Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Nguyễn Đình Chiểu được đánh giá là một nhà thơ lớn với văn thơ như những vì sao. Tuy nhiên cuộc đời của ông nhiều khổ cực. Gia đình gặp biến cố sau đó khi đang chờ khoa thi Hội vào năm 1946 thì mẹ mất. Ông bỏ thi về quê chịu tang và trên đường về bị ốm nặng đến mù cả hai mắt. Tuy nhiên các sáng tác của ông vẫn rất đặc sắc. Trong đó phải kể tới tập Dương Từ – Hà Mậu. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn hồi 5 của tập truyện thơ này.
Tuyết, Băng nay đã yên mình,
Ở nơi công phủ, theo tình phu nhân.
Tần Khanh xe ngựa rần rần,
Từ nơi huyện ấy, trông chừng Dự châu.
Các quan lại, tới bữa hầu,
Tờ chương, tờ biểu, bày tâu nhộn nhàng.
Tần Khanh khiến mở cho tường,
Đặng cho lúa gạo, cứu hoang muôn nhà.
Nhớ ơn chẩn thải chư gia,
Một châu trăm họ, trẻ, già, đều vui.
Sửa sang sáu tháng yên rồi,
Giã từ châu Dự, phản hồi Tấn kinh.
Tần Khanh bái yết triều đình,
Tấn vương phán hỏi dân tình khắp nơi.
Phán rằng: Ta nối ngôi trời,
Gẫm mình ít đức, trị đời chẳng an.
Dự châu trời xuống tai nàn.
Cứu dân một cõi, nhờ chàng Tần Khanh.
Công cao quyền trọng, đã đành.
Chức quan Tổng trấn sẵn đành phong ngươi.
Hà đông là cõi tốt tươi,
Bảy châu, chín quận, nhiều người ăn chơi.
Nấy ngươi thay mặt đổi lời,
Ra ngồi Trấn ấy, trị đời chăn dân.
Tấn vương lòng rất ân cần,
Yến diên thết đãi, quân thần đưa nhau,
Tần Khanh xuống bệ khấn đầu,
Tạ vua, lãnh chỉ, thối chầu sửa sang.
Về dinh sắm sửa hành trang,
Đều đem nha lệ lên đàng Hà đông.
Mười ngày tới huyện Hà Đông,
Các quan, xa giá, hội đồng tiếp nghinh.
Rước ông Tổng trấn vào thành,
Muôn dân nườm nượp đều tranh tới mừng.
Long môn huyện ấy ở gần,
Nam khang huyện ấy ở gần Hà đông.
Tần Khanh trấn thủ aỉ đồng,
Chánh ra bủa khắp, ngoài trong vững vàng.
Mấy câu gia huấn rõ rằng,
Nuôi con gái ngọc, dung nhan khác thường.
Phu nhân lòng rất yêu đương,
Lại cho học chữ cho tường xưa nay.
Tuyết, Băng hai gái xinh thay!
Đã thông kinh sử liền ngày ngâm nga.
Tiếng thơm ngày một đồn xa,
Chúng đều khen ngợi họ Hà phước to,
Tuy là hoa có thơm tho,
Vườn xuân còn đóng, chưa lò gió đông.
Nói rồi việc ở cửa công,
Đây bèn kể chuyện vợ chồng họ Dương.
Dương Từ, từ thuở ly hương,
Một mình Đỗ thị náu nương quê nhà.
Nuôi hai con thuở lên ba,
Đến nay năm tuổi, trong nhà nghèo thêm.
Đỗ nương canh cửi nghề, êm.
Bữa đi gặt mướn còn hềm thiếu ăn.
Dương Trân, Dương Bửu hai thằng,
Tuổi còn thơ ấu, nhọc nhằn xiết bao.
Bà con bên nội lãng xao,
Đồng tiền bát gạo, thấy nào giúp đâu.
Anh em nay vũng, mai bàu,
Hái rau bắt ốc, nuôi nhau năm dài.
Đỗ nương có một em trai,
Tên là Đỗ khoái, tuổi ngoài năm mươi.
Cũng trang tiểu phú trong đời,
Nhà nuôi lục súc chuộng lời, bán buôn,
Ngày nay rảnh việc ngồi buồn,
Chạnh lòng nhớ chị, bỗng tuôn lệ dầm
Nhớ thôi nghĩ lại tủi thầm,
Chị ta nào khác đàn cầm đứt dây.
Cám thương hai cháu thơ ngây,
Trong nhà bần bạc buổi nầy nhờ ai?
Anh đà theo Phật Như Lai,
Gia đinh ấm, lạnh, đoái hoài chi đâu.
Nói thôi chẳng xiết dạ sầu,
Đi qua nhà chị ngõ hầu viếng thăm.
Đỗ nương mừng thấy em thăm.
Mừng rồi lại khóc đầm đầm lệ sa.
Em dầu đoái tấm thân ta,
Ruộng hoang vườn rậm, cửa nhà quạnh hiu.
Ruột gan khô héo mấy chiều,
Nỗi duyên, nỗi phận, nghĩ nhiều bề đau,
Vợ chồng kết tóc cùng nhau,
Trăm năm một hội, nghèo giàu cùng theo.
Hay đây tuổi phận bọt bèo,
Lại mang lấy tiếng ở lều vọng phu.
Quản bao một chiếc bách châu,
Linh đinh trong vực, mặc dầu gió mưa.
Cám thương hai trẻ dây dưa,
Tuổi còn thơ ấu, vóc chưa nên người.
Cứ quen theo thói ăn chơi,
Những điều khôn dại ở đời cậy ai.
Nghe thôi Đỗ Khoái than dài,
Nói rằng: Chị chớ trông hoài uổng công.
Chị thời mang tiếng có chồng,
Gặp khi mưa nắng cậy cùng người ta.
Cháu thời mang tiếng có cha,
Hôm mai lo liệu như gà mồ côi.
Oan gia anh trốn nợ rồi,
Chị già, cháu dại, còn ngồi trông chi?
Ở đây ít kẻ yêu vì,
Hãy theo bên ngoại đỡ khi nghiêng nghèo.
Đỗ nương lo việc nghiêng nghèo,
Mẹ con sửa soạn ngỏ theo đặng nhờ.
Hai thằng Trân, Bửu còn khờ,
Ăn rồi tìm chốn bụi bờ đi chơi.
Ở vừa đặng nửa năm trời,
Đỗ nương thấy vậy, buông lời nói ra:
Heo, dê, gà, vịt, trong nhà,
Coi dùm cho cậu, hơn là chơi không.
Khoái rằng: Chị đã có lòng,
Dạy con biết việc để phòng đỡ thân.
Xưa nay người ở trong trần,
Nhỏ phần việc nhỏ, lớn phần việc to.
Làm ăn lớn nhỏ đều lo,
Trước ra sức nhọc, sau lo bụng mình,
Đỗ nương phận khó đã đành,
Hai con no đói rách lành có em,
Một bề ăn ở đặng êm,
Trong nhà dê, ngỗng, càng thêm đẻ lời.
Anh em Trân, bửu hết chơi,
Em thời chăn ngỗng, anh thời chăn dê,
Sớm đi thời tối lại về,
Bầy nào theo nấy, chớ hề lộn nhau,
Đỗ nương ngó thấy thêm sầu,
Chạnh lòng nhớ bạn, giòng châu đượm nhuần.
Than rằng: chàng hỡi Dương quân!
Muốn tu còn nối gót lân làm gì?
Dầu cho nên Phật từ bi,
Nỡ nào ngồi ngó hài nhi nỗi nầy!
Phải chi con có cha đây,
Sắm cho ăn học, theo thầy văn chương.
Người nhà nghe nói liền thương,
Thưa cùng Đỗ Khoái đặng tường cơ quan.
Khoái rằng: Chị chớ thở than,
Lòng em cũng đã thầm toan việc đời.
Ngỗng, dê, đặng mấy mươi lời?
Một cây hoa bút dưới trời, vinh hơn.
Chí nguyền nuôi cháu làm ơn,
Giúp nên cho chị, chẳng sờn lòng đâu,
Cháu nay mới sáu tuổi đầu,
Chờ nên tám tuổi sẽ âu học hành.
Từ đây hai gã tiều sanh,
Theo bề dê, ngỗng, phận đành nuôi chăn,
Sớm trưa tìm chỗ cho ăn,
Rủ con nít lại nhiều thằng, xúm chơi.
Châu Khê là cảnh tốt tươi,
Ở vùng non nước nhiều nơi linh thần,
Thuở xưa lập miễu Hà phần,
Thờ ông giáo thọ ở gần châu Khê.
Trời chiều hai gã đi về,
Nghe ai đọc sách, tiếng kề miếu môn,
Hai thằng tuy nhỏ mà khôn.
Tìm vào trong miễu thấy tôn sư ngồi.
Vội vàng quì gối lạy rồi,
Thưa rằng: Xin dạy hai tôi học hành,
Tôn sư khi ấy hiện hình,
Trao cho quyển sách Văn minh vỡ lòng
Dạy rằng hai gã coi chung,
Việc trong kim cổ sẵn dùng nhiều nơi,
Thánh xưa hiền trước để lời,
Phò vua, giúp nước, sửa đời, dạy dân.
Học cho biết lẽ quân thần,
Biết phần phụ tử, biết phần hiếu trung.
Dặn dò tua khá thìn lòng,
Chớ tham của hoạnh, đừng mong thói tà.
Nhiều người theo đạo nho ta,
Tiếng đồn hay chữ, vậy mà làm nhăng.
Bởi vì không xét lòng hằng,
Bỏ quên gốc cội, theo phăn ngọn ngành,
Giàu nghèo có số trời sanh,
Trau mình giữ thẳng làm lành mới nên.
Hai con chử dạ cho bền,
Một câu “minh đức” chớ quên thơ nầy.
Minh Đức Thi:
Trên là quan trưởng dưới là dân,
Giữ tấm lòng lành, rảnh thấm thân.
Đi học phải toan tìm cội đức,
Đặng thời chớ khá dứt nguồn ân,
Bốn mùa đông rạng đều theo số,
Trăm họ giàu nghèo cũng có phần.
Xin giữ lòng hằng, dè việc quấy,
Một câu phúc hoạ, để trời cân.
Dương Trân, Dương Bửu từ đây,
Chịu thầy cho sách, liền xây trở về.
Bữa đi chăn ngỗng chăn dê,
Sách đem theo học, chẳng hề chơi hoang.
Thường ra sơn cốc bên đường,
Bẻ cây tập viết bốn dường chữ xưa,
Ngày liền vào miễu hỏi thưa,
Mấy câu chữ mắc, lý chưa đặng rành.
Học hành mình biết cho mình,
Mẹ già cùng cậu sự tình nào hay.
Phút đâu hơn một năm chầy,
Tôn sư điển ấy hết bày vẽ chi,
Lần hồi ngày tháng qua đi,
Vừa nên tám tuổi, gặp kỳ trùng dương,
Người xưa gặp tiết trùng dương,
Đều lên kiếm núi, lánh đường hoạ tai.
Có thày dạy học cao tài,
Tên là Trình Kiệt ở ngoài Hạc lâu.
Làm người ở ẩn khôn cầu,
Gió trăng vui thú, công hầu mặc ai.
Thường đi non nước chơi hoài,
Đôi ba chén rượu, một vài câu thi.
Thơ rằng:
Cảnh xuân cho mát mấy mươi đều.
Gấm nhiễu văn người phải gắng theo.
Luôn tháng ngày Châu tin phụng gáy,
Buồn non nước Tống tiếng quyên kêu,
Nhà nho leo lét công đèn lửa,
Biển thánh linh đinh phận bọt bèo.
Ôm đạo một lòng trời đất thấy,
Luống vì bầy trẻ dựng làm nêu.
Than rằng: Sanh chẳng gặp thì,
Phải cam ở dưới cán kỳ tư văn.
Một lòng giữ mối đạo hằng.
Trau lời thế giáo, cằm dằn nhân luân.
Phút đâu gặp bữa thanh thần,
Thật ngày trùng cửu, là phần cuối thu.
Đem bầy trò nhỏ ngao du,
Tới non Cẩm thạch, ở dầu châu Khê.
Nghỉ xem phong cảnh ra đề,
Thấy hai ông lão ngồi kề trên non.
Lại xem bên bến suối Son,
Thấy bầy hươu chạy như tuồng binh đi.
Ra hai câu đối nên kỳ,
Các trò ngơ ngáo, đáp chi xong lời.
Xúm nhau đương nghĩ đối chơi,
Phút đâu Trân, Bửu, đến nơi xem tường.
Trân rằng: Câu đối cũng thường,
Tôi xin đáp lại coi dường sức nao.
Tôn Sư Xuất Đối Đề:
Chữ “mao”, chữ “điệt”.
Hai ông lão tử ngồi trên.
Dương Trân Đáp Đối Đề:
Đàn sắt, đàn cầm.
Bốn kẻ vương tôn đứng trước,
Dương Trân đối một câu rồi,
Lại thêm Dương Bửu đối bồi một câu,
Tôn Sư Xuất Đối Đề:
Hùng hổ tỳ hưu,
Nhà tướng rằng muôn đội.
Dương Bửu Đáp Đối Đề:
Long lân qui phụng,
Nước vua gọi là bốn linh.
Thầy Trình thấy đối nên kinh,
Khen cho hai gã tiểu sinh thần đồng.
Thầy bèn gạn hỏi thuỷ chung,
Liền theo hai gã thẳng xông về nhà.
Anh em Trân, Bửu về nhà,
Thưa cùng cậu, mẹ, đều ra mừng thầy,
Cùng nhau chuyện vãn tỏ bày,
Rượu cơm thiết đãi, trọn ngày vầy vui.
Người trong làng xóm tới lui,
Mới hay họ Đỗ có nuôi thần đồng,
Thầy rằng: Nay dám bày lòng,
Xin nuôi hai trẻ theo dòng nho gia,
Hạc lầu về ở cùng ta,
Học cho biết đạo ngỏ ra giúp đời
Đỗ nương, Đỗ Khoái vâng lời,
Đành cho hai trẻ theo nơi Hạc lầu.
Hạc lầu là chốn nho lưu,
Ra công mài ngọc lưu cầu vẽ văn,
Anh em Trân, Bửu hai thằng,
Nay đà khỏi việc nhọc nhằn ngỗng, dê.
Theo thầy Trình Kiệt ra về,
Đua nhau gắng sức học nghề văn chương,
Hôm mai ở chốn thơ đường,
Bao nhiêu sĩ tử đều nhường ngôi trên.
Nói ra thơ phú liền nên,
Sách coi qua mắt, chẳng quên câu nào.
Cho hay tuổi nhỏ tài cao,
Thông minh hẳn có trời trao tánh tình,
Đến khi đọc sách Thi Kinh,
“Lục Nga” thơ ấy động tình xiết bao.
Nhớ câu chín chữ cù lao,
Công ơn cha mẹ no nao đặng đền.
Chạnh lòng buông tiếng khóc lên.
Giòng châu lai láng thấm trên đất dày.
Anh em bái tạ ơn thầy,
Trở về viếng mẹ chầy ngày cách xa.
Nàng rằng: Mừng thấy con ta,
Bấy lâu thương nhớ mình già thêm suy,
Kể từ hai trẻ ra đi,
Ba năm học đạo, biết gì cùng không?
Mẹ già mòn mỏi lòng trông,
Nương lều, dựa cửa, bỏ công tháng ngày.
Thơ rằng: Đạo thánh kể bày:
Làm con thảo thuận tiếng hay xa đồn.
Thường xem trong sách thánh môn,
Hai mươi bốn thảo mới tròn người hay.
Ngưỡng trông trời rộng đất dày,
Ơn cha, nghĩa mẹ, sánh tày lưỡng nghi.
Ấu thơ còn chửa biết gì,
Lớn khôn lòng rất yêu vì hai thân,
Ngày xưa trong miễu Hà phần,
Hai con hỏi việc phụ thân đã rồi.
Hiềm vì non nước xa xôi,
Phận nhà khó đói ngùi ngùi khôn đi.
Bây giờ nhờ có cậu đây,
Con xin lên chốn am mây hỏi tìm.
Đỗ nương nghe mấy lời êm,
Mày châu, mặt ủ, lại thêm buồn lòng.
Than rằng mình những luống trông,
Thấy con mà lại thấy chồng ở đâu!
Am mây dấu tích đã lâu,
Mất còn hai lẽ ai hầu thông tin!
Hai con dạ đã lâm đền,
Biết bao giờ đặng mặt nhìn thấy cha.
Nói thôi nước mắt nhỏ sa,
Anh em Trân, Bửu, đều hoà khóc than!
Thưa rằng: Mẹ hãy tạm an,
Hai con mai sẽ lên đàng am mây.
Đỗ nương lòng cũng ưng vầy,
Sắm ăn cho trẻ phen nầy tầm cha.
Am vân đường sá cách xa,
Cảnh chùa thầy Lộc, tên va Sãi mầm.
Anh em Trân, Bửu tới tầm,
Hỏi thăm tên họ, Sãi mầm chỉ ngay:
Nói rằng: Là tám năm nay,
Thiện Trai thầy ấy chơi mây quên về.
Thuở đi có chuỗi bồ đề
Lâu nay chẳng biết cầm về tay ai.
Hỏi rằng: Hoà thượng là ai?
Đáp rằng: Cũng đã theo ngoài phương tây.
Hỏi: Ai thầy cả ở đây?
Đáp rằng: Vốn thật mầm nầy chớ ai
Bây là con nít nhà ai?
Khéo đem chuyện cũ hỏi hoài chẳng thôi.
Chùa nầy không chuối không xôi,
Không mang dầu cúng, còn rồi nói chi!
Anh em khôn xiết sầu bi,
Dạo coi bàn Phật một khi khuây lòng.
Thấy chùa thờ bức tượng Ông,
Nhện giăng, bụi đóng, kệ không hương đèn.
Anh em thấy tượng liền khen,
Khen rồi lại cảm, hiệp bèn làm thơ,
Cùng nhau xướng hoạ một giờ,
Tặng ông Quan Đế bài thơ khen rằng:
Tặng Quan Đế:
Tấm lòng ngay chúa thấu trời cao,
Năm ải khôn ngừa một lưỡi đao.
Núi đất ba lời gìn nghĩa Hán,
Sông vàng hai trận trả ơn Tào.
Quyển kinh bát loạn tay nào mỏi,
Ngọ đuốc phò nguy gió chẳng xao.
Phải thuở Kinh châu ngồi giữ chặt,
Nguỵ, Ngô hai nước biết nài sao?
Ngâm rồi bèn lấy cục than,
Viết vào tấm vách rõ ràng tám câu
Anh em trước án khấu đầu,
Lạy ông Quan hầu, lui gót trở ra.
Đem nhau vội vã về nhà,
Thưa với mẹ già, đặng rõ nguồn cơn
Nàng rằng: tấc dạ keo sơn,
Thấy con lại nhớ công ơn của chồng.
Tưởng là tách dặm non sông,
Am vân hôm sớm ra công tu hành,
Hay đâu còn nỗi Lưu linh.
Trời dài đất rộng, một mình bơ vơ.
Xiết bao khe suối, bụi bờ,
Nắm xương già rụi, biết nhờ ai hang?
Khóc thôi dùng lễ để tang,
Mẹ con chịu phục cho chàng họ Dương.
Lần hồi ở chốn quê hương,
Anh em Trân, Bửu theo phương học hành.
Tiếng hay đâu cũng biết danh,
Tuổi vừa hai tám, tài anh khác thường.
Xảy nghe trên huyện Nam khương,
Tờ đòi sĩ tử tựu trường phú thi.
Bao nhiêu chúng bạn đều đi,
Anh em giành thứ nhất nhì đậu cao.
Về nhà sắm sửa níp, bao,
Lên Hà đông trấn đặng vào thu vi,
Hai chàng cất gánh ra đi,
Nửa đường xảy gặp trò thi trở về.
Nói rằng có bản treo đề,
Rao cho sĩ tử trở về khoa sau
Ngày nay có giặc Tây châu,
Lịnh sai quân trấn, lo âu giẹp loàn,
Học trò ai nấy đều than:
Ba năm một hội, lỡ làng công phu,
Xảy về đương lúc sơ thu,
Đi đường thấy cảnh dạ sầu nào nguôi!
Khắp nơi bờ cõi ngậm ngùi,
Gió tây dìu dặt mấy mùi kỳ hoa.
Lá cây vàng rụng giơ chà,
Chim kêu déo dắt người xa thêm sầu,
Hai chàng nghĩ việc trước sau,
Về đường phân nói cùng nhau mấy lời,
Trân rằng: Hổ đứng dưới trời,
Phận làm nhân tử ở đời chẳng may,
Cha thời sống thác nào hay,
Mẹ thời già yếu, liền ngày ngồi trông.
Tưởng là đèn sách nên công,
Sớm cho gặp hội mây rồng hiển vang.
Hay đâu gặp buổi ly loàn,
Lỡ bề báo hiếu, lỡ đàng lập thân,
Luận theo trong cõi phàm trần,
Ngọc lành chờ giá, biết phần ai mua?
Sau dầu đặng lộc nhà vua,
Xuân huyên chếch mác, se sua ai nhờ?
Bửu rằng: Danh lợi phỉnh phờ,
Ví như hình vẽ khó đo lòng trời,
Trời tây khó nỗi vị lòng
Ngày xuân nhặt thúc như vòng én mau,
Thương thay mẹ đã bạc đầu!
Chưa hay bóng xế nhành dâu buổi nào!
Không nhà, không cửa, nài sao?
Chịu ơn nghĩa cậu biết bao giờ rồi.
Tình người ở bạc như vôi,
Mấy ai biết đạo tài bồi lấy nhau,
Ta dầu tốt báu như châu,
Về nơi đáy biển, ai hầu biết cho!
Anh em tỏ tấm lòng lo,
Xảy đà gần đến bến đò sông Tương,
Thấy toà cổ miếu bên đường,
Cây cao, bóng mát, vách tường phấn tô,
Cùng nhau tránh nắng bước vô,
Trước sân thấy có một hồ hoa sen,
Một hồ sen nở loã bè,
Đoá đua nở nhuỵ, đoá chen ngậm cười.
Trân rằng: Cảnh khéo trêu ngươi,
Gẫm hoa sen nọ giống người tài hoa,
Ta nghe sen nở bông ra,
Sớm: là mùa hạ; muộn: là mùa thu,
Hỡi ôi! sen chẳng gặp chầu
Muộn, dầu trổ tốt, ai hầu khen chi?
Hai chàng làm một bài thi,
Vịnh hoa sen muộn, ngụ suy việc mình,
Vịnh Thu Liên:
Sen hỡi là sen! tiếng chẳng hèn
Thấy sen lỡ vận tiếc cho sen
Ngậm cười trước hạ: hèn cũng thưởng,
Đua nở mùa thu: tốt mấy khen?
Gương mặt bất phàm đâu biết đặng,
Bèo tai vô dụng gọi rằng quen.
Phải mà sanh gặp nơi tiên cảnh,
Lá rộng cao che khắp các bèn.
Anh em hoạ sướng thơ rồi,
Viết vô trong vách tô vôi rõ ràng.
Sau thơ, lạc khoản hai hàng,
Một hàng quê quán, một hàng tánh danh.
Đem nhau trở lại gia đình,
Nhờ cậu nuôi mình, chờ đợi khoa sau,
Lối nầy tới chuyện tây châu,
Có người Vương Phục lòng âu phản thần.
Riêng cầu bên nước Nữ Chân,
Đem quân mọi rợ đánh phần Hà đông.
Tần khanh làm chức Nguyên nhung.
Ra ngăn Vương Phục, đánh cùng Nữ chân.
Giặc hung, oai thế lẫy lừng,
Nguyên nhung đánh giẹp đã gần hai đông,
Đánh rồi lũ kiến, chòm ong,
Tây châu một cõi lặng trong như tờ,
Ải lang vắng khói như xưa,
Nguyên nhung binh mã về bờ cõi châu.
Quân đi tới rừng Tương châu,
Tới toà cổ miếu gặp chầu mưa đông.
Đóng quân vào nghỉ miếu trung,
Chờ trời tạnh ráo sẽ mong kéo về.
Tần Khanh ngồi ngó tư bề,
Thấy trên vách phấn có đề “thơ sen”.
Xem qua thơ ấy liền khen,
Khiến đem bút mực, đọc bèn sao qua.
Nói rằng: Trời đất khiến ta,
Gặp trang tài sĩ sớm hoà nghĩa thân,
Nhớ nay Xuân Tuyết, Thu Băng,
Tuổi vừa hai bảy, vừa chừng đào yêu,
Đà nên lập lớp thước kiều,
Giàn binh xạ tước, ngỏ chiêu anh tài.
Sao cho xứng gái, xứng trai,
Chữ tài, chữ sắc, sánh hai đôi lành.
Nói rồi, lịnh dạy kéo binh,
Xếp thơ bỏ hộp, về thành Hà đông.
Đãi đằng tướng sĩ đã xong,
Về dinh ngồi nghĩ lại trong việc nhà.
Tây châu từ thuở kéo ra,
Phu nhân có nghén đặng ba tháng rồi.
Nay về con đã biết ngồi,
Thật trời thên phước còn roi họ Tần,
Bèn đem chuyện ở miếu thần,
Cùng “thơ sen” ấy tố Trần Phu nhân,
Nói rằng: Hai gái Tuyết, Băng;
Đã thông chữ nghĩa, lại nhuần nết na,
Người xưa muốn tính việc nhà,
Thấy người văn học, mới là xứng đôi,
Bấy lâu giặc giã chưa rồi,
Những lo sĩ tử bỏ nơi học trường
Ai dè bên huyện Nam khương,
Có hai sĩ tử họ Dương tài tình.
Muốn cho nên việc con mình,
Phải đòi phủ huyện, hỏi minh việc chàng,
May đâu có huyện Nam khương,
Tên Trần Đoan, tới dân chương mừng hầu,
Mừng cho chín huyện, bảy châu,
Ở an lạc nghiệp đọc câu thăng bình,
Tần Khanh ngồi chốn hậu dinh,
Đòi vào han hỏi sự tình họ Dương.
Trần Đoan thưa chuyện họ Dương,
Mẹ con, nhà cửa, tỏ tường đầu đuôi,
Tần Khanh nghe rất mừng vui,
Cười rằng: Máy tạo khéo xui hiệp hoà.
Họ Dương sánh với họ Hà,
Song sanh điềm ấy, đôi đà xứng hai,
Nấy cho quan Huyện làm mai,
Xe dây Nguyệt Lão đặng hài lương duyên,
Trần Đoàn vâng linh về liền,
Trở về tống bảng, tờ truyền theo sau,
Rằng: Nay yên giặc Tây châu,
Tấn vương bệ ngọc mở chầu ân khoa.
Huyện quan viết bảng treo ra,
Rao cho sĩ tử gần xa đặng tường.
Anh em Trân bửu hai chàng,
Đem nhau tới chốn huyện đàng ứng thi.
Anh em cùng đậu nhất nhì,
Trở về sắm sửa cùng đi tựu trường.
Trần Đoàn ngồi chốn hậu đường,
Đòi lại hai chàng, nói chuyện cầu hôn.
Dạy về thưa với gia tôn,
Đều dùng sáu lễ nghinh hôn một lần,
Trước lo kết nghĩa châu trần,
Sau là một nỗi lập thân khoa này,
Hai chàng ngẫm nghĩ một giây,
Thưa rằng: Công học bấy chầy ra chi!
Ân vua đã mở khoa thi,
Để cho thử sức một kỳ sẽ hay,
May mà cánh nhạn cao bay,
Trấn quan khỏi tiếng bằng nay tư tình.
Chẳng may bảng hổ vô danh,
Huyện quan cũng khỏi nho sanh chê cười,
Trần Đoàn nghe thấm mấy lời,
Dạy về lo liệu tới nơi khoa trường.
Trên đây là hồi 5 mà Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong tập truyện thơ dương Từ Hà Mậu. Khi sáng tác truyện thơ này ông đã muốn chuyển tải một thông điệp là phê phán và tư tưởng chống tà giáo – điều mà ông không tán thành. Đừng quên đón đọc hồi 6 và cũng là hồi cuối của tập thơ này bạn nhé!