Nhà thơ Thế Lữ - Nhà thơ có nhiều đóng góp cho thi ca nước nhà thời kỳ thơ mới 1

Thế Lữ (10/6/1907 – 3/6/1989) tên khai sinh ban đầu là Nguyễn Đình Lễ, do là con thứ nên đổi thành Nguyễn Thứ Lễ, là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Cùng chúng tôi tìn hiểu thêm những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Thế Lữ qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Thế Lữ

Nhà thơ Thế Lữ - Nhà thơ có nhiều đóng góp cho thi ca nước nhà thời kỳ thơ mới 2
Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Thế Lữ

1. Tác phẩm Nhớ Rừng

(Lời con hổ ở vườn Bách thú,
Tặng Nguyễn Tường Tam)
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
– Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

2. Tiếng gọi bên sông

(Lời chinh phu)
Tặng Khái Hưng
Ta là một khách chinh phu,
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ.
Mũ lợt bốn bề sương nắng gội,
Phong trần quen biết mặt âu lo.
Vất vả bao từng, chi xá kể?
Gian lao như lửa rèn tâm chí,
Bấy lâu non nước mải xông pha,
Chưa chút dừng chân, chưa lúc nghỉ.
Trong thủa sinh bình, đôi mắt ta
Không hề cho đẫm lệ bao giờ;
Cười phen thất bại, khinh nguy hiểm,
Nện gót vang đường nhịp khúc ca.
Đang độ nam nhi vui trẻ hoài:
Sầu tư bi thiết, gác trên bên tai,
Trái tim chỉ rộn khi căm tức,
Ghét lũ vô thần, giận nỗi đời.
Trong khi lật đật rẻo sông Mê,
Trận gió heo may đuổi nhạn về.
Bụi cuốn đường xa, chinh khách mỏi.
Bỗng nghe tiếng hát vẳng bên kia.
Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút, buồn như liễu:
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.
Chinh phu trong dạ nhường tê tái,
Quay gót ta buồn trông trở lại,
Đường vẫn còn xa, còn phải đi,
Song le tiếng hát bên sông gọi:
“Đi đâu vội bấy hỡi ai ơi!
Mà để cho nhau luống ngậm ngùi?
Em trẻ, em son, em lại đẹp.
Sang đây chung hát khúc ca vui!
Hỡi khách! Sang đây với bạn tình.
Vui đi! Đời người mấy xuân xanh?
Ưu tư chi để sầu mây nước,
Kìa cánh hoa đua rỡn trước cành.”
Tiếng ái ân kia réo rắt hoài,
Mà lời mây nước giục bên tai.
Đau lòng rứt mối tơ vương vấn,
Nước mắt đầu tiên lã chã rơi.
Vì chưng ta cũng biết yêu đương,
Mà cuộc tình duyên gặp giữa đường.
Trong lúc non sông mờ cát bụi
Phải đâu là hội kết uyên ương?
Âm thầm từ giã cô thôn nữ,
Cô đứng bên sông không hát nữa,
Lòng ta thổn thức còn đê mê
Nhịp với lòng ai nhường than thở?
Âm thầm ta lại bảo cô rằng:
“Mặt đất mênh mang biết mấy chừng,
Em có yêu ta thì gắng đợi,
Đem lòng mà gửi lên cung trăng.
Ở chốn đường khơi ta nhớ em.
Thì lòng ta sẽ hoá ra chim
Bay lên lưu luyến bên cung nguyệt
Sẽ ngỏ cho nhau thấu nỗi niềm.”
Ta đi theo đuổi bước tương lai.
Để lại bên sông kẻ ngậm ngùi.
Chí nặng bốn phương trời nước rộng,
Từ nay thêm bận nỗi thương ai.

3. Lựa tiếng đàn

Gửi cho bạn Mỹ thuật ở Hà nội
Trong nhà tranh, một mình tôi than thở,
Với cây đàn, tập giấy. Các anh xa.
Sáng hôm nay, sương biếc toả mờ mờ.
Như hương khói đượm đầu cau, má rạ:
Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá,
Trời trong xanh chân trời đỏ hây hây.
Tiếng chim xuân nhí nhảnh ở trong cây.
Cảnh vui thế, sao tôi còn buồn nữa?
Bởi vì gió ở đây trong trẻo quá:
Tiếng đàn tâm réo rắt nẩy càng cao,
Bởi vì đây duy có nàng Ly Tao.
Với bao nỗi tiếc thương hồi quá vãng,
Vẫn cùng tôi ở chung nhà bầu bạn.
Tôi bùi ngùi âu yếm mối bi ai,
Và để sầu tư mơn trớn lòng tôi,
Nên cảnh đẹp lại thêm chiều mai mỉa.
Tôi muốn sống cuộc đời thi sĩ, để
Uống say nồng, nhưng chỉ thấy chua cay,
Tìm mộng vàng trên cảnh lộng trời mây,
Mây thường biến: trời như lòng, tẻ ngắt.
Được lăn lóc mãi trong đời Mỹ thuật,
Như các anh vui, sướng trẻ trung sao!
Các anh đi len lỏi giữa xôn xao,
Và cười cợt ở trong luồng gió bụi;
Đập vang gót trên bờ hè Hà Nội,
Rủ nhau xem vẻ đẹp của lầm than,
Thấy hình tiên ngay giữa đám trần gian.
Và bôi đỏ lên những màu u ám.
Thôi! Hãy để giọng buồn thương ta thán,
Cho chúng tôi là một bọn nhạc công,
Trăm ngàn năm nẩy mãi sợi tơ lòng,
Ca những khúc sầu vui, tình thiên hạ.
Chán nản ư? Các anh đừng than thở,
Cứ im đi, rồi bảo cho tôi hay.
Lựa giọng buồn, tôi sẽ vặn trầm giây,
Và gọi gió, gọi thông, lên tiếng hoạ.
Nỗi buồn sẽ theo mây mờ mịt toả,
Bạn hữu ơi! Cất tiếng ta cười chung,
— Để cho tôi được chút vui cùng.

4. tiếng trúc tuyệt vời

Tặng Trường Bách
Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
Mây bay… gió quyến mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.
Ánh chiều thu
Lướt mặt hồ thu,
Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc,
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô.
Như khua động nỗi nhớ nhung, thương tiếc
Trong lòng người đứng bên hồ.
Cô em buồn đứng bên hồ
Nghiêng tựa mình cây, dáng thẩn thơ.
Chừng cô tưởng đến ngày vui sẽ mất,
Mà sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt
Như bóng chiều dần khuất
Dưới chân trời.
Cho nên cô nghe tiếng trúc tuyệt vời,
– Thổn thức với lòng cô thổn thức,
Man mác với lòng cô man mác –
Cô để tâm hồn tê tái, bâng khuâng.
Ta muốn nâng
Tấm khăn hồng lau mắt lệ cho ai.
Vì ta sợ má đào kia phai,
Cũng như ta đã ca
Khuyên ngày vui trở lại
Cùng với ánh quanh minh còn mãi.
– Cho người vui cảnh quên già.

5. Tiếng sáo Thiên Thai

Tặng Ngô Bích San
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…
Tiên Nga tóc xoã bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…

6. Con người vơ vẩn

Tặng Trần Bình Lộc
Tiếng pháo rắc trong thành phố vắng.
Mưa phùn rây, cùng ánh đèn yên lặng
Gội lên mặt đường đen, loáng và xa.
Hai dẫy nhà kín cửa đứng trơ trơ
Điềm nhiên, mặc kệ con người vơ vẩn.
Đó là một kẻ không nơi trú ẩn,
Bốn phương trời xuôi ngược bấy lâu nay,
Tối ba mươi theo bước tới nơi đây,
Giữa hoan lạc, riêng thấy mình trơ trọi.
Chàng ta ấn hai tay vào đáy túi,
– Túi rỗng không, mà lòng cũng rỗng không –
Lê gót mòn trên đá, ngửng đầu trông
Những ảo tượng vô hình cho kẻ khác.
Cơn gió thổi. Lá vàng rơi lác đác,
Cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành.
Những cây khô đã chết cả mầu xanh.
Trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy.
Người thiếu niên chợt vô tình ngó thấy,
Cửa nhà ai hé mở. Liếc nom vào:
Dưới ánh đèn lộng lẫy khóm hoa đào;
Đương say đắm quyện lấy màu hương khói:
Nét khảm tủ trè, chữ vàng câu đối,
Chậu xứ cây xanh, cốc ngọc thuỷ tiên.
Thoáng hiện ra một cảm giác bình yên,
Và đầm ấm — êm đềm và đầy đủ.
Mưa vẫn gội. Xa xa tràng pháo nổ,
Bỗng phá tan bề tịch mịch đêm khuya…
Ngoảnh mặt đi, thầm lặng bước chân đi:
Hỡi người bạn! Anh định về đâu đó?

7. Trước cảnh cao rộng

(Trên bờ bể Đồ Sơn một buổi chiều)
Mặt trời dần khuất.
Vòm cao, mây lững thững về.
Chiếc thuyền xa buồm thẳng, không đi.
Trên bể phẳng như tấm màn lụa xám,
Bãi bể ướt, sắc trời in loáng.
Tôi bước lên, người trong cõi hư vô.
Ta vẳng nghe tiếng gió mơ hồ,
Tiếng rủ rỉ của hàng thông im đứng,
Với tiếng sóng đổ xô từng phút lặng.
Tôi rộng nhìn ra bốn phía xa khơi:
Cảnh minh mang riêng có bóng hình tôi,
Đang thơ thẩn với nỗi lòng bát ngát.
Như một kẻ bộ hành ngơ ngác.
Lạc vào nơi đồng đất hoang vu,
Tôi mang theo một mối hoài u,
Tim chẳng thấy nhẽ uyên thâm trong tạo vật,
Ngừng bước nản tôi trông vời Bí mật
Trông bầu xanh nét mặt nghiêm trầm.
Trông bốn phương trời nước mịt mù tăm.
Và tôi hỏi: Biết tìm đâu, Chân lý?
Cao Thâm hỡi! Ôi Vô Cùng Vô Để!
Mây hằng bay, sóng hằng cuốn, gió không ngừng
Nghe thấy chăng? Hay ngờ biết cùng chăng?
Nỗi thao thức một tâm hồn nhỏ bé.

8. Người phóng đãng

Tặng Vũ Đình Quỹ
Hà Nội mưa phùn mù mịt.
Lá bàng rơi, rơi từng mầu đỏ chết:
Phố vắng hai bên lặng ngắt như tờ.
Tôi bước lên, chân đếm những vần thơ.
Mặc gió lạnh bên tai sùi sụt thổi
Và để mặc lòng không đang khóc đói.
Phấn mưa bay, đọng giọt bám quanh vành
– Như điểm tràng ngọc chuốt sáng long lanh –
Chiếc mũ triều thiên trên đầu thi sĩ.
Cảnh buồn rũ. Tâm hồn tôi vui trẻ,
Cùng Nàng Thơ lựa chọn các mầu thơ.
Để tả hơi lam ôm ấp vừng cây xa,
Với lớp nhà giốc ngược hình trên đường loáng.
Trời thấp. Mây âm thầm, và nặng.
Gội bâng khuâng lên thành phố với lòng tôi.
Tôi rảo bước đi trong nhịp reo cười,
Rũ bụi nước trên mình cùng nỗi buồn trong trí.
Gió thổi ấm dần đường vắng vẻ,
Thi hứng nồng nàn, tôi mải tiến lên,
Cho đến khi Hà Nội sáng trưng đèn,
Mới sực nhớ: đêm nay không chỗ nghỉ.

9. Ác mộng

Tặng Nguyễn Trọng Phấn
Tôi mơ thấy đang nằm trên vũng máu,
Chống tay lên nghe tiếng những hồn kêu.
Khắp bốn phương loè loẹt lửa trời chiều,
Muôn vật đắm trong một màu đỏ khé.
Tôi chợt hiểu: hình ảnh đời là thế;
Có phải còn vui đẹp lắm đây chăng?
Tôi muốn quên đi trong thú mơ màng,
Và gượng cất tiếng cười che tiếng khóc.
Nhưng Số Mệnh vẫn chưa vừa lòng độc,
Nhất định dùng quyền lực hại tôi chơi,
Bắt tôi hết đau khổ lại ngược xuôi,
Trên hòn đất, than ôi! Thân kiến muỗi.
Thắt lại rồi buông, tha ra mà đuổi,
Không sớm cho tan nát hẳn thân hèn.
Tôi muốn lịm đi một giấc cầu yên,
Thì kéo dậy, lay hồn cho mở mắt!
Trên vực thẳm, một ngón tay khe khắt.
Khiến tôi nhìn ra khắp cõi mênh mông,
Là chốn nhân gian đang uống máu nồng,
Nuốt một nửa, còn phun nhau một nửa.

10. Lời than thở của nàng Mỹ Thuật

Tặng Nguyễn Đỗ Cung
Em đứng em buồn cạnh khóm lau,
Khóm lau than trước gió đêm thâu,
Gió thâu khóc với trăng thâu lạnh.
Ai biết tình quân em ở đâu?
Than ôi! Mới được mấy thu nay,
Gặp gỡ tình quân giữa cảnh này
Là chốn em quen cười với gió,
Với trăng, với nước, với mây bay…
Hoạ sĩ qua chơi lúc bấy giờ.
Lòng em phơi phới trí ngây thơ:
Em xinh, em đẹp quá không biết,
Không biết vì em ai ngẩn ngơ.
Lân la, người khách lạ nên quen,
Rồi ngón tay tình chắp mối duyên.
Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quen.
Em thấy chàng yêu mới nhớ ra
Tên em là Đẹp, bạn em là
Bao nhiêu cảnh tượng, muôn hình sắc:
Ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa…
Em càng trang điểm để thêm xinh,
Và để mầu tươi của Ái tình
Điểm khắp bầu trời thêm vẻ đẹp,
Hồ kia thêm biếc, núi thêm xanh.
Hay đâu cơn gió lạ đâu đâu
Thổi lại cho em những mối sầu:
Bạn ngọc thưa về, em khắc khoải,
Cười, nhưng phảng phất vẫn lo âu.
Rồi bỗng ngày kia em mới hay
Tình quân em đã chán nơi đây.
Chàng đi theo dõi tơ duyên khác.
– Hỡi mộng lòng ơi! Ôi bóng mây!
Nay biết cùng ai ngỏ nỗi niềm?
Tình quân không dám ở cùng em,
Yêu nhau, yêu cả trong gian khổ:
Chàng dám vinh hoa mải miết tìm.
Như nàng Ngọc Nữ ở Thiên Thai,
Tiếc mãi chàng Lưu vẫn luyến đời,
Em đứng bên trường ân ái cũ,
Rồi em than khóc bạn tình ơi!
Rồi ánh trăng kia, với gió thâu,
Với gương hồ lạnh, với ngàn lau,
Với bao cảnh đẹp vui khi trước
Ủ rũ vì em nặng khối sầu.

11. Khúc ca hoài xuân

Tặng Nguyễn Tường Cẩm
Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát;
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời.
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt.
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!
Khách đa tình ơi! Mùa xuân đã hết.
Này nghe tiếng diều sáo dẫn mây đi,
Có phải chăng, đầy những lời tha thiết?
Lời tiếc xuân như hát khúc phân ly.
Ta rắp nâng lời chào ngày mới mẻ,
Vì Đông, Thu, hay Hạ cũng như Xuân;
Cũng có tình riêng với lòng thi sĩ.
Ta vui ca trông ngày tháng xoay vần.
Nhưng ta thấy ai kia đang tựa cửa,
Tiếc bóng chiều, đôi mắt dõi chân mây.
Ta cảm nỗi hoài xuân cùng thiếu nữ,
Cùng cô em đôi má đỏ hây hây.
Nên ngừng bút khoan vẽ mầu chói lói,
Của ngày hè muôn cảnh sắc tưng bừng,
Cất tiếng hát, trông cô em ta gọi:
Hỡi giai nhân! Nghe tiếng hát ta chăng?
Nghe tiếng ta trong bóng ve reo mát,
Trong lời chim, trong giọng sáo chơi vơi…
Hãy gắng quên nỗi bâng khuâng man mác,
Mà vui đi! Thiếu nữ đa tình ơi!

12. Mấy vần ngây thơ

Tặng Nguyễn Lương Ngọc
TÔI
Suốt đêm thức để trông ai,
Ô kìa ánh lửa đỏ ngời phương đông.
Nhởn nhơ cây núi nhuộm hồng,
Đẹp như cô gái yêu chồng đêm nao?
CÔ MÁN
Đêm qua trăng khóc trên trời,
Để cho nước mắt nó rơi trên cành,
Giọt châu trắng, lá cây xanh,
Anh kia có biết tâm tình tôi chăng?
TÔI
Kìa cô con gái thẩn thơ,
Đứng trên đỉnh núi trông chờ ai đây?
Cỏ bay cái váy cũng bay…
Trên không con nhạn đón mây chập chờn.
CÔ MÁN
Chập chờn con nhạn đón mây,
Cỏ cao đơn gió, tôi đây trông chồng.
Lòng tôi anh biết cùng không?
Ngày tưng bừng cũng lạnh lùng như đêm.
TÔI
Đêm ngày cô những lạnh lùng,
Bởi chưng cô chửa có chồng, như ai.
Hỡi cô con gái kia ơi!
Thôi đừng khóc nữa, kẻo tôi thêm buồn.
CÔ MÁN
Tôi buồn tôi lại buồn thêm,
Tôi trông mây nước tôi thèm duyên tơ.
Mắt tôi, nước mắt như mưa,
Tôi không muốn gạt, tôi chờ ai lau.
TÔI
Ai lau nước mắt cô mình?
Dưới đây duy có một mình ta thôi.
Cầm khăn lòng những bồi hồi,
Lệ ta cũng chửa ai người lau cho.
Thân ta lưu lạc giang hồ,
Giận đời muốn khuất những trò đảo điên,
Để lòng theo đám mây huyền,
Mây đưa ta bước tới miền gió trăng.
Ở đây mây núi, cây rừng,
Nước non thanh sạch cách chừng phồn hoa.
Chim đèo nhắn gió đèo ca,
Du hồn như một giấc mơ không cùng.
Giữa nơi bát ngát mịt mùng,
Tấm lòng thơ cũng nặng lòng ái ân.
Thân tuy muốn thoát duyên trần,
Nhưng còn vương mối nợ trần muôn năm.
Đờn lòng, ta sắt ta cầm
Lại đây hoà điệu, hoà âm, ta cùng.
Du dương chung khúc mơ mòng…
– Mây cao với núi trập trùng kia ơi!

13. Thức giấc

Tặng Phạm Đình Tân
Gió mây đuổi giấc mơ màng,
Tỉnh ra thấy ánh trăng vàng bên chăng.
Trước cửa sổ, đầy sân những bóng
Cành lá đen lay động vật vờ…
Một cơn gió vội vàng qua;
Sau hiên sào sạc mấy tầu chuối xanh:
Lá bay chạm bức mành vắng vẻ;
Muỗi bên màn se sẽ than thân;
Sâu thềm rủ rỉ âm thầm
Nối muôn đêm, một tiếng ân hận dài;
Dế chân cỏ siết mà bóng tối;
Bờ lau xa quốc gọi buồn theo;
Trời khuya rạng rỡ đìu hiu,
Thoảng nghe lọt tiếng sáo diều trong trăng.

14. Bên sông đưa khách

Tặng tác giả “Đời mưa gió”
Lòng em như nước Trường Giang ấy,
Sớm tối đưa chàng tới Phúc Châu.
(Lời kỹ nữ)
Trời nặng mây mù. Mấy khóm cây
Đứng kia, không biết tỉnh hay say,
Đỗ bờ sông trắng con thuyền bé,
Cạnh lớp lau già, gió lắt lay.
Tôi tiễn đưa anh đến tận thuyền
Để dài thêm hạn cuộc tình duyên;
Thuyền đi, tôi sẽ rời chân lại.
Tôi nhớ tình ta, anh vội quên.
Thuyền khách đi rồi tôi vẫn cho
Lòng tôi theo lái tới phương mô?
Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn.
Không khóc, vì chưng mắt đã khô.
Đâu biết rằng anh cũng chỉ là
Khách chơi giây lát ghé chơi qua;
Rồi thôi, níu áo không tình nữa,
Để mặc tình ai khỏi ước mơ.
Tôi chỉ là người mơ ước thôi,
Là người mơ ước hão! Than ôi!
Bình-minh chói lói đâu đâu ấy,
Còn chốn lòng riêng u-ám hoài.
Mà biết vô duyên vẫn cứ mong,
Trăm năm ôm mãi khối tình không,
Trọn đời làm kẻ đưa thuyền khách:
Thuyền chẩy bơ vơ đứng với sông.

15. Hái hoa

Nhẹ nhàng, em hái đóa hồng tươi,
Dưới vẻ xuân chào buổi sớm mai,
Trong lúc chim xuân mừng nắng mới
Nhuốm đào sắc trắng khóm hoa mai.
Em thấy lòng chan chứa cảm hoài.
Lẳng lơ gió lá nhủ bên tai:
Vườn xuân đằm thắm tình âu yếm,
Thơ thẩn vì đâu, xuân nữ ơi!
Tình quân em ở chốn xa xôi,
Chắc thấy xuân sang, cũng ngậm ngùi
Cho kẻ tựa thời gian ngóng bạn,
Mắt buồn trông thấy cảnh xuân vui.
Rũ hạt sương hoa, giọt lệ rơi,
Nâng hoa ân ái để lên môi
Tình quân nếu cũng trông mây, hẳn
Cảm thấy tình em thả tuyệt vời.
Có ai đem hộ đóa hồng tươi,
Để bạn lòng em đón lấy cài
Bên phía trái tim chàng thổn thức:
Trông hoa hằng tưởng miệng em cười.

16. Cây đàn muôn điệu

Gởi cho Tứ Ly
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười,
Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,
Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu đàng.
Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ đội.
Anh dù bảo: tính tình tôi thay đổi,
Không chuyên tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ,
Cũng như vẻ Đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng.
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;
Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;
Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;
Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;
Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;
Thú sán lạn mơ hồ trong ảo mộng;
Chí hăng hái đua ganh đời náo động:
Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.
Tôi sẵn lòng đau vì tiếng ai bi,
Và tôi cảm khái bởi những lời hăng hái.
Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi,
Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,
Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,
Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu,
Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu;
Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn mầu:
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu:
Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu.

17. Lời mỉa mai

Tặng Lan Sơn
Rũ bụi mờ trắng áo,
Tôi ngoảnh trông lại quãng đường đời,
Sống với người ta chừng hăm sáu năm thôi,
Mà tôi thấy mình đã nhiều tuổi lắm.
Vì có lẽ bao nhiêu mùi cay đắng,
Bao nhiêu hồi gian truân
Tới bao nhiêu lớp chông gai trên bước phong trần
Tôi đã nếm, đã quen, đã trải,
Nỗi đau khổ, hỡi lòng ơi! Có phải
Đã khiến cho thời xuân thắm của ta
Mau đi tới buổi thu già?
Có phải chăng nỗi ưu tư quá sớm
Đã sớm in bao nét răn lên trán,
Đã khiến cho cả đến miệng ta cười
Cũng ngậm đầy những vể mỉa mai?
Ngày xưa, lòng còn dễ tin, trí còn bỡ ngỡ,
Mắt còn thấy toàn mầu rực rỡ,
Tôi dấn bước đầu trong cảnh trần gian.
Mang tâm tình người niên thiếu nồng nàn,
Tôi yêu đời. Nhưng bị người ghen ghét.
Tôi muốn dâng tấm tình yêu tha thiết,
Yêu say mê, yêu đắm đuối cho giai nhân,
Nhưng lòng tôi chân thành, chỉ đằm thắm ái ân,
Tôi chỉ giầu riêng tình cảm,
Thứ tiền tài mà giai nhân không hám!
Mang vết thương, tôi đi tìm kẻ tâm giao,
Nhưng thân thế tôi là thân thế ba đào,
Không được lúc bình yên vui có bạn.
Rồi tủi phận, trơ vơ, chán nản,
Chẳng tin yêu, mà cũng chẳng thương ai
(– Vì tình duyên, ân nghĩa ở đời,
Cho cả nỗi sầu tư đau xót nữa,
Cho đến cả chân tình, than ôi! tôi cũng sợ
Là những trò giả dối của người ta –)
Tôi ngược suôi trên đường thế mịt mờ,
Giữa những đám chen chúc, dập dồn và náo động
Vẫn như bước trên cánh đồng xa rộng,
Bấy nay thui thủi một mình.
Nhưng trong khi phấn đấu đua tranh,
Lòng nhân thế gian ngoan mà lòng tôi ngờ vực,
Trong những lúc giang hồ cay cực,
Vừng cây xanh bỗng réo rắt tiếng chim ca,
Khiến cho người non nước động hồn thơ…
Tôi đứng lại, đưa tay lau mắt lệ
Mà vui ngắm cảnh tươi cười mới mẻ;
Tôi thực lòng hưởng phút say sưa.
— Vì cảnh thiên nhiên không lừa dối bao giờ.

18. Tôi muốn đi

Gửi cho Vũ Văn Hiền
Ngày xưa, lòng còn dễ tin, trí còn bỡ ngỡ
Mắt còn thấy toàn mầu rực rỡ,
Tôi dấn bước đầu trong cảnh trần gian…
(Lời mỉa mai)
Tôi muốn đi bên cạnh cuộc đời,
Trăm năm theo dõi đám mây trôi,
Mê xem những cảnh chiêm bao biến,
Hạnh phúc lòng riêng đó, bạn ơi!
Đời tôi duy đẹp lúc còn thơ,
Sự thực bùn than bởi đã mở
Sau bức màn tiên: lòng đang đột,
Ngày xanh không ám chút ưu tư.
Cặp mắt xưa kia thấy những hoa;
Miệng cười đưa đón tháng năm qua;
Xuân tươi chắc hẳn không ngày cỗi
Những tuổi thơ ngây tưởng chẳng già.
Lòng thơ xưa có ngón tay tiên
Mơn trớn; tai nghe tiếng dịu hiền
Của gió vờn hoa, trăng dỡn lá;
Đa tình, yêu vẻ đẹp thiên nhiên.
Đắm đuối say mê có thế thôi;
Nợ lòng êm ái. Nhưng chaoôi!
Mắt trông ngày rõ đường gian hiểm,
Ngờ vực lòng đo đắn mọi người.
Hai mươi sáu tuổi mà xem nhường
Quá nửa đời dầu dãi nắng sương.
Các chén chua cay hồ dốc cạn,
Trăm lần ôm nặng nỗi bi thương.
Đã quyết bao phen khổ cũng cười,
Nhưng đời vui đẹp quá, anh ơi!
Những vai ganh ghét cùng gian trá
Diễn kịch trần gian mãi chẳng thôi.
Cho nên tôi muốn sống riêng ra,
Chép tiếng đời tiên đặt khúc ca.
Tôi hát, anh nghe, quên khó nhọc
Trong khi lận đận trên đường xa.
Tôi đi tìm lại tuổi xuân xanh,
Tìm lại lòng tôi với chút tình
Trong trắng ngây thờ hồi trẻ dại.
Bước đời ngang dọc để riêng anh.

19. Tự trào

Tặng Tú Mỡ
Thế Lữ là một chàng kỳ khôi:
Sống hôm nay không biết có ngày mai,
Cũng không thiết nhận cảnh đời trước mắt.
Tính giản dị, lại ưa điều bí mật,
Trưa mùa hè đi vẽ cảnh đêm trăng,
Ở Đồ Sơn thuật truyện trên rừng.
Đến khi lên thượng du, có lẽ
Anh lại nghĩ chuyện vẩn vơ dưới bể.
Người vụng về, yên lặng chẳng ai ưa,
Có bao nhiêu nết xấu chẳng thèm chừa,
Ăn mặc thì lôi thôi, lốc thốc:
Đến Hà nội với chiếc quần cộc lốc,
Với đôi giầy vải trắng mang từ hạ sang đông;
Chiếc mũ dạ vàng, dúm dó, bẩn vô song,
Đội mưa nắng suốt từ Nam ra Bắc.
Đời dị nghị đến thế nào cũng mặc
Đi giữa đường anh cứ ngước trông trời,
Và dươngđương vui vẻ như người
Không bao giờ, không đời nào biết khổ.
Các bạn hữu ái ngại dùm, thường dỗ:
— “Anh dại chi mà lãng phí mất bao ngày?
“Nghe chúng tôi, cứ tới ở đây,
“Có tài trí thì cùng người thi thố,
“Chứ quạnh hiu đời còn đâu là thú?
“Đến ở đây mà vùng vẫy, đua ganh,
“Mua lấy cho mình đôi chút công danh”.
Thế Lữ nghĩ ba hôm mới nói:
“Ồ phải đấy!” Rồi ở ngay Hà nội,
Anh ta vừa hoạt động, vừa mơ màng;
Lúng túng như anh mán học làm sang
Trong một bộ áo quần rất lịch sự.
Học đo đắn, học dè, học giữ,
Học chen vai thích cánh, – học ra đời!
Nhưng chẳng bao giờ bỏ được tính dở hơi:
Là cứ tưởng trần gian, ai cũng tốt.
Ở đời này quá thực thà là dốt!
Anh ta nào có biết đâu rằng
Có bao nhiêu đức tính cũng không bằng
Chỉ khôn khéo, gian ngoan là đạt tất!
Bỗng hôm nay, rầu rầu nét mặt,
Vắt bên tay “bộ quần áo văn minh”
Anh đến bảo tôi rằng: “Cái bước công danh
“Thực chẳng có chút nào thi vị cả!
“Đừng đón hỏi, đừng dỗ dành tôi nữa,
“Để cho tôi yên sống đời riêng tôi.
“Cuộc đời lang thang giản dị, nhưng mà vui,
“Riêng cùng với Nàng Thơ làm bầu bạn.
“Cái sung sướng phồn hoa tôi đã chán!”
Rồi bỏ quên bao nỗi giận, buồn qua,
Anh ta buông bộ lốt chẳng nên thơ
Và giữ lại chiếc mũ tàng, đôi giày trắng,
Với chiếc áo đã lợt mầu vì sương nắng,
Anh ta đi, đi tìm chị Ly Tao
Mà ít lâu nay không biết trốn nơi nào!

20. Bông hoa rừng

Tặng Đoàn Phú Tứ
Trèo lên trên đỉnh non cao
Nghe lời chim gọi, gió dào dạt thưa…
Bỗng đâu gặp gỡ tình cờ,
Cô nàng cao váy ỡm ờ đứng trông,
Tóc cô gió lẳng lơ chòng,
Nắng vàng rỡn cặp má hồng hồng tươi.
Mắt như nước lặng in trời,
Cánh đào thắm nét miệng cười trong mơ.
Khiến ta lòng những say sưa:
“Phải người ta vẫn đợi chờ, đây chăng?”
Trái tim đếm bước ngập ngừng,
Lại gần ta hỏi ai rằng: “Ai ơi!
Theo đường nước chẩy mây trôi.
Để lòng ra khắp phương trời, ta xem
Ở đây nhắn gió đưa chim,
Ở đâu thiếu nữ trông tìm người yêu.
Tới đây thấy cảnh đìu hiu,
Phải chăng người ở trên đèo mong ta?”
Bồi hồi, ta đợi lời thưa,
Nhưng cô sơn nữ hững hờ trông mây…
Sóng rờn đôi mắt lung lay,
Tình xuân nồng đượm đôi mày thanh thanh,
Cười duyên đắm đuối trời tình
Lòng ta như muốn tan thành hư không.
Ta ôm thiếu nữ trong lòng:
Người yêu thoắt biến thành bông hoa rừng.
Bông hoa nay vẫn còn hương,
Lòng ta còn vết đau thương, không cùng,
Đính hoa ở một bên lòng,
Ngàn năm tiếc giấc mơ mòng khi xưa.

21. Mộng ảnh

Dưới bóng dâm tàn lá,
Một giòng suối chẩy mau.
Bọt nước quanh mình đá
Phun bông trắng phau phau.
Người đẹp đứng bên nguồn
Óng ả như mình liễu
Mái tóc tả tơi buông
Mặc gió cành trêu ghẹo
Cánh tay ngà lơi lả
Vít chĩu nhành cây xanh,
Lá vàng bay lả tả:
Như bướm lượn quanh mình.
Làn sóng mắt ngây thơ,
Nét miệng cười tươi thắm.
Chân đá nước hững hờ,
Khiến cho ta mê đắm,
Ta, tấm lòng man mác,
Vin hái quả cây tươi
Ngoảnh dâng cho Nhan Sắc,
– Người đẹp đã đâu rồi.

22. Vẻ đẹp thoáng qua

Hôm qua đi hái mấy vần thơ,
Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ:
Cảnh tĩnh trong hoa chim mách lẻo.
– Gió đào mơn trớn liễu buông tơ.
Nước mát hơi thu thắm sắc trời,
Trời xanh, xanh ngắt đượm hồng phai.
Ái ân, bờ cỏ ôm chân trúc,
Sau trúc, ô kìa! xiêm áo ai?
Rẽ lá, thi nhân bước lại bên
Mấy vòng sóng gợn mặt hồ yên,
Nhởn nhơ vùng vẫy ba cô tắm
Dưới khóm hoa quỳnh lá biếc xen.
Hồ trong như ngọc tẩm thân ngà,
Lồ lộ da tiên thô sắc hoa,
Mỉm miệng anh đào tan tác rụng,
Tóc buông vờn mặt nước say xưa.
Say xưa, người khác lạ bồng lai,
Giận lũ chim kia khúc khích hoài.
Van khẽ gió đừng vi vút nữa.
– Nhưng mà chim, gió có nghe ai?
Lời oanh trên liễu, yến bên hồng,
Hạc ở trong không, phụng dưới tùng,
Bỗng chốc cùng nhau cao tiếng hoạ,
Đờn tiên rộn rã khắp tiên cung…
Hoa lá cùng bay bướm lượn qua,
Người tiên biến mất, — Khách trông ra:
Mặt hồ nước phẳng nghiêm như giận.
– Một áng hương tan, khói toả mờ.

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Thế Lữ

Nhà thơ Thế Lữ - Nhà thơ có nhiều đóng góp cho thi ca nước nhà thời kỳ thơ mới 3
Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Thế Lữ

Tiểu sử nhà thơ Thế Lữ

Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ (nhưng cũng có tài liệu ghi là Nguyễn Thứ Lễ), sinh ngày 10 tháng 6 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ. Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa “người khách đi qua trần thế” lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy[1]. Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.
Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn – Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị đưa rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha). Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm có được gặp một đôi lần, nên theo như Thế Lữ nhớ lại, chủ đề chính từ khi ông còn bé cho đến năm 10 tuổi là xa cách, nhớ thương người mẹ ruột của mình. Sống ở xứ Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây với những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe từ nhỏ đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông sau này.

Cuộc đời nhà thơ Thế Lữ

Thế Lữ (13 tuổi) cùng mẹ và em gái (1921)
Thế Lữ học chữ Nho khi lên 8 tuổi, học chữ Quốc ngữ khi lên 10. Sau khi anh trai mất, ông được quay trở về Hải Phòng ở với mẹ. Ở Hải Phòng, ông học tư với cha của Vũ Đình Quý, người bạn thân đầu tiên của ông. Ít lâu sau, ông xin vào học lớp Đồng ấu của trường Pháp Việt (École communale) mới mở ở Ngõ Nghè. Năm 1924, ông thi đỗ Sơ học (cepfi), sau đó ốm một năm. Khi đó, mới 17 tuổi, Thế Lữ đã lập gia đình với Nguyễn Thị Khương, người vợ hơn ông 2 tuổi.
Năm 1925, ông vào học Cao đẳng Tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, học được 3 năm thì bỏ[10]. Những năm học Thành chung, ông chịu tác động từ tinh thần yêu nước của giới học sinh, qua báo Việt Nam hồn từ Pháp gửi về, cũng như từ những thầy giáo như Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Linh ở Hải Phòng. Theo Nguyễn Đình Thi, thì đến năm 1930, khi Hội Thanh niên chuyển thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Thế Lữ dù tán thành đường lối của Đảng, nhưng do gia đình theo Công giáo nên không thể gia nhập.
Năm 1929, ông lên Hà Nội, thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cũng chỉ một năm rồi lại bỏ do bất mãn với một giáo sư và giám hiệu của trường. Ở trường mỹ thuật, ông chơi thân nhất với những bạn như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc; cùng với Vũ Đình Liên, Ngô Bích San, Hoàng Lập Ngôn… tổ chức một salon littéraire, chuyên thảo luận về văn học.
Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, với những truyện đầu tiên ghi lại những gì ông nghe thấy khi ở Lạng Sơn. Được sự khuyến khích của Vũ Đình Liên, Thế Lữ đã gửi các tác phẩm đầu tay của mình cho Nhà xuất bản Tân Dân, ký thêm bút danh tưởng tượng “Đào Thị Tô cùng viết với Thế Lữ” nhằm thu hút sự chú ý. Hai cuốn Một truyện báo thù ghê gớm và Tiếng hú hồn của mụ Ké sau được Vũ Đình Long khen ngợi và cho in ra, điều này cũng đã khuyến khích Thế Lữ rời bỏ trường Mỹ thuật. Một nguyên nhân khác nữa bởi ông bị lao, tuy nhiên sau đó được chữa khỏi bệnh. Từ bỏ con đường hội họa, Thế Lữ bước hẳn sang hoạt động sáng tác văn chương.
Danh mục tác phẩm của nhà thơ Thế Lữ 
Thơ
Mấy vần thơ (1935), 47 bài thơ
Mấy vần thơ, tập mới (1941)
Nhớ rừng
Kịch
Dương Quý Phi (1942), gồm hai vở:
Trầm hương đình
Mã Ngôi Pha
Người mù (1946)
Cụ đạo sư ông (1946)
Đoàn biệt động (1947)
Đề Thám (1948)
Đợi chờ (1949)
Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (1952)
Thế Lữ cũng là dịch giả nhiều vở kịch của Shakespeare, Goethe, Schiller,…
Truyện
Vàng và máu (1934)
Bên đường thiên lôi (1936)
Lê Phong phóng viên (1937)
Mai Hương và Lê Phong (1937)
Đòn hẹn (1937)
Gói thuốc lá (1940)
Gió trăng ngàn (1941)
Trại Bồ Tùng Linh (1941)
Thoa (truyện ngắn, 1942)
Truyện tình của anh Mai (truyện vừa, 1953)
Tay đại bợm (truyện ngắn, 1953)
Ba hồi kinh dị (truyện ngắn, 1968)
Lời bài hát
Xuân và tuổi trẻ (1946) phổ lời cho nhạc bởi La Hối

Vinh danh nhà thơ Thế Lữ

Sau khi qua đời, Thế Lữ tiếp tục được ghi nhận như một nghệ sĩ tiên phong, đặc biệt có công lớn trong việc mở đầu phong trào Thơ mới và là “người đầu tiên đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở nước ta trở thành chuyên nghiệp và có công xây dựng nó trở thành một nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh”. Trong lời truy điệu dành cho Thế Lữ, Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Dương Ngọc Đức phát biểu:
“ Thế Lữ là một trong những người đầu tiên đã đưa kịch nói lên sân khấu Việt Nam. Ông cũng là nhà đạo diễn số một, đầu tiên ở nước ta, là người đưa kịch nói từ trình độ nghiệp dư lên chuyên nghiệp… Xét về phương diện này, Thế Lữ xứng đáng được gọi là Người sáng lập ra nền kịch nói Việt Nam. ”
Ông đã được dựng tượng đặt ở chính giữa Nhà truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam, có tiền thân là Đoàn Kịch nói Trung ương do ông sáng lập. Năm 2000, Thế Lữ được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu cho hai tác phẩm Cụ đạo, sự ông và Đề Thám, hai vở kịch được ông sáng tác và biểu diễn trong những năm kháng chiến.
Thế Lữ đã được đặt tên cho một số đường phố ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh:
Đường Thế Lữ thuộc xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh
Thế Lữ, phường Mân Thái và An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng
Thế Lữ, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng
Đường Thế Lữ, phường Thuận Lộc, Huế, Thừa Thiên – Huế.
Trên đây là những bài thơ hay của nhà thơ Thế Lữ và đôi nets về tiểu sử của nhà thơ do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm hiểu biết về nhà thơ bạn nhé

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *