Nhà Thơ Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông. Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Tản Đà qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Tản Đà
1:Cảnh Vui Nhà Nghèo
Trong trần thế cảnh nghèo là khổ
Nỗi sinh nhai khốn khó qua ngày
Quanh năm gạo chịu tiền vay
Vợ chồng lo tính hôm rày hôm mai.
Áo lành rách vá may đắp điếm
Nhà ở thuê chật hẹp quanh co
Tạm yên đủ ấm vừa no
Cái buồn khôn xiết, cái lo khôn cùng.
Con đi học con bồng con dắt
Lớn chưa khôn lắt nhắt thơ ngây,
Hôm hôm lớn bé sum vầy
Cũng nên vui vẻ mà khuây nỗi buồn.
Nghĩ thiên hạ cho con đi học
Cảnh phong lưu phú túc nói chi!
Những ai bần bạc hàn vi
Lo buồn, đã vậy, vui thì cũng vui.
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn.
Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm giòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.
Ăn rồi học, tối qua lại sáng,
Ít tiền tiêu ngày tháng thảnh thơi,
Chiều chiều tối tối mai mai
Miễn sao no đủ, việc đời quản chi!
Con nhà khó nhiều khi vất vả,
Ngoài học đường thư thả được đâu,
Khi thời quẩy nước tưới rau
Chợ tan đón gánh theo sau mẹ già.
Việc giấy bút vẫn là đi học
Cảnh gia đình khó nhọc nhường ai?
Ví chăng có chí có tài
Khi nên, trời cũng cho người làm nên.
Khắp xã hội nghèo hèn ai đó
Mẹ thương con thời cố công nuôi
Những con nhà khó kia ơi
Có thương cha mẹ thời vui học hành!
Cũng chẳng kể thành danh lúc khác
Trời đã cho bước bước càng hay
Nghèo mà học được như nay
Vinh hoa chưa dễ sánh tày cái vui.
Trong trần thế nhiều nơi phú quý
Nỗi buồn riêng ai ví như ai?
Bày ra cái cảnh có trời
Vui buồn cũng ở tự người thế gian.
2: Cảnh Thu Tiễn Thu
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương
Nào người cố lý tha hương
Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai?
Nào những ai
Bảy thước thân nam tử
Bốn bể chí tang bồng
Đường mây chưa bổng cánh hồng
Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu my
Nào những ai
Sinh trưởng nơi khuê các
Khuya sớm phận nữ nhi
Song the ngày tháng thoi đi
Vương tơ ngắm rện nhỡ thì thương hoa
Nào những ai
Tha phương khách thổ
Hải giác thiên nha
Ruột tầm héo, tóc sương pha
Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn
Nào những ai
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn
Giầu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!
Nào những ai
Tóc xanh mây cuốn
Má đỏ huê ghen
Làng chơi duyên đã hết duyên
Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi
Nào những ai
Dọc ngang giời rộng
Vùng vẫy bể khơi
Đội giời đạp đất ở đời
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân
Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Thôi nghĩ cho
Thu tự giời
Cảm tự người
Người đời ai cảm ta không biết
Ta cảm thay ai, viết mấy lời
Thôi thời
Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui
Chi để khách đa tình đa cảm
Một mình thay cảm những ai ai!
3: Chơi Hòa Bình
Vì ai cho tớ cứ lênh đênh!
Nặng lắm! ai ôi! một gánh tình!
Non Tượng giời cho bao tuổi lẻ?
Sông Đà ai vặn một dòng quanh?
Lơ thơ hàng phố mươi nhà đỏ
Phấp phới cô nàng chiếc váy xanh
Mỗi tháng chợ đêm ba buổi họp
Ngọn đèn nha phiến đốt linh tinh
4: Muốn Làm Thằng Cuội
Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi
Trần giới em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu, có bạn can chi tủi
Cùng gió, cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười
5: Đêm Suông Phủ Vĩnh
Ðêm suông vô số cái suông xuồng,
Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông!
Một bức màn con coi ngán nỗi,
Một câu đối mảnh nghĩ dơ tuồng,
Một vừng trăng khuất đi mà đứng,
Một lá mành treo cuốn lại buông,
Ngồi hết đêm suông, suông chẳng hết,
Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông.
6: Gió Thu
Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!
Trận gió thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc, lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không!
7: Lại Say
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Say chẳng biết phen này là mấy!
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say.
Quái! Say sao say mãi thế này?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh.
Thê ngôn tuý tửu chân vô ích
Ngã dục tiêu sầu thả tự do
Việc trần ai, ai tỉnh ai lo
Say tuý luý nhỏ to đều bất kể.
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế!
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay?
Muốn say lại cứ mà say!
8: Tống Biệt
Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn, oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt.
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi …
9: Thăm mả cũ bên đường
Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà,
Đường xa, người vắng, bóng chiều tà,
Một dãy lau cao làn gió chạy,
Mấy cây thưa lá sắc vàng pha.
Ngoài xa trơ một đống đất đỏ,
Hang hốc đùn lên đám cỏ gà.
Người nằm dưới mả, ai ai đó?
Biết có quê đây hay vùng xa?
Hay là thuở trước kẻ cung đao?
Hám đạn liều tên quyết mũi đao.
Cửa nhà xa cách vợ con khuất,
Da ngựa gói bỏ lâu ngày cao,
Hay là thuở trước kẻ văn chương?
Chen hội công danh nhỡ lạc đường.
Tài cao phận thấp chí khí uất,
Giang hồ mê chơi, quên quê hương.
Hay là thuở trước khách hồng nhan?
Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
Hay là thuở trước khách phong lưu?
Vợ con đàn hạc đề huề theo.
Quan san xa lạ đường lối khó,
Ma thiêng nước độc phong sương nhiều.
Hay là thuở trước bậc tài danh?
Đôi đôi, lứa lứa cũng linh tinh
Giận duyên tủi phận hờn ân ái,
Đất khách nhờ chôn một khối tình!
Suối vàng sâu thẳm biết là ai?
Mả cũ không ai kẻ đoái hoài!
Trải bao ngày tháng trơ trơ đó,
Mưa dầu, nắng dãi, trăng mờ soi!
Ấy thực quê hương con người ta
Dặn bảo trên đường những khách qua:
Có tiếng khóc oe thời có thế
Trăm năm ai lại biết ai mà!
10: Bài Hát Xuân Tình
Ấy ai quay tít địa cầu
Đầu ai nửa trắng pha mầu xuân xanh
Trông gương mình lại ngợ mình
Phải chăng vẫn giống đa tình ngày xưa
Tản Đà xuân sắc
Mấy mươi năm chẳng khác nước cùng non
Cảnh còn nguyên người cũng lại còn
Còn chẳng khác “Khối tình con” như trước nhỉ!
Lịch kỷ phong sương thần bất dĩ
Quy lai hà nhạc ngã do liên
Cuộc trăm năm vương lấy mối trần duyên
Dù kiếp trước thiên tiên nay cũng tục
Đã trót hình hài trong dấn đục
Giữ sao cho hòn ngọc lạiHàm Đan
Muôn vàn nhờ tựa giang san
Một ngày còn ở nhân gian ngại ngùng
Chúa xuân có hộ nhau cùng…
11: Cảm Ơn Người Cho Bà
Đương trưa bữa rượu nhà nho
Có anh cầm giấy đem cho rọ hà
Xem thư ta mới biết là
Cho ta rọ đó người nhà ông Lan
Nguyên đồ hải vị Quảng An
Hải Phòng xe lửa đưa lên Hà thành
Thức ăn đến nó là thanh
Mở ra chỉ một múi chanh vắt vào
Nuốt trôi mát ruột làm sao
Lâu nay mới thoả ước ao ăn hà
Cám ơn anh bếp cho quà
Gia Long số bảy, người nhà ông Lan
12: Cảm Tưởng Về Sự Sống Chết
Trăm năm cõi tục còn dài
Con đường vô tận trên đời còn xa
Núi non, giăng cũng chưa già!
Đầu ai tóc bạc vẫn là xuân xanh
Giang sơn còn nặng gánh tình
Giời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi
Bao giờ giời bảo thôi đi
Giang sơn cất gánh, ta thì nghỉ ngơi
Nợ đời là thế ai ơi!
Khách tình nhắn nhủ cho đời biết qua
Có ai là kẻ cùng ta?
13: Cảm xuân
Pháo đốt vui xuân rộn phố phường
Xuân về riêng cảm khách văn chương
Hồng phơi loá mắt chùm hoa giấy
Trắng nhuộm phơ đầu mái tóc sương
Cành liễu đông tây cơn gió thổi
Con tằm sống thác sợi tơ vương
Xuân này biết có hơn xuân trước
Hay nữa xuân tàn hạ lại sang?
15: Cây Đào
Thân em tên gọi cây Đào
Đẹp tươi hoa thắm, ngọt ngào quả xanh
Lá non mơn mởn trên cành
Cành non yểu điệu như hình gái tơ
Từ khi em bé đến giờ
Bắt sâu vun gốc cũng nhờ tay ai
Em trông con gái những người
Khôn ngoan đã sẵn có giời phú cho
Thế mà nếu chẳng hay lo
Biết đâu rồi nữa chẳng thua cây đào
16: Chị Khuyên Em
Em nghe lời chị, chị khuyên em
Chị nhủ đừng hay giở dậy đêm
Thân gái như mày đương nụ dại
Thế gian lắm kẻ muốn dòm xem
Phải cho ngoan mịn ra nền nếp
Rồi sẽ theo đòi với chỉ kim
Có nết có khôn thời có giá
Phong thu ai bảo bóng giăng thèm
17: Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Người ta sống đủ trăm năm thời có trăm lần xuân
Nhưng xuân thời xuân, nhưng người không xuân
Vì thế cho nên
Chị em ơi, người ta bảo rằng:
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi”
Nhời nói ấy có ý nhị lắm
Tôi xin bầy tỏ như vầy
Này kìa những ai
Kẻ trên mạn ngược hay người về phía xuôi
Người trong cửa sang hay kẻ con nhà hèn
Kể từ ngày lọt tiếng khóc rơi ra
Bác mẹ bế ẵm nâng niu
Trải mấy lần nêu cao pháo nổ bánh trưng xanh
Mãi đến bây giờ mới vặn lẳn vành khăn
Mới thắt chặt giải yếm
Thế cũng xuân
Thế cũng chơi
Chơi thì chơi
Đã biết gì là xuân
Lại như lúc già
Mùi đời đã qua
Chồng con ăn ở là thế
Giá thấy có thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Thời cũng chỉ kính đánh tổ tôm
Chỉ cốt nhai trầu miếng
Thế cũng xuân
Thế cũng chơi
Chơi thì chơi
Còn biết gì là xuân
Thế thì, khi tóc đã dài
Má đã hây
Vú đã nhúm
Nhi đầu chưa bạc
Nhi răng chưa long
Đách ngọc đoi vàng
Con tạo hóa nuông người trang điểm riết
Mày ngài mắt phượng
Khách tài hoa lắm kẻ chết mê tơi
Ấy đương độ người xuân
Chính độ người xuân
Có xuân thời mới xuân
Chơi đi thôi!
Chị em ơi
Chờ chi mãi đó?
Ta chơi hoa
Ta chơi mây
Ta chơi giăng
Ta chơi gió
Chơi hoa nhị
Chơi giăng vòng
Chơi đào tơ
Chơi sen ngó
Chơi chốn này không hay, tìm chơi chốn nọ
Tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội
Sông Đào tắm mát
Xứ Đoài cấy thuê
Ấy mới xuân mà ấy mới chơi!
Can chi phải nương bóng bà Nguyệt, víu mối ông Tơ, mà đồng ruộng chổng mông, phòng không gãi rốn dã tai!
Nếu ngày xuân mà em hãy còn dài, thời có thể không chơi lúc này ta chơi lúc khác
Đi về ong bướm
Mặc ai tường đông
Nhưng mà không!
Của đắt đỏ giời buôn có ít
Có bấy nhiêu chơi hết thời thôi
Để dành cũng chẳng được rồi
Có tiền em dễ em ngồi em mua
Buồn cho ai tiếc rẻ lúc qua mùa
Sướng thời sướng, sướng đương thời không lại có
Thảm cho kẻ chơi lầm chơi hớ
Nước ao tù đậm địa ố mầu tươi
Ngàn thu khôn dại mấy người
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru!
Xem như thế thời ghê làm sao! Sợ làm sao! Tiếc thương làm sao!
Đó kia những ai, có là giống người, bảo thời phải nghe
Mỗi năm một tuổi
Như đuổi xuân đi
Măng mọc có lứa
Đôi ta có thì
Chơi đi thôi!
Chơi mau đi thôi!
Cho trống thủng
Cho chiêng long
Cho cờ quấn ngược
Kẻo cái già xồng xộc nó thì theo sau
18: Có mới nới cũ
Rượu đào năm mới rót mừng xuân
Nhớ lụt năm xưa Sửu trước Dần
Bị gậy lang thang người thuỷ hạn
Thơ văn lận đận khách phong trần
Hiệu hàng phá sản bao nhiêu chủ
Ôn dịch hành hung một lũ thần
Cho hay vận xấu đà qua khỏi
Vận thái từ nay chúc quốc dân
19: Cò Trắng
I
Một đàn cò trắng nó bay tung
Nó lại thương em lật đật chồng
Mày có biết ai người phụ bạc
Thời lên mách hộ với thiên công
II
Một đàn cò trắng đến giời xanh
Nó mách cho ai dám phụ tình
Giời bảo trần gian hay dắc díu
Sai ông Nguyệt xuống dứt tơ mành
20: Con chim khôn
Con chim khôn đậu trái non Đoà
Tiếng kêu réo rắt gọi người bắc nam
Năm canh dài ngủ mãi còn tham!
Trời đông đã sáng đi làm kẻo trưa
Giấc mơ mòng ai tỉnh hay chưa?
Các cô con gái cũng say sưa cái nỗi gì?
Thôi xin đừng gương lược làm chi
Chồng thì chưa có, ruộng thì bỏ hoang
Hỡi ai con gái trong làng!
21: Đêm Tối
Ù ù gió thổi bắc, tây, đông
Đêm tối trông ra tối lạ lùng
Tạo vật không tay mà hoá có
Phàm trần có mắt cũng như không
Mơ màng đâu đó bao dân chúng
Tô điểm nào ai với núi sông?
Đánh đuốc đố ai tìm khắp nước
Kiếm đâu cho thấy mặt anh hùng?
22: Đời lắm việc
Đời người như giấc chiêm bao
Mà trong mộng ảo lại sao không nhàn
Đã sinh ra ở nhân hoàn
Lao tâm lao lực một đoàn khác chi!
Người ông lớn, đứa cu li
Nhọc lòng nhọc xác cũng vì “cái ăn”
Cuộc đời kinh tế khó khăn
Người đời càng phải nhọc nhằn sớm hôm
Những người khố rách áo ôm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm no lòng
Người thương mại, kẻ canh nông
Lo tiền, lo thóc, năm cùng lại năm
Ngày ngày hai buổi đi làm
Cụ thừa trong sở, ông tham trên toà
Người khiêu vũ, kẻ xướng ca
Cũng là nghề nghiệp con nhà làm ăn
Người viết báo, kẻ bán văn
Sinh nhai cái bút khó khăn lần hồi
Người đi sông nước ngược xuôi
Kẻ đem kim chỉ ngày ngồi vá may
Kẻ điđồn thúđông tây
Người khua chuông mõ ăn màycửa không
Người thuyền thợ, kẻ gánh gồng
Người canh cửi, kẻ bên sông lưới chài
Cùng trong lao động một đời
Kể sao cho xiết hạng người thế gian
Giầu sang chưa dễ ai nhàn
Nghèo hèn ai chớ phàn nàn làm chi
Vui buồn ai cũng có khi
Có hoan lạc, có sầu bi lẽ thường
Trăm năm một giấc mơ màng
Nghĩ chi cho bận gan vàng hỡi ai!
23: Đời đáng chán
Người đời thử ngẫm mà hay
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!
Còn ai ai tỉnh ai mê
Những ai thiên cổ đi về những đâu?
Đời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh, riêng hỏi bạn tri âm
Giá khuynh thành nhất tiếu thiên câm
Mắt xanh trắngđổi nhầm bao khách tục
Giang hà nhật hạ nhân giai trọc
Thiên địa lô trung thục hữu tình
Đón đưa aigió lá chim cành
Ấy nhân thế phù sinh là thế thế
Khách phù thế chửa dứt câu phù thế
Người phong lưu càng đượm vẻ phong lưu
Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu
Chuyện kim cổ một vài câu phải trái
Châu Nam Hải, thuyền chìm sôngThuý Ái
Sóng Tiền Đường, cỏ áybến Ô giang
Ngẫm nghìn xưa: ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ
Đời đáng chán biết thôi là đủ
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm
Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm
24: Gặp xuân
Gặp xuân ta giữ xuân chơi
Câu thơ chén rượu là nơi đi về
Hết xuân, cạn chén, xuân về
Nghìn thu nét mực xuân đề vẫn xuân!
Xuân ơi xuân hỡi!
Vắng xuân lâu ta vẫn đợi, chờ, mong
Trải bao nhiêu ngày tháng hạ, thu, đông
Ròng rã nỗi nhớ nhung, xuân có biết?
Khứ tuế xuân qui, sầu cửu biệt
Kim niên xuân đáo, khách tương phùng
Gặp ta nay xuân chớ lạ lùng
Tóc có khác, trong lòng ta chẳng khác
Kể từ thuở biết xuân bốn chín năm về trước
Vẫn rượu thơ non nước thú làm vui
Đến xuân nay ta tuổi đã năm mươi
Tính trăm tuổi, đời người ta có nửa
Còn sau nữa lại bao nhiêu xuân nữa
Mặc trời cho, ta chửa hỏi làm chi
Sẵn rượu đào xuân uống với ta đi
Chỗ quen biết kể gì ai chủ khách
Thiên cổ vị văn song Lý Bạch
Nhất niên hà đắc lưỡng Đông quân
Dẫu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần
Thơ với rượu cùng xuân, ta cứ thế
Ngoài trăm tuổi, vắng ta trần thế
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm!
Cùng nhau nay hãy uống thêm!
25: Gần tết tiễn năm cũ
Tháng một qua rồi, tháng chạp đến
Năm tàn Bính Tý nay gần tết
Ngoài đường tấp nập chợ đi đông
Quang cảnh trông ra gần lại tết
Ông Công ngựa cá đã lên giời
Hạ giới cùng nhau tết đến nơi!
Kẻ có tha hồ vui vẻ tết
Nhà nghèo tết đến cũng lôi thôi!
Tết nhất từ xưa đã biết bao?
Vui xuân năm ấy giống năm nào
Cỗ bàn, bánh pháo mừng thên tuổi
Một bước đời lên, một bước cao
Gần tết bao nhiêu cảnh khác nhau
Người vui sắm sửa, kẻ lo sầu
Phong lưu thiên hạ nghe chừng ít
Lo tết trần gian chẳng thiếu đâu!
Quanh năm luống những túng cùng lo
Tết nhất thêm ra cũng lắm trò
Lễ nghĩa muốn thôi, thôi chẳng dứt
Nợ nần vay trả khất quanh co!
Độp cái, năm tàn chóng hết thôi
Để chi đeo đuổi bận lòng ai
Còn năm luống những lo không dứt
Lo mãi quanh năm chán cả đời
Gần tết bao nhiêu, rát bấy nhiêu
Cái lo đâu đến đủ trăm chiều
Mong sao chóng hết năm tàn đó
Để mấy ngày chi lẵng đẵng theo!
Tiễn năm ta có mấy vần thơ
Năm hết cho người cũng hết lo
Sắp sửa cành nêu, xuân đón chúa
Thử xem năm mới có ra trò!
26: Hai Bà Trưng
Sáu nhăm thành quách đã tan rồi
Trắc, Nhị đâu mà nẩy một đôi
Cả nước bấy lâu toàn mẹ hĩm
Hai bà chắc hẳn có con bồi
Một đàn em bé theo sau đít
Mấy chú quân Tầu chạy đứt đuôi
Hồn đã lên tiên còn tiếc nước
Ngàn thusông Cấmbóng giăng soi
27: Hoài cảm
Đông Pháp văn chương giở cuộc cờ
An Nam tạp chí vẫn người xưa
Đèn xanh đêm quạnh tơ tằm rối
Mây biếc trời cao bóng nhạn thưa
Lúc vắng ngồi suông thêm nhớ bạn
Khi buồn nghĩ mãi chẳng nên thơ
Hà thành giở đến âm thư cũ
Hồn những theo ai luống thẫn thờ
28: Khuyên người giúp dân lụt
Này những ai, này những ai
Ai có nghe rằng việc thuỷ tai
Tỉnh Bắc, tỉnh Đông, cùng tỉnh Thái
Ruộng ngập nhà chìm, thây chết trôi
Thây chết trôi, thôi thời thôi
Ai người tìm vớt lúc thiên tai!
Những mạng chết ai đành đã thế
Người còn sống sót nghĩ thương ôi!
Nghĩ thương ôi! ai những người
Trời làm tai vạ biết kêu ai
Đói thời chịu đói, rét chịu rét
Đầy vơi mặt nước, lệ đầy vơi
Lệ đầy vơi, tình chia phôi
Bồng bế con thơ bán khắp nơi
Năm hào một đứa trẻ lên sáu
Cha còn sống đó, con bồ côi
Con bồ côi, tình thương ôi!
Trời làm tai vạ phải chia phôi
Sinh con ai nỡ đang lòng bán
Thương con nào biết lấy gì nuôi?
Lấy gì nuôi, lúc thiên tai
Chẳng có ngô mà chẳng có khoai
Miếng ăn chẳng có, con nhìn bố
Nông nỗi như kia đáng ngậm ngùi!
Đáng ngậm ngùi, ai hỡi ai!
Ăn sung mặc sướng, ngồi thảnh thơi
Nghĩ kẻ cơ hàn nơi nước lụt
Như ai khi cũng dạ đầy vơi
Dạ đầy vơi thương cùng ai
Thương người khổ hại lúc thiên tai
Hai chữ đồng bào ân nghĩa nặng
Đùm nhau lành rách, hỡi ai ơi!
Hỡi ai ơi! là những người
Ông trên mạn ngược, bà vùng xuôi
Có nhiều cho nhiều, ít cho ít
Cứu kẻ bần dân lúc thủy tai
Lúc thuỷ tai, này ai ơi!
Quý tiếc yêu thương lấy giống nòi
Con cháu Rồng Tiên khi đã bĩ
Đừng nên rẻ rúng, bỏ nhau hoài!
29: Khuyên thanh niên học hành
Ta sinh ra đời cạnh tranh
Muốn sinh tồn theo bước văn minh
Ngày xuân đương độ tuổi xanh
Ta khuyên nhau cố công học hành
Giời cho ta sẵn thông minh
Chí chuyên cần tuổi xanh chẳng phụ
Làm tài trai vẫy vùng vũ trụ
Bước đường đời muôn dậm phong vân
Học đường ta hãy để chân
Đi xa ta bước tới gần
Hội gió mây xoay vần mấy lúc
Bực tài danh ta cố học mà nên
Thanh niên, hỡi bạn thanh niên!
Cùng nhau ta cố gắng để tiến lên cho kịp người
Ít câu ta hát vui chơi
Anh em ghi nhớ mà vui học hành
Chớ quên cái chí đua ganh
30: Kiếp phong trần
Cái kiếp phong trần ngán biết bao!
Xuân lan thu cúc
Đông liễu tây đào
Hoá công độc địa làm sao
Mà đem bạc mệnh buộc vào hồng nhan!
Dấm chua dầm tưới cho lan
Lửa nồng cúc đã tro tàn sắc kim
Bể sâu cành liễu buông chìm
Hoa đào ngọn nước, con chim phụ tình
Thế gian lắm sự bất bình
Muốn lên hỏi lại giời xanh nỡ nào!
Xuân lan thu cúc
Đông liễu tây đào
Cái kiếp phong trần ngán biết bao!
31: Mừng Xuân
Ngày đi, tháng đi, năm đi dần
Hết ngày, hết tháng, hết năm trước
Qua sang năm mới lại là xuân
Gió giăng thề nguyện xuân y ước
Tin xuân truyền bá khắp xa gần
Oanh én cỏ hoa mừng đón rước
Oanh gọi đầu cành, hoa cười xuân
Cỏ rợn chân giời, én liệng nước
Vạn vật đắc ý, người thanh tân
Trẻ bé đua vui, già hưởng phước
Mừng xuân ta có thơ hai vần
Xuân sang năm khác, thơ cũng khác
Thơ này kính chúc toàn quốc dân
Một năm tiến bộ lại một bước
32: Lấy Chồng Nghèo
Chồng (thì) nghèo, vô duyên vô phúc
Em múc phải đức ông chồng (thì) nghèo
Hột hoa chẳng có (mà) xu hào thôi lại cũng không
Giận nhân duyên em dứt đứt (cái) sợi tơ hồng
Tìm nơi ấm cật no lòng mà chơi
Ai chê, ai cứ, ai cười!
33: Ngày xuân chúc quốc dân
Trời Nam cành lá la đà
Lạc Hồng cây cỗi xuân già càng xuân
Ngày xuân chúc nước mừng dân
Ba kỳ Nam, Bắc mười phân phú cường
Bính Tý hội nguyên kim dĩ thuỷ
Mối sơn hà cũ kỹ bốn nghìn năm
Đường văn minh muôn dặm xa xăm
Đông, tây, bắc người nam cao cất bước
Quân bất kiến: Phi Luật Tân nhi kim Mỹ châu độc lập quốc
Hựu bất kiến: Mãn Châu, Hoa Bắc hà bi thương
Thời hưng vong bĩ thái là thường
So mới biết chữ “đại” với chữ “cường” không hạn lệ
Việc trước mắt năm châu là thế
Cuộc trần hoàn dâu bể, bể dâu
Đường văn minh nào có hạn ai đâu
Muốn hạnh phúc, chữ tự cầu ta phải biết
Hồng Lạc nhi tôn thiên vị tuyệt
Việt Thường hoa thảo nhật câu tân
Chén rượu đào nâng rót buổi ngày xuân
Chúc tổ quốc, quốc dân nghìn vạn kỷ
Bính Tý hội nguyên kim dĩ thuỷ
Mối sơn hà cũ kỹ bốn nghìn năm
Năm năm, xuân mới trời Nam
34: Ngày xuân nhớ cảnh nhớ người xưa
Giời xuân hoa thắm non xanh
Lơ thơ tóc trắng, một mình vào ra
Bắc Nam nhớ bước quan hà
Xa xa ngàn dậm đâu là cố nhân?
Ngồi nhớ lại khoảng xuân Đinh Mão
Báo An Nam bại đảo tiền phong
Nước non khơi diễn nghìn trùng
Dư đồ một bức ôm lòng ra đi
Ninh Bình hết Bắc kỳ địa giới
Qua Thanh Hóa, vừa tối vô Vinh
Một đêm ngủ lại Hoan Thành
Nẻo sang Hà Tĩnh: sông Gianh non Hồng
Nước núi Sót mát lòng ưu ái
Trận mưa thu đầm tưới quan san
Cùng nhau bạn hữu chu toàn
Đông Hà xe hoả băng ngàn vô Kinh
Phong cảnh đất Hương, Bình lưu luyến
Đài Thuận An cất chén trong khơi
Kinh thành đã trải đòi nơi
Hải Vân vượt ải vào chơi Ngũ Hành
Đạo cổ tích gần quanh xứ Quảng
Đô vua Chiêm gần quãng Đồng Dương
Tường trơ đá đổ tan hoang
Mấy con voi sứt nghênh ngang chầu trời
Cách tỉnh lỵ bốn mươi cây số
Phạm với Trà hai họ còn như
Ấy giòng vua tướng Hời xưa
Nước non để lại bây giờ giống Chiêm
Thú Đà Nẵng chơi xem qua trải
Đường vô Nam: Quảng Ngãi, Qui Nhơn
Xe hơi thẳng dậm hồng trần
Sông Cầu rồi nữa tới dần Nha Trang
Đường thiên lý bước sang xe hoả
Bạn Trung kỳ từ giã đôi khi
Còi xe dứt khúc biệt ly
Biên Hoà, Thủ Đức coi thì đã Nam
Mãi đến Tý mười năm đã đúng
Giời còn xuân, ai cũng chưa già
Nào đâu cảnh khuất, người xa?
Non xanh hoa thắm mà ta một mình!
Xuân hồ hết, mối tình vướng vít
Mượn bút hoa ngồi viết nên thơ
Nước non còn nhớ người xưa?
Bạn tình còn nhớ bây giờ cố nhân?
35: Nước thu
Giời thu đến, nước thu đâu đến
Trăm sông con dội hết sông Hà
Láng lai giòng lớn bờ xa
Hai bên trâu ngựa nom đà lẫn nhau
Chú Hà Bá vểnh râu đắc chí
Nghĩ thế gian ai ví bằng ta
Giòng Đông thuận nẻo đi ra
Đến nơi bể Bắc trông mà lạ sao!
Giời in nước thấy đâu đầu cuối
Hà Bá ta hết nỗi tự hùng
Càng xem lượng bể mênh mông
Vái anh Thần Bể thẹn thùng thở than:
“Tôi thấy bác muôn vàn rộng rãi
Nghĩ cho tôi cũng lại là may!
Ví mà tôi chẳng tới đây
Thẹn cùng trưởng giả biết ngày nào thôi!”
Thần bể Bắc: “Hỡi ơi! Hà Bá
Thật như ngươi đạo cả chưa tường
Bể khơi đã biết tìm đường
Thời nay ta nhủ rõ ràng, ngươi nghe:
Khắp thiên hạ nơi bề cả nước
Dễ đâu hơn bể Bắc là đây
Muôn sông về mãi không đầy
Biết bao giờ dũa, mà ngày nào vơi
Xuân cũng thế, thu thời cũng thế
Thủy hạn đâu không kể biết chi
Nếu đem lượng bể so bì
Giang hà đã có thấm gì là to!
Mà ta vẫn nghĩ cho là bé
Khoảng đất trời chưa kể vào đâu
Xem như núi cả, rừng sâu
Cái thân hòn cuội, cây lau sá gì!”
Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Tản Đà
Tản Đà sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 – mất ngày 7 tháng 6 năm 1939) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.
Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”.
Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.
Tiểu sử sự nghiệp của nhà thơ Tản Đà
Thơ
Từ thập niên 1920 cho đến nửa đầu thập niên 1930, văn đàn Việt Nam không có một nhà thơ nào nổi tiếng và được yêu mến như Tản Đà. Kể cả khi phong trào thơ mới xảy ra, thì Tản Đà, sau khi “phái thơ mới” bị đả kích kịch liệt lại được chính những người đả kích mời về ngồi chiếu trên. Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, cuốn sách bình luận thơ mới rất giá trị, Hoài Thanh và Hoài Chân đã đặt bài tưởng niệm Tản Đà lên những trang đầu, với lời lẽ tôn kính.
Thơ cũng là lĩnh vực quan trọng nhất trong sự nghiệp phong phú của Tản Đà. Ông được coi là một thi sĩ, hơn hết các nghề khác. Ông sáng tác rất nhiều thơ, nhiều thể loại – cả về nội dung lẫn hình thức. Thơ ông hay diễn tả cảm giác say sưa, chán ngán đời thực, đắm chìm trong cõi mộng, những mối tình với người tri kỷ xa xôi, song cũng có những bài mang tính ẩn dụ, ngầm phê phán hiện thực.
Thơ Tản Đà thường làm theo thể cổ phong, cũng có khi làm bằng Đường luật, đường luật phá thể, lục bát, song thất lục bát. Ông còn có tài sáng tác thơ dựa trên từ khúc, một hình thức âm nhạc của Trung Hoa, những bài “Tống biệt”, “Cảm thu tiễn thu” nhờ sự phá cách, phối hợp nhiều thể loại thơ, có thể coi là cách tân về hình thức khá táo bạo. Một kiểu văn vần đặc biệt nữa mà ở đó, Tản Đà được sánh ngang với Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Cao Bá Quát…, là hát nói hay ca trù (nay được xem như một thể loại thơ). Hát nói của Tản Đà thể hiện một triết lý sống phóng khoáng, một tâm hồn hay mơ mộng, hoài cổ nhưng man mác nỗi sầu nhân thế.
Ngoài thơ tự sáng tác, thơ dịch của Tản Đà cũng được đánh giá rất cao. Những bài thơ lục bát dịch từ thơ Đường của Tản Đà thường được cho là hay hơn các bản dịch khác, có bài hay hơn cả nguyên tác, vì sự tự nhiên, không bị gò bó mà chuyển tải cả tâm hồn mình vào đó. Ngoài thơ Đường, ông còn dịch những bài thơ dài như Trường Hận ca, dịch ra thể Song thất lục bát, được đánh giá rất cao, Bùi Giáng trong cuốn “Đi vào cõi thơ” tuy không đề cao thơ Tản Đà nhưng gọi bản dịch này là “vô tiền khoáng hậu”.
Văn
Chủ yếu là thể loại văn xuôi. Ngoài ra, còn có tùy bút, bút ký,…
Đả kích trực diện vào bọn quan lại bất lương, đồng thời bảo vệ những người nghèo.
Báo chí
Làm báo chí là một phần trong sự nghiệp rất phong phú của Tản Đà. Ông có phong cách làm báo đặc biệt, thường xuất hiện trong những cuộc bút chiến với những giọng điệu khó lẫn. Từng là cộng tác viên cho “Nam Phong”, sau đó do bất đồng với Phạm Quỳnh mà sang làm chủ bút cho “Hữu Thanh”. Về sau ông sáng lập ra “An Nam tạp chí” nhưng ba lần phải chịu cảnh đình bản vì lý do tài chính. Ở giai đoạn cuối đời còn cộng tác với “Văn học tạp chí” và cả “Ngày nay”, tờ báo trước đó đã mạt sát ông nặng nề.
Có thể nói sự nghiệp báo chí của Tản Đà, cũng như cuộc đời của ông, thường gặp gian nan trắc trở. Song những đóng góp của ông trong thời buổi sơ khai của báo chí Việt Nam, là một cái giá trị mà người ta phải công nhận.
An Nam tạp chí
Tản Đà người sáng lập ra tờ báo chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam: tờ “An Nam tạp chí”. Số đầu tiên ra ngày 1 tháng 7 năm 1926, Tản Đà làm chủ báo, thư ký tòa soạn là Ngô Tất Tố. Tờ báo xem như gắn liền với sự nghiệp làm báo của Tản Đà, song nó không hoạt động yên ổn như ý, cho đến ngày chính thức “chết”, tờ báo đã trải qua ba lần đình bản.
“An Nam tạp chí” đình bản lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1927, sau khi ra được 10 số. Sau đó, đến năm 1929, Tản Đà hợp tác với một người ở Hàng Gai, cho tái bản tạp chí. Theo ông Lâm Tuyền Khách, sự tái bản này là ý của người kia, ra tạp chí để có dịp thu nợ vì Tản Đà nợ ông một món không dễ trả. Trên bìa “An Nam tạp chí” lúc ấy ghi Tản Đà là “chủ sự”, còn ông nọ là “chủ nhân”. Cũng theo ông Lâm Tuyền Khách, còn một lý do nữa là nếu ngày ấy An Nam tạp chí không tái bản thì sẽ bị thu giấy phép.
Lần tái bản này chỉ ra được vài số rồi lại đình bản. Đến tháng 4 năm 1931, “An Nam tạp chí” lại tái bản, lần này hoạt động đến ngày 1 tháng 3 năm 1933 thì đình bản vĩnh viễn vì lý do tài chính.
Tản Đà là cây bút chủ lực của “An Nam tạp chí”, cách làm báo của ông có thể coi là khá đặc biệt. Theo Lâm Tuyền Khách, ban ngày ông không làm việc, chỉ uống rượu, nói chuyện hay đọc sách, đến hai – ba giờ đêm ông mới trở dậy thắp đèn viết cho đến sáng. Trong tờ báo nhiều khi độc giả thấy những bài viết đang liền mạch, tự nhiên bị bỏ dở trong một thời gian dài mới thấy Tản Đà xuất hiện viết tiếp.
Tờ “An Nam tạp chí” tuy tổng cộng chỉ có 48 số, lại hoạt động thất thường, thiếu chuyên nghiệp nhưng được coi là một trong những tờ đầu tiên có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn học Việt Nam thời cận đại theo khuynh hướng hiện thực. Bên cạnh đó nó thể hiện một cách kín đáo lòng yêu nước của Tản Đà, qua những bài tiểu luận, bài thơ đăng rải rác.
Các tác phẩm của nhà thơ Tản Đà
Thơ
Khối tình con I (1916)
Khối tình con II (1916)
Tản Đà xuân sắc (1918)
Còn chơi (1921)
Thơ Tản Đà (1925)
Khối tình con III (1932)
Tuồng
Thiên Thai (1916)
Người cá (1917)
Khối tình con I (1916)
Khối tình con II (1916)
Tản Đà xuân sắc (1918)
Còn chơi (1921)
Thơ Tản Đà (1925)
Khối tình con III (1932)
Tuồng
Thiên Thai (1916)
Người cá (1917)
Văn
Giấc mộng con I (1917), tiểu thuyết
Thần tiền (1919), truyện
Đàn bà Tàu (1919), tập truyện
Đài gương (1919), giáo khoa
Lên sáu (1920), giáo khoa
Lên tám (1920), giáo khoa
Tản Đà tùng văn (1922)
Truyện thế gian I (1922), tập truyện
Thề non nước (1922), truyện
Truyện thế gian II (1922), tập truyện
Trần ai tri kỷ (1924), truyện
Nhàn tưởng (1929), bút ký triết học
Giấc mộng con II (1932), tiểu thuyết
Giấc mộng lớn (1932), tự truyện
Tản Đà văn tập (1932)
Giấc mộng con I (1917), tiểu thuyết
Thần tiền (1919), truyện
Đàn bà Tàu (1919), tập truyện
Đài gương (1919), giáo khoa
Lên sáu (1920), giáo khoa
Lên tám (1920), giáo khoa
Tản Đà tùng văn (1922)
Truyện thế gian I (1922), tập truyện
Thề non nước (1922), truyện
Truyện thế gian II (1922), tập truyện
Trần ai tri kỷ (1924), truyện
Nhàn tưởng (1929), bút ký triết học
Giấc mộng con II (1932), tiểu thuyết
Giấc mộng lớn (1932), tự truyện
Tản Đà văn tập (1932)
Kịch
Tây Thi (1922)
Tống biệt (1922)
Tây Thi (1922)
Tống biệt (1922)
Trên đây là những thông tin về nhà thơ Tản Đà do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cần thiết về nhà thơ Tản Đà bạn nhé!