Lúc đó khoảng 9 giờ sáng, một người lính tìm gặp Diệu Thúy1, trao cho cô lá thư, nói là của ngài Trung tá tỉnh trưởng Kiến Hòa. Diệu Thúy hồi hộp mở thư ra đọc: “Gửi cô Diệu Thúy. Việc cô nhờ tôi đã có kết quả, đúng 11 giờ trưa nay, cô đưa cậu Hai đến dinh tỉnh trưởng, phải đúng giờ”.  Bức thư làm Diệu Thúy hiểu và bắt đầu lo. Bởi vì, kể ra cô cũng liều thật, bây giờ ngài trung tá tỉnh trưởng làm được theo lời khẩn cầu của cô, nghĩa là cô phải đáp đền những đề nghị của ngài, mà cái đề nghị đó mới oái oăm làm sao.

Diệu Thúy mới ngoài hai mươi tuổi, làn da trắng như bông bưởi, khuôn mặt thon gọn mảnh mai, cằm nhọn mà ngày nay gọi là cằm Vline cùng chiếc mũi cao hài hòa với khuôn mặt, mái tóc dài đen mượt được búi gọn lại, giấu trong chiếc khăn màu nâu sồng, dáng đi uyển chuyển dịu dàng. Sắc đẹp và đạo hạnh của cô không những vang lừng trong giới đồng đạo mà còn lan ra khắp Nam kỳ lục tỉnh, đến nỗi ngài trung tá tỉnh trưởng cũng phải xếp công việc bận rộn để về xã Phú An Hòa, vào chùa Nam Quốc Phật ngó mặt cô Diệu Thúy cho biết. Người ta đồn Kiến Hòa có giai nhân quả không sai. Là kiểu phụ nữ nhạy cảm, biết ngài tỉnh trưởng đã say mê mình, nhưng là người tu hành nên cô lẩn tránh ngài. Ở đời, cái gì dễ quá thường chóng chán, nhất là chuyện gái trai. Trung tá quá quen với những mối tình dễ dãi. Ở địa vị của mình, ngài  tấn công đối tượng nào mà chẳng nhanh chóng hạ gục. Lần này Diệu Thúy như bức tường thép, khó có hy vọng chọc thủng. Tuy vậy tỉnh trưởng vẫn quyết không bỏ cuộc.

Giờ nghỉ trưa, tỉnh trưởng đang mơ màng nhớ đến Diệu Thúy thì có điện báo của người cảnh vệ:

– Dạ, thưa trung tá, có ni cô Diệu Thúy xin vô gặp trung tá.

Trung tá không tin vào tai mình nữa, Diệu Thúy đến tìm mình ư? Có nằm mơ không? Sau phút bàng hoàng, trung tá hấp tấp:

– Được…. Cho vào ngay!

Trung tá vội đi vào phòng trong soi gương, chải lại mái tóc đen mượt bồng bềnh điệu đàng, chỉnh đốn lại trang phục. Mới ngoài ba mươi tuổi, hàng ngày dù đi làm hay đi chơi, trung tá luôn ăn mặc lịch sự, có phần chải chuốt. Nhanh nhẹn, bước ra phòng khách, rút điếu thuốc Quân tiếp vụ, bật quẹt zippo châm lửa, rít sâu hơi thuốc mơ màng thì có tiếng gõ cửa, trung tá nói to:

– Mời vào.

Cửa mở, Diệu Thúy xuất hiện, vẫn bộ áo tràng gọn gàng sạch sẽ. Trung tá thầm nghĩ, hóa ra áo tràng của người tu hành cũng đẹp, miễn là người phải đẹp. Diệu Thúy nở nụ cười, hơi cúi đầu chào trung tá.

Trung tá lịch sự chỉ tay về ghế salon:

– Mời cô Diệu Thúy ngồi. Hôm nay chắc có việc đại hệ trọng nên cô cố vấn phảithân gái dặm trường đến tận đây?

Diệu Thúy vén vạt áo để lộ vòng ba cong mẩy của hoa hậu, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, vào việc ngay:

– Dạ, ông nói không sai, hôm nay tôi đường đột đến đây là bởi chuyện của cậu Hai tôi, cũng là chuyện của bổn đạo.

Nhân câu mào đầu của anh ta, Diệu Thúy đi ngay vào chuyện chính:

– Thưa ông trung tá, cậu Hai tôi đã trên 14 năm tham thiền, nhập định tìm kiếm bí mật cơ trời, giờ Cậu tôi đã hiểu. Nay tôi đường đột đến đây nhờ ông giúp đỡ, làm cách nào cho cậu Hai tôi được gặp tổng thống để cậu khai khẩu, nói những điều hệ trọng của quốc gia.

Trung tá mỉm cười, ngồi ngả lưng trên ghế salon. Chuyện ông đạo Dừa viết thư đòi gặp tổng thống, ông có được phủ Tổng thống báo về để biết và cảnh giác với đạo Dừa. Suy nghĩ một lúc, trung tá ởm ờ:

– Nếu tôi giúp được cô Diệu Thúy cho cậu Hai gặp Ngô tổng thống thì cô Diệu Thúy phải trả công cho tôi đó?

– Hai mươi lượng vàng, được không, thưa ông?

Trung tá ngắm cô gái không chớp mắt, cười lắc đầu.

– Tôi nâng lên gấp đôi, thưa ông ?

Trung ta cười lớn, sau khi rít sâu hơi thuốc, bèn ngã bài ngửa:

– Gặp tổng thống khó lắm, sàm tấu mất chức, mất mạng như chơi, không lẽ tôi đánh đổi địa vị này chỉ để lấy bốn mươi lượng vàng của cô. Tóm lại tôi không đổi nó bằng vật chất. Tôi đang mê một cô gái là đệ tử của đạo Dừa, cô Diệu Thúy giúp tôi được chớ?

Diệu Thúy thấy nóng bừng trên má, đứng dậy chắp tay:

– Mô phật, đệ tử của đạo Dừa là người ăn chay, niệm phật, phế đời hành đạo, xin ngài tỉnh trưởng đừng nói như thế – Đoạn cúi chào tỉnh trưởng, đi thẳng, mặc cho ngài ngồi đó còn chưa hết bàng hoàng.

Còn bây giờ trung tá cho người nhắn đưa cậu Hai đến thẳng dinh tỉnh trưởng có nghĩa là ông ta đã mời được tổng thống về Kiến Hòa cho ông đạo Dừa gặp mặt. Quả là ngài tỉnh trưởng uống mật gấu. Diệu Thúy hiểu và cảm động tấm chân tình của ngài dành cho cô. Biết làm sao được, thôi cứ giải quyết việc của cậu Hai, cũng là việc hệ trọng của quốc gia cái đã.

Diệu Thúy vội đến tiểu bát quái đài, chờ cho cậu Hai xả thiền, Cô nhẹ nhàng:

Cậu Hai gật đầu, vội vàng cùng các đệ tử chuẩn bị vì giờ hẹn đã cận kề. Trước khi ra xe, ông đạo Dừa nói với Diệu Thúy bằng bút đàm: “Con vô lấy áo long bào của vua Minh Mạng ra cho cậu”.

Diệu Thúy hiểu, đây là buổi tiếp kiến hết sức trọng đại nên cậu mặc đại lễ là phải rồi. Ông đạo Dừa vẫn cho rằng mình là vua Minh Mạng trả quá nên ăn mặc giống như vua Minh Mạng. Cách đây ba năm, có một người ở Huế vô dâng lên ông đạo Dừa bộ long bào thêu, lưỡng long chầu nhật, nói là của vua Minh Mạng. Ông đạo Dừa thích lắm, đặt cẩn thận trong tủ kính.Hôm nay dùng đến thật đúng với ý tưởng ông đã nung nấu và thực hành mười mấy năm nay.

*

Mười bốn năm trước Nguyễn Thành Nam tìm lên vùng Bảy Núi, An Giang tầm sư học đạo. Đây là vùng rừng núi linh thiêng, có nhiều vị sư đắc đạo mà thành tích tu hành giống như trong truyện thần thoại. Khi đó Nam xin vào tu ở chùa Nguyên Thỉ. Nam được sư trụ trì yêu mến vì anh chịu khó học hành, lại siêng năng giúp nhà chùa những việc nặng nhọc. Sau một thời gian theo dõi, sư trụ trì làm lễ đàn tràng thọ giới cho Nam. Từ đó Nam là người của nhà Phật, sớm tối tụng kinh và nghiêm cẩn theo các giới luật của người tu hành. Nhưng một cơ duyên đã xảy ra. Trong một lần Nam đi thám hiểm vùng Bảy Núi linh thiêng đã gặp hang sâu mà theo lời đồn cách đó mấy chục năm Bác vật Lưu Văn Lang đã xuống thám hiểm, không biết Bác vật gặp thần tiên gì mà khi trở lên đã tịnh khẩu, vào tu trong chùa bên núi Cấm cho đến nay. Tu sĩ Nguyễn Thành Nam bắt chước người xưa cũng xuống thám hiểm hang sâu. Khitu sĩ trở lên thì lạ quá, tu sĩ mặc bộ cà sa còn mới nguyên, cổ đeo con bạch tượng, tay phảiđeo lắc tám mặt bằng vàng mười khắc chữ Nam Quốc Sơn, tay trái đeo đồng hồ bát quái…Có thể tu sĩ cũng găp được cõi tiên phật chăng? Tu sĩ cũng tịnh khẩu làm nhiều người thắc mắc hỏi Nam:

– Ông tịnh khẩu là có tích gì?

Nam trả lời băng bút đàm: “Bần đạo tịnh khẩu là để tâm vắng lặng thì trí sáng suốt, giúp bần đạo hiểu được cõi người và cõi trời.”

Từ hôm tu sĩ không vào tu trong chùa Nguyên Thỉ và cũng không giúp sư trụ trì những việc nặng nhọc, Sư trụ trì giận lắm, ông nói với Nam:

– Này đệ tử, sao không vào chùa tu cho phải phép?

Nam lấy giấy viết trả lời:

– Tôi đã theo về môn tịnh độ, thiền và tịnh tuy không đồng nhưng đều là phương tiện dẫn chung về phật tánh.

Sư trụ trì nói:

– Mới nhập môn đã nói càn, thôi tùy nhà ngươi, ta coi như không biết đến ngươi nữa.

Tăng ni trong chùa cũng chê cười Nam, cho là Nam điên.

Mặc tất cả, Nam cứ ngồi bất động như thế, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, ngày chỉ độ một bữa vào giờ ngọ, quanh năm không tắm giặt, để tóc đanh trên đỉnh đầu, cuộn lại như hình búp sen, giống đức Phật ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề.

Một buổi chiều, mây đen ùn ùn kéo đến, bầu trời bỗng tối sập lại, rồi sấm sét dậy lên kéo theo từng tràng dài, trời nghiêng biển nước trút xuống thế gian, không biết đến bao giờ biển nước mới cạn. Sét xẹt xuống Nguyên Thỉ tự. Tiếng sét lớn lắm, làm gãy cột thu lôi trên đỉnh chùa, ngói bay tung tóe văng ra khỏi chùa đến trăm thước. Mọi người tái mặt, tim đập mạnh tưởng văng ra khỏi lồng ngực. Mưa gió, sấm chớp thay nhau thét gào, tưởng như trời đang nổi giận với mái chùa cổ kính rêu phong. Trận mưa gió hãi hùng kéo dài suốt đêm, khi ánh bình minh ló dạng trận mưa dông mới chấm dứt. Quang cảnh ngôi chùa khác hẳn, nhiều cây to bị bật gốc, lá cành gãy văng tung tóe khắp nơi như sau một trận bom B52 của không không Mỹ rải thãm sau này.Ni cô Huỳnh Liên nhớ đến tu sĩ Nguyễn Thành Nam, hằng ngày vẫn ngồi thiền dưới cây cột phướn. Mưa to gió lớn thế này, tu sĩ ẩn náu nơi đâu? Qua một đêm dông bão, ni cô vô cùng kinh ngạc thấy Nguyễn Thành Nam vẫn ngồi thiền như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hình như ông đã chết, áo cà sa sũng nước, trông im lìm như pho tượng? Ni cô chạy lại bên tu sĩ chắp tay qùy gối:

– Thưa tu sĩ, tu sĩ lạnh lắm rồi hãy vào thay áo đi.

Tu sĩ Nguyễn Thành Nam vẫn ngồi bất động, quan sát một lúc ni cô chợt kêu lên mừng rỡ:

– Còn sống!

Nghe tiếng kêu của ni cô, tăng ni trong chùa Nguyên Thỉ chạyra, dìu tu sĩ về phòng, mang quần áo cho ông thay. Không biết từ đâu, người ta đồn mãi lên: tu sĩ Nguyễn Thành Nam đã được Phật nhập xác phàm nên mới có tóc đanh trên đỉnh đầu. Đêm qua trời cho thiên lôi đánh xuống Nguyên Thỉ tự, báo hiệu Phật ra đời. Giống như Bồ tát Di Lặc – Phật của thời tương lai. Người ta tò mò đến viếng Nguyên Thỉ tự ngày một đông, bá tánh dâng lên Nguyễn Thành Nam bánh, trái, còn tiền thì nhét đầy vào thùng phước điền. Người ta cúng thì nhiều, mà Nguyễn Thành Nam ngày chỉ độ một bữa bằng trái cây, bởi vậy bao nhiêu đồ cúng, bao nhiêu tiền bạc của khách thập phương, Nguyên Thỉ tự nhận hết. Ngôi chùa Nguyễn Thành Nam ngồi thiền bỗng trở nên giàu có, người ta xây dựng lại chùa to đẹp hơn.

Một buổi sáng, sư trụ trì đến quỳ trước Nguyễn Thành Nam, dâng lên tu sĩ bình bát vụ trước tất cả tăng ni, phật tử trong chùa. Từ hôm ấy tu sĩ Nguyễn Thành Nam đã thành Phật thật rồi!

Một lần quân Pháp tràn lên vùng tu sĩ tọa thiền, tiếng súng nổ vang, lửa cháy ngợp trời, xác người đầy đường, nhà cửa tan hoang. Tăng ni phật tử trong chùa Nguyên Thỉ cũng dáo dác chạy giặc. Nguyễn Thành Nam vẫn ngồi thiền dưới cột phướn, không biết gì đến súng đạn, sống chết. Pháp lùng sục khắp nơi không tìm ra người nào, bỗng chúng phát hiện có một người đang ngồi dưới cột cờ. Tên quan ba nhìn chằm chằm người đàn ông ngồi bất động, đoạn rút súng ngắn chĩa vào tu sĩ và quát bằng tiếng Pháp:

– Ngươi có phải là đạo sĩ Nhật Bản không?

Tu sĩ vẫn ngồi im không nhúc nhích. Tên quan ba nói to:

– Ngươi có phải là Việt Minh không ?

Tu sĩ vẫn ngồi im không trả lời. Tên quan ba lại gầm lên:

– Lần này người không trả lời ta sẽ bắn nát đầu.

Nguyễn Thành Nam đành lấy cây viết và cuốn sổ mà ông dành để bút đàm viết một đoạn dài bằng tiếng Pháp “Tôi là người Việt, một tu sĩ đang ngồi thiền. Tôi không phải là Việt Minh, tôi tu theo hạnh đầu đà nên tịnh khẩu, không thể trả lời các ông được”. Tên quan ba Pháp ngạc nhiên, ở nơi thâm sơn cùng cốc lại có người biết tiếng Pháp, viết đúng ngữ pháp, chữ viết rất đẹp. (Nam đã từng đi du học bên Pháp bảy năm trời, tốt nghiệp Cao đẳng hóa học Rouen). Đọc xong, tên quan ba dịu xuống:

– Tại sao ông không tháo chạy như mọi người mà lại ngồi đây làm gì ?

Nguyễn Thành Nam viết: “Bần đạo là người nhà Phật, bần đạo đã hiến mình cho Phật pháp, thì tại sao lại phải sợ chết ?”. Tên Pháp gật gù:

– Thôi được, ông cứ ngồi đó mà tu hành – Rồi hắn ra hiệu cho quân lính rút đi.

Có lần suýt nữa Nguyễn Thành Nam quên mất mình đã tịnh khẩu mà bật lên tiếng nói. Lần đó ông từ bỏ vùng Bảy Núi trở về ngồi thiền dưới hàng hiên rạp hát Viễn Tường, thành phố Mỹ Tho, vẫn tịnh khẩu, ngày ăn một bữa bằng trái cây, quanh năm không tắm gội, không nằm ngủ, ngồi thiền cho đến sáng. Tin Nguyễn Thành Nam trở về ngồi dưới rạp hát Viễn Tường bay về quê nhà. Ba anh em nhà tu sĩ thông tin cho nhau, bàn “Anh Hai đã về đến Mỹ Tho, thôi ta sang rước ảnh về.” Ông Ấn nói “Sao anh Hai về đến đó mà không về nhà?”. Ông Mỹ buồn: “Anh Hai điên dại, biết đường về đến đó là may rồi”. Bà Lộ Thị Nga mếu máo: “Tôi có chồng cũng như không…”.

Ba anh em sang Mỹ Tho gặp Nam đang ngồi thiền. Ông Nguyễn Ngọc Ấn nói:

– Anh Hai tu thì về quê nhà mà tu tại gia, sao ngồi ở đây chi cho khổ cực?

Nam lấy viết trả lời: “Các em về đi, anh là người của Phật rồi. Thôi cứ để cho anh tu ở đây”.

Bà Lộ Thị Nga òa khóc, nói với Nam:

– Anh ơi! Vì sao anh bỏ mẹ con em mà đi tu? Anh để cho em khốn khổ từ chục năm nay. Thằng Thái Sơn chết rồi anh có biết không?

Nam nhìn vợ, bàng hoàng, tâm trí thốt lên:

– Con chết rồi sao?

Không như người thường, lời nói phát ra cùng lúc với suy nghĩ; sau hơn 10 năm không nói nên bộ não phải cần thời gian xữ lý từ ý muốn “nói” đến cho ra “lời nói”; bởi vậy Nam có được tích tắc để nhớ ra mình đang tịnh khẩu và kìm lại được.

Còn bây giờ đã là năm thứ 14 Nam tịnh khẩu, lời nói đầu tiên sẽ là những lời tiên tri với người nắm vận mệnh quốc gia để cứu dân tộc Việt Nam đang chìm trong cảnh đau thương, giữa bom rơi lửa đạn.

*

Xúng xính trong long bào của vua Minh Mạng, Nguyễn Thành Nam giống như kép hát bội hơn là một ông vua vì ông nhỏ con, do ngủ khi ngồi nên bộ khung xương sệ xuống.Đoàn của Nam lên đến dinh tỉnh trưởng thì được lệnh bám theo chiếc xe jeep của quân đội dẫn đường chạy ra sân bay. Tại sân bay Kiến Hòa, chiếc máy bay trực thăng chở tổng thống Ngô Đình Diệm đang chuẩn bị cất cánh, cánh quạt quay tít thổi rạp những cành cây, bụi cỏ gần đó. Đoàn của Nguyễn Thành Nam và quân sĩ đứng thành hai hàng dài. Tỉnh trưởng Kiến Hòa đang cùng tổng thống, các sĩ quan tuỳ tùng từ xe hơi bước xuống. Lúc tổng thống đi ngang chỗ Nguyễn Thành Nam, tỉnh trưởng chỉ ông Đạo Dừa, khúm núm giới thiệu:

– Thưa cụ, đây là tu sĩ Nguyễn Thành Nam, dân Lục tỉnh gọi là ông đạo Dừa, có gần triệu tín đồ ở miền Tây, hôm nay cũng ra tiễn cụ ạ!

Ngô Đình Diệm thấy người mặc áo long bào như ông vua, vốn là quan thượng thư triều đình, tổng thống có cảm giác quen quen, đoạn bừng tỉnh, hỏi:

– Ông đạo Dừa đây hử? Tôi cũng có nghe danh – Quay sang viên sĩ quan tùy tùng, lệnh –  Đại úy chụp cho ta và ông đạo Dừa một pô ảnh.

Trong lúc chờ sỹ quan tùy tùng mở hộp máy, lấy khẩu độ, tỉnh trưởng tiếp lời:

– Thưa cụ, ông đạo Dừa đã 14 năm tham thiền nhập định, tịnh khẩu, hôm nay gặp tổng thống để nói điều hệ trọng.Trình cụ cho ông được khai khẩu.

Tổng thống gật đầu. Mặc dù đã nhập tâm từ lâu, nhưng lần đầu tiên được đứng trước vị tổng thống đệ nhất Cộng hòa, Nguyễn Thành Nam bị khớp, khó khăn lắm mới thốt nên lời:

– Bần đạo tham thiền nhập định nên biết được cơ trời, hôm nay xin được khai khẩu với tổng thống hai điều: Chiến tranh sắp xảy ra, bắt đầu từ mảnh đất dưới chân Tổng thống.

Ngô Đình Diệm giật mình vì đây là bí mật quân sự mà chỉ ông và tỉnh trưởng Kiến Hòa được biết. Đầu năm 1959 chưa có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chuyển hướng từ đấu tranh chính trị với sự hỗ trợ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh vũ trang với sự hỗ trợ của đấu tranh chính trị, đất nước hãy còn có vẻ hòa bình, nhưng tỉnh trưởng Kiến Hòa đã có tin tình báo: phe Việt Cộng đang cất giấu vũ khí chuẩn bị đấu tranh vũ trang. Cụ thể là quân của trung tá đã khui được mấy căn hầm cất giấu vũ khí, nên thỉnh cầu tổng thống về thưởng lãm và chỉ đạo ứng phó. Việc chính là báo công với thượng cấp, kết hợp cho ông Đạo Dừa được yết kiến tổng thống, hy vọng người đẹp sẽ khâm phục tài hoa của mình. Không ngờ ông đạo Dừa lại nói trúng tin tuyệt mật này. Từ tò mò, đến tin, tổng thống hỏi:

– Còn điều thứ hai là chi rứa?

Nguyễn Thành Nam thấy điều thứ nhất của mình gây được sự chú ý của tổng thống, ông mới chậm rãi nhấn mạnh từng tiếng:

– Thua dân thì còn, thắng dân thì mất.

*

Đó là đêm 1 tháng 10 năm 1963, chỉ còn cách đúng một tháng đến ngày đảo chánh lật đổ anh em Ngô Đình Diệm, Nguyễn Thành Nam đang ngồi tịnh trên bát quái đài bỗng thấy người nóng nảy, hình như trời nhắc nhở điều hệ trọng nên ông choàng tỉnh, rung chuông ầm ĩ làm náo loạn chùa Nam Quốc Phật. Các đệ tử đạo Dừa vội chạy đến quỳ dưới chân ông đợi lệnh. Từ trên cao, Nguyễn Thành Nam truyền:

Đệ tử đạo Dừa dạ ran.

Sáng hôm sau đoàn xe của Nguyễn Thành Nam vừa đến cổng dinh Gia Long tại đô thành Sài Gòn ; lập tức lính bảo vệ dinh chặn lại. Diệu Thúy nói với viên sỹ quan chỉ huy:

Chẳng biết viên sỹ quan gọi điện lên cấp trên báo cáo như thế nào mà chỉ ít phút sau đã thấy xe cảnh sát hụ còi ầm ĩ hùng hổ ào tới, quân sĩ với súng ống đầy người. Thầy trò Nguyễn Thành Nam bị tống lên xe bít bùng đưa về cảnh sát đô thành, giam ngay vào khám Chí Hòa. Nguyễn Thành Nam bị gọi lên hỏi cung mấy lần. Sau đó, chúng chuyển Nam vào nhà thương Chợ Quán, chuyên điều trị bệnh tâm thần. Diệu Thúy đau buồn bởi cô và các đệ tử bị tù đày cực khổ còn có thể chịu được, cậu Hai nằm trong nhà thương điên, sống với người tâm thần, không điên cũng sẽ thành điên. Chưa kể cậu Hai quen sống trên cao, hít thở không khí trong lành, uống nước dừa xiêm; giờ ở trong nhà thương chật chội, tù túng, mất vệ sinh, chịu sao thấu. Diệu Thúy nhớ đến trung tá Nguyễn Mạnh Hùng2.Trung tá là người hào hoa, không cần vàng bạc, chỉ cần làm vui lòng người đẹp, nên có thể tin tưởng được. Trăn trở mãi, cuối cùng DiệuThúy viết thư cho trung tá:“Thưa ngài trung tá tỉnh trưởng, cậu Hai tôi và các đệ tử của cậu lên Sai Gòn xin vào yến kiến tổng thống, nhưng bị cảnh sát đô thành bắt giam, còn cậu Hai thì bị đưa vào nhà thương Chợ Quán. Cúi đầu xin trung tá can thiệp, cứu giúp, Diệu Thúy xin đội ơn”. Khó khăn lắm Diệu Thúy mới gửi được thư ra ngoài cho ngài trung tá.

Nhận được thư, Nguyễn Mạnh Hùng ngồi suy nghĩ rất lung. Với địa vị tỉnh trưởng, trung tá khó có thể can thiệp với cảnh sát đô thành. Tính mãi, ngài chỉ còn nước báo cáo với Ngô Đình Diệm, dù sao Ngô tổng thống cũng đã có cảm tình với ông đạo Dừa. Ông ta lên dinh Gia Long cũng là để gặp tổng thống, thì dù gì cũng nên báo cáo tổng thống. Nghĩ vậy, Nguyễn Mạnh Hùng tức tốc lên Sài Gòn. Dĩ nhiên gặp tổng thống không thể là chuyện đạo Dừa, Trung tá báo cáo tổng thống những việc triển khai ấp chiến lược trên địa bàn, bắt đầu thu được kết quả, những chiếc lược, chiến thuật mà trung tá đã và đang thực hiện ở Kiến Hòa, cuối buổi làm viêc, trung tá làm bộ sực nhớ:

– Thưa cụ, ông đạo Dừa có gần triệu tín đồ đã đưa tiễn cụ ở sân bay Kiến Hòacó tài thu hút tín đồ, ổng đến đâu là dân theo đó. Con tính nhờ ông ấy thu hút dân vào ấp chiến lược..

Ngô đình Diệm gật đầu:

– Trung tá làm như rứa là tốt.

– Thưa cụ, gần tháng trước ổng đến cổng dinh Gia Long xin vào yến kiến cụ, xin góp phần vào việc gom dân vô ấp chiến lược. Ổng bị cảnh sát đô thành bắt giam rồi ạ.

Ngô Đình Diệm nổi nóng:

Rồi ông quay ra gọi sỹ quan tùy viên Đỗ Thọ:

– Mi gọi điện biểu cảnh sát đô thành thả ngay ông đạo Dừa.

Diệu Thúy và các đệ tử đạo Dừa bước ra khỏi ngục thất. Ánh nắng rực rỡ, đường phố xe cộ nhộn nhịp, sung sướng nào bằng cuộc sống tự do ! Bị tù gần tháng, cô tưởng đã mấy năm đăng đẵng.Ở tù mới thấy cuộc sống tự do ý nghĩa biết bao. Một bàn tay ấm áp đặt lên vai Diệu Thúy ; cô quay lại, trước mắt cô là trung tá tỉnh trưởng Kiến Hòa nhìn cô với ánh mắt âu yếm. Ước gì không phải là người nhà Phật, Cô sẽ nhào vào vòng tay trung tá, khóc ròng cho hết những oan ức trong lòng.

Diệu Thúy mắt ngấn lệ nhoẻn miệng cười cúi chào:

– Cảm ơn trung tá đã giúp đỡ.

Cô nghẹn ngào nói được có vậy rồi theo trung tá lên xe đến nhà thương Chợ Quán đón ông đạo Dừa.

*

Lời tiên tri của ông đạo Dừa, phải gần năm năm sau tổng thống Ngô Đình Diệm mới có thể kiểm nghiệm. Đó là buổi sáng thứ Bảy ngày 2 tháng 11 năm 1963, mới 5 giờ sáng, cánh cửa nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn đã mở rộng, lác đác có vài con chiên đến tham dự thánh lễ. Làn gió ban mai làm hàng trăm ngọn nến trong nhà thờ hụt hơi, nhấp nháy nghiêng ngửa, có lúc tưởng như sắp vụt tắt. Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu quỳ ở hàng ghế trên cùng. Ngô Đình Diệm hai tay để dưới cằm, cúi đầu thành tâm cầu nguyện dưới cây thánh giá trên cung thánh.Đầu tiên họ đọc kinh Lạy Cha và xét mình xưng tội… Sau buổi cầu kinh Ngô Đình Diệm thấy bình tâm hơn. Đêm qua, hai anh em Ngô Đình Diệm thức trắng trên gác hai nhà Mã Tuyên, tổng bang trưởng người Hoa ở Chợ Lớn.Hai ông liên tục gọi điện cho các tướng lĩnh trung thành đưa quân về  cứu giá. Nhu thì gọi lên cao nguyên cho tướng Nguyễn Khánh. Hai anh em sẽ cải trang thành dân thường trốn lên cao nguyên, rồi từ đó kêu gọi các tướng lĩnh trung thành đánh chiếm lại Sài Gòn. Nhưng tất cả mọi cuộc điện đàm, mọi sự trao đổi đều dẫn đến bế tắc. Sáng nay, khi đã cầu nguyện, xưng tội xong, Ngô Đình Diệm thấy lòng thanh thản hơn và ông nhớ đến một người, người này đại úy Đỗ Thọ tùy viên của tổng thống không biết bởi vì đích thân tổng thống đã cài cắm, người đó là tướng Huỳnh Văn Cao, tư lệnh Quân đoàn vùng IV chiến thuật, hết sức trung thành với gia đình họ Ngô. Ông mở cặp lôi ra cuốn sổ ghi số điện thoại của viên tướng tâm phúc, bất ngờ một tấm ảnh dắt ở cuốn sổ rơi ra. Ngô Đình Diệm cầm tấm ảnh lên nhìn, ông nhận ra đó là tấm ảnh viên sĩ quan tùy tùngchụp lúc ông gặp Nguyễn Thành Nam ở sân bay Kiến Hòa năm xưa. Tấm hình ông đạo Dừa mặc áo long bào. Ông lật phía sau tấm ảnh đọc lại mấy dòng chữ mà viên sỹ quan tùy tùng ghi lại lời ông đạo Dừa khai khẩu năm xưa:“Chiến tranh sắp xảy ra, bắt đầu từ mảnh đất dưới chân Tổng thống”! Lời tiên đoán của ông đạo Dừa quả không sai, sang năm 1960 chiến tranh đã nổ ra, mà nổ ra đầu tiên ngay trên đất Kiến Hòa, bắt đầu bằng phong trào Đồng Khởi. Sau đó là trận Tua Hai ở Tây Ninh, rồi lan ra cả miền Nam. Còn câu thứ hai: “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất”. Ồ thì ra câu thứ hai lại nói về chính bản thân mình. Cái điều đơn giản rứa tưởng như ai cũng biết, là nguyên thủ một quốc gia lẽ ra lại càng phải biết. Vậy mà chín năm qua ta đã làm gì? Chỉ riêng đám Phật tử ở Huế đòi bình đẳng tôn giáo, chú Cẩn xử lý không được, để lan vô tận Đô thành. Đã có Nhà sưtự thiêu để phản đối mà ta không tỉnh ngộ, vẫn tin vào báo cáo thuộc cấp: họ bị Cộng sản xúi giục đi biểu tình nên ta quyết thắng họ cho kỳ được, đến nỗi biết bao người bị tù đày, bao người chếtTa đã thắng nhân dân ư? Có lẽ ông đạo Dừa lại đúng. Ờ, mới đây ông đạo Dừa có lên dinh Gia Long đòi gặp ta để nói lời tiên tri, có lẽ ổng đoán được ngày tồi tệ hôm ni, rứa mà quân mình lại bắt nhốt người ta vào tù. Thôi, rứa là Chúa đã ra tay trừng phạt ta rồi. Nhét cuốn sổ và tấm hình vào cặp, Ngô Đình Diệm quay lại nói với Đỗ Thọ:

– Đại úy liên lạc với Hội đồng tướng lãnh cử đại diện đem xe rước tổng thống về Bộ Tổng tham mưu.

Đỗ Thọ nhìn tổng thống, Người vẫn bình thản, còn ông cố vấn mặt hốc hác, nóng nảy vì qua một đêm thức trắng trong căng thẳng. Viên sỹ quan rất ngạc nhiên tại sao tổng thống lại đầu hàng nhanh chóng đến vậy ? Anh đâu ngờ tướng Dương Văn Minh, chủ tịch Hội đồng Quân nhân đưa một chiếc xe thiết giáp M113 cùng hai chiếc xe GMC chở đầy lính vũ trang đến đón anh em Ngô Đình Diệm. Họ không kể gì đến địa vị của tổng thống và ông cố vấn, tống liền hai người vào xe thiết giáp, chạy về Bộ Tổng tham mưu. Đại úy Đỗ Thọ vội xách chiếc cặp của anh em Ngô Đình Diệm bỏ lại chạy ra xe đuổi theo xe chở tổng thống. Dọc đường anh tò mò mở cặp ra xem và ngạc nhiên không hề thấy có tiền vàng hay vật gì quý giá. Lúc 11giờ 15 phút, khi chiếc xe thiết giáp dừng chờ một đoàn xe lửa chạy qua, đại úy Nguyễn Văn Nhung được lệnh của thượng cấp đã nổ súng vào anh em Ngô Đình Diệm.

*

Lúc ấy ông đạo Dừa đang ngồi thiền trên Bát quái đài bỗng giật mình choàng tỉnh, rung chuông ầm ĩ. Các đệ tử đạo Dừa chạy đến quỳ dưới chân ôngnghe lời hệ trọng. Ông đạo Dừa tuyên bố:

– Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu vừa chết . Chấm dứt một chế độ độc tài, gia đình trị.

Diệu Thúy bỗng thấy đau nhói ở tim bởi cô biết rằng tỉnh trưởng Kiến Hòa là người trung thành với Ngô tổng thống thì cũng là đối tượng tiếp theo của Hội đồng Quân nhân cách mạng.

Sáng hôm sau, khi tin đảo chánh thành công lan truyền khắp xứ đạo, ông đạo Dừa triệu cô Diệu Thúy vào bàn bạc nhưng các đệ tử không tìm thấy cô. Một đệ tử báo với Nguyễn Thành Nam, có trông thấy một người lính đến đưa cho Diệu Thúy lá thơ. Ông Đạo Dừa ra lệnh cho đệ tử phóng ngay xe lên dinh tỉnh trưởng hỏi tin DiệuThúy. Đệ tử đi rồi về báo, tỉnh trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã bỏ nhiệm sở.

Sau này, trong xứ đạo lan truyền nhiều tin đồn:

Có người trông thấy xe tỉnh trưởng chuyển bánh lúc nửa đêm, chở theo một cô gái xinh đẹp chạy về hướng Sài Gòn.

Có người thấy trung tá Nguyễn Mạnh Hùng cùng Diệu Thúy lên một chiếc tàu biển trốn ra nước ngoài, họ trở nên giàu có và sống rất hạnh phúc.

Lại có người nói, năm ngày sau đảo chánh có thi thể một cô gái mặc bộ áo tràng, kiểu nhà Phật giạt vào cửa sông Tiền.

Chẳng biết thực hư thế nào.

N T.

Chú thích:  1,2, Tên nhân vật đã thay đổi.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2018