Nhắc đến Hoàng Cầm chúng ta không thể không nói đến những trang thơ lừng danh của ông. Nhà thơ có một quan niệm nghệ thuật chân thành, giản dị vừa mới mẻ, hiện đại chính là một tấm gương sáng để các nhà thơ trẻ học tập và noi theo. Nếu bạn yêu thích thơ ca, thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những trang thơ nổi tiếng của ông được phải không nào!

Đoạn 1

… Khuya rồi tiếng hát ai nghe đó ? Cười hộ người điên cuộc đổi thay
Ngay đêm hôm ấy, trong một căn hầm nhà ngục.
Tường đá nặng nề như đè chặt lấy người.
Một cửa giữa, có bậc đá lên mặt đất.
Một cửa bên thông sang hầm bên cạnh.
Trong hầm, một chiếc chõng tre, chỗ nằm của
Người Què. Một bình nước. Đầu chõng: một ngọn nến.
Khi mở màn, văng vẳng tiếng chiêng trống
Từ một bãi pháp trường đang xử trảm tội nhân,
Người Què đang nằm bỗng chống tay ngồi dậy nghe ngóng.
Tiếng chiêng trống mỗi lúc một rõ. Lúc đó vào đầu giờ Tuất.
Người què:
Lại chém người! Chúa Nguyễn lại chém người!
(Một lát)
Khi gà lên chuồng,
Lũ oan hồn rền rĩ khắp non sông
Còn nói chi người giả dại, giả ngông
Lấy men rượu mở tấm lòng khí tiết
Còn nói chi người đề thơ lá biếc
Gửi tin về Chúa cũ sóng đưa veo
Còn nói chi người luyện võ lưng đèo
Đem tuổi trẻ gửi bánh xe vong quốc
Chết là hết! khi bàn cờ tàn cuộc
Thì mặc chàng tiểu tốt tạo thời cơ
Ai khôn ngoan nên vào ngục đợi chờ
Sự thắng bại mặc giời cao xếp đặt.
Tiếng Kiều Loan (bên cạnh hát véo von):
Sống chật đất, chết thêm dầy đất
Thà tan theo trăng rõi chân mây
Tìm hơi thở cũ mà say
Hát trên nội cỏ với bầy ma thiêng.
Người què (cười):
Giọng hát những người điên
Nghe ra nhiều lý thú
Bây giờ chưa muốn ngủ
Thì mời bạn sang chơi
Gây lấy một cuộc cười
Cho nhà tù đỡ rét
(Chợt buồn rầu, se sẽ ngâm)
Ba năm chẳng biết giăng tròn khuyết
Đêm nay giăng xế đến đâu rồi?
Mắt ta nhìn mãi tường rêu đá
Cũng hoá thành giăng lạnh lẽo soi
Ta mất đêm rằm quê vợ cũ
Mất ngày rồng rắn tuổi lên mười
Vợ ta trách mãi người trong ngục
Quên bẵng tình giăng muôn dặm khơi
Ví ta mượn cánh con chim nhạn
Sẽ vút trời xanh thăm thẳm sâu
Mỏ ngậm giăng về thăm vợ cũ
Nhìn xem ngực yếm có phai mầu!

Đoạn 2

(Lại tiếng chiêng trống. Lần này Người Què nép vào một xó tường như muốn trốn tránh tiếng chiêng trống quái ác)
Người què (giọng run run):
Đừng chém người! Thôi hãy cất đao!
(Ngục quan mở cửa từ bậc đá cao bước xuống.
Người Què hốt hoảng nép vào một xó khác)
Ngục quan:
Này ông què! Có chi mà hoảng sợ?
Tôi đây mà!
Người què (nhận kỹ):
Trời! Ngục quan! Tôi nhớ
đêm trước gặp ma, hình dạng cũng thế này
Ngục quan (cười):
Tôi là ma vào chộp vía ông đây
(Dằn giọng)
Này, đêm mai đến lượt ông đứt cổ!
Người què:
Thế cũng hay! Dễ thường tôi tốt số!
Ăn cơm tù đã ngấy đến mang tai
Rụng cái đầu, hồn lại được thảnh thơi
Ngục quan:
Nói đùa thế, chứ ông thì… ai nỡ!
Người què:
Thế càng hay, vợ chờ ngày đoàn tụ
Được vỗ cái lưng còng
Được vuốt cái râu bông
Ngục quan:
Đừng đùa nữa! Tội ông là chết chém
Từ lâu rồi
Người què (cúi đầu kính cẩn một cách khôi hài):
Nhờ ơn đức Chúa công!
Ngục quan:
Chính là nhờ một bận ông chơi ngông
Đánh thuốc độc giết ngon tên phản nghịch
Là con trai quan Đô thống Nguyễn Viêm
Nên cái đầu, cái cổ vẫn y nguyên
Ông khá lắm!
Người què:
Thì cũng cho hắn nếm
Vị thuốc tiên, ngọt hơn là chết chém
Công lao gì! – Tôi thương hắn mà thôi!
Ngục quan:
Ấy nhờ ông mà nó chết xong xuôi
Quan Đô thống ngỡ thằng con tự tử
Không oán hận gì. Chúa công càng tỏ rõ
Lòng chí nhân, hạ chỉ tha kẻ thù
Ngay sau khi thằng chó chết uống no
Liều thuốc độc. Lão Nguyễn Viêm càng ra sức
Đái tội lập công. Ông què tài thực!
Người què:
Thế là tôi đỡ rụng cái đầu bù
Tưởng được về quê thăm mẹ đĩ thằng cu
Ai ngờ vẫn có duyên cùng ngục đá
Hôm nay lại chém người! Nghe chán quá!
Ngục quan:
Thôi, ông ơi! Mai ông sẽ được tha!
Người què (bĩu môi):
Quan lớn nói đùa!
Ngục quan:
Nói thật đấy mà!
Đây này, vợ ông từ miền xa Quảng Ngãi
Có viết đơn trần tình lên bộ Lại
Xin tha chồng! Lời lẽ chắc hay ghê
Nên nghe đồn Chúa thượng đã chuẩn phê…
Người què:
Ai tin được!
Ngục quan:
Tôi được lệnh từ sáng
Phải đối xử với ông ra tình bầu bạn
Người què:
Lệnh của ai?
Ngục quan:
Lệnh quan Hình Thị lang
Thôi, sớm mai ông được trở về làng
Có ngựa cưỡi, chúa cho mười lạng bạc
Người què:
Thế càng hay! Sắm được cỗ áo quan
Khiêng về quê, làm quà cho vợ cũ
Ngục quan:
Tôi nghe đồn vợ ông rất hay chữ,
Con gái cụ Nghè. Còn xuân lắm phải không ?
Người què:
Xuân hay thu, nào ai biết!
Ngục quan:
Thương chồng
Mà lặn lội về kinh kỳ kêu khóc
Thấu đến tai vua. Thật là tài đức!
Người què:
Nó về tận đây ? Chuyện có thật chăng ?
Hay lại tào lao, tin nhảm, đồn xằng ?
Ngục quan:
Chuyện thật đấy. Thôi này, tôi bảo nhỏ:
Muốn được yên vui về nhà với vợ
Cầm lấy cái này.
(Ngục quan dúi vào tay người què một gói giấy đỏ)
Người què (co tay lại):
Lại món thuốc tiên ?
Ngục quan:
Cũng y như con trai lão Nguyễn Viêm
Nhưng lần này là một người rất lạ
Vợ một tướng tài, nhiều công hãn mã
Chúa đang tin. – Người đẹp lạ lùng
Không giết ả này thì loạn nổi tứ tung
Mà giết đi… e lòng người oán giận
Lại phải nhờ ông…
Người què:
Đêm nay tôi bận
Những hồn ma vừa đứt cổ ngoài kia
Sẽ vào đây ngồi chuyện gẫu đến khuya.
Ngục quan:
Một lão già và một người gái đẹp
Lại phải nhờ ông! Tôi sẽ tháo xiềng
Giam ở hầm bên cạnh. Này, nói riêng
Cho ông biết: hai người là tướng giặc
Đốt phá nhà dân, moi gan khoét mắt
Cả hài nhi! Tội ác ngập kinh thành!
Người què:
Bịa chuyện làm gì! Giết quách cho nhanh
Ai cũng một lần. Chúa vua cũng chết
Chỉ có khác, người trống chiêng khủng khiếp
Xoẹt cái đầu rơi! người phượng tiễn rồng đưa
Nhạc lâm ly, ngất nghểu ở trên mồ
Lăng với tẩm! Thì cùng ăn đất cả!
Còn bao nhiêu kiếp sống thừa, tàn tạ
Mối đùn trong đầu, mọt nghiến trong xương
Ăn quẩn, nằm quanh chuột gậm chân giường
Vẫn đội mũ, đi hia, tưởng mình còn sống!
Ngục quan:
Thôi! đồ gàn! Nói năng chi lổng chổng
Khó lọt tai! Nhớ đấy, cả hai người!
Đừng để quá nửa đêm! Tôi sắp sẵn rượu rồi
Lúc xong việc, cánh ta làm mấy bát
Tuý luý càn khôn, tha hồ khoác lác
Vua cho cái đùi hươu!
Người què:
Hay cái đùi người ?
Ngục quan:
Thật đùi hươu! Ông lẩm cẩm lắm rồi
Đúng đùi hươu! Ta uống say đến sáng
Đã sẵn ngựa, lại có tiền xủng xoảng
Tôi tiễn ông ra tận phía Nam môn
Bà vợ ông mong lắm. Cả thằng con
Lên tám nhỉ! ấy thế là sum họp
Tù mãi mỏi lưng, có người đấm bóp
Ngựa chồng đi, võng vợ cũng liền bên
Ở tù ra mà như đỗ trạng nguyên
Về bái tổ – Ôi chao ôi là sướng!
Người què:
Quái lạ thật! Đời mưa to bão lớn
Kiếp người ta như bụi cuốn trăm phương
Sao con vợ tôi nó lại biết đường
Mò ra được đức ông chồng biệt xứ ?
Ngục quan:
Có gì đâu! Ông có công giúp Chúa
Giết im re thằng con lão tướng Nguyễn Viêm
Quan Thị lang mới tra xét họ tên
Và quê quán, sai người về Quảng Ngãi
Dò hỏi nhà ông. Ba gian trống trải
Vợ còn xuân khóc nhớ mấy năm ròng
Quan Thị lang bèn mách rõ tin ông
Xui bà vợ làm đơn mà khiếu khổ
Việc ấy ngự trình… Chúa công đức độ
Rất thương dân, mà lại biết dùng người
Người què:
Biết dùng tôi ? Thế càng hay!
Ngục quan
Chúa biết lâu rồi
Giết được kẻ thù mà vẫn thành ân nghĩa
Người què:
Chiêng trống im rồi. Mấy trăm người nhỉ ?
Mỗi một đêm vua chém mấy trăm người ?
Chúa biết thương dân, biết dụng nhân tài
Chúa lại biết chém người như chém chuối!
Ngục quan:
Thì hẳn thế!
Người què:
Ngày thiên tử bị Tây Sơn đánh đuổi
Lạc lõng trong rừng, lếch thếch kiếm ăn
Chúa đã quen tay chém cỏ chém măng
Nên cái thuật chém người thành giỏi quá!
Ngục quan (lại dúi gói thuốc độc vào tay Người Què)
Thôi, này ông! Cầm lấy đi!
Người què:
Gượm đã
Ngục quan:
Còn gượm à ? Sang giờ Tuất lâu rồi
Cầm lấy đi! Bình nước lã chưa vơi
Phải khéo lắm! Họ mà không chịu uống
Thì công lao quan Thị lang thật uổng
Thì Chúa công bất đắc dĩ phải ra tay
Hoặc chém đầu, hoặc thiêu sống hoặc phanh thây…
Làm như vậy Chúa công mang tiếng ác
Thì hỏng cả! – Ông cũng không ra thoát
Cả thân tôi rồi cũng đến tan tành
Ông nên thương người vợ tuổi còn xanh
Con còn bé chờ mong ngoài cửa ngục Cầm lấy nào!
(Lần này Người Què không co tay lại,
như cái máy, bỏ gói thuốc vào túi)
Ngục quan:
Tôi đi tuần một lúc
Cả hai người! Ông nhớ đấy, cả hai người!
Kìa kìa! (nhìn sang hầm bên cạnh)
Cấm binh đã dẫn họ sang rồi
(Ngục quan đi ra ngoài.
Người Què ngả lưng lên chõng, ngâm thơ)
Người què:
Tù hãm ba năm da mốc thếch
Mai về kỳ cọ biết bao xong
Giếng thơi vục cạn lau chùi mãi
Vợ vẫn chê hôi, vẫn bảo nồng!
Than rằng: tù ngục Gia Long
Mùi tanh kết lại chân lông chẳng mòn
Năm sau vợ đẻ thằng con
Trên lưng mang cái bướu tròn đỏ hoe
Nhà vua vác kiếm đến ghè
Ghè ngang, ghè dọc, bướu thè lưỡi ra
Bướu cười: sao dám ghè ta ?
Bướu này là bướu ông cha Nguyễn triều!

Đoạn 3

(Ông Già và Kiều Loan ở hầm bên cạnh sang.
Ông Già nhìn bức tường đá, giơ mười ngón tay cạo…)
Ông già:
Không thoát được! Tường dầy hơn một thước
Chẳng hề rung vì chiêng trống chém người
Chiều mai đây đến lượt đầu ta rơi
Xác vùi dưới chân thành như cỏ héo!
Kiều Loan:
Cụ nhầm đấy! Khi lòng người đã réo
Như sóng bể đông, núi đá cũng chìm
Xương tôi dù bụi trắng
Chí tôi xòe cánh chim đập vỡ tung cửa ngục
Nhằm gió bão đi tìm
Ông già:
Tìm chi nữa! Đến đây là tận số,
cùng đường rồi
Kiều Loan (như mong ngóng một ai đó…):
Đã hẹn nửa đêm nay
Gió sẽ nổi lên, phá vỡ ngục này…
Ông già:
Khó nổi dậy! – Hàng trăm năm loạn lạc
Nghe chuyện binh đao, dân đã chán chường
Lớp lớp đề lao … dù phá sập tường
khó cứu vãn!
Kiều Loan:
Thời cơ rồi sẽ đến!
Ông già:
Máu quánh chân tường, vàng khè lửa nến
Những bộ xương tàn lụi ở quanh đây
đã luyện vào đá lạnh, ngấm tường dầy
Cạo… cạo mãi… lấy một liều thuốc độc
Giữ sao cho cái đầu đừng lăn lóc
trên pháp trường…
Kiều Loan:
Cụ sợ chết lắm sao?
Ông già:
Một hồi chiêng, ba hồi trống, ngọt lưỡi đao
Chúa Nguyễn đốt xương ta làm thuốc nổ
Lấy đầu lâu ta kê cao giường ngủ
Lấy máu ta sơn đỏ cái ngai vàng
Kiều Loan:
Nhưng còn tiếng hát này the thé hồn oan
Vùng đứng dậy bay vào cung chúa Nguyễn
Nó ngủ với cung phi? – Đầu lâu ta rung chuyển
Ken két hàm răng, nó hộc máu giữa giường
Nó ăn tiệc trong lầu? – Nhìn mặt trong gương?
Máu vấy khắp người, rượu căng nổ ruột
Dù chiều mai, đầu này lăn cỏ ướt
Thì đêm nay trong tù, chỉ hát là hơn
Hát thật hay, kết bạn với oan hồn
Ân giả, nghĩa đền, oán thù rửa sạch
Ông già (vẫn cao hứng):
Móng tay nhọn sắc cạo lên tường
Nghe động hồn ma cọ đốt xương
Bụi trắng nghìn năm bay lả tả
Nghe từng triều đại nấc bi thương…
Người què (từ nãy vẫn nằm nghe, bỗng ngồi dậy)
Đừng cạo nữa! Chờ ngày mai chết chém!
Sợ đầu rơi? – Thì đập sọ vào tường
Vỡ óc ngay!
Ông già (chú ý nhìn):
Ai nói giọng ngông cuồng?
Người què:
Ba chúng ta trước khi quỳ chịu chém
Hãy cùng nhau nói vài câu chuyện phiếm.
Ông già:
Người là ai?
Người què:
Tôi là một người tù
Nhờ áo vua cơm chúa đã ba thu
Chờ đợi mãi, chẳng ai thèm đến giết
Giá được tha, tôi cũng đành chịu chết
Vì chân què chẳng biết sẽ về đâu ở đây hơn.
Cơm một nắm, nước lưng bầu
Xương lạnh buốt đã có làn da bọc
Kiều Loan:
Mà lúc ngủ thì tha hồ lăn lóc
Muỗi vo ve thành khúc nhạc Bá Nha
Ai Tử Kỳ, sao vội chết trước ta?
Người què:
Xin nhị vị cho kẻ hèn được biết
Vì cớ gì cũng vào đây đợi chết
Chốn lao tù là quán rượu đó chăng?
Ông già:
Lão ngâm nga cái trò đời biến đổi
Có mười năm lên xuống mấy triều vua
Anh hùng, liệt nữ lần lượt xuống mồ
Người vô dụng sống hoài như cỏ dại
Người què:
Chắc lão trượng ôm giấc mơ vĩ đại
Suốt một đời không đạt mộng cao siêu
Nên ngày nay, cụ tỉnh sớm say chiều
Bất đắc chí, thì hát ngao giăng gió?
Ông già:
Thưa túc hạ, lão tài hèn sức nhỏ
Học làm chi bài lấp biển vá giời
Xét cổ nhân gần hết thuở thiếu thời
Lập được chí thì bóng dương đã xế
Mà trước mắt, cuộc xoay vần thời thế
Gạt ra ngoài hầu hết bậc tài danh
Bọn hủ nho nhan nhản khắp triều đình
Nơi tù ngục chất đầy người nghĩa khí
Kiều Loan:
Gỗ mục, thép cùn múa tay trong bị
Lau sậy nghênh ngang làm cột trụ giang sơn
Ngầm hại nhau vì danh vọng áo cơm
Ông già:
Kình vào lạch đã hết đường vùng vẫy
Phượng trong sân nhớ những mùa bay nhẩy
Các thanh niên tài trí của non sông
sống buồn tênh, ủ rũ kiếp chim lồng
Kiều Loan:
Riêng có tôi bên vai đeo thanh quất
Dải áo lụa thổi tan màu u uất
Bỏ quê hương vào tít mãi rừng sâu
Gặp anh hùng, quỳ lạy xin theo hầu
Ngài mới phán: ” Đứng lên! Mau ra trận!
Tôi cưỡi con ngựa hồng, tôi lĩnh ấn
Tướng tiên phong, đều lập được kỳ công
Thế mà thoắt đã suy vong
Thành xây bãi cát, tìm không thấy bờ…
Người què:
Người anh hùng là ai đó, thưa cô?
Kiều Loan:
Tôi khóc rằng: tìm đâu ông Nguyễn Huệ?
Đêm mịt mùng, mưa rụng nát vườn hoang…!
Ông già:
Hỡi hồn Tây Sở Bá vương
Cùng ta nhắp chén tà dương ngậm ngùi
Kiều Loan:
Tôi khóc rằng: Tình hỡi tình ơi!
Xe duyên, xe mấy phương trời sợi oan
Người què (rũ ra cười):
Tôi cũng khóc rằng: ơi hỡi hồng nhan
Cớ sao chưa tỉnh giấc vàng bấy lâu?
Tình tang bạc hết mái đầu
Vẫn chưa đi thoát nhịp cầu sông mê!
Một ngày cụ uống mấy trăm be?
Chết đến nơi rồi chưa tỉnh rượu
Ngồi đây tôi kể chuyện này nghe:
Vị anh hùng mà cụ vừa ca tụng
Có phải chăng chỉ là người trong mộng?
Ông già (cười khinh bỉ):
Ô thế ra túc hạ thật vô tâm
chẳng biết gì đến việc nước mười năm!
Người què:
Tôi biết chứ! tôi biết ông Nguyễn Huệ
Với những chiến công lẫy lừng bốn bể
Với gỗ đá dựng xây phường phố, thị thành
Với hai hàng văn võ của triều đình
Với ngô lúa bốn phương trời xanh mướt
Với cung điện nguy nga, thành cao trăm thước
Với chương trình đi lấp biển vá trời
Đều chỉ là trong giấc mộng mà thôi
Và cô nương, và lão trượng và tôi
Ba chúng ta cũng là người trong mộng
Chuyện ngày xưa chỉ còn toàn những bóng
Nhớ làm chi cho mệt cái thân tàn!
Ông già:
Lão khá khen đời túc hạ an nhàn
Chỉ có việc ăn no rồi ngủ kỹ!
Kiều loan:
Nói làm chi với anh què mất trí
Hầm đá ngục tù ai đắp ai xây?
Mộng đấy à? – Thôi nút chặt lỗ tai
Nghe giọng anh, người loãng ra thành nước!
(Đi sang gian ngục bên cạnh)

Đoạn 4

Người què (trông theo):
Xin mời cô nương cứ đi ngủ trước
Chí khí can trường rồi cũng thành ma!
Ông già:
Nào, thử nghe túc hạ nói ba hoa
Còn gì nữa ? – Người thảnh thơi như thế
Lại lên giọng kẻ giang hồ bốn bể
Sao hai chân, què một đã bao lâu?
Người què:
Thời trẻ trung, tôi xách kiếm theo hầu
Ông Nguyễn Huệ từ Nam ra xứ Bắc…
Ông già (kinh ngạc và vui mừng):
Ồ ! Túc hạ cũng đã từng đánh giặc?
Người què:
Tôi đã từng trông những trận ghê hồn
Rạch Gầm, Gia Định, Thuận Hoá, Quy Nhơn
Nhất là trận Đống Đa năm Kỷ Dậu
Cả trời đất đã biến thành bể máu
Quanh mình tôi, đầu giặc rụng như mưa
Tiếng chuông rền, ngựa hí, tiếng reo hò
Hoà một điệu thảm sầu, thần kinh, quỷ khốc
Tôi tưởng mình vừa sa vào địa ngục
Chợt trông lên: đôi mắt Bắc Bình vương
Lòe lửa xanh, tôi vội vã vung gươm
Răng nghiến chặt mà say sưa chém giết
Ông già:
Gươm Quang Trung kiêu hãnh biết bao nhiêu
Đã chém năm danh tướng của Thanh triều
Người què:
Trận Đống Đa thật vô cùng khốc liệt
Giặc tan hoang xô chạy gãy phù kiều
Khắp sông Hồng vang dậy tiếng người kêu
Nước đỏ thẫm, nghẹn dòng không chảy nữa
Thành Thăng Long năm ngày chưa tắt lửa
Xác giặc phơi đầy Kẻ Chợ đến biên cương
Cờ nêu cao chiến thắng đỏ chiêu dương
Mà rút lại cũng vẫn là giấc mộng!
Ông già:
Túc hạ què khi đánh trận Đống Đa?
Người què:
Tôi đuổi giặc, bất ngờ sa hố rộng
Ngã gãy chân, thành một kẻ bỏ đi
Vua đền công tôi chẳng biết làm gì
Việc ăn ngủ cũng chỉ là giấc mộng
(Cười lớn)
Ông già:
Vào nhà giam như đến nước cờ thua
Ngẫm chuyện đời sao túc hạ vẫn bông đùa?
Người què:
Vua ở ngôi ba bốn năm lồng lộng
Rồi một chiều nhắm mắt bỏ non sông
Mấy mươi nàng cung nữ lệ ròng ròng
Dựng nhà lá bên mồ thề giữ tiết
Đến bây giờ đã lấy chồng gần hết!
(Cười ngặt nghẽo)
Vị Đông Cung thái tử nối ngôi cha
Còn trẻ thơ, nào hiểu việc quốc gia
Giao gánh nặng cho quyền thần hiểm độc
Tham lợi danh, chém giết nhiều, dân không phục
Các nhân tài lần lượt bỏ ra đi
Mớ bòng bòng chẳng biết gỡ bằng gì
Đức Nhị thế nhà Tần ôm mặt khóc!
Ông già:
Là cận thần, chắc túc hạ biết nhiều
về những ngày thê thảm của Tây triều?
Người què:
Phải, sự nghiệp anh hùng đến hồi tàn cuộc
Thì có người thuận gió, giả thù xưa
Một lòng trung, danh tướng ngã theo cờ
Đạo tàn binh vẫn coi thường sinh tử
Các phiên trấn đã thiếu người phòng giữ
Trong mười hôm thất thủ nốt kinh thành
Chân không giày, vua chạy lên rừng xanh
Hoàng thái hậu đành cầm gươm đâm cổ
Các vương phi mỗi người ngồi một chỗ
Dăng áo hồng che mặt khóc thành mưa
Còn các quan, có kẻ chạy theo vua
Cũng có kẻ ra hàng cầu phú quý
Ông già:
Nhưng cớ sao túc hạ chẳng theo vua
lại chịu vào nằm bẹp chốn lao tù?
Người què:
Tôi què chân, không cách gì bay bổng
Để người ta đưa đến chỗ này đây
Ba năm tròn, ngần ấy sự đổi thay
Đời diễn mãi một tấn tuồng giả dối
Trong nhà giam nghe lòng người biến đổi
Nhớ công cha nghĩa mẹ thuở đầu xanh
Đã trót nửa đời theo đuổi hư danh
Việc đợi chết cũng lại là giấc mộng!
(Người Què cười to quá. Quản ngục mở cửa vào)

Đoạn 5

Ngục quan:
Ai cho phép bay nói cười ầm ĩ?
Mai chết chém vẫn chưa thèm để ý
Hay lão già còn muốn nếm cực hình?
Ông già:
Xin đại nhân hãy dẹp nỗi bất bình
Lão mới gặp Người Què đây, bạn cũ
Mai lão chết, xin cho già than thở
một vài câu
(Cởi tấm áo vóc bên trong)
Già chẳng có bạc vàng
Cái áo này chính thực vóc Vân Nam
Giá trăm lạng, xin ngài vui lòng nhận
Ngục quan (ướm áo):
Để ta xem
Ông già:
Lão đi đường bụi bẩn
Giặt qua loa, màu vóc sẽ không phai
Mùa tuyết sương, không cần mặc áo ngoài
cũng đủ ấm
Ngục quan (ôn tồn):
Khuya rồi, nên đi ngủ
Ông già:
Lão xin phép nói vài câu chuyện nữa
Ngục quan:
Nói chuyện gì, không được quá canh hai
Liệu bảo nhau đừng to tiếng cợt cười.
(Mang tấm áo đi)

Đoạn 6

Người què (lại rũ ra cười):
Tấm áo vóc đem quăng vào giấc mộng!
Ông già:
Thưa túc hạ, vậy thì trong kiếp sống
Có cái gì không phải giấc mơ màng?
Người què:
Cụ đứng đây, cụ hãy nhìn qua cửa
Mà tưởng lại các anh hùng liệt nữ
Bắc cầu gươm lên đỉnh núi vinh quang
Hoặc bọn quyền yêm thoán đoạt ngai vàng
Khi thất bại vội ra đường cõng rắn
Hoặc những trung thần theo vua lận đận
Tóc bạc rồi, còn giúp chúa trung hưng
Hoặc những người áo vải tít trên rừng
Kéo cờ nghĩa ào ào quân đổ xuống
Họ phải dựa vào gì, thưa lão trượng?
Ông già:
Dựa vào dân
Người què:
Lão trượng nói đúng rồi
Cái bền lâu là dân nước đó thôi
Đế bá công hầu ngựa xe rầm rập
Lúc đi ngược lòng dân là chết rấp
Làm lợi cho dân thì hương khói phụng thờ
Làm mất nhân tâm thì miếu lớn tượng to
Dân đạp gí xuống bùn là hết chuyện
(Người Què cười to quá. Ngục quan lại mở cửa vào)

Trong nền thơ ca Việt Nam, Hoàng cầm là một gương mặt sáng giá luôn được đông đảo bạn đọc đón nhận và ca ngợi. Ông đã dệt được một hồn thơ ấn tượng hiếm có nhà thơ nào có thể làm được. Mời các bạn đón xem phần 5 vào một ngày gần nhất nhé!

Tagged: