Nhân vật văn học là hình tượng con người được miêu tả cụ thể trong tác phẩm. Đối với các tác phẩm tự sự, nhân vật có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những đặc điểm, lựa chọn của nhân vật không những thể hiện khuynh hướng tư tưởng, đời sống nội tâm, cuộc đời, số phận của bản thân mà còn cho thấy cái nhìn, quan niệm, lập trường của tác giả, chủ thể. Mỗi nhân vật mang chức năng như một mã nghệ thuật, một mặt nạ ngôn ngữ, thể hiện chủ thể diễn ngôn văn học. Khảo sát bộ ba tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, có thể thấy hệ thống nhân vật trong tác phẩm thể hiện rất rõ các vai của một mã nghệ thuật.
1. Vai và sự phân tuyến nhân vật theo nguyên tắc nhị phân
Nhìn trên bình diện cấu trúc thể loại, tiểu thuyết lịch sử luôn bị chi phối bởi mã lịch sử, mã tiểu thuyết, yếu tố sự thật lịch sử và yếu tố hư cấu. Kéo theo đó, hệ thống nhân vật cũng được xây dựng, tổ chức phù hợp như một kết quả tất yếu của các mã đó. Theo cách nhìn truyền thống, hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử thường được phân thành hai tuyến: tuyến nhân vật lịch sử và tuyến nhân vật hư cấu. Hồ Quý Ly là cuốn tiểu thuyết có hệ thống nhân vật được phân tuyến rõ rệt nhất theo cách nhìn trên. Tác phẩm miêu tả những con người thật trong lịch sử như: vua Nghệ Tông, Dụ Tông, Phế Đế, Thuận Tông, Thiếu Đế, vua phường chèo Dương Nhật Lễ; những nhân vật được lưu danh sử sách: Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương, Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Trần Nguyên Đán, công chúa Huy Ninh, Chế Bồng Nga, Phạm Sư Ôn, Dương Thị, Nguyễn Đa Phương… Bên cạnh hệ thống nhân vật có thật, được ghi lại trong văn bản chính sử là những nhân vật do nhà văn hư cấu, tưởng tượng, sáng tạo nên: Sử Văn Hoa, Phạm Sinh, Thanh Mai, sư Vô Trụ…
Về cơ bản, cách nhìn nhận của Nguyễn Xuân Khánh về những nhân vật này thống nhất với góc nhìn trong văn bản chính sử. Tuyến nhân vật này gắn liền với những sự kiện, biến cố trọng đại của các giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Những sự kiện như hội thề Đồng Cổ, Chế Bồng Nga tiến vào Thăng Long, loạn Dương Nhật Lễ, vua Duệ Tông đi đánh quân Chiêm Thành, cải cách của Hồ Quý Ly, quân khởi loạn của Phạm Sư Ôn chiếm được cả một vùng Thăng Long, việc dời đô từ Thăng Long về Tây Đô… cứ dồn dập diễn ra trong sự tương tác với cuộc đời, số phận của những nhân vật lịch sử. Vì tôn trọng lịch sử nên nhà văn vẫn xây dựng hệ thống nhân vật này theo lối cổ điển với đầy đủ các chi tiết về nguồn gốc, xuất thân, những giai đoạn, điểm mốc lớn trong cuộc đời, những hoạt động gắn với điểm nút thời gian cụ thể trong cuộc đời họ.
Nhưng mặt khác, ở vai văn học, các nhân vật này được xây dựng theo khuynh hướng tiểu thuyết hóa, tạo ra sự khác biệt về bản chất loại hình so với nhân vật trong chính sử. Nhân vật chỉ diễn một vai duy nhất, vai lịch sử, chịu trách nhiệm với tất cả những hành động, tư tưởng của mình với cộng đồng, dân tộc và thời đại. Vì thế, các nhà viết sử lược bỏ tối đa các yếu tố miêu tả, biểu cảm, chỉ dùng ngôn ngữ kể, tạo ra một kiểu người kể chuyện khách quan, trung tính. Các chi tiết, sự việc liên quan đến nhân vật được lựa chọn kỹ lưỡng, cô đặc, hầu hết có liên quan, chi phối đến quan hệ của nhân vật với lịch sử, với vấn đề chung của đất nước. Trong khi đó, nhân vật trong tiểu thuyết lại được xây dựng bằng cả một hệ thống chi tiết phong phú, có cả những chi tiết hư cấu, sáng tạo thêm. Tác giả miêu tả cụ thể từng góc cạnh, từng mặt trong một con người. Tọa độ điểm nhìn về nhân vật cũng đa dạng, từ nhiều phía, nhiều cự ly khác nhau. Có cái nhìn ở khoảng cách xa – khoảng cách sử thi, ngưỡng vọng, có cái nhìn ở tầm gần, ở con người quen thuộc trong cuộc sống đời thường, với những suy nghĩ bình thường, có cả điểm nhìn của chính nhân vật tự giãi bày, tự thể hiện thế giới nội tâm… Nhân vật lịch sử không chỉ hiện lên với tư cách là người đại diện cho thời đại qua cái nhìn của chủ thể chép sử ghi công, kể tội mà là con người có tính cách, tâm hồn, số phận riêng, được nhìn bằng cái nhìn thế sự hóa.
Song song với tuyến nhân vật lịch sử là tuyến nhân vật hư cấu, nhân vật do nhà văn sáng tạo trong tác phẩm. Từ Hồ Quý Ly qua Mẫu thượng ngàn đến Đội gạo lên chùa, loại hình nhân vật này ngày càng đông đảo, chiếm ưu thế hơn nhân vật lịch sử. Mỗi nhân vật loại này đại diện cho một khuynh hướng tư tưởng, một quan điểm nào đó trong tương quan với quan điểm, khuynh hướng tư tưởng khác, tương đồng hoặc đối lập.
Sử Văn Hoa, sư Vô Trụ, Thanh Mai, Phạm Sinh trong Hồ Quý Ly là những nhân vật tiêu biểu cho kiểu vai này. Sử Văn Hoa suốt đời trung thành với quan điểm của mình, một người chép sử trung thực, khách quan, sống khẳng khái vì dân tộc, đất nước. Ông đề cao lịch sử, đề cao Phật giáo và ý nghĩa của những ngôi chùa làng, bởi chúng mang trong mình hồn nước. Ông bất chấp cả tính mạng để can gián Hồ Quý Ly không dời đô vì lý do đơn giản “cốt ở đức chứ không cốt ở nơi hiểm trở”. Nhà sư Vô Trụ, Phạm Sinh (Hồ Quý Ly) cùng một loạt các nhân vật khác trong Đội gạo lên chùa như: sư Vô Trần, Vô Úy, Khoan Độ, An thuận theo quan điểm sống “tùy duyên”. Vì thế, cuộc đời có đảo lộn, càn khôn có chuyển rời, xã hội có ô trọc và tàn bạo đến mấy họ vẫn an nhiên tu tâm, sống từ, bi, hỉ, xả. Các nhân vật nữ như: Thanh Mai trong Hồ Quý Ly; bà Tổ Cô, bà Mùi, thím Pháo, bà Ba Váy, Hoa, Nhụ… trong Mẫu thượng ngàn; bà vãi Thầm, Nguyệt, bà Nấm, Huệ, Rêu… trong Đội gạo lên chùa đều hướng đến hạnh phúc giản dị của cuộc sống gia đình bình yên.
2. Vai và các loại hình nhân vật tiểu thuyết
Rất nhiều nhân vật thể hiện rõ tình cảm, quan điểm, cái nhìn riêng của nhà văn, được đúc kết qua ngôn ngữ nhân vật. Các nhân vật này phá vỡ tính chất phân vai theo tuyến trong góc nhìn của nguyên tắc nhị phân lịch sử – hư cấu. Dù là nhân vật có trong chính sử hay hư cấu, khi vào vai con người tư tưởng sẽ mang một diện mạo khác, tiêu biểu cho một quan niệm, góc nhìn, cách diễn giải về lịch sử, xã hội, nhân sinh gắn với ý thức hệ, tư tưởng riêng.
Tiêu biểu phải kể đến các nhân vật: Sử Văn Hoa, sư Vô Trụ, Phạm Sinh (Hồ Quý Ly), Pieer, René, bà Mùi, Nhụ (Mẫu thượng ngàn), sư cụ Vô Úy, An, Đức (Đội gạo lên chùa). Tất cả những suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng của loại hình nhân vật này được đặt trong cùng một hệ quy chiếu, một tọa độ không gian và thời gian của trường nhìn, quy tụ về một trung tâm điểm là chủ thể sở đắc chân lý. Mỗi phát ngôn của họ đều mang một quan niệm, một cách đánh giá đối tượng từ một điểm nhìn, góc tiếp cận nào đó. Những lời nói như lời thoại dưới đây của nhân vật René trong Mẫu thượng ngàn rất phổ biến trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh: “ Tôi còn nhớ một câu nói của một nhà văn Đức: “Nul ne se Proméne impunément sous les palmes” (chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà lại không hề hấn gì). Phải chăng khi ra khỏi bóng hàng cọ, ta sẽ chẳng còn giống như xưa? Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ” (1). Còn lời thoại René đáp lại quan niệm của Pierre nói về ông Lềnh: “Ông Lềnh là người hoan nghênh những đứa con lai”(2) mang chiều sâu triết lý, là suy ngẫm của một con người qua bao quan sát, trải nghiệm đã rút ra bài học, quy luật của đời sống. Bản thân những lời thoại dạng này, tự nó đã mang tiếng nói của chủ thể, là một vai của chủ thể trong tác phẩm. Tuy nhiên, những nhân vật này không sơ cứng, giản đơn, giống như những cái loa phát ngôn cho tư tưởng, quan niệm, chuyển tải bài học. Họ hiện lên sống động như một con người thực có đời sống riêng, có tính cách, nội tâm phức tạp.
Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh, ngoài nhân vật tư tưởng còn có nhân vật của đời thường là những mảnh đời, số phận nhỏ bé, chìm lấp giữa lịch sử thời đại như một hạt cát bụi giữa sa mạc mênh mông. Những nhân vật này được xây dựng từ điểm nhìn ở tiêu cự gần, hiện lên như một người quen, mang những tình cảm, suy nghĩ, quan niệm phổ biến, tiêu biểu của một lớp người sống trong bối cảnh lịch sử đó. Họ là hiện thân của số phận, bi kịch của con người cá nhân trong lịch sử, tự mang trong mình một lịch sử đời. Đó là những câu chuyện đời của Thanh Mai, Phạm Sinh (Hồ Quý Ly), ông Hộ Hiếu, thím Pháo, Trịnh Huyền, Điều, bà Ba Váy (Mẫu Thượng Ngàn), Nguyệt, bà Nấm, Huệ, sư Khoan Độ, Rêu (Đội gạo lên chùa). Những câu chuyện này tạo nên tuyến truyện riêng, song hành, hòa phối cùng tuyến truyện của biến cố lịch sử khách quan. Điều này khiến cho cốt truyện của tiểu thuyết lịch sử không hẳn là những truyện kể lịch sử mà là những câu chuyện về phận người được kể trong bối cảnh lịch sử, thời đại.
3. Vai, chức và kết cấu tiểu thuyết lịch sử
Với Nguyễn Xuân Khánh, câu chuyện về vai của nhân vật không dừng lại ở vấn đề loại hình, quan trọng hơn là vấn đề kết cấu, việc tổ chức hệ thống nhân vật. Bản thân việc phân tuyến nhân vật đã liên quan mật thiết đến cấu trúc những câu chuyện kể, các tuyến truyện trong mạch cốt truyện của tác phẩm. Cùng với việc lựa chọn loại hình, cách thức tổ chức, tạo dựng mối quan hệ trong tổng thể hệ thống nhân vật của nhà văn đã tạo ra một kiểu cấu trúc nhân vật, cấu trúc truyện kể độc đáo, phù hợp với tính chất dụ ngôn lịch sử của tác phẩm.
Các nhân vật được nhà văn xây dựng với tư cách là những chủ thể lựa chọn. Những chủ thể lựa chọn này gắn với bức tranh thế giới được kết cấu thành hai mảng đối lập tương ứng với hai khuynh hướng lựa chọn: lối sống nhập thế, hành động (dương tính) với lối sống thuận theo lẽ “tùy duyên lạc đạo” (âm tính). Ở giữa sự đối lập này là sự lựa chọn trung gian của lối sống trung dung như để dung hòa hai đối cực trên. Mỗi sự lựa chọn ấy mặc nhiên mang trong mình một quan niệm sống, cách nhìn và lý tưởng riêng. Nhìn từ góc độ này, nhân vật dường như được ước lệ hóa, tượng trưng hóa, sơ giản hóa thành những mô hình tư tưởng mang bài học cho chủ thể, tạo mô hình cấu trúc truyện kể trong tác phẩm.
Cách tổ chức nhân vật được phân theo vai khiến mỗi nhân vật giữa một vai trò gắn với một chức năng trong việc tổ chức, xây dựng kết cấu tác phẩm. Theo tiêu chí này, chúng tôi nhận thấy hai kiểu nhân vật trong sáng tác của ông là nhân vật trong vai người kể chuyện và nhân vật trong vai đối tượng kể. Vai nhân vật, người kể chuyện được tổ chức linh hoạt qua hình tượng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Tuy nhiên, chỉ có hình thức người kể chuyện ở ngôi thứ nhất tự thuật về câu chuyện của đời mình trong câu chuyện lớn của làng xóm, đất nước mới là nhân vật kể chuyện đích thực. Còn nhân vật trong vai người kể chuyện ở ngôi thứ ba thực chất chỉ là đối tượng cho người kể chuyện ký thác, nương nhờ điểm nhìn để kể. Vì vậy, tuyến truyện kể của nhân vật được đan xen, kết hợp linh hoạt với tuyến truyện kể của người kể chuyện ngôi thứ ba tạo nên sự phong phú, biến hóa linh hoạt trong lối kể, khiến câu chuyện diễn biến tự nhiên. Trong vai người kể chuyện, các nhân vật vừa làm nhiệm vụ dẫn truyện lại vừa tham gia vào diễn biến cốt truyện với những sự kiện, những tình tiết cụ thể.
Cách phân vai cho nhân vật dẫn đến tình trạng nhập nhòe vai và nhân vật phải đảm trách nhiều vai. Đó là sự phân định không rõ ràng của vai dẫn truyện và vai đối tượng kể ở một số nhân vật như Hồ Quý Ly, Sử Văn Hoa (Hồ Quý Ly), Trịnh Huyền, Nhụ, Điều, bà Mùi (Mẫu thượng ngàn); sư Vô Úy, Khoan Độ (Đội gạo lên chùa). Những nhân vật này phần lớn mang vai người kể chuyện ngôi thứ ba mà thực chất chỉ là điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba. Còn trường hợp các nhân vật kể chuyện tự thuật ở ngôi thứ nhất là đang tự mình diễn hai vai: người kể và đối tượng của truyện kể – tự mình kể về mình, tự tôi nói về tôi. Do đó, không có nhân vật mang vai là đối tượng được kể hoàn toàn, bởi điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh luôn được di chuyển linh hoạt từ người kể chuyện ngôi thứ ba toàn tri, khách quan sang điểm nhìn của nhân vật. Việc phân vai này sẽ tạo ra sự kết hợp của hai hình thức biểu hiện chủ thể sở đắc chân lý: hình thức khách quan hóa từ cái nhìn ở tầm xa, từ bên ngoài kể lại như cái – tự – nó qua vai nhân vật – đối tượng được kể và hình thức tự thể hiện bằng cách nhập vai vào nhân vật mang chức năng người kể chuyện để tự biểu hiện theo cái nhìn hướng nội, theo tính chất chủ quan kiểu tôi – là – thế. Hệ quả tất yếu là người kể chuyện trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, dù ở ngôi nào, dù điểm nhìn có khác nhau đi nữa, cũng là người sở đắc chân lý và tính chất những câu chuyện kể, xét về bản chất vẫn là những câu chuyện độc thoại của một chủ thể trực tiếp thể hiện, nhập vai hoặc phân vai.
Điều đặc biệt trong cách phân vai nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh là việc tổ chức hệ thống nhân vật theo tầng lớp, bề bậc quy củ. Các hệ thống này được xếp theo dạng sự tiếp nối qua các thế hệ của cùng một quan niệm, hệ tư tưởng hoặc theo mối quan hệ huyết thống: thày – trò, tiền nhân – hậu bối, người mở đường – người kế tục, phát triển. Đó là lớp lớp những nhân vật lựa chọn và theo đến cùng lối tùy duyên: Vô Trụ – Thiên Nhiên – Phạm Sinh (Hồ Quý Ly), Vô Chấp – Vô Úy, Vô Trần – Khoan Độ – An (Đội gạo lên chùa). Những nhân vật một lòng thờ mẫu, hướng về mẫu trong Mẫu thượng ngàn cũng có sự kế thừa và nối tiếp từ bà Tổ Cô đến bà Mùi và sau là Nhụ. Hình thức cấu trúc nhân vật này tuân theo quy luật của thời gian qua các thế hệ với những chiêm nghiệm của họ. Nó thể hiện sự nối kết quá khứ, hiện tại, tương lai; thế hệ trước, thế hệ sau; người sáng lập, người gìn giữ, những truyền nhân; tiền nhân, hậu thế… Dù sống ở thời gian nào, thuộc thế hệ nào vẫn hướng về một hướng duy nhất là hệ tư tưởng, lẽ sống và quan niệm mà họ đã chọn, đã theo. Kết cấu tầng bậc của nhân vật mang theo kết cấu tầng bậc những câu chuyện kể về họ, thể hiện tầng tầng lớp lớp những bài học từ những câu chuyện kể mang tính chất dụ ngôn. Sự truyền đạt bài học ở đây diễn ra theo đúng vai bề bậc như trong dụ ngôn: ông thày rao giảng cho học trò những bài học về tư tưởng, lẽ sống ở đời, sẽ được tiếp nhận, chiêm nghiệm, nối tiếp liên tục theo dòng chảy thời gian.
Trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, nhân vật là một hình thức thể hiện của chủ thể, hình thức chủ thể phân vai, thể hiện lý tưởng, mang đến những bài học. Xét từ phương diện vai, hệ thống nhân vật thực chất là một mặt nạ ngôn ngữ, một mã truyện kể. Sự đan cài các loại hình nhân vật lịch sử với nhân vật hư cấu, cách nhìn nhận nhân vật như những chủ thể lựa chọn, việc cấu trúc nhân vật theo các vai, theo một hệ thống tầng lớp, thứ bậc, góp phần tạo nên hình thức kết cấu mạch truyện kể đa tuyến, tổ chức trần thuật từ nhiều điểm nhìn với sự di chuyển linh hoạt. Những câu chuyện kể, do đó cũng được hiện ra từ nhiều góc cạnh qua cái nhìn bên trong và bên ngoài, hướng nội và hướng ngoại. Dù câu chuyện có ở tuyến nào, nhìn theo điểm nào trong các vị trí khác nhau, là nhân vật nào đi nữa cũng sẽ được quy đồng về bài học cuối cùng, thường hay biểu lộ qua lời của nhân vật mang tư tưởng.
_____________
1, 2. Nguyễn Xuân Khánh, Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2012, tr.806.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018
Tác giả : NGÔ THANH HẢI