Một trong những yếu tố góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông chính là hệ thống các loại nhạc cụ đặc sắc với thế giới âm thanh đa cung bậc lôi cuốn, hấp dẫn. Trong các nhạc cụ, khèn Mông được coi là tiêu biểu hơn cả. Tiếng khèn phóng khoáng, mang hơi thở của núi rừng, thể hiện rõ nét con người, văn hóa Mông. Từ đời sống, tiếng khèn đi vào thế giới của những truyện cổ tích một cách tự nhiên nhưng cũng là lời nhắc nhở, gửi gắm, giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc.
Trong đời sống, khèn Mông mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó mang ý nghĩa tâm linh. Khèn được coi như vật linh sử dụng trong nghi lễ tang ma đưa tiễn linh hồn người chết với 364 bài khèn đặc trưng. Sau nữa, khèn và tiếng khèn cũng là tiếng lòng bày tỏ của trai gái Mông trong những mùa hội xuân. Người Mông dùng khèn trong nhiều tình huống của đời sống để bày tỏ nhiều cung bậc của lòng người. Người Mông có thể giãi bày tâm tư, tình cảm, suy nghĩ với nhau bằng khèn, than thân bằng khèn, cúng lễ bằng khèn… Đặc biệt, dưới góc nhìn nhân học, cây khèn còn là hiện thân của tâm hồn, tính cách, tài năng, phẩm chất của người đàn ông Mông. Người Mông quan niệm: đã là con trai Mông thì phải biết thổi khèn và múa khèn. Con trai 13 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Những chàng trai Mông thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người. Âm thanh của khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống và tính cách của các chàng trai người Mông, những con người đã lựa chọn địa hình núi cao khắc nghiệt để sinh cơ lập nghiệp.
Tiếng khèn gắn chặt với máu thịt, tâm hồn và tình cảm người Mông, quen thuộc như món ăn mèn mén mỗi ngày. Tiếng khèn không chỉ thể hiện những tâm tư tình cảm, mà còn là người bạn để con người giãi bày tâm sự cả lúc vui, buồn, bế tắc hay cô đơn; nó giống như một phương tiện, chiếc cầu nối giữa người với người – tiếng khèn mang âm hưởng vui tươi của những dịp lễ hội, là lời tiễn đưa thương xót người đã khuất trong các nghi lễ tang ma; tiếng khèn dìu dặt, tha thiết gọi người yêu; tiếng khèn gửi gắm nỗi nhớ thương của những đôi trai gái, cặp vợ chồng phải xa cách nhau, nói hộ tình cảm thầm kín trong lòng con người. Tất cả đều bắt đầu từ niềm tự hào, ý thức lưu truyền và sự sáng tạo của người miền núi nghèo khó nhưng tâm hồn lạc quan, giàu nghị lực và giàu chất thơ. Cây khèn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người Mông và hình ảnh của nó trong truyện cổ tích dân tộc này vì thế cũng trở nên phổ biến. Nguồn gốc cây khèn được đồng bào Mông kể trong truyện Cái trống và cây khèn: người Mông đã lý giải nguồn gốc chiếc khèn bằng câu chuyện cảm động về tình cảm của cha con. Vì sầu buồn và nhớ thương cha, mà chàng mồ côi đã chế ra chiếc khèn từ những cây trúc có nhiều giọng trầm bổng khác nhau. Rồi khi người con trai ấy chết đi, người Mông đã tiếp tục học cách làm, cách thổi để tiếng khèn cất lên vang khắp núi đồi. Gắn liền với sự tích về chiếc khèn, người Mông còn có truyện giải thích về cách thổi khèn và các động tác múa khèn.
Thế giới truyện cổ tích người Mông còn hấp dẫn bởi một môtíp tiêu biểu, đặc sắc là chàng trai có tài thổi khèn. Có thể kể đến một loạt truyện sử dụng hình ảnh khèn trong môtíp đó như: Tiếng khèn hẹn hổ, Chàng thổi khèn, Tiếng khèn Tông Páo, Tiếng khèn của chàng Phờ lay, Tiếng khèn Tú Dùa, Tiếng khèn tình yêu, Sự tích cây chuối rừng… Tiếng khèn bay bổng, du dương trong hầu khắp các trang truyện cũng là một tín hiệu ghi dấu màu sắc văn hóa riêng của dân tộc Mông. Dạng môtíp này thường được mô tả bằng cấu trúc: nhân vật có tài thổi khèn xuất hiện – gặp khó khăn, trở ngại – vượt qua trở ngại bằng tài năng của chính mình và sống hạnh phúc.
Chàng trai trong Tiếng khèn Tú Dùa vừa ném pa páo giỏi, vừa có tài thổi khèn rất hay, rất khéo. Nhờ có tài thổi khèn hay mà chàng trai vượt qua được bốn lần lão nhà giàu âm mưu giết hại. Lần thứ nhất, Tú Dùa bị lừa đẩy xuống hố sâu, tiếng khèn ai oán, thương tâm của chàng đã động đến núi rừng, hết đàn chim này đến đàn chim khác bay tới cứu. Lần thứ hai, Tú Dùa bị lão nhà giàu vờ vô ý đẩy xuống hang sâu và tiếng khèn buồn bã cất lên, nỉ non bay khắp núi khắp rừng, đàn voi đi qua cũng phải rơi nước mắt, rồi chúng cùng nhau bẻ cây thông xuống, làm thang cho chàng trai leo lên. Lần thứ ba, Tú Dùa bị lão lừa đẩy xuống hang sâu, tối như hũ nút, tưởng chừng như không tìm được lối thoát, chàng đem khèn ra thổi, tiếng khèn đã thu hút được đàn chim bay đến cứu mình và còn được thưởng một viên ngọc quý, giúp Tú Dùa có thể hiểu được tiếng hót của các loài chim. Về sau, nhờ có viên ngọc đó mà Tú Dùa giúp vua tìm lại được con gái nên được tặng một đôi hài thần có thể đi trên mây trên gió. Và nhờ có những bảo bối thần mà Tú Dùa đã thoát khỏi âm mưu đen tối của lão nhà giàu và còn lấy được một người vợ đẹp và khéo tay (1).
Truyện Tiếng khèn tình yêu kể về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái tiên – trần. Chàng trai là người con út, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh trai và chị dâu đã đuổi chàng ra ở trong túp lều rách nát ngoài bìa rừng. Với tính tình hiền lành, tốt bụng lại có tài thổi khèn hay, chàng trai được nhiều người yêu mến, tiếng khèn réo rắt, du dương đã đến tai nàng tiên út, nàng phải lòng chàng trai và luôn âm thầm giúp đỡ chàng. Đến khi hai người gặp nhau, chàng trai cảm động trước tấm lòng của cô gái. Giữa hai người đã nảy sinh một tình yêu đẹp, nhưng vì cô gái là người trời nên không thể lấy được người trần, họ bị chia cắt và cô gái phải đi lấy người khác. Chàng trai vì quá nhớ thương cô gái nên ngày ngày đến chỗ hai người từng gặp nhau, cất lên từng điệu khèn thể hiện nỗi nhớ thương, sự chờ đợi trong xót xa, vô vọng. Còn cô gái cũng vì quá yêu chàng trai nên đã bỏ trốn để đi tìm chàng, tiếng khèn chính là cầu nối giúp hai người tìm lại được nhau. Từ đó, họ nên duyên vợ chồng, ngày ngày cùng thổi khèn và hát cho nhau nghe, cũng từ đó, tiếng khèn trở thành biểu tượng của tình yêu, điệu khèn tha thiết cũng như những lời yêu thương mà họ muốn gửi gắm cho nhau (2).
Trong truyện cổ tích dân tộc Mông, chàng trai có tài thổi khèn còn xuất hiện với vai trò là nhân vật có lý tưởng mang lại hạnh phúc cho cô gái bất hạnh trong kiểu truyện người con riêng. Không phải là hoàng tử (truyện Tấm Cám của người Việt, truyện của người Tày), chúa Khun Chương (truyện của người Thái), chàng trai lý tưởng giúp cho cuộc đời người con riêng bị đối xử bất công chỉ là chàng trai thổi khèn giỏi (Gồng nao-Sừ Lúng), bởi thổi khèn giỏi tức là chàng trai mạnh mẽ, nghị lực và đặc biệt là tâm hồn nhân hậu, trong sáng. Môtíp này đã tạo ra nét đặc sắc trong cách thức phản ánh của truyện cổ tích tộc người Mông. Nhân dân lao động đã quen với nhân vật cổ tích là những người mồ côi, em út, xấu xí nhưng hiền lành, chịu thương, chịu khó, có lòng yêu thương con người hết mực. Bởi lòng tốt mà nhân vật có được sự trợ giúp của lực lượng thần kỳ, vượt qua khó khăn và trở ngại để có được hạnh phúc. Hoặc trong truyện cổ tích các dân tộc thiểu số, còn có hình tượng những dũng sĩ có sức khỏe hơn người và tài năng xuất chúng diệt trừ yêu tinh, quái vật cứu người đẹp và cứu giúp dân làng… Nhưng hình tượng những chàng trai có tài năng gắn liền với nhạc cụ, với nghệ thuật không phải là môtíp phổ biến trong truyện cổ tích các dân tộc. Nếu có thì tài năng ấy gắn với những nhạc cụ khác nhau. Trong truyện cổ tích người Việt, chàng Thạch Sanh là nhân vật vừa thật thà, chăm chỉ, có sức khỏe phi thường, vừa có tài gảy cây đàn thần khiến công chúa đang rầu rĩ, câm bặt bỗng bật cười vui vẻ. Nhưng nhân vật cổ tích là những chàng trai có tài thổi khèn réo rắt, du dương, say mê khiến núi rừng phải động lòng, chim muông và các loài thú phải thích thú, lắng tai nghe, khiến nàng tiên trên trời phải đem lòng yêu mến… dường như chỉ xuất hiện phổ biến trong truyện của người Mông. Từ đây, cũng có thể hiểu được quan niệm coi trọng tài năng nghệ thuật, coi trọng đời sống tinh thần của người Mông. Đạo đức của con người gắn liền với tâm hồn và tài năng nghệ thuật, sự khéo léo, mạnh mẽ, sự phong phú, nhạy cảm trong đời sống tâm hồn. Những người có đời sống tâm lý, tình cảm phong phú mới có thể cất lên tiếng khèn mang đầy sức biểu cảm, cảm hóa được cả những sự vật vô tri vô giác. Vì vậy, những chàng trai có tài thổi khèn thường nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người, luôn nhận được sự giúp đỡ và được đền đáp những phần thưởng xứng đáng. Chàng trai có tài thổi khèn là môtíp truyện mang ý nghĩa cổ vũ, khích lệ đời sống tinh thần của người Mông, những chàng trai trẻ, tài năng lại khéo léo trong điệu khèn uyển chuyển thể hiện một sức sống mạnh mẽ, sức tươi trẻ của người vùng cao.
Tiếng khèn đã tạo ra sắc thái riêng của người Mông bắt nguồn từ những quan niệm riêng và điều kiện sống có những điểm khác biệt. Nói đến văn hóa dân tộc Mông là nhắc đến tiếng khèn, tiếng khèn đã thấm đẫm trong âm nhạc, truyện cổ tích và tâm hồn của người Mông bất cứ ở đâu, bất cứ thế hệ nào.
_____________
1. Doãn Thanh, Thương Nguyễn, Hoàng Thao, Truyện cổ dân tộc Mèo, Nxb Văn học, Hà Nội, 1963, tr.73, 82.
2. Dẫn theo lời kể của bà Mua Thị Chá, huyện Đồng Văn, Hà Giang, cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ MINH THU