Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay)
Nguyễn Đình Chiểu đã thành công trong việc xây dựng những hình tượng nhân vật điển hình. Trong đó với truyện thơ Ngư tiều y thuật vấn đáp phải kể tới hình tượng Kỳ Nhân Sư. Đó là người đã tự xông đui đôi mắt của mình để trong y đạo và nhân đạo. Có như vậy mới không phải đem nghề y ra phục vụ cho kẻ thù của nhân dân và Tổ quốc. Đó cũng chính là tư tưởng cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.
Hồi 19
Bốn người hoạ xướng thơ rồi,
Thứ này Đạo Dẫn phản hồi Đông Thanh.
Dẫn rằng: Bên quán Đông Thanh,
Ngày mai đã đến giờ lành luyện đan.
Ta xin về chốn luyện đan,
Ngư, Tiều ngươi phải theo Đường Nhập Môn.
Hai ngươi nay gập Nhập Môn,
Theo nhau cho trọn một phồn nho y,
Phần ta theo việc tiên y,
Ngày sau cũng tới Đan Kỳ hợp nhau.
Ngư, Tiều nghe nói dàu dàu,
Muốn theo Đạo Dẫn trước sau vuông tròn.
Riêng hiềm một nỗi vợ con,
Trần duyên chưa mãn, khó lòn động tiên,
Trót đà chịu phép chân truyền,
Ở am Bảo Dưỡng hỏi biên năm ngày.
Tuy chưa đủ thấy nghề hay,
Song nhờ dạy vẽ, công dày, ơn sâu.
Nửa đường đây lại chia nhau,
Khiến lòng bịn rịn, mặt sầu chẳng vui.
Rót ba chén rượu phụng bồi,
Lễ đưa Đạo Dẫn, một hồi tạm ly.
Tiều rằng: Chưa đến Đan Kỳ,
Mười phần đường thuốc, mới đi năm phần.
Mấy ngày nghe đạo truân truân,
Như mình ngồi giữa gió xuân hơi hoà.
Xưa rằng: “Ích hữu có ba”,
Giúp ta lành ấy cũng là ngô sư.
Môn rằng: Đạo Dẫn đã đi,
Bữa nay cũng vắng Đan Kỳ thầy ta.
Nhân khi gặp tiết thưởng hoa,
Bạn hiền mời nhóm chơi toà Thiên Thai.
Mỗi phen chơi cảnh Thiên thai,
Cầm, kỳ, thi, tửu, tiệc dai quên về,
Thầy đi chưa hẹn ngày về,
Xin hai người hãy đề huề theo ta.
Theo ta tới chỗ riêng nhà,
Ở chờ vài bữa rồi qua Đan Kỳ.
Ngư, Tiều theo Nhập Môn đi,
Tách am Bảo Dưỡng đến Y quán rồi.
Từ nay Y quán lần hồi,
Đến nhà thong thả tiệc bồi vui say.
Họ Bào, họ Mộng lối này,
Ở nơi đường thị lâu ngày học riêng.
Sẵn sàng nghề nghiệp thầy truyền,
Vầy nhau bàn luận, hỏi biên phép mầu,
Lại đem vấn đáp chuyện đầu,
Tra vào sách thuốc, câu câu chẳng lầm.
Môn rằng: Bạn cũ thanh khâm,
Mừng nay đặng chữ đồng tâm giúp đời,
Chi lan thơm cũng một hơi,
Chớ chê bỉ thử, mờ lời keo sơn.
Nhớ câu “Thủ thiện phụ nhân”,
Nhờ người biết trước mở lần biết sau.
Mấy lời Đạo Dẫn vẽ đâu.
Chỗ nào sót ý, phải âu xét bàn,
Miễn cho thấy đạo rõ ràng,
Chớ e hỏi dưới ngỡ ngàng hổ ngươi.
Tiều rằng: Muốn học làm người,
Đã đi cầu đạo, sợ cười chê chi.
Chưa hay trước cõi rừng Y,
Có truông Âm Chất, việc gì kể ra?
Môn rằng: Thứ nhất y khoa,
Chữ kêu “âm chất”, thật là âm công.
Xưa rằng: Thầy thuốc học thông,
Thể theo trời đất một lòng hiếu sinh.
Giúp đời chẳng vụ tiếng danh,
Chẳng màng của lợi, chẳng ganh ghẻ tài,
Biết không, không biết mặc ai,
Chuyên nghề làm phải, chẳng mài thiệt hơn.
Trọn mình noi nghĩa ở nhơn (nhân).
Bo bo giữ việc ra ơn, làm lành.
Bệnh nào cho thuốc chẳng lành,
Nhỏ lòng lo sợ, xét mình phải chăng.
Vốn không theo thói tham nhăng,
Nhân khi bệnh ngặt, đòi ăn của nhiều.
Cũng không ghé mắt coi dèo,
Chỗ giàu trân trọng, chỗ nghèo đảo điên.
Đời nhiều thầy thuốc bất thiên,
Đủ tiền đủ vị, thiếu tiền hốt vơ.
Mở coi trong sách y thư,
Nêu thiên Âm chấtchỗ nhờ sinh linh.
Phong, lao, các chứng thiên hình,
Gặp thời thương xót, bệnh tình khôn toan.
Chẳng nên láu táu khoe khoang,
Lấy tiền ăn trước, cuốn đàng chạy sau.
Thấy người đau, giống mình đau,
Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành.
Ăn mày cũng đứa trời sinh,
Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không.
Tổ xưa thuốc điểm mắt rồng,
Thuốc châm môi cọp, khổ công dường nào,
Chữ Kinh “ngô dữ ngô bào”.
Nghĩ dân cùng vật lẽ sao cũng đồng.
Nhớ câu “Y tích âm công”,
Ta nên chứa phúc để dùng lâu thay!
Hỡi ai có bụng như vầy,
Đạo y ngày sáng, tiếng thầy nào hư.
Ngư rằng: Nhà đạo chẳng hư.
Bởi thầy trước để phúc dư đã đành.
Đến như người tục làm lành,
Chưa hay âm chất có thành cùng chăng?
Môn rằng: Âm chất không ngần,
Việc làm lành ấy, há ngăn người nào?
Giàu thời bắt chước xưa hào,
Nợ lâu đốt khế, lúa vào đong ra,
Con ai cô quạnh mẹ cha,
Lớn khôn chọn gả, bé nhà gìn nuôi.
Thấy người đói khó chớ nguôi,
Chỗ cho cơm áo, chỗ giồi tiền lương,
Chỗ thời thí dược, thí quan,
Chỗ thời giúp táng, trợ tang vuông tròn.
Bạn nghèo chôn bạn giùm con,
Nhà con vợ sẵn hầu non cho về.
Vàng quên, của gửi trả về,
Thế thường, thay nạp, người bia nhờ mình.
Sang thời bắt chước xưa minh,
Án từ rửa sạch tình hình dân oan.
Noi câu “xuất tội hoạt hàng”,
Cứu tai muôn họ, dấy đàng lợi sinh,
Nghèo thời bắt chước xưa thanh,
Gặp nàn trút đãy, cứu sinh mạng người.
Tập theo nghề thuốc cứu người,
Cứu đui, cứu ngọng, ai cười trối thây.
Phóng hư, phóng hạc theo bầy,
Bắc cầu đưa kiến, làm thầy quạ đau.
Hèn thời bắt chước xưa tu,
Vá giày, vá dép, công phu lợp nhà.
Hoặc khi khâm liệm, khiêng ma,
Việc người khó nhọc, thảy ra sức giùm.
Ấy là âm chất cả dùng,
Lấy câu “vi thiện” kể chung phẩm người.
Đến như âm chất gốc trời,
Ở câu hiếu thuận, đời đời bia son.
Người xưa giữ vẹn đạo con,
Thảo nhờ cha mẹ, thuận tròn nghĩa thân.
Sống thời bắt chước thầy Tăng,
Hôm mai nuôi miệng lại phăn nuôi lòng.
Thác thời bắt chước Chu công,
“Lành noi lành nối”, dấu ông chú rằng.
Thường thời bắt chước vua Văn,
Sớm khuya thăm hỏi, bữa ăn kính hầu.
Biến thời bắt chước họ Ngu,
Lần lần dỗ dắt, khỏi câu gian tà.
Chuyện khôn xiết kể trăm nhà,
Kia làm con thảo, sinh ra cháu lành.
Hễ như mấy kẻ có danh,
Hai mươi bốn thảo, tiếng lành đồn xa,
Bằng ai bắt chước nhà va,
Hết lòng thảo thuận, ấy là âm công.
Cho hay gốc lớn vững trồng,
Vậy sau dòng lớn mới không mối dường.
Coi pho Vĩnh loại kiềm phương,
Thể nhân vị lục, thời tường các danh.
Tiều rằng: Hỏi việc bất bình,
Xưa nay nhiều kẻ làm lành làm duyên.
Những người cùng Phật, cùng Tiên,
Cất chùa, cất miễu, bạc tiền đua nhau.
Những người đắp sửa đường cầu,
Làm chay hát bội, của giàu thí ra,
Ta nghe làm phúc nhiều nhà,
Cớ sao mắc hoạ lại ra bần xừ?
Môn rằng: Đời lắm danh hư,
So câu “tích thiện hữu dư” sao nhằm?
Kẻ giàu muốn đặng nghìn trăm,
Cho vay một vốn, bốn năm mười lời,
Kẻ sang cậy thế lấn hơi,
Tham lam của quấy, ăn chơi mấy ngày
Lấy câu hãn huyết chi tài,
Cúng cho chùa miễu, nào ai chứng lòng.
Trong mình thảo thuận vốn không,
Gọi là làm phước, phước trồng vào đâu?
Coi câu “Thiện ác đáo đầu..”,
Lành đâu có trả, dữ đâu có đền.
Người tua xét lại hai bên,
Ít lành, nhiều dữ, chẳng nên trách trời.
Tiều rằng: Trước Đạo Dẫn mời,
Đến am Bảo Dưỡng kề nơi truông này.
Chưa hay Âm Chất truông này,
Có am Bảo Dưỡng ở vầy theo chi?
Môn rằng: Chỗ dạy nhà y,
Đã tu âm chất phải vì tấm thân.
Tiếc yêu hai chữ “tinh thần”,
Nhảy vòng thực sắc, theo phần đắm lung.
Dù không biết chước gìn long,
Theo bề Lục Tặc hại trong lẽ trời.
Ở mình đã tối lẽ trời,
Làm thầy cứu mạng giúp đời sao xong,
Muốn cho thần sáng, tinh ròng,
Giữ nuôi khí huyết, ngăn lòng dục sâu,
Thử coi Tố vấn thiên đầu,
Kỳ Hoàng tôi chúa hỏi nhau rõ ràng,
Kỳ Hoàng xưa đẵ mở đàng,
Sách y nay có lời bàn Thiên chân.
Thiên chân tiết giải rõ phân,
Coi vào thấy gốc, giữ thân nuôi lòng.
Muốn bề ăn ở đặng xong.
Rượu trà có bữa, việc phòng chớ dâm.
Người nào đàm hoả hư âm,
Lời bàn Nhự đạm phải tầm (tìm) chín coi,
Người nào tình dục không soi,
Lời bàn Âm hoả phải coi cho ròng.
Cho hay thực sắc đắm lòng,
Người nhiều thèm muốn, khá phòng khá răn.
Ta nghe thánh trước bảo răn:
“Đau hay cầu thuốc, chi bằng ngừa đau”.
Biết người trước khỏi bệnh đau,
Máu hơi đầy đủ, tuổi đầu sống dai.
Tiều rằng: Xưa ấy sống dai,
Nay nhiều chết trẻ, cũng loài vi nhân.
Cớ sao thọ yểu khác phần,
Hoặc là thiên quý độ lần sai chăng?
Nhập môn giây phút than rằng:
“Xưa nay một lẽ”, thầy hằng dạy ta.
Người xưa ăn ở thật thà,
Ít ai đắm rượu tham hoa quên mình.
Vốn không làm quấy nhọc hình,
Nào lo mắc bệnh thất tình, lục dâm.
“Thiên niên” hai chữ trọn cầm,
Vừa chừng trăm tuổi mới trầm về quê.
Người nay ăn ở khác bề,
Rượu dầm trong bụng, sắc kề bên thân.
No say rồi lửa dục hừng,
Đốt trong khí huyết, tinh thần còn chi?
Chịu đau lấy chứng nan y,
Bốn năm mươi tuổi chết đi uổng đời,
Coi thiên Bảo dưỡng mấy lời,
Biết người thọ, yểu, số trời nào riêng,
Thường nghe thiên quý số biên,
Con trai, con gái, xưa truyền như nay,
Gái sinh, bảy tuổi răng thay,
Tóc lần lần rậm, phần đầy hơi âm.
Hai bảy thông mạch Xung Nhâm,
Gọi “thiên quý chí”, mở trầm nguyệt kinh.
Ba bảy hơi thận quân bình,
Răng cùng mọc đủ, trong mình mới sung,
Bốn bảy gân cốt đều sung,
Tóc đen dài tóc, hình dung tráng phì.
Năm bảy Dương minh mạch suy,
Tóc dài hầu rụng, diện bì hết non.
Sáu bảy hơi dương trên mòn,
Tóc râm mặt ngấn, ít còn như xưa.
Bảy bảy Xung Nhâm mạch hư,
Gọi “thiên quý kiệt” mới từ đường kinh.
Hỡi ôi! phận gái chữ trinh,
Bốn mươi chín tuổi, hết sinh đẻ rồi.
Con trai tám tuổi thận bồi,
Răng thay, tóc rậm, vừa ngôi tiểu đồng,
Hai tám hơi thận mới sung,
Rằng “thiên quý chí” mạch thông, tinh đầy.
Ba tám răng cứng, tóc mây,
Bốn tám xương đá, gân dây, mạnh kỳ.
Năm tám hơi thận mới suy,
Tóc răng hầu mỏi, diện bì hầu tiêu.
Sáu tám tóc rụng răng xiêu,
Bảy tám xương mỏi, gân teo, da dùn.
Tám tám tạng phủ đều thun,
Rằng “thiên quý kiệt” lạnh lùng hơi dương.
Cho hay thiên quý số thường,
Con trai, con gái, một đường xưa nay,
Bằng ai bảo dưỡng thời may,
Ngoài tuần thiên quý còn bày gót lân.
Bằng ai tửu sắc quá chừng,
Dầu còn thiên quý trong tuần, cũng hư.
Tiều rằng: Rõ lẽ nên hư,
“Dưỡng sinh” hai chữ tinh như lời này,
Cớ sao còn kẻ chơi mây,
Lìa đời, dứt thói, gọi thầy tu tiên?
Môn rằng: Một việc tu tiên,
Xưa vua Hoàng Đế phép truyền gây ra.
Sau rồi phép ấy sai ngoa,
Đời sau phương sĩ lấy tà hoặc nhân.
Vậy thà theo lẽ an phần,
Trăm năm nhờ mạng trong thân có trời.
Coi Vương Bao tụng mấy lời,
Sáng giơ đường chính, dạy đời báu to,
Làm chi nghiêng ngửa duỗi co,
Như ông Bành Tổ riêng lò hoá công.
Làm chi như họ Kiều, Tùng.
Thổ hà, xì hít hơi hung luyện hình.
Xin lòng nhân dục cho thanh,
Trau mình nào phải đọc kinh Hoàng đình.
Xin lòng luân lý cho minh,
Nuôi lòng nào phải đọc kinh Âm phù.
Cho hay Tiên, Phật rằng tu,
Cũng trong bảo dưỡng đương đầu trổ ra.
Cả than Đạo Dẫn bạn ta,
Học y một cửa, nay đà tách thân.
Lòng va muốn chữ xuất trần,
Để câu phụ tử quân thần mặc ai.
Tiếc đời ôm đức cưu tài,
Sĩ đều có khí khôn nài đó sao.
Ngư rằng: Thời vậy nài sao.
Dù Tiên, dù Phật, bề nào cũng xong.
Nay ta còn chỗ nghi lòng,
Nghề y, nghề bốc, khác dòng nhau xa.
Cờ sao ba tượng trong toà,
Tiên thiên đồ ấy treo ra làm gì?
Môn rằng: Tám quẻ Bào Hy,
Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Tiên thiên, một bức đồ khai,
Để coi phương hướng muôn loài hoá sinh.
Kiền, tây bắc, Tuất, Hợi đình,
Khảm phương chính bắc, ngôi đành Tý cung,
Cấn, đông bắc, Sửu, Dần thông,
Chấn ngôi đương Mão, chính đông phương trời.
Tốn, đông nam, Thìn, Tỵ vời,
Ly cung đương Ngọ, hướng trời chính nam.
Khôn: Mùi, Thân, phía tây nam,
Đoài đương ngôi Dậu, chính nhằm tây phương.
Xét trong tám hướng âm, dương,
Máy trời xây bủa, bốn phương năm hành.
Hậu thiên Ly, Khảm vẽ hình.
Cho hay khí huyết trong mình chủ trương.
Ly là hơi, lửa, thuộc dương,
Khảm là nước, máu, lẽ thường thuộc âm.
Song mà Ly trống vốn âm,
Khảm cung đầy giữa, thật cầm chân dương.
Ấy chia hư thực âm dương,
Nước đầy, lửa trống, khôn lường máy sâu.
Mạnh thời nước lửa, hoà nhau,
Yếu thời nước lửa chia đau trong mình.
Đạo y nửa ở Dịch kinh,
Chưa thông lẽ Dịch, sao rành chước y.
Tổ rằng “Muốn học Hiên Kỳ,
Trước tua đọc quẻ Bào Hy mới tường”.
Tiều rằng: Một tượng Minh Đường,
Một đồ khí hậu chủ trương việc gì?
Môn rằng: Trên dưới hai nghì,
Giữa thì người vật, tóm ghi một đồ.
Vẽ mười vòng nhóm một đồ,
Để coi khí hậu xây bồ ứng nhau.
Năm ngày một hậu đến xâu,
Ba hậu một khí, cứ đầu toán ra.
Hai khí một tháng kể ra,
Giáp mười hai tháng, ấy là một niên.
Một niên chia bốn mùa riêng,
Hai mươi bốn tiết, theo liền dựng giao.
Đoanh xây hai chục tám sao,
Trải ba mươi sáu cung nào chẳng xuân.
Mỗi năm khí hậu xây vần,
Mười vòng lớn nhỏ, có chừng thuỷ chung.
Việc nguời, lẽ vật ở trong,
Một hồ trời đất, mười vòng tóm giơ.
Lặng lòng coi bức đồ thơ (thư),
Ba ngàn thế giới, thấy bờ cõi xinh.
Sách châm lại vẽ ba hình,
Ba hình người ấy gọi Minh Đường đồ.
Một hình nằm sấp để đo,
Thái dương kinh túc, huyệt dò sau lưng.
Một hình nằm ngửa làm chừng,
Dương minh kinh túc, huyệt ngưng trước mình,
Một hình ngồi mé hông trinh,
Thiếu dương kinh túc, huyệt hành hai bên.
Ba hình tóm lại một nền,
Ba trăm sáu chục năm tên huyệt rời.
Rộng coi kinh lạc nơi nơi,
Minh người đủ ứng độ trời một niên,
Dón coi thủ túc đôi bên,
Trong ba âm, với ngoài liền ba dương.
Mười hai kinh huyệt chia đường,
Sáu du, sáu hợp, chỗ thường phép châm.
Bệnh nào đau ở kinh âm,
Huyệt du cấp cứu, khỏi lầm tai ương.
Bệnh nào đau ở kinh dương,
Cứu theo huyệt hợp ngăn đường tà đi.
Cứ theo du hợp phép ghi,
Chân trời kíp tỉnh, bệnh gì còn lo.
Kinh dương sáu phủ đếm cho,
Bảy mươi hai huyệt, đủ dò tay chân,
Kinh âm, năm tạng có chừng,
Sáu mươi chỗ huyệt, tay chân chia đều.
Kể mười hai huyệt tóm nêu,
Có lời toát yếu, đặt điều thơ ca.
Sáu âm, sáu dương đã ca,
Lại thêm khí huyết theo ra sáu bài,
Kể thơ, mười có tám bài,
Âm dương khí huyết theo loài quán thông.
Muốn cho châm cứu phép ròng,
Huyệt kinh phải đọc thuộc lòng thi ca.
Trên đây là hồi 19 nằm trong phần tiếp theo Nguyễn Đình Chiểu viết trong tập Ngư tiều y thuật vấn đáp. Qua tập truyện thơ này ta có thể hiểu được các tư tưởng, triết lý mà nhà thơ muốn chuyển tải. Và đó cũng chính là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa chân chính của nhân dân. Để từ đó hiểu được tại sao Nguyễn Đình Chiểu lại được đánh giá cao tới vậy.