Cùng với các di tích nổi tiếng tại ngôi làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), chùa Mía đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách tham quan. Với lịch sử lâu đời cùng đường nét kiến trúc độc đáo, chùa Mía không chỉ là một điểm sáng về văn hóa tâm linh mà còn là một nốt nhấn đặc biệt về nghệ thuật ở nơi xứ Đoài mây trắng. Trong sương sớm, khi tiếng chuông chùa ngân vang, dường như mọi suy tư được đánh thức và mỗi người như đang có một cuộc hành hương trong tâm cảm của chính mình.

Chùa Mía (tên chữ: Sùng Nghiêm tự) là một ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc truyền (1), nằm ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Có tên gọi như vậy bởi địa bàn mà ngôi cổ tự tọa lạc trước đây tên là Cam Giá, tên nôm là Mía. Chùa Mía nằm trên đỉnh quả đồi đá ong nhỏ, bằng phẳng (rộng chừng 1ha, hướng nam), nằm ngay đầu làng cổ Đường Lâm. Phía trước chùa là chợ Mía (còn gọi là chợ Chùa hay chợ Tam Bảo) và đền thờ vọng Bố Cái đại vương.

Về tới chợ Tam Bảo, trong không gian đậm nét của làng quê Việt, bất cứ du khách hay phật tử nào cũng có cảm giác hoài cổ khi ngước mắt lên ngắm nhìn ngôi cổ tự. Chiêm ngưỡng vẻ cổ kính, thâm nghiêm của tam quan chùa Mía dưới tán cây đa cổ thụ 400 tuổi, có lẽ bất cứ ai cũng có cảm giác bình yên đến lạ lùng. Trong khung cảnh làng quê êm đềm, chùa Mía ấn tượng mà giản dị ngay từ cái nhìn đầu tiên của du khách.

Chùa Mía được người dân trong ngoài vùng biết đến bởi sự tôn nghiêm, cổ kính. Đến nay, người Đường Lâm vẫn truyền tai nhau những câu chuyện đậm nét huyền bí về ngôi cổ tự này. Họ tin rằng, mọi lời cầu nguyện tại đây đều được linh ứng. Theo các bậc cao niên ở đây, năm 1945, khi đê sông Hồng bị vỡ khiến cả vùng Sơn Tây ngập trong biển nước nhưng thật kỳ lạ, nước lũ đã không thể xâm phạm đến khu vực chùa Mía và cuộc sống của dân làng cũng không bị xáo trộn. Người xứ Đoài cho rằng, thần linh chùa Mía đã che chở cho họ thoát khỏi sự tàn phá của thủy thần.

Đã tồn tại những quan điểm trái chiều về lịch sử hình thành của Sùng Nghiêm tự. Theo một số nhà nghiên cứu, chùa được khánh thành đầu TK XVII, vào năm Đức Long thứ tư (Nhâm Thân, 1632). Tuy nhiên, căn cứ vào các dấu tích trong chùa, đa phần các học giả cho rằng, dấu tích xưa của chùa là một ngôi miếu nhỏ được xây dựng vào thời Trần. Nội dung văn bia cổ còn lưu giữ tại chùa cho biết, tam bảo trước chùa được dựng năm 1621 (2). Sau, ngôi miếu cổ được bà Nguyễn Thị Ngọc Rệu (3) huy động dân làng cùng nhau tôn tạo lại vào năm 1632, miếu được xây lại thành chùa lớn như hiện nay.

Theo thời gian, chùa Mía đã được tu bổ nhiều lần. Năm 1750, tòa tiền đường mới (7 gian 2 đốc) được dựng thêm. Công trình này nằm ở phía trước tiền đường cũ. Năm 1843, dân làng bổ sung thêm gác chuông, đồng thời chuyển nhà thờ tổ (từ phía sau) ra bên phải chùa như hiện nay. Các năm 1853, 1916, 1928, 1963, ngôi cổ tự được sửa chữa và làm thêm thượng điện, tả – hữu hành lang và một số kiến trúc khác. Đến năm 1993, nhà thượng điện được tu bổ, tôn tạo hoàn toàn và xây thêm bảo tháp cửu phẩm liên hoa. Mặc dù tu bổ nhiều lần, song đến nay, quy mô tôn tạo ngôi chùa từ TK XVII dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Trên mặt bằng tổng thể kiến trúc chùa Mía, những công trình chính được bố cục theo kiểu nội công ngoại quốc (4). Trong kiến trúc ngôi chùa Việt, tam quan là cổng chính vào chùa với ba lối đi, cửa giữa lớn hơn hai cửa bên. Vách cổng được xây dựng bằng các vật liệu khác nhau, như gỗ, gạch hoặc đá; hai bên cổng có khắc câu đối, phía trên cổng lợp mái và nơi trán cửa có ghi tên của công trình kiến trúc. Tam quan chùa Mía cũng không ngoại lệ. Phần kiến trúc này có sự kết hợp gác chuông nên được thiết kế hai tầng, tạo thành hình chữ nhị. Mỗi tầng gồm ba gian với chiều dài ngang nhau. Tầng một gồm bốn hàng cột và có hai mái với hai đầu hồi bít đốc, được mở trực kiến vào chính điện. Tầng này bao gồm cửa đi (cửa ra vào, có cánh, kiểu thượng song hạ bản) và cửa sổ. Tầng hai là gác chuông, được kiến trúc với bốn hàng cột và có bốn mái, bốn đao. Mặc dù tầng hai được bao kín cả bốn phía nhưng không gian kiến trúc vẫn thông thoáng bởi các bậc thợ lành nghề xưa đã sử dụng các song tiện gỗ làm vách bao che. Bốn góc đao dựng ở mái tam quan đã tạo cảm giác mái nhẹ và bay.

Bước qua tam quan, du khách bước dọc theo lối vào chùa sẽ đến cổng trong. Phần kiến trúc này được xây theo kiểu tường hoa chắn mái. Phần nối giữa hai trụ cột có trang trí cuốn thư, ở giữa có đắp nổi ba chữ 崇嚴寺 (Sùng Nghiêm tự). Cánh cổng thấp nên nhiều du khách đến viếng chùa, không để ý dễ bị va đầu. Các bậc tiền nhân xưa ở Cam Giá thiết kế như vậy với dụng ý để khách bước vào chùa sẽ phải cúi đầu kính cẩn, bắt đầu hành trình tự soi rọi lấy phật tâm của chính mình.

Rảo bước tiếp dưới những tán cây xanh, du khách sẽ được đặt chân lên khoảng sân rộng. Nổi bật giữa sân là hòn non bộ được xây trên nền cao bảy bậc và án ngữ phía trước tiền đường. Cây cảnh và hòn non bộ ở sân trong đã tạo nên không gian trầm mặc và thanh tịnh cho ngôi cổ tự. Sát đó là cây đa đã 400 năm tuổi. Đứng bên cạnh kiến trúc tôn giáo, cây đa xanh tốt dường như tôn vinh ngôi cổ tự. Những tán lá xum xuê của nó vươn dài ra khiến các phật tử hành hương về đây cảm nhận họ đang được đức Phật bao bọc, chở che. Từ xa nhìn lại, bóng dáng sừng sững của cây đa sân chùa như một biểu tượng đánh dấu miền đất Phật mà chúng sinh đang hướng tâm về. Trong không gian mát mẻ, thoáng đãng, chùa Mía thêm trầm mặc, cổ kính và linh thiêng.

Bảo tháp cửu phẩm liên hoa là một ấn tượng lưu dấu đối với mỗi du khách khi về thăm chùa Mía. Công trình này đối đỉnh với cây đa cổ thụ và gần gác chuông. Từ xa, du khách đã có thể thấy thấp thoáng bóng tòa tháp lẩn khuất lẫn trong những tán cây. Với mong muốn được gìn giữ, phát triển nét văn hóa của làng quê, người dân địa phương đã quyết định xây dựng thêm công trình này vào cuối những năm 90 TK XX.

Bảo tháp cao 13m, thờ vọng xá lợi đức Phật (5). Đây là ngọn tháp bút trấn giữ cho mạch âm của làng quê được an lành. Bảo tháp được thiết kế hình bát giác, phía trong có cầu thang xoáy dùng để đi lên đỉnh tháp. Ở mỗi góc của hình bát giác là phần chân trụ của công trình được bố trí mái đao cong theo lối kiến trúc cổ. Mỗi góc hình bát giác ở 9 tầng tháp phía trên đều được các nghệ nhân chạm trổ hình các con rồng uốn lượn rất tinh xảo.

Trong mỗi ô cửa ở 9 tầng phía trên của bảo tháp này đều hiển thị bông hoa sen. Từ bao đời, trong tâm thức của cư dân nông nghiệp châu Á, hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiến, thần bí và tư tưởng sâu kín. Hình tượng hoa sen ở bảo tháp chùa Mía hướng du khách thăm chùa liên tưởng đến nội dung diệu pháp của đạo Phật. Trong các tác phẩm tạo hình Phật giáo và cả những người được Phật độ về cõi Tây phương cực lạc đều được hiển thị ngồi trên tòa sen (6).

Bước chân vào chùa Mía, trước khi vào chính điện, khách hành hương dừng lại ở tiền đường. Tại đây, họ chỉnh đốn y phục và soạn lễ. Nhà tiền đường có bố cục mở, thông với bái đường. Với 32 cột (kiến trúc kiểu 4 hàng cột), mặt bằng của tiền đường rất thoáng đãng với 7 gian, 2 chái. 7 gian có chiều ngang khác nhau, gian giữa rộng nhất, 3,4m. Kẻ ngồi, bẩy hiên (7) của chùa được chạm khắc hình hoa lá đơn giản. Khoảng không gian được mở rộng từ tòa tiền đường trở vào với bình diện kiểu nội công – ngoại quốc. Nơi đây được xếp đặt một số lượng tượng phật lớn.

Tòa bái đường được xây song song với tiền đường theo hình chữ nhị. Giữa hai dãy nhà này có một khoảng trống để ánh sáng tự nhiên lọt xuống và phản chiếu sang các bức tượng ở hai bên và trên phật điện. Những tia sáng từ khoảng giếng trời này làm bừng lên sức sống cho ngôi cổ tự nhưng không hề làm mất đi vẻ tôn kính của nó. Đồng thời, khoảng trống này đã vô tình tạo nên sự tách biệt giữa khu vực dành cho người ngồi làm lễ và khu vực gian thờ. Ánh nắng mặt trời phản chiếu qua đường diềm mái ngói ở hai bên xuống nền gạch, tạo nên một khung cảnh tuyệt vời cho những người mang tâm hồn nghệ sĩ thỏa sức với những sáng tạo mới của mình. Tòa bái đường chùa Mía dài 7,3m. Hệ thống 32 cột và được kết cấu thành 4 hàng đã ngăn công trình này thành bảy gian và hai đốc. Bái đường nối với nhà thiêu hương và hậu cung giật cấp, tạo chiều cao và chiều sâu thâm nghiêm.

Nhà thiêu hương (còn gọi là ống muống) chùa Mía được chia thành ba gian với kiến trúc bốn hàng cột. Phần kiến trúc này được thiết kế là cầu nối giữa bái đường với thượng điện. Thượng điện (hay hậu điện) được cấu trúc thành ba gian với đầu hồi bít đốc. Gian giữa của thượng điện nối liền với nhà thiêu hương, hai gian đầu hồi tạo ra tả – hữu hậu cung. Đi từ nhà thiêu hương lên thượng điện phải bước qua 5 bậc và cao hơn 1m.

Tòa hậu đường có chiều dài tương đương với tiền đường và bái đường, được chia thành 5 gian và 2 chái. Kết cấu vì kèo ở hậu đường mang phong cách kiến trúc TK XVI. Tại phần kiến trúc này có những chiếc cột gỗ mít to, có cột đường kính tới 0,76m. Tuy không hài hòa với các thành phần kiến trúc liên quan, nhưng điều này càng khẳng định sự cổ kính của công trình.

Tả – hữu hành lang gồm 7 gian được thiết kế theo dạng nhà cầu, đầu hồi bít đốc. Theo một số nhà nghiên cứu, các chùa cổ thời nhà Lê về trước thường được xây dựng theo kiểu kiến trúc này. Khoảng giữa bái đường và hậu đường được nối bởi hành lang ngoài. Nơi đây dùng để đặt tượng 18 vị la hán (gọi là thập bát hán) và ban thờ đức chúa ông, đức thánh hiền tại gian cuối của mỗi hành lang. Do được sắp xếp theo hình chữ mục, nên các ban thờ được nối tiếp nhau và những người đi lễ sẽ không quay lưng vào bất cứ ban thờ nào.

Đáng chú ý con số 7 trong kiến trúc chùa Mía: mặt bằng ở tòa tiền đường, bái đường và tả – hữu hành lang đều là 7 gian. Số gian của bái đường tùy thuộc vào quy mô của chùa, nhỏ nhất là 3 gian, thông thường là 5 gian. Vậy kiến trúc 7 gian là sự ngẫu nhiên của tiền nhân hay một dụng ý nào đó? Đến nay, qua khảo cứu các tài liệu về chùa Mía, chúng tôi vẫn chưa thấy có văn bản nào đề cập đến chủ đề này. Tuy nhiên, con số 7 được nhắc đến trong kinh Phật Thuyết đại bát nê hoàn như sau: “Lúc mới ra đời, đức Phật đã đi 7 bước trên 7 đóa sen vàng. Ý nghĩa số 7 trong Phật giáo: 7 bước về phía đông biểu thị bậc đứng đầu dẫn đạo chúng sinh; 7 bước về phía nam là thị hiện vì chúng sanh làm phước điền vô thượng; 7 bước về phía tây là biểu thị hiện thân sau cùng vĩnh viễn đoạn tận cái khổ sinh lão bệnh tử; 7 bước về phía bắc là thị hiện đã hóa độ các loài hữu tình sinh tử…” (8). Đó là truyền thuyết Phật giáo và điều này có ảnh hưởng đến thiết kế 7 gian của kiến trúc chùa Mía hay không, đây có lẽ sẽ vẫn còn là câu hỏi cho các nhà nghiên cứu văn hóa.

Nổi tiếng là nơi thâm nghiêm và thanh tịnh, Sùng Nghiêm tự còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa kiến trúc của ngôi chùa Việt. Nét đẹp của ngôi cổ tự làng Đường Lâm đã thu hút nhiều nghệ sĩ đến đây để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật của mình. Từ năm 1993, chùa Mía đã được Bộ VHTT, nay là Bộ VHTTDL, xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

_______________

1. Phật giáo Bắc truyền (Bắc tông) hay còn gọi là phái Đại thừa (sa.mahāyāna), xuất hiện trong TK I trước CN. Với mục đích giác ngộ cho đông đảo quần chúng lao động nên giáo pháp của Đại thừa rất đa dạng. Bồ Tát (sa.bodhisattva) là hình tượng tiêu biểu của phái Đại thừa và kinh văn Đại thừa đầu tiên là Bát nhã bát thiên tụng. Nguồn: Damien Keown, A Dictionary of Buddhism (Từ điển Phật giáo), Oxford University Press, England, 2003, p.38.

2. Đặng Bằng, Lê Liêm, Di sản văn hóa Đường Lâm, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009, tr.29.

3. Nguyễn Thị Ngọc Rệu (còn có tên khác là Ngọc Dao, Ngọc Dong hay Liệu, Giao, Leo, Reo… ), người làng Nam Nguyễn (Nam An), nay thuộc thôn Đông Sàng, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Bà được dân làng gọi là bà chúa Mía. Bà Ngọc Rệu là người tài sắc vẹn toàn, có tài văn thơ và là cung phi được chúa Trịnh Tráng sủng ái nhất. Theo Đặng Bằng, Lê Liêm, sđd và Lạc Việt, Chùa Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2009, tr.139.

4. Kiến trúc chùa kiểu nội công ngoại quốc bao gồm có nhà tiền đường (ở phía trước) được nối liền với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ, nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa và đã viên tịch, hay nhà tăng, nơi ở của các nhà sư, ở phía sau) bởi hai hành lang dài. Nhà thiêu hương, thượng điện và các công trình kiến trúc khác được bao quanh bởi một khung hình chữ nhật. Các công trình kiến trúc chính đã định dạng bố cục của chùa: phía ngoài chùa có khung bao quanh như chữ khẩu (口) hay chữ quốc (國), còn phía trong chùa có kết cấu hình chữ công (工). Bên cạnh đó, chùa còn có các kiến trúc khác, như bảo tháp, tam quan, gác chuông; ở nhiều ngôi chùa, tam quan được thiết kế gồm tầng và tầng hai là gác chuông. Nguồn: Lạc Việt, sđd.

5. Lạc Việt, sđd, tr.140.

6. Shakti M. Gupta, Plant Myths and Traditions in India (Huyền thoại và truyền thuyết về cây trồng ở Ấn Độ), Brill Publishers, Leiden, Netherlands, 1971, p.65-67.

7. Kẻ ngồi là các dầm đơn, gác từ cột cái sang cột quân. Bẩy hiên (còn gọi là bẩy hay bẩy hậu), là dầm nằm trong khung liên kết vào cột quân phía sau nhà, đỡ phần mái vẩy phía sau. Thông thường trong kiến trúc đình, chùa, bốn mặt xung quanh đều có hiên thoáng, không có cột hiên, nên thường dùng bẩy hiên. Nguồn: Nguyễn Bá Lăng, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.102 – 105.

8. Thiên Hương, Ý nghĩa số 7 trong Phật giáo và số 7 kỳ diệu, diendan.lyso.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : BÙI THỊ ÁNH VÂN