Tôi đang bù đầu bên đống sổ sách, bất chợt có tiếng chuông điện thoại réo kêu dồn dập…

Tôi ngoái sang nhìn, số máy một người lạ không thấy lưu tên trong danh bạ.

Vốn dĩ cứ người không lưu trong danh bạ thì tôi chưa nghe vội, hoặc không nghe. Khoảng 5 phút sau lại một hồi nhạc chuông đổ dài đến não cả ruột, tôi cầm điện thoại lên thì vừa lúc hồi chuông cũng tắt. Tôi chợt thấy dòng tin nhắn “Có phải Em BP không? Anh là người mà hơn 40 năm về trước… Một cô gái Mường đánh rơi chiếc huy hiệu đoàn xuống gầm thuyền, chính cô gái ấy đã tiễn Anh nhập ngũ… Nếu được, hẹn gặp Em, 16h hôm nay tại góc khúc bờ Đà giang”.

Nhìn dòng tin nhắn một hồi suy đoán, tôi sửng sốt – đúng Tâm rồi! Tâm đây rồi!… Người mà tôi đợi chờ suốt cả thời con gái để rồi thất vọng: Anh đã lên đường ra trận không tin tức gì về! Vậy mà nay phép màu nào đã đưa anh trở lại với tôi! Và dòng ký ức của một thời xa vắng bỗng ồ ạt hiện lên trong đầu tôi, nét như màn hình ti vi vậy!

*

Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, lúc bấy tôi còn là cô nữ sinh nhỏ bé của trường cấp III Thị xã, nằm bên tả ngạn sông, lúc bấy giờ đường tôi đến trường phải qua chuyến đò ngang của HTX Tiên Tiến chở khách qua sông, trong đó học sinh họ chỉ thu 5 xu mỗi lượt đi, về. Ngồi xuống khoang, tôi thò tay lấy đồng 5 xu trả tiền đò, vô tình đánh rơi chiếc huy hiệu đoàn xuống gầm thuyền…, tôi che mặt khóc nức nở. Tôi là đội cờ đỏ, phải đầy đủ để còn chấm sao của trường, giờ biết làm sao đây? Thật nay, Tâm đã nhường tôi huy hiệu của mình. Thì ra Tâm đã để ý tôi từ lúc nào!

Rồi mỗi buổi ra chơi Tâm lại nhặt những cánh phượng trên sân trường mà kết thành những con chuồn chuồn, giấu đi để tan học ra về mang xuống thuyền tặng cho tôi…

Thấm thoắt thời gian trôi theo những tờ lịch êm đềm… Anh và tôi không biết từ lúc nào đã yêu nhau, nhưng gặp nhau thì không dám nói, mà quay đi, quay lại rồi dúi vào tay nhau mảnh giấy vài dòng chữ  “Anh yêu Em…”, “Mai lại tới nhé”…

Chiến trường những năm 1972 – 1975 giặc giã ngày đêm càn lấn, Tâm đã tình nguyện lên đường. Song mãi tới khi cầm tờ quyết định nhập ngũ trên tay anh mới nói với gia đình. Còn riêng tôi buổi chiều hôm ấy, anh vẫn hẹn như lệ, chỉ có điều nom anh lạ lạ, khang khác.

Nét mặt vô cùng hớn hở, anh bạo hơn mọi ngày, mạnh dạn hơn, tôi cảm nhận cái nhìn đau đáu từ anh, bàn tay tôi nóng lên bởi cái nắm tay anh chật lạ. Tôi thẹn thùng ửng hồng đôi má! Anh lắp bắp nói điều gì tôi chưa nghe rõ.

Rồi sau đó, rất nhanh, anh dúi vào tay tôi một lá thư dày cộm bốn trang giấy được xé từ quyển vở viết bài. Song anh vụt chạy đi, tôi ngập ngừng không dám hỏi mà chỉ biết nhìn theo cái dáng đang chạy ào đến một đám đông thanh niên đang hò reo và cùng trèo lên chiếc xe ô tô thùng từ từ chuyển bánh về phía con đường. Tôi len lại mới biết các mẹ, các chị đang tiễn con, em mình lên đường nhập ngũ.

Tôi ngồi bệt xuống bên hàng phượng ven đường, bóc lá thư ra xem, nước mắt lưng tròng, tôi ngẹn ngào ân hận! Sao anh không nói trước, để tôi có thể tặng anh bộ dây màn mà tự tay tôi mới bện, hoặc một chiếc khăn mùi xoa tôi đã mua, có ý để tặng anh từ đã lâu…

Khói lửa của chiến tranh không làm mờ những lá thư viết từ trên vỏ những bao thuốc lá Tam đảo, hiếm hoi lắm mới có một lá thư bằng tờ giấy trắng… anh đã đều đặn gửi về cho tôi. Chúng tôi lúc này thực sự yêu nhau thắm thiết! Tôi tìm đến hỏi thăm và được biết hai bác thân sinh ra anh cũng đã chuyển về quê vùng biển sau khi anh đi bộ đội.

Năm 1975 cuộc chiến kết thúc… Biết bao nhà vợ mất chồng, cha mất con. Còn tôi thì chờ mong thư anh khắc khoải: năm tháng, bảy tháng, mười hai tháng trôi qua. Rồi một năm, hai năm, ba, bốn năm… cứ kéo dài thăm thẳm. Tôi chờ đợi anh suốt một thời con gái để rồi thất vọng. Tôi nghĩ tôi đã mất anh! Anh đã ra đi mà không trở về

Chiều hôm ấy, tiếng là ngày hè, nhưng tiết trời hoàng hôn dìu dịu mát lành bởi làn gió nhẹ thoảng từ phía thượng nguồn đưa hơi nước đổ về. Theo như lời hẹn trong tin nhắn, tôi tìm ra bờ sông, đưa mắt nhìn xuôi, nhìn ngược, phát hiện ra ở một góc khúc lượn của con đê có một bóng người đàn ông đeo cặp kính đen, trên tay cầm chiếc gậy bằng cây song to như cái điếu cày ngoài ủy ban xã, một đầu cong lưỡi câu đang được chủ nhân đặt ngang trên đùi. Anh đang đưa mắt nhìn về bên kia bờ trái. Đúng Tâm rồi! Nhưng vóc người thì gầy và đen quá.

Tôi cố tình đạp mạnh chân chống chiếc xe LEED của mình để khiến anh quay lại. Nhưng không, anh vẫn ngồi im như pho tượng, cảm giác như chẳng nghe tiếng gì. Tôi thận trọng quay nhìn xung quanh. Dưới bến sông, có một người đàn ông đang ngồi câu cá, anh ta rít mạnh từng hơi thuốc khiến làn khói bện vào nhau trôi về phía anh. Tôi giả vờ đánh tiếng: “Câu được cá không anh”? Không nghe tiếng trả lời của người câu cá, mà tôi nghe chính người đàn ông tôi đang cố ý đánh động gọi “BP phải không Em?”. Lòng tôi rung lên, tim đập như trống hội làng, mắt nhòa lệ bỏng: “Dạ… Em đây! Đúng thật anh Tâm đấy ư?”. Tôi chỉ nghe đáp lại một câu thong thả: “Anh đây!”. Tôi đi lại gần và ngồi sụp xuống cạnh Tâm, giọng nói của anh vẫn như ngày nào, hình ảnh kỷ niệm của anh hơn bốn mươi năm về trước đang ùa về trong tôi. Anh vòng tay sang quàng vai, ôm cổ tôi vào lòng. Nhưng đặc biệt anh không nhìn vào mắt tôi như ngày nào, mà cứ đưa mắt nhìn xa tít đâu đâu, một nơi xa xăm nào chẳng biết! Tôi khóc nức nở. Miệng anh lẩm bẩm: “Tại anh… Tại anh”!

Tôi nhẹ tay cầm chiếc gậy trên đùi anh đặt xuống đất, rồi vục mặt xuống lòng anh mà nức nở! Anh cúi xuống áp bên má vào trán tôi nóng bỏng nói: “Nó là bạn của anh trong suốt cuộc đời”.

Tôi tò mò hỏi chuyện về anh. Anh cho biết, chiến trường ác liệt tháng 4 năm 1975 tại Quảng Trị, anh chiến đấu bị thương mù cả hai mắt, da thịt anh cộm lên những vết sứt sẹo. Anh em cứu thương đã đưa anh về tuyến sau điều trị, nhưng tình trạng nặng quá, ranh giới cái chết, sự sống quá mỏng manh. Vì yêu thương tôi, nên anh kiên quyết “bặt tin” để tôi yên bề gia thất. Tới giờ anh đang được hưởng chế độ nhà nước nuôi trọn đời, có người chăm sóc mà anh vẫn độc thân, chỉ có chiếc gậy bằng song kia là bạn. Anh kể chuyện cho tôi nghe, vô tình giọt nước mắt anh lăn trên trán tôi nóng bỏng, anh nói “Tại Anh! Tại Anh mà! Anh không trách Em đâu”.

Tôi đưa mắt nhìn xuống mặt sông, người thanh niên tôi đánh tiếng hỏi ban chiều vẫn ngồi nguyên chỗ đó “câu cá”. Mặt sông vẫn cuồn cuộn sóng. Phía thượng nguồn đang xả lũ mùa mưa. Phía bên bờ trái, những hàng phượng cuối hè đã trút hết cánh còn trơ lại những cuộng chờ mùa sau. Anh nói với tôi: “Mùa này cuối hạ chắc bên đó hoa phượng không còn, nên anh cũng đỡ buồn vì không còn phải tết những cánh hồng làm chuồn chuồn tặng Em được nữa”…  Anh âu yếm vuốt mái tóc tôi và nói: “Đừng khóc nữa Em! Sắp đến ngày 27/7, ngày của các anh, ai cũng tự hào! Không khóc”.

Với anh; không hiểu sao mọi công việc tôi làm anh đều biết hết, chuyện chồng con, và hoàn cảnh gia đình tôi anh nắm rõ làu làu, anh không hỏi mà cũng không cần tôi kể, đó là điều mà tôi thấy lạ, anh chỉ khuyên tôi “Em làm vừa thôi, giữ gìn sức khỏe…”

Hoàng hôn trườn qua bờ vai khắc khổ của anh lặn xuống sau núi đi ngủ, tôi nhặt vội những sợi tóc gẫy còn dính trên cổ áo anh rồi buông thõng xuống đất. Hiểu ý tôi, anh cười nói: “Dấu hiệu thời gian đó em ả… Lá vàng về cội thôi…”. Lúc này tôi mạnh dạn nhìn thẳng lên, khuôn mặt vuông vức của anh khi xưa non tơ là thế, mà nay hiện về những vết chân chim giăng hàng, cằn cỗi, dị dạng với những vết sẹo dài xám ngoét. Anh bảo tôi: “Ta đứng dậy ra ngoài vòng bờ đê, sang quán sau lưng uống nước đi em”. Tôi đưa tay đỡ anh dậy, anh vội xua tay tôi và bảo “Để anh, lâu nay tự lực quen rồi”. Quả vậy bàn tay anh khua khua chiếc gậy vô cùng thành thạo.

Tôi dắt anh ngồi vào quán trà mạn bên đường, trong lúc bà chủ quán mải pha trà, anh đưa mắt nhìn sang phía tôi cười nói: “Sóng mãi ôm bờ cát…”.  Bỗng bà chủ quán quay lại nhìn vào chúng tôi hỏi “Nay bác uống trà mạn ạ?”. Tôi ngỡ ngàng chưa hiểu hỏi ai, bà chủ quán hỏi tiếp: “Anh bạn hay đi với bác chiều nay không đến ạ?”. Anh vội trả lời bâng quơ trống lảng “Nay tôi uống trà mạn vẫn ngủ được”…

Thế là tôi bắt chuyện với bà chủ quán, để kéo dài thêm thời gian được gần anh.

Ấm trà chưa nhạt, nghe tiếng động tôi giật mình ngoái nhìn sang sau lưng thấy chiếc xe máy màu xanh rêu cũ kỹ đang đứng chờ sẵn. Anh đứng dậy giang vòng tay ôm lấy cổ tôi và nói: “Thôi, tạm biệt em nhé!”. Tôi ngỡ ngàng mà chẳng kịp hỏi người đón anh là ai, hẹn anh từ bao giờ để nhanh đến thế? Tôi cũng còn chưa kịp hỏi về cuộc sống riêng tư của anh, chưa kịp biết anh ở đâu hiện giờ, bao giờ anh lại gọi điện hẹn tôi như hôm nay…

Chiếc xe mô tô dần dần chuyển bánh, anh ngoái lại bảo tôi “Về đi em, tối rồi đó”. Tôi vội vàng bước hụt xuống lề đường, định theo níu anh lại, anh khuơ tay một lần nữa: “Tạm biệt TP nhé!”. Tôi đứng như chết lặng, không khóc nhưng nước mắt cứ lăn dài trên gò má.

Tiếng của bà chủ quán gọi: “Chị quên chiếc túi”. Còn chưa kịp cảm ơn chủ quán, lòng tôi sực sinh nghi ngờ. Tôi vội bước nhanh chân ra xa hơn để nhìn xéo  xuống bến sông, cố ý tìm nhưng không thấy người câu cá ban chiều đâu nữa. Bà chủ quán lại gọi tiếp: “Chị còn cái túi”. Tôi ngoái đầu quay sang đi về phía bà chủ quán, với ý định để tò mò câu hỏi ban nãy với chúng tôi: “Xin lỗi chị! Chị có biết hai người này ở đâu không ạ?”. Tôi vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn chủ quán lòng tôi mừng khấp khởi chờ nghe câu ngắn gọn: “Có”. Nhưng bà chủ cứ nói loanh quanh dài dòng: “… Hai người này thi thoảng lại dắt nhau ra đây ngồi uống nước, hút thuốc, rồi cùng ra bờ sông ngồi một lúc lâu lại về, không nghe họ kể chuyện gì, mà cũng chẳng biết họ từ đâu, về đâu. Nhưng hôm nay lạ hơn mọi ngày… Thấy anh bạn lai xe máy ban nãy, họ đọc cho nhau viết gì trên bàn phím điện thoại tôi không nghe rõ…” Nghe bà chủ quán nói vậy, thế là tôi đã hiểu ra.

Tối hôm ấy mù sương, ánh điện bờ sông buông xuống lành lạnh bờ vai, tôi dắt chiếc xe LEED của mình ra khỏi quán trà, rồi đi ngược về phía thượng nguồn, đứng nhìn dòng nước tuôn bọt trắng xóa, vuốt sạch cho những hòn đá cuội ngàn năm kia trở thành nhẵn thín. Gốc cây rù rì, khóm lau, khóm sậy ven bờ cũng đang đau xé tả tơi vì bị nước quấn dập vùi. Đó đây ánh điện đường hôm nay nhìn hiu hắt quá, khiến chân tôi chậm chạp nặng nề. Tôi quay lại ra về, đoạn đường mà thường ngày tôi vẫn đi, sao hôm nay như dài hơn, xa hơn bao nhiêu. Trong lòng tôi ngổn ngang: Tâm đang ở đâu? Về đâu? Tối nay, về giờ này cơm còn nóng để anh ăn không? Ôi! Thành phố hôm nay mênh mông quá. Còn riêng tôi trở về đến nhà, về với tổ ấm của mình, với đàn cháu ríu rít chạy ùa ra mừng đón quà “Bà về rồi! Bà về rồi!” Cánh cửa sắt được đẩy ùa sang ngang, ông xã tươi cười: “Bà đã về, đưa xe tôi dắt”… Tôi lóng ngóng vuốt lại đầu tóc, bồng đứa cháu nội vào lòng: “Bà hôm nay… quên mua quà cho cháu, cho bà khất hôm khác nhé Cưng!

Đêm… Ngoài trời sụt sùi mưa từng cơn không ngớt, tôi ngồi gom nhặt những ký ức của tháng năm đang lũ lụt ùa về, và chợt nhận ra rằng: Tâm lúc nào cũng đau đáu một điều là mong được mang lại hạnh phúc cho tôi. Lúc này đây Anh vẫn ngầm theo dõi từng bước, từng bước đi của đời tôi. Tôi mạnh dạn gọi lại số điện thoại ban chiều và nhận được câu tổng đài hồi đáp: “Thuê bao quý khách hiện không liên lạc được”. Tôi thất vọng nhẹ buông chíếc điện thoại xuống bàn, rồi chốc chốc lại ngoái nhìn sang màn hình chiếc iphone xem có tín hiệu gì khác lạ. Với một điều ao ước duy nhất: Lại có được hồi chuông của số máy “không trong danh bạ”.

Nhưng từ trong sâu thẳm, tôi biết phía trước, những ngày tháng tới, cuộc đời tôi sẽ phải đối diện với sự trống vắng…

Nguồn Văn nghệ số 50/2018