Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Ông có rất nhiều sáng tác hay đặc sắc và được đông đảo người hâm mộ biết tới. Trong đó có tập truyện thơ Nôm Dương Từ – Hà Mậu.
Hôm nay tapchivannghe.comsẽ giới thiệu tới bạn hồi 3 trong tập truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu này.
Họ Hà đương gẫm lời hay,
Phút đâu chim hạc lại bay xuống liền.
Hoá ra đồng tử có duyên,
Tay cầm hai trái đào tiên, miệng cười.
Bảo rằng: Hai trái, hai người,
Ăn rồi mới biết là người dại khôn.
Ngày nay đã tới hoàng hôn,
Hai người đi khỏi động môn hành trình.
Theo ta tới Bích Phong Đình,
Ở trong hang đá nghỉ mình một đêm.
Rạng mai có kẻ xuống tìm,
Đem lên Vân động, mựa hiềm đợi trông.
Tiểu đồng dạy bảo vừa xong,
Hoá ra chim hạc, thinh không bay về.
Hai người mắt thấy lòng ghê,
Khen rằng: Tiên đạo có bề thần linh.
Phỏng chừng đương lúc sơ canh,
Ngó ra thấy bóng trăng thanh bên trời.
Băng luân một tấm lộng khơi,
Non sông muôn nước bóng ngời lòng soi.
Hai người lẳng lặng ngồi coi,
Ngó ra cửa động, bóng soi như ngày.
Vẳng nghe có tiếng vang dầy,
Rần rần ngựa gió, xe mây chật đàng,
Trước đi kiệu bạc, tán vàng,
Trong che phủ phất, ngoài giàn quạt tiêu.
Đèn ngân, đuốc ngọc, rất nhiều,
Loà nơi cửa động, hương thiêu nực nồng.
Ngỡ là Thiên tử ngự phong,
Gẫm trong nghi vệ, cũng đồng thần tiên.
Họ Hà xem thấy sợ liền,
Than rằng: Mối đạo linh thiêng như vầy!
Anh tu cũng tiếng ông thầy,
Theo làm tôi Phật, bấy chầy thấy không?
Từ rằng: Cốt mộc, cốt đồng,
Tượng hình, đúc tượng, ngồi không trên bàn.
Ta thường sớm tối đèn nhang,
Thấy ma, thấy quỷ, chàng ràng trêu ngươi.
Phật không thấy nói thấy cười,
Thấy không đi đứng cùng người thế gian.
Chạnh lòng ta mới hỏi chàng:
Lâu nay về đạo Hoà lan thấy gì?
Mậu rằng thấy bức ảnh ghi…
Thấy cây thập ác, thấy kỳ đọc kinh.
Bảy ngày thấy bữa du minh,
Thấy nhà chung nhóm, thấy hình Cha Tây.
Thường thường thấy phát bánh mì,
Thấy ban nước Thánh, thấy khi dọn người.
Trót đà bị chúng chê cười,
Vậy nên phải tới gặp người tiên tri.
Từ rằng: Gặp kẻ tiên tri,
Ta xin hỏi đạo từ bi cho tường.
Hai người ngồi hãy đương bàn,
Nghe chùa Linh diệu chuông vàng sớn rung.
Xảy vừa tới lúc hừng đông,
Tri Niên đã xuống Bích Phong Đình rồi.
Nói rằng gặp tiết giao bôi,
Chư tiên hội yến vào hồi canh ba.
Mậu rằng: Chiều bữa hôm qua,
Có người đồng tử cho ta ăn đào.
Chẳng hay duyên cớ làm sao,
Khiến ta ăn đào, tránh chốn động môn.
Niên rằng: Nơi cửa động môn,
Ngày lành, tháng tốt, để: buồn, tiên chơi.
Hai người lòng dục chưa rời,
Còn con mắt tục, dòm người chẳng linh.
Có ăn hai trái đào xinh,
Rửa lòng nhân dục, trong mình mới an.
Chư tiên nay đã hồi loan,
Ta xin dẫn lộ hai chàng đi lên.
Dương Từ Hà Mậu đi liền,
Tới nên Vân động ngửa lên xem trời,
Thấy ngươi đồng tử truyền lời,
Rằng: Ba người hãy tạm nơi động này.
Tôn sư giấc mộng đương say,
Chờ khi thức dậy, mới hay lẽ nào.
Hai người ở động mây cao,
Nhìn xem cảnh vật biết bao nhiêu tình.
Kỳ hoa, thoại thảo, xanh xanh,
Châu cầm ngọc thú, rập rình vui thay!
Nền chùa cao quá vầng mây,
Bên thềm đá gấm, bóng cây im lìm.
Ngó vô mấy bức châu liêm,
Mấy từng thơ hoạ, trang nghiêm muôn phần.
Ngó ra non núi mấy từng,
Hình long dạng phụng, bên chưn đứng chầu,
Đông, tây, son đỏ hai lầu,
Chuông vàng, khánh bạc, giàn hầu rất ngoa.
Cúi xem về cõi giới ba,
Một bầu trời đất giống là nửa châu.
Từ rằng: Có chí vân du,
Đến đây mới đặng khỏi hầu bụi nhơ.
Niên rằng: Ta thuở ấu thơ,
Có lòng tầm đạo bây giờ thảnh thơi,
Phút đâu đồng tử ra mời,
Rằng: Tôn sư dậy, ngồi nơi hiên đào.
Ba người khép nép bước vào,
Tới nơi hiên đào nghe tiếng ngâm thi,
Thi rằng:
Dốc tầm đạo, phải ở đâu xa?
Gội tấm lòng người, có giải ra,
Theo nghĩa; bao đành làm phản nước?
Có nhân: nào nỡ phụ tình nhà?
Xưa nay đều chuộng đường trung hiếu,
Sách vở còn ghi lẽ chánh tà.
Năm phẩm rừng Nho săn sóc lấy,
Ấy là đạo vị ở lòng ta.
Ba người nghe tiếng ngâm rồi,
Vào trước chỗ ngồi, quì xuống vòng tay.
Tri Niên lạy trước, lời bày,
Thưa rằng: Ngây dại xin thầy dạy phô.
Lão Nhan biết lũ mê đồ,
Hỏi rằng: Hà Mậu nói phô việc gì?
Mậu rằng: Tôi thật ngu si,
Chẳng hay đời trước có chi lầm đàng?
Thầy rằng: mê đạo Hoà lan,
Trong tấm lòng chàng ước việc gì nên!
Mậu rằng: Lòng chẳng dám quên,
Một lời sau thác đặng lên Thiên đàng.
Lão Nhan giẹp chuyện hoà lan,
Hỏi rằng: Kìa gã họ Dương thưa gì?
Mấy năm học đạo từ bi,
Vân du đã chán, việc gì đến đây?
Từ rằng: Vì việc chơi mây,
Mang lời phải quấy, thêm ngầy trong tai.
kiếp sau là kiếp lâu dài,
Biết theo đạo Phật trọn bài cùng chăng?
Sư rằng: Kinh Phật, trọng tăng,
Tấc dạ nằng nằng tin tưởng việc chi?
Từ rằng: Theo đạo từ bi,
Nhớ ngày sau thác, đặng kỳ siêu thăng.
Lão nhan ngồi ngẫm nghĩ rằng;
Hai đường đều muốn chữ “thăng lên trời”.
Ta nay nói cũng uổng lời,
Chi bằng cho thấy lẽ trời mới tin.
Dặn rằng: Hai gã lòng bền,
Đều mong sau thác đặng lên nhà trời.
Chùa đây có ngõ lên trời.
Chi bằng bước tới xem chơi một hồi.
Hai người nghe nói mừng vui,
Phút quên mình sống, còn ngồi dương gian,
Thưa rằng: Đây có Thiên đàng,
Hai tôi xin tới du quan vài giờ.
Sư rằng: Hồn sạch phách nhơ,
Xác phàm còn sống, khó mơ lên trời.
Ta nghe trong phép chúa Trời,
Cầu hồn cũng đặng về nơi Thiên đàng.
Lại nghe có phép Địa Tạng Vương,
Siêu hồn sãi vãi về phương tây trời.
Hai ngươi nay muốn lên chơi,
Xác phàm ở lại, hồn dời mới xong.
Ta đây có phép thần thông,
Xuất hồn rồi lại ra công hoàn hồn.
Hai ngươi lại trước đài môn,
Giờ lành ta sẽ xuất hồn cho thăng.
Lại kêu ông Lý dặn rằng:
Rừng y gắn vó chi bằng cổ nhân,
Hôm nay là bữa lương thần,
Sửa sang vị thuốc, lo phần luyện đan,
Tri Niên việc thuốc đã an,
Ở chùa Linh diệu thanh nhàn coi chơi.
Dương Từ, Hà Mậu vâng lời,
Theo người đồng tử tới nơi Dương Đài.
Dương Đài có tấm bia bài,
Đề câu “Thiên thượng khả giai rõ ràng.
Hai chàng bước tới xem tường,
Từng từng mây giợn bốn phương trên trời
Mậu rằng: Theo đạo chúa Trời,
Thiên đàng đành dể trọn đời mới lên.
Phen này hồn sống đặng lên,
Tìm ông cha trước, cầu xin đem về.
Đặng cho thiên hạ thấy ghê,
Còn chi người tục nói nghề phải chăng.
Từ rằng: Giận tiếng lăng nhăng,
Nó chê ông Phật là thằng man di.
Lên trời dầu thác cũng đi,
Tìm cho thấy Phật xin trừ phép linh.
Phép chi đặng phá miễu linh,
Bắt người đạo sĩ mới đành dạ ta.
Phút đâu đồng tử bưng ra,
Mâm đào lại với bình trà dâng cho.
Bảo rằng ăn uống cho no,
Xuống khe tắm gội, rồi cho lên trời.
Hai người đều phải nghe lời,
Ăn no tắm mát, ngồi chơi nửa giờ.
Tôn sư coi đã gần giờ,
Tới đài, cầm viết vẽ tờ bùa linh.
Dạy rằng: Giờ ngọ, chữ canh,
Mộng sàng hai gã đem mình nằm an,
Kim đan cho uống hai hoàn,
Linh phù hai đạo, sứ mang theo mình.
Tôn sư đốt lá bùa linh,
Hoàng cân Lực sĩ hiện hình chờ sai.
Lại biên một cái tín bài,
Đề rồi tên họ của hai người phàm.
Dạy rằng: Chờ hết canh tam,
Chín trời đi khắp, rồi đam trở về.
Tín bài đã có phù đề,
Cầm đưa các cửa đặng bề đi thông.
Các lời dạy bảo vừa xong,
Hai chàng Lực sĩ thinh không tàng hình,
Tôn sư lại niệm chú linh,
Cấp như luật lịnh âm binh đứng hầu.
Mây đen, khói mịt, ngút mù,
Gió, mưa, sấm, sét, giây lâu mới tàn.
Hai người nằm lại mông sàng,
Thiu thiu nhắm mắt ngủ an một buồng,
Tôn sư đã đốt phù giồn,
Dương Từ, Hà Mậu, xuất hồn ra đi,
Hai người đều xuất hồn đi,
Đều theo Lực sĩ một khi lên trời.
Hai ngươi hồn đến cõi trời,
Thấy trong cảnh vật khác nơi cõi người.
Trời đông một cửa xanh ngời,
Có tấm biển trời, hai chữ “Thanh Thiên”.
Hai cung Chấn, Tốn, đoàn viên,
Mộc Tinh, các phủ, đóng liền, giăng giăng.
Đi đường Giáp, ất, thẳng băng,
Có thần gìn giữ, tên rằng Thanh Long.
Hai chàng trình tín bài xong,
Đem nhau tìm kiếm, hỏi dòng họ xưa.
Áo xanh quân đóng như mưa,
Cầm cờ xuân lịnh rước đưa Thành Hoàng.
Mới hay thứ nhất Thiên đàng,
Thật vua Thanh đế, ngôi vàng chánh đông.
Giữ gìn muôn việc hoá công,
Nhờ ơn gây dựng, vun trồng mùa xuân.
Hai chàng vội vã dời chân,
Trời đông chẳng thấy, qua tầng trời nam.
Trời nam một cõi ly tam,
“Xích Thiên” hai chữ, bảng đam rõ ràng.
Cung Ly rực rỡ nghiêm trang,
Hoả tinh các phủ sửa sang chói loà.
Bính, Đinh, hai ngã vào ra,
Có thần Châu tước hỏi tra ngăn ngừa.
Hai chàng đem tín bài thưa,
Hỏi thăm tin tức, cũng chưa thấy gì.
Quân hầu áo đỏ giàn đi,
Cầm cờ hạ Lịnh oai nghi rõ ràng.
Mới hay thứ nhị Thiên đàng,
Phần vua Xích Đế sửa sang mùa hè.
Trời nam tìm dấu vắng hoe,
Đem nhau một bè, qua chốn trời tây.
Trời tây hai cửa dầy dầy,
“Bạch Thiên” hai chữ, bảng vầy treo ra.
Kiều, Đoài, hai cửa chói loà,
Kim Tinh các phủ vô ra rần rần.
Tới lui trong cửa Canh, Tân,
Có thần Bạch Hổ giữ phần cấm ngăn.
Hai chàng đi tới trình bằng.
Cứ theo việc trước, hỏi phăng đi tìm.
Thấy quân trắng áo, trắng xiêm,
Cầm cờ Thu Lịnh bài nghiêm các toà.
Mới hay là cõi thứ ba,
Phần vua Bạch đế, ở toà tây thiên.
Đem nhau vội vã đi liền,
Trời tây khỏi miền, trời bắc lại đi.
Bắc thiên một cửa đen sì,
“Hắc Thiên” hai chữ, bảng ghi chẳng lầm.
Một toà cung Khảm tối tăm,
Thuỷ tinh các phủ ở sâm si cùng.
Hướng đi Nhâm, Quí, nhiều sông,
Có thần Huyền Vũ tuần phòng đứa gian.
Hai chàng thưa gởi đã an,
Đi qua khỏi cửa tìm đàng người quen.
Thấy quân mặc áo màu đen,
Cầm cờ Đông Lịnh đua chen đầy đường.
Thứ tư đây thật Thiên đường,
Phần vua Hắc đế sửa sang việc trời.
Trót đà tìm khắp mọi nơi,
Ông cha chẳng thấy, lại đời trung thiên.
“Trung Thiên” hai chữ bảng vàng,
Chói loà một cửa, bốn phang đều hầu,
Hai cung Khôn, Cấn, làu làu,
Thổ Tinh các phủ liền nhau một vàng.
Đàng Xà, Câu Trận, hai thần,
Giữ phần Mồ, Kỷ, là phần tuần tra.
Hai chàng trình tín bài qua,
Cứ theo việc trước vậy mà hỏi han.
Thấy quân mặc áo màu vàng,
Cầm cờ Tứ Quí đóng giàn khắp nơi.
Thứ năm đây một cõi trời,
Phần vua Hoàng đế sửa vời trung ương,
Dương Từ, Hà Mậu, hai chàng,
Hỏi người Lực sĩ mọi đàng cơ quan.
Rằng: Đi năm cửa Thiên đàng,
Cớ chi không thấy Hoà lan người nào?
Cũng không Phật tổ ra vào,
Hoặc là còn ở trời nào nữa chăng?
Hoàng cân, Lực sĩ đáp rằng:
Một trời thật có chín tầng âm dương.
Tới đây mới đặng năm phương,
Hãy còn bốn cửa Thiên đương ở cao,
Hai người muốn rõ âm hao,
Phải tìm cho khắp, lẽ nào mới hay.
Nói rồi vội vã đem đi,
Hiều Thiên mau bước cấp kỳ lại qua.
“Hiều Thiên” hai chữ bảng ra,
Sáng trong một cửa chói loà muôn phương.
Thái âm sánh với Thái Dương.
Hai cung dành sẵn hào quang mặt trời
Kim ô một bóng chói ngời,
Theo đường Hoàng Đạo khắp trời xưa nay.
Máy xây làm việc ban ngày,
Có thần giữ cửa hiệu rày Thiên Ôn.
Hai chàng trình tìn bài xong,
Cứ theo đường trước tìm dòng cổ nhân.
Tim thôi thấy những thánh thần,
Thiên đường đây thật về phần Dương Quân.
Xiết bao trong dạ bâng khuâng,
Cùng Thiên lố thấy, lại gần đường qua.
“Cùng thiên” hai chữ chói loà,
Quế hương một cửa, hơi ra đầm đầm.
Thiếu Dương sánh với Thiếu Âm.
Hai cung đồ sộ sáng dầm vâng trăng.
Một vầng Bạch Thố bóng giăng.
Non sông bóng giợn, soi bằng lòng gương.
Có quan tuần giữ bốn phương,
Thiên Anh chữ đặt, đón đường hỏi tra.
Hai chàng trình tín bài ra,
Cứ theo việc trước, hỏi bà con thân.
Hỏi ra thấy những thánh thần,
Thiên đường đây thật về phần âm quân.
Trong lòng chi xiết bâng khuâng,
Thương Thiên chốn ấy phải lầm đường qua.
“Thương Thiên” hai chữ chói loà,
Băng xăng một cửa ra vô rập rình.
Quyết Âm sánh với Dương Minh,
Hai cung lồng lộng, ngôi tinh, ngôi thần
Bao nhiêu sấm sấm sét nổ rân,
Mây đen, sương trắng, băng xăng cõi này.
Có thần Viêm Hoả ở đây,
Hôm mai giữ cửa ngăn rày hỏi tra.
Hai người trình tín bài ra,
Cứ theo việc trước, hỏi qua việc mình.
Tìm thôi gặp những thần linh,
Thiên đường đây thật ngôi Tinh chánh vì.
Ngẩn ngơ, ngao ngán, lòng nghi,
Huyền Thiên lố thấy, kíp đi tìm đàng.
“Huyền Thiên” hai chữ sơn vàng,
Các phương chầu chực, nhộn nhàng vào ra.
Tử Vi rực rỡ một toà,
Ngọc Hoàng Đại đế thật là cõi đây.
Đền, đài, lầu các, doanh xây,
Sân lân, gác phụng, nền qui, lầu rồng,
Thiên Bồng, Thiên Tuế hai ông,
Ra vô chầu chực có ông tuần phòng.
Hai chàng xem thấy nớp lòng,
Trên trời đếm những là dòng thần linh.
Khắp nơi han hỏi sự tình,
Thảy đều chẳng gặp quen mình là ai.
Cùng nhau than vắn, thở dài,
Còn nơi nào nữa, toan bài hỏi han!
Thương thay hai gã gian nan,
Chín trời đã khắp, phải toan lẽ gì?
Đã không thấy Phật từ bi,
Cũng không thấy Chúa Giu di trên trời.
Họ Hà khi ấy buông lời,
Nói rằng: “Tiếc bấy năm đời công phu!”
Đọc kinh, xem lễ bấy lâu,
Tưởng ông cha đã lên chầu trời cao.
Đến nay lên chốn Thiên tào
Hai ông Tiên ấy lời trao rất bền.
Khiến ta chử dạ chưa quên,
Đừng mong sau thác đặng lên Thiên đàng.”
Đến nay mới biết rõ ràng,
Trung Nguyên sánh với Hoà Lan khác trời.
Dương Từ vừa mới buông lời,
Nói rằng: “Cho đáng cái đời Thầy Tu”
Phút đâu trên chốn tây lầu,
Nổ ba tiếng sấm, nhóm chầu các cung.
Áo, xiêm, đai, mão, lạnh lùng!
Tinh quân các vị rùng rùng tới nơi,
Hai người đứng nép coi chơi,
Những người chầu chực nhà trời là ai?
Thấy đi có tấm thẻ bài,
Đề rằng “Khổng tử Đại Tài Thánh Vương”.
Ngồi trong kiệu ngọc, tàn vàng,
Một ông Khổng tử dung nhan tốt lành.
Theo sau biết mấy thần linh,
Coi trong thẻ bạc, đề danh Đại Hiền,
Dương Từ coi thẻ khen liền:
Hèn chi vua chúa chính chuyên miếu thờ.
Cho hay muôn nước đều nhờ,
Đạo ông Khổng Tử làm bờ chăn dân.
Trong đời biết chữ nhân luân,
Biết đường trị loạn, muôn phần nhờ ai?
Nhớ câu “kế vạng khai lai”,
Thật ông Khổng tử đại tài thánh vương.
Đâu đâu cũng kính, cũng nhường,
Môn đồ cũng đặng hiển dương muôn đời.
Như vầy mới gọi đạo trời,
Trời sanh đức thánh thay lời dạy dân.
Dương Từ vừa dứt tiếng phân,
Phút đâu lại thấy vị thần đi sau.
Một người cỡi ngựa, tốt râu,
Đến gần nhìn thật Quan Hầu thuở xưa.
Vội vàng quì lạy, liền thưa:
Mừng nay gặp Phật, khác xưa cõi phàm.
Nam mô hai chữ già lam,
Xin thương bần sãi ở am chầy ngày!
Quan Hầu cỡi ngựa đi ngay,
Châu Thương đứng lại tỏ bày căn duyên.
Hỏi rằng: Người ở cửa thiền,
Việc chi tới chốn huyền thiên làm gì?
Từ rằng: Ông vội quên đi,
Am mây bần sãi tu trì nhiều công.
Nhang đèn, liền đốt bàn ông,
Nay làm ra Phật sao không đoái hoài?
Châu thương nổi sặc cười dài,
Nói rằng: Thần, Phật, khác loài nhau xa.
Quan Hầu vốn thật chúa ta,
Tấm lòng trung chánh ai mà dám đương!
Tiếng khen muôn nước đều nhường.
Trời phong làm chức Thành Hoàng Đại Vương.
Từ rằng: Ông thật Thành Hoàng,
Ở trong chùa ấy thờ ông Quan nào?
Đáp rằng: Vì thuở Hán trào,
Có ông Phổ Tịnh kết giao đồng làng.
Chúa ta hiển thánh ngọc hoàng,
Hoà thượng lòng nhớ, thở than bạn lành.
Già lam hai chữ thơm danh,
Mới đặt bài vị tụng kinh siêu hồn.
Khiến nên thiên hạ tiếng đồn,
Vẽ hình, tượng cốt, nhiều môn phù đồ.
Chúa ta chẳng phải đi tu,
Trong mình giữ vẹn tóc râu tốt lành.
Nói cho sãi rõ sự tình,
Nhắm coi Thần, Phật, hai hình khác nhau.
Nói rồi quày ngựa đi mau,
Dương Từ lơ láo, dàu dàu mày châu.
Than rằng: Sự dĩ đáo đầu,
Biết khôn thôi đã tóc râu hết rồi!
Xiết bao chịu nỗi khúc nôi,
Đến nay mới biết lầm ôi! là lầm!
Nhớ lời đại sĩ Tây lâm,
Chúa le trong dạ, hổ thầm với va,
Chín trời nay khắp trải qua,
Giờ về đã tới từ ra trở về,
Hoàng cân Lực sĩ đề huề,
Dương Từ, Hà Mậu, ra về chưa xa.
Ra về khỏi bến Ngân hà,
Gặp ông Thái ất tuần tra đón đường.
Lăm le bắt trót hai chàng,
Tuốt gươm linh kiếm phòng toan chém đầu.
Hoàng cân Lực sĩ quì tâu,
Tín bài có chữ, xin cầu khoan dung.
Thái Ất coi tín bài xong,
Cười rằng: Lũ dại khéo mong lên trời.
Trời đâu cho sãi lên chơi,
Cho quân tả đạo tới nơi dòm hành!
Lão Nhan là vị tiên linh,
Há không rõ đặng sự tình Phong đô?
Phong đô cõi ấy ra vô,
Nhóm nhau những đạo tăng đồ thiếu ai.
Tha bây về động Thiên thai,
Thưa cùng Từ Thất vẽ bày Phong đô.
Bày rồi hai chữ Phong đô.
Kíp đi, chẳng khứng nói phô rõ ràng.
Hoàng cân Lực sĩ vội vàng,
Kíp đem hai họ về đàng Đài dương.
Thứ nầy đến thứ sư đường,
Lão Nhan ngồi chốnĐài dương đợi chờ.
Đánh tay đã đủ chín giờ,
Đốt bùa, niệm chú, như xưa hoàn hồn.
Dương Từ, Hà Mậu hoàn hồn,
Giựt mình thức dậy, thấy Tôn sư ngồi.
Hai người tỉnh lại hỡi ôi!
Vội vàng xuống lạy một hồi tạ ân.
Tôn sư đứng dậy lui chân,
Trở về hậu viện dưỡng thần thảnh thơi.
Hỏi rằng: Hai gã lên trời,
Tầm đà thấy đạo ở nơi cửa nào?
Thưa rằng: Chẳng có âm hao,
Cũng không tông tích nơi nao đặng tường.
Cho hay chín cõi thiên đường,
Ngôi thần, ngôi thánh, phô trương đã rành.
Hai tôi có gặp thần linh,
Rằng Tôn sư rõ sự tình Phong đô.
Vẽ rồi hai chữ Phong đô,
Kíp đi không khứng nói pho rõ ràng.
Hai tôi nghe nói chưa tường,
Xui thầy chỉ vẽ mọi đường Phong đô.
Sư rằng: Nơi chốn Phong đô,
Cầm cân phước tội, trị đồ hung hoang.
Tục kêu rằng chốn Diêm quan,
Ở miền âm phủ sửa sang việc đời.
Hai người trước đã lên trời,
Nay tìm xuống đất mỏm hơi, nhọc mình
Thưa rằng: Rõ đặng sự tình,
Dầu cho nhắm mắt, vong linh cũng đành,
Xin thầy thương kẻ ngu sanh,
Mở đường chỉ ngõ, hết tình thời thôi.
Tôn sư nghe nói thương ôi!
Đem hai họ ấy đến ngôi Dương đài.
Trong đài có tấm bia bài.
Đề câu “Địa quật hữu giai” rõ ràng.
Dưới đài có một cái hang,
Dòm vào lạnh lẽo, thấy đàng tối tăm.
Dương Từ, Hà Mậu lo thầm,
Phen này xuống đất nguyện tầm cho ra.
Bên hang có tấm đá hoa,
Khảm vào bốn chữ “Nam kha mộng sàng”.
Hai người lên đá nằm an.
Tôn sư làm phép ròng ban như lời.
Tạo Y quỷ sứ một người,
Cấp như luật định tới nơi ứng hầu.
Dặn rằng: Chớ khá ở lâu,
Mười giờ đi hết, đem nhau trở về.
Ban cho một cái thẻ đề,
Cầm đi các cửa đặng bề đi thông.
Tôn sư dặn bảo vừa xong,
Tạo Y quỷ sứ ra công đem đàng.
Dương Từ, Hà Mậu hai chàng,
Đi theo tên ấy xuống đàng âm ty.
Xuống vừa tới cõi âm ty,
Mặt nhìn cảnh vật khác thì nhân gian.
Mơ màng một cõi quan san,
Mây sầu gió thảm chàng ràng trêu ngươi.
Tạo Y trước dặn hai người,
Đàng đi âm phủ nhiều loài yêu ma,
Tay chơn mình mẩy người ta,
Đầu trâu mặt ngựa, tên là Dạ Xoa
Dạ Xoa giữ việc gian tà,
Người nào mắc tội cho tra hành hình.
Có quân ngăn đón lộ trình,
Tên là quỷ Tốt cái hình lạ thay!
Sớm đầu, vắn cẳng, dài tay,
Xủ tai, lồi mắt, mũi dài, răng to.
Cho hay nó thật hung đồ.
Thấy sao hay vậy, chó phô hỏi gì.
Có ta vâng lệnh đem đi,
Lòng nghi muốn hỏi việc gì, nói cho,
Phút đâu đi đến bến đò,
Bến đò đưa rước chẳng lo tốn tiền,
Bài đề hai chữ “Hoàng Tuyền”,
Người qua, kẻ lại, liền liền ngày đêm,
Người kêu “chín suối Cẩm diêm”.
Chín kia số hết suối thêm đò đầy.
Qua vừa khỏi bến đò nầy,
Thấy bầy chó dữ ngăn rày đường đi.
Xa xem vằn vện đen sì,
Hằm hằm đứng sủa dị kỳ rất hung,
Bên đường có thẻ bài phong,
Chữ cấm ba vòng rằng Ác Cẩu Thôn.
Có quân quỷ tốt đường mòn,
Người đi qua lại, ỷ khôn dám kề.
Tạo Y đưa cái thẻ đề,
Đem nhau tới đặng một bề đi xuôi.
Vừa đi vừa ghé mắt coi,
Thấy quân quỷ tốt giơ roi đánh người,
Dẫn ra một lũ vài mươi,
Kêu là thầy pháp dối người thế gian.
Người đau chẳng dụng thuốc thang,
Lòng tham tiền bạc bày đàn chữa chuyên,
Khoe khoang nhiều phép linh thiêng,
Phỉnh treo trang khoáng ăn tiền đứa ngu.
Bày đều đóng ấn vẽ phù,
Láo sai binh tướng bắt tù Diêm vương.
Nhà dân cúng đất lệ thường,
Dám kêu tên Đế ngũ phương ngán ngầm.
Làm cho người mắc lỗi lầm,
Ấy là loạn đạo tội dầm ngày sau.
Để bầy chó dữ đua nhau,
Xé thây lũ ấy nhai đầu ăn gan.
Hai người coi thấy liền than,
Đi qua khỏi cửa hỏi chàng Tạo Y,
Hỏi rằng: Thầy pháp tội chi?
Cho bầy chó dữ một khi hành hình,
Đáp rằng: thầy pháp nó khinh
Dối trong trời đất chư linh chẳng vì.
Đời xưa phép luật ai bì,
Trừ ma ếm quỷ, việc gì cũng hay.
Lão quân mất sách đến nay
Đời sau bắt chước liền bày phép xiên.
Nói rồi vội vã đi liền,
Khỏi nơi Ác cẩu gần miền Đạo san.
Đạo san địa phủ chữ vàng,
Bài dựng bên đàng ai thấy cũng kinh.
Núi non đá mọc như binh,
Bày ra sắc lẻm như hình phủ đao,
Có quân quỷ tốt lao xao,
Đón đường tra hỏi, ai nào dám qua,
Tạo Y đưa cái thẻ ra,
Đi qua cửa khác liếc mà xem coi,
Thấy quân quỷ tốt cầm roi,
Dẫn thầy địa lý hỏi đòi chứng tra.
Tra rồi dẫn các thầy ra,
Kể bao nhiêu tội cho va nghe cùng.
Nhà ai rủi mắc tang hung,
Phỉnh đi coi đất đặng mong ăn tiền.
Khoe khoang rằng học phép tiên,
Tầm long điểm huyệt chôn liền giàu sang,
Ai mà chẳng dụng địa bàn,
Chôn nhằm cuộc xấu, ắt mang tai trời.
Lấy câu phú quí dắt người,
Bày nơi ngũ quỷ, chỉ nơi lục thần.
Khiến cho thói chuộng lăng nhăng,
Coi thân cha mẹ rẻ bằng cỏ tranh.
Người thời ham chữ công danh,
Thác không mai táng, để dành thầy toan.
Người thầy ham việc giàu sang,
Nghe theo thầy tục để quàn lâu năm.
Nghĩ điều hoặc thế mà câm,
Tội kia đã đáng thây dầm Đạo san.
Dạ xoa đứng dưới Đạo san,
Bắt thầy địa lý quăng ngang trên hình,
Hai người coi thấy thất kinh,
Quăng lên lăn xuống, thân hình còn chi?
Hai người mắt thấy tai bi,
Mang lời đều hỏi Tạo y vội vàng:
Chẳng hay phong thuỷ mấy chàng,
Tội chi mắc phải Đạo san hành hình?
Đáp rằng: trong số tử sanh,
Là trời dành để, ai dành đặng đâu.
Từ xưa vua Vũ làm đầu,
Phép bày địa lý để âu trị đời.
Đến sau phong thuỷ các nơi,
Học đòi coi quẻ, đua bơi tài nghề,
Bày ra làm sách không xuê,
Ngũ phương định hướng, làm bề vọng khi.
Đua nhau cải số trời đi,
Khiến người tai nạn, gian nguy một dòng.
Nói rồi dời bước thẳng xông.
Dương Từ, Hà Mậu ra công hỏi tìm.
Đi vừa đến bến sông Diêm,
Thấy cái cầu chìm, không lót ván đi.
Bắc ngang qua một cái cây,
Dưới cầu những rắn hổ mây, mãng xà.
Có mồng, có tích, như hoa,
Ngóc đầu, ngóc cổ, lội ra dập dìu.
Bài đề là “Nại hà Kiều”,
Ai mà có phước thời dìu dắt qua.
Ai mà có tội đem ra,
Quỷ xô xuống đó, mảng xà cắn thây.
Có quân quỷ tốt đông dầy,
Đón người qua lại cầu này hỏi tra.
Tạo Y đưa cái thẻ ra,
Quỷ đều vâng lịnh dắt qua khỏi cầu.
Dạ Xoa chẳng biết ở đâu,
Dẫn ra một lũ trọc đầu đem đi.
Đương Từ trông thấy lòng nghi,
Khuyên nhau chậm bước đặng khi xem tường.
Bốn phương thầy sãi rõ ràng,
Cổ gông, tay trói, lang thang áo quần.
Quỷ đi cầm thẻ rao rân,
Nói rằng thầy sãi sao thân điếm đàng.
Kể từ sống ở dương gian,
Sợ xâu, trốn thuế, tìm đàng đi tu;
Vô chùa làm chước cạo đầu,
Trốn vua theo Phật, trông cầu rảnh tay,
Ghe phen cúng vái làm chay,
Liền ngồi chẩn tế đặt bày việc ra.
Cho đi phổ khuyến người ta,
Bán rao tiếng Phật khắp nhà chúng sanh.
Bày đường nói kệ, nói kinh,
Mõ chuông cửa Phật rập rình ra vô.
Miệng thời niệm chữ Nam mô,
Mắt xem gắm ghé mấy cô đi chùa.
Áo cơm khỏi tốn tiền mua,
No lòng ấm cật lại đua thói xằng.
Tham câu sắc dục ai bằng,
Lòng lang dạ cáo, lăng nhăng trọn đời.
Khi buồn cô vãi đỡ chơi,
Khi vui vợ khách, cùng nơi thanh lầu.
Chẳng trừ thịt chó, thịt trâu,
Trối thây giới cấm! mặc dầu no say.
Ngoài am giả chước ăn chay,
Trong liêu rượu thịt ngày ngày liền xơi.
Ở đời lại quyết dối đời,
Trong mình chẳng sợ lẽ trời là chi.
Phui pha hai chữ luân di.
Một câu trung hiếu bỏ đi chẳng màng.
Đến nay thác xuống suối vàng,
Án tào sáng chép tội chàng khó nhiêu
Tra rồi đem tới Hà kiều,
Xô cho loài rắn xúm nhiều ăn thây.
Tiếng nghe la khóc vang dầy,
Dưới cầu sóng giợn, huyết đầy sông Diêm.
Dương Từ khó nỗi mắt xem,
Rằng: Ta còn phải đi tìm làm chi.
Thấy vầy cũng biết thị phi,
Đã đành trót phận qui y lầm đàng.
Xưa xem trong miễu họ Hàn.
Dẫn ra đi chém xem giàn như đây!
Tiếc công tu luyện nhiều ngày,
Bỏ nhà bỏ cửa tới đây mới tường.
Thôi thôi từ giã hai chàng,
Ta xin trở lại tìm đàng cố hương.
Tạo Y nghe nói liền can,
Rằng: Người muốn ở suối vàng ngẩn ngơ.
845.Thẻ cho đi trọn mười giờ,
Đây chưa đặng nửa, khó mơ trở về.
Trên đây là hồi 3 mà Nguyễn Đình Chiểu viết trong tập thơ Dương Từ – Hà Mậu. Thông qua tập thơ này ta có thể hiểu được về phong cách sáng tác của tập thơ cũng như tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một mạch tư tưởng cứu nước, cứu đời. Một hồn thơ rất riêng và độc đáo. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao Nguyễn Đình Chiểu lại là một nhà thơ lớn của dân tộc.