Do nhu cầu của thời đại mới, khi ý thức cá nhân đã phát triển sâu sắc, ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa, thi ca Pháp, phong trào thơ mới (1932 – 1945) ra đời. Thơ mới làm nên một cuộc cách mạng vang dội, tạo dấu ấn quan trọng trong nền thơ ca dân tộc, mở ra phạm trù thơ hiện đại với đặc trưng thi pháp mới. Xuất hiện từ năm 1937, Trường thơ loạn với sự tập hợp của những tên tuổi thơ mới đã nổi danh đã đem đến cho thi đàn Việt Nam một chân trời thơ độc đáo. Các thi sĩ đã lựa chọn, sử dụng một thứ ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn cá nhân. Từ đó, thi sĩ đổi mới cảm quan hiện thực, cái nhìn nghệ thuật mở rộng biên giới cho thơ. Trường thơ loạn cần được ghi nhận như một động lực góp phần đưa thơ hiện đại Việt Nam thực sự hòa nhập vào quỹ đạo chung thơ hiện đại thế giới TK XX.

Các thi sĩ thơ loạn như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao… đã đem đến cho thi đàn Việt Nam một khoảng trời thơ mới lạ, mang đậm chất tượng trưng, siêu thực của thơ ca phương Tây. Thi phẩm thơ loạn dường như được chưng cất từ chính “máu cuồng” và “hồn điên” (Hàn Mặc Tử), hoài thai từ những cơn đau bất tận của thể xác, những giằng xé của tâm hồn. Ngôn ngữ đã trở thành phương tiện để thi nhân cảm nhận thế giới, bày tỏ lòng mình.

Thơ mới ưa những tưởng tượng bay bổng, thăng hoa, khơi nguồn cảm xúc đắm say, tìm đến những miền đất lạ, nơi thiên nhiên hoang sơ, với những con người chân thật, chất phác, hoặc tìm về cõi âm, miền tâm linh thần bí ngoài thế giới con người. Tính chất kỳ ảo thể hiện rõ nét ở nhiều phương diện, nhất là trong cách sử dụng ngôn ngữ. Đi xa hơn thơ mới, ngôn ngữ thơ loạn đã duy tân một cách đa dạng, biến hóa pha chút thần linh, ma quái. Người ta có thể tìm thấy những từ ngữ đậm chất liêu trai trong thơ loạn: não trắng, cô hồn, tủy đã cạn, yêu tinh, máu tuy khô còn đượm khí tanh hôi, uống máu lan, nhai thịt sống… Thơ loạn tràn ngập những hình ảnh, từ ngữ khác thường: “Ta muốn trông từ mắt mi máu đỏ/Từ đầu mi não trắng rủ nhau tuôn” (Chế Lan Viên – Xương khô); Với Điêu tàn, Chế Lan Viên xây dựng nên một thế giới quỷ dị. Cái kỳ ảo đến từ lối tư duy siêu hình, từ ngôn từ: dòng thơ mang màu đỏ của máu, trắng của xương, vàng của chết chóc và đen của bóng đêm… Thi sĩ đã tóm tắt thơ mình và âm hưởng bao trùm của thơ loạn: “Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi/Đầy hơi thịt, ý ma cùng sắc chết” (Tiết trinh). Những âm thanh kinh dị chỉ thi sĩ mới nghe được: “tiếng thịt người nảy nở, tiếng xương rên, tiếng cô hồn lặng thở khí trời đêm” (Bóng tối). Từ đó, người sử dụng ngôn ngữ diễn tả bóng tối, bóng tối nhiều hơn ánh sáng, hoàng hôn nhiều hơn ban mai.

Yếu tố kỳ ảo trong hệ thống ngôn ngữ thơ loạn còn được thể hiện ở cách thi sĩ miêu tả vạn vật bằng cảm quan của riêng mình, thông qua những cụm danh/động/tính từ mới mẻ, lạ lẫm. Thiên nhiên được diễn tả như một thực thể sống động: “gió say khướt, ôm ngang lấy gió, gió trêu tà áo biếc” (Hàn Mặc Tử), “gió chới với” (Bích Khê)… Bích Khê có biệt tài kết hợp giữa một từ chỉ cái trừu tượng và một từ chỉ vật thể khiến cái trừu tượng trở nên cụ thể, sống động: mộng nghiêng (Đêm nay nửa gối nghiêng nghiêng mộng), nắng thơm (Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc)… Cùng với sự chuyển đổi cảm giác là sự chuyển đổi chức năng các giác quan, Hàn Mặc Tử và Bích Khê đã đem đến cho Trường thơ loạn lớp ngôn ngữ diễn tả hành động tượng trưng, siêu thực. Thơ của Hàn thi sĩ có cả một hệ thống “thi ảnh khẩu cảm” (chữ dùng của Bùi Xuân Bào) hoàn toàn phản thơ theo quan niệm truyền thống: ăn gió trăng (Trời hỡi làm sao cho khỏi đói/Gió trăng có sẵn làm sao ăn), hớp váng trời, đớp tiếng cười (Tôi toan hớp cả váng trời/Tôi toan đớp cả tiếng cười trong khe)… Bích Khê tạo chất kỳ ảo nhờ việc dùng từ chuyển đổi cảm giác: ăn ánh sáng (Tình tôi sửng vì ăn nhiều ánh sáng), ăn cả hương (Đi đâu ăn cả hương ngây ngất), hớp nhạc (Ô nàng tiên nương! Hớp nhạc đầy hương), hớp trăng (Hớp nhiều trăng cho niềm trinh rất ngớp). Lớp ngôn ngữ mới lạ đó minh chứng cho sự tương ứng giác quan phổ biến trong thơ tượng trưng Pháp: “ở người thi sĩ, tai nói, miệng nghe; chính là trí tuệ và sự tỉnh táo sản sinh và mơ mộng; chính là giấc ngủ nhìn thấy rõ; chính là hình ảnh và ảo ảnh nhìn ngó; chính là sự khiếm khuyết và sự trống rỗng sáng tạo” (Valéry) (1).

Đặc biệt, khi xây dựng những biểu tượng, cổ mẫu, trường thơ loạn đã sử dụng ngôn ngữ mang màu sắc kỳ ảo đậm đặc. Trăng – hồn – máu ban đầu là một khách thể độc lập, là thực thể nhưng dần chuyển sang chủ thể trữ tình. Thế giới thơ trở nên nhòe mờ, hư ảo giữa hai bờ hư – thực. Trăng thường được ghép với hành động, trạng thái của con người, trở nên lả lơi, gợi tình: “Trăng vàng ôm bờ ao…/Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt” (Hàn Mặc Tử). Hình ảnh máu nhỏ từng giọt, hoặc ọe từng búng, hay đọng thành vũng, có khi chảy thành sông xuất hiện rất nhiều. Hồn trở nên rùng rợn với những danh từ ma quái: tử thi, âm khí, hồn ngoài, hồn trong… Hàng loạt cụm động/ tính từ, thể hiện sự thăng hoa tột đỉnh: “hồn trào ra, dính não cân, quay cuồng như máu vọt, mê man chết điếng cả làn da, ngất ngư trong vũng huyết, trải niềm đau, nắm lại nguồn thơ”… Sự vận dụng điêu luyện những ngôn ngữ mang sắc màu kì ảo đã tạo nên một không gian siêu thực hòa trộn đau thương, vượt thoát.

Khát khao vươn tới sự trường tồn, trường thơ loạn đưa vào thơ lớp từ ngữ đậm màu sắc tôn giáo. Nhiều hình ảnh, từ ngữ chịu ảnh hưởng và dễ gợi cảm quan Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Đi qua Đau thương, thi sĩ Hàn đến với thế giới Khải Huyền trong Xuân như ý: “Thiên hạ thái bình và trời tuôn ơn phước/Như Triều thiên vờn lượn khắp không gian” (Nguồn thơm). Ngoài ngôn ngữ phổ thông của nhà Phật: “thành chánh quả, sông Hằng, chim phượng hoàng”, ngoài những hình ảnh đẹp đẽ của “trời Đao Ly, trời Đâu Suất, cõi Phượng Trì”, Hàn Mặc Tử còn thi vị hóa thuyết nghiệp báo và thuyết luân hồi (Phan Thiết! Phan Thiết). Đặc biệt, sự hòa hợp tuyệt đối tinh thần hợp đạo. Trong cùng một bài thơ, thi nhân kết hợp tài tình cả ngôn ngữ Thiên Chúa giáo (van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu), cả ngôn ngữ Phật giáo (sông Hằng) và Đạo giáo (bút Xuân Thu). Ngôn ngữ thấm đẫm chất đạo được tích hợp nhuần nhuyễn trong thơ Hàn Mặc Tử nói riêng, thơ loạn nói chung.

Nhờ việc sử dụng ngôn ngữ mang màu sắc kỳ ảo, thế giới trong cách cảm nhận của các nhà thơ không chỉ là những gì tri giác được mà còn là những gì cảm nhận được. Có thể là một không gian nội tâm với những điều sâu thẳm, bí ẩn. Ngôn ngữ nghệ thuật đã giúp khải thị về một thế giới chưa từng biết. Ngôn từ của trí năng dường như không đủ sức phản ánh thế giới nên đã nhường lại cơ hội cho thứ ngôn ngữ liên tưởng đầy tính trực giác của thơ loạn.

Trường thơ loạn có ý thức về việc tạo nên diện mạo một loại hình tác phẩm nhờ vào vai trò của một lớp ngôn ngữ riêng. Ở nhiều thi phẩm, để diễn tả trạng thái, cảm giác và cảm xúc, thi sĩ đã lựa chọn lớp từ có thiên hướng biểu tả ở mức cực điểm. Những hỉ, nộ, ái, ố trong các bài thơ hiện hữu ở trạng thái cao nhất: “Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy” (Chế Lan Viên – Điêu tàn). Động từ, tính từ được sử dụng ở độ tuyệt đối: “cuồng tâm dại trí, bao giờ chết đi, một nửa hồn tôi mất, dại khờ, thương đứt ruột, cắn lời thơ – máu trào, giết – trả thù” (Hàn Mặc Tử); “thấu lạnh, rùng rợn, bừng cháy mắt…” (Chế Lan Viên); “bát ngát, “tê mê, cắt mạch nguyệt – xẻ mạch trời – phăng mạch đêm, nút ớn, đắm hồn cho chết say, nút” (Bích Khê)… Hàn Mặc Tử hay dùng những thán từ làm bật lên tiếng rên xiết của những thân xác bị giày vò: “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói”, “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi”. Trong thơ Bích Khê, ngôn ngữ cực tả, giàu chất tạo hình lại xuất hiện thường xuyên trong cùng trường liên tưởng, tạo sự tương ứng trong cảm nhận về trăng, hoa, nhạc, hương: “Lầu ai ánh gì như lưu ly?/Nụ cười ai trắng như hoa lê?” (Nghê thường), “Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trời mây/Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động” (Nhạc). Sự xuất hiện trùng điệp những cụm từ cực tả dường như trở thành khuynh hướng chủ đạo trong nhiều sáng tác thơ loạn, tạo nên giọng điệu gấp gáp, khẩn thiết.

Ngôn ngữ nghệ thuật trong nhiều sáng tác thơ loạn thường được đẩy lên đến mức cao trào nhờ linh giác bén nhạy của thi sĩ. Những từ ngữ chỉ cảm giác về màu thường gắn với giá trị tuyệt đối: sắc xanh phải “xanh như ngọc”, “xanh huyền hoặc”; đỏ thì phải “đỏ hườm”, “đỏ màu huyết”; vàng phải ánh lên, sáng láng như kim loại “nhạc vàng rơi lả tả”, “tiếng vàng rơi xuống giếng”; sắc trắng không chỉ có màu mà còn hắt lên cả ánh, có khi chói sáng: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”, lóe sáng đến độ không nhìn ra được: “áo em trắng quá nhìn không ra”… Trong thơ Bích Khê, màu sắc cũng mang đậm yếu tố tượng trưng. Bài thơ là sự phối hợp linh hoạt của những cụm tính từ chỉ màu sắc: “trắng lạ thường”, “xanh nhung”, “vàng phai”, “tràn cánh trắng”, “vàng mơ”, “xanh như ngọc”, “xanh đầy đặc vẻ huyền mơ”. Với lớp ngôn từ cực tả này, trường thơ loạn đã truyền tải hữu hiệu những cung bậc cảm xúc, sắc độ cảm giác.

Trong trường thơ loạn, Bích Khê có tài tạo hình những bức tranh cảnh vật, chân dung thiếu nữ. Thi sĩ đã vẽ nên thân thể con người thông qua những trường ngôn ngữ cơ thể táo bạo: có phần lộ ra ngoài như: môi, da thịt, tóc, mi, tay, chân…; có phần thường che kín như: bụng, ngực, vú…; có phần bí ẩn trong thân thể như: tim, máu, tủy, óc, sọ… Tất cả trở thành biểu trưng cho đam mê, khoái lạc, mơ mộng, ước ao, cho cái đẹp vĩnh hằng. Bích Khê đã dùng ngôn ngữ để vẽ nên một thân thể kiều diễm: “Đâu đôi mắt mùa thu xanh tơ ngọc?/Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?” (Mộng cầm ca), “Ôi cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm/Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!/Mát làm sao? Mát rợn cả châu thân…” (Bàn chân). Đó là lối tạo chân dung bằng ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng.

Thơ loạn còn xuất hiện những lời cầu nguyện xuất phát từ một tinh thần mộ đạo thanh khiết. Ngôn ngữ thơ diễn tả hành động, tư thế hành lễ của những con chiên ngoan đạo trong bầu không khí thiêng liêng, huyền ảo: “Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé”, “Tấu lạy bà, người là đấng tinh truyền thánh vẹn”, “Nàng! Lạy nàng hãy nghe tôi cầu khẩn/Hãy khoan tay cầm lại trí tương tư” (Hàn Mặc Tử)… Hoàng Diệp, Quỳnh Dao không ngưỡng vọng ở những đấng tối cao xa xôi như Hàn Mặc Tử, thi sĩ chỉ cầu khẩn người tình trong mộng và hành lễ với chính mình: “Ta hãy nghiến cho tan bình cay đắng” (Hoàng Diệp – Khát); “Ta mở lòng ra cho ý tản/theo vầng trăng rụng xuống không gian…” (Quỳnh Dao – Ý thơ).

Như vậy, thơ loạn thiên về lối diễn đạt những tương quan vô hình, bên trong, mang tính tinh thần của bản thân sự vật, gắn với cảm quan về một thế giới thống nhất: cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình, thể chất và tâm linh. Ngôn ngữ vừa cực tả, vừa giàu tính tạo hình đã giúp thi nhân xây dựng nên một thế giới lung linh, khác lạ, thiết lập một nền thơ hiện đại tuyệt đối “trên cả thơ” (chữ dùng của Hàn Mặc Tử).

Thi sĩ thơ loạn đã tạo nên trường ngôn ngữ phong phú, tác động mạnh vào cảm giác bằng cách sử dụng thủ pháp so sánh bắc cầu bất ngờ, tự nhiên: “Thơ em cũng giống lòng em vậy/Là nghĩa thơm tho như ánh trăng/Mềm mại tựa như tơ liễu rũ/Âm thầm như áng gió băn khoăn” (Hàn Mặc Tử – Lưu luyến). Trong nhiều bài thơ, so sánh để gợi trường liên tưởng rộng, thể hiện tính chủ quan cao độ, dẫn nhập vào chốn thâm cung của tâm linh. Bằng trí tưởng tượng bay bổng, những cụm danh từ/ tính từ được dùng làm vật so sánh xuất hiện dày đặc. Hai sự vật cách xa nhau được dùng để so sánh, gây nhiều sửng sốt: “Lầu ai ánh gì như lưu ly/Nụ cười ai trắng như hoa lê?” (Bích Khê – Nghê thường); “Ta như chim trắng giữa trời/Và thơ ta lại như lời nước mây” (Quỳnh Dao – Nhạc chiều); “Lạnh như tràn ngập tới hư vô/ Gợn sóng lăn tăn phủ kín hồ” (Yến Lan – Lạnh). Thủ pháp so sánh được Hàn Mặc Tử sử dụng 39 lần trong Đau thương, 6 lần trong Gái quê, Bích Khê sử dụng 40 lần trong Tinh huyết, 12 lần trong Tinh hoa. Điều đó góp phần lạ hóa ngôn ngữ, phá vỡ ranh giới của cảm giác, hòa nhịp trong những vùng siêu cảm giác. Vì thế hình ảnh, ngôn ngữ thơ trở nên ảo diệu: “Lòng thiếp buồn như một tấm nhung/Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên” (Hàn Mặc Tử). Lớp ngôn từ được tạo nên từ thủ pháp so sánh khác thường của thơ loạn thể hiện được cảm xúc chân thực, mãnh liệt, biểu đạt được thế giới tâm linh, màu nhiệm và huyền diệu.

Bên cạnh đó, thủ pháp đối lập cũng tạo nên một trường ngôn ngữ mới lạ. Toàn bộ thơ Chế Lan Viên thể hiện những đối lập xa – gần, trên – dưới, xưa – nay, hiện tại – lịch sử, hiện tại – quá khứ – tương lai, đối lập cấu tứ, tạo sắc thái ngữ nghĩa và tu từ hấp dẫn. Thủ pháp đối lập trong Điêu tàn góp phần làm nổi rõ sự khác biệt giữa một Chiêm Thành xưa – nay, huy hoàng, rực rỡ – lịm tắt, bi thương: “Chiều đông tàn, như mai xuân lộng lẫy/Chỉ nối thêm sầu khổ với ưu tư” (Những sợi tơ lòng), “Lời chưa dứt, bóng đêm đã vụt biến/Tình chưa nồng đã sắp phải phôi pha” (Đêm tàn)… Hàn Mặc Tử thường xuyên đối thoại với nỗi cô đơn: “Mở cửa nhìn trăng trăng tái mặt!/Khép phòng đốt nến nến rơi châu”. Trường ngôn ngữ tồn tại trong thế đối lập đã mang lại những giá trị ngữ nghĩa thâu tóm các chiều kích không gian, thời gian vô tận.

Thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ được trường thơ loạn sử dụng như một phương tiện hữu hiệu, khoác lên vạn vật những thuộc tính người. Hàn Mặc Tử viết về thiên nhiên bằng trường ngôn ngữ đậm chất tượng trưng thông qua những nhân hóa, ẩn dụ: “Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/ Đầy mình lốm đốm những hào quang” (Ngủ với trăng). Hầu hết các thi sĩ thơ mới đều sử dụng ẩn dụ, nhưng sáng tạo góp phần tạo nên cá tính là điểm nổi bật của trường thơ loạn. Hình ảnh thơ luôn giàu chất tượng trưng: “Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc” (Tranh lõa thể), hay “Hỡi đôi mắt, châu báu của muôn đời” (Đôi mắt). Thi sĩ thường vật chất hóa, biến tất cả những gì thuộc thể lỏng, thể hơi thành vật rắn. Nước mắt được ví như ngọc, dòng châu, pha lê… Với những vật là thể rắn, Bích Khê lại lỏng hóa, hơi hóa. Hai cách trình cảm nhận thế giới ngược chiều đó chính là quá trình tượng trưng thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh ẩn dụ. Cảm thức tự do giúp thi nhân cải tạo ngôn ngữ theo cái nhìn thế giới nghệ thuật của riêng mình, người đọc bắt gặp nhiều tầng ý nghĩa ẩn chìm sau ngôn ngữ.

Có thể nói, khi trường thơ loạn xuất hiện, ngôn ngữ nghệ thuật thơ mới đã thực sự thăng hoa. Dưới bàn tay kỳ ảo của người nghệ sĩ, ngôn ngữ nghệ thuật có khả năng tự ánh xạ, tự bộc lộ những miền sâu thẳm trong đời sống cảm xúc, tâm linh con người. Đó là một sự thay đổi toàn diện về mặt ngôn ngữ thơ, gắn liền với một thời đại đang chuyển mình theo hướng hiện đại hóa. Sự đổi mới ngôn ngữ của trường thơ loạn không chỉ dừng ở những thay đổi về hình thức, mà còn diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau, có chiều sâu, có tính nổi loạn, gắn với cách nhìn, sự diễn đạt tân kỳ, khác lạ về thế giới và đời sống. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, trường thơ này đã mở ra triển vọng về khả năng phát triển cao hơn của thơ mới nói riêng, nền thơ ca hiện đại Việt Nam TK XX nói chung.

_______________

1. Hội văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, Bích Khê- Tinh hoa và Tinh huyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1997, tr.50.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : CHU LÊ PHƯƠNG