Trong nền thơ ca Việt Nam, Du Tử Lê được đánh giá là một hiện tượng thơ lạ đầy hấp dẫn. Những trang thơ của anh luôn mang những phong cách mới lạ, bày tỏ những suy ngẫm, tình cảm sâu sắc lay động trái tim bạn đọc. Thơ ông là một chủ đề bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn. Chặng đường thơ ca của ông đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng những người yêu thơ.
Khúc thứ ba: Những bông hoa birdflower, nắm đất và, sự trở lại
khi tôi tới, những bông hoa birdflower ngửa mặt nở, ối
cỏ trông xa như mấy vụng nước biển hình vuông
có phần hơi méo
những thân cây lá to, tựa lá bồ đề không lớn, xoè theo chiều rộng
đoàn xe dừng lại
tôi cầm chiếc gậy gỗ bước xuống
bầu trời thấp nhưng trong vắt
nghĩa địa dành cho người Việt Nam được quây bằng một lớp tường
vôi trắng, có dậm song sắt
“Nghĩa Trang Việt Nam”
nhớ đứa con mới thôi nôi, chôn trên ngọn đồi Newport Beach
xuất huyết não
bàn tay nhỏ xíu quàng qua lưng tôi. Vỗ nhẹ nhẹ
thời gian như một vết chim bay
bảy tám năm qua, tôi không trở lại
chắc chắn cỏ đã phủ lấp miếng mộ bia nằm ngang mặt đất
hôm nay, ở đất nước người
tôi làm chủ thêm một miếng đất nữa
miếng đất được phân đo chính xác
vừa đủ lọt một chiếc áo quan
chứa đựng xác một người đàn bà Việt Nam có tám mươi lăm năm
Việt Nam
chấm dứt.
khi tôi tới những bông birdflower nở, ối
buổi sáng, chờ Le Croissant D’Oré mở cửa
tôi trực nhớ mình đang bước lần tới những giây phút cuối cùng
những giây phút mà ngay cả chiếc áo quan (mua với giá cắt cổ)
cũng chẳng ai được thấy
đầu óc tôi sáng, trong
như bầu trời không một vẩn mây
vậy mà bây giờ tôi không phân biệt được những gì sắp xảy ra
thân thể rã rượi
nghe bên tai rất nhiều tiếng nói
tôi bắt đầu lầm lẫn tiếng gọi kêu, tiếng chỉ bảo, tiếng chim,
tiếng máy đào đất, tiếng kinh cầu, tiếng kể lể, tiếng nấc.
mí mắt tôi nóng tuồng bị lửa nung nấu từ trong
tôi nghĩ mình đã khô nước mắt
khi những công nhân nhà táng
đậy nắp ván thiên.
bước theo dòng người bằng chiếc gậy gỗ
tôi tự hỏi phải chăng cho tới ngày mình chết
tôi sẽ không còn phải cầm nơi tay chiếc gậy gỗ này
vì người cuối cùng sinh thành ra tôi
đã chết.
khi tôi tới những bông birdflower nở, ối
mấy chiếc xe xúc đất ì ì chạy trên cỏ
không biết ai đã chuyển hơn chục vòng hoa tới chung quanh
hố đất đào sẵn
người nào đó bảo, ngồi xuống
tôi ngồi xuống chiếc ghế xếp
nắng nhảy vòng tròn
vòng tròn
những đoá hoa cũng nhảy múa quanh đôi mắt tôi hầm hập
thầy Mãn Giác phất tay áo đạo tràng
ông nói, tất cả các con cháu hãy quì xuống
tôi tựa lưng nơi vách tường
anh, chị, các cháu, những đứa con tôi đổ xuống tựa
những thân cây non thình lình bị phạt ngang gốc yếu
kinh chưa cất
tiếng khóc mang theo cả máu mắt đã vội vã trỗi
điệu nhạc của những người muốn chết ngay
(trước khi chính họ sẽ đổi ý.)
khi tôi tới những bông hoa birdflower nở, ối
tôi nghe ai đó, một kẻ nào
(không phải tôi) vật xuống cỏ
những bàn tay bằng hữu, thân thiết đặt lên vai
một người nói. Nói. Nói.
một người nói. Nói. Nói.
tôi không biết bằng cách nào người ta đã thả quan tài
mẹ tôi xuống huyệt
ai đó dúi vào tay tôi cành huệ trắng
người con gái nói: – Vứt xuống
tôi nghe dội dập liên hồi vứt xuống. Vứt xuống. Vứt xuống…!
tôi nhoài người ôm lấy đôi vai run bần bật của chị tôi
những cục đất bắt đầu ném lên nắp ván thiên
vang động
đất. Đất. Đất. Đất. Đất
khi tôi tới, những bông birflower ngửa mặt nở, ối
hương nến thắp lên. Vàng mã được đốt.
nghe như có nhiều tiếng cười
ai đó bảo tôi, tìm người đưa các thầy về
như phi hành gia đi giữa không gian, tôi đi giữa một vùng không
trọng lực
nắng rọi những tia lửa cực tím xuyên qua mí mắt
tôi ngồi xuống. Lòng lạnh tanh
không điều gì đậu lại
hết. Hết. Hết. Hết thật rồi.
mọi người lần lượt lui bước
nấm mộ vun cao hơn mặt đất chút xíu
thảm cỏ ngay ngắn đã phủ lên
trên nữa là hoa.
những người bạn
và tôi. Dù ngồi bệt vẫn cao hơn mặt đất.
khi tôi tới, những bông birdflower ngửa mặt nở, ối
ngôi mộ giữ được ít hạt sương đêm
không biết gió hay thú vật vung vãi những đoá hoa
bắt đầu héo
anh tôi thắp hương, vun quén lại những bó hoa bị xô lệch
tôi nhớ buổi chiều trở lại căn phòng quàn xác
căn phòng đổi khác
tựa trước đó, xác mẹ tôi không hề ở đấy
tôi không thấy một vật dụng quen thuộc nào
bàn thờ đã dọn. Hoa cũng biến mất
chẳng thể lạnh lùng và mau chóng hơn.
tôi ngồi trước ngôi mộ cỏ và đất còn hăng mùi đào xới
hút thuốc.
Nghe anh tôi nói về sự tốt đẹp biết là chừng nào
của lô đất
nhà địa lý (người thầu khu nghĩa trang) nói thế
tôi muốn khóc, thấy anh tôi già thêm chục tuổi
lây lất là quà tặng của người chết gửi lại cho người sống?
và hối hận ngủ quên
như sự bình an thiêm thiếp của kiếp người
tôi hỏi anh liệu bà đã về tới Phủ Lý?
đã gặp lại Thầy?
những câu hỏi thuộc về cõi âm
không giải đáp.
khi tôi tới, những bông birdflower nở, ối
vết chân người đêm qua
cỏ tươi hơn nhờ được tưới bằng nước có pha muối
nước mắt làm mẹ tôi thêm lạnh?
và hồn sẽ khôn đi?
khi tôi tới, những bông birdflower nở, ối
chiều. tĩnh vật.
không cánh chim
tôi ngồi trước mộ
Loma Vista
lần đầu tiên, không có người bên cạnh
lần đầu tiên tôi có cái khao khát được chui vào đất
nằm cùng mẹ tôi
vĩnh viễn
như những ngày thơ ấu
những ngày mới lớn
hằng đêm sờ tí bà để dỗ giấc ngủ
cũng lần đầu tôi hiểu
may mắn thay cho kẻ nào
còn được thấy mẹ mình
vẫn sống.
khi tôi tới, những bông birdflower như bầy én
có đôi cánh vàng, chúc mỏ
tư thế sẵn sàng lao xuống
những chiếc máy hút dầu gật gù
kiên nhẫn chào tôi buổi sáng
muôn năm
buổi sáng tiễn đưa mẹ tôi tới một nơi chốn
không có đường trở lại
không trở lại dù những chiếc máy hút dầu có gật gù chào hoài.
Chào hoài. Buổi sáng.
khi tôi tới, những bông birdflower nở, ối
nghĩa trang kẹp giữa hai con lạch
anh tôi nói một trong hai con lạch có nước quanh năm
nhờ thế, đất sẽ nhuần nhị
riêng xác mẹ tôi không ai nói có được nhuần nhị?
chỉ biết mẹ tôi nằm sâu
rất sâu lòng đất.
buổi chiều tôi ngồi bên ngôi mộ mới
thấy đất thật gần
trời cũng gần
nhưng trời hay đất cũng đều bất nhân như nhau
tôi muốn chửi thề trời, đất
chửi thề ngọn cỏ
chửi thề buổi chiều
chửi thề con lạch có nước và, con lạch quanh năm khô ráo
chửi thề tôi: Sống mãi như cỏ cây
chửi thề tôi: Văn chương bất lực
(văn chương chỉ có thể làm chảy nước mắt người sống
văn chương chẳng bao giờ làm thức dậy nổi người chết)
văn chương. Văn chương. Sự phỉnh phờ vô duyên của cảm xúc
trò chơi buồn cười. Trò chơi đứng ngoài vỗ tay,
vỗ tay trước những xác chết. Vỗ tay trước những ống nylon. Máy
trợ tim. Phổi thán khí
buổi sáng ngồi bên mộ
cỏ chưa ráo
hoa đã được bỏ vào thùng rác
nhớ mẹ tôi thích ăn cá rán
nhớ bà thích gặm xương
(hay bà chỉ quen gậm xương
vì thịt thà được dành riêng cho chồng con?)
buổi sáng ngồi bên mộ bà
nhớ tới lúc chết
vài tiếng trước lúc chết
mẹ tôi cũng không nói
có thể bà cho có nói hoài, cũng chỉ vậy thôi
(mồ mả
chồng, con chứ phải đâu đất thó, đất bùn bỏ túi mang theo!)
những đứa con tinh khôi
mất sớm
những đứa con hiếu thảo
trời đáo để giựt phắt, lôi đi
những đứa con đất thó
(như tôi)
sống mãi
sống nhăn răng
(răng không trắng ởn
răng sâu ăn. Cái rụng cái còn
nhưng vẫn là: cục vàng mất đi, cục chì ở lại.)
cục đất. Phải tôi chỉ là cục đất.
mỗi sớm mai thức dậy
thấy đời không đổi khác
thịt mỗi ngày mỗi ôi
xương mỗi ngày mỗi mục
trí cùn với da nhăn
ra vào như xác rữa.
từng ngày mục nát qua
trong cảnh đời đã khép
dạt trôi một góc trời
biết nơi nào cố quận?
khi tôi tới, những bông hoa birdflowr nở, ối
bóng trưa đu võng dưới những tàng cây giống cây bồ đề
con chim sâu nghếch mỏ thăm dò phản ứng kẻ lạ
ngày nào nghĩa trang cũng đem tới cho chim những kẻ lạ mặt
người đến từ ngôi nhà âm u
kẻ tới từ ngưỡng cửa tang tóc.
như nhà buôn tích luỹ hàng hoá
tôi tích luỹ vết thương
tích luỹ thời gian
tích luỹ những chặng đường
những đến, đi, không kỷ niệm
riêng mẹ tôi
tính đến lúc chết
thì sự giầu có của bà
chính là những ngôi mộ!
khi tôi tới, những bông birdflower nở, ối
Lãm bảo,
hãy cảm ơn sự chết
nhờ nó sự sống có ý nghĩa
như người đi còn ngoảnh mặt quay về
như buổi chiều là chiếc gạch nối ngày, đêm
cho nước mắt rơi được trên sự chân thật.
tôi bảo
nước mắt có khả năng rửa sạch mọi nhớ thương
như hạt mầm lãng quên vốn tiềm phục khắp nơi
nên kẻ sống chắc chắn sẽ quên dần người chết
xác này tiếp xác kia
nhớ không tam đoạn luận
là con người ai cũng phải chết
và nhiều phần tôi chết trước em.
vậy hãy khóc hôm nay
đợi tới ngày mai e quá muộn.
khi tôi tới, những bông hoa birdflower đã nở
Loma Vista. Loma Vista. Loma Vista
tên gọi lạ, chưa hề có trong bộ nhớ
ký ức tôi chỉ có một mẹ già
một buổi sáng bước ra
ngỡ ngàng đặt tay lên lồng ngực lép
lồng ngực Việt Nam non thế kỷ
lồng ngực buồn như đất nước ở xa
lồng ngực thở bao năm
Bắc Cạn, Lạng Sơn, Việt Trì, Yên Bái
lồng ngực Phủ Lý, Hà Nội, Nho Quan, Hà Đông, Đồng Văn
Cống Thần, Chợ Đại
lồng ngực hom hem còn miếng da nhăn cũng muốn dứt nốt cho con
tới lúc chết, mẹ tôi còn ngỡ
Sài Gòn, Trương Minh Giảng, Hồng Thập Tự, Trần Hưng Đạo…,
vẫn thở cùng bà
vẫn cùng bà chuyến xe lam ngược suôi Hoà Hưng, Bến Thành, Ông Tạ
những chuyến xe nửa đời nửa đoạn
những chuyến xe chưa kịp định hướng phía nào, sông Đáy
đã nghe buồn trên những quay lui.
ngày thở tít chân trời thăm thẳm chết
biển Đông vào cửa khác, ra đi
tôi ngồi lại nghe buổi chiều phủ, dụ
nén hương tàn, mộ chí cũng phân, ly
mẹ một thuở thương đàn con khuất, lấp
nên hôm nay mất dấu quay về
trong thân xác đã khô, ròn máu đỏ
thịt da kia đành cũng bụi mù
những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước
ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam
không ai gọi, không ai còn nhắc nữa
dúm xương xưa tanh lợm, thiếu nguồn?
khi tôi tới, những bông hoa nở, ối
cỏ cây ngồi duỗi cẳng, dốc lăn xuôi
tôi muốn chọn một chỗ nằm kế cận
mộ. Không cha, môi mẹ máu không chùi.
Khúc thứ tư: Chuyến bay muộn ký ức và mẹ ở xa
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại San Jose
mưa đẫm phút cuối ngày Thanks-giving
người con gái làm nghề “fly attendant” chuyển tới chỗ tôi ngồi
ống gạt tàn thuốc lá
cô hỏi:
“Ông chờ chuyến bay nào vậy?”
tôi cảm ơn, cười vu vơ, bảo:
“không, tôi mới tới.”
người con gái có gương mặt Jackie Kennedy Onassis
đôi mắt biển,
bay cho hãng American Airlines ở Portland.
tôi kể,
nơi đó tôi có người bạn nhạc sĩ
anh mở tiệm café, sống qua ngày
chờ quên dĩ vãng.
nàng cười, miệng rộng:
“hy vọng có ngày gặp lại ông trên đường bay San Jose-Portland!”
buổi chiều Thanks-giving
mọi người vội vã
phi trường vắng.
những bước chân thất lạc
như chính nó vừa để mất điều gì…!
tôi châm thuốc. Tính nhẩm số ngày kể từ khi mẹ tôi nhắm mắt
và, trong tôi
dường cũng có điều gì,
mới mất.
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại san Jose
phi đạo đẫm nước
những ngọn đèn vàng trên cao
ngó xuống đám công nhân
chuyển vận hành lý, phục dịch phi cơ
như chuột lui cui
trong mấy thửa ruộng tối.
tôi nhớ lại buổi chiều
buổi chiều như cuối năm
buổi chiều có những hạt cơm cuối cùng
vét từ nồi cơm nơi nhà hàng của Nhuận.
bóng tối trôi tuột theo những tấm màn nylon
chảy xuống mặt đường
rất nhiều hạt mưa vùi, lấp.
những hạt cơm như sỏi
miếng thịt gà như ngói
tôi và, bóng tôi
đáng buồn thay
dù cố gắng
vẫn chẳng thể có chung nhau chuyện gì, để nói.
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại San Jose
nơi mẹ tôi có người em hơn mười hai năm chưa hề gặp lại
nơi bao lần tôi định bụng sẽ đưa mẹ tôi đi thăm
nhưng mình tôi hiểu
không bao giờ. Không bao giờ nữa
mẹ tôi có thể đặt chân tới phần đất này
bởi từ mười một ngày qua
bà đã nằm sâu, yên trong lòng đất
và, những đứa con, đứa cháu cũng đã thẳng thắn trả lời:
“không có thì giờ viếng thăm mộ…cỏ!”
mẹ tôi nằm như thế
bây giờ là Thứ Bảy
mười một ngày đi qua
trên thân xác tám mươi lăm năm tần tảo
tám mươi lăm năm khôn mót được một giờ vui
tám mươi lăm năm chưa bao giờ mẹ tôi tự hỏi
cớ sao phải làm người?!?
cớ sao đời sống bà lại cực, cùng vất vả?!?
tháng năm buồn đi qua
đôi vai nào chẳng mỏi
trái tim nào không nghẹt
khi ắp đầy xác khô
hết chồng rồi tới con
hết con, giờ tới cháu.
dù còn trẻ, tôi cũng từng đôi lần muốn hỏi
đời Việt Nam mất cả nấm mồ?
có đất nước, cớ sao còn luân lạc?
cuối chân trời, ai khóc nỗi vong thân?
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại San Jose
người bạn trẻ bước vào
tôi đọc được ngỡ ngàng trong mắt anh.
“Have you good time!”
tôi nói với người đàn bà tiếp viên hàng không, và hẹn ngày gặp lại.
bước đời đi như mây
phương hướng nào cố quận?
bèo dạt theo nước sông
đêm trở về kiếm bóng.
mỗi chúng ta sống buồn như trái núi
núi thì câm! lặng lẽ đứng xa đời
núi lầm lỡ, không ở cùng với biển
nên mỗi đời: Rồi cũng phải chia tay.
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại san Jose
ngày thứ mười một, sau cái chết của mẹ tôi
giọt lệ bốc hơi; bay khỏi nắm đất
chỗ tôi ngồi, vạt cỏ đã xanh non
không ai hỏi:- Dưới huyệt sâu, mẹ tôi có lạnh?
như dương gian mưa, gió đã đi, về
ký ức tôi: Bức tường thẳng tắp
chạy hướng nào cũng đụng đầu ngõ cụt
bước chân đi, mỏi, khuất, quê nhà.
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại San Jose
con đường Santa Clara
khung cửa vỡ
đám người Mỹ không nhà
Thanks-giving, công viên, bầu trời: Cùng họ thở…!
đâu biết tôi-mộ-nổi
đang trông tìm chỗ trọ đêm nay.
mẹ tôi chết, nửa đêm, về gõ cửa
hỏi sao con lạc tới nơi này?
tôi ghì xiết cánh tay Việt Nam thâm, tím
bao nhiêu bình nước biển, đã trôi sông
môi của mẹ máu bầm, khô, quanh khoé
dẫu trăm năm vẫn chẳng đoạn đành:
Đi,. dù chỉ để gửi thân vào…nấm mộ!!!!
trong ký ức mẹ tôi rách nát
mỗi đứa con còn lạc một phương trời.
tay mẹ nhỏ ôm mấy đời cho đủ
cõi lòng sâu không đáy, chứa u buồn.
không định trước, chuyến bay muộn đem tôi trở lại thành phố cây già
dẫy building như những con rắn chứa đầy thân nọc độc
le lưỡi nuốt… người.
anh bạn trẻ bảo, thôi, đừng buồn, mẹ chết
ai một lần không bỏ nhau đi?!?
tôi muốn nói lẽ ra người đáng chết
chính là tôi
sống chật đất, trời!
khung cửa vỡ. Những con đường ngốn lá
chạy mút đầu trí nhớ; phía căm căm.
không định trước, tôi đã đi quá xa chỗ mẹ
và, ngày mai không biết có ai tìm?
ai sẽ hỏi: – Nghĩa trang này rất lạnh!
Ai nằm kia? Con cái ở đâu?
khung cửa vỡ. Ngó xuống đường trăn trở
biển Đông xin mở, đón: Mẹ tôi về!
Khúc thứ năm: Cõi mẹ về
em đâu biết, tôi có những giấc mơ
bay dọc lộ trình Hà Nam-Hà Nội
cùng những chiếc ghe muối
những chiếc thuyền đinh
chở bương, chở nứa
chúng chở hồn tôi trôi dọc sông Đáy
và tấm lòng thuỷ chung của mẹ tôi
cũng không đáy.
em đâu biết, tôi có những giấc mơ
tỉnh ra còn ngỡ
như có chuyến xe lửa vừa mới khởi hành
về Hà Đông
nơi mẹ tôi được sinh ra, lớn lên,
rồi theo chồng đi miết.
quê ngoại với tôi tới giờ vẫn còn là niềm bí mật
như những sợi tơ giăng khắp bầu trời
tôi từng vói, mà, chưa lần nắm được.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
thấy rõ mẹ về
đắp lại tôi, tấm chăn
vuốt lại tôi, mái tóc…
đã bao năm mất hút sau lưng,
mà, mẹ tôi vẫn không thể tin rằng mái tóc xanh của con bà đã bạc
những đường kẻ dọc, ngang vầng trán tối
đôi mắt nay đã mờ
(đôi mắt trong veo nhìn theo mẹ tôi những ngày họp chợ)
đôi mắt giờ xụp lở nắng, mưa.
mẹ tôi hỏi sao tóc con lại trắng?
những sợi gân nào lấp ló dưới da nhăn?
tôi hỏi bà, lúc rày người có khoẻ?
mẹ tôi cười.
quết trầu đỏ,
đôi làn môi cắn chỉ
bà vẫn buồn như thuở bố đi luôn.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh ra còn ngỡ
tuổi thơ mình vẫn còn ở đâu đó
con đường Trần Hưng Đạo
căn nhà số 1029
đôi hàng cây Sao
Saigòn, những chú Ba Tàu mặc quần sà-lỏn
vê chiếc áo thung cháo lòng lên cao
xì xồ khoe bụng mỡ.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
bay mềm con đường Trần Bình Trọng
nơi mỗi sớm mai tôi phải đi ngang
ngôi nhà thờ mang tên Huyện Sĩ
lối dẫn tới ngôi trường
có băng ghế dài
có bảng đen
có bài học vỡ lòng về tình bạn
nhờ tình bạn này mà tôi biết yêu em!
em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh ra còn nghe tiếng sóng biển
vỗ đâu đây!
Hải Phòng? Đồ Sơn? Vũng Tầu? Hà Tiên? Guam?
nơi tôi phơi mình trần trụi
trên một trong những doi cát
nơi người con gái tên Thư
học trường Tây, nói với tôi bằng tiếng Pháp
rằng tôi là tình yêu thứ nhất của nàng,
lúc hai đứa ôm nhau trong bụi rậm.
Thư rất buồn khi hỏi mẹ tôi đâu?
em đâu biết tôi có những giấc mơ
buổi sáng, Camp Pendleton, xếp hàng, đợi bữa
nơi có rất nhiều chuyến xe buýt miễn phí
nối liền Processing Center với Trại Một
người con gái ốm o ngồi cùng băng ghế
hỏi có phải tôi là người mới tới, vài hôm
và, nàng muốn được nghe từ tôi, một bài thơ cũ
nàng đọc:
“mừng em sinh nhật mới này
“nến đau đớn thắp lên đầy cuộc vui.”
tiếng động cơ, tiếng gió, tiếng chim gõ kiến
tiếng cười, tiếng khóc
tiếng loa phóng thanh nhắn tin tìm thân nhân
và, hơi thở gấp gáp trong lồng ngực nhấp nhô mới nhú
của người con gái
tan trên miệng vực sâu.
tôi đưa nàng xuống đáy thung lũng
chỗ an nghỉ của những cành sồi bị gió, sương đánh gẫy
nàng đọc lõm bõm những câu thơ còn sót lại của bài
“sinh nhật, 12”
tôi hỏi, mới bây nhiêu mà sao đã lần về nát tan sớm vậy?
nàng mỉm cười
(nụ cười tựa vết nứt của một trái cây non)
nàng bảo tuổi thơ nàng thế đó!
lúc ngang qua khu nhà ăn
tôi thấy người yêu tôi đang xếp hàng
nàng mỏng tanh như một chiếc lá thuộc bài bị ép
sau này, tôi mới hay
đó là lúc nàng đã mang thai, hơn tháng…
người con gái tên Thảo không biết có còn ở San Jose?
riêng người yêu của tôi, bây giờ
đã có chồng và, đang nuôi hai đứa con của tôi rất mực tử tế.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
lập lại hoài, như cuộn băng nhão
những tiếng rè, đứt quãng
như con đường Ranchero Way cụt ngủn
xe chẳng cần quay đầu.
như ngôi nhà có mảnh vườn bát ngát
bao lần mẹ tôi ngã ngồi dưới gốc cây chanh
bà ưa hỏi:
“chanh đâu mà lắm thế?
“hãy coi chừng kẻ trộm nghe con!”
như người con gái mắt mưa
tóc dài gió bão
đã bỏ đi
cho lời nguyền ở lại.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
bùn lầy khu chợ Cầu Ông Lãnh
mùi cá ươn. Mùi bùn. Mùi rác
mùi thoi thóp từ những xác thân đợi chết
mùi mồ hôi. Mùi nước mắt vô tri
mùi áo len người con gái có khuôn mặt giống hình ảnh Đức Mẹ
nàng sống huyễn hoặc nhờ những trang thư
hơn đời thật.
đoạn đường có quán cà phê mở khuya.
nghe nói hồi mồ ma Lê Văn Trương
ông đặt tên là Quán Biên Thuỳ.
chiếc quán tôi ngôi gần hềt thời mới lớn
với những người bạn
(nhiều đứa chết lúc còn rất trẻ
như Hoài Lữ, như Hoàng Đình Tập…)
nơi tôi trở lại
lúc tóc bạc tơi
cùng giọt lệ muộn của người con gái hiện thân Quán Thế Âm
ở đó, tôi nhớ mùi con đường Westminster
chạy dài tới biển
mùi tóc đẫm nhà thương. Lãm;
mùi những ngón tay run trên nền ngực trắng.
mùi nước mắt của người đàn bà
(mà tôi thích gọi bằng Hựu)
mùi hàng găng ngày xưa
mùi tóc ngắn.
mùi tiệm phở tôi thường ngồi với bạn mỗi sớm mai
và tiệm mì, cũng không xa lắm.
em đâu biết tôi có những giấc mơ
đầy chim. Về núi.
khu rừng phong. Dăm tờ thư cũ
không ai còn hỏi nữa: Tôi đâu?!
mọi người đều bận việc
chẳng ai đủ rỗi
để hỏi mình là ai?
ở chốn nào trên mặt đất đang khô?
và, đời ta cớ sao lại mau tối vậy?
em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh dạy còn nhớ tới ngày chết trong bệnh viện
mẹ tôi chưa từng ăn một cọng bún
một tô phở, một tô bánh canh
một hột vịt lộn
một miếng cá chiên!
dù bây giờ mỗi ngày tôi vẫn ăn
như mùa xuân vẫn tới
như con đường Garden Grove
đương nhiên cắt ngang Magnolia
cắt ngang Brookhurst…
nhưng em ạ, mọi điều nay đã đổi
bởi vì em, như mẹ, đã không còn.
Trên đây, chúng tôi đã dành cho các bạn tập thơ Trường Khúc Biển Đông vang danh được đông đảo độc giả săn đón. Qua những trang thơ này, ta cảm nhận thêm về phong cách thơ ấn tượng và sâu sắc của nhà thơ Du Tử Lê.