Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa cận đại của Việt Nam sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) và mất ngày 3 tháng 7 năm 1888 tại Ba Tri, Bến Tre. Ông đã để lại cho đời rất nhiều các tác phẩm văn học nổi tiếng và sâu sắc, trong đó có Ngư tiều y thuật vấn đáp.

Trong Ngư tiều y thuật vấn đáp Nguyễn Đình Chiểu đã thành công trong việc khắc họa nhân vật Nhân Sư. Đó là một người giỏi y học và đã làm mù mắt mình để không phải chữa bệnh cho giặc. Sau đó Ngư và Tiều đã lĩnh hội được hai bài dạy phép dùng thuốc của thầy. Đó là một bài về tiêu bản và một bài nói về phép chữa tạp bệnh. Hãy cùng tapchivannghe.com tìm hiểu hồi cuối cùng trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu này bạn nhé!

Hồi 44

U Châu từ ấy ra đi,

Xông pha trời hạ, đang khi nắng nồng.
Đi gần đến phủ Minh Công.
Mặt trời xế mát, ngó mông xa chừng.
Trọn ngày đi đã mỏi chân,
Ghé vào xóm quán vừa chừng nghỉ ngơi,

Thấy quân phủ dẫn một người,
Mang xiềng rổn rảng vào nơi quán này.
Ngư, Tiều hỏi tội sao vầy?
Phủ quân đều nói là thầy thuốc cao.
Ngư rằng: Người bán thuốc cao,

Tội chi đến nỗi xiềng vào khổ thân.
Cao rằng: Mang tiếng sát nhân,
Án đày biển bắc, chung thân khó về.
Thói quen sinh nghiệp, tử nghề,
Cây rừng đủ đọt, hái về nấu cao.

Thuốc cao là thuốc bán rao,
Người quen mua uống lẽ nào hại ai.
Bởi câu “vận kiển, thời quai”,
Bệnh lành chẳng gặp, gặp loài bệnh hung.
Chẳng dè người mắc chứng phong,

Thuốc cao cho uống vào lòng, chết tươi.
Nói ra non nước hổ ngươi,
Lá cây đủ đọt giết người bao nhiêu.
Bấy lâu Cao mượn đã nhiều,
Phen này cao trả, xiềng đeo cổ đầy.

Bấy lâu Cao khiến làm thầy,
Phen này Cao bỏ theo bầy tội danh.
Ngư, Tiều nghe nói giật mình,
Nhớ đêm trong miễu, sự tình như đây.
Trạng Nguyên miễu bắt năm thầy,

U Châu phần đất cách đây xa chừng.
Nay còn sót một thầy rừng,
Minh công phủ bắt lại trưng án đày,
Hỡi ôi một việc làm thầy,
U minh hai chữ, khó lây lất rồi.

U thời có quỷ thần soi,
Minh thời có phép nước coi đề hình.

Hồi 45

Tiều rằng: Nghề thuốc đặng tinh,
Nào lo ràng rạc khổ hình xiềng gông.
Bởi đời nhiều kẻ bất thông,

Học không chỗ gốc, riêng trông cửa rèm.
Học nho vài chữ lem nhem,
“Mân” coi ra “kiển” “lỗ” nhèm ra “ngư”.
Hoặc là dở sách y thư,
Luận đâu trị đó, hốt vơ lấy tiền.

Hoặc là dở sách địa biên,
Nhắm phương coi hướng làm xiên cầu tài.
Có người vốn nghiệp sơ sài,
Đến đâu khua mỏ, khoe tài rằng hay.
Có người vốn nghiệp chẳng hay,

Giả làm mặt biết lời bày chê khen.
Đua nhau trở trắng làm đen,
Hình hươu lốt chó, thói quen dối đời.
Mấy thằng láo xược theo chơi,
Ví như ếch giếng, thấy trời bao nhiêu.

Trộm nghề tay khéo vẽ theo,
Vẽ hùm ra chó, để treo chúng cười.
E khi gặp rượu tiên mời,
Đãi cho vài chén, xui hơi cáo bầy.
Hai ta mắt đã thấy vầy,

Học xin giữ gốc, làm thầy nhà ta.
Ngư rằng: Phược trước một khoa,
Tiểu nhi trăm chứng, chính tà cho tinh.
Lần lần rồi trị các kinh,
Học cho tột lẽ bệnh tình bách gia.

Tiều rằng: Triền cũng một khoa,
Phụ nhân trăm chứng, trẻ già cho xong.
Sau rồi nhóm sách các dòng,
Học cho thấy đạo, thời lòng mới an.
Hai người nằm quán luận bàn,

Sáng ngày cơm nước lên đàng Minh Châu.
Ngư, Tiều từ cảnh Minh Châu,
Về nơi quê quán, đi lâu hơn ngày.
Đến nhà con vợ mừng thay,
Tính đường đi lạc ba ngày có dư.
3625-Từ đây cải nghiệp tiều, ngư
Làm qua nghề thuốc tổ sư mở lòng,
Khi nên trời cũng giúp lòng,
Bệnh giàu cho của mua ròng sách y.
Sau dù có chỗ bất tri,

Cùng nhau thay đổi liền đi Đan Kỳ.
Cùng đều nhờ phép Nhân Sư,
Dọn trong phép bí nghề y gia truyền.
Phụ khoa cho gã Thê Triền,
Đàn bà trăm chứng đều chuyên trị lành.

Nhi khoa cho Tử Phuợc rành,
Trị trăm chứng trẻ, hậu sinh đều nhờ.
Hai thầy ra sức công thư.
Cám ơn Đạo Dẫn, trọn nhờ Nhập Môn.
Nghề hay tiếng nổi như cồn,

Trị đâu lành đó, xa đồn danh y.
Hai thầy đặng chữ nho y,
Quan yêu dân chuộng, sách ghi giúp đời,
Đến đây tuyệt bút hết lời,
Nôm na một bản để lời hậu lai.

Trên đây là các hồi còn lại mà Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện trong Ngư tiều y thuật vấn đáp mà chúng tôi đã chọn lọc và chia sẻ với bạn. Qua truyện thơ này ta có thể hiểu thêm về các kiến thức y học, tuy nhiên sâu xa đằng sau chính là cổ vũ nhân dân chiến đấu. Đó cũng chính là điều làm nên nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu.