Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định.

Ngư tiều y thuật vấn đáp là một truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu rất hay và độc đáo. Ở đó nhà thơ đã mượn bối cảnh ở U Yên Trung Quốc đời xưa bị giặc ngoại xâm xâm chiếm. Và người dân đi lánh nạn và học thuốc cứu người cứu đời trong cảnh lầm than. Để hiểu hơn về câu chuyện mà Nguyễn Đình Chiểu muốn chuyển tải trong các sáng tác của mình hãy cùng tapchivannghe.com tìm hiểu các hồi tiếp theo trong truyện thơ này bạn nhé!

Hồi 27

Ngư rằng: Bệnh nhiễm hơi tà,
Sao là ngoại cảm, sao là nội thương?

Chứng kiêm ngoại cảm nội thương,
Phép thầy trị liệu theo đường nào ôi?
Môn rằng: Sách có biện rồi,
Nội thương, ngoại cảm, hai hồi phân minh.
Nội thương đều bởi thất tình,

Đau từ năm tạng trong mình gây ra.
Ngoại thương đều bởi xông pha,
Khiến nên sáu phủ chịu tà lục dâm.
Hợp coi mạch lý dương âm,
Mạch Phù ngoại cảm, mạch Trầm nội thương.

Bệnh nào ăn uống nội thương,
Tay hữu Khí khẩu mạch cường nhảy to,
Bệnh nào cảm mạo ngoại lo,
Nhân nghênh tay tả mạch to nhảy về.
Nội thương nóng lạnh chẳng tề,

Thoạt nóng, thoạt mát, rề rề nào kham,
Ngoại thương nóng lạnh đều làm,
Buổi không xen hở, nằm dầm rên than.
Ngoại thương chứng thật ố hàn,
Dù gần bếp lửa chẳng tan hơi hàn.

Nội thương chứng cũng ố hàn,
Đăng mền nệm ấm bèn tan lạnh lùng,
Ngoại thương chứng cũng ố phong,
Ghét luồng gió lớn thổi giông đùng đùng.
Nội thương chứng cũng ố phong,

Ghét hơi gió nhỏ lòn trong cửa nhà.
Ngoại thương rõ ở mũi va,
Mũi hơi nghẹt cứng, hoặc ra nước bồi.
Nội thương rõ ở miệng môi,
Miệng không biết vị, trong ngôi chẳng hoà.

Lại coi trên bàn tay va,
Lưng bàn tay nóng, ấy là ngoại thương.
Khác thay mấy chứng nội thương,
Lòng bàn tay nóng, phép thường chẳng sai,
Ngoại thương thường nhức đầu hoài,

Bao giờ truyền lý mới phai nhức đầu.
Nội thương cũng có nhức đầu,
Thoạt êm thoạt nhức, mau lâu không chừng.
Ngoại thương tiếng nói lẫy lừng,
Lời ra trước nhẹ, sau ngừng nặng hơi.

Nội thương tiếng dức ra lời,
Trước nặng sau nhẹ, ít hơi đã đành.
Đến như mấy chứng truyền kinh,
Trong ngoài đều có bệnh tình đua nhau.
Hợp coi lời biện trước sau,

Phép làm hoãn, cấp, theo đau trị điều.
Bằng tay chứng ngoại cảm nhiều,
Chứng nội thương ít, kíp theo ngoại điều.
Bằng tay chứng nội thương nhiều,
Chứng ngoại cảm ít, kíp theo trong điều.
!855. Ấy rằng trị bản, trị tiêu,
Hoặc chầy, hoặc kíp, phép điều ở ta.
Trị tiêu thời phát tán ra,
Gọi rằng ngoại cảm, thật là hữu dư.
Trị bản thời chuyên bổ hư,

Gọi rằng bất túc, gốc từ trong đau.
Dù cho nội ngoại đều đau,
Bản, tiêu kiêm trị, có màu thuốc phân.
Ngoài nhiều trong ít chẳng cần,
Sáu phần trị ngoại, bốn phần trị trong.

Ngoài chầy trong kíp chẳng đồng,
Trị ngoài phần ít, trị trong phần nhiều,
Cho hay thương, cảm chẳng đều,
Xưa nay trị luận sách nêu nhiều bài.
Tục công học thuốc sơ sài,

Lấy trong bất túc làm ngoài hữu dư,
Chẳng thông hai chữ thực, hư,
Phép dùng hãn, hạ rối như tơ vò.
Tiều rằng: Sông biển dễ dò,
Bệnh tình chân giả ít mò đặng ra.

Phép y thổ, hãn, hạ, hoà.
Làm sao nhằm bệnh, dạy ta khỏi lầm?
Môn rằng: Nóng lạnh hầm hầm,
Giả hàn, giả nhiệt, dễ lầm dung y.
Giả hàn ngoài lạnh tứ chi,

Họng khô, khát nước, đái đi vàng già.
Giả nhiệt nóng ở ngoài da,
Trùm không khát nước, đái ra trong ngần,
Lạnh giả thời nóng ắt chân,
Nóng giả thời lạnh, thật phân cho tường.

Như chứng cách âm đới dương,
Ngoài rờ giống hực, trong thường lạnh hâm.
Lại như mấy chứng tự âm,
Ngoài rờ nóng lạnh, trong hầm nóng ran.
Phép y trị nhiệt, trị hàn,

“Ôn lương” hai chữ khuyên chàng chớ quên.
Muốn chia chân giả hai bên,
Vọng, văn, vấn, thiết, phép trên hợp lường.
Cho hay là khí nhiều đường,
Vốn không định vóc, biến dường trở tay.

Phép y thổ, hãn, hạ hay,
Quả như thực chứng, dùng dày mới nên.
Thổ vì tà thực ở trên,
Thượng tiêu tức nghẹn, đóng bền hơi ngăn,
Hãn vì biểu thực tà giăng,

Buồn hôi chẳng rịn, nằm lăn vật mình.
Hạ vì tà nhóm âm kinh,
Gấp đau bụng dạ thực tình bởi trong,
Tà như xen nửa ngoài trong,
Hợp làm hoà giải mới ròng nghề hay.

Biểu hư phép hãn chớ bày,
Hợp làm thanh giải cho tày kinh dương.
Lý hư phép hạ bất lương,
Hợp làm tiêu bổ, gìn đường kinh âm.
Cho hay mấy bệnh u thâm,

Hạ lầm âm thoát, hãn lầm vong dương,
Hỡi ôi sách thuốc lắm phương,
Bổ hoà, công, tán, vẽ đường sẵn cho.
Tổ sư lời dạy bo bo,
Chứng soi hư thực, mạch dò ngoài trong.

Học sau sách thuốc chẳng thông,
Đáng bổ làm tả, đáng công làm hoà.
Khiến nên mở cửa dắt tà,
Chứng khinh hoá trọng, học ra khuấy đời.
Ngư rằng: Nhiệm bấy cơ trời,

Coi vào sách thuốc nhiều nơi mịt mù.
Trong Kinh có luận một câu:
“Cang hại thừa chế” ở sau khí vần.
Vốn chưa rõ đặng máy thần,
“Cang hại” hai chữ xin phân cho rành.

Môn rằng: Khí bẩm trong mình.
Gốc nơi thái cực sinh thành người ra,
Âm dương nam tạng bình hoà,
Tiên thiên phối ngẫu đôi đà xứng nhau,
Quân hoả có âm tinh theo,

Tướng hoả có thuỷ khí theo rằng thừa.
Thuỷ xuống có thổ khí thừa,
Thổ xuống có mộc khí thừa vần theo.
Mộc xuống có kim khí theo,
Kim xuống có hoả khí theo vốn hoà,

Âm, dương, đã sánh đôi nhà,
Năm hành mếch thắng mới ra tai nàn.
Hơi dâm thái quá là cang,
Hơi theo chờ trả thù oan là thừa.
Khí cang thời có khí thừa.

Lẽ trời báo ứng nào chừa đâu đâu.
Trong Kinh luận ấy một câu,
Nghĩa con vì mẹ trả thù mới an.
Trên dầu cậy thế lăng loàn,
Chờ thời dưới cũng thầm toan việc mình.

Loại như quân hoả chẳng bình,
Động cang thời hại, âm tình phế kim.
Thận thuỷ là con phế kim,
Theo bèn chế hoả dằn kìm hơi cang.
Lấy đôi thuỷ, hoả làm dàng,

Còn kim, mộc, thổ, cũng bàn như đây.
Ấy bèn tạo vật máy xây,
Âm dương sinh sát lẽ này rất công.
Cho hay chỗ diệu hoá công,
Trong động có tĩnh, hết cùng lại thông.

Suy ra lẽ ấy cả đồng,
Vật tột thời phản, vốn không tột hoài.
Lẽ đâu cang hại đặng dai,
Đến khi cang cực, nghiêng vai chịu cầm.
Chữ rằng: mộc cực tự câm (kim),

Kim cực tự hoả, nóng xâm sắt ruồng,
Hoả cực tự thuỷ, đổ buồn,
Thuỷ cực tự thổ, đọng duồng cáu doanh.
Thổ cực tự mộc, động mình.
Ấy là tạo hoá máy linh lố màu.

Thử xem phong mộc làm đau,
Giãy vùng tột sức, rồi sau nghiêng mình.
Mộc cực tự kim đã đành,
Động qua phải tĩnh, hết tình thời thôi.
Thấp thổ làm bệnh cực rồi,

Gân run thịt động giựt rồi tay chân,
Thổ cực tự mộc đã ưng,
Tĩnh lâu phải động, theo chừng mới xong.
Lấy hai chứng ấy ghi lòng,
Dù muôn bệnh cũng tới trong xét lường.

Chỗ rằng “Âm chứng tự dương,
Dương tự âm ấy” y phương dễ lầm,
Dù không xét máy dương âm,
Biện câu “cang hại” ít làm giết người.
Lại như tạp chứng đau người,

Lạng qua nóng lại, khuyên ngươi thám tình.
Đau sau buổi trọng buổi khinh,
Hoặc chờ ngày đến truyền kinh rồi lành.
Xưa rằng “chẳng thuốc mà lành”,
Gẫm câu “thừa chế”, bệnh tình khá trông.

Dịch rằng “Tạo hoá linh thông”,
Máy xây chẳng đến chung cùng lại lâu.
Bệnh chờ thời vận đến đầu,
Nhớ hơi thừa chế, đau đâu cũng lành.
Hỡi ôi thầy thuốc tài lành.

Thể theo ý ấy cứu sinh cho người.
Trị bệnh hợp xét thời trời,
Khí cang làm hại, trách nơi khí thừa.
Cớ sao cang hại trách thừa?
Bởi thừa chẳng đủ sức ngừa hơi cang.

Thiên này nhiều tiếng ngọc vàng,
Chớ nề lời tục phụ phàng nôm na.
Ngư rằng: Tạng phủ khác xa,
Âm chứng, dương chứng sao mà giống nhau.
Âm dương máy hiểm vả sâu,

Thị phi muốn biện theo đâu khỏi lầm?
Môn rằng: Dương chứng tự âm,
Ngoài da lạnh ngắt, trong hầm nóng ran.
Trừng ra con mắt đỏ vàng
Miệng môi khô khát, hai đàng tiện nan.

Mạch Sác ỉa bón, đái vàng,
Thực là dương thịnh giả hàn hơi xen.
Dù cho lạnh đắp run en,
Hợp cùng thuốc mát, trị bèn đăng an.
Tự âm vốn chẳng phải hàn,

Thừa khi, Giải độc, các thang nên đầu,
Lạnh lâu thời nóng cũng lâu,
Trong khi nói ấy một câu nghĩa tường.
Lại như âm chứng tự dương,
Ngoài da nóng rực, trong thường lạnh tanh.

Trừng ra nước dãi trong thanh,
Dộp môi, nhớt miệng, mục thanh, mạch Trì.
Nằm co trùm đắp bố vi,
Ít đòi uống nước, ỉa đi bã hèm.
Ví dù nói quấy nói sàm,

Muốn bôn nê thuỷ cũng làm tự dương,
Thuốc ôn trị chứng tự dương,
Lý trung, Tứ nghịch các phương hợp dùng.
Hỡi ôi đời lắm tục công,
Lẽ âm dương tột, chẳng thông ắt lầm.

Âm phản dương, dương phản âm,
Cang cực thời biến, cổ câm (kim) lẽ thường
Muốn cho rộng chước y phương,
Đọc lời ca quyết, thấy đường chẳng xa.

Âm chứng tự dương bệnh ca
(Bài ca về bệnh âm chứng tự dương)
Dịch nghĩa:
Âm chứng tựa dương nên nhận rõ,
Buồn bực, bứt rứt, mặt đỏ, mình hơi nóng. Đó là âm lạnh phát buồn bực, nên dùng thuốc ôn (ấm).
Bệnh ấy bộ Xích và Thốn mạch đi Vi và Trầm, nói cho anh biết.

Dương chứng tự âm bệnh ca
(Bài ca về bệnh dương chứng tựa âm)
Dịch nghĩa:
Dương chứng tựa âm, lấy gì mà lường biết,
Chân tay lạnh giá, tiểu tiện đỏ,
Đại tiện thì hoặc bón, hoặc đen,
Bệnh ấy mạch đi Trầm, Hoạt, anh nên rõ.

Hồi 28

Ngư rằng: Vận khí vốn hoà,

Bệnh không thuốc uống, thời qua cũng lành.
Cang cực thừa chế đã đành,
Bệnh người nặng nhẹ, tử sinh có trời.
Chuyên theo vận khí ở trời,
Còn làm thầy thuốc ở đời làm chi?

Môn rằng: Hợp lấy lẽ suy,
Bằng cầm một mạch, biết chi giúp đời?
Tượng người tuỳ ứng tượng trời,
Chỉn người vật dục lắm hơi chẳng đồng,
Hoặc vì tửu sắc đắm lung,

Hoặc vì đói lạnh, sức nông nhọc làm.
Mình gầy đau ốm đã cam,
Trách trời, trời biết xuống làm sao cho?
Vậy nên tạo vật sớm lo,
Mở rừng dược phẩm, nhen lò tế sinh,

Nấy cho các bậc thánh minh,
Dựng phương pháp trị trong mình người ta.
Sách nho rằng “trí trung hoà”.
“Tham thiên tán hoá” ấy là lương y.
Chỗ rằng “bất dược trúng y”,

Ấy là nhân bệnh thiên thì ứng nhau.
Hơi trời vay phất làm đau,
Chớ khi thừa chế theo sau bèn lành.
Đến như nhân dục hại mình,
Đau không uống thuốc sao bình máu hơi.

Nên rằng vận khí ở trời,
Cũng có vận khí ở nơi mình người.
Thời trời hơn ấy theo trời,
Bệnh người hơn ấy theo người xét tra.
Lấy trong hai ấy chia ra,

Đâu là y biến, đâu là y nguyên.
Hỡi ôi ai biết y nguyên,
Trọn nơi vận khí, ấy chuyên theo trời.
Mới hay y biến theo người,
Luống cầm phương sẵn lầm đời sao nên?

Muốn cho rõ lẽ dưới trên,
Lời thơ Trương tử chớ quên mà lầm.

Trương Tử Hoà thi
(Bài thơ của Trương Tử Hoà)
Dịch nghĩa:
Bệnh nếu không hợp với vận khí trong năm,
Thì xem nó hợp với vận khí năm nào.
Cứ theo năm ấy mà châm chước cách chữa,
Mới biết là đều trong vòng chí lý.

Trên đây là một số hồi tiếp theo mà Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong tập truyện thơ Ngư tiều y thuật vấn đáp. Với hình thức là một câu chuyện đã thể hiện được sự quan tâm của nahf thơ trước cảnh nhân dân lầm than. Cũng như những dung y vụ lợi mà đã quên đi đạo đức của một người lương y. Bởi nhiệm vụ của người thầy thuốc chính là bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đừng quên đón đọc các phần tiếp theo bạn nhé!