Đỗ Trung Quân (sinh 19 tháng 1 năm 1955) là một nhà thơ Việt Nam. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Quê hương, Phượng hồng… Ông còn được biết đến với nhiều nghề “tay trái” khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè ông hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình. Bên cạnh đó ông còn được đánh giá cao thông qua nhiều sự kiện khác nhau đó chính là tình cảm mà ông dành cho các đồng nghiệp và đặc biệt là nhạc sĩ Giáp Văn Thạch.
Dưới đây là những bài thơ hay của Đỗ Trung Quân mà tapchivannghe.com muốn chia sẻ với bạn.
Một hôm thấy nắng vàng như là ngày xưa
Một hôm thấy nắng vàng ngoài hiên
Nắng như là năm cũ
Một hôm thấy nắng vàng vừa lên
Vui – buồn không biết nữa
Chỉ là nắng vàng thôi mà
Chỉ là em đùa thôi mà
Mà nắng vàng ơi
Sao đùa tình tôi
Sao đùa một hơi
Sao đùa tí thôi
Mà mười năm chẵn
Tôi như trái thông hiu quạnh
Rơi bất tỉnh phía chân đồi
Một hôm thấy nắng vàng quen quá
Quen như là ngày xưa
Sao em đùa dai thế
Để hồn tôi cửa mục gió lùa
Một hôm thấy nắng vàng đâu đó
Một hôm thấy nắng vàng trải dọc ven đường
Ồ! Chỉ là dã quỳ một ngày thu hết nắng
Lộng lẫy niềm nhớ thương
Một hôm thấy mình chán quá
Đứng vô duyên bên đường…
Một khúc Nậm Thi
Người phụ nữ ấy gần trở lại như trẻ thơ khi cho dừng xe bên đường để tìm lại ngôi nhà cũ, ngôi nhà đã mất dấu sau 30 năm
chị trở ra sông Nậm Thi tìm tảng đá ngày xưa lên 8 tuổi chị thường ra tắm và nhặt sỏi tảng đá còn nhưng tuổi thơ đi mất trên con đường đầy sương mù ấy, hơn 30 năm trước có một cô bé sáng sớm co ro đi học trên con đường hiu quạnh của thị xã với chiếc lon sữa bò bỏ than hồng cầm theo sưởi ấm thị xã Lào Cai nơi chị sinh ra, lớn lên năm 79, chỉ trong vài giờ của cuộc tấn công đầu tiên quân Trung Quốc đã san phẳng Lào Cai gần như thành bình địa
hôm nay trở về. người phụ nữ trung niên hầu như chỉ còn gặp lại ký ức: con sông Nậm Thi hiền lành có thể đứng bờ này nhìn sang bờ kia của Trung Quốc, cửa Hà Khẩu chỉ một chiếc cầu biên giới, người dân hai bên qua lại buôn bán hàng ngày bao đời nay như thế, người dân hai thị xã có người lấy vợ Việt, có người lấy chồng Tàu, bình thường và chẳng thù oán chi nhau, họ chỉ lo sinh sống, buôn bán khi tấn công Lào Cai năm 79 Trung Quốc đã phải huy động lực lượng từ những quân khu khác mới có thể tiến công Việt Nam từ cửa Hà Khẩu dân sát biên giới hầu hết là người dân lao động, bị đẩy vào cảnh ngang trái “AQ túm tóc Chí Phèo…” — phải bỏ đi sơ tán nhưng lính TQ không dây mơ rễ má gì mà không tàn sát dân Lào Cai, chiến địa thuộc về quân đội hai bên dẫu gì Lào Cai của người phụ nữ kia cũng biến mất sau cuộc chiến tranh ngắn ngày nhưng ác liệt như mọi cuộc chiến tranh: ngôi nhà cũ, ngôi trường cũ chỉ còn trong ký ức chị trở về nói và kể nhiều và cũng bỗng dưng im lặng nhiều
buổi chiều cuối cùng, những người đang làm du khách cùng “cô bé ngày xưa” lên đền Thượng thắp hương bái đức Thánh Trần ngôi đền lâu đời của ngài vẫn sừng sững nhìn ra phía biên giới phương Bắc con người võ công hiển hách từng đánh bại Nguyên Mông đã hiển thánh trong lòng dân, vẫn đứng đấy đem uy vũ trấn biên — nhắc nhở kẻ nuôi lòng xâm lược bài học muôn thuở của tinh thần ái quốc Việt Nam
tôi qua Hà Khẩu vào đất Trung Quốc thành phố thuộc tỉnh Vân Nam (Vân Nam chính là nước Đại Lý của gã phong lưu Đoàn Chính Thuần trong truyện kiếm hiệp Kim Dung) như mọi thành phố khác, buôn bán buôn bán và buôn bán người Việt lập chợ, nói tiếng phổ thông lưu loát vẫn nhà hàng kiểu Tàu đỏ chói, mùi xào nấu, mùi cao lầu và cả mùi son phấn những khu chợ người cả “ta lẫn nó” chẳng ấn tượng gì ngoài hai từ “khủng khiếp!” về hệ thống nhà vệ sinh trong nhà hàng sang trọng lẫn công cộng
buổi chiều cuối trước khi trở về Hà Nội dừng lại đôi ba phút trên chiếc cầu biên giới, nơi con sông Nậm Thi từ phía Trung Quốc nhập vào sông Hồng (sông Hồng nơi đây nhỏ không ngờ) thành một ngã ba chia rõ hai màu nước xanh đỏ xuôi về đất Việt Tất KTS & Toại bâng khuâng hát cùng tôi vài câu một ca khúc Phạm Duy: bên cầu biên giới tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi… mây nước nơi nơi, mây nước xa xôi không tỏ một đôi lời… mộng bền năm xưa… chỉ là mơ qua…
chiều ấy, bên cầu biên giới nắng nhạt nhưng trời khẽ lạnh
Một nhà thơ cũ mèm bày đặt làm thơ hậu hiện đại
Gửi tặng Hoàng Ngọc Biên &
Lynh Bacardi
Nhà báo (phỏng vấn)
Này ông đỗ
Nếu có em nào nhận ra ông và hét toáng lên ngưỡng mộ
A! Đỗ Trung quân, Đỗ Trung Quân …
Rồi nhào vô bá cổ hôn tưng bừng
Ông sẽ mần răng?
Thưa cô (nhà báo)
Tôi đỗ trung quân, đỗ trung quân
Sẽ túm chặt túi quần
Bảo vệ điện thoại di động
Tôi sẽ bụm chặt 2 đít quần
Canh chừng kẻo mất bóp (mấy em ở huyền trân hay chơi trò này)
Quá hớp!
Còn ai muốn hôn tôi tưng bừng
Ở đâu cũng ok
Nơi nào cũng thây kệ
Nào ảnh hưởng chi đến hoà bình thế giới
Ới ới ới…
(như kiểu nà ná na
trong âm nhạc nước ta)
Mùa xưa (I)
Dấu chân chim sẻ cũ
Còn in dấu sân nhà
Ngày xưa em đã đến
Vịn cành xuân, hái hoa
Tháng Giêng, mây trắng lắm
Ngọc Lan trên cành mưa
Mùa xuân này, có lẽ
Em cũng về như xưa
Nhà tôi còn mở cổng
Hoa khế tím rụng đầy
Vườn tôi còn gom lá
Chờ tay người – khói bay
Tháng Giêng, mây trắng lắm
Mùa Xuân hay mùa mưa
Áo ai vàng trước ngõ
Cho lòng tôi giao thừa
Mùa xưa (II)
Một con đường nhỏ
Vẫn tên mùa đông
Áo ai lộng gió
Và môi ai hồng
Chân ai chim nhỏ
Lòng anh se buồn
Lòng anh mệt mỏi
Ngủ quên trong vườn
Trong vườn lá rét
Hoa tím khôn nguôi
Mái nhà ngói xám
Buồn ngang lưng trời
Một con đường nhỏ
Vắng như lòng anh
Một viên sỏi trắng
Cho chân gập ghềnh
Một con đường nhỏ
Môi ai còn hồng
Hỡi người tình nhỏ
Tóc gió bồng bồng…
Anh không về nữa
Nhớ mùa xưa không
Anh không về nữa
Nhớ mùa… thương… không!
Ngày hôm qua
Rồi hôm nào anh đến chơi
tất cả đều đã khác
đám mây trên nóc nhà đã lớn
chia sẻ trên mái ngói đã già
chỉ rêu xanh còn trẻ mãi
ôi! ngày hôm qua…
Rồi hôm nào anh ghé chơi
dường như đến lần đầu
dường như là người lạ
cây cối trong vườn như không quen
người thiếu nữ vẫn là em
mà không phải…
người gõ cửa vẫn là anh
mà không phải
ôi! ngày hôm qua…
Rồi hôm nào anh đến chơi
những câu chuyện kể chưa xong vẫn còn nguyên đấy
người nghe vẫn là người cũ
người kể vẫn là người quen
chỉ tiếng cười ngây thơ đã hết
ôi! ngày hôm qua…
Rồi hôm nào anh đến chơi
tìm mẩu nến vụn có lần đã thắp
nếu em còn giữ hãy cho xin
khi ngồi buồn, anh còn chút ánh sáng xa xăm
thứ ánh sáng chỉ mắt em xưa kia mới có
đôi mắt không phải bây giờ
tuổi thơ đã chết
ôi! ngày hôm qua…
rồi hôm nào ghé thăm để nhận thấy một điều đã muộn
đám mây đã lớn
chim sẻ đã già
chỉ rêu xanh còn trẻ mãi
ôi! ngày hôm qua…
Ngày vắng
Ta ném qua cửa sổ
cành Vilolet quá buồn
có những ngày vắng quá
hoa cúc vàng ngoài dậu
vẫn cứ màu hoàng hôn
Có những ngày vắng quá
hình như không còn ai…
đành gõ cửa một người không muốn gặp
vu vơ vài lời đầu môi
ta nói thầm với nắng
trôi mau đi những chiều không người
Có những ngày vắng quá
em làm gì trên căn phòng nhìn xuống lá me?
vòm trời màu ngọc bích
bao giờ chia cho ta.
Có những ngày vắng quá
về lại chỗ quen ngồi
quán lạnh, kính mờ buồn phố nhỏ
lòng ta còn sợi tóc ai rơi…
Ngày với John Lennon
Không còn tuổi như em
để hôn và để yêu
bãi cỏ xanh, hàng cây xanh đã thuộc về người khác
ngày với John
thời gian đã mất
chiếc tàu ngầm màu vàng chở tôi đi chơi
không còn tuổi như em
để ca hát ồn ào
để thả giọt nước mắt dỗi hờn lăn tròn trên sóng mũi
nụ hôn tôi giờ đặt lên bầu trời
bầu trời rộng như vầng trán em loà xoà sợi tóc
sợi tóc ngắn ngủi như giấc mơ
giấc mơ nào không ngắn
ngày với John
ngày của tôi bây giờ tròn trịa
như đôi mắt John
như nhịp lơi của tiếng dương cầm
chiếc dương cầm màu trắng
chiếc dương cầm màu nến
nhoè trong kí ức mông lung
ngày với John
làm tôi yêu chú bé con mới lớn
đang tập hôn và yêu
(bãi cỏ xanh bây giờ là của chú bé)
ngày với John
cuộc sống không có tiếng rít gầm bom đạn
chiếc dương cầm màu trắng
màu chim câu
Ngụ ngôn của mỗi ngày
Ngồi cùng trang giấy nhỏ
Tôi đi học mỗi ngày
Tôi học cây xương rồng
Trời xanh cùng nắng, bão
Tôi học trong nụ hồng
Màu hoa chừng rỏ máu
Tôi học lời ngọn gió
Chẳng bao giờ vu vơ
Tôi học lời của biển
Đừng hạn hẹp bến bờ
Tôi học lời con trẻ
Về thế giới sạch trong
Tôi học lời già cả
Về cuộc sống vô cùng
Tôi học lời chim chóc
Đang nói về bình minh
Và trong bia mộ đá
Lời răn dạy đời mình
Nhã ca tháng mười hai
1.
Khi ven đường có một người đàn ông đốt bông khuynh diệp khô
Và buổi chiều, giáo đường vang lên lời buồn thánh.
Là mùa đông đã về
Cài trên ngực em những vòng khăn ấm
2.
Khi ngôi nhà ấy một hôm mọc lên những vì sao bạc
Trên ngọn thông xanh
Và câu chuyện cổ tích về cô bé bán diêm
bắt đầu được kể lại
nơi chiếc bàn cắm hoa
nơi hai chiếc ghế đặt cạnh nhau
là mùa đông đã về
chạm những ngón tay gió mùa lên mái phố.
3.
Khi ấy thì anh ra đi
Tìm những chiếc lá vàng nâu đỏ của tháng Mười Hai nào xa lắc
Còn sót lại trên hè phố
cầm chơi- (chẳng để làm gì)
khi ấy thì anh ra đi
tìm một vì sao Daudet đi lạc
một vì sao trượt khỏi vai anh
vào cuộc đời thăm thẳm…
4.
Bây giờ chim sẻ đã về trú lạnh
dưới mái hiên nhà anh
bây giờ anh cũng về trú lạnh
dưới mái hiên nhà em
chỉ còn một chiếc ghế
và cành hoa bỏ quên…
Nhạt nắng
Tháng Chín bao giờ không như mùa thu
Hàng me ấy lá đã vàng màu nhớ
Ngôi nhà ấy ngói đã vàng màu phố
Như lòng anh giờ đã cũ hơn xưa
Tháng Chín bao giờ không gặp trời mưa
Anh ướt áo một mình trong góc tối
Con sẻ gầy xù cánh ướt bên chân
Tháng Chín nào không mây bâng khuâng
Và hoa tím rụng xuống lòng bất chợt
Ai khăn áo trong một ngày chớm lạnh
Không là em mà vẫn cứ là em
Tháng Chín nào trời chẳng thấp hơn
Anh xuống phố gió mùa rơi trên áo
Gió có thổi qua nhà em không đấy
Sao mùi hương quen quá thoảng qua lòng
Tháng Chín nào không lá rụng đầy sân
Anh vẫn quét gom như ngày hò hẹn
Em đã vắng – khói lên trời hiu quạnh
Khói tan đi – như chuyện cũ tan đi
Và để lại một mình anh trên phố
Buồn chẳng rõ và vui gì không rõ
Lặng lẽ cầm chiếc lá nhặt bâng quơ
Lặng lẽ cầm chút nắng giống ngày xưa
Còn sót lại trong một chiều rất nhạt
Những bông hoa trên tuyến lửa
Ở trong rừng đâu có gương soi
Làm sao em thấy được vết bầm trên má
Chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã
Vì mùa mưa nào chưa dứt ở đây.
Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay
Đã hỏi thăm em người cáng thương hôm trước
“Cô ấy ngã mấy lần tôi đếm được
Mà sao không khóc mới lạ lùng!”
Chắc anh hiểu rồi em ở tấm lòng
Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống
Nên dù té đau, gai rừng đâm chân buốt
Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần
Em là người thanh niên xung phong
Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn
Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm
Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công
Tôi thấy rồi em ơi giữa cuộc hành quân
Niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ
Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá
Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường
Ôi! Những bông hoa nở giữa chiến trường
Những bông khuynh diệp để lại trên đường Trương Định cũ
Tưởng nhớ dịch giả Diễm Châu
Vẫn còn những bông hoa quắt queo trên đường Trương Định
Chỉ lâu rồi không còn người nhặt
Ngày xưa,
Một người đạp xe chậm như không muốn đi
Luôn bỏ đầy những bông hoa khô trong túi áo
Hồi ấy,tháng mười hai…
Mùi hoa khô đốt bằng chiếc quẹt gas cũ
Mùi thơm rất nhanh
Mơ hồ như tiếng chuông nhà thờ phía Tân Định
Thành phố màu xám chì
Đường vắng và buồn lắm
Nhưng không buồn bằng người đàn ông bên vệ đường
Đốt hoa khô và ngửi
Tôi không bao giờ biết
Không bao giờ biết
Mùi hương rất nhanh ấy nghĩa là gì
Nghĩa là gì
Hở anh Diễm Châu…
Những con đường ven biển
Xin cám ơn những con đường ven biển
Rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cảm ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thùy dương nói hộ tiếng thầm thì
Anh làm núi đứng suốt đời ngóng biển
Một tình yêu chạm đến đỉnh trời
Em là sóng nhưng xin đừng như sóng
Đã xô vào xin chớ ngược ra khơị..
Anh làm núi đứng một đời chung thủy
Với mưa ngàn, thông cũ ngóng mây bay
Yêu biển vỗ dưới chân mình ào ạt
Dẫu đôi khi vì sóng – núi – hao – gầỵ
Nụ cười Duyên Hải
Bạn vẫn vốn mang mồ hôi muối
Về vùng biển thắm mặn mà thêm
Nụ cười tươi, nhẹ như con gái
Gặp một lần sẽ chẳng ai quên.
Hải đảo sóng xô căng lồng ngực
Bốn mùa sông nước kết thành hoa
Hẳn quen kéo lưới nên thành tật
Bàn tay nắm lại ít xòe ra.
Bây giờ hồn bạn như ngàn gió
Lồng lộng buồm căng thuyền ra khơi
Sợi đước nuôi hồn người mộc mạc
Cá về – câu hát tạ ơn đời.
Bạn hát ta nghe lời của biển
Lồng trong nhịp vỗ tiếng hò khoan…
Ta vốn quen rừng quen tiếng suối
Mà bỗng ngồi mơ sóng bạt ngàn.
Duyên Hải, tên giống như con gái
Một vùng nước biếc, một vùng chim
Tình yêu hẳn cũng nên thơ lắm
Có hải âu làm sứ đưa tin.
Chia tay bạn khoác vai chiếc áo
Muối trùng dương bạc trắng vầng lưng
Nụ cười miền biển mênh mông quá
Xứ mặn, mà nghe ngọt cả lòng.
Ở thị xã Cần Giờ – dịch từ nguyên tác tiếng Cần Giuộc…
Quán vắng, ghé vào chẳng thấy ai ra hỏi mặt biển phía xa loá nắng nhạt cả màu nước
thị trấn vắng teo
buổi trưa im ắng trĩu cả hai mắt tháng tư hoa phượng hừng hực đỏ không một bóng xe con đường đầy lá rụng hai tên đàn ông gọi bia và khô mực cô quán uể oải rời võng đi nướng khô…
mặt biển phía xa gió không vào nổi
quán tuềnh toàng. phía sau là khu vườn rộng tiếng xoài rụng bộp khô khốc hai gã ngồi lai rai giữa trưa tỉnh lỵ cô quán bỏ ra võng quạt vài nhát rồi thiu thiu với bài vọng cổ từ chiếc radio đặt trên tủ thuốc lá “… ghe chiếu cà mau nhuộm màu tươi thắm… thân tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu…” tình anh bán chiếu Cà Mau giữa trưa Cần Giờ, thị xã biển tiếng sóng rào rào mơ hồ phía xa nghe ngồ ngộ…
K bảo lát nữa bớt nắng phóng xe ra bãi đón ghe chài mua mực tươi làm tiếp hai thằng nhìn ra con đường vắng trước mặt “Sài Gòn cóc khô mới có con đường trưa không một bóng người này! sướng!” càng nắng dữ dội hoa phượng càng rừng rực bỗng nhớ thời còn ngu, còn dễ xúc động vu vơ có lần thơ thẩn “cánh phượng vỹ cuối cùng rụng xuống gót giày anh… mùa hạ đi qua còn để lại… một dấu son môi… trên cỏ xanh…” gã đtb “ví dụ ta yêu nhau” nói hay nhất thế giới! ta nói giờ thấy sến chảy nước, hay cái con khỉ
xoài lại rụng trong vườn sau lộp bộp…
cô quán thiu thiu rơi cả quạt võng đưa nhẹ. nửa muốn kêu tính tiền nửa lại muốn nhìn “thiếu nữ ngủ ngày” dù cô quán mặc đồ bộ màu hồng cánh sen bằng xoa mỏng ôm sát cái mông tròn chẳng có lấy nửa milimét “yếm đào trễ xuống dưới nương long.” thôi, chờ cô quán thức tính tiền luôn nhìn giấc ngủ thấy tội quá!
biển phía xa nắng nhạt bớt, đã có gió thổi vào tóc cô quán rung động nhè nhẹ K nói “cứ để tiền mình đi thôi… dư chút đỉnh chẳng đáng là bao!”
xe phóng đi cô quán nhổm dậy nhìn qua mặt bàn, cuộn lại búi tóc xổ lại nhoài xuống võng
thị xã bớt nắng nhưng vẫn vắng teo
xoài trong vườn hình như vẫn rụng…
Trên đây là những bài thơ hay của Đỗ Trung Quân mà chúng tôi đã chia sẻ với bạn. Qua các bài thơ này ta có thể cảm nhận được một hồn thơ rất riêng, có sự trong treo và vô cùng gần gũi với người đọc. Hãy cùng đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ hay của Đỗ Trung Quân bạn nhé!