Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Dương Từ – Hà Mậu là một sáng tác hay của Nguyễn Đình Chiểu. Những bài thơ này chống tà giáo. Khi đó ông viết truyện thơ này để công kích đạo Phật, đạo Thiên Chúa như một mối nguy cơ cho đất nước. Dựa vào trí tưởng tượng của nhân gian (thiên đường và địa ngục) ông đã tự “giải mê” qua cuộc hành tình dài đi tìm chân lý đầy gian khổ. Hãy cùng tapchivannghe.com tìm hiểu hồi 1 trong Dương Từ – Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu bạn nhé!

Trải xem mấy truyện chư gia,
Chuyên vì đạo học, soạn ra để đời.
Dị đoan xưa đã bời bời,
Lại thêm đạo Phật, đạo trời, lăng nhăng,
Thói đời nhiều việc băng xăng,
Đố ai biết đặng đạo hằng người ta.
Đua nhau kỉnh chuộng đạo tà,
Một câu “quả báo”, muôn nhà đều tin.

Nói rằng: Trời, Phật, sách in,
Tội về địa ngục, phước lên thiên đàng.
Có người về đạo Hoà Lan,
Năm đời truyền thói khoe khoang cầu hồn.
Họ Hà, tên Mậu, người khôn,
Ở đời Hậu Tấn, Long môn quê nhà.
Sáu mươi tuổi tác hầu già,
Tuy là giàu có, trong nhà không con.
Rạng giồi một tấm lòng son,
Của tiền bố thí, không còn so đo.

Vợ chồng giữ đạo bo bo,
Ơn trời ngỏ đặng chút cho phước lành.
Hôm mai luống những đọc kinh,
Amen! đức Chúa có linh chăng là.
Liễu Thơ là vợ họ Hà,
Chiêm bao nằm thấy nguyệt sa trên mình.
Tự nhiên có nghén thình lình,
Khiến ngươi Hà Mậu thấy tình sanh nghi.
Nói rằng: Khí huyết già suy,
Hay đâu chửa nghén, e khi bịnh gì?

Sai người tìm rước danh y,
Anh em đồng đạo, tên Kỳ họ Châu.
Châu Kỳ coi mạch hồi lâu,
Nói rằng: Chị mắc quỷ đầu thai đây.
Mậu rằng: Nhờ lượng ơn thầy,
Mạch kia đã hẳn, thuốc nầy ắt hay.
Kỳ rằng: Để hốt thang này,
Quỷ thai bịnh ấy từ đây trừ rồi.
Thuốc thang mấy tháng uống bồi,
Càng thêm lớn bụng, gần hồi sanh thai.

Họ Hà thấy vậy than dài:
Tuổi già còn hãy mang tai thế nầy?
Kỳ rằng: Đó chẳng biết đây,
Trải ba đời cũng làm thầy vừa ba.
Châu Phan xưa thật chú ta,
Trị thai có phép truyền gia rất mầu.
Liễu nương quỷ bịnh đã lâu,
Xin cầu thầy khác, ngõ hầu thay tay.
Ta nghe đồn phía Sơn tây,
Rằng non Tùng lãnh có thầy địa tiên.

Tên người là Lý Tri Niên,
Thường ngày luyện thuốc thần tiên Đan kỳ.
Ta xin ra sức đem đi,
Tới nơi cầu thuốc diệu y rõ ràng.
Mậu rằng: Ta đạo Hoà Lan,
Tiên là đạo khác, có màng chi nhau.
Kỳ rằng: Sách đặt có câu:
“Tế sanh hoạt mạng” sách đầu đạo y.
Làm thầy đâu có hẹp suy,
Bịnh đau thời cứu, đạo gì tại sao?

Ai ai cũng vốn đồng bào,
Sanh trong trời đất lẽ nào ghét nhau?
Họ Hà thấy vậy cũng sầu,
Gượng đi cùng bạn, lên cầu thầy tiên.
Trải qua mấy dặm sơn xuyên,
Phút đâu lố thấy gần miền Tùng san.
Đường đi đá mọc nghinh ngang,
Bụi cây rậm rạp, thạch bàn nhiều nơi.
Ngó lên trên đỉnh rạng ngời,
Mặt nhìn cảnh vật khác nơi phàm trần.

Mây bay, nước chảy, mấy từng,
Bóng tùng che núi, như vừng lọng xây.
Chim kêu, vượn hú, vang dầy,
Hiu hiu gió thổi, lá cây reo mừng.
Hai người đứng lại trông chừng,
Thấy tên đồng tử trong rừng bước ra.
Chào rằng: Hai gã đường xa,
Ai là tên Mậu, họ Hà, nói minh?
Họ Hà nghe nói thất kinh,
Ràng: Sao sớm biết tánh danh ta rày?

Đồng rằng: Có khách ngày nay đến nhà.
Ta vâng lời dạy thầy ta,
Ra đây đón rước, đem qua Thạch bàn.
Hôm nay là bữa thanh nhàn,
Thầy ta lên chốn Thạch bàn chầu tiên.
Hai người nghe nói đi liền,
Theo ngươi đồng tử vào miền Tùng san.
Ngó lên đỉnh núi Thạch bàn,
Thấy hai ông lão dựa ngang đánh cờ.

Tóc râu đều bạc phơ phơ,
Hình dung, cốt cách nhởn nhơ ai bì.
Có hai quyển sách chi chi,
Cùng hai chim hạc tương tuỳ một bên.
Tri Niên Hầu, đứng trên nền,
Thấy hai người khách dạo lên Ngọc hồ.
Hỏi rằng hai gã Gia Tô,
Đến đây lòng muốn hỏi, phô, việc gì?
Họ Hà đặt gối liền quì,
Thưa rằng: Cầu thuốc cứu nguy bịnh nhà.

Tri Niên chẳng kịp nói ra,
Hai ông trên đỉnh liền xoa cuộc cờ.
Cười rằng: Hà Mậu rất khờ.
Khéo nghe thầy tục tầm phơ nói quàng!
Liễu nương nghén đủ mười trăng,
Song sanh hai gái, Tuyết, Băng, trên đời.
Vinh hoa có số ở trời,
Số ngươi sau cũng đổi dời mới nên.
Mấy lời ta nói chớ quên,
Đừng mong sau thác đặng lên Thiên đàng.

Ông cha trước đã lầm đàng,
Thời sau con cháu tính toan lẽ gì?
Nói rồi cỡi hạc bay đi,
Họ Hà chưa hỏi việc chi đành rành.
Hai người là khách hữu tình,
Tri Niên mời lại gia đình cùng nhau.
Mậu rằng: Cầu thuốc vợ đau,
Tiên ông lại nói việc sau cũng kỳ!
Chẳng hay người học phép chi,
Cho nên mà biết thạnh suy việc người?

Niên rằng chẳng dấu chi ngươi,
Hai ông lão ấy thật người thiên công.
Phép hay biến hoá, thần thông,
Một ông Bắc đẩu, một ông Nam Tào.
Hai ông giữ sổ Thiên tào,
Mạng dân sanh tử đều vào trong tay.
Hai người về kíp ngày nay,
Tới nhà mới thấy lời hai ông truyền.
Họ Hà nghe nói về liền,
Tới nhà thấy vợ đến miền khai hoa,

Đẻ ra hai gái nõn nà,
Mùi hương thơm ngát, trong nhà đều kinh.
Mậu rằng: Tiên đạo chí linh,
Thinh không mà biết sự tình khắp nơi.
Kỳ rằng: Ta học đạo trời,
Xưa nay linh nghiệm có lời phương nao?
Muốn cho rõ việc âm hao,
Ngày sau ta phải trở vào Tùng san.
Thứ nầy đến thứ họ Dương,
Làm người chút biết văn chương gọi là.

Nam Khang vốn thật quê nhà,
Sánh cùng họ Đỗ, ở Trà Thạch khê.
Nương theo dân dã thú quê,
Lập vườn, làm ruộng, chuyên nghề làm ăn.
Họ Dương cùng vợ nguyện rằng:
Trăm năm xin giữ đạo hằng cùng nhau.
Đã năm mươi mấy tuổi đầu,
Không con nối nghiệp, nhữ sầu thon von.
Bao nhiêu chùa miễu cung son,
Ngõ nguyền cầu đặng chút con nối đời,

Liền ngày vái Phật, vái Trời,
Tấm lòng tin, cúng khắp nơi miễu chùa.
Của nhà có việc bán mua,
Ra ơn làm phước, hơn thua chẳng nài.
Phút đâu họ Đỗ thọ thai,
Tới kỳ sanh đặng hai trai một lần.
Phước đà liền nối gót lân,
Phận mình: giàu có, thanh bần, cũng ưng.
Người trong làng xóm đều mừng,
Ai hay lão bạng, có chừng sanh châu.

Nhớ “câu thiện ác đáo đầu”
Làm lành gặp phước, thế đâu có lầm.
Dương Từ lòng hỡi mừng thầm,
Hai trai tướng mạo khác tầm thường nhân.
Vẻ vang cốt cách tinh thần,
So trong trẻ nhỏ phàm dân ít bằng,
Họ Dương mới đặt tên rằng:
Dương Trân, Dương Bửu, hai thằng anh em.
Hai con đều đẹp mắt xem,
Việc trong gia đạo lại thêm bần hàn.

Dương từ khi ấy liệu toan,
Xuất gia đầu Phật, giữ an phận mình.
Đã đành một tấm lòng thành,
Còn con nối nghiệp, mới đành qui y.
Nay đà sinh đặng nam nhi,
Nam mô hai chữ “từ bi” thân già.
Bao nhiêu thế tục gần xa,
Nhân tình ấm lạnh, trải qua đã rồi.
Trong vòng danh lợi…thôi thôi!
Hoàng lương nửa gối, mấy hồi chiêm bao.

Sang giàu lòng chẳng ước ao,
Hoa tàn, mây nổi, nước xao, trăng lờ.
Hai con tuổi hãy còn thơ,
Hôm, mai, ấm, lạnh, cậy nhờ hiền thê.
Trong tay một chuỗi bồ đề,
Trăm năm xin cổi lời thề nước non.
Trả rồi nợ vợ nợ con,
Từ đây giữ vẹn lòng son tu hành.
Nói thôi quày quả đăng trình,
Nhắm nơi am tự một mình ra đi.

Thương thay hai gã hài nhi,
Cùng nàng Đỗ thị sầu bi muôn phần.
Than rằng: Chàng hỡi! Lương nhân!
Am vân đường cách cõi trần xa xa.
Hai con tuổi mới lên ba,
Có cha giống đứa không cha cũng kỳ!
Bao đành bỏ vợ con đi?
Cửa nhà bần bạc, cậy gì ngày sau?
May nhờ tấc cỏ ngọn rau,
Mẹ con lần lựa nuôi nhau tháng ngày.

Dương từ ở chốn am mây,
Cải tên, đặt hiệu: danh thầy Thiện trai.
Dốc lòng tầm dấu Như Lai,
Đã đành trốn cõi trần ai, không về.
Thị, phi, mặc thế khen chê,
Tương rau cũng đã an bề đi tu.
Sớm hôm chuông mõ, công phu,
Tụng kinh niệm kệ ở Phù Đồ Sa.
Bây giờ đến lúc họ Hà,
Vợ là Liễu thị đẻ ra con lành.

Quả nhiên hai gái song sanh,
Tiên ông có dạy đành rằng chẳng ngoa,
Nay đà giáp tháng bồng ra,
Mời anh em đến nhóm, mà đặt tên.
Bà con nội ngoại hai bên,
Một ông trưởng tộc: ngồi trên, dạy rằng:
Hài nhi gương mặt như trăng,
Đặt tên Xuân tuyết, Thu Băng, cho lành.
Họ Hà nghe nói giật mình,
Nhớ lời tiên dạy sự tình khăng khăng:

Bảo rằng: Nghén đủ mười trăng,
Song sanh hai gái tuyết, băng, trên đời.
Tiên ông nói chẳng sai lời,
Lại rằng: Thói tục đổi dời, lẽ chi?
Xui nên tấc dạ hồ nghi,
Gẫm trong mình lại muốn đi non Tùng.
Hỏi cho biết lẽ cát hung,
Trăm năm đặng rõ thuỷ chung việc mình.
Xảy vừa tối buổi du minh,
Châu Kỳ, bạn cũ, có tình viếng thăm.

Hỏi rằng: Hai trẻ giáp năm,
Gẫm lời tiên dạy có nhằm cùng chăng?
Mậu rằng: Xuân Tuyết, Thu Băng,
Tiên dạy hai chữ, khăng khăng nhớ lời.
Kỳ rằng: Ta trọn ba đời,
Trong nhà thờ đức Chúa Trời lâu nay.
Mấy đường hoạ, phước, rủi, may,
May nhờ, rủi chịu, thấy bày chi đâu.
Mậu rằng: Ta cũng thêm sầu,
Ông cha thưở trước tha cầu vụng toan.

Sách ghi chữ đạo là đàng,
Đàng đi nào phải một phang hẹp hòi.
Người đời há dễ không coi,
Đàng nào đi dễ, mà noi cho nhằm.
Ví dầu lỡ bước lỗi lầm,
Một đời cũng biết, huống năm ba đời?
Kỳ rằng: Đàng ở dưới trời,
Có nơi chánh bộ có nơi tha kỳ.
Đã đành hai chữ “tiền phi”,
Chẳng đi đàng chánh, lại đi đàng tà.

Phải đời con cháu vinh hoa,
Ai còn dám nói ông cha lầm đàng.
Muốn cho rõ máy hành tàng,
Phải tìm dấu trước, hỏi han sự tình.
Thị phi chẳng những việc mình,
Việc mình còn hãy bất bình nhiều nơi.
Bao nhiêu đạo ở dưới trời,
Thảy đều xưng thánh, khoe lời rằng hay.
Ví dầu một lũ chim bay,
Con nào trống mái, mấy tay biết rành.

Đạo ta dầu có hiển linh,
Trải xưa nay cũng một mình Gia Tô.
Đạo Tiên, đạo Phật, đạo Nho,
Cớ sao chẳng mộ, bo bo đạo trời,
Trời đâu nỡ để các nơi chê đành?
Cây cao biết mấy mươi ngành,
Còn noi một gốc, huống sanh làm người.
Mậu rằng: Tiên đạo tốt tươi,
Phen này ta nguyện theo ngươi đi tìm.

Làm người há chẳng bằng chim,
Chim còn biết chọn cây êm gởi mình.
Vén mây mới thấy trời xanh,
Tìm đàng phải dọn ngọn ngành gai chông.
Kỳ rằng ta muốn thẳng xông,
E đi rồi lại thẹn thùng nước non.
Học y đã mấy năm tròn,
Quỷ thai một bịnh, mạch còn nói sai.
Tiên ông mấy nắm tay ai?
Thinh không mà biết song thai mới kỳ

Trách chi mang tiếng tục y,
Khoe tài coi mạch, thật khi người đời,
Ta đi thời mắc Tiên cười,
Chi bằng ở lại khỏi người chê khen.
Anh nên tìm Lý tri Niên,
Theo người ắt đặng gặp Tiên non Bồng.
Sau dầu rõ nỗi đục trong,
Đó sao đây vậy, một lòng mà thôi.
Dặn rồi vội vã chơn lui,
Nhắm chừng tử lý về xuôi một bề.

Họ Hà trở lại hương quê,
Đay cơm, bầu nước, đề huề ra đi.
Đi vừa gặp lúc xuân kỳ,
Đoái nhìn cảnh vật một khi vui lòng.
Hữu tình thay ngọn gió đông,
Cành mai nở nhuỵ, lá tùng reo vang.
Cỏ thơm hớn hở bên đàng,
Như tuồng mừng khách Đông hoàng đến đây.
Líu lo chim nói trên cây,
Như tuồng chào hỏi khách này về đâu?

Hai bên cây mọc giao đầu,
Như tuồng đón rước, giàn hầu người sang.
Dưới khe nước chảy tợ đàn,
Như tuồng mừng bạn hương quan tách vời.
Trăm hoa đua nở, miệng cười,
Như tuồng mừng rỡ gặp người cố tri.
Mảng xem phong cảnh dị kỳ
Hay đâu lỡ bước, lại đi lầm đàng.
Xa xem hình dạng khác thường,
Cỡi lừa chầm chậm bỗng dường ngâm thơ.

Họ Hà dừng buớc đứng chờ,
Lắng nghe người ấy lời thơ ngâm rằng:
Thơ rằng:
Tam Hoàng, Ngũ Đế, dấu vừa qua,
Mối đạo, trời trao đức thánh ta.
Hai chữ “tín, thành” an các nước,
Một câu “trung hiếu” dựng muôn nhà,
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà.
Căm bấy! Loài ngu theo thói mọi!
Trời gần chẳng kính, kính trời xa.

Họ Hà nghe tiếng ngâm rồi,
Trong dạ bồi hồi, bước tới hỏi thăm.
Vó lừa đi tới xăm xăm,
May đâu lại nhằm ông Lý tri Niên.
Mậu rằng: Tôi thật hữu duyên,
Tìm tiên, mà lại gặp tiên giữa đàng,
Niên rằng: Chẳng ở nhân gian,
Việc chi lên chốn thâm san một mình?

Độc trùng, ác thú, không kinh,
Đàng chim, dấu thỏ, lộ trình xiết bao!
Mậu rằng: Xưa nhớ lời trao,
Phải lên nói lại âm hao cho tường.
Xin thầy chỉ vẽ mọi đàng,
Đem tôi lên chốn Thạch bàn ngày xưa.
Niên rằng: Trong cõi mây mưa,
Khôn mời Bắc Đẩu, khó thưa Nam Tào,
Hai ông vốn thật vì sao,
Người con mắt tục thấy sao đặng hoài?

Gần đây có núi Thiên thai,
Có chùa Linh diệu, có đài Âm dương
Trong chùa lại có hai hang,
Một đàng Bích lạc, một đàng Diêm la.
Có ông tiên trưởng, Thầy ta,
Hiệu là Tứ Thất, tên là lão Nhan.
Thường ngày luyện thuốc kim đan,
Một mình gồm đủ ba ngàn xuân thu.
Đảng nhàn một cõi thanh u,
Nay chơi sông thánh, mai du non thần.

Phép hay: trời đất thâu gần,
Sai đồng, đánh thiếp, có phần linh thông,
Theo ta lên đó thời xong,
Hỏi điều căn số, rõ trong sự tình.
Bao nhiêu những việc tiền trình.
Lòng tiên, một tấm, gương minh soi rồi.
Họ Hà nghe nói lòng vui,
Mang gói lần hồi, lên núi Thiên thai.

Họ Hà chuyện vãn còn dài,
Để nối đầu bài, nói chuyện họ Dương.

Từ chàng cách biệt gia hương,
Đã ba năm trường, ở chốn am mây.
Hôm mai chuông mõ vang dầy,
Chúng tăng đều gọi có thầy Thiện Trai.
Bao nhiêu thế tục gác ngoài,
Một xâu chuỗi hột mang vai, gìn lòng.
Qui hương ba thứ đã xong,
Mười lời giới cấm, cũng không phạm gì.
Ban sơ làm phận tu trì,
Năm nay lên chức thái sư một chùa.

Vô ra trong cõi Phù đồ,
Thấy người tài, sắc: nam mô Di Đà!
Ngày ngày kinh kệ ngâm nga,
Lăng Nghiêm, Viên Giác, cùng là Kim Cang
Phút lòng buồn bực chẳng an,
Dạo chơi ra chốn tam quan một hồi.
Am vân cảnh vắng nào vui,
Coi bao nhiêu lại ngậm ngùi bấy nhiêu.
Vội vàng trở lại hậu liêu,
Bạch cùng Hoà thượng xin điều vân du.

Hoà thượng cũng người học nhu,
Tên là Trần kỷ, ở Phù đồ sa.
Lắm phen ứng cử, đăng khoa,
Thi văn chẳng đỗ, lòn ra cửa thiền.
Giận đời nhiều việc đảo điên,
Làm thi khuyến thế, ngày liền ngâm chơi.

Thơ rằng:
Người xưa cầm đuốc dạo đêm chơi,
Nào có cưu chi cái việc đời,
Phụng Thuấn, lân Nghiêu, tuồng trước nát,
Hươu Tần, rắn Hán, thói sau dời.
Thánh hiền để dấu vài pho sách,
Tạo hoá theo mình mấy tấc hơi?
Trong cuộc phù sanh ai cũng thế,
Dầu hay, dầu dở, chẳng qua trời.

Họ Dương sắm sửa hành trang,
Lạy thày Hoà thượng, lên đàng vân du.
Kìa non, nọ nước, mặc dầu,
Non nhân nước trí, nhiệm mầu thảnh thơi.

Người sanh ra ở trong trời,
Xưa qua, nay lại, nghĩ đời: “luận sau”.
Trong vòng danh lợi như nhau,
Hết vinh, đến nhục, sang giàu chi ai?
Có câu “xuân bất tái lai”,
Bóng già theo gót, biết nài chi đây.
Đã đành thiền trượng một cây,
Giới đao một lưỡi, từ rày thế gian.
Xưa nay trong cuộc gian nan.
Vật đều có chủ, ai toan chia giành?

Kìa kìa gió mát trăng thanh,
Tai nghe, mắt thấy, mới đành của ta.
Nguồn đào, cụm liễu, trải qua,
Tin xuân đưa: bướm, ong, hoa, dầy dầy.

Đi vừa xa chốn am mây,
Tới nơi Hà lãnh trời tây hầu chiều.
Ven gành một nhắm hắt hiu,
Tiếng ngư trong núi, bóng chiều ngoài khơi.
Bên non hầu khuất mặt trời,
Dương Từ thơ thẩn tìm nơi gởi mình.

May đâu gặp một tiểu sanh,
Cho trâu uống nước dưới gành Hà tây.
Ngồi cầm ống quyển trong tay,
Thổi rồi lại hát, hát hay lại cười.
Dương Từ bước tới xem chơi,
Gẫm ba câu hát, thật lời thạch kim.

Hát rằng:
Buổi trời Nghiêu, bóng chiều ngao ngán,
Ngày tối rồi chờ sáng cũng lâu.
Tiếng chim oanh đổ canh mái bắc,
Ai đi đồng kéo tắt trời tây.
Cõi nhân gian nhiều đàng lầm lỗi,
Gặp trời chiều, khó nỗi đi xa.
Hát rồi lại thổi ống chơi,
Gẫm trong thú vị, thảng thơi hơn thiền.
Dương Từ bước tới hỏi liền:
Ba câu hát ấy, ai truyền cho ngươi?

Tiểu sanh nghe hỏi nực cười,
Đáp rằng: Vốn thật có người dạy ta.
Gần đây vài dặm chẳng xa,
Có thầy đạo sĩ tu đà nhiều năm,
Lập am ở chốn tây lâm,
Tháng ngày thong thả, đờn cầm, ca thi.
Thuốc thang, phù chú, ai bì,
Người đau tới đó, bịnh chi cũng lành.
Dương Từ nghe nói đành rành,
Xăm xăm bước tới đầu gành Tây lâm.

Đến nơi trời đã tối dầm,
Đứng xa ngoài cửa, nghe ngâm thi rằng:
Thi rằng:
Biết ân phụ tử, nghĩa quân thần,
Nhờ có Trời sanh đức Thánh nhân.
Nét mực tu kinh ngăn đứa loạn,
Dấu xe hành đạo rạch trong trần.
Trăm đời còn cám lời than phụng,
Muôn thuở đều thương tiếng khóc lân.
Phải đặng bút Châu biên sách Hán,
Mọi nào dám tới cạo đầu dân!
Thơ rồi lại khảy đàn cầm,
Như tuồng mừng bạn tri âm tới nhà,
Tử Kỳ xưa gặp Bá nha,
Ngón đờn “lưu thuỷ” nay mà còn đây.
Dương Từ gõ cửa kêu thầy,
Rằng: Ta lỡ tối, xin thầy độ ta.
Đạo nhân nghe gọi bước ra,
Chào rằng: Thiền khách đâu mà đến đây?

Lều tranh, giường đá, chiếu mây,
Khô nai, cơm bắp, rượu chay, tạm dùng!
Từ rằng: Lời dám hỏi ông:
Ở trong am tự sao không Phật thờ?
Sĩ rằng: Lòng chẳng ước mơ,
Bởi vì chữ Phật sánh vừa chữ nhân,
Đường qua tây vực chẳng gần,
Cõi di, cõi hạ trời phân rõ ràng.
Ta từng coi sách nhà Đàng (Đường),
Thấy lời “Phật biểu” họ Hàn biết tin.

Phật nhân, sống cũng chẳng nhìn,
Huống chi hình vẽ, tượng in thờ gì?
Từ rằng: Phật vốn từ bi!…
Sĩ rằng: nào có ích gì dân phong.
Thấy câu ngôn ngữ bất thông
Dầu cho linh nghiệm cũng dòng Man Di
Từ rằng: Thầy học đạo chi?
Sĩ rằng: Thiên hạ thiếu gì đàng xưa.
Lẽ đời như chiếc thuyền đưa,
Mặc ai đi sớm về trưa, chẳng màng!

Kìa là họ Lão, họ Trang,
Họ Dương, họ Mặc, họ Hàn, họ Thân.
Các nhà xưa cũng cổ nhân,
Khai đường mở ngõ, trong trần nhiều nơi.
Có nghe các họ đua bơi,
Không nghe họ Phật ở đời trung nguyên.
Từ rằng: Biết đạo nào chuyên?
Sĩ rằng: Xưa có sách hiền soạn câu:
Một bầu trời đất như châu
Mặt người kim cổ, chèo đâu thì chèo.

Từ rằng khó biết phương theo,
Sĩ rằng: Lựa phải xuống đèo, lên non.
Vua tôi, chồng vợ, cha con,
Anh em, bầu bạn, vuông tròn mới xong.
Chẳng tin, coi một ngày ròng:
Đi đâu cho khỏi đạo trong cương thường?
Ta xưa cũng khách thơ đường,
Mày xanh có chí hiển dương trên đời,
Ghét đời thúc quí đua bơi,
Sợ trời nên phải tìm nơi ẩn mình,

Vốn không học thói Lan đình,
Xúm nhau thầm thĩ phẩm bình cổ câm.
Cũng không học thói Trúc lâm,
Rủ nhau uống rượu hôn trầm ngày đêm.
Gió, trăng, bầu bạn anh em,
Sớm nghe tiếng dế, tối xem bóng thiềm.
Mộ riêng một cảnh thanh điềm,
Sẵn hoa dưới hố, sẵn chim trên cành.
Hươu, nai, khỉ, dộc đua tranh,
Vật trong trời đất mặc tình xem chơi.

An, nguy có phận ở trời,
Người đời đừng mắc nhơ đời thì thôi.
Dương Từ nghe nói rẽ ròi,
Một đêm chẳng ngủ, luống ngồi lo âu.
Nghĩ rằng mình đã đi tu,
Hẵng như lời ấy: công phu lỡ làng!
Cương thường để mặt ai toan,
Đạo ta giữ vẹn, nào can phạm gì?
Xảy vừa trời sáng, hầu đi,
Hỏi rằng: Huý tự, tên gì dạy tôi?

Sĩ rằng: Trọn đạo thời thôi,
Người đời lựa phải trau dồi tánh danh?
Trời cao đất rộng, thinh thinh,
Non xanh, nước biếc, đã đành phui phai.
Hỏi thời ta phải nói ra:
Ba ngàn thế giới, ta là vô danh.
Từ rằng: Đâu thật có danh?
Sĩ rằng: Linh diệu đã đành chùa tiên.
Dương Từ vội vã đi liền,
Ngồi lâu lại sợ cửa thiền mắc chê.

Trải qua mấy dặm lâm, khê,
Hiu hiu gió thổi, phê phê nhành tùng.
Đào hoa, liễu yếu, song song,
Một vầng mây bạc bóng lồng phau tuôn.
Giận đời đại sĩ dể duồng Phật gia.
Đi vừa đến suối Kim ba,
Thấy một ông già xuống tắm mà chơi.
Tắm rồi mát mẻ thảnh thơi,
Hát một vài lời, nghe rất êm tai.

Hát rằng:
Tắm nước trong, rửa lòng đã sạch,
Cám thương người làm khách trần ai!
Gió xuân qua, mình ta đã mát,
Cám thương người phiêu lạc tha hương!
Gẫm rừng nhu, công phu ngơ ngáo,
Tuổi già rồi, thế đạo còn xa!

Trên đây là hồi 1 trong Dương Từ – Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn. Thông qua bài viết này bạn sẽ hiểu thêm về phong cách sáng tác của nhà thơ. Cũng như hành trình ông để nhân vật tự đi tìm chân lý đầy gian khổ và rồi trở về trong sự hòa hợp với gia đình và làng nước. Đừng quên đón đọc những phần tiếp theo trong chùm thơ của Nguyễn Đình Chiểu bạn nhé