưu tập bướm cơ đấy”. Giọng tôi vẫn còn run run: “Nó đứng lơ lửng trên cây khế, mỗi cánh dài tới hai gang tay. Lưng có gai như những cái đinh dính vào cây!”. “Là bướm khế rồi, dân gian còn gọi là bướm bà nữa em ạ”. “Có những người chết trẻ oan uổng linh hồn còn lẩn khuất, vấn vương trần thế mà chưa siêu thoát được, hồn liền nhập vào bướm hoặc biến thành bướm bay về quanh quất trong dương gian”. “Không phải là bướm bà thì là bướm cô hồn, bướm cô, bướm khế mặt người”. Tuyên vẫn toét toe cười nhăn nhở như chọc tức. “Chiều qua, trong một giây lát em cũng đã nhìn thấy nó”.

Tôi đưa mắt nhìn lại cây khế trước khi rút chân khỏi đám cát lá vừa thổi quấn lấy chân mình, cảm thấy ngón chân mình bị một sợi dây nào đó dưới đống cát quấn vào, lấy tay moi cát thì bắt được một sợi dây chuyền vàng khá nặng. Tuyên vội dằng lại với lí do tay tôi không đeo găng tay sẽ làm mất các dấu vân tay trên sợi dây chuyền. Còn anh, vì đang đeo găng tay để bắt bướm nên mặc sức nâng lên, đặt xuống, xoay ngang xoay ngửa ngắm nghía như thể quan sát vật chứng. Sau đó, Tuyên cho sợi dây vào túi ni lông niêm phong lại như niêm phong một con bướm quý anh vừa bắt được, không cho bay mất một hạt phấn nào. Đã đồng ý đi chơi với tôi xuống tận nhà dì Tầm, thế mà còn phát bệnh nghề nghiệp ở đây. Hôm kia, trước khi đi, anh còn đắn đo, gọi điện tới gọi lui cho sếp, tới giờ xe chạy Tuyên mới gật đầu đồng ý, tưởng đã gạt bỏ mọi công việc sang một bên rồi, thế mà thấy sợi dây chuyền anh đã quên ngay người chủ sở hữu tạm thời là tôi. Tuyên còn muốn làm tôi tức điên lên, sau một hồi ngắm nghía, anh bỗng quay gót một trăm tám mươi độ, sải bước dài để ra khỏi khu vườn, bỏ mặc tôi đứng chôn chân ở đó với nỗi sợ hãi vẫn còn lẩn khuất bởi cái cây khế đã xuất hiện con bướm ma mặt người, bỏ luôn cả cây vợt bướm anh đã kì công làm cả tháng trời để tặng tôi.

*

Trong nhà dì Tầm tối om, thấy có ánh đèn dầu le lói dưới bếp. Tôi chạy vào, dì đang nấu cơm, chẳng hiểu sao nhà lại mất điện nên dì phải châm đèn xuống bếp nấu cơm. Tuyên bấm đèn pin kiểm tra, hóa ra cầu chì bị cháy, dì Tầm chép miệng:“Từ ngày thằng Dụy bị bắt, điện đóm chẳng có người sửa, cứ tối om”. “Chỉ bị cháy cầu chì thôi dì ạ”. “Hôm nay thì cháy cầu chì, tối hôm trước bị đứt dây ngoài đồng hồ, tuần trước bị chập điện. Không biết có phải oan hồn cái Miên về trêu dì không nữa. Dì phải lên thắp nhang kêu cầu cho con bé sống khôn thác thiêng đừng quấy quả dì nữa, phù hộ cho thằng Dụy chóng được minh oan!”. Nhang khói bay nghi ngút ra ngoài sân, tôi đang ngồi giặt bộ quần áo bên giếng, khói nhang bay lượn vòng như dải lụa. Mọi lần cứ ngửi mùi nhang là tôi ngứa cổ muốn ho nhưng lần này thì lạ quá, tôi hếch mũi lên ngửi như hít hà mùi ổi chín, bỗng tôi kêu rú lên khi mắt mình lại vừa nhìn thấy con bướm ma mặt người đó đậu trên cây ổi cạnh bờ giếng, chắc nó bị giật mình bởi tiếng rú đầy nguyên thủy của tôi nên vội quay lưng vỗ cánh bay vào vòm lá. Khi đã ngồi trong nhà với ánh điện sáng trắng, tôi mới lắp bắp với Tuyên chắc chắn nó theo em, cái con bướm ma ấy, phải có chuyện gì đó. Dì Tầm thì thốt lên, hay là oan hồn của Miên về, tại dì vừa thắp nhang khi trời tối, lật đật trở vào bàn thờ, dì lại khấn vái, cháu có thiêng thì thương cô, đây là hai đứa cháu cô về chơi, sáng mai đầy tuần cháu, cô sẽ dẫn chúng sang nhà thắp cho cháu nén nhang. Nếu là hồn Miên về thì đưa đường chỉ lối cho công an tìm ra thủ phạm, minh oan cho Dụy.

Tuyên thấy tôi đã bình tâm ngồi đọc báo liền bỏ mấy con bướm và sợi dây chuyên lên bàn ngắm, tất cả đều niêm phong trong túi ni lông, chiến lợi phẩm của một ngày lang thang dọc triền đê, cánh đồng, vườn xóm Chim. Tôi bảo, sợi dây chuyền ấy đến cả cây vàng, cho anh mượn mấy hôm rồi trả lại cho em. Tuyên trợn mắt, không phải tự nhiên người ta giấu nó dưới cát, có thể đây là manh mối quan trọng để tìm ra một vụ án. Nhìn gì cũng thấy vụ án, tôi giận dỗi chui vào giường ngủ trước với dì. Giấc ngủ chập chờn đến. Ngủ chập chờn thì hay mơ. Trong giấc mơ tôi gặp lại Miên, khi ấy hai đứa mới chừng năm, sáu tuổi còn chơi trò đồ hàng trong vườn cây xóm Chim. Cả Luyên nữa, Luyên bằng tuổi Dụy, hơn tụi tôi hai tuổi nhưng chúng tôi vẫn chơi thân với nhau. Miên, Luyên cho tôi nếm đủ món ngon dân dã như châu chấu nướng, ve nướng, quả tò vò, phèn đen, lá chua me, lá sấu, dái mít…nhất là khế, chúng tôi thỏa thích ăn no căng mòng như bụng cóc. Chính cái cây khế cuối vườn kia là nơi hai đứa tôi hay lên tầm ngụy, nói như lời dì Tầm mỗi khi cầm roi đi tìm cháu về. Một bận, vì mải với tay hái một quả khế chín, tôi bị ngã, rơi tòm xuống ao bèo, Miên tìm vội cái gậy lao ra cho tôi bám lên, tôi thắt bụng cóc cố trườn qua đám bèo bùn lầy mà bấu víu vào bụi găng cạnh bờ ao. Bữa đó, người tôi đen ngòm những rễ bèo và nước bùn. Miên giục về nhà nó tắm rửa rồi thay quần áo kẻo về dì Tầm biết tôi bị ngã sẽ mắng cho. Thấy tôi lò dò về trong bộ quần áo lạ, Dụy đang ngồi đan lồng chim phát hiện ngay ra, đoán biết tôi bị ngã xuống ao, vì nó cũng từng đi bắt chim mà bị như thế, tôi đành phải hối lộ quả khế chín nhất để nó không mách dì, lúc ấy dì còn mải phơi thóc nên không để ý. Dụy gạ tôi vào vườn xóm Chim với nó, đã đến giờ gỡ bẫy bắt chim, cần có người đón lồng chim giùm. Tôi đi theo. Nó trèo tót lên cây mít mang xuống một lồng có đôi chào mào đang bay loạn xạ, nó dùng móc đưa lồng xuống cho tôi đỡ, vừa giơ tay, ngửa mặt lên đón thì “ xoẹt” con chim hư hỏng nào đó đã trả thù cho đồng bọn bằng một bãi phân trắng vào giữa mặt tôi, khiến đôi chân loạng choạng, tôi ngã cày mặt xuống gốc cây khế, cửa lồng chim bị bật ra, hai con chào mào vừa định tẩu thoát thì Dụy lao xuống nhanh như sóc, chồm người với tay che cửa lồng, đè cả cái mông như cái lồng bàn vào cổ tôi, khiến tôi tắc thở. “Lại mê gì đấy hả?”. Dì Tầm lay tôi tỉnh dậy.

Năm ấy, bố mẹ bận đi công tác xa đưa tôi về nhà dì gửi mấy tháng hè, lúc ấy Miên vẫn còn chưa bị liệt, tóc để bấm vành, sau đó thì tôi không về nhà dì chơi nữa nên không gặp lại Miên. Hai năm sau về bà ngoại chơi, dì Tầm có cho em Dụy về cùng. Dụy lúc này đã trở thành một cậu thiếu niên rắn rỏi, da nâu vì phơi nắng bắt chim, thì thầm một điều hệ trọng cho tôi nghe, Miên không đi được nữa sau một trận sốt cao dẫn đến co giật, tới bệnh viện các bác sĩ chỉ cứu được người còn đôi chân dần bị tê liệt, di căn cả bệnh viêm phế quản mãn. Bây giờ tôi mới có dịp về lại làng Thảo thì Miên đã không còn.

*

Dì Tầm thở dài, chảy nước mắt thương con, đêm cũng lên tiếng thở dài cài trong lời kể chậm rãi, buồn bã của dì Tầm.Dụy vừa đi làm về. Lũ trẻ trong xóm thấy bóng nó đã chạy xồ sang đòi quà. Bao giờ cũng vậy, dù đi làm thuê làm mướn nơi xa nhưng khi nào về nó cũng có quà phân phát cho bọn trẻ, có khi chỉ là gói kẹo hay vài cái bánh đa, quả bóng bay. Thành lệ, lũ trẻ đón nó như đón mẹ về chợ. Thằng Tớn ôm lấy ba lô khoác hộ anh vào nhà. Cu Béo thì nhanh nhảu bật quạt, cái Hớn, cái Thơm thì rót nước, bổ khế vừa hái được trong vườn xóm Chim mời Dụy. Rồi chúng hau háu chờ quà như lũ chim con chờ mẹ mớm mồi. Nhưng Dụy bảo: “Sẽ có quà nhưng phải đợi tối mai”.

Nghe Dụy nói thế, tụi nhỏ nhảy cẩng lên reo hò. Đã mấy năm nay, anh Dụy không ở nhà nên chẳng có cỗ Trung thu. Thế là mỗi đứa một việc, dọn dẹp, quét xóm, chăng đèn cờ, chuẩn bị để bày cỗ. Mấy bà trong xóm nhận nấu chè, nấu bánh đúc, còn Miên nhận làm cho cái đèn ông sao to như cái nia kết bằng những trái khế trong vườn xóm Chim được lũ trẻ trẩy về, lại còn hứa làm cả những chú gấu bông làm bằng tép bưởi. Miên không đi được nhưng được cái khéo tay, bố mua cái máy khâu cũ để Miên sửa chữa quần áo cho người làng. Thỉnh thoảng, có nhà còn thuê cắm hoa, tỉa dưa hấu cho dám cưới nhà họ nên cũng có khối việc để Miên làm.

Chiều đó, xóm Chim còn đón cả cô Luyên con ông Phải, là bạn học với Dụy cũng qua giúp bày cỗ. Sân nhà dì đầy ắp tiếng cười đùa. Đang kéo mấy dây đèn nháy lên cây cau, Dụy nhớ đến mình mới mua quả dưa hấu quên chưa nhờ Miên tỉa hoa lên vội vàng chạy qua nhà Miên sớm hơn. Chẳng hiểu có chuyện gì, mười lăm phút sau, có tiếng anh Các là thợ xây cho nhà ông Phải tri hô “Thằng Dụy cưỡng bức rồi giết người bà con ơi!”. Cả đám thợ xây đang trên tầng hai lao xuống, mọi người trong xóm ùa sang vây lấy căn nhà. Lúc dì Tầm lách người được vào cửa thì nhìn thấy Miên nằm co quắp dưới nền nhà, cổ có vết thâm tím, tóc tai rũ rượi, quần áo xộc xệch, còn Dụy thì ngồi bên cạnh, tay cầm cái khăn lụa hồng, mặt đờ ra không còn biết gì nữa, quả dưa hấu bị rơi nát đỏ như vũng máu, khế, bưởi rơi vãi, nát vẩn, tứ tung. Đám người xông vào trói Dụy rồi thi nhau đấm đá túi bụi, dì Tầm nhìn cảnh đó, cứ thế xỉu đi. Dụy bị bắt giam ngay lập tức, đợi điều tra.

*

Dì Tầm đi chợ về, gọi hai chúng tôi dậy ăn sáng rồi sắp lễ dẫn chúng tôi sang nhà ông Miện để thắp hương cho Miên. Ba dì cháu đi vòng qua con ngõ cạnh mấy cái ao bèo, men theo khu vườn xóm Chim cho nhanh. Trên các ngọn cây um tùm, tiếng chim hót véo von, tôi chưa thấy nơi nào nhiều cây cỏ, chim muông như nơi đây, cơ chừng như các vùng nông thôn khác đang dần bị biến thành khu công nghiệp hay phố xá thì nơi đây chim chóc tụ hết về, có lẽ là màu xanh hoài cổ đến miên man của cây cối đã dẫn dụ lũ chim bướm về. Chính Tuyên đã khoe bắt được con bướm hổ vằn, cánh như cắt da từ tấm da hổ, đang treo trong khung trên tường là bắt ở làng Thảo, nên khi tôi rủ đi chơi, anh vẻ như ngạc nhiên không ngờ tôi có người quen ở làng Thảo, ngôi làng nhà thì ít mà hoa lá cỏ cây, bướm chim thì nhiều.

Đi tới khu vườn xóm Chim hoang sơ, tôi chưa kịp đánh mắt vào soi cây khế cuối vườn thì Tuyên chợt đứng lại dụi mắt như thể nhìn thấy sự vật dị thường, anh chạy bổ vào trước sự ngơ ngác của hai dì cháu, lúc sau, chạy ra, gãi đầu cười trừ, chống chế hành động bất thường của mình, loáng cái con bướm hoa đã bay mất dì ạ. Dì Tầm tròn mắt ngạc nhiên, chắc dì không ngờ niềm say mê bướm của Tuyên thái quá như thế.

Ngôi nhà ông Phải đang xây đến tầng hai, cánh thợ nhận ra dì Tầm nên dừng tay dao tay thước, xì xầm chỉ trỏ bàn tán. Dì bước vào chào hỏi rồi năn nỉ họ làm chứng lại cho con mình. Luyên đang quét dọn chạy lại mời chúng tôi xơi nước. Một bác lên tiếng: “Sau tiếng tri hô của thằng Các, chúng tôi chạy sang thì thấy rõ anh Dụy đang ngồi bên xác cô Miên, tay cầm cái khăn lụa, còn cổ cô Miên thì trầy xước vết ngón tay”. “Con tôi không giết người, nó chỉ sang nhờ cô ấy tỉa cho quả dưa hấu rồi lấy mâm khế về bầy cỗ cho bọn trẻ. Anh Các đâu, tôi xin anh ấy nói hộ một tiếng”. “Nó vừa làm đây chắc lại chạy đi đâu rồi”. “Con dao xây của thằng này để kiêu gạch đây thây. Dạo này nó ăn phải bả sao mà hay kêu đau bụng đi ngoài, chắc bị tào tháo đuổi rồi”.Tuyên liền lại phía kiêu gạch chỗ có con dao của Các. Một bác thợ bâng quơ. “Cái thằng cậy có con dao mới, đằm tay ra phết, chẳng như mấy con dao xây cũ của cánh mình. Các bảo mai mốt lấy được tiền công là thôi làm ở đây thì phải”.

Cuộc trò chuyện của đám thợ không còn liên quan đến chuyện của dì Tầm nữa. Dì Tầm đành bước ra cổng, Tuyên vẫn cố nán lại để trò chuyện thêm với cánh thợ. Vừa lúc Các thập thò đi về, dì Tầm nhìn thấy bóng Các, chạy vội ra, xin Các ra làm chứng lại cho Dụy vì Các đã khai đi vệ sinh ở vườn chim về qua cửa sổ nhà cô Miên nhìn thấy Dụy đang cúi xuống bóp cổ Miên là không hề đúng. Các thoáng sa sầm nét mặt, cầm tay dì hất ra. Anh ta nói rằng qua cửa sổ nhìn thấy đúng như thế, Các nói sai thì ma cô Miên về bóp cổ. Tôi giục dì đi, còn Tuyên thì cố làm nốt hớp nước vối, thủng thẳng: “Cây ngay chẳng sợ chết đứng. Không phải van xin ai đâu dì ạ! Hôm trước công an chẳng thông báo còn điều tra tiếp để tìm vật chứng”.

*

Thấy dì Tầm mang hoa lễ đến, ông Miện lên tiếng đuổi không cho vào thắp hương, mọi người trong họ can ngăn, dù sao Miện cũng thác rồi, hôm nay tuần đầu để bà ấy và cháu vào thắp hương cho con bé. Ông Miện quay xuống vườn sau, nét đau khổ hằn sâu xuống từng nếp nhăn. Vái xong ba vái, tôi ngẩng lên nhìn di ảnh người chết, mắt tôi hoa đi khi nhận ra khuôn mặt quen quen, đôi mắt màu hạt dẻ với khuôn mặt trắng toát chăm chăm nhìn tôi, khuôn mặt này tôi đã thấy loáng thoáng ở đâu, tôi lục lọi trí nhớ, ở đâu? Cái cổ tròn nhỏ nhắn có đeo sợi dây chuyền. Sợi dây chuyên rất quen, giống với sợi dây Tuyên đang niêm phong. Khuôn mặt tôi vừa nhìn thấy đâu đó, khuôn mặt của con bướm khế! Chợt “ bùng” tàn lửa từ cây nhang rơi xuống dưới chân, bốc cháy đùng đùng, ông Phải nghe có tiếng kêu, chạy vào, thắp nhang, khấn vái một lúc thì bát nhang tự tắt. Mọi người xôn xao, hóa dương là linh hồn cô Miên về chứng đấy, dì Tầm quỳ lạy liên hồi cầu linh hồn cô Miên phù cho con trai mau thoát nạn ách này, tôi và Tuyên lần đầu mục sở thị cảnh tượng tâm linh này, đều lặng người đi, mắt chúng tôi cùng dán vào sợi dây chuyền trên tấm ảnh thờ.

Ăn cơm trưa xong, không thấy bóng Tuyên đâu, tôi đi sang nhà Luyên chơi, định sẽ kể cho Luyên nghe về bướm khế. Hôm trước tôi mới gặp Luyên qua loa, chưa kịp chuyện trò gì. Cả cánh thợ đang chuẩn bị uống nước để làm ca chiều, Các cũng đã ngồi thu lu ở đó, còn Tuyên vừa khợp hớp nước trà như ngon lành lắm vừa thủng thẳng: “Tối nay trên sân vận động có xiếc phải không mấy bác, chúng em phải rủ dì Tầm đi xem cho khuây khỏa mới được, chẳng mấy khi dì ấy được xem xiếc. Các bác cũng đi chứ?”. “Tôi cũng phải cho vợ con đi mới được, tụi nhỏ thích xiếc thú”. Một bác nói. Tỏ vẻ gần gũi với cánh thợ, Tuyên cầm một cây dao xây lên gõ gõ vào gạch, vừa tơn hớt khoe: “Các bác làm việc vất vả quá mà có được bao nhiêu tiền công. Tụi em đi săn bướm, được con bướm quý bán đi bằng cả chục ngày công của mấy bác, hôm qua còn tìm được sợi dây chuyên vàng trong vườn Chim nữa cơ đấy”.

Lúc về đến nhà, Tuyên lúi húi trên cái bàn làm việc với những túi ni lông, lap top, điện thoại, rồi lại phóng xe biến mất, tới tối mới mò về, tôi hỏi đi đâu, thì chìa mấy tấm vé xem xiếc.

*

Trăng vừa lên, Tuyên, tôi và dì Tầm đi xem xiếc. Sân kho hợp tác xã khá đông người, chen chúc vào đến cửa soát vé, thì vừa đưa vé cho tôi và dì chuẩn bị vào cổng, Tuyên vừa nói rằng anh quên điện thoại ở nhà, mà điện thoại với anh là bất li thân, liền dặn hai dì cháu vào rạp trước rồi Tuyên quay đi.

Đưa dì vào chỗ ngồi. Lúc sau, dì bảo khát nước mà quên mang chai nước, tôi xin phép đi mua nước uống, tới cổng, mới nhớ ra đã để quên tiền ở nhà,  đành mượn xe đạp của cậu bé cạnh hàng xóm nhà dì vừa đi tới đó, đạp đuổi theo Tuyên về, lòng bồn chồn cơn hờn ghen vô cớ. Đường làng quê vắng vẻ, tối om om, hai bên bờ rậm rịt cây cỏ dại, đom đóm bay ra từ bụi rậm như ma trêu, ếch nhái kêu ộp oạp dưới mương, ao, tôi bắt đầu thấy nổi gai ốc nhưng cố đạp cho nhanh, mồ hôi đã túa hai bên thái dương. Về đến cổng, thấy trong nhà thoáng có ánh đèn pin, lấy làm lạ sao Tuyên về tìm điện thoại lại không bật đèn lên, vừa định lần tới bậu cửa sổ thì có tiếng mở cửa đánh rầm, đèn bật sáng, cùng lúc, nhoàng qua mặt tôi, bóng con bướm khế bay vót lên cửa sổ lẩn vào tán lá um tùm đen kít, chân tôi run lẩy bẩy. Tuyên xộc vào, trong nhà dì Tầm, Các đang lục tung ba lô của Tuyên, thấy Tuyên đột ngột xuất hiện, Các sững sờ. Tuyên hất hàm: “Anh tìm cái dây chuyền này phải không?”. Đoạn anh cúi xuống lật tấm thảm trên ghế, cầm cái dây chuyền vàng lên. Các bị bắt trúng tim đen, mặt chợt tím bầm lại như tiết gà, gã rút con dao găm dắt sẵn vành quần, Tuyên xông vào, tôi hốt hoảng chạy vào trong nhà, thì Tuyên đã tránh được một mũi dao của Các, anh tung một cú song phi, con dao rơi xuống, một thế võ nữa, cả người Các đã nằm sõng sượt xuống nền nhà. Tuyên khóa chặt hai tay Các trong chiếc còng số 8 .

Mấy nhà hàng xóm thấy nhốn nháo chạy sang, Luyên lên sân kho hợp tác xã tìm lai dì Tầm về, hai anh dân quân cũng đã đến. “Anh ta đến ăn trộm lại sợi dây chuyên vàng này để phi tang vật chứng”.

*

Cô Miên mồ côi mẹ, ở với bố, tuy bị liệt đôi chân nhưng cô để dành được ít vốn liếng kha khá. Biết thóp thế nên những lần giải lao Các thường đến trò chuyện làm quen, gây gổ tình cảm, hòng thực hiện âm mưu chiếm đoạt. Một trưa vắng vẻ, ông Miện đi ăn cỗ, anh ta lẻn đến ngon ngọt đến nỗi Miên đồng ý để anh ta đùn xe đẩy vòng đường mương ra vườn xóm Chim chơi. Vì Các thường xuyên ra bờ ao đó để đánh rửa dao, đi vệ sinh trộm nên biết cây khế đã có những chùm quả chín núc, mà Miên thì thích ăn khế. Tới nơi, anh ta đã bế Miên ra khỏi xe lăn, cho ngồi xuống đám cỏ dưới gốc cây khế, trèo lên ngắt khế cho Miên ăn, sau đó anh ta tán tỉnh, ngỏ lời đường mật. Khi Miên vừa ngây ngất trong men tình chớm nở thì anh ta toan giờ trò bướm hoa. Cô Miên chưa sẵn sàng đồng ý chuyện đó thì Các đã lao vào, ngấu nghiến. Sau cơn hành lạc đó, để không bị lộ, anh ta đã vội vàng mặc lại áo sống cho Miên rồi bế cô lên xe đùn vội về nhà, còn mình vào làm muộn nên cai đã đuổi về. Hai hôm sau, Các năn nỉ xin cai cho đi làm lại.

Hơn chục ngày sau, biết tin ông Miện lại lên mạn ngược buôn chè, anh ta mới mò đến gặp lại Miên, Miên hờn giận, trách móc, rồi nói thèm ăn khế. Các nói hay cô có thai, anh ta rất muốn có con với cô, bèn hứa sẽ cưới Miên, khổ nỗi không có tiền làm đám cưới (Các đã từng lừa một cô cũng với chiêu trò như vậy). Miên bảo sẽ cho anh ta tiền. Nghe thấy thế, anh ta liền ôm quấn lấy cô. Miên là người thiệt thòi tình cảm giờ đang trong cơn ngây ngất men tình đã tin tưởng, liền mở hòm đưa cho anh ta năm triệu trước. Cùng lúc, con mắt cú vọ của Các nhìn thấy trong hòm còn có tiền nữa, cả sợi dây chuyền vàng, mấy cái nhẫn, gạ gẫm cô đưa nốt, nhưng Miên không đưa ngay, cô hẹn ăn hỏi xong sẽ bán đi lấy tiền cùng đi mua giường chiếu và sắm sửa với Các. Các đi về, chưa trốn vội như đám trước mà rắp tâm nghĩ cách chiếm đoạt số vàng. Các không hề biết rằng, Miên đã tâm sự hết chuyện yêu đương và lời hứa hẹn của Các với Luyên, nhưng còn e dè giấu chưa nói tên người yêu.

Trưa hôm sau, biết bố Miên vẫn chưa về, Các lại đến. Sau phút ân ái, Các bảo đang chuẩn bị lễ ăn hỏi nhưng hết tiền, muốn Miên cung cấp thêm cho đám cưới long trọng bằng người, Miên vừa giở hòm định đưa thêm một triệu tiền mặt thì Các nhìn thấy tiền vàng lại hoa mắt, tính tham tàn nổi lên, bèn vật cô Miên xuống, dùng cái khăn lụa hồng của chính Miên dọa sẽ thắt cổ cô cho chết nếu Miên không chịu trao cho hắn cái dây chuyền và hai cái nhẫn vàng cô đeo ở tay. Các không ngờ Miên bị bệnh phế quản mãn tính, khi anh ta buông tay thì Miên đã tắt thở. Anh ta vơ vội cái dây chuyền trong hòm Miên, chạy ra khỏi nhà nhưng thoáng nhìn thấy bóng Dụy rẽ vào ngõ nhà Miên thì vòng sang khu vườn xóm Chim, gói nó trong chiếc lá khoai vùi nó dưới đống cát cạnh gốc cây khế rồi chạy lại bên cửa sổ hô hoán Dụy giết người để đổ tội. Mọi người cùng lao đến nhìn thấy cảnh ấy, ai cũng tin ngay, còn lao vào đánh đập, bắt Dụy đi.

Các vẫn cố bám đội xây để khỏi bị nghi ngờ, hơn nữa còn chưa dám vào vườn lấy số vàng đã giấu vì sợ động nên hắn chưa trốn đi. Mấy hôm nay, thấy công an không lai vãng đến xóm Chim, anh ta đợi giữa trưa, lúc mọi người nghỉ ngơi, lỉnh tới khu vườn đó để tìm sợi dây mà chưa thấy. Bởi vừa rồi có mưa bão, lá cây trút nhiều, đống cát bên cạnh gốc khế chảy túa rộng ra, hơn nữa trong lúc sợ hãi đem vùi nó, anh ta đã không nhớ chính xác nên khó tìm. Vì vậy mà cứ thỉnh thoảng Các lại vờ đau bụng để lỉnh ra khu vườn đó. Chính lúc dì cháu tôi sang nhà cô Miên thắp hương tuần đầu, tôi đã nhìn thấy bóng một người lưng hơi gù, thập thò sau cây khế rồi biến mất.

Sau khi Miên bị giết ba hôm, cô Luyên quyết định đến đồn công an tiết lộ một số chi tiết quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình điều tra. Tôi vừa nhận được kết quả gấp là dấu vân tay ở sợi dây chuyền hoàn toàn trùng với mẫu vân tay của Các để lại trên cánh tay áo dì Tầm hôm trước và trên cổ cô Miên.

Tuyên đã phân tích vụ án khiến Các cứng họng trong những tiếng lao xao của bà con trong xóm.

*

Chiều. Nắng lóng lánh rót mật lên lên vườn cây. Tôi ngồi bó gối nhìn về gốc khế, nghe lá, gió rì rào mường tượng thấy con bướm lạ hôm trước. Bỗng, Tuyên từ trong bụi râm bụt chạy xồ ra với cây vợt bướm trên tay, trong vợt một chú bướm to chưa từng thấy đang chấp chới, Tuyên nhẹ nhàng gỡ chú bướm ra, chìa cho tôi xem: “Nó đấy, chính là con bướm khế đó, biết chưa?”. Con bướm đang giẫy giụa, cánh nó rộng tới hai gang tay, vân đẹp, đôi mắt nó thiết tha nhìn chúng tôi như van xin được sống. Lòng tôi dâng lên cảm xúc khó tả. Nó không hề có khuôn mặt của người hay mái tóc dài lòa xòa nào, phải chăng trong những giây phút huyền bí nào đó, linh hồn của Miên đã nhập vào con bướm khế để dẫn dụ chúng tôi nhanh tìm ra kẻ đã hại mình. “Thả con bướm ra đi anh!”. “Thả ra? Có biết là anh bị gai cào chảy máu để kiếm cho em con bướm này không? Hiếm lắm!”. “Con bướm đẹp thế này, bắt nó sao đành?”. Tuyên lưỡng lự. Rồi anh hôn nhẹ lên má tôi, thủ thỉ: “Tuân lệnh em yêu!”.

Tôi xòe tay, con bướm ngơ ngác, rồi vỗ cánh bay lên, nó bay một vòng quanh cây khế, lượn lên phía trước cành khế to nhất có chùm quả chín mọng, vỗ cánh chấp chới, con bướm phóng tia nhìn vào mắt tôi, trong giây lát, tôi lại nhìn thấy khuôn mặt nó phang phảng nét người, đôi mắt màu hổ phách nhìn vào xa xăm, gió từ đâu thổi về từng cơn dào dạt, cánh bướm chập chờn bay lên, lên cao mãi, rồi lẫn vào màu lá xanh um tùm.

Nguồn Văn nghệ số 8/2019