Nhà thơ Lưu Trọng Lư - Những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Lưu Trọng Lư 1

Lưu Trọng Lư (19/6/1912 – 10/8/1991) là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam, quê làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Ông học đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế thì ra Hà Nội làm văn, làm báo để kiếm sống. Ông là một trong những nhà thơ khởi xướng Phong trào Thơ mới và rất tích cực diễn thuyết bênh vực “Thơ mới” đả kích các nhà thơ “cũ”. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Văn hoá cứu quốc ở Huế. Cùng chúng tôi điểm qua một số tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ bạn nhé!

Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Lưu Trọng Lư

Nhà thơ Lưu Trọng Lư - Những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Lưu Trọng Lư 2
Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Lưu Trọng Lư

1, Tiếng Thu

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

2, Nắng Mới

Tặng hương hồn Thầy Me
Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

3, Một Mùa Đông

I
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.
Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.
Để mặc anh đau khổ,
Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!
II
Tặng D.C.
Em là gái trong khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời;
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.
Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?
Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ?
Cho mộng tràn gối chăn?
III
Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau.
Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.
Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.
Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa,
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.
IV
Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.
Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.

4, Thơ Sầu Rụng

Vừng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ.
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng,
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo.
Năm năm tiếng lụa xe đều…
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay,
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh.

5, Giang Hồ

Mời anh cạn hết chén này,
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn.
Tiếng gà đã rộn trong thôn,
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay.
Để lòng với rượu cùng say,
Chừ đây lời nói chua cay lạ thường!
Chừ đây đêm hãy đầy sương,
Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng!
Chừ đây trăng nước não nùng,
Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn.
Tiếng gà lại rộn trong thôn…
Khoan đừng tơ tưởng vợ con ở nhà
Giờ này còn của đôi ta,
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người,
Ô sao rượu chẳng kề môi,
Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng?
Tay em nâng chén hoàng hoa,
Sá gì hớp rượu vì ta bận lòng.
Hãy gượm lắng nghe dòng sông chảy,
Gió đùa trăng trên bãi lạnh lùng.
Sá gì hớp rượu, bận lòng,
Đợi gì môi nhấp rượu nồng mới say?
Hãy nhích lại đưa tay ta nắm
Hãy buông ra đằm thắm nhìn nhau.
Rồi trong những phút giây lâu,
Mắt sầu gợn sóng, lòng đau rộn tình.
Phút giây ấy, ta mình ngây ngất,
Bỗng con thuyền buộc chặt, rời cây.
Cho ta khất chén rượu này,
Vì ta em hãy lựa dây đoạn trường.
Khoan để đốt chút hương trầm đã!
Đợi trầm bay rộn rã lời ca…
Nghe xong ta ngắm lời xa,
Dòng sông Ngân đã nhạt mờ từ lâu.
Tiếng gà đã gáy mau trong xóm,
Bình minh đà rạng khóm tre cồn.
Trông nàng môi nạt màu son,
Giật mình ta nhớ vợ con ở nhà,
Từ đấy chẳng bao giờ phiêu lãng,
Niềm thê nhi ngày tháng quen dần.
Đôi phen nhớ cảnh phong trần:
Bóng nàng ẩn hiện xa gần đâu đây.
Tưởng nghe tiếng gọi nơi hồ hải,
Mắt lệ mờ ta mải trông theo,
Trong buồng bỗng tiếng con reo,
Vội vàng khép cửa gió heo lạnh lùng.
Đêm ấy rượu nàng ta không uống,
Từ sau thề không uống rượu ai.
Đòi phen ngồi ngóng chân trời,
Chẳng bao giờ nghĩ đến đời phiêu lưu.
Ngoan ngoãn như con cừu non dại,
Cỏ quanh vườn cắn mãi còn ngon.
Sau lưng nghe tiếng cười dòn,
Vội vàng ngoảnh lại… thằng con vẫn cười.
Nó đưa ta một chai rượu bé,
Bảo rằng: “Đây, rượu mẹ dâng cha”
Giật mình ta mới nhớ ra:
Là ngày sinh nhật vợ ta đó mà!
Ta uống chẳng hoá ra lỗi hẹn,
Mà từ nan đâu vẹn đạo chồng!
Than ôi! trời giá đêm đông,
Màu du tử thực bên lòng hết sôi?
Chén lại chén kề môi thủ thỉ,
Càng vơi càng tuý luý càng đầy!
Lúc tỉnh rượu lặng ngồi bên án,
Trông vào gương, lằn trán có vôi;
Vợ con khúc khích đừng cười,
Còn ta vô ý lệ rơi xuống bàn,
Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng
Xót xa thay cái giống giang hồ!
Ngón đàn thêm một đưòng tơ,
Mà người sương gió nghìn thu nhọc nhằn,
Thôi rồi ra chốn nước non,
Lồng son lại để sổ con chim trời.
Thú hồ bể quyến mời du tử,
Niềm thê nhi khôn giữ được người.
Biết sao trái được tính trời,
Giang hồ cốt ấy, trọn đời phiêu linh…
Hôm nay ngồi rũ canh trường,
Nơi thuyền trọ, rượu quỳnh tương ai mời
Người dâng rượu xa nơi trần giới,
Lạnh lùng thay gió thổi đêm đông!
Tuy người đã khuất non sông,
Mặt hoa lãng đãng như lồng dưới trăng
Mường tượng thấy tung tăng cười nói,
Như tưởng chừng người mới hôm qua!…
Nào hay nghìn cổ cách xa,
Tài tình đến thế mà ra hão huyền!
Hoạ còn chút trong thuyền dấu cũ,
Cây đàn tranh mốc ủ trên phên,
Phím long, dây đã rỉ rền,
Còn nguyên trên gỗ ghi tên họ người.
Nàng xưa vốn một loài trăng gió
Cũng vì vương víu nợ cầm ca
Một đi lìa cửa lìa nhà,
Nắm xương tàn lạnh phương xa gửi nhờ.
Đêm nay hoạ có mình ta,
Đốt hương trầm cũ chờ ma dạo đàn.

6, Một Chút Tình

Chửa biết tên nàng biết tuổi nàng
Mà sầu trong dạ đã mang mang.
Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh,
Lạnh lẽo đêm trường dãi gió sương.
Ta chỉ xin em một chút tình
Cho lòng thắm lại với ngày xanh.
Sao em quên cả khi chào đón
Tình ái, chiều xuân đến trước mành?
Rộn rã cười vang một góc lầu,
Ngây thơ em đã biết gì đâu?
Đêm khuya trăng động trong cây lá,
Vò võ ta se mấy đoạn sầu,
Lác đác ngày xuân rụng trước thềm,
Lạnh lùng ta dõi bước chân em,
Âm thầm ấp mối xa xa vọng
Đường thế đâu tìm bóng áo xiêm?
Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau,
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.
Chờ anh dưới gốc sim già nhá!
Em hái đưa anh đoá mộng đầu.

7, Tình Điên

(Tặng các bạn cũ và những ngày qua)
Mười bảy xuân em chửa biết sầu
Mối tình đưa lại tự đâu đâu…
Em xinh em đẹp, lòng anh trẻ,
Dan díu cùng nhau giấc mộng đầu.
Tình trong như nước biển trong xanh
Huyền ảo như trăng lọt kẽ mành;
Phơi phới như hoa đùa nắng sớm,
Rạt rào như sóng vỗ đêm thanh…
Hôm ấy trăng thu rụng dưới cầu,
Em cười, em nói suốt trăng thâu;
Yêu nhau những tưởng yêu nhau mãi,
Tình đến muôn năm chửa bạc đầu…
Ngày tháng trôi xuôi với ái ân…
Bên cầu lá rụng đã bao lần!
Tình ái hay đâu mộng cuối trời
Nhầm nhau giây lát hận muôn đời
Kẻ ra non nước, người thành thị,
Đôi ngả tình đi, người mỗi nơi.
Hôm nay ngồi ngóng ở bên song,
Ta được tin ai mới lấy chồng;
Cười chửa dứt câu, tình đã vội…
Nàng điên trên “gối mộng” người thương.
Ta mơ trong đời hay trong mộng?
Vùng cúc bên ngoài, đọng dưới sương
Ta dí đôi tay vào miếng kính,
Giật mình quên hết nỗi đau thương…
Ta hát dăm câu vô nghĩa lý;
Lá vàng bay lả vào buồng ta.
Ta viết dăm câu vô nghĩa lý;
Người điên xem đến hiểu lòng ta.

8, Đan Áo

Ngày tháng em đan chiếc áo len,
Hững hờ để lạnh với tình duyên.
Mùa đông đến tự hôm nào nhỉ?
Lá rụng bay đầy dưới mái hiên.
Gió thổi hôm nay lá rụng nhiều,
Cây em đan hộ tấm tình yêu
Để về mang ủ lòng anh lạnh,
Cho khoảng đêm trường đỡ quạnh hiu.

9, Thú Đau Thương

Tình đã len trong màu nắng mới,
Lòng anh buồn vời vợi, em ơi!
Niềm yêu rung động đôi môi
Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi.
Đã héo lắm nụ cười trong mộng
Đã mờ mờ lắm, bóng thân yêu,
Đã lam tím cả cánh chiều
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn.
Xin để gối nằm im chỗ cũ,
Hãy lịm người trong thú đau thương,
Giờ đây ta đốt nén hương
Trên tay ta buộc dải tang cho tình.

10, Lòng Cô Phụ

Tình em như tuyết vương chân ngựa
Hoặc có vừng trăng muôn dặm soi
Đã lâu anh không đến vườn em nữa!
Các lối đi, gai cỏ mọc đầy,
Chim không hạ cánh,
Lá rụng không buồn bay,
Những chiều thu em không buồn tựa cửa.
Hoa em đầy giậu, bóng anh tuyệt vời
Cỏ em đầy vườn, ngựa anh không tới
Đã lâu ngày, ngõ ùn: lá bàng rơi,
Đón ai vào mà ngõ kia em phải xới?
Hôm nào đây, bầy chim con ngần trắng
Biết tự quãng nào, trong chốn rừng xanh
Bay về đây – trên cành xoan, im lặng
Không con nào mách hộ bóng tin anh!

11. Bé

Từ trong ngục tối,
Chúng dẫn em ra
Và giắt một cành hoa
Lên đầu của bé,
“Ừ, con bé ngoan
Cho về với mẹ”
Em mừng, quýnh cả đôi chân.
Nho nhỏ đôi gót son
Em băng liều giữa tuyết
Con chim nhỏ hót chào em
Mà em có biết
Chiều đó em đi..

12. Chải lại đời anh

Cái màu nhiệm vô biên
Qua bàn tay em mỗi ngày hiển hiện
Đàn đã qua bao cung gió chuyển
Còn vọng vang tiếng nhấn tơ đầu
Sáng nay, em nghĩ gì, nghĩ gì anh biết
Khi giữa giờ bão tố hoa vẫn toả một mùi hương
Và đêm nay, bàn tay em ở đâu, ở đâu anh biết
Khi anh đang ngồi lặng, trước ngọn đèn chong
Em là ánh trăng khuya. Vẫn là của anh mặt trời mỗi sáng
Có những thu lá vàng tơi tả
Em chải lại đời anh
Em kéo từng nút khăn, em đơm từng khuy áo
Mà với trăng sao, em đi trọn khúc ân tình.

13. Chảy thành sông

Người thì vì Tổ quốc cơ cực
Người thì vì chồng nặng gánh đau thương
Người thì vì con trái tim luôn co thắt
Chao ôi
Mỗi người Việt mình nước mắt đủ chảy thành sông.

14. Chiều nay, ai đẹp hơn anh

Từ trên tay Mẹ,
Anh bước ra
Hay từ một giấc mơ
Của tuổi trẻ
Anh về đây?
Chiều nay
Súng chắc tay,
Anh canh một khoảng trời Tổ quốc.
Như trên dòng sông, làn mây biếc
Anh gợn dậy sóng yêu thương…
Và mắt anh sáng ngọn đèn
Vẫn chiếu vào từng bóng đen cú vọ
Vừa đạp lên đầu Mỹ – nguỵ
Dép anh vẫn sạch sẽ, nhẹ nhàng
Bước chân anh rất đỗi hiên ngang
Mà nụ cười anh hiền dịu lạ thường!
Một thiên thần? Đâu phải!
Anh vừa ôm đứa trẻ khóc bên đường
Lời anh dỗ, anh ru sao mà dễ thương
Với cụ già di tản, anh nhẹ nhàng đỡ gánh
Lưng dẻo quá đi thôi! O nào dám sánh
Với người lạc nẻo, anh vẫn mỉm cười,
Và đưa nhẹ bàn tay:
– Đò cập bến, mời anh bạn mới
Trước sau một chuyến sang ngang!
Chiều nay, anh đi trong hương bay khắp đường
Cô gái Ngự nhìn anh nghiêng nghiêng chiếc nón
Dòng Hương rất hùng, rất xinh, rất đỏm
Muốn thu mình làm gương nhỏ tay anh
Để soi nhiều, soi mãi áo màu xanh
Và đôi mắt người trai anh dũng
Mà ung dung, dịu dàng, độ lượng
– Anh hãy là Mẹ hiền
Nghe hết nỗi đau em!
Từ đêm qua, những nước mắt còn sót lại
Anh đưa tay, lau vội
Và cả với trời biếc xanh
Anh cho thêm nhiều xanh biếc của mắt anh.

15. Chuông điểm

Thương lo chẳng bao giờ cô quạnh
Đêm mười hai giờ, chuông điểm
Cái bóng kia, sao bóng lặng, bóng dài?
Cho con buồn chút, mẹ ơi!
Gà gáy đi, rồi gà gáy lại
Bình minh không thể đến trước mặt trời.
Đã là ta còn phải biết không ta
Tự đối lập để tìm ra chân lý
Đâu phải chuyện gà bên nớ đã gáy
Gà bên ni phải gáy
Biết chờ, biết đợi
Nhưng không thể chờ, không thể đợi cái khốn nạn thờ ơ.

16. Đường ta đi thế đây bạn lòng ơi

Quê hương ơi! Chiều nay
Ta trở lại với người
Soi mái tóc thời gian trên những vỏ hà, vỏ hến.
Như đứa trẻ muốn lăn mình trên cát cồn trắng mịn
Ta, người đời vẫn phong cho
Mấy chữ: giang hồ thi sĩ
Ôi! Chiều nay ta muốn lăn nửa vòng thế kỉ
Trở về với tuổi lên mười.
Một đời ta, lăn đi, lăn lại biết bao ngoai
Hỏi những gì còn dính da, dính thịt
Những gì đang nảy sinh, những gì đã mòn chết?
Trên mái xanh còn lơ thơ mấy sợi tóc này
Quả đất nặng đã quay những vòng quay
Những mặt trời đã lên, những mặt trời đã lặn
Những bão bùng và những hạn hán
Những trận mưa lay đất, những cơn khát bỏng trời
Ôi! Bé bỏng một tấm thân người
Một chiếc thuyền nan bồng bềnh giữa hai bờ sống chết
Có nỗi thương của Giêdu, có nước mắt của Phật
Và trên tay áo này,
Trên tay áo này
Những giọt đau!
Những giọt đau!
Của mẹ, của em của những bọt bèo số phận
Nằm nghe những tiếng chao chân
Trên một bến bờ vực thẳm.
Đời sao có những say đắm
Trong cõi lạnh hư vô?
Một con đò! Ôi một con đò
Với một ngôi sao xa vời thăm thẳm
Bỗng trong cơn xoáy lặng
Qua những sóng nước xôn xao
Ta nghe có một tiếng gọi, tự phương nào
Phương nào đó nhỉ?
Ta: giang hồ một thi sĩ
Dừng nghe tiếng gọi từ xoáy hồn ta
Hay tiếng gọi từ một bến bờ xa
Tiếng gọi từ một bến bờ quang đãng?
Trận gió thu và những ngày tháng tám
Đắng cay sực tỉnh, mình lạnh mồ hôi.
Đi mòn đôi chân, túi đời đã cạn
Mà rỏng rẻng như mới nghe hai tiếng làm người
Mắt bàng hoàng khóc trước mảnh gương soi
Ai đưa khúc Bình Minh Anh vũ
Cho ta, trong chiều xế Đỗ Quyên?
Ai làm hồng máu con chim
Cho tiếng hót trong ngần bên cửa sổ?
Hôm nay: một ngày ta đó
Có nước mắt có tiếng cười
Và đau xưa càng sáng vui này
Tình yêu bắt đầu từ người ngồi cạnh
Rồi với kẻ cùng đi
Với những tấm lòng theo nhau vào trận đánh.
Thế thôi! Mà sao vất vả rộn ràng
Một ngày qua nhanh, tiếc ngẩn!
Có phải vì một chữ “thương”chưa trọn
Có phải vì một câu “hẹn” chưa tròn
Mà bắt năm tháng phải quay vòng
Mà mùa xuân phải bắt đầu mỗi sáng
Mà giữa tuần bủa kén
Phải óng ả thân tằm?
Đêm sao như đêm trăng rằm
Câu hát câu hò vui quanh cối gạo
Giọt lạnh mưa xưa còn ố vàng tay áo
Mà mưa nay hồn mát dậy những mầm tơ!
Một chiếc thuyền nan mà đi khắp bến bờ
Sao cô quạnh nhập vào đàn sao chói lọi.
Ta biết người với người còn dạ sói
Trong đêm đen còn nhe trắng hàm nanh
Những tuổi trẻ của hành tinh
Có những chuyến đi vĩ đại
Đi trong nghĩa tình không biên giới
Cùng Bình Minh bủa bắt Hoàng hôn
Đạp hờ hững, phá cô đơn!
Ta lên giữa Trường Sơn gọi gió.
Trong ta: Việt Nam một tia máu nhỏ
Cũng da diết gọi mặt trời
Cuộc sống ai ơi!
Ta đi tận mép bờ Hữu Hạn
Cho mắt “sờ” những sán lạn vô biên
Đất này không phải xứ sở của thần tiên
Người với người thôi, sao mà đẹp vậy?
Đường ta đi thế đấy!
Đường ta đi thế đấy, bạn lòng ơi!
Hôm nay về đây như đứa trẻ lên mười
Và trên những ải đèo nhấp nhô cát sóng
Của đời cũ thân thương.
Như con ngựa đường trường
Ta về đây gõ móng.
Trời cao đất rộng
Mở phanh vạt áo của hồn ta
Nằm trong sóng vỗ đôi bờ
Cả thịt da, ta với đất trời dào dạt.

17, Em Mai

Cây bàng trước sân đổ gãy.
Bảng đen chữ phấn toác làm đôi
Thật rồi! Em Mai nằm đấy:
Mẩu bút chì nắm chặt trong tay.
Quả táo bầm lăn bên túi vải,
Mảng tường đổ, nắng chiều in bóng chân em vừa chạy
Giữa bom gầm còn vọng lại
Hai tiếng: “Thầy ơi!”

18. Em thời gian, ngừng tay!

Tiếng guốc khua giòn
Đường hoa lát đá,
Tiếng guốc nghe quen
Ai vào đấy nữa,
Chỉ là em:
Thời gian!
Anh lót chiếu từ trên thềm
Anh giãi hoa từ ngoài ngõ
Mời em lên.
Em ơi!
Hiểu rồi
Đừng nói!
Tay em cầm gì đấy
Người hoạ sĩ của tôi? Phải rồi
Em muốn chấm lên tóc tôi
Với tháng ngày đã ngả
Những sợi bạc kinh hồn: trắng xoá!
Hoạ sĩ hãy ngừng tay
Và nghe tự lòng này
Một lời tha thiết.
Người em nhỏ của tôi ơi!
Cho anh thêm một ngày,
Cho thêm nghìn ngày nữa,
Cho trọn cùng cả thế kỉ hai mươi!
Sống thêm một ngày,
Trồng thêm một cây
Cây chuối nhỏ bên đường
Cây chuối hương:
Một trăm buồng,
Chuối trổ!
Hỡi người em nhỏ
Cho anh thêm một ngày,
Cho thêm nghìn ngày nữa,
Cho trọn cùng cả thế kỉ hai mươi.
Anh: người thợ nhỏ của ngày mai
Em trông! Cái thước cái bay
Còn vụng về biết mấy!
Sao em còn đứng đấy
Mủm mỉm làn môi
Chẳng “ừ” cho một tiếng?
Rồi tay tự cầm tay,
Không biết tôi còn mê hay tỉnh
Chợt nhìn lên: Người đã lánh,
Đường thời gian nở hoa
Bóng người đã xa…
Rồi biến mất!
Thôi mặc!
Người khách lạnh nhạt kia ơi!
Dẫu tóc ta, người điểm bạc
Lòng này sôi máu tuổi hai mươi!
Bên Văn Miếu, giữa vườn đây
Con chim gì, không biết nữa
Say hót giữa ban ngày.
Cuộc đời như mới… sáng hôm nay
Đôi chân chưa hề biết mỏi
Chân ơi! Mang ta tận cùng thế giới
Vẫy cờ hồng, say khúc hát thanh xuân.

19, Hồn lẫn xác

Bữa cơm ngày nho nhỏ chợ chiều
Mùa sen, em đem về mấy đoá
“Nhớ gọi em nghe! Giờ hoa nở”
Sáng ra, sen rụng khắp nhà
Đêm đêm hương sắc hút cả vào mơ
Giờ, nhìn lại xác hoa… mà tội
Anh ơi, sao tách hồn khỏi xác
Của cho là vô tận, của nhận là không cùng
Cho nhiều, em sẽ mãi mãi giàu thêm.
Như khi em biết dâng cho đời mãi mãi.

20. Lót ô

Mặt soi trên bóng láng đôi giày
Đi về sớm tối chiếc ô này
Chỉ biết cho mình, lo lót ổ
Quỷ cướp mất hồn, mày có hay?
Lố nhố, lăng nhăng lại xập xình
Văn chương phe phẩy ngập đường xanh
Nghìn năm văn vật, à ra thế?
Xin được cầm tay, hỏi chị, anh?
Mặt trận nghe đâu trời rét lắm
Mà đây tuổi trẻ giọng bia nhè
Xuân qua, xuân lại rồi xuân cút
Còn chút gì đây, dính vỉa hè?

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Lưu Trong Lư

Nhà thơ Lưu Trọng Lư - Những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Lưu Trọng Lư 3
Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Lưu Trong Lư

Tiểu sử nhà thơ Lưu Trọng Lư

Lưu Trọng Lư là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thuở nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế (đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế) và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống.
Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho Phong trào Thơ mới.
Năm 1933-1934, ông chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư ở Huế.
Năm 1941, ông và thơ ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV.
Sau 1954, ông công tác ở Bộ Văn hóa và làm Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1957, ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Năm 1991, Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Con trai thứ chín của ông là đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Tác phẩm của nhà thơ Lưu Trọng Lư

Thơ
Tiếng thu (1939), 52 bài
Tỏa sáng đôi bờ (1959)
Người con gái sông Gianh (1966)
Từ đất này (197l)
Chị em (1973)
Bâng khuâng (1988)
Bao la sầu (1989)
Sân khấu
Nữ diễn viên miền Nam (cải lương)
Cây thanh trà (cải lương)
Xuân Vỹ Dạ (kịch nói)
Anh Trỗi (kịch nói)
Hồng Gấm, tuổi hai mươi tới rồi (kịch thơ,1973)
Văn xuôi
Người sơn nhân (tập truyện ngắn, 1933)
Những nét đan thanh (truyện ngắn, 1934)
Huyền Không động (truyện ngắn, 1935)
Cô Nguyệt (truyện ngắn, 1937)
Con đười ươi (truyện ngắn, 1938)
Huế – một buổi chiều (truyện ngắn, 1938)
Một người đau khổ (truyện ngắn, 1939)
Chạy loạn (truyện ngắn, 1939)
Cô gái tân thời (truyện ngắn, 1939)
Một tháng với ma (truyện ngắn, 1940)
Chiếc cáng xanh (truyện dài, 1941)
Khói lam chiều (truyện dài, 194l)
Cô Nhung (truyện ngắn, 1941)
Mẹ con (truyện ngắn, 1942)
Em là gái trong khung cửa (truyện ngắn, 1942)
Dòng họ (truyện ngắn, 1943)
Hổ với Mọi (truyện ngắn, 1944)
Chiến khu Thừa Thiên (truyện vừa, 1952)
Truyện cô Nhụy (truyện vừa, 1962)
Mùa thu lớn (tuỳ bút, hồi ký, 1978)
Nửa đêm sực tỉnh (hồi ký, 1989)

Đánh giá về nhà thơ Lưu Trọng Lư

Là một trong những người tiên phong của Phong trào Thơ mới, những bài thơ của ông mà “nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta” [1] đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới. Hình ảnh:
…Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…
(Tiếng thu)
hay người mẹ với:
…Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong nắng trưa hè trước dậu thưa
(Nắng mới)
trong thơ Lưu Trọng Lư đã trở thành những biểu tượng vượt thời gian.
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Lưu Trọng Lư do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *