Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định.
Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà thơ mà còn là một lương y. Ở đây y tức là nhân đạo và chủ nghĩa nhân đạo là một trong những điều gần gũi. Điều này được thể hiện sâu sắc thông qua các tác phẩm của ông trong đó phải kể tới Ngư tiều y thuật vấn đáp. Với nhiều hình tượng điển hình tập truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu đã thực sự chạm tới trái tim của người đọc.
Hồi 13
Tiều rằng: Xem bệnh tử sinh,
Phép ông nào trọn, xin rành dạy ta?
Dẫn rằng: Xưa có Thúc Hoà,
Xem hình, xét sắc, ít nhà dám chê.
Chẳng chờ miệng nói tai nghe,
Mấy mòi sống thác khôn che mắt thần.
Nay trau con mắt phong trần,
Coi lời ca quyết sáng ngần hơn châu.
Vương Thúc Hoà quan bệnh sinh tử hậu ca
(Bài ca về phép xem triệu bệnh sống chết của Vương Thúc Hoà)
Dịch nghĩa:
Bệnh sắp khỏi, vè mắt có sắc vàng (vị khí đã lưu hành).
Vành quanh mắt thình lình trũng xuống, biết chắc là chết (ngũ tạng tuyệt).
Tai, mắt, mũi, miệng nổi sắc đen,
Đã lan vào đến miệng thì mười phần có đến tám là khó cứu (thận khí chế vi khí),
Mặt vàng, mắt xanh thường do uống rượu quá say,
Dể gió tà xông vào vị nên mất mạng (mộc khắc thổ).
Mặt đen, mắt trắng là mệnh môn hỏng.
Trong người lại thấy quá nhọc mệt, thì tám ngày chết.
Trên mặt thình lình thấy có sắc xanh,
Nếu như dần dần trở thành màu đen là chết, khó cứu (can và thận tuyệt).
Mặt đỏ, mắt trắng, lại thở khò khè thì rất đáng sợ,
Đợi qua mười ngày sẽ rõ sống hay chết (hoả khắc kim).
Sắc vàng, đen, trắng nổi lên chạy vào mắt,
Vào cả mũi, miệng là có tai vạ (thận chế tỳ).
Nếu lại thêm mặt xanh, mắt vàng thì giờ Ngọ sẽ chết,
Còn lại thì cũng chỉ sống trong vài ngày là cùng (mộc khắc thổ).
Mắt không có tinh thần, lợi răng có sắc đen (tâm và can tuyệt).
Mặt trắng, mắt đen cũng là tai vạ (phế và thận tuyệt)
Miệng mở ra như miệng cá, không ngậm lại được (tỳ tuyệt),
Thở ra mà không hít vào thì mạng lên tiên (can và thận đã tuyệt trước).
Vai xo lên, mắt trợn ngược, môi khô,
Mặt sưng lên, mắt trợn ngược, môi khô,
Mặt sưng lên lại có sắc xám hay đen cũng khó thoát chết.
Nói xàm bậy bạ hay không nói gì,
Hơi thở nặng mùi như xác chết, biết là không thọ (tâm tuyệt).
Nhân trung đầy hết lên, miệng và môi xanh,
Nên biết là ba ngày mạng không còn (mộc khắc thổ).
Chỗ giáp lưỡng quyền (hai gò má) đỏ, là bệnh tim đã lâu.
Miệng há, thở ra thì mạng khó sống (tỳ và phế tuyệt).
Chân đau, ngón sưng, đầu gối sưng to như cái đấu,
Nên biết là khó giữ mạng sống trong mười ngày (tỳ tuyệt).
Gân cổ lỏng lẻo biết chắc là chết (mạch Đốc tuyệt).
Trong lòng bàn tay không còn ngấn vết cũng sống không lâu (màng tim tuyệt).
Môi xanh, mình lạnh, nước tiểu cứ són ra (bọng đái tuyệt).
Thấy đồ ăn thức uống thì quay mặt đi, hẹn trong bốn ngày sẽ chết (can tuyệt)
Móng chân, móng tay đều xanh đen,
Xương sống đau, lưng nặng, trở mình khó,
Đó là xương tuyệt, năm ngày rồi xem.
Mình nặng, nước tiểu đỏ lại són ra không ngớt,
Đó là thịt tuyệt, sáu ngày là chết.
Móng chân, móng tay xanh, thường chửi rủa la thét,
Đó là gân tuyệt, khó qua được chín ngày.
Tóc cứng như sợi gai, nửa ngày là chết (ruột non tuyệt).
Lần áo, nói chuyện chết, mười phần biết là hỏng (tâm tuyệt).
Hồi 14
Ngư rằng: Mạch lý u vi,
Chưa hay hình trạng mạch đi ít nhiều?
Dẫn rằng: Tên mạch rất nhiều,
Hai mươi tám trang sách nêu rõ ràng.
Chẳng qua hai chữ âm dương,
Muốn cho phân biệt coi thường lề biên.
Chu mạch thể trạng (Hình trạng các mạch)
Dịch nghĩa:
Mạch Phù ấn xuống thấy yếu, nâng lên thấy mạnh,
Mạch Trầm ấn xuống thấy mạnh, nâng lên thì không thấy,
Mạch Trì, một hơi thở đến ba lượt.
Mạch Sác một hơi thở đến sáu lần.
Mạch Hoạt như chuỗi hạt trai và đi, lại mau,
Mạch Sắc đi lại vướng như róc da tre.
Mạch Đại ấn nổi thì đầy ngón tay, ấn chìm thì không có sức
Mạch Hoãn so với mạch Trì nhanh hơn chút,
Mạch Hồng như nước lụt nổi sóng lên.
Mạch Thực ấn thấy găng tay, mạnh khác hẳn.
Mạch Huyền thẳng rẵng như giương dây cung.
Mạch Khẩn như là mới kéo dây, vặn chạc.
Mạch Trường qua ngón tay, ra ngoài bộ.
Mạch Khâu hai đầu có mà giữa thưa không.
Mạch Vi như tơ nhện, khá dễ xét.
Mạch Tế đi lại như sợi chỉ càng dễ coi,
Mạch Nhu không có sức không ưa ấn.
Mạch Nhược thì như muốn đứt, nửa có, nửa không,
Mạch Hư tuy mở rộng song không chắc,
Mạch Cách, rất bền vững, như ấn vào da trống.
Mạch Động như hạt đậu lăn, không có đi, lại,
Mạch Tán chốc chốc mới thoáng tới đầu ngón tay.
Mạch Phục ấn xuống sát xương mới thấy.
Mạch Tuyệt thì không có hẳn, tìm cũng uổng công,
Mạch Đoản ngay trong bộ cũng không tới.
Mạch Xúc đến mau gấp, dần dần khoan đi là đáng mừng.
Mạch Kết đi chậm, thỉnh thoảng lại dừng.
Mạch Đại cũng dừng giữa chừng mà không trở lại được.
Hồi 15
Tiều rằng: Tên mạch đã trao,
Mạch nào chuyên chủ bệnh nào xin nghe.
Dẫn rằng: Chẳng mếch chẳng phe,
Mạch nào chứng nấy, tay đè thì hay.
Xiết bao trong sách nhiều thầy,
Sẵn lời ca quyết ta rày vẽ ngươi.
Chư mạch chủ bệnh
(Các bệnh thể hiện qua hình trạng mạch)
Dịch nghĩa:
Phù là bệnh phong, Khâu là bệnh huyết, Hoạt là nhiều đờm,
Thực là bệnh nhiệt, Huyền là bệnh lao, Khẩn là bị đau đớn.
Hồng là bệnh nhiệt, Vi là bệnh hàn, đều tích tụ dưới rốn.
Trầm là đau vì khí, Hoãn thì da tê.
Sắc là bị tổn tinh âm, hại huyết.
Trì cũng là bệnh lạnh, Phục là bệnh ở cách quan.
Nhu thường bị toát mồ hôi, riêng người già thường mắc.
Nhược là tinh khí thiếu, xương và thân thể ê ẩm,
Trường là khí tốt, Đoản thì khí bị bệnh.
Tế là khí ít, Đại là khí suy.
Xúc là bệnh nhiệt cùng cực, Kết là tích tụ.
Hư là bệnh kinh giật, Động là thoát bị ra máu liên tiếp.
Sác là bệnh trong lòng buồn bực, Đại là bệnh đang tiến.
Cách là bệnh di tinh, băng huyết, cũng lạ lùng thay.
Hồi 16
Tiều rằng: Thầy thuốc nói thường,
Thất biểu, bát lý, chín đường mạch chi?
Dẫn rằng: Ấy thật tục y,
Thấy đâu nói đó, biết gì Mạch kinh,
Ta từng coi sách Mạch kinh,
Chín đường, biểu, lý, không danh mục đề.
Mạch kinh đã chẳng nêu đề,
Đến ông Trọng Cảnh ròng nghề nào biên.
Ngư rằng: Gốc bởi ai truyền,
Cớ sao sách thuốc còn biên làm gì?
Dẫn rằng: Sách thuốc thiếu chi,
“Hãn ngưu sung đống” câu ghi trước tường.
Gốc ra từ họ cao Dương,
Đặt tên mạch ấy mạo Vương Thúc Hoà.
Nối sau, họ Đới đồng ra,
Mạch thư san ngộ cứu tra dọn rồi.
Đan khê chẳng nỡ bỏ trôi
Để cho hậu học làm dùi chiết trung.
Hỡi ôi mạch lý nhiều ông,
Ông nào ý nấy, rồng rồng đua nhau.
Những kiêm nhau với giống nhau,
Coi vào mạch lý lộn nhầu như tương.
Nói cho rộng chước y phương,
Rọt đồng hồ, cũng về đường tứ tông.
Phù, Trầm, Trì, Sác, tứ tông,
Tóm coi ba bộ cho ròng thời hay.
Nghìn xưa bốn mạch đón thay!
Lời ca tâm pháp ta nay thuộc lòng:
Tổng Khan tam bộ mạch pháp
(Tổng quát về phép xem mạch ba bộ)
Dịch nghĩa:
Mạch hội ở kinh Thái âm, xem ở đó có thể biết sống chết,
Thốn, Quan, Xích đủ cả tình hình âm dương.
Bằng ba cách ấn nổi, ấn giữa, ấn chìm mà biết mạch đi trì hay sác.
Thuận hay nghịch, thực hay hư đều ứng với ngũ hành.
Nào cửu hậu, nào thập biến, rất là phiền phức
Nhưng đều do tạng phủ hợp lại mà thành ra.
Mạch ba bộ mà đủ thì dễ biết bệnh,
Nhưng nếu khi đến, khi không đến thì thật khó có bằng cứ.
Mạch lên, xuống, đi, lại đều có dấu vết,
Nên tìm mạch, tay phải cứng và nằm ngang.
Duy có mạch Thiên hoà thì không ứng,
Nhảy gấp khác thường là thuộc kỳ kinh.
Một mạch mà biến hai lần chớ lo là lạ,
Nam hay nữ cũng vậy, nếu thấy nó giữa giờ Dần chớ lo sợ hão,
Năm mươi là số chót của phép Thái diễn,
Theo ngôi chủ tiên thiên mới biết là thiêng liêng.
Bốn mùa đều lấy khí của vị làm gốc,
Sáu Giáp kế tiếp nhau như anh với em.
Gọn gàng thay phép tứ mạch để lại cho ngàn đời,
Lập ra then chốt để xem động tĩnh thật giản dị và rõ ràng.
Chẳng cần hỏi ở kinh nào hay tạng phủ nào,
Chỉ cần đinh ninh xét rõ mạch mạnh hay yếu.
Muốn rõ gốc nguồn, không có sự khéo léo nào khác,
Chỉ cốt là khi xem mạch thì tâm thần phải trong sạch.
Hồi 17
Phép hay nhóm một thiên này,
Ý sâu, nghĩa kín, vốn thầy bách gia.
Thêm còn Y quán dọn tra
Kiêm lời tiểu tự biên ra hẳn hòi.
Cứ theo thiên ấy tóm coi,
Thực hư ba bộ, biết mòi tử sinh.
Lạ thay mấy mạch kỳ kinh,
Thiên hoà, chẳng ứng nhiều anh dốt ngầm.
Ngư rằng: Tấm biển Y lâm,
Chữ “Tam Công” ấy, chủ cầm ý chi?
Dẫn rằng: Bốn chữ phép kỳ,
“Vọng, văn, vấn, thiết”, bậc ghi ba tầng.
Thượng công là chữ “vọng văn”,
Trung công chữ “vấn” chủ rằng thông minh.
Hạ công chữ “thiết” đã đành,
Trong ba bậc ấy tài lành khác nhau.
Ba công nghề nghiệp lau làu,
Coi kinh Tố vấn thấy màu thợ hay.
Ngư, Tiều, đều dậy vòng tay,
Rằng: Xin lạy tạ gặp nay lời lành.
Tuy chưa đến cửa cao minh,
Trước dà nghe dạy mở tranh lấp rào.
Mấy hồi lòng chịu miệng trao,
Phá ngu phát rậm, biết bao nhiêu lời.
Bấy lâu ngồi giếng xem trời,
Dòm beo trong ống, đạo đời biết đâu.
Dẫn rằng: Bằng hữu giúp nhau,
Miễn cho trọn nghĩa theo câu ngũ thường.
Phần ta học hãy tầm thường,
Còn nhờ một bạn tê Đường Nhập Môn.
Nhập Môn học có tiếng đồn,
Rộng thông kinh sử, trí khôn vượt bầy.
Nhà nho đèn sách công dày,
Tài kiêm tám đấu, sách đầy năm xe.
Văn chương ai cũng muốn nghe,
Phun châu, nhả ngọc báu khoe tinh thần.
Vì câu “sinh bất phùng thần”,
Dẹp nghề cửa Khổng theo phần kỹ lưu.
Đan Kỳ đồ đệ trước sau,
Đều nhường tên ấy ở đầu y sinh.
Ngư, Tiều nghe nói tỏ tình,
Nhìn rằng tên ấy tiền trình vốn quen,
Nhớ xưa cũng bạn sách đèn,
Nước loàn nên mới thân hèn lìa nhau.
Tấm lòng mơ tưởng bấy lâu,
Chưa hay tông tích ở đâu đi tầm (tìm).
Ngư, Tiều đang lối mừng thầm,
Xảy nghe ngoài cửa tiếng ngâm thơ rền,
Gió trong đưa dắt hơi lên,
Trước am Bảo Dưỡng nghe rền lời thơ.
Hồi 18
Nhập môn ngâm thơ rằng:
Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,
Chúa xuân đâu hỡi, có hay không?
Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non nam bặt tiếng hồng.
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng mưa nay há đội trời chung.
Chừng nào thánh đế ân soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông.
Nghe rồi Đạo Dẫn vội vàng,
Bước ra trước cửa rước chàng Nhập Môn.
Ngư, Tiều nhìn thấy Nhập Môn,
Chạnh lòng bạn cũ, bôn chôn hỏi chào,
Miệng cười mà nước mắt trào,
Mừng thương giao cách, biết bao nhiêu tình.
Mừng là mừng gặp bạn lành,
Thương là thương đạo ở mình hèn lâu.
Luống ôm báu tốt minh châu,
Ở nơi nước tối, ai hầu biết ai.
Cách nhau mười mấy năm dài,
Gặp nhau một thuở, dễ phai lòng này.
Việc nhà ấm lạnh rủi may,
Cùng nhau trót đã tỏ bày căn duyên.
Môn rằng: Cám cảnh bạn hiền,
Người sông, kẻ núi lưu liên bấy chầy.
Từ năm dứt hội rồng mây,
Những ngờ chúng bạn theo bầy tinh chiên.
Buồn xem trong đất U Yên,
Y quan xưa hoá nón chiên áo cầu.
Người so cầm thú khác nhau,
Vì noi lễ nghĩa, giữ câu cương thường.
Tuy rằng ở cuộc tang thương,
Tấm lòng ngay thảo nào thường đổi xây.
Hai người tài trí vượt bầy,
Chẳng tham danh lợi buổi này khá khen
Dẫn rằng: Mấy mặt như sen,
Đứng trong bùn lấm, mà bèn sạch trơn.
Chưa hay trong ý cao nhơn (nhân),
Lời thơ ngâm trước còn hờn, trông chi?
Môn rằng: Ta đọc sách y,
Thấy trong vận khí xây đi nhiều toà,
Trời đông mà gió tây qua,
Hai hơi ấm mát chẳng hoà, đau dân.
Nhớ câu “vạn bệnh hồi xuân”,
Đòi ngày luống đợi Đông quân cứu đời.
Tiều rằng: Nào xiết lo đời,
“Vinh, khô” hai chữ, mặc trời chủ trương.
Thánh kinh còn chữ “xuân vương”,
Trong, ngoài, há dễ lộn đường Hoa, Di.
Đạo đời có thịnh có suy,
Hết cơn bế bĩ, đến kỳ thái hanh.
Ngư rằng: Gặp thuở thái hanh,
Bọn ta cũng đặng rạng danh nước nhà,
Chỉn e đời xuống càng xa,
Tấm lòng nhân dục đắm sa lở bờ.
Dẫn rằng: Gặp bạn Thi, Thư,
Luống bàn lý sự, bao giờ cho xong.
Ai ai cũng có tấm lòng,
Biển sâu chưa hẳn đục trong lẽ nào.
Nay xin mở tiệc tửu hào,
Phú thi vài lối tầm phào nghe chơi.
Ngư, Tiều, Môn, Dẫn bốn người,
Cùng nhau ăn uống vui cười ngoả nguê.
Môn rằng: Nam, bắc, đông, tê (tây),
Gặp nay thơ biết cảnh đề ra chi?
Dẫn rằng: Nào phải trường thi,
Ra đề hạn vận, một khi buộc ràng!
Trượng phu có khí ngang tàng,
Rộng cho phóng tứ làm bàn thi tiên.
Noi theo đạo cũ kim liên,
Cùng nhau xướng hoạ đoản thiên nối bài.
Mặc dù hai chữ tả hoài,
Việc xưa được mất bởi ai, cớ gì?
Người xưa sao có thị phi?
Đạo đời sao có thịnh suy chẳng đồng?
Học theo ngòi viết chí công,
Trong thơ cho ngụ tấm lòng Xuân Thu.
Họ Đường mở vận xướng đầu,
Sau Châu Đạo Dẫn nối theo hoạ liền.
Nhập môn xướng rằng:
Đời hoàng rồi đế, đế rồi vương,
Từ dấu vương sau bá dọn đường.
Ai cấm đỉnh Chu người Sở hỏi,
Máy trời đã mở tiệm giày sương.
Đạo Dẫn hoạ rằng:
Nghìn năm có một hội minh lương,
Vua thánh tôi hiền vững bốn phương.
Nhớ thuở khóc lân treo bút đạo,
Mặc tình trời đất với quân vương.
Nhập môn xướng rằng:
Tà thuyết đua ra lấp nẻo đường,
Bủa lời Dương, Mặc, nét Thân, Hàn.
Sự đời bóng rối cười ông Lão,
Nợ nước khô lâu khóc họ Trang.
Tiều hoạ rằng:
Nửa nghìn chưa gặp vận sông Vàng,
Năm nhạc, hơi che một chữ quang,
Khổng thánh còn mang lời hạ quỷ,
Mạnh hiền luống chịu tiếng Tàng Thương.
Nhập môn xướng rằng:
Kiếm phù Hán tổ đãi Hàn công,
Nệm gối Đường tông sánh vợ chồng.
Hai chữ cương thường như thế ấy,
Dầu lân, điềm phụng, vội khôn trông.
Ngư hoạ rằng:
Bạo Tần dọn chỗ sẵn cho Lưu,
Trời khiến bầy hùng dấy đuổi hươu.
Lửa đốt A Phòng đền lửa sách,
Hầm chôn hàng tốt trả hầm nhu (nho).
Đạo Dẫn ngâm rằng:
Thuở nào năm ngựa lội sông nam,
Lắm bậc tài danh mấy có làm
Người Địch chống chèo thề cũng luống,
Họ Đào vận bịch sức còn tham.
Nhập môn ngâm rằng:
Công danh bọn trước rủi xiêu bè,
Biển bụi lênh đênh sóng gió đè.
Rồng phụng Kinh Châu còn mắc núp,
Chó gà Tề khách chớ nên khoe.
Tiều ngâm rằng:
“Mông thỏ, cung chim” tiếng trước de,
Tôi người họ Lục chở đầy xe,
Kén tơ kéo hết ra thân nhộng,
Hơi tiếng kêu còn nhọc sức ve.
Ngư ngâm rằng:
Tàu ngựa cầm trâu, trước lỗi nghì.
Năm Hồ roi dấu lấp đường đi.
Việc đời hỏi tới người mò rận,
Nạn nước trông về kẻ bán ky.
Nhập môn ngâm rằng:
Cuộc cờ thúc quý ngựa xe đua,
Nay chúa, mai tôi, lộn ấn bùa.
Một núi ông Đoàn riêng trốn khách,
Năm triều ngươi Đạo nhọc thờ vua.
Trên đây là các hồi tiếp theo mà Nguyễn Đình Chiểu viết trong tập truyện thơ Ngư tiều y thuật vấn đáp mà tapchivannghe.com đã chọn lọc và muốn chia sẻ với bạn. Thông qua tập truyện thơ này ta có thể thấ được một nhân cách lớn. Đó là vì đạo cứu người nên mới làm thầy thuốc. Và ông cũng xứng đáng nhận được sự kính trọng của nhân dân và làm nên lịch sử văn hóa của đất nước.