Cõi hoa

Cái đẹp khiến đời sống thêm phần hứng khởi, tô điểm sắc hương cho trạng thái tinh thần, quyết định thái độ sống và thế giới quan của chúng ta. Chuẩn mực của cái đẹp tùy theo phản ánh chủ quan của mỗi người. Vì thế, mà L.Tolstoy (1828-1910) đã viết: “Sách viết về cái đẹp đã chất lên thành núi, nhưng cái đẹp vẫn là một câu đố giữa cuộc đời”. Triết gia Kant (1724-1804) cho rằng, cái đẹp là cái gì đó không có bất kỳ một chức năng nào khác ngoài chức năng làm cái đẹp. Khi đó một vật thể sẽ trở thành thuần túy là một vật thể, hiện ra hoàn toàn chỉ vì nó đẹp chứ không vì bất cứ công dụng nào khác. Mỹ học Kant xem cái đẹp là sự hài hòa, hài hòa giữa thiên nhiên và thế giới tinh thần, giữa cảm xúc với ý chí, giữa lý trí với tưởng tượng. Hegel thì nói hãy để mặc cái đẹp trong “vương quốc của cảm giác”.

Thời Phục hưng, con người đã biết đến tỷ lệ vàng giữa hai đại lượng là 1,618. Trong nghệ thuật, tỷ lệ vàng được thấy ở công trình Parthenon ở Athens, Kim tự tháp Giza và bức họa Mona Lisa. Đó là cái đẹp nghệ thuật. Cái đẹp của nghệ thuật phải phản ánh chân lý (ở đây là chân lý nghệ thuật) như lời triết gia Plato Hy Lạp (427-347) và quan niệm của thi sĩ người Anh lãng mạn John Keats (1795-1821). Chân lý nghệ thuật mang tính cảm xúc, nhưng lại là cảm xúc có nền tảng văn hóa, tầng độ duy mĩ.

Còn cái đẹp trong tự nhiên không tồn tại độc lập, nó chỉ tồn tại trong quan hệ với con người. Thông qua hoạt động thực tiễn của mình mà con người tạo ra chuẩn mực của cái đẹp. Một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, một bài thơ hay, một bài hát lay động lòng người, một thắng cảnh thiên nhiên, một giai nhân nghiêng nước nghiêng thành,… không nằm ngoài phạm trù cái đẹp. Thưởng hoa như là một chuẩn mực trong cảm nghiệm về cái đẹp cụ thể ấy. Hoa là đối tượng để nghệ thuật bàn đến như là một biểu tượng cho cái đẹp như nhiều quốc gia trên thế giới đã chọn một loại hoa làm quốc hoa.

Tôi có một người bạn vong niên, họa sĩ Võ Quang Hoành rất yêu sen và gắn việc sáng tạo của anh với loài hoa thân thuộc này. Anh cho rằng đây là một “biểu tượng của chân lý”, hiển lộ những giá trị thâm uyên, vi diệu của Phật pháp. Thông điệp của chân lý ở đây chính là nhờ sự tu học giáo lý của Đức Phật và thực hành Phật pháp để soi rọi bản ngã của chính mình. Bên cạnh đó, mục đích sáng tạo chính là nhằm mô tả vẻ đẹp tự nhiên và giá trị văn hóa của hoa sen để từ đó đánh thức vẻ đẹp tự có bên trong mỗi người. Toàn bộ tác phẩm vẽ hoa sen của anh được thực hiện từ nguồn cảm hứng từ vẻ đẹp của hoa sen và những ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đối với đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt Nam.

Từ cái yêu đến hành động vẽ là một quá trình trải nghiệm về quy luật nở – Tàn của những đóa sen trong dòng thời gian luân chuyển; về sự phụng hiến của những đóa sen vươn lên khỏi bùn tanh để tỏa hương ngát. Hoa sen dâng hiến toàn bộ năng lượng của mình cho thiên nhiên và cuộc sống con người. Hoa sen tinh khiết, dịu dàng không phân biệt dù bất cứ ở đâu, là nét đẹp tĩnh tại giữa dòng thời gian biến dịch, biểu tượng của sự thanh tịnh giữa nhiễm ô. Mỗi con người chúng ta luôn chọn cho mình một cái đẹp nào đó để yêu, ngõ hầu đem lại chút hương sắc cho tâm hồn.

*

Tôi đã nghĩ nhiều về hoa mai, hoa cúc, đỗ quyên với vẻ riêng biệt, độc đáo của chúng. Hoa mai phong lãm cốt cách, hoa cúc dân dã, đỗ quyên kiêu sa hoang dại.Hoàng mai là quốc sắc thiên hương, là chúa xuân ý vị. Mùa xuân phương Nam không hoàng mai như người con gái đẹp không lụa là, không phấn hương. Mai gom cả màu vàng của hóa công dát lên xiêm áo, tô vẽ cho đất trời một dáng xuân quốc sắc. Màu vàng hoàng mai, màu lụa là, êm như mây, mượt như nhung. Hoa nở làm đất trời hân hoan, động lòng kẻ lữ thứ đắm say hồng trần mà ngưng cuộc mộng. Cái đẹp này mang giá trị phổ quát lâu bền với mỹ học truyền thống của dân tộc.

Một phần ký ức trong tôi được hình thành giữa màu hoàng mai. Sớm xuân, hình ảnh ông cụ họ cả đời quanh quẩn bên gốc mai già lại hiện lên trong trí nhớ. Cụ đi không vững, lưng còng phải chống gậy, hơn nửa cuộc đời vun vén cho cây mai trổ những cành thẳng vút cao như những ngón tay trời. Ngày đông giá, cụ ủ ấm cho cây bằng những mùn rơm, xơ dừa như người cha đắp chăn cho đứa con cưng, lại còn tắm táp cho mai những giọt nước ấm để ươm hoa. Không phụ lòng cụ, năm nào một góc nhà cũng sáng rực sắc vàng. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, cánh mai lả tả rơi đáp nhẹ trên mái tóc trắng như cước giống một thếp lụa vàng rơi giữa tuyết trắng mênh mông. Mỗi mùa mai, cha lại dắt tôi qua nhà cụ thưởng trà. Cốc trà nóng mân mê trong tay, đẩy lùi giá lạnh hắt hiu ngoài song. Cụ nhấp chén trà, lim dim đọc câu thơ của cụ Nguyễn Du:

“Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người than”.

Cụ nói dân gian truyền tụng rằng có một ngọn núi trên đỉnh đầy những mai cổ thụ, xuân về hoa nở như chốn bồng lai. Xưa hoàng mai là cây rừng sống đời tiên cốt trong núi xa. Nghe đồn một thi nhân vì mê dáng vẻ tiêu phong cao quý, mê màu vàng mây lụa ấy đã đem mai về đồng bằng, phố thị, tôn làm quốc trưởng của hoa xuân.Thời trai tráng, dăm lần cụ vào miệt rú phát ngọn tìm cây mà vẫn chưa thấy non mai ấy. Cụ ước một lần được thưởng trà dưới những cội mai già, lụa ướp nhành tiên ngân vàng, trên đầu chấp chới cánh hạc bay, một lần vào mộng cảnh như vậy thì chết cũng cam lòng. Mắt cụ nhìn xa xăm, ánh mắt dát đầy những cánh vàng mỏng chiếm một vườn xuân muộn trong con người phong lãm trần ai.

Cái đẹp khiết nhã của hoa mai được con người tôn thờ. Tôi có cô bạn vong niên, trước nhà có một cây mai cổ thụ cao gần chục mét chắn ngang lối đi. Làm nhà mới, người bạn đó quyết không chịu chặt cây mai mặc cho diện tích nhà nhỏ đi, khuôn viên méo mó. Cô bảo, chặt cây mai đi hồn của cô cũng hấp hối.Cô yêu loài hoàng mai rừng chính hiệu với lá xanh hoang dại, thân gốc xám mốc, dấu hằn vết chiến chinh một thuở. Nhấm ngụm trà dưới tán hoàng mai, cả chốn đào nguyên cũng chỉ vỏn vẹn một tuần trà đầy. Dưới trăng, hương mai vào cõi mộng, bóng người từ vô thỉ hóa hư không.

*

Từ tháng Mười, chị Nhung, chị Nhi con cậu mợ bên ngoại – những “cô giáo” gõ đầu trẻ tôi, những người đã làm nên tuổi thơ dung dăng dung dẻ, ê a bài vở với tôi, đã bắt đầu gieo hạt vạn thọ xuống khoảnh vườn trước nhà. “Ai ơi dẫu có đi xa/ Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng Mười”, ấy là câu ca dao nhắc khéo những ai muốn chơi hoa vạn thọ ngày Tết phải nhớ thời điểm trồng hoa. Cúc vạn thọ thích hợp trồng ở những vùng có khí hậu nóng ẩm. Vạn thọ là giống ngắn ngày, chỉ ba tháng sau là cây đã trổ bông góp sắc vào mấy ngày Tết quê. Những bông hoa đơn sơ ấy thu hút tôi không phải bởi màu sắc mà vì mùi hương đặc trưng của chúng.

Để thưởng thức được cái đẹp của vạn thọ thì cần quan sát kỹ từng chớm động của hoa. Giữa tháng Chạp, nụ hoa bắt đầu lố nhố, độ vài ngày sau những cánh vàng bắt đầu xé nụ đón ánh mặt trời. Đầu tiên là một đôi cánh, rồi một vòng rẽ quạt, cuối cùng một khối cầu vàng lóng lánh sương viên mãn vào sớm xuân khai. Hoa vạn thọ nở đơn lẻ từng nụ một, có hình tròn và nở tỏa đều, cánh hoa mềm và phần mép dưới lượn sóng nhẹ nhàng nhìn rất thu hút. Cúc vạn thọ thường có gam màu vàng mơ và vàng cam. Cái màu vàng giữa tinh khôi lẫn già cỗi và sự bất khả để đếm cho kỳ hết những cánh hoa trên một đài, tựu trung lại đã biểu trưng cho sự trường tồn và vĩnh cửu như chính cái tên vạn thọ mà người xưa ngụ ý. Trong tiếng Hy Lạp cổ, hoa cúc vạn thọ đọc là aster, nghĩa là tinh tú. Sau này lớn lên tôi hiểu thêm rằng vạn thọ cũng là một loài hoa biểu trưng cho cái chết, nỗi đau buồn, mất mát và sự chia ly với màu vàng hoang hoải của mình. Nơi hoa vạn thọ chứa đựng tất cả yên bình, thơm ngát trong tôi, khi những ngày xa nhà, một sớm mai trở về và bắt gặp sắc vàng rộn ràng miền thôn dã.

Một loài hoa khác khiến tôi khởi lòng thì trú ẩn nơi núi thiêng. Khi nhắc đến “đại danh hoa” của núi rừng Bạch Mã phải kể đến đỗ quyên. Giống hoa này thuộc loại sơn thạch lựu, màu đỏ, nở dọc các con suối trong rừng vào dịp Tết và mọc nhiều nhất tại con thác cùng tên Đỗ Quyên. Trong văn hóa Đông phương, loài hoa này biểu tượng cho sự dịu dàng và nữ tính. Tính cách hiền thục của người phụ nữ xưa được ví như loài hoa này. Còn người Pháp xem hoa đỗ quyên tượng trưng cho sự thành công và vinh quang. Khi người ta tặng hoa đỗ quyên cho nhau cũng ngụ ý gửi gắm cho những người thân yêu lời dặn dò nhớ chăm sóc, giữ gìn sức khỏe. Truyền thuyết hoa đỗ quyên là câu chuyện tình yêu bi thiết của một đôi vợ chồng. Họ sống với nhau rất hạnh phúc, chồng hằng ngày săn bắn, người vợ chăm lo giữ gìn nhà cửa. Một lần, người chồng đi săn rồi không thấy trở về nữa. Người vợ trẻ mỏi mòn trông ngóng nhưng tin chồng vẫn biệt tăm. Cuối cùng, bị nỗi thương nhớ và lo lắng dày vò, nàng quyết tâm đi tìm chồng. Băng ngàn vượt núi, qua biết bao gian nan nguy hiểm nhưng người vợ vẫn không thấy bóng dáng người chồng đâu. Nàng cạn kiệt sức lực rồi gục chết bên một tảng đá giữa rừng. Từ nơi đó mọc lên một loài cây, hoa chỉ nở mỗi khi xuân về. Người đời sau gọi loài hoa này là hoa Đỗ, có nghĩa là đợi, ý chỉ sự chờ đợi vô vọng của người vợ. Người chồng một thời gian lưu lạc thì trở về, biết tin vợ vào rừng tìm mình, chàng cũng lại ra đi tìm vợ để đoàn tụ. Chàng đi mãi, đi mãi cho đến khi gục ngã bên tảng đá có loài hoa nở thắm kia. Chàng chết hóa thành loài chim chỉ sống đơn độc một mình, cất tiếng hót da diết như kêu than tuyệt vọng lúc hoàng hôn buông xuống. Người đời gọi loài chim đó là chim Quyên. Về sau, không biết tự bao giờ loài hoa này được gọi tên là Đỗ Quyên để nhớ về tình yêu thủy chung, son sắc của họ. Giống đỗ quyên Bạch Mã có màu đỏ, thắm tươi như màu của tình yêu cháy bỏng.

Sắc đỏ tươi của đỗ quyên Bạch Mã như những ngọn nến cổ sơ thắp lửa trên màu xanh đại ngàn sâu kín. Màu đỏ ấy bước ra từ truyền thuyết của loài chim cùng tên (đỗ quyên), một ngày hót thống thiết, hót hao kiệt sức mình, máu rỏ xuống hóa thành. Từ xa xưa, sắc đỏ của đỗ quyên khiến thi sĩ Hàn Ác cũng một lần thổn thức vườn sắc thắm say lòng dạ vì màu lụa đỏ sa của loài hoa quý. Đỗ quyên có đức năng của loài hoa nơi rừng thẳm, lay động lòng người vì vẻ hoang dại lại dịu dàng hiếm có. Dáng hoa hiền lành, kiệm hạnh mọc thành bụi nhỏ nơi bờ suối, rễ cần mẫn chen trong kẽ đá hút lấy dưỡng chất của non thiêng. Đỗ quyên không kiêu sa như trà mi, không vương giả như mẫu đơn, không phong lãm như hoàng mai. Hoa mạnh mẽ vươn mình giữa muôn triệu giống loài khác, trổ dải hoa làm nao lòng kẻ tha nhân. Nếu như Leopardi nói: “Hoa kim tước thơm ngát an phận với sa mạc…” thì hẳn đây đỗ quyên soi bóng mình thắm đỏ dòng thác bạc, an phận và tỏa phận. Hoa cheo leo nơi đỉnh thác cao 300m, an vị mình trên đá, chỉ có nước là dư thừa vô kể, hùng vĩ dội xuống thung sâu. Đỗ quyên nơi đây không thể tách rời thác như rằng thể phận của hoa sinh ra là để gieo một nốt vui giữa cung trầm của rừng hoang liêu mù mịt khói sương. Một mai kia tôi hay bạn không còn yêu cái đẹp nữa, ví như tôi, không còn muốn thưởng thức vẻ đẹp của những bông hoa kia nữa, thì từ bỏ cái đẹp là xa rời cuộc sống và xa rời cuộc sống nghĩa là tự hủy diệt bản thân mình. Nhưng chắc rằng tôi sẽ không làm thế vì nhờ hoa, nhờ cái đẹp mà con người được thôi thúc để hướng đến thế giới chân-thiện-mỹ hằng mong mỏi.

Nguồn Văn nghệ số 42/2018