Tập thơ Huế, Đẹp Và Thơ là một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nam Trân được nhiều bạn đọc yêu thích. Thơ Nam Trân thường mỗi bài là một bức tranh nhỏ trong ấy thế nào cũng có ít điều nhận xét đặc sắc. Thỉnh thoảng người cũng ghép vào trong cảnh một ít tình. Nhưng đầu người có nói đến tình yêu, lời thơ vẫn mực thước, vẫn không mất vẻ thiên nhiên. Điều ấy thấy ngay ở bài đầu quyển “Huế, Đẹp và Thơ”: một mẩu cảnh xinh xinh, một chút tình phảng phất trong những vần nhịp nhàng và lặng lẽ như dòng Hương Thuỷ trong veo. Nào, bây giờ chúng ta hãy đến với những bài thơ xứ Huế hấp dẫn này nhé!
Đẹp và thơ (Cô gái Kim Luông)
(Kính tặng ông và bà Thiollier)
Kim Luông nhiều ả mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Vua Thành Thái
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo.
Thuyền qua đến bến; cô lui lại,
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo.
Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng.
Biết không? Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!
Sóng bạc tình
(Kính tặng ông và bà Phan Đình Chi)
Khách du vớt được mảnh giấy nhỏ
Bình bồng trên mặt nước Hương Giang;
Bức thư tuyệt tình; lòng ai oán,
Thiếu nữ vô danh khóc duyên tàn
Nửa năm về trước, một đêm thanh,
Sóng nước Hương Giang dợn sóng tình.
Câu chuyện nước non thừa gắn bó…
Trước thuyền trăng bạc rọi đầu xanh.
Thơ tàn một bức mong manh,
Nước chao nhưng nét mực xanh chưa loà.
Duyên xưa sao khéo đượm đà!
Mà nay tình lại phôi pha cõi lòng?
Ai gieo thơ xuống mặt sông?
Phó cho gió đẩy với giòng nước đưa?
Biết ai mà hỏi bây giờ?
Dải Trường Giang vẫn lờ đờ về Đông…
Nếu ta hiểu được giòng Hương thuỷ,
Tâm sự còn bao khúc não nùng!
Tọc mạch, trăng non mò đáy nước,
Mỉa mai dòm tận mặt tình chung.
Vườn cau Nam Phổ
Tặng Tạ Quang Bửu
Cô gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau
(Ca dao)
Trung thu: cô độc quả trăng tròn…
Chỉ có sân Trời vắng trẻ con.
Ánh lướt da cau phơi vẻ trắng:
Thoạt trông còn ngỡ chiếc đùi non.
Huế, ngày hè
(Tặng Hà Xuân Tế)
Lửa hạ bừng bừng cháy,
Làn ma trốt trốt bay.
Tiếng ve rè rè mãi
Đánh đổ giấc ngủ ngày.
Đường sá ít người đi,
Bụi cây lắm kẻ núp,
Xơ xác quán nước chè,
Ra vào người tấp nập.
Phe phẩy chiếc quạt tre,
Chú nài ngồi đầu voi
Thỉnh thoảng giơ tay bẻ
Năm ba chùm nhãn còi.
Huê phượng như giọt huyết,
Giỏ xuống phủ lề đường.
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương.
Huế, đêm hè
Trời nóng băm bốn độ.
Đèn, sao khắp đế đô,
Mặt trăng vàng, trỏn trẻn
Nấp sau nhánh phượng khô.
Ba dịp cầu Trường Tiền
Đứng dày người hóng mát;
Ngọn gió Thuận An lên,
Áo quần kêu sột sạt.
Đủng đỉnh chiếc thuyền nan
Qua, lại bến sông Hương…
Tiếng đờn chen tiếng hát,
Thánh thót điệu Nam Bường.
Hai tay xách hai vịm,
Một vài mụ le te,
Tiếng non rao lảnh lói:
Chốc chốc: “Ai ăn chè?”
Huế, mưa dầm
Tặng Nguyễn Lân
Đã quá nửa tháng rồi
Mà mưa, mưa chẳng dứt.
Lúng túng cảnh nhà pha,
Ai ai xem cũng bực.
Rải rác, chú phu xe
Co ro thân mèo ướt,
Lóng ngóng các ngã ba,
Lù xù như gà xước.
Con bạc họp tứ tung
Tha hồ xe, pháo, mã.
Rét mướt đánh càng hay:
Được tiền mua áo dạ.
Đạo đức các cụ ta
Giở chuyện cũ ra bàn.
Dưới nhà, cô nổi lửa:
Lốp – đốp nhả ngô rang.
Núi Ngự, sông Hương
(Thơ gửi cho một ông bạn Nam Kỳ)
Anh đã đến Huế rồi,
Anh đã biết Huế chưa?
Ví đã biết Huế rồi
Thì đã hiểu Huế chưa?
Hiểu rồi cũng ngỡ là chưa,
Mà chưa nào biết rằng chưa hay rồi.
Ra đi lòng những bồi hồi,
Biết chăng? Chẳng biết rằng rồi hay chưa.
Huế tôi, cảnh đẹp như mơ.
Đế đô là một bài thơ muôn vần.
Tay tiên dù nắn bút thần
Cũng đành bỏ lắm những phần thanh tao.
Ngự Bình như thấp, như cao,
Nhạt màu mây móc, đượm màu cỏ hoa.
Gió đờn, thông dịp, chim ca,
Hoạ vần thoang thoảng một vài khúc tiêu.
Hương Giang: cô gái mỹ miều,
Tấm thân bay bướm láy chìu nhởn nhơ,
Trời xuân rải bóng dương tà:
Dưới hoa óng ả một vài tiểu thơ.
Đêm thu trăng tỏ nước mờ,
Chiếc thuyền bé tí bên bờ cỏ hoen;
Điệu đờn vút tận cung tiên,
Ung dung tỏa nhẹ xuống miền nhân gian
Ru hồn một giấc mang mang
Êm như mặt nước mơ màng biếng trôi.
Anh tìm cảnh lịch đến chơi
Thì anh đã hiểu Huế rồi hay chưa?
Trước chùa Thiên Mụ
(Phỏng theo điệu bài “Đằng Vương các” của Vương Bột)
Êm êm dòng nước Hương Giang chảy,
Xúm xít thuyền con chỗ ba, bảy.
Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây
Như luồng khói nhẹ, lên, lên mãi.
Tháp cao dòm nước: vết meo trôi.
Đồi thấp sừng trăng dõi dõi soi.
Mờ ớ, xa xa gà gáy sáng…
Trong chùa cảnh cảnh tiếng chuông hồi.
Cánh cửa
(Tặng em Ngọc Lê)
Cánh cửa mở ra rồi khép lại,
Chờ anh mà chẳng thấy anh về.
Bóng em mờ, tỏ đi rồi đứng
Trước ngọn đèn chong. Trống điểm khuya.
Đi đâu? Đi mãi đến bây giờ?
Cảnh tượng đìu hiu dễ chán chưa!
Con trẻ nhác chơi còn ú-ớ,
Vú già mất ngủ vẫn: “ờ-ơ…”
Trăng lên xóa đốm sao mờ.
Sông Hương thuyền đậu còn chờ khách xuân;
Khách xuân lải rải xuống thuyền…
Gió êm ru tiếng độc huyền, não thay!
Đi đâu? Hay đến chốn này?
Riêng, chung với khách đêm, ngày điểm trang,
Chiếm lòng mượn những phố đàn
Bắt tâm hồn phải mơ màng, tê mê?
Cánh cửa mở ra rồi khép lại.
Chờ anh mà chẳng thấy anh về.
Bóng em mờ, tỏ đi rồi đứng
Trước ngọn đèn chong. Trống điểm khuya.
Mùa đông, cánh đồng An Cựu
(Tặng Đào Duy Anh)
Lá bàng
Như lá vàng
Rụng.
Ôi! đìu hiu
Cảnh chiều
Đông!
Ruộng ngập: mênh mông
Nước phẳng.
Cò bay, yên lặng,
Quanh đồng.
Thi tứ viễn vông:
Thần Tưởng tượng
Như đàn có đói lượn
Đồng không.
Khiêu vũ 1935
Tặng Nguyễn Xuân Nghị
Bốn cặp xôn xao nhảy,
(Một cô nũng nịu cười)
Trẻ, già đông như hội
Đến xem gái tân thời.
Quanh phòng chen đứng chật
Nào phu lít, phu xe.
Nào thầy thông, thầy phán,
Mụ bán đậu, bán chè.
Miệng nhai trầu bỏm bẻm,
Bà lão vỗ vai chồng:
“Này ông, sao họ thích
“Chơi ngón lạ thế ông?”
Bác đồ sành xỏ ngọt
Giảng: “Thọ, thọ bất thân
Nghĩa nôm là trai gái
Phải ăn chung ngồi gần”.
Dăm ba thằng mách qué
Dắt nhau ra sân ngoài,
Giang may mà nhảy nhót
Như nhưng cặp choi choi.
Trong phòng kèn máy rú.
Cô, cậu vẫn vin nhau
Tới, lui chẳng đúng dịp:
Khi chậm lại khi mau.
Dân ta, dân chủ cựu,
Thấy mới tất nhiên chê.
Xưa kia bao người nói:
“Hớt tóc để bợ Tây”.
Này phong trào Khiêu vũ
Lan rộng khắp nơi nơi.
Lắm ông khè khà phán:
“Ôi! Phong hoá suy đồi!”
Ngại ngùng khi bước chân ra
Trả lời Hán Thu
Bạn ơi! Chớ ngại đường xa,
Đường xa nhưng cũng có ta cùng mình.
Cám ơn bạn tặng bức hình
Với thơ một mảnh đượm tình chi lan.
Đồng thanh tương ứng,
Vì xa xôi nên luống những nhớ nhung.
Bước chân đi xin chớ ngại ngùng
Thì muôn dặm, nghìn trùng xem cũng ngắn.
Khách Hương. Thuỷ đá ai đó đắn,
Trời Thần kinh cười tớ hững hờ.
Vắng chi âm cạn sạch nguồn thơ.
Đờn Bá tử còn chờ Chung tri kỷ.
Chí quả quyết, trèo non là sự dễ.
Cứ vào đi! Đi! Cứ vào đi!
Thênh thênh đường cái…. lo gì?
Trên núi Ngự
(Tặng Thân Trọng Khôi)
I
Trên núi Ngự Bình
Bông sim đua nở,
Bông trang chen nở,
Một cô thiếu nữ
Ngồi hát một mình.
-Hỡi cô ngồi hát một mình,
Vì ai cô hát đưa tình, hỡi cô?
-Trên núi Ngự -Bình
Chim cười, gió hát.
Gió xui em hát,
Chim giục em cười.
Hỡi chàng công tử kia ơi!
Lòng em khao khát những lời ái ân.
II
Trên núi Ngự Bình
Gió chiều hiu hắt,
Nhạc thông díu dắt
Như khúc phong cầm
Cô em vừa tuổi cài trâm
Nẻo sim lững thững đi tìm xác hoa.
Ngây thơ đâu nữa mà vờ!
Giận khúc Nam ai
Tặng Trần Đằng
Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác.
Hãy đứng lên, Nhạc sỹ, với tôi, đi!
Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
Và tung mãi tâm hồn thừa truỵ lạc.
Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!
Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng
-Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân –
Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão.
Ôi nhạc sĩ, thật anh người thậm tệ:
Quan hoài chi những lối hát mê ly,
Những câu ca không Đẹp lại không Thi
Của kỹ nữ vọc cuộc đời ê chệ?
Hãy cung kính nhượng các ngài tuổi tác
Những bản đờn, dịp hát thiếu tinh thần.
Hãy ra nghe sóng vỗ, ngắm mây vần
Rồi sáng chế cho tôi vài điệu khác
Hồ Tịnh Tâm hay chuồn chuồn
Tặng Đào Đăng Vỹ
Trên mặt hồ thu
Chuồn chuồn đạp nước.
Con sau, con trước
Vẽ bức hồi văn.
Lững chững Chị Hằng
Sắp rơi xuống nước.
Lướt mặt hồ thu,
Chuồn chuồn đạp nước,
Bay xuôi, bay ngược,
Dệt bức hồi văn
Quyết đỡ Chị Hằng
Khỏi rơi xuống nước.
Nhưng Chị Hằng trên điện Quảng Hàn
Thong dong dạo gót lối mây ngàn,
Hững hờ nào biết chuồn chuồn đã
Vì Chị cho nên nhọc cánh vàng.
Tiếng chuông Diệu Đế
Tặng Phạm Phú Dõng
“Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
(Trương Kế)
Theo trăng bóng vạc về rừng,
Sương thu phủ kín mấy từng thành xưa.
Bến sông thuyền ngủ lưa thưa,
Tiếng chuông Diệu Đế gió đưa lại gần.
Khoá xuân
Tặng các bạn đồng sự toà Khâm sứ Huế
Trời không lạnh. Trăng không mờ.
Lòng em lạnh vì ngây thơ.
Không khí ái tình em chửa tắm
Em nhìn vũ trụ vẫn tiêu sơ.
Biết đâu chú Cuội mỉa mai
Rằng: “Người chừng ấy còn cài khoá xuân!”
Chàng Ngưu trên bãi sông Ngân
Cười rằng: “Chừng ấy, khoá xuân còn cài!”
Tuổi em tính đã hăm hai
Thân em. Chiếc bách dặm khơi bập bềnh.
Tim ta như sợi đời tranh
Trời sinh ra để đồng thanh với trời,
Với mây, với nước, với đời.
Những người phận hẩm là người ta yêu.
Nam Trân là một ngòi bút xuất sắc của làng thơ Việt Nam. Ông chuyên viết thơ phong cảnh về xứ Huế nơi ông đã có những tháng năm gắn bó. Ý thơ nhẹ nhàng, điệu thơ uyển chuyển. Ta nên để ý bài thơ này sáu câu trên thất ngôn mà bốn câu dưới lục bát. Thất ngôn tả vẻ thản nhiên của người đẹp, lục bát tả chút xao động trong lòng người thơ. một cảnh hai tình, nên thơ cũng một bài hai điệu.