Đỗ Trung Quân (sinh 19 tháng 1 năm 1955) là một nhà thơ Việt Nam. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Quê hương, Phượng hồng… Ông còn được biết đến với nhiều nghề “tay trái” khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè ông hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình.

Có thể nói hồn thơ của Đỗ Trung Quân rất riêng và độc đáo. Đó không chỉ dừng lại ở một phong cách viết rất riêng mà còn là ở chính con người của ông. Bên cạnh đó Đỗ Trung Quân còn có rất nhiều sáng tác hay đặc sắc khác. Cùng tapchivannghe.com tham khảo những bài thơ hay và đặc sắc nhất của nhà thơ này nhé!

Phía sau thơ

Cảm ơn em, người chẳng bao giờ quan tâm dến những bài thơ anh viết. Người chẳng bao giờ để mắt đến những trang bản thảo anh quăng bừa bãi trên bàn, người đứng đứng ngoài cuộc đời riêng của anh từng đêm – nhưng vẫn thức cùng anh suốt sáng…

Cảm ơn em tách cà phê nóng, khi cơn buổn ngủ đe dọa bài thơ ngày mai phải sẽ bỏ nửa chừng – cảm ơn em, những đĩa cơm chiên khi cái đói đã làm anh muốn rời bàn đứng dậy – cảm ơn em, kẻ đứng ngoài chuyện văn chương nhưng đôi mắt cứ quầng đen sâu thẳm – vẫn thức sau lưng anh như chiếc bóng lặng thầm…

Ngày mai… có những những người con gái đọc thơ anh, có những những người con gái yêu thơ anh. Những bài thơ tình nồng nàn có tất cả những người đang yêu nắm tay nhau dạo phố. Những bài thơ có nắng ban mai, có chiều lộng gió, có tất cả, trừ em người không bao giờ có mặt trong thơ anh nhưng vẫn cùng anh hằng đêm thao thức…

Cảm ơn những đĩa cơm chiên không có trong thơ. Những ly cà phê nửa khuya không có trong thơ, và những bước chân em thầm lặng. Cảm ơn chiếc ghế dựa lưng mà em không ngả xuống bao giờ, để trăm nghìn câu thơ anh viết được ra đời ung dung trọn vẹn.

Cảm ơn em, vì sao thầm lặng lấp lánh suốt đời anh…

Quán mưa

1.
Giã từ một cơn mơ đẹp
giọt sương trên mắt Hương
gương mặt nghiêm trang mà trẻ ranh của Yên
Huyền bụ bẫm
Thuỷ hồn nhiên

2.
Giã từ và chiêm ngưỡng
vẻ đẹp thiếu phụ của Nga
tâm hồn đất phương Nam của Diệu
sự ồn ào của Khanh
vẻ trầm tư của Chánh
gương mặt hài hước, buồn phiền của San
màu nâu biển của Loan
Tôi đi…

3.
Gã Di-gan tuổi bốn ba
vui vẻ và muộn phiền
yêu đủ thứ
trừ yêu chính mình

4.
Giã từ một cơn mơ đẹp
bây giờ tôi lầm lũi
với nỗi cô đơn thắp đỏ đầu điếu thuốc của mình
Tôi – gã Di-gan không Đông Âu, không Phi Châu, không Do Thái –
chưa từng ra khỏi biên giới bản đồ.
mang những tên người trong ba lô
để gọi tên
để sống và để chết

5.
Bao giờ Hương lấy chồng
nhớ cho tôi một dòng tin nhắn
bao giờ Diệu thật sự hạnh phúc
nhớ gọi cho tôi hay
bao giờ Chánh cưới được niềm vui
đừng quên tôi nhé
và Khanh nữa
đừng để đá sỏi làm hoang khu vườn của mình
những nốt nhạc xanh gieo xuống
đang mọc thành cây
và Yên – rất gầy
giữ giùm tôi mùi hoa sữa

6.
Trên đường phía hoàng hôn tím đỏ
tôi sẽ quên nỗi ngậm ngùi
trên đường phía chân trời tím đỏ
Tôi nhẹ nhàng mây trôi

San Jose #

hỏi thăm hoa cỏ ven đường
ta về nhé! chuyện cũng bình thường thôi
bạn già đi bộ chậm rồi
chị ta đi chậm như người không đi…

hỏi thăm lá cỏ hiểu gì
bốn bàn chân ấy thường khi đi về

Sinh nhật bướm

Những ngọn nến màu nhỏ bé xinh xắn
anh thắp lên trong tâm tưởng
tháng tám – mùa trăng và bươm bướm
anh treo cho em một chiếc đèn hoa
sinh nhật em
cầu trời đừng mưa
tháng tám trời mưa
ngọn nến màu sẽ tắt
lồng đèn hoa dành cho em sẽ tắt
đừng mưa – đừng mưa
anh khẽ gọi thầm
xin hãy mưa trong sinh nhật anh
sen hãy nở đêm mười ba… mười sáu
xin bướm trắng bay về đây vai áo
hương hoàng lan đầu ngõ nhớ quay về
ngọn nến màu anh thắp
lúc nửa khuya
chả ai biết ai hay
trừ dạ hương thao thức
trừ vầng trăng
phôi thai giữa ngực
đốm lửa thơ ngây
anh gởi gió lên trời
em có ngủ trong ngày sinh đầy mộng
hãy nhận dùm
chút quà tặng
nhỏ nhoi

Sinh nhật này anh sẽ về thăm

Anh sẽ về ra đón gió bờ kinh
Nhìn sóng nước thả con thuyền lãng mạn,
Để lồng ngực vỡ tiếng cười hào sảng
Chốn này đây anh đã hát vào đời.

Sinh nhật này anh sẽ hát em ơi
Sao đồng đội, mắt người duyên dáng quá,
Hương đồng nội – Chao ơi mùi cỏ lạ
Cứ vây quanh từng giấc ngủ tròn đầy.

Tháng mấy rồi, sao trắng quá màu mây,
Con chim lạ chao hoài không biết mỏi,
Trang nhật ký anh ghi tròn mấy tuổi
Tờ pơ-luya xanh như lúa trên đồng.

Anh sẽ về _ em có đón anh không?
Khoảng rừng cũ hoa bằng lăng tím ngắt,
Trời đất ấy đã vô cùng thân thiết
Nơi lòng mình và đất gặp nhau.

Mùa mưa đi và về sớm thế sao?
Nhớ da diết một khoảng trời biên giới,
Hoa súng trắng nở xoè trong pháo đội
Đồng đội anh ngã xuống ở nơi này.

Để khoảng trời xanh ngắt những mây bay.

Anh sẽ về thăm lại nhánh sông xưa
Chiếc cầu nhỏ đêm trăng xanh hò hẹn,
Vườn trái ngọt nhà ai chim bay đến
Ngày tháng vui hoa trái nở trong lòng.

Nắng hào hoa xanh biếc cả mùa xuân
Lòng hớn hở để gió uà như bão,
Hãy cứ để anh quên cài khuy áo
Đón vào trong lồng ngực nỗi vui đầy.

Đón ngọt ngào hương cỏ lạ trên tay.

Tạ lỗi Trường Sơn

1.
Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Các anh từ Bắc vào Nam
Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục,ăn chơi
“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính nguỵ
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sai Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hoá lai căng không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh thay súng
Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
Là thiêu thân uỷ mị, yếu hèn
Các anh hùa nhau lập toà án bằng văn chương
Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

2.
Tội nghiệp Sài Gòn quá thể
Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý
Có anh thợ điện ra đi không về
Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ
Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me
Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa
Đi từ tuổi hai mươi
Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc
Có ai hỏi những hàng dương xanh
Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hoá thân vào sóng nước
Tội nghiệp những đêm Sài Gòn đốt đuốc
Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không
Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng
Áo chùng đen đẫm máu
Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
Những vị giáo sư trên bục giảng đường
Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc
Sài Gòn của tôi – của chúng ta.
Có tiếng cười
Và tiếng khóc.

3.
Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót
Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi
Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện
Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển
Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình
Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hi sinh…

4.
Và khi ấy
Thì chính “các anh”
Những người nhân danh Hà Nội
Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
Chửi đã đời
Chửi hả hê
Chửi vào tên những làng quê ghi trong lí lịch của chính mình
Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!
Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc
Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt
Những bà mẹ làm ra hạt lúa
Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin
Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm
Để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch
Bây giờ
Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”
Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân
Các anh
Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân
Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu
Cũng phanh ngực áo,cũng xỏ dép sa bô
Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, casette, radio…
Bia ôm và gái
Các anh ngông nghênh tuyên ngôn”khôn và dại”
Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy đứt hơi
Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ
Sài Gòn 1982 lẽ nào…
Lại bắt đầu ghẻ lở?

5.
Tội nghiệp em
Tội nghiệp anh
Tội nghiệp chúng ta những người thành phố
Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lí lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

6.
Xin ngả nón chào các ngài
“Quan toà trong sạch”
Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi
Bình thản đổi thay lốt cũ
Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn
Hồn nhiên xanh muôn thưở
Để yên cho xương rồng, gai góc
Chân thật nở hoa.
Này đây!
Xin đổi chỗ không kì kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa
Nơi một góc (chỉ một góc thôi)
Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở
Bây giờ…
Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào”thượng đế”
Khi sống hả hê giữa một thiên đường
Ai bây giờ
Sẽ
Tạ lỗi
Với Trường Sơn?

Tháng mười – Thành phố dốc đồi

Thành phố dốc đồi già theo người đi
hoa quì dại có bao giờ vàng thế
sao hoa quì buồn quá
hay chính ta buổn
Tẩu thuốc nào để lại khói sương
trên đỉnh tháp nhà thờ buổi sáng
trên phố chợ buổi chiều
trên cửa kính quán cà phê buổi tối
khói sương sao buổn quá
hay chính ta buổn…
Chiếc valise vuông và ống poster tròn
trên vai một người chở nặng
bay lên bầu trời
thành phố dốc đồi không ngoái lại
buồn như những thung lũng ngủ say
buồn như một nghìn năm cao nguyên hoang dại
buồn như một nghìn ngọn thông ướt sương
trên đồi…
bây giờ còn lại một mình tôi
buổi chiều
kéo cao cổ áo lên phố chợ
gió ơi là gió
chưa chi đã mùa đông
khum tay che một đốm lửa hổng
cho đỡ lạnh
cho đỡ hoài mong…
bây giờ còn lại một mình tôi
trên vỉa hè đá lát
đá những trái thông khô
nhảy một nhịp vu vơ
hoa tím trong cỏ ơi sao mày lẻ loi quá vậy
chúng ta ai buồn hơn?…
bây giờ còn lại một mình tôi
thềm đá cao phố chợ
co ro ngồi thổi khói,
ly sữa nóng nửa khuya bốc mù tròng kính
lãnh đãng một ngày vui
trong trí nhớ…
những vì sao ơi đừng nhỏ lệ
ướt đường về chân ta
hoa quì ơi sao mày không ngủ
thức làm gì như ta
chiếc valise vuông và ống poster tròn
trên vai một người chở nặng
bay lên bầu trờị..
lòng ta cũng bay lên một cánh chim rách nát
vào chân mây
ngậm ngùi…

Thỉnh thoảng đi qua áo trắng

Góc nhỏ nhoi chổ Chương ngồi
Chổ cuộc đời duy nhất tinh khôi
Thơ giấy trắng
Tuổi giấy trắng
Chập chờn người bướm trắng
Chỗ tự lâu rồi không có tôi.

Góc nhỏ nhoi ấy Biền ít ngồi
Chân quen phố xá
Dặm dài xa xôi
Bao giờ ngựa già mỏi vó
Trở về góc nhỏ
Ngồi nhìn mưa rơi?

Góc nhỏ nho ấy, đi qua – thỉnh thoảng
Buồn vui gởi cổng bên ngoài
Chương áo trắng
Biền áo trắng
Người đi vắng
Mây khói, một thời
Mây khói – tôi

Thõng tay rời chợ

1-
thõng tay rời khỏi chợ cười
thở phào suýt nữa đi đời nhà ma
thõng tay rời chợ phù hoa
thở ra suýt nữa thì ta đi đời
thõng tay rời khỏi chợ trời
hú hồn! thấy được cõi người bất minh
thõng tay rời khỏi chợ tình
thấy da gà nổi cùng mình ta ơi!

2-
thõng tay rời chợ vỉa hè
tụt quần jeans bỏ bên lề chợ đông
cười im một nụ vắng không
áo pull một nhát cởi phăng ta về
nhớ làm chi chút bùa mê
đêm qua hoa rụng bên hè quá thơm
nghiêng người rửa mặt phấn son
treo luôn giày mọi – chân thon rất lành
đêm qua trăng té gãy cành…

Thơ chưa đề tựa số 1

Đã mưa rồi đó
những chiều mưa rửa sạch mái ngói
dù muộn – cũng đã trở về
dù tầm tã – cũng đã trở về
còn em thì ra đi
bỏ lại nụ hồng khô lãng quên
trong ngăn kéo
Đã mưa rồi đó
những chiều anh không về nhà
cơn mưa dẫn đi đâu
trên những con đường anh không rõ
cơn mưa dẫn về đâu
một ngôi nhà khép cửa
dù muộn – mưa cũng trở về
em không là mưa
nên mất hút.

Thơ chưa đề tựa số 2

Thỉnh thoảng cuộc đời không đáng yêu
tôi ném thơ tôi vào lửa
vo viên dưới chân bàn
ấy là khi một người đi lấy chồng
ấy là khi ra đường gặp một thằng đốn mạt
thơ không cứu nổi nỗi buồn
hãy quên tôi đi
sao em lại tin tôi
cả anh nữa – người bạn
tôi không phải nắng
không làm ra bình minh
sao em lại tin tôi là chim hót
thỉnh thoảng cuộc đời không đẹp
chỗ của thơ tôi là lửa bếp
chỗ của thơ tôi là chấm hết

Thơ chưa đề tựa số 3

ta về chơi với trẻ con thôi
ta cầm tay bé như cầm cỏ
tiếng cười mang nắng lụa ra phơi
phờ phạc ta một ngày hôm qua
những lời mật ngọt những phù hoa
ta theo trẻ nhỏ lên trời hái
một nghìn hạt sáng mưa sao sa
mệt nhoài ta rồi người lớn ơi
ta về chơi với trẻ con thôi
trẻ con pha rượu bằng hoa rụng
rượu uống say mà không mềm môi

Thơ chưa đề tựa số 4

Nơi ấy
trên triền dốc cao
nhìn xuống hồ, đồi và thung lũng
chị tôi
đếm những mùa lá phong
những mùa chim thiên di
để lại dấu chân trên rãnh mắt
Nơi ấy,
sương núi đi qua tóc chị
nỗi muộn phiền đi qua vầng trán chị
sự tần tảo đi qua cuộc đời chị
Khi sơn cúc lấm tấm vàng
chị ngồi nhớ một phiên chợ tết
sên mứt xa rồi
cúc quỳ xa rồi
lá dong xanh không còn thơm tay chị
sợi lạt bán không còn đứt tay chị
chỉ còn một nụ cười buồn.
Mặc kệ tuyết
mặc kệ những giờ part-time
mặc kệ những dáng xinh lấp lánh dây kim tuyến
chị búi lại tóc dài
ngày ngày,
vẫn khói lên từ những bữa cơm
Đi qua mùa thu
đi qua mùa đông
đi qua sáu mùa sơn cúc
nhìn núi nhớ quê nhà
Tôi nhìn quê nhà
nhớ người
nhớ mái tóc lệch bay nghiêng
nhấp nhô một gọng kính vàng trên sóng mũi…

Thơ trong công viên

Vốn tình hay quên và thường đến muộn
chỗ đã có người ngồi
chẳng sao
thì ta ngồi xuống cỏ
cũng vui thôi
thỉnh thoảng ta cũng có một chỗ
ngồi chưa lâu lại lơ đãng đứng lên
kẻ chiếm chỗ cười nhăn nhở
chẳng sao
ta lại ngồi với xanh
nghe cỏ thở
cỏ êm ái
đôi khi tặng thêm nhành hoa dại
một tiếng dế gáy non
một chiếc lá vàng
nhờ trời
tính hay quên và thường đến muộn
ta có một chỗ ngồi
bình an.

Dưới đây là những bài thơ hay của Đỗ Trung Quân mà chúng tôi đã chọn lọc và chia sẻ với bạn. Trong số này có những bài thơ chưa đề, đó là những mạch cảm xúc rất riêng, vô âu và đột nhiên xuất hiện trong suy nghĩ của nhà thơ. Tuy nhiên nó lại được rất nhiều bạn đọc yêu thích. Đó cũng chính là cách nhà thơ này chạm vào trái tim của người đọc.