Pháp lam Huế xuất hiện vào TK XIX phục vụ trang trí diện mạo cho các công trình kiến trúc. Pháp lam được chế tác bằng các kỹ thuật cực kỳ tinh xảo. Đề tài trang trí bằng nhiều hệ thống – kiểu thức đa dạng, làm tôn vẻ trang trọng uy nghi vốn có của chốn Hoàng cung và làm cho các cung điện, lăng tẩm, đền đài thêm vẻ tôn nghiêm sùng kính.

Đầu TK XIX, triều Nguyễn định đô ở Huế và khởi công xây dựng kinh thành. Cùng tham gia vào công cuộc xây dựng kinh đô Huế, ngoài các vật liệu truyền thống như gỗ lim, gỗ kiền, ngói liệt, gạch Bát Tràng được huy động từ nhiều miền đất nước, các vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí mới, trong đó có pháp lam, bắt đầu xuất hiện.

Chất liệu và quy trình kỹ thuật chế tác pháp lam

Công nghệ pháp lam thịnh hành từ thời Tống, thời Minh ở Trung Quốc, du nhập vào Huế dưới triều vua Minh Mạng và đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật, kỹ thuật ở thời vua Thiệu Trị. Sau năm 1858, các lò sản xuất bị ngưng trễ rồi thất truyền kỹ thuật chế tác. Nguyên liệu pháp lam phải mua từ nước ngoài, kỹ thuật chế tác phức tạp, trải qua nhiều công đoạn, rất tốn kém, đòi hỏi phải có một nền kinh tế vững chắc, ổn định. Chính vì điều đó, pháp lam Huế không phát triển và dẫn đến thất truyền từ nửa sau TK XIX do chiến tranh, kinh tế sa sút, kỹ nghệ đặc sắc này không còn được quan tâm như trước. Qua quá trình tiếp thu công nghệ kỹ thuật vẽ tráng men trên cốt bằng đồng của người Trung Quốc, do các nghệ nhân pháp lam Quảng Đông truyền đạt, các nghệ nhân Việt Nam đã tài tình chuyển hóa, Việt Nam hóa loại hình phức tạp, quý hiếm này, tạo nên sự khác biệt với pháp lam Trung Quốc. Nếu pháp lam của Trung Quốc chỉ có ở các vật dụng và đồ trang trí có hình khối, dùng để trưng bày nội thất, thì pháp lam Huế đã xuất hiện những mảng trang trí phẳng, bề mặt lớn.

Theo sử sách, vua Minh Mạng đã thuê thợ Quảng Đông tổ chức chế tác ở Ái Tử và Đồng Hới. Về sau, pháp lam tượng cục (xưởng làm họa pháp lam) được đặt ở bên trong Thành Nội (Huế), do thợ Việt Nam chế tác với phương pháp tô màu, vẽ men trên cốt đồng, lớp ngoài tráng men trong và mỏng trên một nền men khác, màu trắng, dày khoảng 1mm. Đây là một loại men trét, nhẹ lửa, gốc chỉ và so. Thường phủ hai lớp trên lớp đồng thau. Lớp trong giữ vai trò liên kết giữa cốt và lớp men ngoài với thành phần hóa học khác. Lớp ngoài có lúc gợn sóng, độ dày mỏng không đều do hạn chế về độ lửa nóng chảy của các chất men, tùy theo thành phần hóa học của loại màu, đa số nhẹ lửa. Sản phẩm sau khi đưa ra khỏi lò được mài bóng để hoàn chỉnh. Họa sĩ Vĩnh Phối mô tả: “Kết cấu pháp lam Huế có tính chất đặc biệt, các bề mặt cần trang trí không tạo đường gờ mà được quét trực tiếp trên cốt đồng bằng những mảng men màu đặt cạnh nhau, giống như phủ đều một lớp men dày trên cốt bằng đồng, khác với pháp lam Trung Quốc thường dùng những sợi chỉ bằng đồng, hàn gắn lên bề mặt để tạo những đường gờ nổi khép kín, giới hạn các hình của các họa tiết trang trí, rồi sau đó tráng men màu lên từng ô hình đó” (1).

Pháp lam Huế đi theo phương pháp họa pháp lam, tức là người thợ vẽ trực tiếp lên nền men rồi mới nung sản phẩm, nên sẽ không thể có hai sản phẩm pháp lam giống nhau như khuôn đúc mà mỗi thứ là một tác phẩm nghệ thuật mang những dấu ấn riêng. Vì vẽ trực tiếp nên sẽ luôn có yếu tố thăng hoa của người thợ in dấu lên tác phẩm. Trong khi đó, pháp lam Trung Quốc được làm theo phương pháp vẽ lên cốt đồng những đường viền rồi mới tráng men, người thợ có thể gọt dũa các chi tiết sau khi nung cho đến độ hoàn hảo, nên pháp lam Trung Quốc rất chỉn chu trong đường nét. Chính vì thế, pháp lam Huế, xét về đường nét, không đều đặn, chỉn chu như pháp lam của Trung Quốc nhưng đường nét pháp lam Huế gợi lên sự ấm áp trong tâm hồn.

Các thể loại pháp lam

Pháp lam trong trang trí nội thất thường thấy là những bức hoành phi, câu đối, đối liễn hình chữ nhật, bình, chóe có chữ Hán chạm nổi ở giữa, xung quanh trang trí cúc dây, dơi ngậm tua hoặc kim tiền. Bên cạnh đó là những chữ Hán rời bằng pháp lam dùng để gắn lên tường hoặc các phiến gỗ, tạo thành các đôi câu đối treo trong nội thất cung điện. Dạng pháp lam này cũng được gắn lên phương môn bằng đá trước cửa lăng vua Thiệu Trị, Minh Mạng… Ngoài ra, còn có những bức tranh dạng tĩnh vật, hoa lá chim muông để rời hay lắp ghép thành nhiều bức xen kẽ những bài thơ, có đóng khung trang trọng. Ngoài ra còn có những quả đào, lựu được chạm nổi trên một mặt phẳng để gắn lên hai đầu câu đối treo dọc các hàng cột, hoặc tạo thành các chậu hoa, ở trong có thêm cành vàng lá ngọc.

Pháp lam trong trang trí ngoại thất thường thấy ở bờ nóc, bờ quyết các cung điện triều Nguyễn có những đồ án nhật nguyệt, những con rồng, phượng cưỡi mây ngũ sắc, các hàng cổ diêm ẩn hiện dưới mái ngói rêu phong hay trên các nghi môn và cửa tam quan trước lăng tẩm nhiều ô hộc trang trí chim hoa, muông thú cùng các bài thơ chữ Hán màu sắc tươi sáng, lộng lẫy. Kiểu thức trang trí phẳng, vẽ phong cảnh xuất hiện trên các nghi môn ở hai đầu các cầu Trung Đạo (Đại Nội), Thông Minh Chính Trực (lăng Minh Mạng), Chánh Trung (lăng Thiệu Trị)… Điển hình như ở điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng), các ô hộc trang trí theo lối nhất thi, nhất họa, mái với tranh chim hoa ở cổ diềm, đầu hồi, bờ mái… tạo nên sự nhẹ nhàng thanh thoát của những công trình kiến trúc vốn uy nghiêm trầm mặc có thêm phần sinh động” (2).

Pháp lam trang trí ngoại thất ở kiến trúc cung đình Huế, có những điểm nhấn trọng tâm, đường cong uyển chuyển phá những nét thẳng trong kiến trúc, tạo nhịp điệu nhẹ nhàng không nặng nề như các loại hình trang trí khác.

Ngoài trang trí nội, ngoại thất trên một không gian rộng lớn, nhất là tiền sảnh các tòa cung điện, đền miếu… thì những nhu cầu khác như đồ dùng trong các buổi tế lễ quan trọng như tế Nam Giao, tế Miếu, tế Xã Tắc và các buổi tiệc hoàng gia đông đúc đã khiến triều đình đặt ra việc sản xuất pháp lam tế tự và sinh hoạt. Sự hiện hữu bộ sưu tập pháp lam thời Nguyễn tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế đã phần nào cho thấy vai trò của nó trong đời sống văn hóa chốn hoàng cung. Đó là những vật dụng như lư hương, bát nhang, bình hoa, đầu hồ, dĩa, chậu đựng cành vàng lá ngọc, bát cắm hoa, quả bồng, chân đế quả bồng, cơi trầu, bình rượu bên cạnh các vật dụng có kiểu dáng như những đồ dùng trong cuộc sống thường ngày như khay trà, tô, bát…

Đề tài trang trí trên pháp lam dạng này cũng phong phú và đa dạng, bao gồm hình tượng các con vật trong tứ linh, đặc biệt hình long ẩn vân, phong cảnh sơn thủy, bát bửu tứ thời, các nhân vật, trong đó hình người ăn vận trang phục theo lối châu Âu, hoa lá, các loại cây quý, chim muông, hoa văn có loại kết hợp với những chữ Nho. Pháp lam tế tự và ngự dụng làm tôn thêm vẻ uy nghiêm, quý phái sang trọng, nên được sử dụng nhiều trong cung điện của các đời vua triều Nguyễn. Một nghiên cứu đã so sánh các đề tài trang trí trên pháp lam tế tự và ngự dụng như sau: “Các hiện vật pháp lam đời Minh Mạng, ngoài những đề tài trang trí thường gặp ở các loại hình khác, còn có các đề tài lạ như đồ án voi và hổ đang nâng một hình họa như kiểu kỷ niệm chương mà chúng ta thường bắt gặp ở các môtip trang trí phương Tây, hay đồ án chim trĩ đậu trên bờ rào. Đây là đồ án trang trí nằm ngoài các kiểu thức trang trí truyền thống. Đề tài trang trí pháp lam thời Thiệu Trị thường là rồng, mây, hoa lá, hồi văn chữ công… Thời Tự Đức, đề tài trang trí thường là hoa lá, quả đào, chùm  nho… những hình ảnh dễ bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày” (3).

Hệ thống đề tài – kiểu thức trên pháp lam

Môtip trang trí trên các hiện vật pháp lam thời Nguyễn khá đa dạng trong thủ pháp thể hiện và phong phú về thể loại. Người ta thường sử dụng các đề tài mang tính hiện thực: về hoa lá có sen, mai, lan, cúc, mẫu đơn, phù dung, trúc, tùng , lộc, hoa lá, đào, nho, lê, lựu…; về các biểu tượng có bầu rượu, túi thơ, kiếm báu, một số linh vật như rồng, phượng, rùa và lân.

Tất cả được thể hiện một cách công phu và chi ly trong từng bố cục, họa tiết. Có thể kể ra đây một số kiểu thức như hoa lá hóa rồng, long ẩn vân, lưỡng long chầu nguyệt, rùa đội bia, rùa đội hạc, rùa đội đồ hình bát quái, lân đội đồ hà, bát bửu, hoa lá hóa phụng hoặc phụng được điểm xuyết bởi những áng mây… Hình tượng các con vật này có lúc đứng riêng biệt, độc lập nhưng lại có khi đứng cùng với nhau, biểu hiện cho tính chất tâm linh và nội dung tư tưởng của Nho giáo, một đạo lý đang được đề cao lúc bấy giờ. Với kiểu thức trang trí bắt nguồn từ những mẫu mực của Trung Hoa, các nghệ nhân Việt Nam đã tạo nên một bản sắc nghệ thuật trang trí với nét độc đáo mang cá tính Huế.

Con rồng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh long, lân, quy, phụng, hội tụ nhiều ý nghĩa thuộc cả lĩnh vực vũ trụ và nhân sinh. Hình ảnh con rồng vươn lên chính là biểu hiện ở mối giao hòa trời đất, sự cầu mưa đem lại cuộc sống cho đời, được người đương thời kính trọng và gửi gắm ước mong, hy vọng của mình.

Rồng trong pháp lam Huế thường được trang trí trên đỉnh nóc mái các cung điện như trên nóc mái điện Hòa Khiêm, lăng Tự Đức, hai con rồng được sắp xếp đối xứng, chính giữa là một hình tượng hồ lô, gọi là rồng chầu bầu thái cực. Rồng uốn khúc đăng đối ở hai đầu mái hoặc nằm trọn vẹn trên đường lượn kết thúc mái quyết, đáp ứng hiệu quả mong muốn kết cấu nhịp điệu nhẹ nhàng, thanh mảnh của công trình kiến trúc.

Các nghệ nhân đã vận dụng và biến hóa tài tình, rồng Huế thường có sừng mọc ở vị trí tai, khác rồng Trung Hoa và rồng thời Lý Trần. Vảy bao phủ toàn thân, một thứ bờm có ngạnh. Bờm và đuôi xoắn tròn biến thể thành những ngọn giáo đã xuất hiện ở thời Lê, chân có móng sắc nhưng con rồng trong trang trí thời Nguyễn có tính oai vệ, khí thế sinh động và toát lên uy quyền của nhà Nguyễn. Hình tượng Lưỡng long tranh châu trên các đĩa pháp lam (đĩa Long ẩn và đĩa Phật thủ, thời Tự Đức) diễn tả hai con rồng hay nô đùa với một quả cầu lửa, trông rất uyển chuyển, mềm mại bởi những cụm mây có điểm xuyết tia lửa màu đỏ.

Rùa là một con vật biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, sống lâu, một khát vọng và ý chí vươn lên. Nó còn là biểu tượng của Phật giáo. Trong trang trí pháp lam Huế, con rùa thường đi kèm với đề tài tứ thời như mai, lan, cúc, trúc hay hoa sen bình dị, tượng trưng cho mùa hạ thanh cao, tinh khiết, có giá trị tinh thần cao. Hơn nữa, rùa còn kết hợp theo lối biến hóa như rùa hóa đào, cuống của cành đào là đầu rùa, có chồi non lá dài như thủy ba, những chiếc đao nhú ra với độ dài ngắn hình chân rùa đang bò. Cành đào tượng trưng cho đuôi, toàn bộ thân rùa là quả đào dính cuốn vào nhau. Trái đào tiên cũng có ý nghĩa trường thọ.

Phụng (phượng) là một con vật được tượng trưng là hình ảnh của người phụ nữ sắc sảo, đẹp đẽ. Nó là hình ảnh của hoàng hậu trong các hoàng triều. Nhưng dưới triều Nguyễn, phụng lại ít khi mang biểu tượng của hoàng hậu hay phụ nữ mà nó là biểu tượng của vũ trụ. Ngọ  Môn có Ngũ Phụng Lâu để ghi lấy điềm lành: “…phần trên chia thành chín bộ mái nhấp nhô cao thấp khác nhau, gợi hình ảnh liên tưởng về chim phụng bay” (4).

Trong một câu thơ ở ô hộc điện Thái Hòa nói về hình ảnh chim phụng: Tiêu thiều cửu thành, phụng hoàng lai nghi, nghĩa là sáo thổi khúc tiêu thiều cửu thành, chim phụng hoàng tụ tập đến nghiêm trang. Tiêu thiều là một nhạc khí và là tên một nhạc chương gồm có chín lần thay đổi tiết tấu, mỗi tiết tấu gọi là một thành, do vậy nên còn gọi là cửu thành. Đây là một loại lễ nhạc dùng trong nghi lễ liên quan đến việc cúng tế trời, cầu mong mưa hòa gió thuận, đất nước yên bình. Khi lễ nhạc tấu lên, trạng thái của những con chim này cũng trở nên uy nghi, là một cách ẩn dụ rất tinh tế cho cảnh uy nghi của một triều đại. Đây là một điển tích. Phụng xuất hiện có nghĩa là nó báo hiệu một điềm lành, đó là lúc xã hội thái bình và thịnh vượng.

Những kiểu thức bát bửu để ca ngợi kẻ sĩ, sự phú quý, nhàn hạ, mang tính đạo giáo. Tám báu vật thường được trang trí lồng ghép các vật với hình kỷ hà hay từng nối dây nơ thắt lại, thòng lòng uốn khúc, tổ hợp trong một thể thống nhất nhưng có cảm giác trùng lặp nhiều. Đi kèm với chúng bao giờ cũng có dải lụa đơn hoặc kép, kết nút hình cánh hoa buộc một cách hững hờ dưới nhiều dạng khác nhau. Nét đẹp của bộ bát bửu một phần được đặt vào các dải này. Đề tài này được các nghệ nhân vận dụng làm nổi bật trọng tâm chủ đề trên các phương môn, cổ diêm, bờ mái gây sự chú ý. Trong mỗi ô hộc, từng họa tiết được sắp xếp theo lối bố cục thay đổi, có mảng chính phụ theo một quy ước nhất định. Từng đường nét thay đổi một cách tinh tế theo sự lắng đọng tình cảm, được sắp xếp từng mẫu có chọn lọc giữa hai mặt đối lập cứng và mềm, giữa tĩnh và động, bất biến và vạn biến, tạo thế thăng bằng: “Bầu rượu – tượng trưng cho bầu vũ trụ, sự thâu tóm thế gian thường đặt ở giữa đỉnh mái để đón nhận tinh khí trời đất, làm cho cuộc sống hồi sinh, phát triển. Chiếc quạt tượng trưng cho phong thái sống quý phái giàu sang và lối ứng xử, giao tiếp tinh tế của quý tộc. Thanh  kiếm – tượng trưng cho sự dũng cảm, khí phách và sự thẳng thắn của người quân tử…” (5).

Nghệ thuật pháp lam Huế đã tôn những công trình kiến trúc thêm phần lộng lẫy, trang trọng, hòa quyện với ngoại cảnh thiên nhiên. Nghệ thuật ấy được biểu hiện bằng màu sắc tươi sáng, trang nhã và những kiểu thức biểu trưng thâm thúy. Pháp lam Huế chứa đựng tư tưởng văn hóa truyền thống qua chất liệu, hệ thống các hoa văn trang trí, đem lại những cảm nhận thẩm mỹ tinh tế.

_____________

1. Vĩnh Phối, Nghệ thuật trang trí Huế, bài giảng dành cho sinh viên lớp Sư phạm mỹ thuật, Đại học Nghệ thuật Huế, 2002.

2, 5. Vĩnh Phối, Nghệ thuật pháp lam Huế, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1999.

3. Hoàng Thị Hương, Khái quát về pháp lam, trong Chuyên đề Pháp lam – Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, tập IV, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế xuất bản, 2005.

4. Phan Thanh Bình, Nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình Huế, Luận văn thạc sĩ, Đại học Mỹ thuật TP.HCM, 2003.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : HỒ HẢI THANH