Sunshower (Vừa mưa, vừa nắng), Yokohama Triennale (Liên hoan nghệ thuật đương đại quốc tế Yokohama), Asia Corridor (Hành lang châu Á) là ba sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật uy tín hàng đầu Nhật Bản (1). Cùng thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, ở một số thành phố lớn ở Nhật Bản như Tokyo, Yokohama, cố đô Kyoto, còn diễn ra những sự kiện nghệ thuật có tính chất nội địa nhưng vẫn thu hút đông đảo công chúng địa phương đến tham quan. “Trăm nghe không bằng một thấy”, có cơ hội trải nghiệm các sự kiện nghệ thuật lớn nhỏ trong chuyến du ngoạn ngắn ngày ở đất nước này, người viết thực sự cảm nhận được mối liên hệ chặt chẽ giữa hành vi coi trọng văn hóa nghệ thuật với sự tiến hóa và hoàn thiện nhân tính của người Nhật Bản.
Nghệ thuật kết nối con người
Năm nay là tròn 50 năm Cộng đồng khu vực Đông Nam Á – ASEAN được thành lập. Với 10 nước thành viên, đến nay, ASEAN đã thực sự trở thành một khu vực năng động nhất trên thế giới ở mọi phương diện. Việc thắt chặt hợp tác với khối ASEAN là mong muốn và nhu cầu của rất nhiều quốc gia, trong xu hướng thế giới xoay trục về châu Á ở thiên niên kỷ thứ ba này. Nhật Bản không là một ngoại lệ.
Nhưng bên cạnh những chuyến viếng thăm ngoại giao và thương thảo lớn nhỏ, người Nhật Bản có một cách đặc biệt để cùng ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập khối: tổ chức sự kiện lớn chưa từng có về nghệ thuật đương đại ASEAN cùng lúc tại hai bảo tàng uy tín hàng đầu Nhật Bản: The National Art Center Tokyo (Trung tâm nghệ thuật quốc gia Tokyo – NACT) và Mori Art Museum (Bảo tàng nghệ thuật Mori – MAM). Sự kiện có tên gọi Sunshower – Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á từ năm 1980 đến nay, gồm tác phẩm của 85 nghệ sĩ đến từ cả 10 nước trong khu vực. NACT, MAM và Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản Japan Foundation là ba đơn vị đồng tổ chức sự kiện này. Ngay sau kết thúc trưng bày ở Tokyo, Fukuoka Asian Art Museum (Bảo tàng nghệ thuật châu Á Fukuoka – FAAM, thành phố Fukuoka) lựa chọn 26 nghệ sĩ và tác phẩm tiêu biểu của họ để tiếp tục giới thiệu Sunshower với công chúng Fukuoka.
Sunshower có hơn 100 tác phẩm thuộc đủ loại hình nghệ thuật đương đại: tranh, nhiếp ảnh, sắp đặt, video, video art, đa phương tiện, mô hình dự án… Trong đó, đa số tác phẩm có quy mô, kích thước lớn, đòi hỏi một sự chuẩn bị thực sự công phu, chi tiết. Tác phẩm trong triển lãm này do nhóm 14 curator (giám tuyển, gồm của NACT, MAM và một số giám tuyển độc lập trong ASEAN) phối hợp nghiên cứu và tuyển chọn, sau khoảng 2 năm rưỡi làm việc.
Những biến chuyển lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, cộng đồng khu vực và từng đất nước trong nửa sau TK XX và trong các thập kỷ đầu tiên của TK XXI tác động mạnh mẽ đến sự tiến hóa của đời sống nghệ thuật. Các hình thức nghệ thuật truyền thống như tranh giá vẽ, điêu khắc nhỏ (salon) vẫn tiếp tục gắn bó với một bộ phận lớn nghệ sĩ nhưng bên cạnh đó, sự tìm kiếm các hình thức, ngôn ngữ biểu đạt mới trong đời sống nghệ thuật thị giác cũng luôn hối thúc nhiều nghệ sĩ khác, nhất là những cá nhân có mong muốn nghệ thuật của mình không chỉ giúp bày tỏ tiếng nói cá nhân mà còn là tiếng nói của nhiều hơn một cá thể, của một cộng đồng, một xu hướng xã hội. Nghệ thuật cũng có thể là phương tiện chữa lành sang chấn tâm lý, những đổ vỡ, mất mát, biến chất của con người… như là hệ lụy tất yếu trong quá trình phát triển xã hội. Điều thú vị là với nghệ thuật đương đại, nhiều khi công chúng không còn thưởng lãm, chiêm ngưỡng các tác phẩm một cách thụ động, gián tiếp nữa mà sự tham gia của họ vào quá trình hoàn thiện một tác phẩm được xem trọng, được coi như một phần thuộc vào tác phẩm. Trong hoàn cảnh có nhiều tương đồng giữa các quốc gia ASEAN, từ đầu những năm 80 TK XX, thậm chí trước đó nữa, các hình thức nghệ thuật đương đại đã được nghệ sĩ trong khu vực sử dụng một cách hữu hiệu, đưa vào đó nhiều yếu tố đặc thù địa phương, tạo nên các làn sóng nghệ thuật mới cuốn hút nhiều thế hệ nghệ sĩ và công chúng cùng tham gia. Chính vì thế, một cách tự nhiên nhất, nghệ thuật đương đại trong khu vực ASEAN đã truyền tải đa chiều những tiếng nói xã hội đồng thời đi sâu vào khía cạnh tâm lý con người trước biến thiên của đời sống theo những cách thức tinh tế nhất. Đại diện cho các cơ quan tổ chức sự kiện này, ông Fumio Nanjo, giám đốc MAM, bày tỏ hy vọng, triển lãm Sunshower không chỉ giới thiệu một toàn cảnh nghệ thuật đương đại Đông Nam Á đến với công chúng Nhật Bản mà còn thúc đẩy sự hiểu biết của người Nhật về khu vực này, những sắc màu cuộc sống, lịch sử, những xung động tâm lý, tính cảm của con người nơi đây, để qua đó tiếp tục cùng nhau nghĩ về một tương lai chung của châu Á.
Bên cạnh rất nhiều tác phẩm có quy mô lớn, như một chú voi có kích thước tương đương một con voi trắng trưởng thành, treo lơ lửng trên trần nhà ngay phía trước cửa dẫn vào MAM (tác phẩm Sunshower, nghệ sĩ Apichatpong Weerasethakul và Chai Siris, Thái Lan), những khối điêu khắc được đan bằng mây tre cao và dài gấp vài lần chiều cao cơ thể trung bình của người châu Á (Big Beng của nghệ sĩ Camphuchia Sopheap Pich), những bức tường gốm có diện tích hàng chục mét vuông hay nguyên một căn phòng diện tích khoảng 40m vuông ngợp trong sắc màu và âm thanh của chuông gió (Stormy Weather, Felix Bacolor, Philippines), Sunshower còn có không ít sáng tác được trưng bày một cách giản dị, có khi ngay bên lối đi với các màn hình tivi cũ kỹ, hoặc tối đen, song thu hút sự chú ý của cả công chúng lẫn truyền thông Nhật Bản bởi thông điệp đầy nhân bản của chúng. Có thể kể đến hai tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện Dự án mỏ than Mạo Khê của nghệ sĩ Việt Nam Trần Lương và Chiếc ghế trống của nghệ sĩ trẻ Việt Nam Bàng Nhất Linh.
Gần 16 năm trước, trong những ngày cuối năm 2001, một nhóm họa sĩ Hà Nội đã đến với người thợ mỏ than Mạo Khê, Quảng Ninh nhưng không phải để thuần túy vẽ về họ qua các ký họa, mà cùng họ đi vào hầm lò, cùng họ sống, vui chơi, vẽ cho họ xem trên rất nhiều mảng tường cũ kỹ của khu mỏ, đem lại cho không gian nơi đây một sự thay đổi bất ngờ, cho những người thợ và dân chúng nơi đây nhiều ấm áp, vui vẻ. Chuyến đi ấy được xem như một dự án nghệ thuật với cộng đồng do Trần Lương lên ý tưởng và điều phối thực hiện… Cũng nơi đây, Trần Lương đã thực hiện tác phẩm trình diễn Người cơm nổi tiếng của anh. Bốn tháng sau chuyến đi này, một triển lãm nghệ thuật đương đại giới thiệu phần nào về dự án đã diễn ra tại Hà Nội nhưng còn rất nhiều tư liệu khác chờ đợi được xử lý, xâu chuỗi, kết nối lại với nhau thành những tác phẩm giàu ý nghĩa khác. Đến 2017, giữa Tokyo, nhiều khán giả Nhật Bản đã ngồi yên lặng xem hết một lượt trình chiếu video hai kênh trên hai màn hình tivi nhỏ xíu, tương thích cho dữ liệu hình ảnh analog từ cách đây gần hai thập kỷ. Ở đó, họ chứng kiến một đời sống thường nhật của những người thợ khai thác than trong điều kiện kỹ thuật thô sơ, những cảnh huống sinh hoạt hàng ngày ở Việt Nam cách đây 16 năm có phần nào xa lạ với chính người Việt Nam hôm nay và hẳn càng xa lạ với người dân ở một nước phát triển như Nhật Bản. Song dường như, tình người và tính nhân bản của các hình ảnh trong video ấy đã giữ họ lại trong yên lặng đến phút cuối.
Dự án mỏ than Mạo Khê được giới thiệu trong phần Tại sao là nghệ thuật? Tại sao làm nó?, 1 trong 9 hợp phần của triển lãm Sunshower. Theo nghệ sĩ Trần Lương, đây “không hẳn là một tác phẩm mang ý ngĩa trưng bày đơn thuần mà nó thể hiện lại một hành trình nghệ sĩ đưa nghệ thuật đến với một cộng đồng trong xã hội, nghệ sĩ và cộng đồng ấy cũng gầy dựng một nghệ thuật khác với những gì chỉ có tính chất minh họa một chiều…”. Có thể nói, sự tham dự của các hình thức nghệ thuật đương đại trong ngữ cảnh địa phương, góp phần thay đổi những thói quen thụ động trong thực hành và thưởng lãm nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển ý thức xã hội của cả nghệ sĩ và cộng đồng công chúng là một trong những đóng góp quan trọng của nghệ thuật đương đại Việt Nam nói riêng, nghệ thuật đương đại Đông Nam Á nói chung, được giới thiệu khá hấp dẫn trong phần triển lãm này.
Chiếc ghế trống của Bàng Nhất Linh (gồm ghế được làm từ phế liệu chiến tranh, video, sách nghệ sĩ, âm nhạc, một số vật dụng khác) dẫn công chúng vào một câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam, một phần lịch sử quan trọng của Việt Nam và của cả thế giới hiện đại, cùng những vết thương tinh thần âm ỉ của nó qua nhiều thế hệ người Việt ở cả hai chiến tuyến. Ở đâu và thời nào cũng vậy, chiến tranh là đỉnh điểm của xung đột giữa con người với con người. Câu chuyện ấy đã được soi chiếu lại dưới góc nhìn chiêm nghiệm của một nghệ sĩ sinh ra trong hòa bình (nghệ sĩ là người Hà Nội, sinh năm 1983), gợi ra các câu hỏi như những gì có thể có nơi sự im lặng trong suốt giữa hai người Việt nhưng từng ở hai bên chiến tuyến, những cách thức nào có thể làm lành, hóa giải những vết thương, những khoảng cách, những lặng im ấy cho tất cả…
Dự án mỏ than Mạo Khê và Chiếc ghế trống được lựa chọn cho trưng bày thu nhỏ của Sunshower, gồm 26/85 nghệ sĩ, diễn ra tại FAAM, từ 3-11 đến 25-12-2017. Đây là một minh chứng về sức hấp dẫn của sự kiện này với công chúng Nhật Bản, nếu bạn biết rằng tất cả các triển lãm quốc tế nêu trên đều có bán vé, mức giá thấp nhất là 500 yên (tương đương 110.000 đồng) cho triển lãm Sunshower thu nhỏ tại FAAM, còn lại xê dịch từ 1.500 đến 1.800 yên.
Tương đồng về cách thức tổ chức với Sunshower, tuy quy mô và chất lượng nghệ thuật có khác nhau, Yokohama Triennale và Asia Corridor cũng thiên về lựa chọn các sáng tác nghệ thuật có khả năng kết nối và truyền cảm hứng sống giữa con người và cho con người, vượt qua mọi khác biệt và rào cản chính trị, tôn giáo, chủng tộc. Tất cả các sự kiện này đều thu hút đông đảo công chúng Nhật Bản. Trong nhiều khung giờ tham quan ở nhiều địa điểm khác nhau, người viết luôn chứng kiến các khán phòng triển lãm đông đúc người xem. Công chúng xếp hàng dài mua vé, từng tốp rủ nhau xem, trao đổi, bình phẩm đôi khi sôi nổi, hào hứng song luôn trong giới hạn trật tự cho phép. Khung cảnh này thực sự khiến người viết rất cảm kích, nhất là khi liên tưởng đến tình cảnh vắng hoe cho dù được vào cửa tự do ở hầu hết các triển lãm nghệ thuật nội địa có quy mô toàn quốc, kể cả các triển lãm có tính chất quốc tế và khu vực ở Việt Nam mình… Theo chị Eriko Kimura, giám tuyển của Bảo tàng nghệ thuật Yokohama (Yokohama Museum of Art – YMA), khách tham quan sự kiện Yokohama Triennale tại bảo tàng chủ yếu là người Nhật Bản, chiếm từ 80-85% tổng số lượng khách.
Người Nhật Bản và một sự tinh tế hoàn hảo
Chú ý đầu tiên của người viết là cách các tình nguyện viên tại các sự kiện nghệ thuật ứng xử với khách tham quan. Mỗi căn phòng hoặc khu trưng bày tác phẩm đều có ít nhất một tình nguyện viên trông nom. Chiếc ghế tựa nhỏ kê ở một góc dành cho họ nghỉ ngơi nhưng dường như hiếm khi họ sử dụng. Lặng lẽ quan sát khách, họ sẽ nhẹ nhàng đưa cho bạn cây bút chì nhỏ nếu thấy bạn có ý định ghi chép, hoặc đang cầm trên tay cây viết mực. Được biết, đây là cách góp phần bảo quản tác phẩm trưng bày, được áp dụng ở tất cả các sự kiện nghệ thuật lớn nhỏ, từ quốc tế đến nội địa, mà người viết có dịp ghé thăm. Cho dù bạn đã để gọn sổ và bút ở một góc phòng trưng bày để tranh thủ chụp ảnh tác phẩm thì họ vẫn lặng lẽ gom chúng lại, để ở cạnh chỗ họ ngồi và ngay khi thấy bạn kết thúc việc chụp ảnh, họ sẽ nhanh nhẹn chủ động đưa lại cho bạn cùng cái cúi chào và lời cảm ơn. Họ cũng sẽ chủ động ra hiệu đề nghị giúp bạn chụp ảnh, để bạn và người đi cùng có một tấm ảnh chung với tác phẩm, thay vì đợi bạn lên tiếng nhờ giúp. Nhưng họ cũng rất nhanh chóng, nhẹ nhàng mà kiên quyết nhắc bạn không được chụp ảnh các tác phẩm trong khu trưng bày có gắn biển cấm chụp ảnh…
Với triển lãm Asia Corridor, lần đầu tiên người Nhật Bản quyết định đưa nghệ thuật đương đại vào trưng bày ở một tòa lâu đài cổ kính, hơn 400 năm tuổi, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1994, lâu đài Nijo ở cố đô Kyoto. Trong đó có những tác phẩm như Thuyền bonsai của nghệ sĩ danh tiếng Trung Quốc Cai Guo Giang, bao gồm một chiếc thuyền gỗ nặng hàng tấn, được xếp trên chồng đá tảng to lớn và trên thuyền có những cây thông thật, cao 5 – 7m, hay như tác phẩm Encounter – A mirror woman của nghệ sĩ Hàn Quốc Kimsooja biến cả một căn phòng trong khu bếp của lâu đài thành một phòng gương đặc biệt… Nhưng toàn bộ quy trình thực hiện triển lãm này được diễn ra một cách cẩn trọng, tỉ mỉ đến hoàn hảo. Dù có tinh mắt hay tinh ý đến đâu, cũng chẳng thể nhận ra một vết trầy xước, một vết sơn ẩu hay vết bụi hằn trên tường phòng tác phẩm. Từ biển ghi chú tác phẩm, ghi chú những lưu ý trong bảo quản tác phẩm như không được chụp ảnh có đèn flash, không được chụp ảnh với gậy selfie, không được để rớt nước hoặc thức ăn vào tác phẩm… cho đến những sợi dây hay kẹp tre làm ranh giới khoảng cách giữa người xem và tác phẩm đều được xếp sắp một cách đồng bộ, ngay ngắn và rất thuận tiện cho khách tham quan. Trong khu vực trưng bày mà khách phải tạm cởi bỏ giày dép, các tình nguyện viên sẽ tận tình đưa cho khách những đôi tất đen nếu thấy khách đi chân trần.
Từ trong các khuôn khổ triển lãm nghệ thuật ra đến ngoài cuộc sống thường nhật, người Nhật Bản vẫn đảm bảo các khung nguyên tắc ứng xử với người khác, với nơi chốn họ sống một cách tinh tế nhường vậy. Cố đô Kyoto có những khu phố đi bộ mà biển tên phố được làm bằng đồng, gắn hình hai chiếc quạt giấy truyền thống và lát trên mặt đường trước mỗi ngã ba, ngã tư. Khách dạo bộ tinh ý thì có thể nhìn thấy và chỉ còn biết trầm trồ. Cả phố không có vướng mắt một biển hiệu nào, tất cả đều được thể hiện nhỏ nhẹ, khiêm tốn ngay trước cửa ra vào. Ngay trên tàu điện đông đúc, chật như nêm là thế nhưng vẫn không hề vướng cảm giác ồn ào bởi tất cả từ trẻ em đến người lớn đều giữ ý, im lặng, không nói chuyện điện thoại hoặc nếu có thì nói rất nhanh, và hết sức nhỏ nhẹ để tránh làm phiền xung quanh. Một đồng nghiệp người Trung Quốc của tôi đã không tránh khỏi cảm giác ngượng ngùng trên chuyến tàu siêu tốc Tokyo – Kyoto khi chứng kiến một bé gái đồng hương của cô quấy khóc cha mẹ vì không được chơi game trên điện thoại. Giữa khung cảnh yên tĩnh trên toa tàu, chỉ có tiếng khóc ngặt nghẽo, mãi không dứt của cô bé, người đồng nghiệp của chúng tôi chỉ còn biết cười, đỏ mặt và giải thích vắn tắt cho cả nhóm…
Nếu như nghệ thuật được xem là tinh chất của tâm hồn và tài năng con người thì sự tinh tế trong ứng xử của con người với đồng loại và với tất cả các sự vật xung quanh họ lại là kết quả của một quá trình dưỡng dục tâm hồn người nối dài qua nhiều thế hệ nòi giống, qua nhiều giai đoạn tiến hóa với tất cả sự nghiêm cẩn đến khắc kỷ của luật pháp và các quy định xã hội. Trong quá trình dưỡng dục ấy, chắc chắn nghệ thuật đã đóng góp một vai trò to lớn, truyền cảm hứng và thúc đẩy con người tiệm cận sự hoàn thiện nhân tính. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà các triển lãm nghệ thuật lớn nhỏ diễn ra ở Nhật Bản mà người viết có dịp thưởng lãm đều chứa đựng các chủ điểm nội dung hướng đến sự kết nối giữa người với người, vượt qua mọi rào cản và khác biệt chính trị, xã hội và tất cả đều rất đông khách Nhật Bản tham quan.
Chuyến tham quan các sự kiện nghệ thuật lớn ở Nhật Bản tuy ngắn ngủi nhưng đủ giúp người viết tin rằng: sự trân trọng nghệ thuật, hướng đến việc để nghệ thuật là một cầu nối chặt chẽ con người với con người, để nghệ thuật sống cùng đời sống con người đồng thời là một biểu hiện rõ nét của việc hướng đến hoàn thiện nhân tính, với tất cả sự tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định xã hội, đảm bảo cho một trật tự chung cũng như với tất cả sự chu đáo, tôn trọng, tinh tế dành cho nhau, giữa người với người.
_______________
1. Từ ngày 4-8 đến 5-11-2017, phiên thứ sáu của liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ 3 năm Yokohama Triennale diễn ra tại 3 địa điểm quanh thành phố cảng Yokohama đông dân thứ hai của Nhật Bản. Một tháng trước đó, triển lãm Sunshower nghệ thuật đương đại Đông Nam Á từ 1980 đến nay (từ ngày 5-7 đến 23-10-2017) quy tụ tác phẩm của 85 nghệ sĩ trong khu vực Đông Nam Á cũng đồng thời được khai mạc tại hai địa chỉ nghệ thuật lớn và uy tín bậc nhất Tokyo: Bảo tàng nghệ thuật Mori (Mori Art Museum – MAM) và Trung tâm nghệ thuật quốc gia Tokyo (The National Art Center, Tokyo – NACT). Sunshower là sự kiện triển lãm lớn chưa từng có ở Nhật Bản về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á, do ba cơ quan đồng tổ chức là MAM, NACT và Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản Japan Foundation. 26 nghệ sĩ và tác phẩm trong Sunshower tiếp tục được chọn giới thiệu tại Fukuoka Asian Art Museum (Bảo tàng nghệ thuật châu Á Fukuoka, thành phố Fukuoka, từ ngày 3-11 đến ngày 25-12-2017). Asia Corridor (hành lang châu Á) trưng bày sáng tác của 25 nghệ sĩ đương đại nổi tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, từ ngày 19-8 đến 15-10-2017, tại Di sản văn hóa thế giới của UNESCO từ năm 1994, lâu đài hơn 400 năm tuổi Nijo và Trung tâm nghệ thuật Kyoto.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017
Tác giả : ĐÀO MAI TRANG