Thuận Hóa, tháng giêng năm 1620.
Mùa xuân bắt đầu bằng màn mưa dày hạt từ bầu trời u ám. Những bông ngọc lan nở trong Dinh Cát không đủ sức xua tan giá lạnh trùm lên cung phủ thâm nghiêm. Đã mấy đêm liền công nữ Ngọc Vạn không ngủ được. Đám thị nữ trong phủ thì thầm chuyện một đoàn sứ bộ vừa đến triều kiến, dâng lễ vật cùng với quốc thư của vua Cao Miên Chey Chettha II. Nhà vua ngỏ ý muốn chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho kết duyên cùng một nàng công nữ. Cuộc hôn nhân này sẽ thắt chặt tình hữu hảo giữa hai nước lân bang.
Ai sẽ là người phải về xứ Cao Miên?
Chị gái Ngọc Liên đã yên bề gia thất, hai công nữ Ngọc Đỉnh, Ngọc Khoa còn nhỏ tuổi, chẳng lẽ người được chọn là nàng. Cái nhìn sầu muộn của mẫu thân, nỗi lo âu thảng thốt trên gương mặt các tì nữ, tất cả như một tấm màn u ám bao trùm lên tuổi mười sáu của nàng.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên im lặng trong giông bão.
Ngọc Vạn đã hứa hôn với tướng quân Trần Đình Huy, thuộc gia tộc lớn nhất xứ Đàng Trong. Sự thất vọng vị quan trụ cột triều đình có thể là cái cớ nuôi dưỡng mầm phản loạn.
Không thể từ chối vua Chettha, biên giới Tây Nam có yên ổn thì mới rảnh tay để đối phó với quân Trịnh ở Đàng Ngoài.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã mấy chục năm lăn lộn nơi trận mạc, ngài biết rõ mỗi quyết định của đấng quân vương trong thời khắc quan trọng có thể chuyển xoay lịch sử. Vua Chey Chettha II vừa dời đô từ Longvek về Oudong để thoát khỏi ảnh hưởng của người Xiêm. Sự hiện diện của một công nữ trong hậu cung là tuyên bố rõ ràng nhất cho thấy Đại Việt ủng hộ kế hoạch phục hưng đất nước Cao Miên. Khi niềm tin giữa hai bên được vun đắp, vua Chettha sẽ giúp đỡ người Việt đến khai phá vùng đất rộng lớn phía nam.
Chúa lặng lẽ bước bên con gái trong vườn thượng uyển. Con đường chiều nay sao ngắn ngủi thế này, chưa kịp đi đã phải rẽ sang ngã khác. Bông ngọc lan vừa hé nụ run rẩy vì gặp cơn gió lạnh. Lời nói ngập ngừng định thốt ra lại phải nuốt vào đắng ngắt.
– Ngọc Vạn, con có biết năm quân Nguyên tràn vào đốt phá Thăng Long, vua Trần Thái Tông đành đưa công chúa An Tư cho Thoát Hoan để đổi lấy mươi ngày hòa hoãn cầm chân giặc?
– Thưa phụ hoàng con nhớ.
– Năm vua Chế Mân cắt đất cầu hôn, vua Trần Anh Tông đã gả Huyền Trân về chốn Chiêm Thành?
– Thưa phụ hoàng con nhớ.
– Ngọc Vạn, vương triều ta xây dựng lên đang cố sức chống chọi với thù trong giặc ngoài, ta cần con về đất Cao Miên để yên một cõi. Ta hy vọng con có thể quên hôn phu Trần Đình Huy và sống hạnh phúc bên vua Chettha như một hoàng hậu xứng đáng. Sử sách muôn đời sau sẽ nhắc nhở đến con.
Ngọc Vạn cúi đầu nhẫn nhịn. Cha ơi cha nhầm rồi, ngày mừng công thắng trận ở Thăng Long không ai nhắc đến An Tư. Cũng không ai biết nàng sống chết thế nào trong cơn binh lửa. Giọt nước mắt Huyền Trân rơi xuống thành Đồ Bàn mấy ai còn nhớ, dẫu vì nàng chúng ta mới có châu Lý, châu Ô. Phận gái mười hai bến nước, con nhà thường dân áo vải hay công chúa lá ngọc cành vàng thì nước mắt đều mặn như nhau. Chỉ cần sau này cha vẫn nhớ đến con là đủ.
– Thưa cha. Con xin vâng mệnh.
***
Oudong, tháng tư năm 1620.
Bây giờ đang là mùa khô, mặt đất rắn đanh lại như đá, gió thổi bụi cuốn mù trời. Những cánh rừng khộp đã trụi trơ hết lá, chỉ còn lại cành cây đen đúa như bị quạt qua than lửa. Khe suối cạn trơ lòng.
Đã mười ngày trôi qua kể từ khi Ngọc Vạn giã biệt mẹ cha lên đường về Cao Miên. Đoàn hộ tống có hơn năm trăm binh lính giáo gươm sáng loáng do Chánh sứ Nguyễn Hữu Luân dẫn đầu và tướng quân Lê Sáng làm phó sứ. Đến biên giới, có thêm năm trăm lính Cao Miên do tướng Nặc Tha chỉ huy với voi ngựa chỉnh tề chờ sẵn. Đoàn người bước đi trong mịt mù bụi đỏ. Chỉ có những cây thốt nốt đơn độc đứng trơ trọi bên đường.
Đừng khóc. Không ai có quyền chọn lựa.
Tóc cha bạc thêm mỗi khi nhận tin từ tiền đồn sông Gianh, chiến tuyến phía Bắc chưa một ngày yên ổn.
Mắt mẹ ngân ngấn nước đêm trước lễ Vu quy, dặn dò ta nhớ về Huyền Trân công chúa.
Trần Đình Huy không nói gì phút giây ly biệt. Chỉ có bông ngọc lan bên cửa sổ nức nở trong sương.
Mùa này xứ Cao Miên khô nỏ như rang. Những người lính Đại Việt kiệt sức trong cơn khát. Họ lê bước trên con đường hoang vu trơ cằn đá sỏi, mơ về dòng sông Côn, sông Thu Bồn, sông Thạch Hãn xanh mướt bờ dâu.
– Dừng lại. Đêm nay hạ trại ở đây – Chánh sứ Nguyễn Hữu Luân ra lệnh.
Bóng tối quánh đặc ập xuống rất nhanh, xòe bàn tay trước mặt chỉ thấy một màu đen kịt. Ngọn nến nhỏ trong lều chánh sứ Nguyễn Hữu Luân thao thức, lời dặn dò của chúa thượng nơi mật thất văng vẳng bên tai. Chúa biết rõ Chey Chettha II mới ở ngôi chưa được hai năm, thân cô thế cô trước các thế lực đang tìm mọi cách dâng Cao Miên cho Xiêm. Ngọc Vạn sẽ làm hoàng hậu trong một vương triều đầy bất trắc. Nhiệm vụ của các vị quan hộ tống là phải nhanh chóng xây dựng lực lượng ở Oudong, làm chỗ dựa cho đức vua Chettha củng cố nền độc lập. Từ đó tạo nên một phòng tuyến bên ngoài bảo vệ đất đai nhà Nguyễn trước sự nhòm ngó của Xiêm la và rộng đường cho dân Việt khai phá xuống phía nam.
Ông đang hộ tống một nàng công nữ về nhà chồng hay đang dẫn nàng bước vào cuộc hành trình vạn dặm đầy rẫy hiểm nguy. Cả năm trăm người lính ở đây nữa, sau lưng họ là những cánh đồng vào vụ in dấu chân trẻ con bé bỏng đi sau người mẹ liêu xiêu cầm cày.
Đêm bỗng bị xé toạc bởi những tiếng ngựa hí, voi gầm, gươm giáo va vào nhau chan chát. Tên bay loạn xạ. Lửa cháy ngùn ngụt. Nguyễn Hữu Luân lao ra ngoài. Lều bạt bị giật tung như bão lốc. Tiếng gào thét của người Việt xen lần người Cao Miên trong hỗn loạn.
Nơi đóng trại bất ngờ bị đột kích.
Lê Sáng điều binh đến trước lều công nữ. Nguyễn Hữu Luân cầm gươm bước vào trong, ông ngạc nhiên thấy Ngọc Vạn bình tĩnh đến không ngờ.
Một toán sát thủ bịt mặt chọc thủng tuyến phòng thủ, Lê Sáng bị chém gãy một cánh tay, gục xuống. Quân phản loạn xông vào lều, thị nữ hốt hoảng chạy dạt về một góc. Đám sát thủ quây lại, mấy lưỡi gươm nhắm thẳng vào Nguyễn Hữu Luân và công nữ cùng lao đến.
Nến tắt. Máu bắn lên ướt mặt.
Ai đó ôm công nữ vụt đi.
Chỉ nghe một tiếng ngựa hí vang bên ngoài.
Tin dữ bay về kinh đô, đoàn rước dâu bị tập kích. Lính hộ tống Cao Miên và lính Đại Việt cùng bỏ mạng ngổn ngang nơi đóng trại. Công nữ Ngọc Vạn không biết sống chết thế nào. Phe thân Xiêm mừng thầm thắng lợi. Những tấm lưng quì mọp dưới điện rồng, che dấu nét hả hê trong vẻ đau xót giả dối. Dưới triều vua Soryopor khi trước, thế lực của tập đoàn này vô cùng vững mạnh. Họ muốn đất nước lệ thuộc vào Xiêm la, ép dân Cao Miên mặc trang phục của Xiêm, theo phong tục của Xiêm. Việc vua Chettha II dời đô về Oudong và tìm kiếm sự ủng hộ từ Đại Việt khiến họ giận dữ. Phe thân Xiêm tìm mọi cách ngăn cản cuộc hôn nhân, mua chuộc lực lượng cận vệ thân tín của đức vua để kích động phản loạn, âm mưu ám sát công nữ Ngọc Vạn nhằm gây bất hòa giữa Đại Việt và Cao Miên.
Vua Chey Chettha II không xuất hiện.
Người đang sải bước một nơi rất xa.
Trong tâm khảm người mãi mãi chói lọi huy hoàng Angkor, rực rỡ hoa văn Sampot mùa lễ hội.
Đất nước này phải thoát khỏi lệ thuộc vào Xiêm la.
***
Chàng tráng sĩ Cao Miên dừng chân dưới bóng cây rumdul mọc đơn độc trên một sườn núi. Công nữ Ngọc Vạn ngồi xuống bên cạnh. Xa xa trước mắt là bình nguyên trải rộng ngút tầm nhìn, khung cảnh hoang vu gợi lên trong lòng nàng nỗi buồn thương vời vợi. Những giọt nước mắt cố kiềm chế suốt mấy ngày qua tràn qua mi mắt.
Sau thoáng bối rối, chàng tráng sĩ nhẹ nhàng đứng dậy, hái một bông hoa rumdul khẽ đặt vào tay nàng. Bông hoa ánh lên sắc vàng rực rỡ như một vầng nắng nhỏ. Chàng nói với Ngọc Vạn bằng tiếng Việt với giọng trầm như thanh âm của cây đàn Chapey:
– Nàng xem, mùa này hoa vẫn nở.
Công nữ Ngọc Vạn lặng nhìn bông hoa trong bàn tay còn vương vết máu. Một ngày rất xa kia, có ai đó cũng đã đặt vào tay nàng một bông ngọc lan e ấp. Ngày ấy bàn tay nàng còn rất mềm và rất trắng.
Những ngày xưa cũ đã vĩnh viễn mất đi thật rồi.
Nàng đang ở đây, sống sót qua lửa và qua máu.
– Chàng là ai ?
– Nàng là ai ?
Ngọc Vạn im lặng một lát. Trong biến loạn vừa xảy ra, có lẽ chàng đã đoán được thân phận của nàng. Nàng lau khô nước mắt, trở lại với vẻ bình thản như lúc đứng trước cảnh giao tranh khốc liệt đêm qua:
– Ta là công nữ Đại Việt. Ta đang trên đường đến Oudong để thành thân với đức vua Chey Chettha II.
Ngọc Vạn nhắc đến tên đức vua Cao Miên, nhưng chàng tráng sĩ không thay đổi nét mặt. Điều đó làm nàng thoáng ngạc nhiên. Người đàn ông này có tướng mạo uy dũng, khí chất tôn quí, nghe tên đức vua mặt không đổi sắc, hẳn không phải người tầm thường.
– Ở Đại Việt chắc nàng cũng biết xứ sở này chiến tranh liên miên, phong thổ khắc nghiệt. Ta không hiểu vì sao chúa Nguyễn lại nỡ lòng để con gái cành vàng lá ngọc của mình lạc bước đến đây.
– Ngày trước khi thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến Trung Nguyên xin kết duyên với một nàng công chúa, vua Hán Nguyên Đế vì không nỡ đưa con gái về vùng đại mạc nên đã chọn một cung nữ trong hậu cung là Vương Chiêu Quân gả cho Hô Hàn Tà. Khi vua Chey Chettha II cầu hôn, có người khuyên cha ta nên theo vua Nguyên Đế nhà Hán trước kia, nhận cung nữ làm con nuôi rồi đưa đến Cao Miên như một nàng công nữ. Nhưng chàng có biết cha ta đã nói gì không ?
– Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã nói gì ?
– Chúa thượng nói từ xưa đến nay Đại Việt ta luôn bang giao với các nước bằng tấm chân tình, không thể có sự lừa dối. Dẫu cho muôn trùng cách trở, khi vua Chettha đã ngỏ lời, người sẽ nén nỗi lòng của một người cha trước cảnh biệt ly vạn dặm để gửi gắm con gái mình về đất Cao Miên
Chàng tráng sĩ quay sang nhìn công nữ, không giấu được vẻ xúc động trên khuôn mặt lạnh lùng. Được nuôi dưỡng bằng hạt lúa thảo thơm trên cánh đồng bát ngát phù sa xứ Đại Việt, người con gái trước mặt chàng qủa thật đẹp hơn rất nhiều bức tranh được các sứ thần về vẽ lại. Chàng khẽ nói :
– Công nữ, đi cùng ta. Ta muốn nàng đến nơi này.
Họ đi xuống thung lũng, vách núi hai bên hẹp dần lại bởi những bức tường đá nhô ra dựng đứng. Qua bên kia dãy núi, Ngọc Vạn ngạc nhiên nhìn thấy trước mặt một cánh rừng nhỏ quần tụ những cây cổ thụ rậm rạp, đang giữa mùa khô nhưng tán lá vẫn vươn lên xanh thẳm. Đi thêm một quãng nữa, rừng giãn ra, nhường chỗ cho một vùng đất rộng bằng phẳng, chính giữa tọa lạc một ngôi đền với tòa tháp xây bằng đá ong bốn mặt chạm khắc tinh xảo. Xung quanh đền có binh lính Cao Miên hàng ngũ chính tề đứng canh gác.
Chàng tráng sĩ xuống ngựa, một đội lính đã đợi sẵn thực hiện các nghi thức rồi hộ tống hai người vào trong. Bước qua cổng chính, công nữ Ngọc Vạn nhìn thấy một bức tượng rắn sáu đầu uy nghi trầm mặc. Sau khi nhận lời cầu hôn của vua Chettha, chúa Nguyễn đã cho mời các nữ quan thông tuệ nhất dạy dỗ cho nàng về lịch sử và lễ nghi Cao Miên. Vì thế đứng trước ngôi đền kì vĩ này, nàng không cảm thấy xa lạ. Truyền thuyết kể rằng thủa xa xưa vua Kampua đã kết hôn với con gái thần rắn Nagar và hai người cùng nhau xây dựng nên vương quốc hùng mạnh trên miền đất này. Hình tượng thần rắn Nagar là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Cao Miên, được tạc trong các đền chùa với ý nghĩa của vị thần canh giữ chốn linh thiêng và bảo vệ nguồn nước.
– Khi còn niên thiếu, ta bị đưa sang Xiêm la làm con tin mười năm. Sau này ta mới biết rằng suốt mười năm đằng đẵng đó, ngày nào mẫu thân cũng đến quỳ ở đây để cầu xin các vị thần linh thiêng bảo hộ cho ta được bình yên trở về. Đền thờ này về sau được tạc thêm tượng hoàng hậu Borommaracha, mẹ của ta.
– Lẽ nào người chính là…
– Đúng vậy, ta là Chey Chettha II, vua nước Cao Miên, hôn phu của nàng.
Vua Chettha qùy xuống trước ngôi đền thâm nghiêm, thành kính cất lên những lời khấn nguyện bằng thứ tiếng du dương của dân tộc mình. Sau khi hoàn thành nghi lễ, chàng dẫn công nữ Ngọc Vạn vào trong ngôi đền, nơi có bức tượng đá tạc hình một người phụ nữ khmer với đôi mắt u buồn câm lặng.
– Mẫu thân đã mất trước khi kịp nhìn thấy con trai bước lên ngai vàng và bắt đầu sự nghiệp phục hưng Cao Miên. Mẫu thân, xin hãy yên lòng vì từ nay người con gái này sẽ ở bên con, như hoàng hậu Nagar với vua Kampua thủa đầu lập quốc.
Bàn tay khẽ nắm lấy bàn tay.
Đôi mắt lặng yên nhìn đôi mắt.
Những linh hồn đá run rẩy trong nồng nàn vũ khúc Apsara.
***
Thương điếm Bo Rusompok là nơi các thương nhân từ Xiêm la, Java, Chiêm Thành, Đại Việt…gặp gỡ buôn bán các mặt hàng nổi tiếng của Cao Miên như ngà voi, trầm hương, kì nam. Khi dời đô về Oudong, vua Chettha đã cho người xây dựng thương điếm này nhằm thúc đẩy giao thương và thu thập tin tức từ các nơi phục vụ cho việc củng cố vương triều. Phía sau thương điếm là một tòa nhà rộng lớn có tường bao vững chắc, do chính những người thuộc hạ thân tín của vua Chettha bảo vệ. Công nữ Ngọc Vạn được sắp xếp nghỉ ngơi tại đây dưới sự canh giữ cẩn mật của vệ binh Cao Miên để đợi cánh quân của Nguyễn Hữu Luân sẽ tới vào rạng sáng mai. Sau khi được chính vua Chettha cứu khỏi biến loạn, Ngọc Vạn đã cho người đưa tin về báo cho quan chánh sứ.
Những cây Kraik sừng sững trong bóng tối bên ngoài cửa sổ.
Phải chăng số phận ta đã gắn chặt với Cao Miên từ khi máu của những người lính Đại Việt đầu tiên đổ xuống mảnh đất này trong cuộc chiến đêm qua.
Nhân duyên do trời định.
Chợt một lính Cao Miên xin phép bước vào trong, dẫn theo sau vị quan từ Thuận Hóa có mang lệnh bài của chúa thượng.
Ngọc Vạn nhìn kỹ tấm lệnh bài, đây là tín vật quan trọng chúa chỉ ban cho những người tin cẩn nhất, nhìn thấy lệnh bài cũng như thấy chúa.
Người đàn ông Đại Việt có lẽ đã trải qua một hành trình vạn dặm trên lưng ngựa không ngơi nghỉ, râu ria tua tủa trên khuôn mặt đen sạm, quần áo bám đầy bụi đỏ. Nhưng khi chàng cất tiếng, Ngọc Vạn không khỏi sững sờ vì thanh âm ngỡ như đã chìm sâu trong kí ức chợt dội về:
– Công nữ, ta mừng khi thấy nàng vẫn được bình yên.
– Đình Huy, là chàng thật sao – Ngọc Vạn thốt lên nghẹn ngào – Tại sao chàng lại đến đây.
Trần Đình Huy ra hiệu cho công nữ im lặng, các cận vệ cả người Việt lẫn người Miên vẫn đang túc trực ngay ở cửa. Chàng bỏ lớp hóa trang, hạ giọng nói:
– Một ngày sau khi nàng lên đường, ta đã tự giải thoát khỏi bị giam giữ của cha ta và đánh cắp lệnh bài của chúa thượng để đuổi theo. Đêm qua, ta đến nơi thì doanh trại của người Việt đã tan tác, cứ ngỡ không thể gặp nàng được nữa. Ngọc Vạn, nhân khi chánh sứ Nguyễn Hữu Luân chưa đến, nàng hãy trốn đi cùng ta.
Trần Đình Huy nhìn nàng tha thiết. Chính đôi mắt này một ngày xa xưa đã làm xao động trái tim nàng, khi chàng trai trẻ xuống ngựa nhặt hộ bông ngọc lan vô tình đánh rơi bên cửa kiệu. Giọng nói trầm ấm này đã làm nàng thao thức suốt đêm không ngủ lúc vô tình gặp lại ở bữa tiệc mừng công của phụ hoàng trong Dinh Cát. Rồi những lá thư nồng nàn mà e ấp hai người gửi cho nhau sau khi được cha mẹ tác thành, chàng dẫn quân ra chiến trường còn nàng đợi chờ nơi cung cấm. Kí ức đắm say của thời thiếu nữ tưởng đã mãi mãi vùi chôn chợt sống dậy trong nàng với biết bao nhung nhớ tiếc thương. Trần Đình Huy, sao chàng không quên thiếp đi, sao chàng còn lặn lội ngàn dặm trường để tìm thiếp trên đất Cao Miên này, khi thiếp đã tự nhủ lòng mình an bài theo số phận.
Ngọc Vạn bật khóc:
– Chàng hãy trở về đi. Thiếp không thể.
Trần Đình Huy nắm lấy tay nàng, không giấu được nỗi tuyệt vọng trên gương mặt:
– Tại sao, Ngọc Vạn. Lẽ nào nàng đã quên tất cả hẹn thề giữa chúng ta rồi sao.
Ngọc Vạn bước lại gần cửa sổ. Đêm Cao Miên tối sầm trong thinh lặng. Giờ này Nguyễn Hữu Luân cùng những người lính Đại Việt đang dò dẫm cất bước trên đường, để lại đằng sau những ngôi mộ vô danh chôn lấp sơ sài bên một triền đồi đầy đá sỏi. Lịch sử chói lọi tên tuổi các đấng quân vương, lẫy lừng uy dũng các vị đại tướng. Lịch sử có khi nào nhắc đến những người lính nông dân mang gươm đi mở cõi thủa đầu tiên.
Trần Đình Huy bước lại gần nàng. Đôi mắt nàng thăm thẳm như đêm, chìm sâu trong đó là biệt ly và đau xót. Chỉ một chuyến đi, một lần giã biệt, đã vĩnh viễn không thể nào tìm lại được nhau.
Ngọc Vạn run lên cố ngăn dòng nước mắt:
– Chàng hãy trở về Đại Việt khi còn kịp, trái tim thiếp mãi nằm lại đó.
Chiến tranh.
Giữ dìn bờ cõi.
Chuyện của nghìn năm.
Mà một kiếp ngọc lan sao ngắn ngủi.
– Nếu có thể, sau này, nàng hãy về Đại Việt. Ta đợi nàng ở đó.
***
Cũng đêm đó trong hoàng cung, vua Chey Chettha II không ngủ.
Cận vệ của Đức vua vào cấp báo lúc nửa đêm khi phát hiện ra người đàn ông đến từ Đại Việt chính là Trần Đình Huy.
– Xin người hãy ra lệnh, chúng thần đã bao vây.
– Hãy rút đi.
– Vì sao vậy thưa bệ hạ. Hắn đang âm mưu đưa công nữ đi trốn.
Vua Chettha nhìn ra bên ngoài, nơi bóng tối mịt mù trùm lên khung cửa sổ. Trong tĩnh lặng của hoàng cung lúc nửa đêm về sáng, Người nghe thấy tiếng xạc xào buồn bã của gió lùa qua các vòm cây. Hình như có một bông rumdul ướt đẫm sương đêm đang cựa mình rất nhẹ, mùi hương thanh khiết dịu dàng lan tỏa khắp nơi. Người đã đánh đổi rất nhiều thứ mới có được cuộc hôn nhân này. Nhưng bây giờ, Người sẽ để cho công nữ được một lần chọn lựa.
– Ta tin ở nàng.
Đêm trôi qua.
Bình minh lên rực rỡ.
Hoa rumđul trổ bông thơm ngát trên khắp Cao Miên.
Lễ thành hôn giữa vua Chey Chettha II và công nữ Ngọc Vạn được tổ chức trọng thể tại Oudong. Công nữ Ngọc Vạn trở thành Hoàng hậu nước Cao Miên với tước hiệu Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida. Nàng được nhà vua yêu thương say đắm. Vua Chettha II đã sắc phong cho Nguyễn Hữu Luân và một số người Việt đi theo công nữ giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Cao Miên, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử sứ bộ đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa. Trong quốc thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor và một dinh điền ở Mô Xoài, tạo thuận lợi cho người Việt xuống khai khẩn phía nam. Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, nên cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II chấp thuận.
Mối quan hệ giữa Đại Việt và Cao Miên ngày càng nồng ấm. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã huấn luyện binh sĩ giúp vua Chettha II và gửi quân đội cùng với thuyền bè vũ khí những khi Cao Miên cần viện binh. Nhờ đó nhiều lần quân Xiêm sang xâm lược đều bị vua Chey Chetta II đẩy lui.
Tháng mười năm 1628, mưa như trút nước xuống kinh thành Oudong. Hoa rumdul rụng tan tác. Vua Chettha II ốm nặng. Người biết mình không còn thời gian nữa. Trước mắt là một cơ đồ còn dang dở, bao khát vọng chưa thành, mối duyên tình ngắn ngủi.
Trong di chiếu, đức vua nhắc đến việc cho hoàng hậu Ngọc Vạn xuất cung trở về Đại Việt sau khi Người băng hà.
Kinh thành phủ màu tang, Ngọc Vạn không còn nước mắt để khóc. Nàng đã lựa chọn ở lại Cao Miên suốt ba mươi năm tiếp theo giữa những biến động dữ dội của lịch sử, nỗ lực hoàn thành tâm nguyện xây dựng đất nước của vua Chey Chettha II.
Đến tháng hai năm 1658, dưới sự hậu thuẫn của chúa Nguyễn, vua Ang Sor lên làm chính vương, đóng đô ở Nam Vang, chấm dứt một thời kì dài tranh chấp đẫm máu trong triều đình Cao Miên. Thái hậu Ngọc Vạn rời Oudong xuôi theo sông Lớn để trở về cố quốc, trong hành trang nàng mang theo có một bông hoa rumdul đã khô đi giữa tháng năm dằng dặc. Thời gian trôi như dòng nước thao thiết chảy về biển cả, chẳng thể nào tìm lại được lời thề hẹn buổi đầu tiên. Nàng lặng lẽ dựng một ngôi chùa nơi chân núi Chứa Chan, ẩn cư ở đó trong cô tịch đến hết đời./.
Nguồn Văn nghệ số 51/2018