Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa cận đại của Việt Nam sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) và mất ngày 3 tháng 7 năm 1888 tại Ba Tri, Bến Tre.

Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông có nhiều sáng tác hay độc đáo, trong đó phải kể tới Ngư tiều y thuật vấn đáp. Đó là truyện thơ được viết vào thời điểm Nam Bộ đã bị thực dân Pháp xâm chiếm. Và trong tác phẩm này Nguyễn Đình Chiểu đã mượn bối cảnh của đất nước U Yên ở Trung Quốc bị giặc xâm chiếm để chuyển tải ý nghĩ của mình.

Hãy cùng tapchivannghe.com cảm nhận tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp phần 13 của ông nhé!

Hồi 43

Hai người nói chuyện xầy xầy,
Nửa ngày đi mới khỏi ngoài Y lâm.
Trời vừa xế bóng quang âm,

Phút đâu một trận mưa dầm tối tăm.
Ngư, Tiều vội bước xăm xăm,
Muốn tìm quán khách, phải dầm mưa đi.
Hai bên cây núi rậm ri,
Tiếng chim, dấu thỏ, đường đi lộn nhầu,

Hai người nhìn lại thuở đầu,
Nẻo ngươi Đạo Dẫn đem đâu, lạc rồi.
Xiết bao trong dạ bồi hồi,
Trời đà hầu tối biết ngồi nằm đâu.
Gió mưa vi vút giây lâu,

Trong mình ướt lạnh, mà bầu rượu không.
Đường xa khao khát rượu nồng,
Hạnh thôn muốn hỏi, mục đồng vắng tin.
Cùng nhau ngơ ngẩn trông nhìn,
Có nơi hang đá dạng in nhà rừng.

Hai người lại vái lâm quân.
Vào nơi hang đá nghỉ chân đêm này
Mưa rồi trăng tỏ tan mây,
Cùng nhau cơm nước tạm vầy đỡ thân
Than rằng: Đi thuở mùa xuân,

Nay về mùa hạ, quên chừng đường đi.
Cho hay đường ít kẻ đi,
Dây bò cây mọc, cỏ gì chẳng ra.
Ví như đạo học bọn ta,
Một ngày chẳng thấy, như ba tháng dài.

Đương khi than vắn, thở dài,
Xảy nghe trống đánh lối ngoài cửa hang,
Cùng nhau lo sợ nghi nan
Ai dè trong núi có quan quân nào.
Chưa hay lành dữ lẽ nào,

Hai người lấp ló chào rào nom coi.
Thấy đi đèn đuốc sáng soi,
Bảng đề hồi tỵ hẳn hòi chữ son.
Tiền hô, trống lệnh rền non,
Cờ vuông, lỗ bộ, ngay bon hai hàng.

Một ông ngồi kiệu che tàn,
Quạt lông, trần phất, nghiêm trang lạ lùng.
Quân hầu rần rộ quá đông,
Mang đao, cầm thẻ, chập chồng đi theo.
Có năm người trói dẫn theo,

Một đoàn già trẻ dân nghèo theo sau,
Nghe như oan khúc hỏi nhau,
Trong đơn có tỏ chứng đau khoản này,
Giết người vậy cũng làm thầy,
Lẽ trời nào để cho mầy hại dân.

Ngư, Tiều nghe nói ngập ngừng,
E khi lũ ấy kiện sừng sẻ chi.
Cùng nhau đang lúc thai nghi,
Bị quân sai đến bắt đi vội vàng,
Quân rằng: Phụng lệnh bản quan

Sao không hồi tỵ? Thực chàng khinh quan.
Ngư, Tiều chịu phép chẳng than,
Theo quân đến chỗ dinh quan tỏ tình,
Quân đem ngồi xó công đình,
Chờ quan tra án, rồi mình sẽ thưa,

Thấy dân quỳ trước sân thưa,
Kẻ vô đơn cáo, người chờ làm cung,
Thấy ông đai mão ngồi trong,
Có bàn hương án đốt xông trầm đàn.
Thấy quân hộ vệ hai hàng,

Trước sân vồ nọc, roi, giàn hình ra.
Lệnh rằng: Dẫn lão Đậu ra,
Hỏi làm thầy thuốc đậu khoa mấy đời.
Học hành phương pháp mấy nơi,
Đầu đuôi gốc ngọn làm lời cung khai.

Đậu rằng: Vốn chẳng học ai,
Nhờ cha, thuốc trái để bài lại cho.
Ba ngày trái mới nóng ca,
Có thang Thanh giải hốt cho mát rồi.
Sáu ngày trái mọc chẳng vui,

Có thần công tán hốt bồi cho xong.
Chín ngày trái chẳng quán nung,
Đâu đâu cũng hốt Lộc nhung thang thầy.
Mười hai ngày chẳng đóng dày,
Thiên kim nội thác thang này dùng ra,

Quá kỳ trái chẳng lạc già.
Thanh biểu tán độc phép cha tôi truyền.
Phán rằng: Cứ phép gia truyền,
Còn như kinh sách thánh hiền để chi?
Đậu sang mấy bữa có kỳ,

Trở tay thấy biến, phép y sao thường?
Chứng thời hàn, nhiệt không thường,
Hoặc hư, hoặc thực, nhiều đường khác nhau.
Đậu bằng thực nhiệt nóng lâu,
Thần công, Thanh giải ấy đầu, cũng cho.

Đậu bằng hư lạnh nóng co,
Thần công, Thanh giải hốt dò sao nên?
Đậu nhờ khí huyết làm lên,
Mủ đầy vẩy kết, mới nên công dùng.
Lộc nhung thời huyết hãm thông,

Khí hư hôi bạch quên dùng sao xong?
Thiên kim thời khí hãm thông,
Huyết hư tử hắc quên dùng sao nên?
Thiên sang, hoa trái nhiều tên,
Ai từng trị đậu mà quên mùa trời,

Đã không gia giảm theo trời,
Lại quên chấp nhất khuấy đời biết bao!
Trước cha mày để tầm phào,
Nay mày cũng ỷ sẵn dao thuốc nhà.
Cha con bây haị người ta,

Hai đời gây nợ oan gia để dồn.
Lệnh truyền cho lũ âm hồn,
Kéo ra đòi mạng, lấy côn đánh đầu.
Phán rằng: Nào lão Cứu đâu?
Làm thầy châm cứu năm lâu ăn nhiều,

Vả xưa châm cứu sách nêu,
Cứu khi cấp xúc khôn điều thuốc thang,
E sau còn đứa bạo tàn,
Học chưa tới phép, làm ngang hại mình,
Minh Đường đồ đã vẽ hình,

Mười hai kinh huyệt biên danh điểm đầu,
Phép châm phép cứu rất mầu,
Bổ hư, tả thực, cạn sâu có chừng.
Cớ sao làm việc pha rừng,
Đau đâu cứu đó, không chừng đỗi chi,

Châm thời máy chảy loang bì,
Cứu thời cháy thịt, thẹo ghi nát mình.
Tưởng là phép trị bệnh tình,
Nào hay châm cứu quá hình quan tra.
Cấp kinh chứng đã cấm la,

Dám đem ngải hoả giúp tà cho phong,
Bảy ngày ngoại trị chứng ung,
Còn đem lửa đốt thêm xông độc vầy.
Học thầy nào dạy cho mầy,
Làm ngang không phép hại bầy sinh linh?

Cả gan riêng lập phép hình,
Khảo dân lấy của, lung tình ăn chơi,
Nghênh ngang chẳng sợ lẽ trời,
Không riêng phép nước, coi đời có ai.
Lệnh truyền vồ nọc căng dài,

Đánh cho văng thịt lấy khai thật tình.
Cứu rằng: Tôi học thầy Kinh,
Ba năm hết sức đợ mình cố công.
Phép thầy dạy vẽ vốn không,
Phần nhà con vợ bần cùng thêm lo.

Theo thầy mới biết lò mò,
Trở về làm bậy đỡ cho khỏi nghèo.
Dù hay cứ sách làm theo,
Lỗi thầy mặc sách ai kèo nài chi,
Thật tình tôi chẳng biết chi,

Coi vào châm cứu, sách y bời bời.
Ban đầu tôi mới thử chơi,
Đau đâu cứu đó, có nơi bệnh lành.
Làm vầy may cũng đặng danh,
Có danh rồi biết đem mình trốn đâu,

Bởi người thiên hạ theo cầu,
Quen chừng nóng mật, phải âu làm đùa.
Phán rằng: Mày đã làm đùa,
Đỡ cơn nghèo ngặt rồi tua học hành.
Cớ sao lại phụ thầy Kinh,

Luống tham của lợi quên mình oan khiên.
Vài liều thuốc cứu mấy tiền,
Đòi ăn trăm chục, lại thêm thưởng ngoài.
Nhà giàu chẳng luận chi tài,
Kẻ nghèo đàn cuộc kèo nài bất nhân,

Làm chi mang tiếng bất nhân,
Để cho quỷ giận thần hờn khắp nơi,
Làm chi ác nghiệp thấu trời,
Đạo y cũng mắc tiếng đời chê bai.
Vậy thà buôn bán cầu tài,
3160-Tính lời tính vốn theo loài làm ăn.
Đong lưng, cân thiếu lăng nhăng,
Đời còn ít oán mấy thằng con buôn,
Tham lam là thói con buôn,
Chưa làm vượt phép, luông tuồng hại dân.
3165-Huống chi thầy thuốc cứu dân,
Sao đành tham của, lột trần người ta.
Đời kêu ăn cướp gian tà,
Ai dè thầy thuốc quá cha giặc mùa.
Gây nên nhân quả một tua,

Tội mầy làm bậy tính dùa về đâu.
Âm hồn oan uổng bấy lâu,
Lệnh cho sách mạng kéo đầu nó ra,
Kim châm lửa đốt nát da,
Có vay có trả kêu la lẽ nào.

Phán rằng: Còn lão tam sao,
Dám đem thuốc bắc trộn vào thuốc nam.
Thầy chi sách vở lam nham,
Nửa nam nửa bắc, lại làm chia hai.
Vả xưa Bản thảo nhiều loài,

Hơn nghìn vị thuốc, thang bài rõ biên,
Trải đời vua thánh tôi hiền,
Dọn in kinh sách, rộng truyền nghiệp y.
Sau rồi còn sách Bổ di,
Theo trong xảm vá, thiếu đi phương nào,

Nay mầy sao dám cầu cao,
Thuốc kiêm nam bắc, bán rao tiếng kỳ,
Chẳng qua một đứa tục y,
Học đòi nếm thuốc, muốn bì thánh nhân,
Cũng chưa phải bậc nho trân,

Dấy xưa chỗ sót, làm tân thư truyền.
Đọt tre gạo lứt hốt liền,
Lá cây Đoan ngọ ấy chuyên trị gì.
Vị nam vị bắc loạn bì,
Như vầy cũng tiếng thế y thuốc lành,

Làm chi đến nỗi chịu hình,
Đầu đuôi chớ dấu, thật tìng cung ra.
Tam rằng: Tôi sớm khoản cha,
Thấy nghề làm thuốc trong nhà có ông,
Ông tôi kinh sử ít thông,

Quen theo cây núi, nghề ròng thuốc nam.
Đời ông mặc ý ông làm,
Đến tôi mới cải thuốc nam nửa phần,
Để xem thuốc bắc nửa phần,
Hốt cho lớn gói, bệnh nhân phỉ nguyền.

Cũng vì thuốc bắc mắc tiền,
Hốt theo cân lượng người phiền nhỏ thang,
Bởi người tham thuốc lớn thang,
Vậy nên tôi phải mượn đàng mồng năm.
Nghe cây lá bữa mồng năm,

Chúng đều bẻ uống, nào làm hại gì.
Đọt tre, gạo lứt phạm chi,
Thuở ông tôi, hốt thang gì không gia.
Phán rằng: Thằng miệng lưỡi già,
Cả gan làm hại người ta níu vày.

Mồng năm cây lá rằng hay,
Mấy pho sách thuốc xưa nay làm gì.
Thuốc nam mầy biết tính chi,
Đắng cay chua ngọt, vị đi kinh nào?
Chữ rằng phản, uý, ố sao,

Nửa nam, nửa bắc, trộn vào chẳng lo.
Người đau hoắc loạn gân co,
Đọt tre, gạo lứt, hốt cho còn gì.
Trước ông mày đã ngu si,
Túng ăn làm bậy, dám khi đến trời.

Nay mày còn ỷ ba đời,
Noi theo nghiệp báo quấy vời quấy thêm.
Quân thần tá sứ lỗi niềm,
Sao rằng hốt thuốc, thuốc Xiêm, thuốc Lào?
Dám đem cây lá tầm phào,

Mười tiền một gói, ngỏ trao đành lòng.
Vậy thà theo gốc nghề nông,
Sẵn vườn, sẵn ruộng của ông cha mày.
Mặc tình cấy lúa, trồng cây,
Làm ăn theo thủa, khỏi gây oan cừu.

Nay mày gây những oan cừu.
Có ăn có chịu, còn cưu hận gì?
Lệnh truyền lấy phép âm trì,
Quay chân, vả miệng, trả khi già hàm.
Oan hồn nửa bắc nửa nam,

Cho theo đòi miệng, roi hàm đánh pha.
Phán rằng: Dẫn lão Pháp ra,
Mày làm thầy pháp trừ tà bấy lâu.
Chớ nào binh tướng đi đâu,
Để bầy oan quỷ theo hầu lao xao.

Phép làm chuyên chữa đường nào,
Âm hồn đến cửa chào rào kêu oan.
Cớ sao lại hốt thuốc ngang,
Lời cung cho thật, khỏi mang khổ hình.
Phán rằng: Đã tới tụng đình,

Lẽ nào dám giấu thần linh soi lòng.
Tôi nhờ đạo sĩ một ông,
Truyền cho quyển sách thần thông trừ tà.
Dạy tôi đọc phép giáo khoa.
Về cờ lập trận, mở ra cuộc đàn.

Đánh chiêng, gióng trống rềnh rang,
Sai đồng, luyện tướng, lên đàn đại hô.
Án năm phương có vẽ bùa,
Bắt hai tay ấn phép đùa yêu ma.
Bệnh ai mắc vị các bà,

Phép ngồi gươm tréo, mặc va kéo quần,
Bệnh ai dái dưới lẻ sưng,
Phép đi hoả thán, lửa hừng chân chuyên.
Bệnh nào thằng Bố làm điên,
Phép dùng cung tiễn, dây huyền, chữa cho.

Bệnh nào mắc nghiệt vong cô,
Phép làm nịch thuỷ, bó xô sông đằm.
Bệnh nào tinh quái trúng nhằm,
Phép dùng linh kiếm chém bằm thây mê.
Phép làm vượt vức, vượt lề,

Cúng sao, cúng hạn, bộn bề thiếu chi.
Thật tình tôi chẳng học y,
Nhân đau bệnh rét, mới đi cầu thầy,
Xin toa thuốc rét các thầy.
Uống lành, sau mới cho lây cứu người.

Ai đau chứng rét đến vời,
Trước tôi chuyên chữa, sau thời hốt cho,
Cứ thang Tiệt ngược hốt dò,
Có nơi uống khá, cũng cho tiếng đồn.
Phán rằng: Đạo sĩ một môn,

Từ ông Lão tử đạo tôn mở đầu.
Tiên bay biến hoá chước màu,
Thuốc đan, bùa lục, xưa cầu cũng linh.
Đến sau đạo sĩ trộm danh,
Lánh đời vào núi, tu hành mình riêng.

Học đòi luyện phép thần tiên,
Dối trời dối đất, đảo điên việc người,
Kể ra tên biết mấy mười,
Hán thời Trương Bảo ba người tướng quân.
Đua nhau làm giặc hoàng cân,

Tướng rơm binh đậu, rần rần kéo đi.
Nguỵ thời có Khấu Khiêm Chi,
Dời non trở biển phép kỳ kinh nhân.
Đường thời có Triệu Quy Chân,
Kêu mưa, hú gió, bùa thần trong tay.

Ấy đều đạo sĩ chước hay,
Đời nào suy yếu, chẳng may gặp chàng.
Gặp chàng ở nước, nước loàn,
Ở nhà, nhà bại, rõ ràng sách ghi,
Nay mày tay ấn cao chi,

Xưng làm thầy pháp, liền đi trừ tà!
Đít ngồi gươm tréo máu ra,
Chân đi hoả thán, cháy da xèo xèo.
Phép làm bó giác cheo leo,
Tà đâu chẳng thấy, thêm nghèo bệnh dân.

Trống chiêng tung rục tiếng rân,
Rán hơi hò hét lòi gân cổ mày,
Yêu tinh nào sợ phép mày,
Bày ra rộn đám, nhóm bầy giỡn chơi.
Tử sinh có số ở trời,

Vượt lề, vượt vức, thói đời làm điên.
Thánh rằng: “Hoạch tội vu thiên”,
Sao gì cứu đặng, mà nguyền cúng sao?
Làm chi những việc tầm phào,
Đã hư phong hoá, lại hao tiền tài.

Vậy mà nuôi sức hơi trai,
Bách công kỹ nghệ, theo tài làm ăn.
Dù làm một thợ bện đăng,
Còn hơn thầy pháp lăng nhăng khuấy đời.
Mạng dân nào phải trái chơi,

Dám đem thuốc thử bệnh vời thêm đau.
Rét thời có mới, có lâu,
Có hư, có thực, há cầu một phương.
Sách rằng: hàn, nhiệt, ôn, lượng,
Bổ, hoà, công, tán nhiều đường khác nhau,

Y thời dò dắt trước sau,
Vọng, văn, vấn, thiết rồi đầu thuốc thang,
Biết sao mày dám hốt ngang,
Một phương Tiệt ngược khoe khoang đủ rồi?
Đạo y chẳng biết thời thôi,

Ai theo bắt tội mà giồi quấy chi.
Mày đà quen thói khinh khi,
Nhảy vòng quả báo phép gì trở ra.
Truyền cho lũ nợ oan gia,
Nắm đầu đòi mạng, kéo ra đánh nhàu.

Phán rằng: Còn lão sãi đâu,
Xin làm thầy giải bệnh đau cho người.
Dương gian giải đặng mấy mươi,
Sao không âm đức lại vời oan gia.
Sao rằng giải cứu bệnh tà,

Thật tình mày phải cung ra đuôi đầu.
Giải rằng: Tôi đã cạo đầu,
Theo làm tôi Phật lẽ đâu chẳng lành.
Hôm mai niệm kệ đọc kinh,
Xin nhờ phép Phật độ mình chúng sinh.

Phép tôi giải cứu bệnh tình,
Chẳng nhờ dược tính, thang danh làm gì.
Vẽ bùa hoà nước uống đi,
Tro hương, vàng bạc, kinh y cũng lành.
Thuốc này cây trái, cỏ tranh,

Lấy cho bệnh uống, lòng thành cũng hay,
Đấm lưng, vỗ trán bằng nay,
Giải cho trăm bệnh, nhờ tay Phật truyền.
Bệnh nào ăn uống dương yên,
Ống nồi thâu, hết sức ghiền thời thôi,

Mặc tình ai chịu phép tôi,
Ít nhiều lễ vật cúng rồi quy y,
Nam-mô hai chữ từ bi,
Cứu trong bản đạo, hại chi ai mà.
Nay sao còn nợ oan gia,

E khi kiếp trước phúc nhà ít chẳng?
Phán rằng: Mày thật ác tăng,
Bán rao tiếng Phật, kiếm ăn bày lời.
Đã không phương pháp giúp đời,
Lại làm ác nghiệp, dối trời cao xa.

Sách nào trị bệnh người ta,
Nước hoà tro giấy, gọi là thuốc linh,
Phép nào vỗ, đấm, đạp hinh,
Khiến người tật bệnh trong mình thêm đau.
Vốn lòng mày giải nhang dầu,

Giải trà, giải sáp, giải cầu của dân.
Giải chi mà rát ngứa trân,
Bướu đeo còn bướu, phong sần còn phong,
Phật đâu có phép bất thông,
Đổ thừa cho Phật, mông lung người đời,

Vả xưa họ Thích ra đời,
Gọi rằng Bồ Tát gốc nơi làm lành.
Dù ai có bụng tu thành,
“Ba-la” hai chữ, độ mình phương tây.
Từ đời Đông Hán đến nay,

Phật vào Trung Quốc bời bời chẳng an.
Bày ra ba cảnh, sáu đàn,
Nhà chay nhà thí, nhộn nhàng tăng ni.
Nghênh ngang hoà thượng, pháp sư,
Đua nhau làm phép Mâu-ni tưng bừng.

Có danh như Phật Đồ Trừng,
Áng sen rửa ruột, chết chưng về hồn.
Có danh như họ Sa Môn,
Chặt tay đúc Phật, tiếng đồn luống xa,
Có danh như họ Cưu-ma,

Nuốt châm chữa bệnh, yêu tà sợ răn.
Giảng kinh như kẻ cao tăng,
Hoa trời bay xuống, đá ưng điểm đầu.
Cám thương Tiêu Diễn công tu,
Bỏ mình ba thứ, theo cầu Thích ca.

Đài thành xin Mật Hằng Hà,
Nào hay đạo Phật ấy là không không.
Đạt Ma gậy lách qua sông,
Bảy mươi hai cảnh chùa đông sãi đầy.
Đạt Ma chiếc dép về Tây,

Chúa Lương mất nước, biết thầy đâu ôi!
Mục Liên tu đã thành rồi,
Sao không rước mẹ lên ngồi toà sen.
Để chi đến nỗi thân hèn,
Ăn mày ngục quỷ mới men đi tìm,

Ai rằng đạo Phật vớt chìm,
Mấy người sa đắm khôn tìm Như Lai.
Dường qua Thiên Trúc chông gai,
Người trong biển khổ trông ai độ mình.
Hỡi ôi bầy dại tham sinh,

Nghe lời sãi dụ quên mình làm dân.
Đạo người hai chữ quân thân,
Quân thân chẳng biết, còn luân lý gì,
Nay mày mượn tiếng A-di,
Cạo đầu đổi phục, làm kỳ hoặc nhân.

Mang câu “vô phụ, vô quân”,
Tội mày chẳng giải, giải phần tội ai.
Vậy thà theo chữ “hoá trai”,
Nhờ người bố thí, hôm mai nuôi lòng,
Đừng mơ sức tượng, sức long,

Khoe khoang phép Phật hại lòng dân ta.
Dù cho Phật tổ lại ra,
Chắp tay ngồi đó, nước nhà nhờ chi.
Huống mày giả dạng tu Trì
Gạt người lấy của, âm ty biên đầy,

Lệnh truyền dây sắt treo cây,
Đánh cho văng thịt, coi mầy giải sao,
Đánh rồi địa ngục đem giao,
Diêm La nghĩ xử bậc nào tội cai.
Đáng cho thằng sãi đầu thai,

Kiếp heo, kiếp chó, theo loài mọi xa.
Xảy nghe trống điểm canh ba,
Phán quan thong thả, án tra vừa rồi.
Quân hầu bẩm việc đầu hồi,
Bắt hai người khách, giam ngồi chờ thưa,

Ngư, Tiều vào lạy trước thưa,
Phán quan chợt thấy, tình ưa vui chào.
Phán rằng: Họ Mộng, họ Bào,
Hai người cầu đạo dường nào đến đây?
Đến đây mắt đã thấy vầy,

Gắng công học thuốc, làm thầy cho tinh.
Đọc thư chẳng khá lênh chênh,
Một phơi, mười lạnh, dối mình biết chi,
Dùng phương gẫm lại xét đi,
Chẳng nên lạo thảo một khi lấy rồi.

Sao cho âm đức dài trôi,
Khỏi vòng nhân quả đền bồi thân sau,
Nhớ câu “thiện ác đáo đầu”,
Phúc đền, hoạ trả, đâu đâu không trời.
Phán rồi trà nước cho mời,

Ngư, Tiều nào dám mở hơi nói gì.
Uống trà rồi lính đem đi,
Qua nơi nhà túc, một khi nghỉ mình.
Ngư, Tiều phách khiếp, hồn kinh,
Đến nằm liền ngủ, thiên minh dậy rồi.

Dậy rồi mắt thấy, hỡi ôi,
Một toà thần miếu, cảnh ngồi vắng hoe,
Bên thềm cỏ lạ le te,
Trước sân tùng bách, tàn che im lìm.
Trong liêu ba bức châu liêm,

Rồng leo cột vẽ, lân tiềm vách tô.
Trước toà sen nở sáng hồ,
Hai bên non núi, đá phô hàng chầu,
Trời trong gió lặng, mưa thâu,
Tiếng khe suối chảy, như tâu dịp đờn.

Miếu môn có tấm bảng sơn,
Chữ in “Y Quán Trạng Ngươn (nguyên) chi Từ”.
Ngư, Tiều vào giữa miếu từ,
Ngưỡng xem thần tượng nghiêm như sống ngồi.
Tốt thay tướng mạo khôi khôi,

Rồng chầu, cọp nép, thêm dồi uy nghi.
Hai người lòng sợ kính vì,
Lâm dâm vái lạy, xin tỳ hộ tôi.
Lạy rồi vội vã bước lui,
Ra ngoài cửa miếu nhắm xuôi tìm đường.

Đường đi lui tới chưa tường,
Ngó mông nào thấy người thường vãng lai.
Chim kêu, vượn hú bên tai,
Nguồn Đào vắng dấu, biết ai hỏi cùng.
Đang khi lo sợ phập phồng,

May đâu lại gặp một ông bạc đầu.
Gậy lê tay chống qua cầu.
Cười rằng: hai gã đi đâu chỗ này?
Xóm ta ở cũng gần đây,
Hai người lần tới ngõ này, theo ta!

Ngư, Tiều mừng gặp lão già,
Vội vàng theo gót về nhà hỏi thăm.
Đi vừa vài dặm tăm tăm,
Chó chu, gà gáy, tiếng tăm đông đầy,
Lăng xăng kẻ cuốc, người cày,

Vườn dâu, đám ruộng, cùi đày làm ăn.
Ngư, Tiều đều thấy than rằng:
Bàn phong thói cũ, nay bằng còn đây,
Đến nhà lão trượng tiệc vầy,
Đãi nhau cơm, rượu, lối này hết lo.

Ba người ăn uống say no,
Cùng nhau han hỏi chuyện trò một giây.
Ngư rằng: Đi lạc đến đây,
Chưa hay châu huyện đất này gọi chi.
Trong non có miếu tổ y,

Đời nào sùng phụng, cất chi xa đường?
Lão rằng: Ta thuở Đại Đường,
Cháu ông Cung tử ở làng Thanh Cao.
Từ năm chạy giặc Hoàng sào,
Mới đem làng xóm dời vào cõi đây.

Vừa ngoài bảy chục năm nay,
U Châu lại bỏ đất này Liêu xâm.
Đời còn nhớ đức Vân Lâm,
Nhóm nhau lập miếu, thờ thần trong non.
Bốn mùa hương hoả vuông tròn,

Khỏi nơi gió bụi, thật còn anh linh.
Tổ ta hiển thánh rất linh,
Ứng cho điềm mộng sự tình đêm nay.
Dạy ta kịp buổi sáng ngày,
Vào non chỉ dẫn hai thầy đường ra.

Thần linh bằng chẳng mách ta,
Hai thầy đi, bị hùm đà ăn thây.
Ngư, Tiều nghe chuyện đêm nay,
Ngó nhau sảng sốt như ngây một hồi.
Bèn đem việc thấy đầu đuôi,

Nói cùng lão trượng, ngùi ngùi thở than.
Lão rằng: Hai chữ “oan oan”,
Một vay một trả, người mang nợ đời.
Đạo y xen giúp công trời,
Hay là quốc thủ, dở vời hoạ môn.

Các thầy học thuốc sồn sồn,
Hại người sao khỏi âm hồn theo sau,
Dụng y chẳng những hoạ sâu,
Đến thầy địa lý, phải âu lành nghề.
Thanh Ô xưa có sách đề,

Phép đi coi đất, lành nghề kham dư.
Học nay gọi tiếng địa sư,
Nhìn sai phương hướng, làm hư tộc người.
Lỗi y hại một mạng nguời,
Lỗi thầy âm táng, chết tươi một dòng.

Cho hay phong thuỷ rồng rồng,
Trọn gây nghiệp báo, lại đông âm hồn,
Hỡi ôi nghề nghiệp khéo khôn,
Chớ tham của lợi, để dồn nợ oan,
Nghề nào nghiệp nấy buộc ràng,

Gặp cơn vận thịnh, khuyên chàng ngó sau,
Có câu phúc tội theo sau,
Lẽ trời báo ứng, chẳng mau cũng chầy.
Một lời vàng ngọc lão này.
Đinh ninh gửi nói các thầy tục y.

Chữ “hành” xét lại chữ “tri”.
Biết thời làm biết, chớ khi quỷ thần.
Ngư, Tiều từ biệt lão nhân,
Hỏi thăm đường sá, lần lần ra đi.

Trên đây là các hồi tiếp theo mà Nguyễn Đình Chiểu viết trong tập Ngư tiều y thuật vấn đáp. Đây là một tập thơ hay của nhà thơ này. Thông qua câu chuyện người dân đi lánh nạn và tìm thầy học thuốc, nhà thơ đã thể hiện sự căm phẫn của mình đối với thời cuộc. Để rồi từ đó động viên nhân dân đứng dậy đấu tranh chống giặc ngoại xâm.