Mãi rồi mà tôi vẫn chưa quen được: mình đã lên ông nội. Hương cũng vậy, sao đã thành bà trong khi lòng vẫn còn trẻ lắm? Những ngày đầu, nàng lắm lúc cứ cười rúc rích: “Chàng ơi, thiếp thành bà rồi đấy nhé”. Tôi trêu: “Lão bà bà”. Sóc, là lý do của sự ấy đấy.

Sóc là đứa hay thắc mắc. Không dứt những câu hỏi tại sao. Như khi học lớp Một rồi, Sóc hỏi: sao bà không đeo kính? Là bà, tức là phải đeo kính. Như bức tranh vẽ bà nhăn nheo khâu vá và đeo kính lão trong sách giáo khoa. Với những đứa trẻ thì sách giáo khoa là kinh thánh và cô giáo là chân lý. Không, bà Hương có đeo kính chứ, nhưng chỉ khi ở ngoài đường và trên facebook. Kính râm nhạt, hàng hiệu hẳn hoi nhé. Ảnh mới post lên. Bố Sóc thạo máy tính fotoshop cho. Khác gì một hotgirl. Còn trẻ hơn hồi năm thứ nhất đại học. Như thế, bà Sóc cũng đeo kính đấy mà chẳng giống như trong sách. Nó ngẩn ra không hiểu. Nhưng rồi lại quên ngay, thoắt chuyển sang câu hỏi khác với muôn vàn thắc mắc về thế giới con người trưởng thành mà rồi những đứa trẻ như nó bắt buộc phải tiến hóa theo. Có điều, những câu hỏi rồi cũng sẽ rơi rụng dần khi chúng lớn lên. Con người ta, dường như ai cũng thế cả.

Song thắc mắc của người lớn thì ai lý giải cho đây? Ví như câu chuyện liên quan đến chính sự có mặt của nó trên thế gian này.

Sao trùng hợp thế: sự ra đời của Sóc với bố nó? Tôi với Hương lỡ có con, tức là bố nó, vào năm cuối chuẩn bị ra trường. Cả hai cùng bị kỷ luật một năm. Năm sau mới được thi tốt nghiệp. Bố mẹ nó cũng lặp lại y thế. Hương nhất định giữ lại đứa con trong bụng. Mẹ Sóc cũng vậy. Cả bố cả con đều dự đám cưới bố mẹ. Có khác là nằm gọn trong bụng cô dâu, sau mấy tầng áo cưới, mặc kệ thế giới lòe loẹt xung quanh chúc tụng, la hét, nhảy múa như lên đồng. Bố con vẫn đủ chín tháng mười ngày, song nếu tính từ ngày cưới bố mẹ thì là khí sớm. Trùng hợp đến thế. Hay là do báo ứng đây? Khó biết.

Song cũng là may khi bố con nó đều không phải bơ vơ: vẫn đầy đủ bố mẹ đẻ ra mình. Thằng con tôi bảo cô nàng khóc lóc, nói thà không cưới chứ không bỏ cái thai đi. Vợ chồng tôi nhìn nhau. Tôi nói: “Đàn bà biết nghĩ thế, bố đồng ý. Mày nên thôi loằng ngoằng với con bé kia đi”. Hương cười: “Biết đâu là mẹo hồ ly? Nhưng bố mày nói phải. Đàn bà đến cùng thì còn đứa con”. Nhìn tôi. Tôi thừa hiểu câu ấy cũng là bóng gió với riêng tôi đấy. Nhưng mà Hương em ơi, nếu chuyện cũ là có lỗi thì phải đâu chỉ một mình anh? Với lại vẫn về cùng một nhà với nhau cơ mà, nàng hồ ly của tôi?

Mẹ Sóc về làm dâu. Sóc trong bụng theo mẹ về nhà ông nội. Cùng cảnh ngộ chăng nên Hương có vẻ độ lượng hơn với con dâu. Mẹ Sóc cũng dần bớt mặc cảm. Ông Vitor Hugo, trong bài thơ tặng con gái Leopoldiné lúc đi lấy chồng, có câu: “Con để lại nỗi buồn ở nhà này, đem niềm vui đến cho nhà khác”. Từ ngày có mẹ Sóc, thực ra là cả hai mẹ con Sóc, nhà cửa dường như có không khí lâng lâng. Rất chi khó tả. Trước không thế.

Hương bảo riêng con dâu: “Phải xoa bụng nhẹ nhàng, chuyện trò với thai như nói chuyện với một đứa trẻ. Trước, mẹ không làm được thế”. Biết chuyện, tôi cũng bảo: “Là thai giáo. Sách dạy phụ nữ khi có thai đứng ngồi không nghiêng lệch, mắt không nhìn tà sắc, tai không nghe lời dâm loạn. Không xem tê giác, voi, châu ngọc. Tránh xa lễ nhạc trống chiêng ầm ĩ. Chỉ mong được thấy người đoan chính, hiền nhân quân tử”. Hương nói: “Cổ nhân phức tạp. Nhưng nếu phải thế, thì chỉ không xem tivi là được chứ gì?”

Trẻ mới sinh, quấy khóc. Mẹ chồng bảo: “Phải hát ru”. Con dâu: “Vâng”. Cũng có nghe tiếng hát ru. Nhưng sao chuyên nghiệp, có cả nhạc đệm. Thì ra từ điện thoại smartphone. Mà thấy đứa trẻ cũng im tiếng khóc thật. Tôi nói: “Ngày xưa mẹ hát ru anh không có nhạc: Con cò đi đón cơn mưa, Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…”. Hương bảo: “Chàng ơi, lạc hậu rồi. Mỗi thời mỗi khác”. Tôi chịu Hương nói phải. Song trong lòng vẫn thấy thế nào ấy.

Quả thật, lắm lúc nghĩ vẫn thấy thế nào ấy.

*

Mẹ Sóc gần đến tuần đến tháng, nhà lắm lúc như chốn nghị trường. Thằng chồng bảo: “Mổ đẻ, chọn giờ tốt. Trên mạng bảo thế. Lại an toàn”. Tôi thì nghĩ: gì bằng tự nhiên. Hương dàn hòa: “Nếu khó cũng phải thế”. Cũng phải. Nếu đẻ khó thì còn giờ tốt giờ xấu gì nữa?

May, cuối cùng được thiên thành. Sóc gan lỳ, cuối ngày mới chịu ra, đúng lúc tôi xong cuộc họp chạy vội vào viện. Không hay nó chờ phải đích ông nội có mặt? Tôi nhắc Hương: “Cẩn thận. Có chuyện nhầm con ở bệnh viện đấy”. Hương cũng tái mặt: “Ừ nhỉ. Được rồi, để em”

Thế là Sóc ra đời. Những đứa trẻ, là thiên thần gửi xuống thế gian. Sau mới thành người.

*

Giờ là chuyện đặt tên cho một thành viên mới góp mặt với đời. Tên người, kẻ có chữ thì phức tạp. Còn không thì hồn nhiên. Song chung quy vẫn bị gửi vào đấy hy vọng thầm kín của bậc sinh thành, dù có khi cũng chả phải cao xa gì. Thường có cả hai thứ tên: gọi trong nhà và khi ra thiên hạ. Ra thiên hạ phải đủ cả họ. Gọi trong nhà chỉ bằng tên không. Bố nó thốt nhiên bảo: tên là Sóc. Ừ, chỉ một từ rất đơn giản: là Sóc.

Có lẽ sự phức tạp ở đời là từ khi con người ta đặt tên cứ phải kèm theo với họ? Rồi ra còn tên tự, tên hiệu, bút danh, bí danh… gì gì nữa. Không những thế, còn cả chuyện trùng tên họ mạc, tiên tổ. Có nhà còn tránh đặt tên con cháu là Công vì sợ phạm húy cụ tổ trong gia phả, dịch ra là Đỗ Quý Công hay Hoàng Trọng Công gì đó. Lỗi này chắc do vua Khải Định, ra đề kỳ đối sách khoa thi cuối cùng năm 1919, lại cho bàn về hai chữ “văn minh”. Nếu thế, phải kể cả đến ông Alexandre de Rhodes, người soạn “Từ điển Việt – Bồ – La” nữa. Dòng mạch nghìn năm đến đây thì dừng. Phải sang sông thôi. Nhưng hương hỏa các cụ để lại cũng phải mang theo chứ nhỉ? Chí ít cũng để dùng cho cái sự đặt tên người.

Như Sóc, thì bố mẹ nó gọi thế. Và rồi ai cũng gọi thế. Thật tự nhiên. Có lẽ trong vô thức, con người ta luôn muốn đơn giản. Mà đơn giản hình như là phải trở về với thiên nhiên. Như sóc chẳng hạn: loài thú hiền lành, đáng yêu. Thích ở bộng cây cao. Thường là cây thông, vốn không ngại cheo leo giá rét và quả thông luôn là món khoái khẩu. Củ quả thì có lẽ cà rốt cũng là món mà lũ sóc thích. Sách thiếu nhi hay vẽ con sóc gặm cà rốt. Sóc tập tô vẽ, thích vẽ công chúa với lại tô màu củ quả. Bà làm cô giáo chê: sao lại tô củ cà rốt màu xanh? Nhưng rồi lại vội khen cháu vẽ đẹp.

Tên chính danh mới khó. Hỏi chuyên gia, bảo: đặt tên có nhiều lối lắm, song chung quy để bổ cứu cho tiên thiên vẫn là tốt nhất. Đây, cho ông một se-ri, chọn gì cũng được. Thế là Sóc có tên chữ, bù trừ ngũ hành thiếu khuyết đồng thời cũng tượng cho một hy vọng dôi dư. Được cả đôi đằng. Thế là yên chí nhé. Cảm ơn chuyên gia. Sách báo, mạng internet cứ lung tung tí mẹt. Song ngẫm ra, có vẻ có lý thì theo thôi. Đã gọi là hy vọng thì biết thế nào mà nói?

Tên chữ là hướng về phía trước, còn tên tục là hướng về phía sau. Có phải thế không. Ai biết được chỉ cho ông cháu tôi với? Song hiện tại chắc chắn nó là cần thiết. Để khỏi lẫn người nọ với người kia.

Thế nhưng có chuyện này, liên quan đến chuyện định danh định vị giữa cõi người, tôi cũng chỉ đoán là thế. Cầu cho tôi đoán sai. Lạy trời.

Số là tình cờ tôi nghe được bố mẹ Sóc hay hỏi nó. Lặp lại như một bài kiểm tra hàng ngày: “Sóc tên gì?”, “Con tên Sóc”, “Tên gì nữa?”

Nó nói tên khai sinh. Cả họ và đệm. Bố mẹ nó khen giỏi rồi lại hỏi tiếp: Sóc con ai, làm gì, ở đâu, số điện thoại? Nhà mình là số mấy, phố nào, phường nào, thành phố nào? Không phải thế, là thế này cơ mà. Nói lại. Bằng thuộc thì thôi.

Cả ông bà nữa. Sóc bi bô: bà…tô giáo, tức làm cô giáo, ông làm sếp. Tôi chỉ trưởng phòng thôi cũng được nó phong là sếp. Cổ lai, xứ mình có bao giờ con cháu gọi thẳng tên húy các bậc bề trên không mà nay cháu nội tôi lại gọi: bà Hương ơi. Ông cũng thế. Là thế nào đây?

Cứ tưởng là trò vui với con trẻ. Song lặp đi lặp lại thành ra vợ chồng tôi bỗng nảy ý nghi ngờ: vì sao nhỉ? Chẳng lẽ bố mẹ nó huấn luyện các tình huống lỡ có xảy ra chuyện bắt cóc trẻ con? Không, chắc là chỉ phòng khi bị lạc thôi. Mới nghĩ thế đã gai cả người. Tôi ôm chặt Sóc vào lòng. Trẻ con thật láu cá, thấy thế nó gạ luôn: ông cho con mượn iPad nhá?

*

Ngày nghỉ cuối tuần, nó hỏi: “Sao hôm nay không về mọ hả ông?”. Về mọ tức là về quê đấy. Quê tôi, một trong mười tám làng ven sông Hồng xưa ồ ạt đi theo ông Lân Hổ đánh quân Thát Đát phạm vào bờ cõi. Ông chết trận được thờ làm thành hoàng làng trong đó có làng Cổ Mại, tục danh kẻ Mái làng tôi. Truyền thuyết kể mẹ ông giẫm phải vết chân hổ nên hoài thai đẻ ra ông. Bao đời nay dân làng vẫn kính cẩn gọi người bố thiên nhiên của ông Lân Hổ bằng Cụ. Kiêng húy thành ra là mọ. Ai về làng Mái quê tôi cũng phải lưu ý cho điều này nhé.

Về quê, nó hứa là sẽ thơm mọ. Đến lúc mọ lẩy bẩy đưa cánh tay ra: “Mọ yêu chắt tí nào”, thì nó sợ quay đi, ôm chặt lấy mẹ. Mẹ nó đẩy ra: “Mọ nhà mình mà. Sóc thơm mọ đi. Con hứa rồi còn gì?”. Nó càng giãy ra, khóc thét. Mọ cười móm mém độ lượng. Tuổi vắt qua hai thế kỷ. Còn gì nữa để mà tủi thân khi không được âu yếm chính dòng giống của mình. Bốn đời quả thật đã xa xa. “Ngũ đại mai thần chủ”. Năm đời không cúng giỗ nữa, cũng là có lý. Nhà tôi, từ ngày có Sóc, tuy là cháu gái, thì cũng cứ nên xem là tứ đại đồng đường.

Rồi cũng đến lúc chỉ còn tam đại ba đời. Ngoài chín mươi tuổi, mẹ tôi thế gọi là được thượng thượng thọ. Bạn bè an ủi tôi: “Chúng mình sau liệu có được thế?”. Đặt sang một bên cái điều đấng sinh thành còn được một ngày cũng quý, thì cái câu an ủi đó thành ra nỗi lo cho người sống. Lo cho mình hóa lại thành mừng cho mẹ.

Một đời gieo trồng, cuốc xới. Trong lúc chờ lúa chín, cùng chị em họ bạn tranh thủ gánh gồng vượt đèo Khế tận chợ Đồn chợ Cả bên Thái Nguyên hay đò ngang sông Cái sang Phùng, Trạm Trôi tỉnh Sơn buôn nồi đất, chổi cọ. Những khi được rảnh rang, ví như những buổi mưa dầm, khi đêm lạnh thì vừa khâu vá vừa hát: “Ngày xưa có anh Trương Chi, Người thì thậm xấu hát thì thậm hay…”. Hai chế độ không làm gì cho ta và cho địch. Lý lịch các con đều ghi thế. Xã viên hợp tác xã đủ công đủ điểm, chưa từng bị nhắc nhở cũng không được thằng cháu họ, đội trưởng đội sản xuất số 2 thôn Vân Ổ tuyên dương bao giờ. Là mẹ tôi đó.

Bây giờ nằm xuống. Tấm vải liệm đắp kín cả mặt. Sóc thắc mắc hỏi: “Sao mọ cứ ngủ mãi không dậy thế hả mẹ?”. Có tiếng bật cười, song được lấp ngay bằng tiếng khóc to: “Ối mẻ ôi, từ nay mẻ ăn đâu nằm đâu, mẻ ôi là mẻ ôi…”.  Mẹ, mà nghe ra thế. Bạn đọc ạ, tôi ký âm không đến nỗi sai. Mẹ nó sửa lại cái khăn tang màu đỏ trên đầu cho nó rồi thì thầm gì đó. Có lẽ chưa thỏa mãn lắm với sự giải thích của người lớn, nó chúi vào cơn buồn ngủ trong lòng mẹ. Nó ngủ, lúc nào đẫy giấc sẽ thức dậy. Còn người cho ông nội nó có mặt trên đời thì cứ ngủ mãi không dậy dưới đèn nến sáng choang cùng tiếng trống kèn rền rĩ.

Những ngày sau, khi được hỏi:”Thế mọ nhà mình đâu rồi Sóc?”. Thật lạ, nó không trả lời mà lại chỉ ngón tay lên trời. Mấy lần đều thế cả. Chỉ trẻ con mới đáng tin thôi, thường ta vẫn cho là vậy. Mừng cho mẹ, thế là được lên trời. Như chắt của mẹ đã chỉ tay.

Người lớn nói dối trẻ con thì dễ nhưng thắc mắc của chúng thì cứ ám ảnh không sao gỡ ra được. Mẹ mất rồi, còn lý do gì để về quê như một nghĩa vụ đồng thời là một sự chính danh? Ông nhà thơ nào đã viết: “Quê mẹ không còn mẹ. Bao giờ con lại về?”

Sóc thắc mắc sao hôm nay không về mọ, tức là không về quê đấy. Dối trẻ thì dễ, song chuyện này lại động đến tâm sự của người lớn. Thành ra cứ bứt rứt mãi. Chỉ vì thắc mắc của đứa trẻ.

*

Hôm qua, Sóc bị ong đốt. Khóc lặng người đi. Ong đốt đến người lớn còn hãi. Con ong này khá to. Đen tuyền. Có khoang vàng lớn ở bụng. Đích thị ong bò vẽ. Cả nhà cuống quýt. Làm thế nào đây? Ông bảo: “Bôi vôi”. Bà vặc lại: “Giờ lấy đâu ra vôi. Cho vào viện”. Bố mẹ quát lẫn nhau: “Trông con thế à?”. Đứa trẻ càng sợ, khóc thét lên ôm chặt lấy bà. Bắp chân non sưng tấy.

Bôi bừa kem đánh răng. Thế mà cũng thấy đỡ. Hồi lâu chỉ còn tiếng thút thít và tiếng cưng nựng dỗ dành.

Bỗng có tiếng bố nó kêu to: “Bắt được thủ phạm đây rồi. Sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ nhé”. Con ong chỉ còn lờ đờ. Bố nó tìm bao diêm. Xòe hết que này đến que khác đốt con ong: “Mày chết này. Cho mày chết này. Dám đốt Sóc à. Sóc nhìn đây, bố đang xử lý nó”. Nước mắt vẫn lưng tròng nhưng Sóc cười thích thú nhìn bố diễn cảnh tòa án pháp đình thời trung cổ với giống vật khác loài. Mùi cháy khét lan khắp nhà.

Nghĩ thôi, không thể nói ra được. Con ong, cũng không tự dưng đốt người. Cũng như loài thú nói chung trong tự nhiên. Hành động của chúng đâu có vô cớ? Tự nhiên vốn đơn giản. Loài vật chỉ trở nên hung dữ khi kẻ khác xâm phạm vào lãnh địa tự do của nó, giới hạn sinh tồn của nó. Cho đến cả những tộc người đã riêng bờ cõi núi sông. Nhưng mà những điều này đâu có mới mẻ gì? Nhân loại đã biết cả, đã phải sám hối bởi từng đã có thời tách ra khỏi trật tự cộng sinh, tự cho mình có sức mạnh chinh phục tất thẩy với lăm lăm trong tay cây súng.

Còn thế kia nữa: sự hành hạ trả thù. Những hình ảnh ấy rồi sẽ ám vào đầu óc non nớt của Sóc. Liệu rồi có lớn dần lên để Sóc ứng xử như thế với loài vật, với đồng loại?

Có lẽ tôi nghĩ xa quá. Chỉ là chuyện bị ong đốt. Vả lại đứa trẻ đã tươi tỉnh rồi. Có sao đâu.

*

Ở lớp mẫu giáo về, Sóc hớn hở khoe: “Hôm nay con được hai phiếu bé ngoan”. Bà khen: “Cháu tôi giỏi thế. Đâu, cho bà xem nào?”. Lôi ra từ ba lô. Là mảnh giấy con con hình chữ nhật, có hình hoa hồng, hoa sen hay sóc nâu, thỏ trắng ngộ nghĩnh với chữ bé ngoan chứng nhận. Nhưng một phiếu bé ngoan thôi. Cái còn lại to hơn chút, có dòng chữ với các con số thẳng hàng ngang dọc. Là phiếu thanh toán tiền học phí trong tháng trường mầm non Sóc Nâu thông báo đến gia đình. Đầu tuần tới phải nộp. Cả nhà cười bò. Sóc òa lên khóc. Mọi người phải đồng thanh: “Ừ, là hai phiếu bé ngoan”. Thế là nín. Lại nhoẻn miệng cười.

Trẻ con đúng là rất thích được khen. Cứ thế mà suy thì người lớn thích khen cũng giống với trẻ con thôi. Là chứng chỉ hay lời nói cũng thế. Bằng sắc, đến cả biển ngạch ân tứ hoàng triều, chỉ là những thứ đem đến thị phi. Trong đám sách nát, phải thổi nhè nhẹ mới lật được trang, chẳng hiểu sao lại nói thế chứ?

Có điều, trẻ con xem những thứ ấy chỉ như đồ chơi mới. Chơi xong thì bỏ. Khác với người lớn. Chả thế mà sau đấy Sóc có đoái hoài gì đâu. Tôi bảo: cất đi. Sau này giở ra cho xem lại, chẳng cũng thú vị lắm sao.

Ừ, tuần này Sóc được những hai phiếu bé ngoan.

*

Cũng đến lúc Sóc tự xúc ăn bằng thìa. Có lúc bắt chước cầm đũa như người lớn. Vụng về, cơm vương vãi. Ông lừ mắt: “Sóc, nhặt lên cho vào bát”. Mẹ không nói gì. Bà chỉ nhắc nhẹ nhàng, không riết róng như ông. Bố thì bảo: “Ông khó tính”.

Có lẽ điều này là sự ám ảnh từ bé của tôi chăng? Nhớ khi như nó bây giờ, trót để cơm rơi vãi, ông nội tôi dằn bát xuống, quát: “Cơm gạo là của ngọc thực. Sao dám phí của giời? Có ngày đói nhăn răng ra biết chưa?”. Tôi len lét nhặt lại những hạt cơm rơi. Từ ấy không bao giờ dám để rơi vãi nữa.

Ông nội tôi, tay trắng làm nên cơ nghiệp. Vào loại khá giả trong làng vậy mà vẫn kiệm ước, không hoang phí. Nhưng khi cần vẫn dốc bồ phát chẩn cho bà con lúc mất mùa hay ủng hộ Việt Minh kháng Nhật cứu quốc.

Xứ này, như là số phận vậy, không thiên tai thì địch họa. Hiếm khi yên ổn, sung túc. Lúc được mùa vẫn lo đến tháng ba ngày tám. Có lẽ đấy là để tìm lấy sự cân bằng trong kiếp nhân sinh, thực là nhỏ nhoi làm sao trước sức mạnh tàn phá khi tự nhiên nổi giận hay nhân gian bột phát cơn điên khùng chiến tranh tao loạn.

Ông nội tôi thế có khó tính không? Cả đến tôi bây giờ nữa? Mà thôi, đấy chỉ là những chuyện rất nhỏ trong một bữa cơm gia đình. Những hôm Sóc vui vẻ. Cả nhà vui vẻ theo. Đứa trẻ, chính lại làm cân bằng cho tất cả.

*

Mấy hôm nay Sóc nhăn nhó: “Mẹ ơi, con đau bụng”. Nghĩ là thường nên cũng chỉ dầu xoa qua quýt. Chẳng ngờ đau càng nhiều thêm. Chỉ vào bụng: đau chỗ này. Ăn uống kém. Sút đi trông thấy, như tàu lá héo. Cho đi khám. Uống thuốc theo đơn vẫn không khỏi. Làm thế nào?

Tôi bảo: cho xuống Hà Nội. Cả nhà chần chừ. Tôi phải gắt: dưới đó nhiều thầy thuốc tốt. Phàm nghề gì, cứ va chạm nhiều tất giỏi. Nghề y lại càng thế. Chả thế mà bệnh viện thủ đô ốm đau bốn phương tám hướng dồn về. Vả lại, mất có hơn tiếng đồng hồ, phải đâu như tận những Lai Châu, Sơn La xa tít mù tắp? Đông, thì khám dịch vụ. Ừ thì chi phí. Nhưng trên đời gì cần hơn chữa bệnh cứu người? Nếu cần cũng phải bán cả nhà đi mà chạy chữa chứ.

Quả đúng thế. Chỉ ra đúng gốc bệnh của Sóc với phác đồ điều trị chuẩn. Bệnh thuyên giảm nhanh. Sóc dần lại tươi như hoa. Có hơi nhăn nhó khi uống thuốc.

Nhưng là bệnh gì? Trời, tí tuổi đầu đã viêm loét dạ dày. Nguyên nhân? Bác sĩ bảo: do thức ăn. Vẫn cứ là “bách bệnh tòng khẩu”. Bố mẹ chiều con, ăn vặt. Những là bim bim, xíu mại, bò khô. Cho đi theo cùng ăn nhậu quán xá. Tivi vẫn hàng ngày ra rả chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ôi dân quê tôi, mười tám làng ven sông Hồng xưa ồ ạt theo ông Lân Hổ đánh giặc giữ làng, nay trên đồng bãi phù sa màu mỡ trồng rau hai luống. Một luống xanh mơn mởn. Là dành để bán. Còn ăn ở luống kia, không thuốc trừ sâu.

Cậu cán bộ phòng tôi, bảo: “Anh ạ, nên chịu khó mua nước lọc đóng bình dùng nấu cơm canh, thức ăn. Nước máy chỉ để tắm giặt. Mua thùng xốp trồng rau. Nhà em làm thế lâu rồi”. Tôi cười: “Cũng tốt đấy. Nhưng vẫn phải giao lưu, tiếp khách. Không lẽ chỉ ăn cơm nhà? Mà sắp tới anh em mình dự lớp tập huấn mấy ngày trong Cần Thơ. Cậu nhớ xách theo nồi cơm nhà đi nhé”. Cười trừ. Rồi mọi chuyện đâu vẫn vào đấy.

Sau đợt thuốc, Sóc được kiêng khem kỹ. Bệnh thuyên giảm trông thấy. Lại tươi như hoa. Trẻ con đúng là nhanh tươi nhanh héo.

*

Chuyện của Sóc thì nhiều. Như những gia đình khác, những đứa trẻ khác. Và như ở đầu câu chuyện tôi đã nói, thì mới đầu là thế, song quả thực đến giờ chúng tôi cũng đã quen với việc mình đã thành ông thành bà. Hương cũng vậy, dù nàng trông vẫn như hotgirl, có đeo kính hay không đeo kính trên facebook. Bằng chứng là cứ hết giờ làm việc lại nghĩ đến lúc về được gặp Sóc. Thế là thấy đời sống nhẹ nhõm đi. Không thỏa mãn được những thắc mắc liên miên của nó thì vẫn thấy nhẹ nhõm. Vì không còn phải nghĩ ngợi.

Song mà thú thật, đôi lúc vẫn cứ thấy có những lo lắng xa xôi nào đó, chẳng rành mạch rõ ràng gì cả. Mà khéo chẳng phải một mình mình thấy thế.

Những đứa trẻ, là những thiên thần gửi xuống thế gian. Ai cũng muốn chăm sóc và lo lắng cho chúng. Không tránh khỏi lo sợ, dù rằng mơ hồ vô cớ, thì người ta vẫn muốn tin rằng rồi chúng sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Một cuộc sống mà người trước chưa từng được sống. Văn hào Lỗ Tấn, trong “Nhật ký người điên” viết vào những năm đầu thế kỷ trước, còn nghĩ đến thế này kia: dù sao vẫn còn những đứa trẻ chưa từng ăn thịt người chứ? “Hãy cứu lấy các em!”, là câu kết của thiên truyện ấy.

Vậy mà chính ông, về sau khi nói lại chuyện này, lại thú nhận rằng viết thế “nó giả giả thế nào ấy. Bây giờ xem lại, thấy rỗng tuếch”. Thật chẳng hiểu ra sao nữa?

Nguồn Văn nghệ số 49/2018

Tagged: