Tô Hoài là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Một trong những thể loại ông sáng tác thành công hơn cả là thể loại hồi ký, tiêu biểu với hai tác phẩm: Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Phong cách nghệ thuật Tô Hoài được thể hiện trên nhiều phương diện, tuy nhiên, nét đặc trưng góp phần làm nên phong cách của ông đó chính là ngôn ngữ trần thuật. Nghiên cứu khả năng sử dụng ngôn ngữ trong hai cuốn hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều, chúng tôi nhận thấy nhà văn đã vận dụng khéo léo lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng nhân dân lao động để đưa vào tác phẩm. Đó là thứ ngôn ngữ mang đậm màu sắc địa phương, tự nhiên, dung dị, đậm tính khẩu ngữ với những thành ngữ, quán ngữ gần gũi, quen thuộc của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.
1. Ngôn ngữ mang đậm chất địa phương, dung dị, tự nhiên
Ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài là ngôn ngữ xuất phát từ đời sống quần chúng. Câu từ của ông cất lên từ đời sống. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ được chắt lọc, thôi xao kỹ lưỡng. Tô Hoài không chỉ tích lũy ngôn ngữ quần chúng mà biết cách chọn lựa, nâng cao và nghệ thuật hóa các sáng tác của mình để tăng thêm giá trị. Trong các tác phẩm hồi ký về Hà Nội, do luôn tiếp xúc với người lao động, Tô Hoài đã khai thác, sử dụng rất nhiều từ ngữ trong lời nói hàng ngày của nhân dân. Tác giả thừa nhận rằng: “Ảnh hưởng đầu tiên đến với tôi, không nói về tư tưởng, lập trường chính trị chính là làng Nghĩa Đô của tôi. Người ta nói thế nào thì tôi cứ thế mà xào xáo thành văn. Các tiếng nói ở trong nhà, trong xóm, ở trong làng của của bà con, bạn bè lúc bé, lúc bắt đầu lớn lên nó ăn sâu vào óc mình. Tất cả các tác phẩm đầu tiên của tôi” (1).
Với hồi ký Cỏ dại, Tô Hoài đã dùng một loạt tiếng địa phương, những từ ngữ mà người Kẻ Bưởi vẫn quen dùng. Người đọc có thể lập ra một trường từ vựng của người Kẻ Bưởi, từ những danh từ gọi tên đồ vật, sự vật đến những động từ, tính từ, những lời nói của người Kẻ Bưởi cũng được tác giả dẫn trực tiếp vào tác phẩm: ràn rụa, chõm chọe, nghim nghỉm, cái giại, cái rõi cửa, muỗm, him, trật khăn, xắm, chuôi vồ, binh nó, ruỗi thẳng chân… Ở hồi ký Cát bụi chân ai, nhà văn cũng sử dụng một loạt ngôn ngữ địa phương: dận giày, xế lô, nghiến ngả, ràn rụa… Ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm của ông rất phù hợp với trình độ của đông đảo quần chúng lúc đó khiến người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Hồi ký Chiều chiều sử dụng khá nhiều từ ngữ địa phương: “Các tổ rễ chuối phân tích phát hiện là Lý Vạn giết mụ Lịch để trảm đầu mối” (2); “ở trên rừng, không có lĩnh lương tháng, ông chén tiểu táo – tiểu táo là chế độ cao cấp, còn chúng tôi ăn đại táo lại là hạng cơm ngữ với muối rang” (3); “đủ tiền ăn và thuốc men, nó gửi ngữ, gửi tháng thôi. Nhưng mà cái ngữ, cái tháng của người ta…” (4); “ông học viên nọ đến bàn nẫng một quả chuối rồi quay ra, bóc ăn” (5)…với cách sử dụng từ vựng như thế, Tô Hoài đã tái hiện một cách xác thực, gần gũi lối sống của người đương thời, cho thấy khả năng nắm bắt, thâm nhập đời sống sâu sắc của tác giả.
Trong các từ ngữ trên, đáng chú ý nhất là từ ngữ với nghĩa: chừng mực, mức độ, không chỉ được dùng trong các kết hợp động từ như: ăn tiêu có ngữ: “Tuy được mua gạo có ngữ, nhưng chẳng biết cái đói còn triền miên đến bao giờ, cũng không ai dám ăn no” (6) hay “ăn uống có ngần có ngữ” của tiếng phổ thông được dùng trong các kết hợp với danh từ, hoặc được dùng độc lập như một danh từ: “Buổi chiều ông tôi uống rượu, ông tôi uống ngữ, mỗi chiều áng chừng một cút nhỡ bốn xu; Nửa cút rượu ngữ buổi chiều của ông tôi”, “cứ đến chập tối ông tôi cất cả vào chiếc hòm bàn trong gian giữa bày ra phản mâm cơm có cút rượu trắng, hai người uống ngữ” (7). “Nguyễn Tuân uống rượu ngữ kiểu các cụ ta xưa” (8). Theo Tô Hoài kể, cách dùng đó dựa vào thói quen lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân làng Nghĩa Đô. Trước Cách mạng tháng Tám, những người thợ dệt Nghĩa Đô đi làm thuê thường ăn cơm ngữ và dệt lĩnh lấy tiền tấm. Cơm ngữ là cơm có định mức nhất định, theo sự thỏa thuận giữa chủ và người làm thuê. Cách nói này hiện nay vẫn còn được dùng trong lời nói hàng ngày của nhân dân. Việc dùng “cơm ngữ”, “rượu ngữ” thay cho cơm có định mức; rượu có định mức là một sáng tạo trong lời nói hàng ngày của nhân dân vùng Nghĩa Đô mà tác giả đã tích lũy, vận dụng.
Bên cạnh đó, từ cung cúc cũng được vận dụng khá đặc biệt. Hiểu một cách đơn giản nhất, cung cúc chỉ dáng đi cắm cúi và nhanh vội. Tô Hoài sử dụng sáng tạo mang đến giá trị tạo hình. Khi nói về sự mải chơi, quên cả giờ về, u xách roi đi tìm thì: “Tôi cung cúc chạy về. Bỏ lại cả gươm với kiếm. Vài hôm lại một lần u vác roi đi tìm tôi như vậy” (9). Trong cái dáng chạy cung cúc đó, ta thấy cu Bưởi rất sợ, rất ngoan nhưng chỉ vài hôm sau lại để “U vác roi đi tìm”. Hay Tô Hoài còn viết: “Dì tôi cõng tôi, cung cúc chạy. Vừa chạy, vừa khóc rưng rức. Tôi ngơ ngẩn sợ nép xuống lưng dì” (10).
2. Sử dụng thành ngữ, quán ngữ
Cùng với những từ ngữ địa phương, thành ngữ, quán ngữ trở thành một trong những phương tiện thể hiện cuộc sống sinh hoạt muôn màu muôn vẻ trong sáng tác của Tô Hoài. Tô Hoài đã sáng tạo khi đưa những thành ngữ, từ ngữ điển tích vào trong trang văn của mình. Trong Chuyện cũ Hà Nội, “đời sống thành phố cò con, có các ông Tây ăn trên ngồi trốc. Còn thì, người ta bới bèo tìm bọ, sinh sống trên lưng nhau, nuôi lẫn nhau” (11). Chỉ bằng hai câu văn ngắn nhưng đã diễn tả được sự đối lập cuộc sống của hai tầng lớp: những ông Tây thì nhàn hạ, không làm được tích sự gì, còn những người dân nghèo thì vất vả, cực nhọc, kiếm từng miếng ăn. Ta còn bắt gặp các thành ngữ khác như: “Người vô công rồi nghề, người thất nghiệp đâu cũng nhan nhản” (12); “xác người chết nào cũng dẹp đét như con mắm” (13); “một luồng nước ào ào trên trần nhà xuống, như đi giữa đường gặp mưa xối xả tối tăm mặt mũi” (14); “suốt ngày đường, xẩm tối mới tới bệnh viện Thuận Châu – phúc bẩy mươi đời, bệnh viện mới được trang bị đồ mổ và bác sĩ chuyên khoa cũng vừa ở Hà Nội lên, chưa đụng đến dao kéo” (15).
Tô Hoài sử dụng thành ngữ như một trong những phương tiện để thể hiện bức tranh hiện thực cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, tạo ngữ cảnh cho câu chuyện, góp phần khắc họa tính cách nhân vật. Đọc cả hai cuốn hồi ký, đặc biệt Chiều chiều, hầu như trang nào cũng có lối diễn đạt ấy. Có khi là những thành ngữ, quán ngữ được nhà văn, nhân vật sử dụng khi diễn tả nguyên vẹn điều mình nói. Chẳng hạn để nói về tính mê gái của Nguyễn Bính, ông dùng thành ngữ “quạ vào chuồng lợn, ếch vồ hoa”. Phan Khôi thì “lời lẽ ngang như cua”. Anh chủ hàng phở Khải là kẻ “thân làm tội đời”. Nhà triết học Trần Đức Thảo chỉ tháng ngày quanh quẩn “cơm niêu nước lọ”… Ngoài ra, còn một loạt các thành ngữ như “khỉ ho cò gáy”, “lo bò trắng răng”, “năm cùng tháng tận”, “nước đến chân mới nhảy”, “thân làm tội đời”… được đưa vào lời dẫn truyện hoặc lời các nhân vật. Đôi khi Tô Hoài cũng dùng ngôn ngữ rất dân dã, bỗ bã khi định danh các nhà văn. Trong Cát bụi chân ai, Nguyễn Tuân xuất hiện qua tên gọi “tay ăn chơi sành điệu, cây sáng kiến”; Xuân Diệu được mệnh danh là “con ma ăn”; Nguyên Hồng là “bác gà trống cựa”; Vũ Trọng Can “đôi mắt chó giấy” nghe thật hài hước lại vô cùng đáng yêu.
Cách so sánh của Tô Hoài cũng thật lạ. Khi đi thực tế, đào hố ủ phân, cái công trình ròng rã bao nhiêu ngày trời của nhà văn và Phùng Quán, được tả thế này: “Cái hố của chúng tôi đã cao lùm lùm, lổn nhổn nhoét bùn, đắp ôm lá lên, xanh rã rợi như cái mả mới” (16). Lối miêu tả vừa cụ thể, vừa sinh động, cách đối chiếu dân dã ấy đã gây được ấn tượng mạnh với người đọc. Hình ảnh thị trấn Hải Dương sau những năm tiêu thổ kháng chiến cũng được nhà văn khắc họa ấn tượng: “Được vá nham nhở các bức tường và cửa hàng mặt tiền quét vôi, ốp mấy hàng gạch hoa duyên dáng như cô gái trong làng diện áo phin trắng mà lại đi chân đất” (17). Cái cọc cạch “lốm đốm dấu vết thời sự và thời gian” cũng tạo nên một nét rất riêng của mảnh đất ấy. Mượn cách duy nghĩ bằng hình ảnh cụ thể của người nông dân, Tô Hoài có những nhận xét, những khám phá vừa mới, vừa lạ nhưng cũng lại rất nhà quê.
Trong cách sử dụng ngôn ngữ, Tô Hoài không viết theo mô hình câu có sẵn. Ông tự tìm tòi ngôn ngữ riêng để diễn đạt cho phù hợp với chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Với hồi ký Chiều chiều, ông đã sử dụng nhiều và có cách vận dụng sáng tạo những thành ngữ, quán ngữ: “Đi vào các đề tài sáng tác, chuyện tự nhiên với chúng tôi, nhưng đã bị mấy phen vấp váp đến lần tai bay vạ gió này thì quá rồi” (18), “tôi đùa: – Lại ôn nghèo gợi khổ, bắt rễ xâu chuỗi à?” (19), “tôi nghe mà rối ruột, thế là tại lười, tại không ăn nên làm ra, tại những gì nữa, anh này có bị địa chủ đè đầu cưỡi cổ không?” (20), “chuyện đã lâu và cứt trâu đã hóa bùn, con quạ mổ vẫn đĩ tính, chua ngoa, chẳng ai dám dây” (21), “già đi nhiều, anh vốn nhỏ người, bây giờ càng lủi thủi mình hạc xác ve” (22)…
Cái “duyên” trong hồi ký của Tô Hoài cứ theo dòng của những câu chuyện được viết bằng ngôn ngữ thật nhẹ nhàng, thật giản dị, thật quen thuộc với đời sống mà tỏa ra. Sự tham gia của các yếu tố thành ngữ, quán ngữ,… đã diễn tả súc tích, ấn tượng những điều mà nhà văn muốn phản ánh.
Như vậy, trong cách sử dụng ngôn ngữ, Tô Hoài đã luôn trau dồi, học hỏi ngôn ngữ trong cuộc sống đời thường của người dân làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội và không ngừng sáng tạo làm nên nét riêng trong cách viết. Trong các cuốn hồi ký, Tô Hoài đã đưa ra một hệ thống từ ngữ mang đậm màu sắc địa phương, từ ngữ thông tục, và những thành ngữ, quán ngữ, điển tích rất gần gũi, quen thuộc của một vùng quê ngoại thành – Hà Nội đồng thời vận dụng rất khéo léo, sáng tạo, tạo sắc thái gần gũi, bình dị trên từng trang sáng của nhà văn. Tất cả điều đó góp phần làm nên phong cách nghệ thuật Tô Hoài.
____________
1. Phong Lê, Vân Thanh, Tô Hoài về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.429.
2, 3, 4, 5, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22. Tô Hoài, Chiều chiều, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội, 1999, tr.47, 37, 158, 138, 92, 108, 17, 32, 34, 52, 124.
6, 7, 11, 12, 13, 14, 15. Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2000, tr.76, 656, 48, 48, 229, 665, 188.
8. Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1992, tr.292.
9, 10. Tô Hoài, Cỏ dại, Nxb Trẻ, Hà Nội, 1998, tr.130,76.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018
Tác giả : VŨ THỊ THƯƠNG