1. Kỳ phép, tôi có viết một bài giới thiệu tập thơ Cá vàng anh của thi sĩ Long Tre đăng trên tờ tạp chí văn nghệ quê nhà. Tôi làm việc này hoàn toàn do cảm xúc về những bài thơ viết về biển của nhà thơ Long Tre, trong đó có những câu thật ấn tượng: “Dẫu làm mặn đắng mưa rào / Biển không mặn thì ở đâu mặn mòi?”. Đặc biệt có một bài thơ không vần được lấy làm tựa đề cho cả tập Cá vàng anh, theo tôi, đó là bài thơ đỉnh trong đời thơ của thi sĩ Long Tre.

Đã vài lần được cùng nhà thơ Long Tre cho đi biển vào mùa cá vàng anh nhưng tôi phải bái phục những phát hiện ý tứ và chữ nghĩa về loài cá này của ông. Vùng tôi, mùa cá vàng anh là mùa thu, hay như cách dùng chữ nghĩa của nhà thơ Long Tre là mùa: Tiễn sen, đón cúc giao thoa bời bời.

Ở biển, cá vàng anh đi theo đàn hình vồng uốn lượn chập chờn và nổi nhiều lên mặt nước vào lúc rạng đông. Màu sáng lấp lánh từ những đuôi, những vây của cá vàng anh khi tụ đàn bắt gặp ánh lê minh đầu ngày trông hệt như những tấm lụa nõn bay vờn trong màn nước vàng tươi xao động.

Khi kéo lưới, các ngư phủ phải đều tay, nếu chỉ cần mếch một góc, cả đàn cá đông cả trăm con sẽ vụt qua chỗ mếch đó bay ra biển thành một vạt sáng loáng, biến mất tăm vào màu xanh mênh mông.

Vàng anh là loại cá cao cấp, béo đậm và có vị thơm sang trọng. Ở quê tôi người ta hấp cá với lá vung vang hoặc rán, hoặc kho lan lát với cà chua, với sả đều được những món ngon, bổ, và cực kỳ khoái khẩu…

2. Thay vì nhận nhuận bút, tôi bắn Binh sang Hộ thành mười lăm bản sách tặng người bạn văn chương đàn anh, nhân ông sang tuổi tám mốt. Tôi đoán món quà nhỏ này sẽ làm nhà thơ vui, vì thế, vừa ra khỏi cổng tạp chí, tôi bấm máy gọi: “Chào nhà thơ Long Tre , em Đô xin đến thăm  ông anh  trong ít phút nữa, được không ạ?”. Nhà thơ Long Tre hồ hởi trả lời: “Cảm ơn! Hân hạnh quá! Đến đi nhưng đừng đến nhà mà đến chỗ điều dưỡng nha!”. “ Vâng, em  đến đó càng gần!”.

Tôi tắt máy, phóng xe ào đi. Tại khu điều dưỡng, tìm mãi không thấy tên cúng cơm Trần Văn Tre và bút danh Long Tre của nhà thơ trong cuốn sổ trực ban. Ông giữ sổ đã luống tuổi thấy tôi quá sốt sắng bèn gợi ý: “Hay chú sang bên trung tâm Bảo trợ xã hội xem, may ra…”. Tôi khẽ lắc đầu, nói hơi xẵng: “Ông ấy là nhà thơ có hạng của tỉnh ta, sao lại có thể ở trại tế bần được?”. Ông trực ban liền chỉnh tôi: “Trông chú cũng có vẻ cán bộ lắm, sao lại gọi trung tâm Bảo trợ là trại tế bần; ngày trước mà chú phát ngôn kiểu đó là ăn đòn quan điểm đấy nhá!”. Tôi vội xin lỗi và rút nhanh để không bị cái vạ miệng mà người trực ban vừa phê phán.

Ra đường, tôi gọi cho nhà thơ Long Tre: “Em đã tìm hết cả hơi ở khu điều dưỡng mà không thấy “sếp”?”.

Nhà thơ Long Tre cười ầm lên: “Bên này cơ, bên đó là điều dưỡng, bên này là bảo trợ, người được bảo trợ oách hơn hay người được điều dưỡng oách hơn nào?”. “Trời ạ!”. Tôi thốt lên nhưng vội dừng vì có vài người  đứng gần đang hiếu kỳ nhìn về phía tôi.

3. Tại trung tâm Bảo trợ xã hội, tôi không mấy khó khăn khi tìm được nhà thơ Long Tre ở tầng trệt một tòa nhà ba tầng mới xây do nhờ được hai người “bảo trợ” hăng hái dẫn tôi tới tận phòng.

Về qui mô hạ tầng thì ông bạn nhà thơ của tôi đã đúng, trông oách hơn nhiều so với bên khu điều dưỡng, vì bên đó toàn nhà một tầng nhỏ nhắn dạng biệt thự, khuất lấp quanh những lùm cây, còn bên này là các dãy ba bốn tầng và tòa nào cũng có hành lang dài hun hút với hai lối cầu thang lên xuống.

Nhà thơ Long Tre ở trong một phòng khép kín dành cho ba người. Khi tôi đến, ông đang trưng các cuốn sách lên một cái giá mới, đóng bằng gỗ thông. Hai bạn đồng phòng thì một người gầy gò, tật nguyền, tay cứ lóng nga lóng ngóng giúp nhà thơ bày sách, còn một người dáng to béo thì nằm khóa đầu bằng hai tay, mặt quay vào tường thỉnh thoảng lại ngáy hộc lên và vô tư phát ra một quả trung tiện khắm lặm. Dường như thực trạng đó xaỷ ra thường xuyên nên hai người không hề quan tâm.

Tôi nói lời chúc mừng tập Cá vàng anh của nhà thơ Long Tre và trao  ông mười lăm bản tạp chí có bài viết giới thiệu. Ông cầm một cuốn tạp chí, giở xem rồi reo lên: “Đọc tinh, viết chắc, cảm ơn cậu đã cảm thấu bài thơ đinh Cá vàng anh trong tập, thanh-kiu, thanh-kiu ve- ri- mát, anh bạn trẻ!”.

Nói rồi, nhà thơ Long Tre ra hiệu cho “người giúp việc” bày tất cả mười lăm bản sách lên gía. “Người giúp việc”  tỏ vẻ rất thần tượng nhà thơ. Ông ta nói với tôi: “Ông khách trẻ ạ, từ hôm có bác Tre đến bảo trợ, anh em tôi cứ thấy sáng ra từng ngày…”. Nhà thơ Long Tre liền uốn nắn: “Nói cho đủ, cho đúng, nhà thơ Long Tre, chứ không phải đơn giản là bác Tre. Được bảo trợ chứ không phải đến bảo trợ!”. “Người giúp việc” rối rít xin lỗi và nhắc lại không thiếu một từ do nhà thơ Long Tre vừa hiệu đính. Nhà thơ gật gật đầu vẻ toại nguyện rồi ông sốt sắng giới thiệu với tôi lai lịch những ấn phẩm đã được bầy trên giá, đặc biệt, ông nói khá kỹ về bức ảnh ông được một yếu nhân của tỉnh thân thiện cười tươi bắt tay.

Có lẽ việc “triển lãm” của nhà thơ Long Tre quá hi hữu  nên chỉ một lúc sau thấy khá đông người chen nhau đứng chật ở cửa chính và bên cửa sổ, nhìn vào. Phần lớn họ là những người khuyết tật, ốm yếu, ngu ngơ… nhưng  thái độ thì tỏ ra rất vì nể dõi theo công việc nhà thơ đang làm. Rồi họ lấn chen dần dần vào bên trong.

“Người giúp việc” quát tháo đuổi họ ra nhưng nhà thơ Long Tre thì luôn hồ hởi: “Mời bà con vào cả đi, lưu ý trật tự và không sờ mó vào hiện vật, không lấy sách báo ra khỏi phòng!”. Tiếng vâng dạ ran lên và mọi người liền khép nép nhường nhau thứ tự vào hẳn trong phòng…

Nhà thơ Long Tre giao việc quản lý cho “người giúp việc” rồi kéo tôi ra ngoài, bảo, đi cà phê. Tôi thưa, tôi thích đi dạo trong khuôn viên của trung tâm Bảo trợ cho thoáng. Ông tiếp, ông có cái tâm bằng hữu, còn hưởng ứng hay không là tùy ý tôi. Dọc lối đi, ai gặp ông cũng khép nép kính cẩn như  gặp bề trên. Đúng là người nổi tiếng có khác.

Không cầm được tò mò, tôi hỏi ông: “Sao anh giai thi sĩ lại vào đây? Nhà cửa tuy oách nhưng tình cảnh, người ngợm có vẻ ảm đạm, thê lương quá!” . “Ảm đạm là thế nào? Thê lương là thế nào? Đã làm thằng viết lách thì cũng nên tắm mình với giới cần lao dưới đáy để trải nghiệm nhân tình thế thái chứ!”. Bỗng có một người ngớ ngẩn chân bị thọt từ sau bụi cây rậm xục ra đón đường, ngọng ngịu chìa tay xin tiền nhà thơ Long Tre. Ông cho người đó tờ mười ngàn. Người đó nhận tiền nhưng lầu bầu tức giận chê hẻo và văng ra một tiếng chửi bậy. Nhà thơ vẫn bình thản như chưa có gì xảy ra và thân mật ôm vai  tôi đi tiếp. Tôi bỗng thở dài.

Nhà thơ Lóng Tre chê: “Cậu mẫn cảm quá, nghề viết lách mà quá mẫn cảm là dễ bị cực đoan!”. Tôi nén để khỏi thở dài tiếp và hỏi: “Hẳn anh giai đã bị một cú sốc cực kỳ nào đấy, chứ chẳng phải vào đây để trải nghiệm nhân tình thế thái , đúng vậy không ạ?”. “Ạ, ạ cái gì mà nghe sáo sít cả nón thế? Sốc à? Ừ thì sốc, xem ra máu loãng và nước lã chả khác gì nhau!”. “Vâng! Điều này thì em đã linh cảm, anh giai có mắng em là thằng mẫn cảm cực đoan thì em cũng vâng lời!”. “Đô, cậu đã linh cảm rồi ư? Linh cảm cái cóc khô gì thế?”. Tôi không trả lời nhà thơ Long Tre mà nhớ lại cái lần, ông mời ba bạn thơ đồng niên ở quê cùng tôi đến tư gia xướng họa thi ca, khi phôn mời, ông nói rõ, xong việc bình thơ sẽ ăn cơm tại gia với  các món chuyên cá vàng anh đầu mùa.

Buổi xướng họa thi ca đang độ tiêu dao thì tôi nghe tiếng quát vợ của con trai ông từ trong bếp vọng ra: “Chưa nấu nướng gì à? Chẳng thương cũng phải giả vờ khúm núm chứ. Mẹ kiếp, cô mà làm ông già bẽ mặt, tôi đấm vỡ mồm ngay”. “Đấm đi! Đang cần vỡ mồm để không phải ra chào vào hỏi đây. Nhọc rũ hết ra rồi đây”. Nghe có tiếng động mạnh, nhà thơ Long Tre vội đi vào bếp, tay ông kéo cái cánh cửa phía sau lại. Rồi khi trở ra, ông nêu lí do, trời động, không mua được cá vàng anh và xởi lởi mời bọn tôi đi ăn bánh khoái thịt băm chiên, một thứ bánh ăn rất khoái khẩu như tên gọi của nó, bánh khoái…

Tôi còn đang mải miết với cuộc hồi cố cả màu xanh lẫn màu đen thì nhà thơ Long Tre vỗ vai tôi, bảo: “Cậu đúng là một nhà linh cảm học đích thực, càng ngày tớ càng thấm thía, ở đời cái sự bạc đều có khẩu khí như nhau và máu loãng cũng chẳng khác nước lã là mấy”. Rồi ông kể về ngọn nguồn cú sốc khiến ông phải đến nương nhờ cửa trung tâm Bảo trợ…

4. Nhà thơ Long Tre đã có một thời rất giàu, những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, ông từng là một giám đốc tư doanh, vác hơn bốn tỷ đồng vào Sài Gòn mua đất ở gần cổng chính sân bay Tân Sơn Nhất. Đất đẻ ra tiền, tiền bao thêm đất, đất lại đẻ thêm nhiều tiền nên ông dựng được nhà cao bốn lầu, có thang máy, có garage để được hai ô tô.

Vốn hiếu tâm và đa tình ông cưu mang một bà cơ nhỡ có nhan sắc đã quá tuổi sinh nở nhưng có hai cô con riêng đang tuổi đi học cuối phổ thông trung học, chỉ vì bà này rất yêu những bài thơ tình của ông được các thi hữu tung hô trong các buổi sinh hoạt thi ca ở câu lạc bộ văn chương mà bà thường đến dự thính. Ông lập công ty TNHH mới đứng tên giám đốc nhưng giao hết công việc điều hành cho bà.

Thời kỳ trăng mật đẹp như mơ kéo dài đến hai thập niên, các con gái, con rể  của bà gọi ông là ba; bà thân tình gọi ông bằng tiếng Sài Gòn, ba sắp nhỏ, anh Hai giám đốc; các cháu bà gọi ông là ngoại, ngoại Tre, ngoại Long Tre. Nhờ tình yêu của bà, năm nào, ông cũng có sách xuất bản, năm hanh thông thì ra đến bốn tập thơ in bìa cứng viền nhũ vàng giống như quyển luận án tiến sĩ.

Hai năm trước, ông bị một trận ốm, mười phần chắc chết. Lúc hai tay run rẩy bắt chuồn chuồn, ông khó khăn lắm mới đọc cho bà vợ hờ chép mấy ý chính bản điếu văn và nội dung di chúc về tài sản, hậu sự. Ông không có đủ sức để ký mà nhờ bà áp đầu ngón tay ông vào môi son của chính bà để điểm chỉ. Sau đó, ông rơi vào tình trạng sống thực vật đến mấy tháng.

Thế rồi, một lần đang trong cơn miên mê minh minh mang mang, ông nghe thoảng như tiếng một giọng thiếu nữ đồng quê đọc thơ bên cái đầm sen nhỏ cạnh một ngôi chùa cổ. Giọng thơ vang vọng lên ý tứ, người con gái vì quá yêu chàng trai đang xa nhà mà cuối thu rồi nàng vẫn ngồi bên khóm sen tàn năn nỉ sen hãy đừng lụi đi đóa cuối cùng. Nhờ ý tứ giọng thơ trong cơn mộng mị miên thẳm ấy mà ông bỗng tỉnh lại như một sự thần kỳ. Tỉnh lại trong sảng khoái, không bị miệng méo, tay khoèo lại rất thèm ăn, rồi ăn đến mức giả bữa, rồi khỏe hẳn ra, rồi bình phục như cũ như xưa.

Người thì lành nhưng của nả thì bay biến bằng hết như bị cướp ngửa. Vì trong lúc ông nhất sinh thập tử, bà vợ hờ và hai cô con gái riêng của bà đã hoán vị xong tài sản sang những tên chủ sở hữu khác, có bản công chứng di chúc của ông làm bằng cớ.

Nhà thơ Long Tre trở thành kẻ vô gia cư trong chính ngôi nhà mình. Nhìn bản mặt lũ đơn sai bạc bẽo, máu lãng tử giang hồ nổi lên, ông nhổ toẹt một bãi nước bọt vào mặt mụ vợ hờ đang giở giọng lí sự cùn có viện dẫn cả nội dung bản di chúc điểm chỉ bằng son môi của mụ ta rồi bó hết sách vở, đóng thùng; cho các tập thơ vào cặp như báu vật và dông thẳng về cố hương.

Họ hàng, anh em nội ngoại đón nhà thơ Long Tre còn hơn cả sự thịnh tình mà Tào Tháo đã hậu đãi QuanVân Trường sau khi Tháo hàng phục được viên mãnh tướng này ở trận Hạ Bì. Tháo  đãi Vân Trường ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, còn ông nhà thơ Long Tre, tuy tạm tá túc ở nhà ông trưởng họ Trần nhưng không ngày nào là không có đám mời của bạn bè, họ hàng nội ngoại, xóm giềng thân thiết để nghênh đón nhà thơ, nguyên giám đốc về làng làm người vạn đại với biểu tự Long Tre cư sĩ. Ông trưởng họ cứ áy náy chưa được  mời cơm ông em họ, nhà thơ lấy một lần. Bà con liền động viên, cơm không ăn gạo còn đó, việc nhà thơ chọn nghỉ lại ở nhà nội tổ là gia đình ông trưởng đã vinh hạnh lắm rồi.

Do thay đổi thời tiết chuyển mùa, không may nhà thơ bị một trận ho, người cháu họ, bác sĩ ở bệnh viện huyện vội báo cáo cấp trên của anh ta. Chánh phó giám đốc bệnh viện thay nhau đến thăm và mời ông nhập viện điều trị với chế độ dành cho thường vụ, thường trực huyện, nghĩa là có phòng bệnh, có phòng khách và có hộ lý lo công vụ lễ tân.

Một tuần ông ở bệnh viện huyện là sự kiện không nhỏ của địa phương, lãnh đạo các cơ quan đóng trên địa bàn đều đến thăm. Hoa nhiều đến nỗi bác sĩ chuyên môn phải sơ tán bớt đi để cho không khí trong phòng bệnh được lành thoáng. Sự kiện lớn nhất là có một trung niên tuổi cỡ trên dưới bốn mươi được họ hàng xác định là liên quan máu mủ cốt nhục của ông. Ông mừng lắm vời anh ta đến, anh ta trưng ra bức huyết thư của người mẹ yểu mệnh gửi ông trước lúc lìa trần. Ông ôm con trào nước mắt trong phụ tử tình thâm. Ông không khó khăn gì trong việc hồi cố cuộc tình màu hồng chốc lát, cái ngày, ông vừa đỗ hạng ưu đại học Bách khoa được về quê một tuần để đi tu nghiệp ba năm về công nghệ điện tử ở Đức. Hóa ra, thằng con trai đang trong tay ông lúc này là kết quả của phút giây huy hoàng ngày ấy. Nhiều người mừng cho cha con nhà thơ Long Tre  nhưng ông trưởng họ Trần kín đáo cảnh báo ông, nên đi thử ADN kẻo lâm vào cảnh quạ nhận nhầm phải con tu hú. Ông khoáng đạt nói: “Máu loãng vẫn hơn nước lã!”.

Khi nhà thơ Long Tre ra viện, người con rơi đón ông về ở cùng để thể hiện tiếp nghĩa trọng tình thâm phụ tử. Trước lúc Long Tre cư sĩ rời nhà ông trưởng họ, đại diện hội đồng họ tộc cho biết, sắp tới sẽ nâng cấp nhà thờ tổ, mỗi đinh trưởng trong họ phải góp một triệu công đức, đinh thứ – tám trăm. Ông đại diện chưa dứt lời, nhà thơ Long Tre nói luôn, ông là đinh thứ nhưng xin góp năm triệu. Tưởng nghe nhầm, ông đại diện hỏi lại: “Chú Tre góp năm triệu hay năm mươi triệu nhỉ?”. “Năm thôi, chứ lấy đâu ra năm mươi? Họ mạc thông cảm, cán bộ hưu trí vươn lên được thế là đã cố lắm rồi”. Những người họp nghe thần hết cả mặt ra…

5. Nhà thơ Long Tre có tin nhắn từ điện thoại di động. Ông mở xem và kêu lên thật phấn chấn: “Ôi chà chà, thơ Thu Đủ, thơ này mới thơ thứ thiệt, thơ đẳng cấp tâm linh chứ! Ui! Đô, cậu nghe này: Hai tay níu nhịp thu đi / Để người sen còn kịp về hái sen! Kịp, kịp, anh sẽ về kịp, về kịp!”.

Tội vội hỏi: “Thơ Thu Đủ nào đấy ạ?”. “Thu Đủ, người xưa trong mộng, gần đây làm thơ, ý tứ mới mẻ đột phá lắm!”. “Lại thêm một mối tình trong di cảo cất lên tiếng yêu?”. Thi sĩ Lóng Tre gật đầu lia lịa đáp: “Lên tiếng và mời gọi, nhà phê bình có thấy câu thơ tình nào vượt trội hơn câu: “Hai tay níu nhịp thu đi / Để người sen còn kịp về hái sen” chưa? Chưa, đúng không? Anh đã kịp nghĩ xong hai câu đủ ý tứ đối lại rồi, này nhé: Phải chăng em gọi cho anh đến / Để được bên nhau trong tiếng ru? Đô thấy chuẩn không”. Tôi đáp ngay rằng, hai câu thơ họa lại của ông đã cực ngon lành sát ý rồi nhưng giá được lục bát như của đối tác thì còn ngon lành hơn. Nhà thơ Long Tre cười: “Nếu lại lục bát cả cụm thì êm đềm phẳng lặng quá, có hai câu tự do nó sẽ phóng túng và mạnh mẽ hơn nhiều chứ: Phải chăng em gọi cho anh đến / Để được bên nhau trong tiếng ru? Hỏi mà không hỏi, hỏi mà không cần trả lời mới là sự bứt phá mãnh liệt của tình yêu. Đô chờ anh một phút, một phút để anh nhắn tin cho nàng khỏi mong”. Thi sĩ Long Tre nhắn tin một cách thành thạo. Ông gửi đi được chừng vài phút thì máy ông có tín hiệu tin nhắn phát ra. Thoạt nhìn máy, ông trẻ trung reo lên: “ Linh nghiệm chưa? Kiều , Kiều mới siêu chứ, Mai sau dù có bao giờ / Đốt lò hương ấy so tơ phím này! Đô ơi, anh phới đây!”. “ Đối tác ở đâu thế ạ?”. “Ngoại vi thành Biên Hòa, có trang trại, sống độc thân!”. “Anh giai chuyển hẳn vào đó hay chỉ phới để thỏa nguyện anh hùng gặp gỡ thuyền quyên liên tài xướng họa mua vui chốc lát?”. “ Chuyển hẳn để còn kịp ngày ngày được hái sen muộn chứ – nhà thơ Long Tre có vẻ tâm tư rồi chợt nhìn tôi, tin cậy nói – Đô này! Trước khi lên đường thiên lý, anh rất muốn xin Đô một tư vấn tâm phúc”. Tôi hỏi: “Tình cũ hay tình mới, tuổi tác và nghề nghiệp của đối tác thế nào ạ?”. “Đại để là cũng lục từ di cảo cả thôi, người làng một thuở, nàng là Lê Thị Đủ, bút danh Thu Đủ, bảy sáu tuổi, là cô giáo cấp 1 vào Nam lập nghiệp, hưu trí đã lâu,  có  một con gái nhưng theo chồng đi làm ăn ở nước ngoài. Tính tình nàng  đằm thắm, thủy chung như nhất, đặc biệt có rất có tâm hồn thi ca, bút lực khá, thi pháp tân kỳ. Anh tám mốt nàng bảy sáu hợp cung, hợp vận”. Tôi lắc đầu: “Nói thật là em thấy anh giai đang rất phiêu lưu đấy! Nói anh giai đừng giận”. “Vô tư đi! Nếu giận thì anh đã không hỏi cậu một lời tâm phúc, cứ phát biểu cho cạn nhẽ đi, đừng lăn tăn cấn bợn gì cả”. “ Vâng! Em thấy, hình như anh giai cũng không được dư dả gì lắm về tài chính?”. “ Ừ! Chỉ có cái sổ hưu năm triệu rưỡi mỗi tháng”. “Không bảo đảm, hồi trước anh giai hành phương Nam với bốn tỷ dắt lưng, tuổi tác mới U 50, nay anh giai đã U 80 rồi mà chỉ có mỗi cái sổ hưu hạng trên bình dân chút chút, đường thì xa thiên lý, vô trong đó chắc anh giai lâm vào tứ cố vô thân” .“Nhưng anh có tình yêu, chỉ cần tình yêu là đủ, tính anh quảng giao, vài lần đi đọc thơ có mà đầy tri kỷ tri âm”…

Nhà thơ Long Tre lại có tin nhắn. Ông không nhắn lại mà bấm gọi. Tôi lấy cớ đó làm hiệu bằng động tác tay, chào ông và rút.

Ba ngày sau, tôi nhận được một tin nhắn cực ngắn: “Anh phới rồi!”. Đoán là ông bạn nhà thơ đã hành phương Nam nên tôi nhắn lại: “Chúc nhà thơ may mắn – hạnh phúc – thành công!”. Ông hồi âm ngay bằng mấy từ, sắp xếp như cấu trúc thang bậc ý tứ của thơ Haicư: “Nắng tươi sen nở / Hồn thi nhân / Chao lay!”.

6. Do công việc lu bù của một dự án từ thiện phi lợi nhuận, tôi đã lãng quên  chuyện hành phương Nam của ông bạn già có máu lãng tử, đa tình. Một ngày đẹp trời, tôi tự thưởng cho mình vài khoảng khắc yên tĩnh tại một quán cà phê có tiếng bên hồ Tây lộng gió. Đang phiêu du quan sát làn gió nhẹ cứ ve vuốt đến đê mê tán liễu yếu đuối sà sát mặt nước hồ thì điện thoại di động của tôi có tin nhắn, nội dung: “Thất bại rồi, nước lã không phải là máu loãng. Lối cũ về thôi! – Long Tre.”. Tôi nhắn hỏi: “Về lối Bảo trợ hay cố hương ạ?”. “Cố hương chứ! Cố hương! Hẹn gặp”. “Vâng! Hẹn gặp! Em chúc nhà thơ an lành, thành công ở cố hương!”. “Oke, Đô!”.

Dù không về thăm nhà thơ Long Tre ở cố hương nhưng qua một số thông tin khả tín, tôi biết, sau khi đã chẳng cùng được bên nhau trong tiếng ru với bà Thu Đủ ở Biên Hòa, nhà thơ ngược Bắc. Ông chủ tịch xã là người trọng tài mời nhà thơ Long Tre về tá túc lâu dài tại nhà văn hóa xã, nơi có một phòng khép kín ở đầu hồi khá rộng rãi, vẫn thường dành làm chỗ nghỉ tạm cho khách cấp trên mỗi lần vi hành đến địa phương. Ông ưng thuận và đang bắt tay gây dựng một thư viện làm nòng cốt cho câu lạc bộ văn thơ và đọc sách của xã. Tôi gọi phôn mừng ông, ông bảo đang cố gắng, chưa biết kết quả sẽ thế nào nhưng thấy vui. Ông dặn thêm, từ nay chỉ nên gọi ông là Long Tre cư sĩ, đừng là nhà thơ với thi sĩ gì nữa.

7. Có lẽ ít nhiều đã bị lây cái máu ưa xê dịch của nhà thơ Long Tre nên nhân một chuyến công tác ở Sài Gòn, tôi vọt lên Biên Hòa, tìm đến bà Thu Đủ. Nhà bà khá rộng rãi và thoáng mát, khuôn viên toàn trồng thứ cây dâm bụt, đang mùa, hoa lá của loại cây này đều mơn mởn đến nuột nà. Ở tầng trệt có phòng khách trang nhã với một tủ sách xếp ngay ngắn, có bố cục thư mục khá tiện dụng.

Bà Thu Đủ dáng nhanh nhẹn và trẻ hơn độ tuổi của bà, nom chỉ chừng mới ngoài sáu mươi với vẻ mặt đôn hậu, đôi mắt sáng tin cậy. Bà thân mật tiếp tôi sau khi nghe tôi tự giới thiệu là bạn bè dạng đệ tử của nhà thơ Long Tre. Qua câu chuyện tôi thấy bà vẫn trân trọng nhà thơ, việc ông ngược Bắc, bà còn chưa hết buồn.

Bị sự tò mò thôi thúc, tôi bạo dạn hỏi bà, hai người thương nhau đến thế, tâm hồn đồng điệu đến thế, mong đợi gặp nhau đến thế mà sao lại chia tay nhau nhanh đến thế?

Vẫn trong tâm thế trân trọng, nuối tiếc bà Thu Đủ kể bằng thứ tiếng vùng tôi pha giọng Nam: “Biết hoàn cảnh của ảnh, tui chủ động mời ảnh vô. Tụi tôi hạnh phúc được hơn một tuần chi đó rồi ảnh đưa nhiều bạn về, bảo là dân văn chương đến xướng họa, nhưng mà chỉ thấy nhậu nhẹt là chính, có bữa thâu đêm rồi nằm la liệt như củi lụt. Tui lo cho sức khỏe của ảnh, năn nỉ ảnh nên tiết chế, vì tuổi tác đã cao, sợ bệnh cũ tái phát. Ảnh ậm ừ nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó. Tui mệt rã rời việc phục vụ đồ nhậu trà thuốc cho bạn bè ảnh nên phải thuê Osin giúp việc. Rồi thấy ảnh đưa một ông lạ hoắc về, bảo là bạn cố tri, ở lì cả tháng, ông nầy suốt ngày nhậu, nói năng vung mạng và có lần ổng sỉn, bổ vào phòng Osin định giở trò bậy bạ. Tui tức khí đuổi ông đó đi. Ảnh la lớn, bảo tui là là loại nước lã ba xu rồi đùng đùng bỏ về Bắc. Tui chạy theo, năn nỉ cách mấy ảnh cũng không dừng. Chuyện vậy đó, nói có trời, phật, tui đơn sai, tui thề không làm cái giống người thêm nửa khắc nữa!”.

Trông vẻ mặt đầy thiện nhân và lối nói năng nhỏ nhẹ ân oán rõ ràng của bà Thu Đủ, lại thấy ở tủ sách nhà bà các tập thơ của thi sĩ Long Tre được xếp ở vị trí trọng thị nhất tôi tin những điều bà đã nói.

Ra khỏi nhà bà Thu Đủ, tôi phôn cho Long Tre cư sĩ kể lại cuộc gặp. Ông thú nhận, ông đã sai, đang xa xót lắm. Vài lần ông đã định phôn xin lỗi nhưng cứ sợ, chẳng biết bà Thu Đủ có tha thứ cho không, sợ mua thêm cái thẹn. Tôi giục ông phôn ngay, chắc chắn bà Thu Đủ sẽ bỏ qua tất cả nhưng Long Tre cư sĩ liền thở dài bảo, bây giờ là tuổi tám mốt chứ không phải mười tám. Làm việc gì, kể cả một cú phôn cũng phải suy nghĩ, kẻo, nếu lại sai lầm thì chẳng còn cơ hội nào nữa. Tôi thưa: “Vâng! Tùy tâm thôi ạ!”.

Phía bên Long Tre dừng một lúc nhưng không tắt máy rồi nghe giọng nói của ông: “Đô ơi, ra, về chơi nhé, mùa cá vàng anh năm nay rộ lắm. Anh sẽ làm món cá hấp lá vung vang đãi cậu. Lúc sáng sớm ra biển chờ mua cá tươi, nẩy được bốn câu tứ tuyệt, đọc Đô nghe chơi, xem anh có còn làm thơ được nữa không!”. “Em đang nghe  ạ!”. “Ừ, anh đọc đây: Vẫn chuồn chuồn búng mặt ao / Vẫn cúc vàng với hanh hao nắng vàng /Sáng nay mấy lẻ sương giăng/ Áo em làm mới cũ càng nét thu!”. Nghe xong, tôi nói luôn: “Hay dở em chưa giám nói nhưng là thơ, thơ nguyên chất anh Long Tre ạ. Em chúc mừng nhà thơ Cá vàng anh!”.

Phía Long Tre cư sĩ chưa đáp lại nhưng cũng như lần trước, không tắt máy! Và tôi thì chờ!

Nguồn Văn nghệ số 39/2018

Tagged: