Đường vào bản Phạ của người Mông Hoa là một cái dốc cao lừng lững. Cái dốc cũng được gọi là dốc Phạ. Đứng bên kia sông nhìn sang, dốc Phạ như mũi tên bằng vàng đang vút vào mây trời. Cánh cung là dải núi đá vôi đồ sộ cổ kính. Con dốc không dài nhưng dựng đứng.

Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, dòng sông xanh như dải thắt lưng thiếu nữ hong trên cành cây. Lẫn vào màu xanh ngút ngàn của lúa ngô đôi bờ. Ban đầu, thầy cô giáo trẻ được cử vào Phạ xóa mù cho đồng bào, ai cũng lắc đầu e ngại. Cán bộ dân số kế hoạch cũng chùng chình đợi ngày nắng ráo. Chẳng thế mà bản có hơn năm chục nóc nhà thì cũng có đến năm trăm khẩu. Nhưng đường lối, chính sách của nhà nước, của Đảng, ai dám cưỡng. Thế rồi, họ ở riết trong ấy, chẳng muốn xa, chẳng muốn về phố nữa. Hay lòng người không còn biết sợ dốc Phạ?

Con chim muốn vượt dốc vào bản phải chuyền cành. Con ngựa muốn vượt dốc phải uống nước suối Phạ. Thứ nước trong suốt có vị ngọt chảy ra từ bụng núi đá. Còn người dân Phạ? Ông Vần, trưởng bản Phạ vỗ ngực tự hào. Vó ngựa, cánh chim, vượt sao được bước chân người bản ta? Chả vậy mà ngày phiên, váy thiếu nữ nhuộm lung linh con dốc. Tiếng đàn môi dìu dặt, vương víu lối mòn.