Mụ Trắc, chợ thịt lợn phố thị, mắm môi giơ con dao đánh bằng nhíp ô tô nặng trịch, sáng loáng, giáng một nhát vỡ toác cục xương đầu gối con lợn tạ, lại giơ tiếp nhát thứ hai có ý bổ làm tư cái cục xương vừa phang vỡ, nhưng khi con dao lên đến ngang mày, bỗng tay mụ Trắc đột ngột dừng lại và thả nhẹ, con dao nằm chình ình trên cái phản gỗ nghiến bóng nhẫy, mụ đánh mắt sang cô cháu gái ở phản bên, miệng thì thầm vẻ cơ mật:
– Này, nghe nói, con Hồng Tơ vừa tậu nhà trong khu biệt thự Jôjép Jôjit gì ấy mày ạ! Nghe nói, mỗi ngôi biệt thự ấy mua được cả cái chợ lợn này cơ. Nhà cửa gì mà khiếp thế nhỉ?
Cô cháu gái mụ Trắc trề môi:
– Ối giời ơi, bây giờ bà mới biết chứ con biết từ lâu rồi. Nhưng mà bà không biết đấy thôi, khu biệt thự ấy toàn nhà nạm vàng, có gán cả ngàn con lợn cũng chẳng mua nổi mấy cái bậc thềm, vậy mà cô ấy vào được đấy?
– Thế nên tao mới xửng cả người lên đây này! Ngày nào cũng đi qua khu ấy, mà tao có dám ngẩng mặt nhìn vào trong ấy đâu.
Tin cô Hồng Tơ mua nhà trong khu biệt thự Jôjép sang trọng bậc nhất thành tỉnh, loáng cái đã lan ra khắp chợ. Người trợn mắt lên mà tả cái cổng khu biệt thự giống hệt cái móc câu dựng úp, cao bằng cả chục nóc nhà, đúc toàn bằng đồng nguyên khối. Người cong môi chứng tỏ mình là chân trong với cô Hồng Tơ, còn biết cả nhà cô Hồng Tơ ở cạnh nhà ông Thế Dân, từng làm cán bộ to nhất tỉnh. Và cứ theo cánh chợ búa thì cái khu biệt thự ấy cao ngất tận cung trăng, khiến tất cả những ai từng quen biết cô Hồng Tơ đều kinh ngạc về cái sự “chơi” của cô.
Thiên hạ ngạc nhiên cũng phải, bởi trước khi xây dựng khu biệt thự này, chính quyền và nhà thầu cho cắm ngay đầu con đường lớn, lối vào cổng thành một tấm biển vừa to vừa cao, sơn màu xanh lét, che khuất hẳn một mảng trời, không hề có danh mục BIỆT THỰ. Vậy mà khi dự án thành hiện thực, bên trong lại mọc lên một khu biệt thự lừng lững, mái nhà có mây trắng nhởn nhơ. Chi tiết ấy đủ biết, ai vào được khu biệt thự này, không phải chỉ là người có tiền, mà phải là có thật nhiều tiền, hoặc phải là quan xếp cỡ chóp bu. Vậy mà cô Hồng Tơ lại vào được khu biệt thự ấy êm như người ta lướt qua một khu vườn xinh, hoặc một vận động viên lướt ván, ví cho gần gũi nhất cũng kiểu như là bác nông dân dựng một căn nhà, mái lợp bằng ngói đất nung. Còn việc cô Hông Tơ ở cạnh nhà của ông Thế Dân, cho dù là do cái duyên trời định cũng còn là một câu hỏi để lửng, chứ sao cô không vô tình ở bên nhà ai, lại cứ vô tình ở cạnh nhà ông Thế Dân. Có hỏi, trước sau cô ta cũng chỉ mỗi một câu, bây giờ và cả ngày xưa, cô ta đâu có biết ông Thế Dân là ai.
Lại nói về cái lai lịch của khu biệt thự Jôjép. Đấy là cái lúc ông Thế Dân lên đến “ĐỈNH” vinh quang và quyền lực của cuộc đời “công bộc”, ông cho cánh thuộc hạ thuê người về làm quy hoạch “Khu phức hợp” cận kề với khu phố mới, gồm một chuỗi những hạng mục: Chợ đầu mối nông sản, khu giới thiệu sản phẩm, khu chế xuất, khu vui chơi, giải trí, ăn uống, khu sinh thái… các hạng mục ấy ban đầu chỉ ăn hết một cánh đồng của làng Mật, nhưng trong quá trình thực hiện, những người thợ thi công ăn lẹm vào một góc làng, khiến dân làng Mật, người không còn ruộng cày, người không còn nhà ở. Đã vậy, khi lấy đất, nhà thầu chỉ trả một mét vuông đất cày lẫn đất làng, vừa đủ mua được đôi vịt cỏ. Họ lý giải, đất ấy bùn lầy nước đọng, tốn cả núi cát, đá, xi măng nhựa đường mới có hạ tầng, nên định giá như vậy nông dân còn hời chán, đáng lẽ phải thu trắng nữa kia, đất do Nhà nước quản lý kia mà. Uất quá, bà con kéo nhau đi kiện, đòi công bằng về giá cả, đòi chỗ để ở. Nhưng cơm đùm, cơm nắm đeo vai, khẩu hiệu đỏ chót lênh khênh quá đầu, xe máy rầm rộ lên tỉnh, vừa đi vừa hô: “Trả đất cho dân cày”. Trời nắng. Trời mưa. Mặc. Cứ đi. Đi rạc cẳng, hô mỏi mồm, lê la hè phố ê mông, chồn đầu gối, chẳng thấy ai bảo gì, chỉ thấy mấy ông công an đứng tách hẳn vài chục mét, bình thản rít thuốc lá, chuyện phiếm, thỉnh thoảng có kẻ đi xe máy lạng qua, ngoái cổ nhìn họ như nhìn đàn cừu. Mãi chẳng có ai ngó ngàng, đám người hùng hổ hôm nào đành ngậm ngùi bảo nhau rút lui. Nhưng trước khi rời khỏi cái cổng có tháp phun nước và hòn non bộ che khuất sân trong, đám đàn ông ngửa mặt nhìn trừng trừng lên những tầng nhà hun hút phía bên trong, rít qua kẽ răng: “Nhất định có ngày chúng ông sẽ lấy lại bằng sạch những gì là của chúng ông”. “Nhất định có ngày bọn xây dựng chúng bay sẽ phải ra đường như chúng ông bây giờ”.
Những người ra khỏi làng khi ấy có cả ông bà, cha mẹ cô Hồng Tơ, mà theo như cha cô kể, thì từ đời cụ kỵ cho đến ông bà tổ nghiệp của cô đã ra công khai phá, chăm bón mới làm nên cánh đồng và chòm xóm bây giờ. Tính ra những cánh đồng ấy và ngôi làng ấy dễ có đến cả trăm năm, ngàn năm, bằng chứng là đất trong những khu vườn của ông bà cô vì quá nhiều đời cuốc xới, trồng trọt, một đằng cây ăn hết mầu, một đằng mưa gió bào mòn, nên đất bạc phệch, trơ trọi những sỏi ống, mảnh sành, mảnh chĩnh.
Không còn đất cày, đám đàn ông quay sang nghề chạy xe ôm, bưng gạch, đánh vôi vữa, đàn bà đi mua giấy vụn, lau nhà, bế trẻ con, đám thanh niên gặp việc gì làm việc ấy, ai rủ đi đâu cũng đi, có một số người người cầm tiền bỏ túi rồi ra khỏi làng, rông thẳng, từ ấy mất hút, chả ai biết đi đâu. Riêng bố mẹ cô Hồng Tơ chọn cái nghề mổ thịt lợn bán, một nghề không mất vốn mà nhìn thấy lãi, tiền tươi, lại tự do, tự tại. Cô Hồng Tơ lớn đến đâu, nối vào nghề của bố mẹ đến đấy, như cái cây non đứng bên gốc đại thụ, tha hồ đón nắng, đón mưa mà tươi tốt bời bời.
Trong những cánh đồng quy hoạch làm khu chế xuất nông sản và thập cẩm những công trình nằm trong chuỗi, đám người đáng tin cậy của ông Thế Dân đã khéo léo, luồn vào đấy một khu biệt thự, lấy nguyên mẫu cả hình lẫn tên của người Anh quốc, nhân một chuyến tháp tùng ông đi học tập bên nước ngoài. Khu biệt thự một đằng soi bóng xuống hồ nước, một đằng nhìn thẳng ra thảm cỏ, vườn cây, rồi nhìn ra xa tít những cánh đồng bát ngát lúa vàng và sen xanh, nhìn thẳng lên quốc lộ. Biên giới giữa khu biệt thự với cánh đồng, ngoài thảm cỏ và rặng cây, còn có một con hào rộng, hoa súng đỏ tươi đung đưa trong gió.
Sở dĩ, khu biệt thự được hợp thức dễ dàng là bởi cánh thầu xây dựng hiểu được ý của ông Thế Dân, để cho hoàn thiện mặt bằng, họ mới đưa ra hội đồng phê duyệt một dự án phụ, với những lý lẽ đầy sức thuyết phục: “Lấy nó nuôi nó”, cũng tức là “Đổi đất lấy công trình”. Vào cái phút giây lấy phiếu tán thành, nhà thầu còn dấn thêm một bước đạt cả lý và mặt tình, họ chứng minh, khu biệt thự này chính là nguồn tiền khổng lồ, cung cấp tuốt tuột mọi chi phí từ công việc quy hoạch, cho đến phần hoàn thiện các công trình hạ tầng của chuỗi, chính quyền không phải mất ngân sách, lại được hẳn một dự án, giải quyết bao vấn đề khó khăn hiên tại và mở ra một tương lai tươi sáng ở phía trước. Chẳng biết quan điểm của mỗi thành viên thế nào, chỉ biết, bài thuyết trình của nhà thầu vừa dứt, tiếng vỗ tay đã nổ ra rôm rốp, rồi lại đông đảo những cánh tay nhất loạt cùng giơ lên. Thế là sau cái giờ phút lịch sử có một không hai ấy, ông Thế Dân và các vị giơ tay trong cuộc lấy ý kiến, mỗi người được tặng một ngôi trong khu biệt thự ấy. Vì cái hạng mục thêm thắt này mà ông Thế Dân và các cộng sự của ông hồi hộp đến tận ngày khánh thành, riêng ông Thế Dân thì cho đến tận lúc nghỉ hưu, trong cái cặp vốn đựng tài liệu khi xưa của ông, lúc nào cũng kè kè tấm bản đồ của khu phức hợp.
Trong khi khu biệt thự Jôjép mới chỉ loáng thoáng mươi nhà dọn vào ở, kể cả nhà ông Thế Dân, vậy mà người ta đã thấy thấp thoáng cái eo lưng chắc lẳn, áo hoa cổ trễ mỏng dính, bó sát của cô Hồng Tơ trong khu biệt thự. Những người từ bạn quen biết lâu năm đến mới quen, hễ gặp mặt cô là hỏi, từ đằng xa cũng hỏi, hỏi qua đường điện thoại:
– Mới mua biệt thự đấy à? Tiền của ở đâu mà lắm thế? Bắt được vàng hay có lão Việt kiều nào độ cho phải không? Nhưng mà nghe nói cái khu ấy chỉ giành cho những ông tai to mặt lớn kia mà, sao mày lại vào được đấy?
– Này bật mí tí đi, liệu sức tao có vào được đấy không, tao cũng thích vào đấy lắm, hay mày có đường riêng, mách tao với, tao không nói với ai đâu mà sợ…
Nghe thế, cô Hồng Tơ cười rũ rượi trên điện thoại, giải thích đến rách mép, khô cả cổ họng rằng, việc mua nhà trong khu biệt thự Jôjép hoàn toàn không phải cao siêu như người ta đồn thổi thế đâu, mà cứ có tiền là mua được, còn có thể mua được vài cái là đằng khác, miễn là có tiền, thế thôi. Vậy mà vẫn chẳng ai tin lời cô, họ cứ khăng khăng là cô nói dối họ, cô phải có tay trong nào đó mới vào được khu biệt thự ĐỈNH ấy. Bởi, trong con mắt của dân chợ, khu biệt thự GiôJép không phải ai cứ có tiền mà mua được, người như cô Hồng Tơ lại càng không, bởi cô Hồng Tơ làm nghề mổ lợn, một nghề sát sinh, kèm theo cái danh phận gái góa, đã vậy lại còn ở sát nhà ông Thế Dân, một con người đức cao vọng trọng là thế, dân hàng tỉnh kính nể là thế, vậy mà…
Cái giây phút cô Hồng Tơ giơ cuốn sổ hồng, còn thơm phức mùi giấy mực, huơ huơ ra trước mặt đám bạn chợ, có người không giấu được lòng ghen, mà trề môi, trợn mắt buông thẳng vào mặt cô lời chát chúa:
– Loại đàn bà đã làm nghề đồ tể lại goá chồng mà còn dám vác thân vào ở trong khu biệt thự đẹp như tranh của người ta, không sợ có tội với những người bên cạnh mình hay sao.
Cô Hồng Tơ không hề bực tức một tí nào, ngược lại cô còn tỏ ra rất hãnh diện, nhoẻn miệng cười khanh khách, phô hết ba mươi hai cái răng trắng bóng như ba mươi hai hạt ngọc trai Phú Quốc, đều tăm tắp và đem cái giọng thường ngày vẫn trêu chọc nhau ra mà bỡn cợt:
-Này, đây nói cho mà biết nhé, dẫu cao hay thấp, giầu hay nghèo thì cũng đều là giống hai chân cả, cuối cùng chết cũng ra ma! Mà nói về tiền, thì tiền của đây với tiền của đấy (ý cô chỉ ông Thế Dân) đều như nhau cả. Nói về tư cách công dân thì đây còn thừa tiêu chuẩn nhé. Đây tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, thuế má đủ đầy cho nhà nước, con cái du học nước ngoài chứ không thèm học trong nước nước nhé. Nếu mà xếp hạng công dân thì đây còn có giá trị hơn ối người, còn so với Thế Dân (từ ngày dọn đến ở trong khu biệt thự, chả cần biết tuổi tác ông Thế Dân bao nhiêu, làm đến chức gì, lại chẳng bao giờ gặp mặt ông Thế Dân, vậy mà cô Hồng Tơ cứ cái tên Thế Dân trơ trọi ra mà réo, nhất định không chịu kèm cái ngôi bậc ông hay anh Thế Dân bao giờ) đây thì chấp một mắt.
Đám bạn chợ đánh mắt sang nhau bụm miệng cười. Liều lĩnh đến thế là cùng. Nhân lúc vãn chợ, mấy cái phản thịt đã trống trơn, tiền bạc ních đầy túi dết, câu chuyện về hai nhà hàng xóm lại được khới ra. Đến hồi mặn mà, Hồng Tơ mở toang hai cúc áo ngực, phô ra nửa trên cái áo coócsê bằng lụa xanh thẫm, ôm khít nửa bầu tiên căng mịn, trắng phốp ra mà khiêu khích:
– Chả nhẽ bộ ngực này, cặp đùi này một ngày vật hết mấy tạ lợn còn chưa mùi mẫn gì, lại đi sợ anh Thế Dân, mỗi ngày chỉ tập làm chim vài hơi đã ngồi thở hắt ra… hí hí, lim xanh ai chấp với chim già, hí hí hí… Đến đây thì cả bọn thịt lợn đổ xô lại tranh thủ sờ nắn, đấm vỗ Hồng Tơ thùm thụp và liên tiếp nổ ra những trận cười như pháo nổ.
Cô Hồng Tơ nói không ngoa, mỗi buổi sáng, một đằng cô cùng người phụ việc vật đến ba bốn con lợn tạ, xẻ thịt bán lẻ, một đằng nhập số đầu lợn trên sổ sách, rồi chia cho cánh lái xe mang đi giao cho các đầu mối ngoại tỉnh. Ký cốp chặt, thái, đếm tiền từ năm giờ sáng đến tận chín, mười giờ đêm, mà da dẻ Hồng Tơ vẫn căng mịn và tươi hồng, cái miệng mỗi lần nhoẻn cười, từ làn môi đến bầu má cứ như đóa hoa xuân. Càng cười hai gò má càng đỏ lựng như hai quả đào xứ Lạng. Càng vui chuyện, cặp mắt cô Hồng Tơ càng lúng liếng, cứ như hút chặt lấy người, đám đàn bà tuy không nói ra nhưng cứ ghen ngấm ghen ngầm về cái nhan sắc trời cho, còn đám đàn ông đã sa chân vào hàng cô rồi chẳng thể nào ra được tay không.
Vui là thế, nhưng chuyện tiền bạc của cô Hồng Tơ cũng làm cho một nửa dân chợ mất vô khối thời gian luận bàn: Liệu cô Hồng Tơ có nhiều tiền đến thế thật không? Cứ cho là có nhiều tiền thật thì chả bao giờ cô ta ngu gì mà bỏ vào cái chỗ để tiền nằm chết đấy, mà cô ta phải để vào cái chỗ tiền đẻ ra tiền mới chính là Tơ. Mấy chục năm làm nghề với nhau, ai còn lạ gì cái cách cô Hồng Tơ kiếm tiền.
Cô Hồng Tơ biết kiếm tiền ngay từ lúc cô mới biết cộng các số từ một đến mười. Bởi chín tuổi mẹ đã cho cô ra chợ, đứng bên cạnh phản thịt xắp tiền bỏ vào bị cói giúp mẹ. Mười ba tuổi bố cấp cho ít vốn để cô đứng riêng một phản cạnh mẹ. Nào ngờ mới mươi lăm tuổi, cô đã sắm hẳn một cái ô tô riêng, chở cả đàn lợn đứng chong chỏng đi tận tỉnh ngoài, bán gọn cả mớ cho lái buôn đầu mối. Cô bảo gà khỏe không ăn quẩn cối xay. Buôn bán như thế mới đã, mới rộng cẳng, một mình thênh thang một bầu trời, không thèm tranh giành trong cái chợ phố nhà quê. Mỗi chuyến đi về, gốc thì trả cho người nuôi lợn, lãi bỏ vào các mối vay, lãi trông thấy, mai lại tay không thu hái lộc trời.
Gần ba mươi năm làm nghề buôn lợn, cho vay lãi, tiền của vợ chồng cô Hồng Tơ chỉ tính được bằng bao nhiêu mét đất, bao nhiêu căn nhà, đại gia có nào muốn đuổi được cô cũng còn vã mồ hôi. Sau vụ người chồng bị tai nạn qua đời, các con lớn đến đâu, chúng ra nước ngoài học hành đến đấy. Thế thì cái biệt thự ấy, dù cái cổng có to bằng mười cái cổng bây giờ, cũng chẳng có gì là ghê gớm lắm so với tiền bạc của cô Hồng Tơ.
Để đám bạn chợ thấu hiểu, cô Hồng Tơ lý sự bằng cái giọng lâm ly:
– Hiện tại Tơ chỉ thân có một mình, lại hay đi sớm về khuya, mà khu biệt thự Jôjép vừa yên tĩnh vừa an toàn, ra vào có người gác cổng, quẹt thẻ soi hình hẳn hoi, vừa trốn được những cuộc tiếp khách bất đắc rĩ, lại vừa có độ an toàn tuyệt đối về người và tài sản, chỉ mỗi lý do ấy thôi đã đủ để Tơ vào đấy rồi, lại còn, sau mỗi ngày quần thảo với lũ lợn và khách hàng gần xa, vừa mệt mỏi, vừa căng thẳng. Với lại, mấy chục năm rồi, đêm đêm Tơ từng phải đối mặt với tiếng lợn gào thét, rên xiết vì chúng bị lôi ra cạo lông, xẻ thịt. Đành rằng phải có vật này hy sinh thì vật kia mới thỏa mãn và tồn tại, nhưng mà cũng phải thừa nhận, nhìn lũ lợn nửa đêm bị lôi sềnh sệch từ trong chuồng đến bên những dao nhọn, nước sôi, thì đá cũng phải vã mồ hôi huống chi người. Thế nên, nhiều đêm, chả biết mơ hay tỉnh, hễ nhắm mắt lại thấy tiếng lợn kêu, tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa như tắm. Cho nên Tơ đã có ý định, khi con cái yên bề, Tơ sẽ lui về cõi thiền.
Nghe những lời giãi bày ấy, lập tức cơn so bì, ghen tức đang đầy mình của đám bạn chợ bỗng bay đi đâu mất, họ quay sang cảm thông với thân phận đơn lẻ của cô Hồng Tơ: “Nghĩ thì cũng thương cho con Hồng Tơ, chồng mất khi nó còn ở cái tuổi đang xoan, hai mặt con, ban ngày, đứa ngồi trên lưng, đứa bám cạp quần theo mẹ ra chợ. Tối tối hai đứa nằm hai bên, khi con ngủ thì mẹ lại chúi đầu vào sổ sách, tiền bạc. Hết năm này sang năm khác, bao nhiêu bước chân dập dìu, bao nhiêu lời tỏ tình trôi qua. Hai đứa con đủ lông, đủ cánh bay được, thì mẹ đã chẳng còn son trẻ, vậy thì phải hưởng thụ chứ tiền để mà làm gì? Con Hồng Tơ nó nghĩ đúng đấy!”
Chuyện nhà cửa vừa ngã ngũ, đám bạn chợ đã lại nhao nhao: “Thế còn chuyện hai nhà hàng xóm? Không thể tin được, một đằng không vợ, một đằng khồng chồng, ở sát vách nhau lại không biết nhau. Mặc kệ cái sự ngẫu nhiên nào ấy, tớ cứ phải tìm cho đến cùng cái tổ con chuồn chuồn mới xong?” Đến chuyện này, cả một góc chợ lại được phen ồn ã: “Liệu giữa hai người có hẹn hò gì không nhỉ?” “Liệu hai người có thật là không biết nhau không?” “Ai mà biết được ma ăn cỗ kia đấy”. Lại rũ ra cười ngặt nghẽo.
Tình thì đã sao? So với cô Hồng Tơ, ông Thế Dân hiện tại chỉ còn hơn cô ở cái bằng tiến sĩ trên giấy, còn tất tần tật thì thua xa. Ông Thế Dân có phúc dầy mới xe được vào với Tơ. Vớ được con Hồng Tơ có bằng vớ được cục vàng!”.
Dân chợ đồn không sai. Ông Thế Dân lên cơ từ nghề nặn than tổ ong. Sau đận nặn than, ông được người anh họ giúp vào làm chân sai vặt ở ủy ban nhân dân xã, nơi ông được sinh ra. Sau cứ vài năm ông lại được cất nhắc lên một bậc, là do ông học được cái cách đi đứng, nói năng của các bậc đàn anh, đàn chị trước ông. Có chức, ông phải theo đuổi bằng cấp, đuổi đến tận lúc cầm được cái bằng tiến sĩ, cũng là lúc ông dọn đường về nhà nghỉ ngơi.
Sau này mỗi lần dạy con, ông thường lấy tấm gương của chính bản thân ông ra mà rằng, sự nghiệp gì thì mục tiêu cuối cùng là kinh tế. Cuộc đời ông chèo chống được, lên được đỉnh cao, đều là nhờ vào sự nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt được mục tiêu của kinh tế thị trường…
Bàn tán chán chê, dân chợ lại tặc lưỡi:
– Nhưng mà cũng phải thừa nhận, tuy đã ở đỉnh cao quyền lực, ông Thế dân vẫn cởi mở với xung quanh, lần nào xuất hiện trên ti vi, ông đều nở nụ cười rất tươi, như thế là biết ông ấy rất quần chúng, rất gần dân, yêu dân. Nghỉ quan, ông chỉ làm bạn với chim chóc, ông không quan cách như một số người khác, không bắt con cháu phải phục vụ mình, hai đứa con, đứa đông thành, đứa tây thành, ông ở giữa, vợ mất ông tự lo cho mình, không thuê người giúp việc. Thế là cán bộ tốt rồi còn đòi hỏi gì nữa!
Vợ ông Thế Dân mất lúc ông chưa đến tuổi bảy mươi. Vợ mất, ông Thế Dân một mặt thương xót như có ai cào cấu gan ruột, bởi bỗng đâu ông vĩnh viễn mất nửa bên kia của cuộc đời. Một mặt ông trách bà đi cũng không biết đường mà đi, đi ngay từ cái lúc ông đang ở đỉnh cao, hẳn ông đã chẳng phải lãng phí thời gian như bây giờ.
Tuy là hàng xóm liền kề, nhưng khoảng cách giữa ông Thế Dân và cô Hồng Tơ như hai mảnh trời riêng, ông Thế dân tuyệt nhiên không quan hệ với hàng xóm. Cần việc gì ông chỉ nhấc điện thoại là có người đến ngay. Mỗi lần ra vào cửa, ông Thế Dân lại kéo sập cánh cửa gỗ nặng chịch. Cũng như vậy, mỗi lần ra đường, cô Hồng Tơ ngẩng cao đầu, nhấn ga rồ máy cho xe vút đi. Nhưng càng ngoảnh mặt làm ngơ, tính tò mò trong con người càng trỗi dậy. Một buổi bình minh mới hé rạng, ông Thế Dân đang vươn vai trên hiên nhà, bỗng nhìn thấy cái eo lưng tròn lẳn và cái cổ thon dài, trắng ngần của cô Hồng Tơ lướt qua, làm ông không thể làm ngơ như mọi lần. Dần dà, ông chuyển hai cái lồng nhốt con chim sáo và chim chào mào từ đầu hồi về treo trước cửa. Từ đấy, sáng sáng ông lại ra đứng trên hiên nhà huýt sáo, bắt chước tiếng chim, và tỉa cành, bắt sâu cho mấy khóm hồng cũng trồng ở tiền sảnh. Cũng như ông Thế Dân, hàng ngày, hễ cô Hồng Tơ ra vào cổng mà nhìn thấy bóng dáng ông Thế Dân, thể nào cũng phải đưa mắt lướt qua cái bàn tay trắng trẻo, múp míp và cả cái bụng những mỡ, tròn như quả bóng súng sính trong bộ áo quần làm vườn.
Buổi tập thể dục hôm nay, ông Thế Dân phá lệ, ông chạy ra ngoài cổng khi trời còn tinh sương. Vừa ra khỏi hai cánh cổng bằng đồng, ông bỗng lùi lại khi mắt ông chạm phải bộ ngực cao vồng của cô Hồng Tơ trong lớp áo lụa xanh xanh màu da trời, khiến ông bỗng nảy sinh ý nghĩ, ông phải tìm hiểu về người hàng xóm này. Khi đã biết rõ về gia cảnh của cô Hồng Tơ, ông mừng quýnh, tự luận với mình: Có lẽ trời mang vật báu đến cho ông. Thế này ông còn phải đi tìm ở đâu nữa chứ.
Theo thường lệ, sáng sớm, cô Hồng Tơ mở cổng, dắt xe, chuẩn bị ra chợ. Trước khi lên xe, theo quán tính, cô đưa mắt nhìn ngắm một lượt không gian xung quanh, bởi buổi sớm ở khu biết thự, chẳng có ai dậy sớm, nên nếu có ai đó thích ngắm nhìn cứ tha hồ mà không bị bất cứ một ai làm gián đoạn. Bỗng cô giật mình, khi thấy ông Thế Dân nằm trên lối cửa ra vào, ở tư thế hơi co như con tôm. Đoán có chuyện chẳng lành, cô đảo mắt nhìn ra xung quanh, định bụng gọi người đến giúp. Nhưng xung quanh những bức cửa dày bịch, đóng im ỉm, con đường trước cửa nhà ông Thế Dân hàng cây xanh rì còn thêm làn sương dày phủ lên, càng u tịnh, cô mạnh dạn chạy vào cổng nhà ông. Rất may cổng để ngỏ. Thế là cô nhẹ nhàng lách mình vào trong, tiến đến chỗ ông Thế Dân, rồi cúi xuống, nhẹ nhàng luồn một cánh tay qua cổ ông, lại vắt cánh tay ông lên vai mình, cứ vậy cô dìu ông vào nhà. Sau một hồi xoa dầu, đánh gió, ông Thế Dân tỉnh táo như thường. Thấu hiểu sự việc, ông liên tục cảm ơn cô Hồng Tơ. Mỗi câu cảm ơn của ông Thế Dân, hai má cô Hồng Tơ lại bừng đỏ, vẻ thẹn thùng. Ông Thế Dân cũng tỏ ra rất ngượng ngùng khi đề nghị cô để lại số điện thoại, với lý do, hàng xóm biết đâu còn nhờ đến nhau. Cô Hồng Tơ tỏ vẻ miễn cưỡng ghi số điện thoại trên quyển sổ có cái bút đã cài sẵn, để trên bàn, rồi xin phép ông kẻo muộn chợ.
Người hàng xóm đã ra khỏi nhà ông cả giờ đồng hồ, vậy mà ông Thế Dân vẫn ngồi ngây trên chiếc sập gỗ quý, trước mắt ông là đôi bàn tay đầy đặn và ấm mềm, vừa đặt lên trán, lên cổ, lên vai ông. Càng nghĩ ông Thế Dân càng cảm thấy mùi thơm và hơi ấm của cô Hồng Tơ càng lúc, càng bám riết lấy ông, âu yếm ông. Rồi ông tưởng tượng cả cái cơ thể hừng hực sức sống, thơm nồng của cô Hồng Tơ cứ trà qua trà lại trên trán ông, má ông, mắt ông, rồi xuống đến cổ ông, vai ông… ông lại suy tính, nếu cái thân thể ấm mềm, thơm thơm ấy cận kề bên ông, chà xát lên da thịt ông, chắc chắn sinh lực ông, tinh thần ông sẽ được nâng lên, ông sẽ tươi trẻ lên rất nhiều. Đời còn gì hơn nữa.
Được vài tuần, trời vừa chuyển sang đông, khi sổ sách vừa xong, cô Hồng Tơ định trải đệm đi ngủ, thì nhận được điện thoại của ông Thế Dân. Bên kia, ông Thế Dân giọng mệt mỏi:
– Tôi lại phải phiền cô nữa rồi! Cô giúp tôi một chút có được không? Bệnh mãn tính, gọi con cháu giờ này thì hơi bất tiện, cô thông cảm nhé! Cổng vẫn để ngỏ đấy!
Nghe xong cuộc điện thoại, một ý nghĩ quét qua đầu cô Hồng Tơ, bất ngờ cô mỉm cười một mình.
8
Thời gian thấm thoắt trôi. Cô Hồng Tơ lại làm cả chợ thịt lợn phố thị ngạc nhiên, khi cô cầm những tấm thiếp đỏ chót trao đến tận tay từng người. Vừa trao thiếp cô vừa cười rõ tươi, phô đủ ba mươi hai cái răng trắng như ba mươi hai hạt ngọc trai Phú Quốc và đều tăm tắp mà ríu rít:
– Cưới xong, Tơ sẽ đi tuần trăng mật cùng anh Thế Dân một thời gian, cái chợ này, Tơ để lại cho mọi người tha hồ mà thu hái. Sau này Tơ sẽ làm cho anh Thế Dân khỏe khoắn, mạnh mẽ như ngày nào còn là anh đóng than.
Đám bạn chợ nhao nhao hưởng ứng:
– Hai ngôi biệt thự ấy tính thế nào?
Cô Hồng Tơ bĩu môi:
– Tính thế nào là thế nào? Tơ chả hiểu gì cả… hế hế
Đến bên mụ Trắc, cô ghé miệng sát tai bà thầm thì như người em gái nói với người chị cả trong nhà, nhưng vẻ mặt thì đầy nghiêm túc:
– Một sổ đỏ thôi nhé, chỉ mang tên Hồng Tơ, thủ tục xong rồi! Hừ! Cái gì của Xe-da thì phải trả lại cho Xe-da. Chúa dạy thế. Đời là thế. Thế là sòng phẳng chứ gì hả bà chị!
Nói xong, cô Hồng Tơ nguýt một cái rõ dài, cặp mắt vốn lúng liếng đánh lên tận vòm trời xanh biêng biếc, rồi lại bật cười khanh khách, phô ba mươi hai cái răng trắng bóng như ba mươi hai hạt ngọc trai Phú Quốc và đều tăm tắp.
Nguồn Văn nghệ số 40/2018