Những bài thơ hay nhất của Huy Cận “sống” mãi cùng thời gian được nhiều độc giả yêu thích, kiếm tìm. Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất trong phong trào thơ mới Việt Nam, ông cũng chính là người bạn tâm giao của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Cùng chúng tôi tìm hiểu đôi nét về tiểu sử nhà thơ Huy Cận cũng như những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Tổng hợp những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Huy Cận
1. Đoàn Thuyền Đánh Cá
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
2. Tràng Giang
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
3. Ngậm Ngùi
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ… anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
– Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…
4. Các Vị La Hán Chùa Tây Phương
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?
Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.
Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.
Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.
Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.
Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.
Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.
5. Con Chim Chiền Chiện
Con chim chiền chiện
Bay vút, vút cao
Lòng đầy yêu mến
Khúc hát ngọt ngào.
Cánh đập trời xanh
Cao hoài, cao vợi
Tiếng hót long lanh
Như cành sáng chói
Chim ơi, chim nói
Chuyện chi, chuyện chi?
Lòng vui bối rối
Đời lên đến thì…
Tiếng ngọc trong veo
Chim gieo từng chuỗi
Lòng chim vui nhiều
Hát không biết mỏi
Chim bay, chim sà
Lúa tròn bụng sữa
Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca.
Bay cao, cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh da trời…
Con chim chiền chiện
Hồn xanh quê nhà
Sáng nay lại hót
Tưng bừng lòng ta.
6. Áo Trắng
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.
7. Gửi Thế Kỷ Hai Mươi
Rồi mai đây khi ngoảnh chào thế giới,
Đến phút tận cùng nhìn lại đường đi.
Ôi thế kỷ! Ngươi có gì tiếc nuối?
Có bâng khuâng khi cặp bến bờ kia?
Thế kỷ thông minh cướp quyền tạo hoá,
“Tranh sáng cùng mặt trăng, mặt trời”.
Bước mỗi bước tung nghìn phép lạ,
Nhãn hiệu “làm người ở thế kỷ hai mươi”.
Thế kỷ đau thương, hào hùng, náo nức,
Đập theo tim thế kỷ nhịp lòng ta.
Vũ trụ gây mơ để làm nên sự thực,
Đất nâng chân, trán đã chạm thiên hà.
Mang nặng đẻ đau biết bao hoài bão,
Người xung thiên xây bệ phóng cho đời.
Hy vọng lớn đã đi vào quỹ đạo,
Bảy mươi năm dễ chi bỗng tàn rơi!
Việt Nam, Việt Nam, Hồ Chí Minh muôn thủa!
“Không gì quý hơn độc lập, tự do”.
Mạch lịch sử đã ghi vào bộ nhớ,
Đã trăm năm trăm dân tộc mong chờ.
Một người ra đi để thương để tiếc,
Thế kỷ ra đi để trầm tích văn minh.
Cũng để lại khúc trường ca ca tiếp,
Nhớ mê say như ta lại nhớ mình.
8. Hai Bàn Tay Em
Yêu sao những cánh tay non
Bàn tay con trẻ chồi son lá hồng
Bài thơ tay, viết vừa xong
Tặng cho các cháu, gởi lòng mến yêu
Bàn tay tập viết, tập thêu
Tậm làm, tập múa, trăm điều đẹp tươi
Đôi bàn tay: hoa của người
Quý yêu, gìn giữ trọn đời, cháu nghe!
Hai bàn tay em
Như hoa đầu cành
Hoa hồng hồng nụ
Cánh tròn ngón xinh
Đêm em nằm ngủ
Hai hoa ngủ cùng
Hoa thì bên má
Hoa ấp cạnh lòng
Buổi sáng em dậy
Hai bàn tay hoa
Nở trên mặt mẹ
Cúi bồng em ra
Tay em đánh răng
Răng trắng hoa nhài
Tay em chải tóc
Tóc ngời ánh mai
Giờ em ngồi học
Bàn tay siêng năng
Nở hoa trên giấy
Từng hàng giăng giăng
Hai bàn tay em
Có lúc cãi nhau:
Và cơm, viết chữ
Tay mặt công lao!
Tay mặt tự hào
Gánh bao việc nặng!
Cả giơ tay chào
Như măng mọc thẳng
Tay trái nó dỗi
Ngoảnh mặt, quay lưng
Nhưng rồi thương bạn
Lại làm việc chung
– Cùng khiêng chiếc ghế
Ai nắm, ai đừng?
Chung bát cơm nhé
Ai và, tôi bưng!
Rồi khi vui vầy
Tay cùng vỗ tay
Vun san sẻ đều
Chẳng ai bì ai
Những lúc em buồn
Tay ôm má phịu –
Em yêu bàn tay
Cái gì cũng hiểu…
Có khi một mình
Nhìn tay thủ thỉ:
– Em yêu em quý
Hai bàn tay em.
9. Trăng Sao Cũng Hoa Xứ Người
Anh em ơi! Ta tới trăng rồi!
Trăng sao cũng hoá xứ người từ đây.
Trạm đầu vũ trụ xinh thay
Nửa quen nửa lạ đặt ngay cờ hồng.
Mẹ ơi! Mua cốm, mua hồng
Mua con cá chép lượn vòng con chơi.
Trăng cao, trăng đẹp, trăng ngời
Mua tàu vũ trụ con ngồi lên trăng.
10. Chết
Chân quấn quít rồi đến ngày nghỉ bước;
Miệng trao lời rồi đến buổi làm thinh;
Thân có đôi chờ lúc ngủ một mình,
Không bạn lứa cũng không mền ấm nóng;
Tai dưới đất để nghe chừng tiếng sóng
Ở trên đời; – đầu ấy ngửng lên cao
Sẽ nằm im! Ôi đau đớn chừng nào;
Thân bay nhảy giam trong mồ nhỏ tí,
Một dáng điệu suốt trăm nghìn thế kỷ!
Ngày sẽ về, gió sẽ mát, hoa tươi,
Muôn trai tơ đi hái vạn môi cười,
Làn nắng ấm vào khua trong lá sắc;
Nhưng mắt đóng trong đêm câm dằng dặc,
Còn biết gì trời đất ở bên kia;
Bướm bay chi! tay nhậy đã chia lìa;
Tình gọi đó, nhưng lòng thôi bắt mộng.
Bỏ chung chạ để nằm khô một bóng;
Chẳng ai vào an ủi nắm bàn tay:
Khổ bao nhiêu cho một kẻ hằng ngày
Tìm thế giới để làm khuây lẻ chiếc!
11. Anh Thương Em
Anh thương em anh giắt
Gương trăng vào nón trời
Bốn mùa nghiêng nét mặt
Khi thương nhớ em soi.
12. Bâng Khuâng
– Chậm chuyến phà
Sông thu, trời lạnh, mây như khói
Chậm chuyến phà nên quen biết nhau
Chốc lát qua sông, đời vời vợi
Về đâu, rồi nữa biết tìm đâu?
– Mắt em
Mắt em anh chẳng dám nhìn lâu
Em đẹp, lòng anh bỗng thấy đau
Mới gặp sao mà như nhớ lại.
Hay dan díu tự kiếp xưa nào?
13. Đêm Về Với Biển
Đêm về với biển đêm xanh
Không đen, đêm biển long lanh nghìn trùng.
Ta đi khắp núi khắp đồng
Lại về ngủ biển, nằm trong dạt dào
Ta nằm trên đáy trăng sao,
Nằm chao sóng mặn, nằm chao sóng cồn.
Ta cùng biển hoá chiếc hôn
Mênh mông, hôn bãi bờ, hôn cuộc đời…
14. Giọng Em
Giọng em vang tự trời quê Huế
Nhẹ thoáng, xanh veo, mà xốn xang
Nồng cháy như mồi thông núi Ngự
Giọng em nửa thực, nửa mơ màng
Chỉ một lần nghe đủ nhớ đời
Huống chi anh được đón bao lời
Bâng khuâng em nói trong chiều lạnh
Ngơ ngẩn lòng ta Huế Huế ơi!
15. Hoa Giữa Nắng
Hoa chanh cánh tím mùi hương thoảng
Nở góc vườn em anh nhớ dai
Thơ giữa cuộc đời, hoa giữa nắng
Du xuân con bướm quạt hương dài.
16. Mây Trắng
Trời nóng đêm qua mây dậy ran
Ngỡ đàn trâu bạc phá tung ràn
Giữa hè ruộng vỡ mênh mông gió
Những luống cày xô nắng, chói chang.
17. Khắc Khoải
MÂY TRẮNG VỀ ĐÂU
Mây trắng về đâu mây trắng ơi!
Nhớ thương từng mảng ngáng chân trời
Yêu em anh muốn làm mây trắng
Khuya sớm tìm em bay tới nơi.
GẶP EM MỘT SÁNG
Gặp em một sáng trời se lạnh
Em đẹp hừng đông, anh choáng say
Bão dậy trong lòng chưa phút tạnh
Chiêm bao lẫn quất tháng năm này.
18. Hương Đất
Chuồng bò bốc ấm mùi phân ủ
Mùi cỏ còn hăng xen cọng rơm
Nắng rọi phên thưa chiều rạo rực
Ngoài vườn luống cải hoa vàng đơm.
Mùi đất mùi phân nhuyễn với nhau
Mùi bùn vừa nạo dưới ao sâu
Chua chua ráp ráp mùi ngâm mạ
Nghe nứt mầm xanh mỗi tế bào.
Quen thuộc trời này với gió này
Chiều đông gió ửng những bàn tay,
Như nghìn ngọn lửa đang nhen nhúm
Cho một mùa xuân nhựa ấm đầy.
19. Sang Xuân
Sáng nay gió loáng trên đường
Cây phơi phới lá, dễ thường sang xuân.
Nhà ai đào nở tươi sân?
Trông vô: em bé tung tăng áo hồng.
Gặt xong tạnh ráo cánh đồng,
Gió se luống đất ủ vồng khoai lang.
Được mùa to, mái rạ vàng,
Đông rét muộn, tưởng xóm làng sang xuân.
20. Sống Một Đời
Luật của tế bào chẳng để ta
Trẻ hoài với nước, với mây qua
Với làn gió sớm mơn cành lá
Với ánh trời xanh ngọc bốn mùa
Nhưng trẻ một lần, trời đất trẻ
Trong ta, nảy nở xứ tâm hồn
Cây trưa tròn bóng, sông ra cửa
Biển lại dào lên những chiếc hôn
Em quý, em yêu, em của anh
Tên em mát dịu, dáng em lành
Tên em làm tổ mùa anh sống
Nước mát mùa đi những bước xanh
Sống một đời, ta ham vạn đời
Bởi vì thế giới đẹp, em ơi!
Nhưng vì đẹp quá ta giao lại
Chớ để người sau phải thiệt thòi.
21. Trăng Xuân
Đầu năm gió mát tựa hè
Nứt bung hoa gạo bốn bề trăng xuân
Sông là người đẹp khoả thân
Núi xanh mơn mởn bước gần bước xa
Lá ngôi lá mía rì rà
Áo đêm xuân khéo mượt mà dải tơ.
22. Tổ Quốc
(Tâm sự yêu nước của kiều bào tại Pháp)
Yêu mến tặng kiều bào ở nước ngoài
Việt Nam ơi! Mẹ nghìn đời yêu dấu
Tên thiêng liêng đau đáu lòng con
Mẹ có biết tâm hồn con chảy máu
Thuở đau thương, mẹ nuốt tủi, nuôi hờn.
Tổ quốc ơi! Bởi vì sao mỗi bước
Chân con đi xa mẹ nhói bàn chân
Cũng ánh sáng, cũng trời mây, gió nước
Xa quê hương sao nhạt nhẽo muôn phần!
Ai có biết làm sao nói được
Lòng tha hương trằn trọc nhớ quê hương
Mắt có ngủ mà hồn ta vẫn thức
Tình non sông da diết máu xương.
Đêm khuya vắng, bỗng nhớ mùi hương bưởi
Ướt ánh trăng thơm suốt mấy canh gà
Cả tuổi nhỏ lại trở về mát rượi
Bóng dừa xanh, hàng tre mượt quê ta.
Những đứa con phải xa rời Tổ Quốc
Mẹ biết chăng, chỉ sống nửa tâm hồn
Một nửa khác gửi với theo sóng nước
Về quê cha đặng giữ thắm lòng son.
Việt Nam ơi! Nuôi đàn con những thuở
Mẹ cắn răng không cho nước mắt trào
Mẹ lấy sức vùng lên trong biển lửa
Mẹ hôm nay sừng sững giữa trời cao.
Vẫn xa nước lòng nay sao rạng rỡ
Lửa quê hương soi ấm tấm lòng con
Bao con mẹ bấy nhiêu hòn máu đỏ
Mẹ lại cho con vẹn cả tâm hồn.
Anh em ơi, bởi vì sao mỗi bước
Chân ta đi ngang dọc khắp trời tây
Không lủi thủi, chẳng ngỡ ngàng như trước
Cái thuở cha, anh lê gót đoạ đày.
Mẹ Việt Nam, mẹ nghìn đời yêu dấu
Ôi quê hương, máu của máu lòng ta
Lòng yêu nước bốn nghìn năm nung nấu
Chia đều con như sữa mẹ cơm cha.
Xa đất nước, vẫn cành xuân phơi phới
Quyết đơm hoa góp mùa rộ quê nhà.
Ánh dương sớm chân trời ta chiếu rọi
Theo đàn con vững gót nẻo đường xa.
23. Tiếng Biển Về Khuya
Tiếng biển về khuya như tiếng lụa
Non tơ, êm ả, lại bền hơi
Lao xao vũ trụ chồi đang nhú
Trăng bạch quang mây lọc ánh ngời
Ta nằm tiếng sóng cuốn bờ mây
Ta khoát mênh mông mở ánh ngày
Biển nở hoa cườm thơm gió mặn
Buồm lên theo cánh hải âu bay
Nổi yên tâm lớn trong trời đất
Biển gọi trăng sao thở nhịp thầm
Nghiêng gối tao phùng cùng tạo vật
Anh em từ thưở mịt mù tăm.
24. Vỗ Về
Tỉnh dậy lòng ơi, ê chề hãy tỉnh!
Gà gáy mai đem sức lại cho đời.
Quên chua cay, hãy tỉnh dậy lòng ơi!
Chớ áo não, chán chường không phải lẽ.
Ngày về đó, đậm đà và mới mẻ;
Sương buông thưa, hứa hẹn gió hiền lành.
Nghe mạch đời đang thao thức âm thanh,
Và nhạc sống vẫn âm thầm tiến tới…
Thơm tho quá, lòng ơi, vườn mới xới,
Vẩn vơ thơm như mùi của tơ duyên;
Làm nũng chi với hạnh phúc bình yên!
Chim hót đó; sao lại ngờ số mạnh?
Rắn rỏi chút với vài ba dự định,
Yên vui đi cùng thương mến ít nhiều.
Tháng ngày qua, buồn khổ cũng qua theo,
Đời vẫn đến ở dưới trời rộng mở.
Nếu mai mốt theo ngõ lầy quá khứ,
Nỗi nhác lười sẽ mục hết thanh niên.
Và nhất là đừng cúi mặt đi bên;
Chớ buông thả hết cả lòng kiêu hãnh.
Hãy tỉnh lòng ơi, ê chề hãy tỉnh!
Tìm Sớm Mai mà xin một nụ cười!
Nghe: bên đường, vội vã một đàn dơi,
Thâu bóng tối cuối cùng trong cánh lớn.
25. Yêu
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không – khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…
Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng…
Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”.
Chân đang bước bỗng e dè dừng lại
– Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại…
26. Yêu Đời
Em ơi! Dẫu sống trăm năm
Đến khi chết xuống, anh nằm không yên
Bởi đời đẹp quá đi, em!
Yêu rồi, yêu mãi, yêu thêm chẳng thừa
Yêu đời biết mấy cho bưa
Cả khi cay đắng đời chưa hết tình…
Tiếng gà lại giục bình minh
Đã yêu cuộc sống, nằm thinh được nào!
Giản đơn chiếc áo mặc vào,
Cởi ra còn nhớ, huống bao năm trường
Yêu đời trong máu, trong xương
Lòng anh hạt muối đại dương bồi hồi
Quê anh cà nhút mặn mòi
Sinh anh muối mặn yêu đời, đó em….
27. Xuân Hành
Lượng xuân trời đất vui chưa hết,
Sông Nhị dòng hăng nước chảy ào.
Máu đời lai láng hòn đất đỏ,
Mạch đời vời vợi lòng sông cao.
Nghe đời bước mạnh vần thế núi
Nghe đời thở mạnh loà trăng sao.
Ta đi một mình trên đê nhỏ,
Ta góp chân nhanh cùng bốn gió,
Ta đi mau quá tầm chân người,
Ta gặp hồn ta trong vũ trụ.
Máu xuân chốn chốn sôi mênh mông,
Hoa gọi trời xanh phất quạt hồng.
Ta đi về đâu ta chẳng biết,
Chỉ biết trời xanh là ta say,
Trời xanh hái cụm hoa tinh khiết,
Mỗi bước bừng khơi một suối ngày.
Bà quán bên đường nếp áo nâu,
Xôn xao xuân ý cũng về đâu?
Về đâu thiếu nữ còng vai mạnh
Quá khứ tương lai gánh trước sau?
Về đâu những bước thời gian đã
In dấu mong manh trên cánh đào?
Về đâu hạt bụi vàng thao thức
Theo bánh xe quay vòng khát khao?
Về đâu nhật nồng cùng nguyệt lạnh,
Hai bánh xe quay vòng số mệnh?
Ngồi xe nhật nguyệt cùng Thiên nhiên
Làm bạn đi đường về vô định,
Chỉ biết hôm nay lòng ta vui.
– Mà tuổi đất trời còn độ thịnh.
Âm dương chưa hằng mệt,
Bên đường hoa nở tươi.
Mùa vàng đời chửa hết,
Biển vang triều chẳng liệt,
Sóng rủ nhau đi bát ngát cười.
28. Say Mùa Hè
Ôi mùa hè sao mà rạo rực
Đã ve kêu: dầu phượng đỏ chưa về
Không khí bỗng xôn xao náo nức
Và lòng ta cũng thao thức trăm bề.
Những búp đa trên lề đường rụng thắm
Gọi trẻ em từ xa lắm, hè ơi!
Trời đất gọi, dẫu nhà cha mẹ cấm
Cũng ra đi – ve giục giã bồi hồi.
Yêu mùa xuân, lòng ta yêu lắm chứ
Nhưng mùa hè người mới thật mùa say
Trưa của ngày mặt trời cao tột đỉnh
Trưa của mùa, trời đất chín muồi đây.
Đời thân yêu, một ngày mai ta chết
Cho ta đi khi hè chói chang trưa
Để ta hiểu giã từ chưa phải hết
Nắm đất quen như hạt chín sang mùa.
29. Mùa Hạ Chín
Thân hình em là một mùa hạ chín
Anh như cây ngàn phủ bóng lên em
Mùa hạ đầy hương, hương rừng hương biển
Hoa đơm hương trên những lá cành chen.
Ôi mùa say nào gió nồng trong tóc
Gáy bâng khuâng như chiều lặn xôn xao
Em là nắng biển cồn cào rạo rực
Buồm anh si đi giữa những cù lao.
Mùa hạ chín. Cả mùa em anh thức
Mùa biển rong leo quấn những cành trăng.
30. Gió Lạnh Chiều Đông
Gió lạnh chiều đông nhớ tuổi thơ
Bầy chim chèo bẻo nấp bên bờ
Mênh mông nước bạc đồng sau gặt
Một nỗi buồn xa như sóng xô.
Chim ở đâu về sà chớp mắt
Chim vương nhựa chết hết bay rồi
Bắt chim nghe lạnh hai đầu cánh
Tưởng mặt trời se rụng đến nơi.
Tuổi nhỏ hắt hiu giữa cánh đồng
Nửa tràn sương núi, nửa hơi sông
Có gì ẩm ướt trong hồi tưởng
Như áo ngày mưa bặn bếp hong.
Gió lạnh chiều đông xui nhớ thuở
Bầy chim chèo bẻo nấp bên bờ
Hôm ta nấp, thơ giăng lưới
Bẫy tháng năm về, bắt tuổi thơ.
Tiểu sử nhà thơ Huy Cận
Cù Huy Cận (1919 – 2005), bút danh hoạt động nghệ thuật là Huy Cận, là một chính khách, từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam như Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nghệ thuật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), ngoài ra ông còn là một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Ông từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới và Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hiệp hội Văn học Việt Nam giai đoạn 1984-1995.
Tiểu sử sự nghiệp
Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919, trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (thượng nguồn sông La) ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn sau đó thuộc huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Ngày sinh hiện nay là do ông cậu của ông khai khi vào học ở Huế, còn ngày sinh chính xác là ngày 29 tháng 12 năm Bính Thìn (dương lịch là ngày 31 tháng 5 năm 1917).
Ông lúc nhỏ học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, Huy Cận đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Huy Cận cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Hoạt động chính trị của nhà thơ Huy Cận
Tháng 8 năm 1945, Cù Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ Lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, khi mới 26 tuổi, ông đã là Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu Chính phủ.
Từ cuối năm 1945 ông là Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ.
Sau này ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ.
Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, II và VII.
Tháng 6 năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.
Huy Cận mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội.
Đời tư – Gia đình của nhà thơ Huy Cận
Về đời tư, Huy Cận có hai người vợ. Người vợ đầu của ông là bà Ngô Xuân Như, em gái của nhà thơ Xuân Diệu, từng công tác tại Ban Kiểm tra 12, Phủ Thủ tướng, Bác sĩ Viện Y học cổ truyền Việt Nam đã mất năm 2009. Người vợ thứ là bà Trần Lệ Thu, cán bộ giảng dạy Nga văn ở một trường Đại học lớn tại Hà Nội. Huy Cận và Xuân Diệu là 2 nhà thơ lớn, 2 người bạn lớn, tri kỷ. Xuân Diệu cùng sống với gia đình Huy Cận cho đến hết cuộc đời tại ngôi nhà số 24 đường Cột Cờ (đường Điện Biên Phủ), Hà Nội.
Ông có bốn người con, hai con trai và hai con gái. Con trai cả của ông là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ (với Ngô Xuân Như, em gái của Xuân Diệu), người bị công an Việt Nam bắt năm 2011 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ luật hình sự, bị tuyên án 7 năm tù, 3 năm quản chế. Em trai ông là tiến sĩ triết học – mĩ học Cù Huy Chử, từng công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sáng tác của nhà thơ Huy Cận
Sáng tác của Huy Cận trước Cách mạng tháng 8 mang nét sầu não, buồn thương. Còn sau Cách mạng tháng 8 thì lại mang nét tươi vui. Có thể thấy rằng các sáng tác của Huy Cận luôn bám sát hiện thực cuộc sống, thời đại
Trước tháng 8 năm 1945
Huy Cận có thơ đăng báo từ 1936, cho in tập thơ đầu Lửa thiêng năm 1940 (gồm những bài đã đăng báo, khoảng 1936-1940) và trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Bao trùm Lửa Thiêng là một nỗi buồn mênh mang da diết. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn. Nỗi buồn đó dường như vô cớ, siêu hình nhưng xét đến cùng, chủ yếu là buồn thương về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Hồn thơ “ảo não”, bơ vơ đó vẫn cố tìm được sự hài hòa và mạch sống âm thầm trong tạo vật và cuộc đời. Trong Kinh cầu tự (1942, văn xuôi triết lý) và Vũ trụ ca (thơ đăng báo 1940-1942), Huy Cận đã tìm đến ca ngợi niềm vui, sự sống trong vũ trụ vô biên song vẫn chưa thoát khỏi bế tắc.
Sau tháng 8 năm 1945
Các tác phẩm của Huy Cận sau Cách mạng tháng 8:
Trời mỗi ngày lại sáng (tập thơ, 1958),
Đất nở hoa (tập thơ, 1960),
Bài thơ cuộc đời (tập thơ, 1963),
Hai bàn tay em (tập thơ thiếu nhi, 1967),
Phù Đổng Thiên Vương (tập thơ, 1968),
Những năm sáu mươi (tập thơ, 1968),
Cô gái Mèo (truyện thơ, 1972),
Chiến trường gần đến chiến trường xa (tập thơ, 1973),
Họp mặt thiếu niên anh hùng (tập thơ thiếu nhi, 1973),
Những người mẹ, những người vợ (tập thơ, 1974),
Ngày hằng sống ngày hằng thơ (tập thơ, 1975),
Sơn Tinh,Thủy Tinh (tập thơ, 1976),
Ngôi nhà giữa nắng (tập thơ, 1978),
Suy nghĩ về nghệ thuật (tiểu luận phê bình, 1980 – 1982),
Hạt lại gieo (tập thơ, 1984),
Tuyển tập Huy Cận tập I (tuyển tập thơ, 1986),
Chim làm ra gió (tập thơ, 1991),
Một cuộc cách mạng trong thi ca (chủ biên cùng Hà Minh Đức, 1993),
Tào Phùng (tập thơ, 1993),
Thơ tình Huy Cận (tuyển tập thơ, 1994),
Nước triều Đông (Mareés de la Mer Orientale) (tập thơ tiếng Pháp, 1994),
Suy nghĩ về bản sắc dân tộc (văn hóa, 1994),
Các vùng văn hoá Việt Nam (chủ biên cùng Đinh Gia Khánh, 1995),
Tuyển tập Huy Cận II (tuyển tập thơ, 1995),
Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất (Messages stélaires et Terrestres) (tập thơ tiếng Pháp, 1996),
Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ (tập thơ, 1997),
Ta về với biển (tập thơ, 1997),
Hồi ký song đôi (tự truyện, 1997),
Lửa hồng muối mặn (tập thơ, 2001),
Cha ông nghìn thuở (tráng ca, 2002),…
Sáng tác được phổ nhạc
Ngậm ngùi được Phạm Duy phổ nhạc
Áo trăng, Buồn đêm mưa và Tự tình được Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc
Danh hiệu của nhà thơ Huy Cận
Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I – năm 1996).
Tháng 6 năm 2001, Huy Cận được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.
Ngày 23 tháng 2 năm 2005, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.
Ở một số thành phố đã có đường phố mang tên nhà thơ Huy Cận như Đồng Hới, Quảng Bình (nối Nguyễn Bỉnh Khiêm với Mạc Đĩnh Chi)… Ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (quê ông), có Trường Trung hoc phổ thông mang tên Cù Huy Cận, ở thành phố Hà Tĩnh có đường Huy Cận (Phường Nguyễn Du – giao với đường Xuân Diệu).
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Huy Cận và những sáng tác nổi tiếng nhất do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng rằng với những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích về nhà thơ Huy Cận bạn nhé!