Bà Lún luôn tay luôn chân trên miếng nương của nhà, nơi trồng lôm côm đủ thứ cây rau cây đậu, đu đủ, chuối lá… Miếng nương như mảnh vải cũ vá víu trên chiếc áo chàm ai phơi trên bụi cây. Gần như cả dãy núi Thia gần nhà bà Lún nhìn lên cứ như cái áo chàm khổng lồ với vài chục mụn vá. Ghê thật. Dân bản sinh sống gần núi Thia này ghê thật đấy. Họ cứ luôn chân luôn tay, đời trước đời sau phát tước gieo trồng thu hái hoa màu, đẽo gọt núi đồi đến mất tăm mất dạng cái thủa nảo nao ban đầu của nó. Đôi lúc bà Lún rùng mình nhìn lên cây Sui đại thụ chình ình chiếm một vạt núi Thia còn sót lại đó mà tha hồ suy tư chuyện cũ.

“Bản mình đây trước kia heo hút lắm. Nơi khỉ ho cò gáy í mà, vượn hú gọi bầy bắt chước tiếng người rền vang vọng sâu vách núi. Dân nhà sàn, mái cọ, trâu gõ mõ chó leo thang. Bếp đỏ quanh năm bằng củi gộc ủ giữ lửa. Le lói đêm đêm ngọn đèn dầu dọc. Ruộng bé hơn nương. Được ăn thịt thú rừng nhiều hơn cơm nhà. Có bữa ăn toàn khoai sắn, củ mài cõng vài hạt cơm…”.

Ấy là lúc bà Lún vui miệng chuyện phiếm với cánh thợ điện trên tỉnh về xã làm đường dây kéo điện đến bản.

Cánh nhà điện ở trọ nhà bà Lún cả tháng trời. Toàn loại đàn ông vâm váp tộc tuệch, hôi xì mùi bụi chét. Căn nhà sàn năm gian thông thống trước sau, ngang dọc kề cái giàn phơi thóc nhà bà thường ngày vắng vẻ, bỗng chốc chật người, chật chỗ. Vui, vui lắm. Cái giàn phơi giờ giăng mấy sào quần áo một màu nâu đỏ. Bọn con gái đi qua mấy đứa cứ tần ngần.

Chiều muộn, cánh thợ điện ngồi la liệt chuyện tào lao, thuốc lào vặt chờ cơm tối. Không ai bảo ai, họ cứ như bị thôi miên bởi cái cây Sui khủng lừng lững sườn núi Thia, cách bản Khuôn Lăn khá xa vẫn nhìn rõ mồn một. Họ tha hồ bình luận, tranh cãi, suy diễn… về cái cây đại thụ ấy. Người thì bảo cây tự nhiên. Đứa lại nói có người trồng thì nó mới đứng một mình thế chứ, nếu không thì đã mọc cả rừng. Có thằng trẻ nhất bỗng hạ giọng thì thầm: “Em linh cảm thấy đó như một cụ cây”.

Trong đám thợ điện có một người lớn tuổi. Ông này từng là công nhân làm đường điện 110 ki lô von liên tỉnh, có đoạn ngang qua gần núi Thia. Ông này còn nhớ rõ ngày nào ông cùng anh em cán bộ, công nhân ngành điện dựng những cột cao thế bằng thép lừng lững vượt ngang tầm cây Sui kia. Ông còn nhớ cả những lời dân bản quanh đây gục gặc, thán phục có mà chửi rủa cũng có…

– Các anh dựng cái cột gì cao thế hở giời?

– Chúng tôi dựng cái cột cao thế.

– Là dân bản không biết mới hỏi, chúng mày làm cái cột gì cao thế, dễ ngang tầm cây Sui?

– Thì chúng tôi đang làm cái cột cao thế mà!

– Tiên sư cha chúng bay, đã bảo chúng tao không biết mới hỏi chứ. Chúng bay nhại dân bản chúng tao à. Cao thế, cao thế cái tiên sư tổ bố chúng bay…

Cười ra nước mắt. Bà Lún nhìn cái ông lớn tuổi. Người đâu mà kể chuyện rõ duyên.

Cánh thợ điện đưa ra bao câu hỏi xung quanh cây Sui với chủ nhà. Bà Lún đã phải con cà con kê mấy buổi với đám thợ điện. Xem ra vẫn chưa đủ chạm “đáy” sự tò mò của đám khách thợ.

*

… Bà Lún thành chủ căn nhà năm gian to vật, cột kèo xà… toàn bằng gỗ táu mật đã mấy đời. Các cụ về chầu tiên tổ đã lâu. Đến bố mẹ bà phúc phận mỏng manh, được mụn con gái duy nhất là bà cũng đời vò võ. Mẹ bà vội vã quy tiên từ khi bà còn nhỏ. Theo dân bản kể thì mẹ bà bị ma làm, cứ tự khắc lăn ra chết. Sau buổi đi nương về, tầm chiều tối, qua cây Sui, ngứa tay thế nào mà bà ấy cầm con dao quắm phang mấy nhát vào cái bạnh rễ. Cây Sui túa nhựa ra… “Rồi nóng bức, nó xuống suối tắm táp… Rồi người nó nhũn ra, lượi đi… Đánh cảm, gọi hồn thế nào nó cũng không tỉnh. Chả ma ở cây Sui già nó ám, nó bắt là gì…”.

Bố bà Lún hóa gà trống nuôi con. Một hôm, ông lão đi săn, mải theo dấu con hoẵng chạy lên phía cây Sui ấy. Gặp con rắn hổ mang vàng mép, nó bợp một nhát vào bắp chân. Gọi người khiêng lão về đắp thuốc lá. Chưa đến giọt gianh nhà, người lão đã tím tái, cấm khẩu, sùi bọt mép, co quắp chân tay… Thầy lang chưa kịp tới, lão đã ngẹo cổ thở hắt ra… Thế là chỉ riêng nhà bà Lún thôi đã đầy chuyện loanh quanh cây Sui rồi.

Dân bản còn nói, thời xưa, các cụ lấy nhựa Sui tẩm vào tên nỏ thành tên độc bắn chết được cả beo. Vỏ cây Sui lấy về đập kỹ, ngâm ở suối, rũ sạch thành tấm chăn đắp, làm bố thay quần áo, làm nệm nằm…

Câu chuyện thật của bản vẫn còn đó. Chuyện về một người đàn bà đang thu thóc phơi trên giàn nhà, chập choạng tối, con beo nhảy tớp lên, lôi bà một mạch vào rừng, phía cây Sui. Mấy ngày sau, dân bản đánh chiêng đánh trống, thanh la gõ mõ… xua đuổi con thú dữ mới tìm thấy phần xác người xấu số bên cái hõm gốc cây Sui. Con beo để lại ba dấu chân to như cái bát loa và một dấu nhỏ như cái bát ăn cơm. Đấy là con beo thọt khét tiếng, từng cướp đi trâu, chó, lợn gà… mấy cái bản vùng núi Thia những năm loạn ly kháng chiến…

Rồi con beo thọt cũng chết. Hay nói đúng hơn là nó quá già yếu, tự biết không bắt được mồi nữa nên liếm mủ cây Sui mà tự kết liễu số phận. Duy cái cây Sui còn lại kia, chắc vì nó đã quá to, từ lâu không ai dám đụng tới. Vậy là cây Sui ấy cứ câng câng ngạo nghễ xanh sẫm một vạt núi. Tán lá xum xuê vươn ra như cái ô khổng lồ bao trùm lên những vạt nứa, giang và cây rừng khác. Có tới vài chục tổ chim, nào quạ, sáo sậu, cú cắt… to như những cái thúng, cái mũ cối găm lưu cữu trên cành lá, mặc cho giông lốc mưa rừng. Người ta còn nhìn thấy mấy tổ ong mật treo tầng như cái nong cái nia trên cành cây, nhưng dân bản vía không dám bạo gan bạo phổi leo lên.

Năm bà Lún mười sáu, mười bảy… Những ngày tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ngày ngày, hàng tốp máy bay phản lực gầm rú bay qua núi Thia. Người ta bảo máy bay từ Thái Lan qua ném bom Khu gang thép Thái Nguyên rồi quay về lối cũ. Một ngày nọ, có cái máy bay bốc lửa như ngọn đuốc lao qua. Người ta bảo có giặc lái rơi xuống vùng này. Bộ đội, dân quân truy tầm lùng sục mãi không thấy. Khoảng hơn năm sau, cô thanh nữ Ma Thị Lún và lũ gái làng đi bóc măng nứa, măng giang dưới tán cây Sui. Thật vô tình, cô thấy những mẩu vôi như xương người văng vãi bên những bụi nứa ngộ bị lợn rừng tha lôi, gặm nhai linh tinh như chúng gặm măng mới nhú vậy. Hoảng hồn, cô gái kêu dân bản lên, mang theo cả chó săn tìm kiếm, thu gom được khá nhiều những mẩu xương trắng, rõ là xương người thật, nhưng kích cỡ to hơn xương người thường cô từng thấy. Quái lạ, họ không thấy xương sọ. Dân bản đành cuộn tất cả nắm xương vào cái bao bố, chôn gần gốc cây Sui và thắp hương cho kẻ vô danh. Riêng cô thanh nữ có cái xoáy tóc bên mang tai trắng hồng kia thì mấy tháng sau đã nôn khan ốm nghén, rồi sinh ra đứa con gái bây giờ đang làm dưới tỉnh. Bà không kể chuyện ấy, mà cái đám thợ điện cũng chẳng ai biết mà hỏi. Thời chiến tranh khói lửa ấy mà, bộ đội, thanh niên lại hay đi ngang về tắt…

Mãi về sau, bà Lún nghe người ta nói rằng, có đoàn PAO MIA gì đó tìm đến xã, đến bản. Người ta tìm bà Lún hỏi về đám xương rơi. Bà dẫn họ tới cái bạnh rễ Sui sần sùi mốc mác, chỉ cho họ đào bới. Người ta có ý hỏi cái đầu lâu. Không ai dám chắc, biết nó nằm đâu hay lợn lòi đã xực rồi… Hay là… Bà Lún cứ vẩn vơ dõi mắt lên tán cây Sui to rộng um tùm vời vợi trên đầu với loáng thoáng bao nhiêu tổ quạ, tổ sáo sậu như những cái thúng cái mũ lơ phơ trên cành cao. Bà suy đoán viển vông, không dám hé răng cho ai biết. Lại càng không dám kể cái đận cô thanh nữ lăn lộn dưới gốc cây Sui với chàng tân binh quê tận đẩu tận đâu. Nói dại, khéo cái người nọ từ trên trời rơi xuống mắc vào ngọn cây Sui đại thụ, hồn vía đã từng chứng kiến chuyện kín của bà. Rồi thì thân thể người ấy xương tan thịt nát, lâu ngày rơi dần xuống đất. Duy cái đầu lâu, biết đâu vẫn còn trong cái mũ phi công bền chắc mắc lại trên cây cao, trông xa nó cũng chỉ như cái đụn rác, cái tổ chim… Chuyện có vậy thôi mà sao bà Lún vẫn canh cánh trong lòng, nghi nghi hoặc hoặc, xa xót ngậm ngùi bên cây Sui trăm tuổi còn sót lại rìa núi Thia.

Bà Lún còn lan man nhiều chuyện với đám thợ điện, câu chuyện làm quà của người dân bản vùng sâu mến khách. Rằng, hồi đầu năm, anh con rể công tác dưới tỉnh về rước bà đi chơi tiết Thanh minh cùng các con các cháu. Bà được đến đền Mẫu Âu Cơ. Lần đầu tiên trong đời, bà Ma Thị Lún ở bản Khuôn Lăn vùng núi Thia mới được tận mắt thấy đền đài miếu mạo nơi đất Tổ vua Hùng. Đi lan man, thắp hương làm lễ cầu phúc xin lộc mấy ban thờ, bà Lún đi ra phía sau khu đền. Giữa khuôn viên to rộng, bà thấy người ta trồng nhiều cây quý, biển cắm ghi tên ông nọ bà kia cung tiến… nổi bật vẫn là cây đa cao to xum xuê tán lá, thân to rễ lớn, rễ phụ buông tua tủa vươn xa cắm khắp khoảng vườn. Cây đa xanh mươn mướt này, từ xa vài cây số trước khi tới đây bà Lún và các con cháu đã nhìn thấy, đã trầm trồ bởi cái vẻ hùng dũng uy nghi in dấu xanh sẫm một khoảng trời. Bà Lún được anh con rể chỉ tấm bia đá màu đen chữ vàng hạ đặt gần gốc cây đa, thì thầm vào tai bà: “Cây di sản đấy Mế. Cây có đánh số, ghi danh xếp hạng quốc gia…”

Bà Lún cứ ngậm ngùi, ậm ừ lời lẽ với cánh thợ điện, mắt rơm rớm nhìn về phía cây Sui cổ thụ bên núi Thia. Cánh thợ điện không ai bảo ai, im lặng cùng dõi mắt về phía cây Sui. Phía ấy dù không có điện, nhưng thi thoảng trên nền trời đen sẫm vẫn có những quầng sáng nhấp nhóa, như thể ai đó chốc lại châm đóm hút thuốc lào trong lúc chờ nghe nốt những lời lòng thòng bà Lún chưa kể…

Nguồn Văn nghệ số 3/2019

Tagged: