Nhà thơ Anh Thơ - Những sáng tác hay nhất của nhà thơ Anh Thơ 1

Nữ sĩ Anh Thơ (1919-2005) tên thật là Vương Kiều Ân (Vuơng là họ cha, Kiều họ mẹ). Sinh năm 1919 tại Ninh Giang (Bắc Việt). Cùng chúng tôi điểm qua một số sáng tác nổi tiếng của nhà thơ qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những sáng tác hay của nhà thơ Anh Thơ

Nhà thơ Anh Thơ - Những sáng tác hay nhất của nhà thơ Anh Thơ 2
Tổng hợp những sáng tác hay của nhà thơ Anh Thơ

Chiều Xuân

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Bến đò ngày mưa

Tre rũ rợi ven bờ chen ướt á
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lại đậu chơ vơ.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.

Rằm tháng tám

Trời trong sáng, trăng tròn lơ lửng gió
Đồng mờ sương khóm chuối lặng mơ màng
Những ao biếc ngâm sao đầy nước tỏ
Bụi tre ngà lơi lả uốn lưng cong.
Trong đường xóm trống chiêng chung nhịp nổi
Trẻ con theo sư tử rước vang ầm.
Ngoài đình sáng tiếng cười chen tiếng nói
Gái trai làng ra họp hát trống quân.
Trong khi ấy phất phơ khăn với áo
Các bà đồng ra điện lễ, cười vui.
Nghiêm lặng nhất có vài ba ông lão
Thả con thuyền uống rượu với trăng trôi.

Sang thu

Gió may nổi bờ tre buồn xao xác!
Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây;
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
Trên đê cỏ dựt diều sa đứt sợi,
Gã mục đồng chán nản lắng tai nghe
Trong thôn xóm hóa vàng nghi ngút khói
Gió vang âm tiếng trống cúng ra hè.
Bên bến nước đò ngang chưa ghé tới,
Khói lam chiều đã thoảng tiếng chuông vương.
Bọn chờ thuyền nhìn nhau đang sợ tối
Bỗng rùng mình như cảm thấy hơi sương.

Ngày tết

Trước cổng làng chòm nêu vừa thức gió
Bụi mưa phùn đã đổ xuống sân vôi,
Tràng pháo chuột đua nhau đì đạch nổ
Xác giấy hồng bắn cả cánh hoa rơi.
Trong nhà đỏ bàn thờ nghi ngút khói,
Những đàn bà tíu tít chạy bưng mâm,
Lũ con trẻ vui mừng thay áo mới
Bên ông già hương nến quá chuyên tâm.
Ngoài đường ngõ bùn lầy theo nước chảy
Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà.
Các cô gái đội vàng hương ôm váy
Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua.

Chớp mắt

Có những ngày buồn chả ước mơ
Bỏ ăn, quên ngủ, biếng làm thơ.
Cứ ngồi ngơ ngẩn bên song cửa
Nhìn liễu rơi vàng lá báo thu.
Thương thay cây liễu sống cùng ta
Đã sáu năm rồi bóng thướt tha.
Chiều mát, vợ chồng ngồi dưới gốc,
Nhìn liễu mền đưa tơ lướt la…
Thấy cả mùa hè biếc, mát tươi
Bóng anh đăm đắm dõi chân trời
“Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Anh sợ thu về lá lại rơi…”
– Lá rơi rồi lá lại xanh!
– Nhưng thương thân liễu dứt tơ mành!
Ai hay tiền định lời tiên đoán
Mùa lá rơi vàng em mất anh!
Giờ một mình em ngắm liễu đây!
Thu chưa se sắt đã thân gầy.
Anh đi buổi mới mù mây nước
Chớp mắt hai mùa sương trắng bay!

Chiếc nón quai thao

Tua óng tơ ngà tha thướt gió,
Vành vàng lá lụa nắng tươi xinh.
Khuôn hoa e lệ trong khuôn nón,
Si mắt chàng trai liếc gửi tình.
Nhưng dép cong nghiêm bước thẳng đường,
Ðâu ngờ tơ nón gió vương vương,
Chàng về, mắt đắm sầu xa vắng…
– Cả một trời xuân nhạt nắng hường!

Thương em

Trong tiếng rên của anh, em thiếp ngủ
Không biết tự lúc nào?
Đêm đã tàn canh
Chợt choàng dậy, giật mình!
Nhưng tự nhủ!
Chợp mắt chút rồi, thêm tăng sức trông anh
Nhưng nhìn lại, anh vẫn nằm bất động
Miệng trắng khô, không dứt tiếng kêu rên
Em vội lấy mật ong lau cho ướt giọng
Rồi xoa mảng ngực gầy, dỗ anh cố ngủ yên
Giờ nhớ lại, xót xa, vì sự thật
Anh gắng nằm im, bởi quá thương em
Nhưng bệnh đau, lệ vẫn dàn khoé mắt
Một phút lặng ngừng.
Như cả đất, trời nghiêng!

Về nhà

Về nhà! Về nhà! Về nhà! Về nhà!
Tiếng anh da diết suốt đêm qua
Biết mình bệnh nặng không qua khỏi
Nghe thắt lòng? “Ước muốn xót xa”.
Anh biết rồi đây tổ ấm êm
Mình em một bóng, một tim đèn
Anh thương vợ, thương căn nhà vắng
Ước một lần thôi sống với em!
Nhưng bệnh đang cơn thiếu ốc-xy
Tay chân bại liệt sao mà đi?
Chung quanh bác sĩ rồi y tá
Rối rít truyền thêm thuốc cứu nguy!
Về nhà! Về nhà! Về nhà! Về nhà!
Hôm nay rước ảnh với hương hoa
Em đưa anh về lại nơi mong muốn
Ấp ủ tình riêng giữa chúng ta!
Con, cháu, bạn bè theo bước em
Màn xô loá trắng ánh hoa đèn
Thắp hương ba nén, ba lần vái
Hồn linh anh hãy ở cùng em!

Đêm ba mươi tết gửi Ai Mai

Đêm ba mươi tết một năm xưa,
Để mặc mình me dọn án thờ
Chị rủ em ra gương thử áo,
Cùng cười sung sướng với ngây thơ.
Khi thầy me kêu: rõ gái lười,
Chỉ chăm trang điểm để đi chơi.
Nhưng me vẫn phải nhìn âu yếm,
Con gái me cùng lớn cả đôi.
Đêm nay cũng lại đêm ba mươi
Chị đã cùng em lặng ngậm ngùi
Dọn án thờ me và chỉ nhớ
Đôi đầu khăn trắng thắt ngang thôi!
Đêm ba mươi tẽt một năm xưa,
Chị đã cùng em dọn án thờ
Chị đã cùng em ngồi khóc mẹ,
Khóc ngày êm ấm buổi ngây thơ,
Đêm nay cũng lại đêm ba mươi,
Trước án thờ me chị ngậm ngùi,
Hương khói một mình, em sớm đã
Theo chồng xum họp chốn xa xôi!

Nhớ dài

Tàu đi trong bóng hoàng hôn,
Đường dài sương tối, khói dồn mây đen,
Gió bay sầm sập máy rền,
Hoa than phấp phới, hoa đèn ai trông?
Này đây cầu lạnh lùng sông,
Này đây quán vắng giữa đồng mênh mang…
Trông không dãy chợ bên đàng,
Âm u vài luỹ tre làng xa xa…
Dặm dài… ga lại rồi ga,
Ánh đèn điện trắng, hay là bình minh?
Nhớ ai ai có nhớ mình?
Trăng cao một mảnh chung tình đua nhau.

Vườn xưa

Kính tặng hương hồn bác tôi
Đây một giàn lan che bóng lan,
Dăm thân tùng trúc đứng nghiêm hàng.
Vài hòn non bộ, nhiều đêm vắng.
Biển cạn đầy trăng, cá đớp vàng.
Và khi vườn chủ tóc như sương
Gậy trúc lang thang dạo khắp vườn.
Là lúc hồn thơ say ý rượu,
Tìm hồn hoa lạc dưới trăng suông.
Rồi cả vườn cây nghe tiếng ngâm,
Nâng cao hồn mộng quyện hương trầm.
Sau khi gót hạc dừng hiên nguyệt,
Chén rượu hoà trăng rót mãi vần.
Nhưng nay lạnh lẽo bóng trăng sang,
Lan héo lòng hoa, trúc võ vàng.
Cá chẳng đùa trăng, trong biển cạn
Vài hòn non bộ đứng cư tang.
Vì chưng vườn chủ tóc như sương,
Gậy trúc chiều qua đã dắt đường
Thơ rượu say về tiên giới ấy,
Vườn xưa để lạnh bóng trăng suông!

Đêm trăng xuân

Đồng lặng lẽ suơng mù buông bát ngát,
Ao âm thầm mây tối ngập mênh mang.
Gió im vắng, tự từng không man mác
Mây bay trăng nhè nhẹ dệt tơ vàng.
Và nhè nhẹ trong tơ trăng phơ phất,
Khóm tre xanh lướt gió uốn cung đàn.
Làng xóm lặng say đi trong giấc ngát,
Những hương đào, hương lý dậy miên man.
Ngoài sông nước, thuyền im về đỗ ngủ,
Mưa mênh mông, trăng xuống, gió tơi bời.
Bến bỗng nổi một dịp cười như rú,
Sông rùng mình, nước rợn bóng ma bơi.

Chợ ngày xuân

Mưa vừa tạnh, nắng bừng trên quán mới,
Trên cây đa lấp loáng gió lao xao
Trên những giải lưng điều bay phấp phới,
Các cô nàng lơ lẳng nón quai thao.
Chợ đông quá! Chỗ này vài chiếu bạc,
Những chàng trai ô mới mở dương vây;
Cười nói, nói luôn mồm và chỗ khác
Mấy cụ ngồi nhắm rượu gật gù say.
Nhưng đông nhất quán hàng người đoán thẻ
– Một lão già kính trắng, bịt khăn đen –
Các cô gái chen nhau vào, vui vẻ
Nghe Thánh truyền sắp đắt mối lương duyên.

Sáng hè

Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ,
Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây;
Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ
Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say.
Người dậy cả, bà già lần thổi bếp,
Thằng cu con rụi mắt quét quàng sân.
Cùng trong lúc gà lồng kêu chiếp chiếp,
Và lợn chuồng ủn ỉn giục cho ăn.
Bên ao nước bèo chen rau muống nổi?
Mẹ rồi con xắn váy cúi khom, và
Người vớt bèo, người khều rau hái vội,
Vì trên đường lên chợ đã người qua.

Vào hè

Nắng đã nực, cây vườn im thở gió,
Ngõ đầy ruồi, vắng bóng bướm ong qua.
Tiếng cuốc gọi chiều chiều vang bụi cỏ.
Và chiều chiều đom đóm rủ nhau ra.
Các đình chùa đã bắt đầu dựng rạp,
Những vàng hương, mũ mã chất như non,
Người từng lũ kéo nhau vào cầu mát,
Mấy đêm ngày chiêng trống chập choeng luôn.
Trong đồng lúa cũng bắt đầu khát nước.
Lũ gái tơ uể oải kéo dây gàu.
Đã hết cả những hội hè đám rước,
Vào việc làm. Họ chán cả chào nhau.

Tết mồng năm

Gà mới gáy, trời còn chưa sáng rõ
Tiếng người rao rượu nếp đã vang đường.
Chợt thức giấc gọi nhau trừ sâu bọ,
Khắp xóm nhà rộn rịp dậy trong sương.
Đây bà lão ra vườn tìm lá thuốc,
Kia thằng cu đứng cửa gặm đào xanh.
Các cô gái mừng móng tay đỏ nước
Những anh chàng xuống giếng tắm rôm nhanh.
Ngoài cổng chợ từng dẫy người bán lá
Các ông già chống gậy đến tranh mua
Cùng trong lúc giắt nhau cười hỉ hả
Đĩ con mừng được mẹ sắm bùa tua.

Bé yêu ơi, hãy đợi…

Sao chiều nay mẹ nhớ con day dứt
Chắc giờ này, con ở trường ra.
Túi cà chua, xách sau cặp vở.
Bước nhanh nhanh, chào bạn về nhà.
Bế bé Loan đang ra đón chị
(Chỉ có bé Loan, mẹ ở nước ngoài)
Con thay mẹ lo làm nội trợ.
Cất sách học lên bàn, lấy gạo, rửa khoai.
Nồi canh chua, con có nấu cho ngon
Xoong mì luộc, để ba chan nước cá
Miệng tính toán, mắt buồn thương nhớ
– Ước mẹ về, ăn cơm nấu của con:
Ôi ước mơ bé nhỏ sao thương?
Bé của mẹ! Bé Việt Nam gian khổ
Còn thằng Mỹ, các con còn vất vả.
Mười tuổi đầu, không dám ham chơi.
Mẹ thương con, nước mắt muốn rơi.
Trên bán đảo Cri-mê chiều nay pháo hoa vừa rực sáng
Báo hiệu mùa hè – một mùa vui tắm nắng.
Dưới biển, trên rừng ánh điện chói chang.
Mẹ đi trong đêm hội tưng bừng
Chiếc tàu trắng như thiên nga, cánh vẫy.
Nếu có con, mẹ vui biết mấy!
Nhìn bé Liên Xô nơ nắng áo hồng
Con của mẹ cũng xinh như thế
Con của mẹ cũng như bao bạn bè
Trên đất Việt Nam chiến đấu anh hùng.
Đuổi Mỹ cút rồi, ta cũng ăn pháo bông
Mặt biển đông, tàu cũng đi như thiên nga cánh vẫy
Mẹ sẽ vui cùng các bà mẹ Việt Nam lộng lẫy
Dưới ánh hào quang sáng biển, đẹp rừng.
Bé yêu ơi, hãy đợi buổi vui chung.

Cô gái Hải Châu

Biển tràn bãi cát giữa cơn trào
Sông Yên quanh làng xanh phi lao
Cô gái Hải Châu hay cánh gió
Tìm cô, ai hay tìm phương nao.
Phải đây ô nề đang đọng muối?
Hay dọc lòng mương tràn thúc lợi?
Giữa đồng lúa chín gió Lào khô?
Trên đỉnh Bộc Sơn vừa hái củi?
Con thuyền ai tải đạn qua sông?
Ghếch mũi nằm trong sú, nước dòng.
Nhớ buổi bập bênh tránh từng cột nước
Lửa lòe trước mặt, bom sau lưng.
Anh thương binh nào, máu ra đã ngất?
Trên vai trốn cô cũng nhanh chân
Anh có hay giọt nước mắt thương thầm?
Khi cô nghiêng mình che cho anh đạn giặc…
Ụ Pháo còn đây sạm đen bờ đất
Câu chuyện đang vui giữa đạn nổ giòn:
“Anh hẹn em về sau ngày thống nhất!”
Bỗng tiếng bom thù cắt dứt tiếng yêu thương.
Và khi máy bay Mỹ rơi trắng những cánh dù
Máng nổi mương chìm trắng thêm ruộng muối
Khoai tiếp lúa mùa, kê vàng gió ruổi
Cô thay người đi tiếp chiến trường xa.
Cô gái Hải Châu ơi, tôi biết
Ngày mai, ngày kia…. chuyện cô chưa hết
Khi nên dù còn lớn ánh sao hôm
Khi sông Yên còn cuộn sóng căm hờn.

Dưới bóng ô-liu

Tôi đã nghe…
Tiếng vó ngựa của Scăng-đéc-béc còn vang từng mây ở Cơ-rui-da.
Vang trên thung lũng Ti-ra-na.
Vang trên ngọn rừng ô-liu lá bạc.
Vang trên những đồi nho bát ngát.
Tiếng vó ngựa đi đạp xác quân thù
Từ năm thế kỷ xa xưa
Trong lòng bạn tự hào biết mấy!
Người bạn An-ba-ni ơi!
Tôi đến đây
Gặp rất nhiều đài liệt sĩ
Gặp những bà mẹ gầy thương nhớ chồng con.
Gặp những em bé gái giống con tôi, xách giỏ đi chợ
Sỏi đá hãy còn
Đồi trọc chưa phủ xanh cây
Nhưng điện đã về tận rừng sâu hẻo lánh.
Ruộng không còn bờ
Nước đang leo núi.
Nhà năm tầng, bảy tầng
Mang cửa kính mặt trời sáng chói.
Cuộc sống bạn đang lên
Xe ủi đất bật tung núi đá
Rừng ô-liu. tiếp rừng nho xanh lá.
Những nhà máy tự động, tối tân.
Những đồng lầy xưa, nay ngập lúa mì vàng
Người phụ nữ đã rứt khăn chàng mạng
Đeo súng theo cách mạng.
Lưới búa chim giơ cao
Tự hào
Lao động như nam giới.
Những cụ già đi giày mới
Vui vì cỏ nước tự do
Đất nước tuy còn cảnh giác bóng thù
Cánh Đại bàng bay vút.
Việt Nam chúng tôi ở rất xa.
Nhung rất gần bạn hôm nay
Trong chiến hào từng trong nước trái vả.
Bạn gửi sang từng cốc ngọt đầy.
Cám ơn tình bạn thân yêu
Dưới bóng ô-liu
Tôi đã nghe mối tình đoàn kết
Từ Scăng-đéc-béc
Chúng ta tay nắm chặt tay
Là quân thù phải chết!

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Anh Thơ

Anh Thơ sinh tại thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; quê quán: thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Cha bà là một nhà nho đậu tú tài và ra làm công chức cho Pháp nên phải thuyên chuyển nhiều nơi, Anh Thơ cũng phải đổi trường học từ Hải Dương sang Thái Bình rồi về lại Bắc Giang mà vẫn chưa qua bậc tiểu học. Ban đầu, bà lấy bút danh Hồng Anh, sau mới đổi thành Anh Thơ.
Anh Thơ sáng tác từ sớm, năm 17 tuổi với tập Bức tranh quê bà được nhận giải khuyến thích của Tự Lực Văn Đoàn. Sau đó bà tham gia viết bài cho báo Đông Tây và một vài báo khác.
Anh Thơ tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng là Bí thư huyện Hội phụ nữ 4 huyện thời đó: Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng (tỉnh Bắc Giang), ủy viên thường vụ Tỉnh hội phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Bà là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 1 và 2).
Từ năm 1971 đến năm 1975 bà làm biên tập viên tạp chí Tác phẩm mới. Bà cũng là ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Bà mất tại Hà Nội do bệnh ung thư phổi.
Anh Thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác phẩm của nhà thơ Anh Thơ

Bức tranh quê (thơ, 1939), 45 bài thơ
Xưa (thơ, in chung, 1942)
Răng đen (tiểu thuyết, 1943)
Hương xuân (thơ, in chung, 1944)
Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957)
Theo cánh chim câu (thơ, 1960)
Ðảo ngọc (thơ, 1964)
Hoa dứa trắng (thơ, 1967)
Mùa xuân màu xanh (thơ, 1974), 39 bài thơ
Quê chồng (thơ, 1979)
Lệ sương (thơ, 1995)
Cuối mùa hoa (thơ, 2000)
Hồi ký Anh Thơ (hồi ký, 2002, gồm 3 tập: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng sông chia cắt)
Bến đò bên sông

Thành tựu nghệ thuật của nhà thơ Anh Thơ

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết: “Khi chị đến thì phong trào Thơ mới đã ổn định với các tên tuổi tiêu biểu của nó, nhưng chị vẫn có đóng góp riêng: những bức tranh thôn quê xứ Bắc. Cùng với Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… Anh Thơ làm giàu thêm lòng yêu quê hương làng nước của người Việt Nam mình”. Những cảnh quê như:
“…Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay…”
(Sang thu)
hay
“…Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời…”
(Chiều xuân)
sẽ còn tiếp tục được yêu mến. Ngoài thơ, tập Hồi ký Anh Thơ của bà cũng được đánh giá cao trong thể loại hồi ký.
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Anh Thơ do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ Anh Thơ bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *