NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC LĨNH NAM 1

Từ đường Trần gia (1) nằm tại số 7, đường Trung Sơn, Quảng Châu (Trung Quốc) là một quần thể kiến trúc cổ được bảo tồn tốt nhất của vùng Quảng Đông. Từ đường được xây dựng năm 1888, niên hiệu Quang Tự 14, hoàn thành năm 1894, thuộc vào cuối triều đại nhà Thanh. Đây là nhà thờ tộc, do dòng họ Trần ở 72 huyện của tỉnh Quảng Đông đóng góp xây dựng. Với kỹ thuật trang trí tinh xảo, ngôi từ đường được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Lĩnh Nam, một trong mười điểm du lịch hàng đầu tại Quảng Châu và là điểm tham quan nghệ thuật đặc biệt nhất của khu vực Lĩnh Nam.

Năm 1988, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã cử một đơn vị bảo vệ văn vật trọng điểm quốc gia để bảo vệ từ đường này. Từ đường Trần gia được trùng tu năm 1958, sau đó trở thành Bảo tàng Công nghệ dân gian Quảng Đông. Năm 1994, nơi này được đổi tên thành Bảo tàng Nghệ thuật dân gian Quảng Đông.

Kiến trúc, điêu khắc và trang trí của Từ đường Trần gia đã được nhiều chuyên gia xây dựng và kiến trúc, học giả trong và ngoài Trung Quốc chú ý nghiên cứu từ những năm 20 TKXX. Chủ đề thiết kế của ngôi từ đường này là sự kết hợp thông minh của không gian, thời gian khác nhau, chứa đựng nhiều biểu tượng tượng trưng hay các ký tự mang ý nghĩa mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, thể hiện những lý tưởng và khát vọng cho một cuộc sống tốt hơn. Đây là một nỗ lực trong kết hợp giữa thủ công và trí tuệ Lĩnh Nam.

Kết cấu bố cục

Từ đường có hướng tọa Bắc triều Nam (2), là tổ hợp kiến trúc rộng lớn với 6 sân vườn, 9 đại sảnh, 10 tòa nhà và hành lang dài, sân phía đông rộng hơn 17.000m2, như một quảng trường. Cấu trúc tổng thể được bố trí chặt chẽ, hư thực đan xen, phòng ốc cao rộng, sân vườn rộng rãi, mát mẻ. Kiến trúc này được gọi là kiến trúc tứ hợp viện (3), làm bằng gỗ, sử dụng tất cả họa tiết vốn có trong văn hóa đa dạng của phương nam. Cách bài trí khá phức tạp, kết hợp hình thể với màu sắc là một đặc điểm của văn hóa miền Nam Trung Hoa, thể hiện trên các kiến trúc tổng hợp, nhất là trên mái ngói và đỉnh nhà.

Nhà cao, sân rộng, vì kèo điêu khắc tinh tế, giữa nhà có tấm bình phong lớn chắn ngang, là tác phẩm điêu khắc gỗ, cầu kỳ. Sống ngói gốm trên đỉnh mái nhà dài 27m, cao 4,2m. Thềm đá trắng lộ thiên, lan can đá chạm hoa văn cây cỏ bằng thiếc. Chiều rộng của nhà là 27m, chiều sâu 16,7m, mỗi chiều đều được chia thành 5 gian. Người xưa dùng đôn gỗ nâng xà, lắp đòn ngang (bố trí đấu củng) (4). 21 khung trên 6 trụ, lối ra dãy hành lang sau, thuộc khung gỗ của gian nhà liên thông. Ba gian chính Hậu kim trụ có 12 bức vách được điêu khắc cả hai mặt, dùng làm cửa chắn, hai bên có chụp hoa. Trước nhà có chiếc bàn tròn (nguyệt đài), lan can khắc đá và trụ (vọng) ngưỡng thiên, đều có ý nghĩa trang trí. Tấm lan can chạm hoa thông (một loại hoa cỏ) bằng thiếc, màu sắc tương phản rõ rệt, đẹp đẽ, làm nổi bật vị trí trung tâm, thu hút hiền tài của tòa nhà. Từ giữa tỏa ra hai bên đông tây rộng 3 gian, sâu 5 gian. Người thợ dùng đôn (kèo) gỗ nâng xà (đà ngang), lắp thêm đòn ngang, 21 khung, 6 trụ kết nối bờ tường (đầu hồi) với xà dọc, đi ra dãy hành lang sau. Gian chính giữa Hậu kim trụ có bức vách chạm khắc đủ hai mặt, gian kế tiếp Hậu kim trụ và phía trước, phía sau nhà còn được làm thêm bức vách hoa thông. Ba gian lớn phía sau là nơi đặt bài vị tổ tiên họ Trần và cúng bái dòng tộc.

Phong cách trang trí kiến trúc

Từ đường được xây dựng và trang trí công phu, hoành tráng, lộng lẫy. Các kiến trúc và trang trí như điêu khắc gỗ, điêu khắc đá, chạm gạch, tượng đất sét, tượng gốm, thiếc đúc… đủ loại, đủ kiểu, bố trí khắp nơi, từ trong ra ngoài của mái hiên, phòng lớn, sân trong, hành lang… Ở đây, không những có nhiều tác phẩm trang trí có kích thước lớn mà còn có những tác phẩm nhỏ và tinh tế, phong cách trang trí thanh nhã hoặc thô ráp, phóng khoáng, hoặc tinh tế khéo léo. Từng tác phẩm đều mang một vẻ đẹp đặc sắc. Đặc biệt là xương ngói lưu ly được tạo tác tinh tế. Các điển tích cổ có nội dung rộng lớn, hay cảnh vật của địa phương rực rỡ muôn màu, được thể hiện trên mái ngói với phong cách độc đáo. Gian trước từ đường có 6 bức phúc họa khắc trên gạch kiểu cuốn tròn cỡ lớn; mỗi bức phù điêu trên gạch này có chiều dài 4m, chạm trổ trên gạch men xanh theo từng mảng rất đẹp, sau đó liên tiếp ghép thành một thể thống nhất, hình khối nổi rõ khỏe mạnh, trên bề mặt bức họa có nhiều lớp lang, tạo không gian sống động và biểu đạt được nội dung của những điển tích dân gian, núi sông hoa viên, hoa quả chim muông, chuông đỉnh di minh…

Nghệ thuật tượng gốm tập trung trên mái ngói của 19 gian nhà lớn, dùng điêu khắc gạch ở phía đông, đối diện phía tây có bức tường ngoài với quy mô rộng lớn. Tượng gốm trên mái ngói của hành lang là tác phẩm điêu khắc thạch cao do nghệ nhân Nam Hải chế tác. Ngoài bình phong, khung xà và cửa lớn của Tụ hiền đường đều được chạm khắc bằng gỗ, sau điện thờ có 11 đôi ghế được chạm khắc một kiểu thống nhất với các họa tiết trùng trùng điệp điệp, kiểu dáng đồ sộ, có khắc ghi Quang Tự năm thứ 16.

Một loạt chủng loại điêu khắc trang trí trong xây dựng, chủ yếu thuê một số lượng lớn các nhà thầu xây dựng, các thợ thủ công của Quảng Châu thực hiện. Căn cứ vào tư liệu hiện có, các nghệ nhân tham gia điêu khắc gạch có Hoàng Nam Sơn của Phiên Ngung, Dương Giám Đình, Lê Bích Trúc, Trần Triệu Nam của huyện Nam Hải, Lương Trừng, Lương Tiến Đẳng. Trong đó, hầu hết do Hoàng Nam Sơn thể hiện. Kiểu khắc cũng rất tinh vi khéo léo, tay nghề tuyệt vời.

Điêu khắc gỗ

Từ đường có rất nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ, quy mô lớn, nội dung phong phú. Trên khung xà ở đầu cửa ngoài có tác phẩm điêu khắc gỗ Chúc thọ Vương Mẫu, Kết nghĩa vườn đào,… Các tác phẩm điêu khắc đều được dựa trên những điển tích, tiểu thuyết lịch sử và văn hóa dân gian. Trong đó nổi bật là các trích đoạn trong Tam quốc diễn nghĩa, như Tào Tháo tổ chức đại yến ở đài Đồng Tước, miêu tả Tào Tháo ngồi trên đài Đồng Tước quan sát các tướng lĩnh đấu võ và Tào Hưu là người đầu tiên lên ngựa bắn cung cướp áo bào trong cuộc đua; toàn bộ bức chạm không phân tán mà biểu đạt một cảnh tượng sống động trong bố cục chặt chẽ.

Có thể nói, chạm khắc gỗ là nét độc đáo riêng trong nội thất của Từ đường Trần gia, đây là một loại hình thủ công mỹ nghệ truyền thống vùng Lĩnh Nam. Những phù điêu chạm lộng và chạm khắc gợi khối là hai loại thủ pháp, kỹ thuật chủ yếu, toàn bộ các cấu kiện trên dưới của công trình hầu như đều thể hiện tài nghệ điêu khắc, dày đặc các sự kiện lịch sử, các điển tích dân gian và biểu tượng, khó mà đếm nổi. Đồ dùng và trang trí nội thất như bình phong, khám thờ, khung xà, đà, đôn, đấu củng, phào, bình phong, hương án… đều phủ dày các chạm khắc trang trí.

Kiểu dáng phong cảnh của điêu khắc nhẹ nhàng, nghệ thuật điêu khắc tỉ mỉ, không thể không khen ngợi tài nghệ cao siêu và tay nghề kỹ thuật của nghệ nhân. Ngoài ra, mỗi chỗ ngồi trong phòng lớn, trên các khung xà đến hành lang, cửa võng ở mỗi gian đều được chạm khắc nhiều loại trái cây, đồ án hoa văn, nhân vật, động vật, tất cả đều phản ánh và thể hiện phong cách, bản chất nghệ thuật chạm khắc Quảng Đông.

Điêu khắc đá

Nói về chất liệu đá ở đây, tất cả chủ yếu đều là đá granite, được sử dụng để làm trụ cột, kê xà, thềm cửa, lan can, chân tường, bậc thềm và ở nhiều khu vực khác.

Một góc trang trí tinh xảo Từ đường Trân gia
Một góc trang trí tinh xảo Từ đường Trân gia 

Điêu khắc đá cũng là một cách trang trí điển hình của Từ đường Trần gia, chạm nổi hài hòa, phù điêu có hình khối nổi cao, dùng nhiều phương pháp khắc, rạch để làm đa dạng các loài chim và hoa. Ở đây, hoa quả là một chủ đề nổi bật với đa dạng hình thức và chủng loại. Người thợ thể hiện hình thức liên tục của hoa văn trang trí là dùng liên tục các mẫu chạm khắc có nhiều tổ hợp đường nét, hình khối uyển chuyển sống động. Hai bên mặt là các hoa văn bằng sắt khảm vào lan can, khiến lan can có màu trắng xám trang nhã, phản chiếu xuống dưới, gợi lên sắc thái sâu lắng.

Trong các điêu khắc trang trí bằng đá khác như xà, giá, cột, chân tường, mái hiên lan can xuống tới bậc thềm, tất cả có đủ các đặc điểm đặc sắc của đặc sản địa phương. Còn một cặp sư tử đá trước cửa lớn được thợ đá sử dụng với đường nét chạm khắc mượt mà, ngắn gọn, súc tích, xếp thành hình dáng sống động, thần thái ôn hòa, mặt mày tươi tắn, nhân từ, chào đón mọi người. Đây được xem là những đặc điểm cơ bản của hình dạng con sư tử ở Quảng Đông.

Điêu khắc gạch

Điêu khắc gạch Quảng Đông dùng vật liệu theo kỹ thuật và phương pháp đều giống như phương bắc hoặc khu vực Giang Nam. Trước khi nghệ nhân bắt đầu tiến hành, họ đều chọn lựa trục, khối, mảng miếng để căn cứ, chọn kích thước bức vẽ theo trình tự nhiều ít, to nhỏ rồi sắp xếp các lớp gạch lại với nhau theo thứ tự và tiến hành khắc các bộ phận hoa văn giống nhau. Cuối cùng, lấy từng miếng một lắp ghép lên tường và hình thành bức phù điêu nhiều lớp lang sống động. Các kỹ thuật chạm trổ thường theo xu hướng khắc nổi thành phù điêu, khối hình nhẹ nhõm, kết hợp với kỹ thuật chạm lộng, trong đó đặc biệt kỹ thuật tạo khối nhô cao, rảnh sâu nhịp nhàng mềm mại, đường nét hợp quy cách mà vừa trôi chảy tự do, mềm mại như lụa.

Mặt tiền, đầu thềm, dưới hiên… đều dùng các phù điêu trang trí bằng gạch. Trong đó Lương Sơn tụ nghĩaLưu Khánh phục Lang Mã là hai bức điêu khắc bằng gạch cao 1,75m, rộng 3,6m. Bốn bức còn lại Bách điểu đồ, Ngũ luân kim đồ, Ngô đồng hạnh liễu phượng hoàng đồ, Tùng tước đồ, đều có khắc thơ ở cả hai bên trái phải. Đây là một trong những công trình điêu khắc cổ bằng gạch có quy mô lớn nhất hiện nay còn giữ được ở Quảng Đông.

Điêu khắc gạch ở Từ đường Trần gia phong phú, đa dạng và sống động, làm nên một phong cách Quảng Đông, đồng thời là đại diện của nghệ thuật điêu khắc gạch Lĩnh Nam thời nhà Thanh.

Tượng vôi

Tượng vôi là một loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong trang trí kiến trúc và xây dựng truyền thống thuộc vùng châu thổ sông Châu Giang. Các nghệ nhân dân gian lấy vôi làm nguyên liệu chính, thêm rơm lên men, cỏ hoặc giấy bản rồi nhào đi nhào lại nhiều lần, chế thành cốt. Thông thường, đầu tiên, người ta sử dụng cỏ và vôi làm cốt rồi đắp nặn thành hình, sau đó đắp giấy bản mịn lên bề mặt tượng đã nặn, đợi khô đến một mức độ nhất định rồi đem sơn màu sắc theo ý thích, nội dung đề tài lên tượng.

Tùy theo quy tắc xây dựng mà tượng vôi được sử dụng mở rộng theo quy cách trong phạm vi kiến trúc. Đây là nghệ thuật trang trí chính của kiến trúc dân gian Quảng Đông, bởi vì vôi cần được sản xuất tại hiện trường và phải thuận tiện để nghệ nhân thực hiện được nhanh và tốt nhất, như vậy mới phát huy được đầy đủ các kỹ năng của họ. Về màu sắc phủ bên ngoài tượng vôi rất phong phú như: đỏ, xanh lá cây, vàng, xanh nước biển… tất cả được hiện diện với đầy đủ các tính năng và đề tài của nghệ thuật dân gian.

Ở Từ đường Trần gia, tượng vôi chủ yếu được gắn trên các mái, đỉnh mái, đầu hồi, mái trên của hành lang, nóc hiên nhà và hành lang đông tây nhà học nối liền bởi khoảng sân, dài chừng 1.800m. Đề tài của tượng gốm và tượng vôi gần giống nhau, chủ yếu là nhân vật, hoa điểu, đình đài lầu các, cảnh đẹp sơn thủy… Tất cả những gì đặc sắc nhất của vùng Lĩnh Nam đều được thể hiện đủ qua tượng vôi trên nóc từ đường này.

Tượng gốm

Tượng gốm ở đây có ngũ sắc rực rỡ, muôn màu tuyệt đẹp, làm cho người xem nhìn hoài không chán mắt. Để làm tượng gốm, thoạt tiên người thợ dùng đất sét làm điêu khắc, sau đó nung khô. Đây là thủ pháp trang trí thời Nguyên Tự – Minh Mạt – Thanh Sơ, phát triển mạnh mẽ trong những năm cuối thời nhà Thanh, chủ yếu phổ biến ở vùng Lĩnh Nam, phản ánh phong cách kiến trúc, xây dựng dân gian phong phú của Quảng Đông.

Nóc chính của từ đường sử dụng tổng cộng 11 đoạn tượng gốm Phật Sơn. Đầu tiên là 5 đoạn và tô điểm riêng cho nóc Tụ hiền đường vào thời Quang Tự năm 17 (1891). 11 đoạn trang trí trong Tụ hiền đường có quy mô tương đối lớn, kích thước dài đến 27m, cao 2,9m, nhiều chỗ gắn tượng vôi xám có tổng chiều cao lên đến 4,26m. Toàn bộ nóc có 224 tác phẩm điêu khắc nhân vật với đa dạng đề tài như bát tiên chúc thọ, gia quan tiến chức… Các tác phẩm trang trí trên toàn bộ nóc mái như một sân khấu lớn. Sườn mái được trang trí bằng các chủ đề khác như rồng – phượng, hoa – chim, thú vật may mắn, sơn thủy cùng các điển tích lịch sử và các nhóm tượng nhân vật…

Phải nói thêm là từ khoảng giữa triều đại nhà Thanh trở về sau, các thư viện được xây dựng nhiều ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Thư viện thời đó có hai mục đích: vừa phục vụ việc học tập của cộng đồng nói chung, của con em trong gia tộc nói riêng vừa là từ đường để thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy, quy mô từ đường thường rất lớn, trang trí lộng lẫy, là đại diện tương đối nguyên vẹn của kiến trúc, điêu khắc và trang trí dân gian triều đại nhà Thanh ở Quảng Đông. Từ đường Trần gia là kiến trúc từ đường gia tộc lớn nhất của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Chính vì thế, ngôi từ đường này như là tấm danh thiếp danh tiếng của văn hóa Lĩnh Nam.

(tổng hợp và dịch từ weibo.com và baike.baidu.com)

_____________

1. Từ khoảng giữa triều đại nhà Thanh trở về sau, các thư viện được xây dựng nhiều ở Quảng Châu, vừa phục vụ việc học tập của cộng đồng nói chung và của trẻ em trong gia tộc, vừa là từ đường để thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy, từ đường thường có quy mô lớn, trang trí lộng lẫy, là đại diện tương đối nguyên vẹn của kiến trúc, điêu khắc và trang trí dân gian triều đại nhà Thanh ở Quảng Đông.

2. Tiến sĩ nông nghiệp Trần Di Khôi của Trung Hoa giải thích nguyên nhân của khái niệm này như sau: Trung Hoa nằm ở phía bắc bán cầu nên nhà ở thường chọn quay hướng nam (tọa Bắc triều Nam) để tránh khí hậu khắc nghiệt của vùng cực thổi về, đón ánh sáng và hơi ấm từ vùng xích đạo chiếu lên. Ngoài ra, lịch sử Trung Hoa ghi lại những cuộc chiến tranh với Hung Nô, Khuất Liêu, Kim là những nước nằm ở phía bắc, nên sau lưng có núi hiểm trở che chắn, là hàng rào thiên nhiên để phòng vệ hữu hiệu mỗi khi có loạn động.

3. Tứ hợp viện còn được gọi là Tứ hợp phòng, là một hình thức kiến trúc tổ hợp của nhà dân vùng Hoa Bắc, Trung Quốc, với bố cục là xây bao quanh nhà một sân vườn theo bốn hướng, thông thường gồm có nhà chính tọa bắc hướng nam, nhà ngang hai hướng đông – tây và nhà đối diện với nhà chính, nhà bốn phía bao quanh sân vườn ở giữa, cho nên được gọi là Tứ hợp viện. Xem thêm: http://vietnamese.cri.cn.

4. 斗拱 – đấu củng: là một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Quốc, gồm những thanh ngang từ cột chìa ra gọi là củng và những trụ kê hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : LÊ BÁ THANH