Nhà thơ Tố Hữu - Nhà thơ với những sáng tác sống mãi với thời gian 1

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Cùng chúng tôi điểm qua những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu cũng như đôi nét về tiểu sử của nhà thơ qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu - Nhà thơ với những sáng tác sống mãi với thời gian 2
Tổng hợp những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu

1. Từ Ấy

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…

2. Nhớ Chế Lan Viên

Nhớ Anh, tìm đến thăm nhà
Ngổn ngang phố chợ, ai là tâm giao
Xóm quê Bà Quẹo, lối vào
Chế ơi, ngõ vắng, đâu nào vườn lan!
Đơn xơ nhà nhỏ hai gian
Đôi cây chuối mật, một giàn mướp hương.
Thương Anh, biết mấy là thương
Một đời thơ những vấn vương lẽ đời…
Mất còn, thôi thế, Chế ơi!
Tĩnh Viên mà động lòng người nghìn năm
Tiếng đàn xưa gọi tri âm
Yêu sao, bạn trẻ viếng thăm sáng này!

3. Một Tiếng Đờn

Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi lệ bỗng tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.
Ôi kiếp trăm năm được mấy ngày
Trời xanh không gợn áng mây bay
Thủy chung son sắt nên tình bạn
Êm ấm lòng ta mỗi phút giây.
Còn khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim luôn sát muối oán hờn
Còn đây một chút trong đêm lạnh
Đầm ấm bên em một tiếng đờn.

4. Mưa Rơi

Mưa rơi đầm lá cỏ
Mái tóc em ướt rồi,
Đôi má em bừng đỏ
Muốn hôn quá… mà thôi
Sợ em mình xấu hổ
Cầm hai bàn tay nhỏ
Xa nhau, chẳng muốn rời.
Em đi, đường đất mưa rơi
Bùn non son quánh chân đồi Phù Ninh
Em đi anh nhớ dáng hình
Cái khăn mỏ quạ, cái mình áo nâu
Chiều nay heo hút rừng sâu
Mưa nguồn suối lũ biết đâu mà tìm?
Ước gì anh hoá thành chim
Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn!

5. Đêm Giao Thừa

Đêm nay pháo nổ giao thừa
Mà người chiến sĩ không nhà còn đi
Truông dài, bãi rộng, đồng khuya
Người đi như chẳng nhớ gì tết xuân
Người đi quên hết gian truân
Say mê như một dân quân trên đường
Xóm làng phảng phất quê hương
Nước non man mác tình thương mặn nồng
Song trong mưa gió lạnh lùng
Tái tê chân cũng ngại ngù bước gieo
Nép lưng vào miếu tranh nghèo
Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng.

6. Lượm

Ngày Huế đổ máu,
Chú Hà Nội về,
Tình cờ chú cháu,
Gặp nhau Hàng Bè.
Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh,
Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…
– “Cháu đi liên lạc,
Vui lắm chú à.
Ở đồn Mang Cá,
Thích hơn ở nhà!”
Cháu cười híp mí,
Má đỏ bồ quân:
– “Thôi, chào đồng chí!”
Cháu đi xa dần…
Cháu đi đường cháu,
Chú lên đường ra,
Ðến nay tháng sáu,
Chợt nghe tin nhà.
Ra thế,
Lượm ơi!
Một hôm nào đó,
Như bao hôm nào,
Chú đồng chí nhỏ,
Bỏ thư vào bao,
Vụt qua mặt trận,
Ðạn bay vèo vèo,
Thư đề “Thượng khẩn”,
Sợ chi hiểm nghèo!
Ðường quê vắng vẻ,
Lúa trổ đòng đòng,
Ca-lô chú bé,
Nhấp nhô trên đồng…
Bỗng loè chớp đỏ,
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ,
Một dòng máu tươi!
Cháu nằm trên lúa,
Tay nắm chặt bông,
Lúa thơm mùi sữa,
Hồn bay giữa đồng.
Lượm ơi, còn không?
Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh.
Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…

7. Người Con Gái Việt Nam

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?
Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành
Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!
Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.
Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa…
Cả nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần
Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!
Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!

8. Táo Rụng

Đạn bom giặc Mỹ phá ngày đêm
Trường học rời xa, phố vắng thêm
Đường sấu lâu rồi im tiếng guốc
Xuân về, táo rụng nhớ đàn em…

9. Tiễn Đưa

Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương!
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường!
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
Đi đi, non nước chờ anh đó!
Tiền tuyến cần thêm? Có hậu phương…

10. Sợ

Đêm lạnh lều rơm không liếp cửa
Hai đứa mình ôm nhau trên sàn nứa
Nằm bên nhau, nghe má ấm trong tay
Sợ tiếng gà gáy sáng, hết đêm nay…

11. Vỡ Bờ

Bão rơi rồi lại mưa tuôn
Bể dâng nước mặn, lụt nguồn tràn sông
Hai phen nước bạc ngập đồng
Hai phen nước mắt đầy lòng héo hon!
Chưa nguôi khóc mạ chết non
Ruột đau như mất đứa con đầu lòng
Lệ cay đã đổ ròng ròng
Nghẹn ngào khóc lúa đòng đòng đen thâm
Trời ơi! Công khó quanh năm
Bỗng tiêu tan dưới lụt ngâm mấy ngày
Cửa nhà, vốn liếng lâu nay
Gió mưa một trận, vụt bay cả rồi!
Ngẩn ngơ trông ruộng trong trời
Khổ ơi là khổ,  buồn ơi là buồn!
Vì ai đê vỡ nước tuôn
Để cho lụt bể, lụt nguồn triền miên?
Chém cha lũ giặc cường quyền
Gian tham cướp sạch của tiền dân ta
Đàn ca đú đởn xa hoa
Túi đầy chẳng chịu nhả ra một hào
Mặc ta chống với trời cao
Đê điều sụt lở bay nào biết chi!
Yên vui, bay cứ ngủ khì
Mặc ta với ruộng, chết đi nửa người!
Còn chi đâu nữa vụ mười
Mà bay cứ chực cướp nồi cơm ta?
Chém cha cái lũ giặc già
Dân ta tức nước vỡ bờ rồi đây!
Đói lòng không thể khoanh tay
Anh em ơi quyết phen này dậy lên!
Đồng tâm đoàn kết vững bền
Đánh tan Nhật-Pháp giành quyền tự do.
Mai sau lúa mới đầy bồ
Việt Nam ta mới ấm no đời đời!

12. Đôi Bạn

Một đêm tối không mưa mà gió lạnh
Thổi đìu hiu vào những chấn song dày
Tôi nằm rên, đói lắm, đã năm ngày
Đèn đợi tắt. Bỗng bên ngoài lặng lẽ
Có tiếng bước chân ai, dặt dè, nhẹ nhẹ
Rồi âm thầm hiện trước cửa xà lim
Một bóng đen. Người lính gác đi rình?
Tôi nghĩ thế, và làm thinh chỉ ngó.
Cái bóng sẽ nghiêng đầu qua cửa sổ
Rồi kêu vô bằng giọng cổ: “Tường ơi!”
Tiếng quen quen. À phải, bạn đây rồi!
Tôi nhỏm dậy, tới gần se sẽ đáp:
“Bác đấy bác? Tường đây, mai lại gặp
Đêm lạnh rồi, cơ khổ bác mang tơi!”
Cái tơi gà xích lại ngó vào tôi
Rồi nức nở: “Tường ơi! Anh đói lắm?
Tôi chỉ sợ qua đây đà quá chậm
Mất anh rồi, tôi khổ biết bao nhiêu!”
Cả lòng tôi khi ấy rố trăm chiều!
Tôi muốn nói một đôi lời an ủi
Nhưng lại sợ động lòng anh quá vội
Nên nghẹn ngào, chỉ ấp úng: “Bác ơi!
Thôi bác đừng khóc nữa, khổ lòng tôi!”
Người lính sẽ đưa tay, chùi nước mắt
Tôi những tưởng nỗi lòng anh tạm tắt
Nhưng mà không, anh mếu máo: “Tường nầy!
Mới khi mai, cụ sứ tuốt lên đây
Hắn nói rứa: “Chết thì cho manh chiếu!”
Rồi không đợi tôi phân trần anh hiểu
Người bạn già lại nức nở trong tơi…
Biết làm sao ngăn cản được bằng lời
Tiếng khóc của chân tình đau đớn ấy!
Tôi chỉ đợi cơn buồn anh dịu lại
Mới nên lời khuyên giải một vài câu:
“Bác đừng nên khóc nữa, đã chi đâu
Đói chỉ mới dăm ngày, chưa đến liệt
Mà dẫu phải mai đây rồi sức kiệt
Anh em tôi có chết một đôi người
Chết đôi người nhưng để được ngày mai
Quyền lợi cướp giành lui cho kẻ sống
Thì chết đó có chi đâu là uổng?
Dứt đời đi mà vẫn cứ yên lòng!
Đời chúng ta còn lắm nỗi lao lung
Mà muốn sống, phải xông vào cái chết
Phải tranh đấu đến kì cùng, quyết liệt
Còn một giây, còn một chút tàn hơi
Là phải còn tranh đấu mãi không thôi
Lấy xương máu mà chọi cùng sắt lửa!”
Người lính gác đứng im, không khóc nữa
Chỉ nghẹn ngào kể lể với lòng tôi:
“Rồi anh em nếu chết một đôi người
Đau đớn thế, tôi sao cầm nước mắt?”
Tôi chẳng nói, chuồi tay qua cửa sắt
Và ngậm ngùi: “Bác cầm lấy tay cho!”
Cái bàn tay lính riết cái tay tù
Đôi cơ thể tưởng ôi hoà trộn máu.
Với tất cả bao nhiêu tình ngọc báu
Của đôi linh hồn khổ tối hôm nay
Phút đậm đà, tôi sẽ kéo bàn tay
Dày dạn đó, nghe chuyển đầy sức mạnh
Và cúi xuống hôn nồng trong tay lạnh…
Rồi bâng khuâng đôi bạn dưới đêm mờ
Trông lên trời le lói ánh sao sa
Cùng im lặng để nghe lòng chung điệu.

13. Hai Đứa Trẻ

Tôi không dám mời anh đi xa lạ
Tìm đau thương trong xã hội điêu tàn
Kể làm sao cho hết cảnh lầm than
Lúc trái ngược đã tràn đầy tất cả!
Này đây anh một bức tranh gần gũi:
Nó thô sơ? Có lẽ. Nhưng trung thành.
Nó tầm thường? Nhưng chính bởi hồn anh
Chê chán kẻ bị đời vui hắt hủi.
Hai đứa bé cùng chung nhà một tuổi
Cùng ngây thơ, khờ dại, như chim con
Bụi đời dơ chưa vẩn đục hồn non
Cùng trinh tiết như hai tờ giấy mới.
Ồ lạ chửa! Đứa xinh tròn mũm mĩm
Cười trong chăn và nũng nịu nhìn me.
Đứa ngoài sân, trong cát bẩn bò lê
Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím!
Đứa chồm chập vồ ôm li sữa trắng
Rồi cau mày: “Nhạt lắm! Em không ăn!”.
Đứa ôm đầu, trước cổng đứng treo chân
Chờ mẹ nó mua về cho củ sắn!
Đứa ngây ngất trong phòng xanh mát rượi
Đây ngựa nga, đây lính thổi kèn Tây.
Đứa kia thèm, giương mắt đứng nhìn ngây
Không dám tới, e đòn roi, tiếng chưởi!
Vẫn chưa hết những cảnh đời đau khổ
Nhưng kể làm chi nữa, bạn lòng ơi!
Hai đứa kia như sống dưới hai trời
Chỉ khác bởi không cùng chung một tổ:
Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ
Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê.

14. Tháp Đổ

Ai lẩn thẩn đem màu tươi hoa lá
Rắc trên cành khô chết nhựa trong cây ?
Ai khờ dại nhặt từng viên gạch rã
Băng bó sườn cổ tháp đã lung lay ?
Cây dù gượng xanh lại ngày xuân cũ
Tháp dù mong hàn lại vết phong sương
Mộng ảo tất! Gió lùa cây xiêu đổ
Tháp chênh vênh tan sập dưới chân tường
Thi sĩ hỡi! Đi tìm chi vơ vẩn
Trong hồn già đã chết những yêu mơ ?
Có lành đâu vết thương đầy oán hận
Có tan đâu khi uất tự bao giờ ?
Này hãy nghe cả lâu đài xã hội
Chuyển rung trong biển máu ngập tràn trề.
Này hãy nghe một thời đang hấp hối
Trong mồ đêm dĩ vãng sắp lui về.
Hãy cắt đứt những dây đàn ca hát
Những sắc tàn vị nhạt của ngày qua
Nâng đón lấy màu xanh hương bát ngát
Của ngày mai muôn thuở với muôn hoa.

15. Hồn Chiến Sĩ

Em hãy vặn dây đàn lên tí nữa
Và hãy cao giọng hát khúc sầu bi
Đưa ngón tay nhỏ mềm, em hãy lựa
Tiếng đàn sao cho nức nở, lâm ly!
Em không khóc, nhưng sao anh muốn khóc
Em không than, anh lại những buồn đau
Con chim non không đợi chờ cánh mọc
Cơ khổ em mới ngần ấy tuổi đầu!
Vui sao được, hở em, thân gầy gõ
Ôm đàn đi chưa vững trên đường mòn
Trí vẩn vơ nghĩ đến đàn em nhỏ
Vây quan giường mẹ ốm ngóng chờ con.
Trẻ nhà sang nô đùa trong bóng mát
Em lạnh lùng nhìn chúng, bước chân qua
Em mạnh bạo chống bất công, tàn ác
Không cầu xin, không cất tiếng kêu ca
Em sẵn có linh hồn người chiến sĩ
Ngạo nghễ cười với nắng sớm sương đêm
Buông tiếng dây não nùng em mai mỉa
Cả một thời dưới ách nặng, nằm im!

16. Dửng Dưng

Du khách bảo đây vườn kín đáo
Với hương dìu dịu, ý ngàn xưa
Thời mây xanh nhạt màu hư ảo
Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ…
Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng,
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
Ven bờ sông phẳng con đò mộng
Lả lướt đì về trong gió mai…
Thành quách trăm năm sầm mặt lạnh
Ngọn cờ uể oải vật vờ lay
Lâu đài đường bệ màu kiêu hãnh
Áo gấm hài nhung cánh phượng bay.
Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi…
Ý chết đã phơi vàng héo úa
Mùa thu lá sắp rụng trên đường
Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa ?
Cây hết thời xanh đến tiết vàng!
Ai tưởng ngàn năm nương đất ấy
Mầm non thêm nhựa, lá thêm tươi
Ôi mỉa mai hồn ta chỉ thấy
Rêu hèn sống gửi nhánh khô thôi.
Ai tưởng thiên đường sao nhấp nhánh
Tài hoa tinh kết, ngọc long lanh
Ta chỉ thấy nơi đây mồ lạnh
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh.

17. Như Những Con Tàu

Khi ta đã say mùi hương chân lý
Đời đắng cay không một chút ngọt bùi
Đời đau buồn không một tiếng cười vui
Đời đen tối phải đi tìm ánh sáng
Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng
Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công
Như những con tàu giữa biển mênh mông
Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến.
Cũng có lẽ, hỡi bạn đời yêu mến
Bờ đương mờ, hải cảng vẫn còn xa
Có lẽ nhiều mỏm đá với phong ba
Sẽ đánh đắm một đôi tàu mỏng mang!
Đời tranh đấu có bao giờ yên tĩnh
Bạn đường ơi! Nhưng nếu chí bình sinh
Ta đem phơi trải với dạ chung tình
Với huyết khí của tinh thần mãnh liệt ?
Sự sống đã phát sinh từ cái chết
Thì gian nguy hiểm nạn có hề chi!
Ta hãy là đoàn chiến hạm ra đi
Hùng dũng tiến, đạp muôn đầu ngọn sóng
Tương lai đó, trước mặt ta, biển rộng
Trên đầu ta, lồng lộng gió trời cao!
Rồi mai đây, giữa một buổi xuân đào
Ta sẽ tới ru mình trong vịnh bạc.

18. Ý Xuân

Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui chút với trời hồng!
Hết lạnh rồi, gió bắc với mưa đông
Đây nắng tới với chim ca lanh lảnh
Thì vui chút cho hồn thêm nhựa mạnh
Gân thêm săn và máu hận thêm nồng!
Đời lạt mùi và đau đớn bất công
Là để việc cho đời xuân sức khoẻ
Kiêu hãnh chút, bạn đời ơi, tuổi trẻ
Say tương lai là tuổi của anh hùng!
Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ
Và tị hiềm, và gian dối điêu vong!
Đứng lên đi, hởi tuổi trẻ xung phong
Sóng cách mạng đang gầm rung thế giới!
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui lắm, cả trời hồng!

19. Lạnh Lùng

Với gió bắc, đi về rét mướt,
Nương chuối già nghe lạnh sẽ rùng mình
Vài chim quen thưa thớt ở đầu cành
Còn lưu luyến ngày tàn trong nắng yếu…
Tìm chi em, trong sương chiều thất thểu,
Chân ngại ngùng e lạnh của ngày đông,
Chờ chi em mà vơ vẩn buồn trông
Cây xơ xác chìa tay khô gầy gỏ?
Em run rẩy thầm nghe trong tiếng gió,
Mùa thu qua, qua hết những tình thương
Mà tim em khao khát lượm trên đường!!
Rồi đây… lạnh, đây mưa và lặng lẽ,
Em sẽ bước, mình em, trong vắng vẻ,
Còn ai đâu, ái ngại, đứng nhìn em,
Còn ai đâu buông nhẹ một lời êm?
Cửa gài then sẽ thờ ơ chẳng mở,
Như bao cửa lòng khô không hé nữa!
Biết chăng em, hỡi bạn chơ vơ!
Anh từng phen ngừng bước thẫn thờ
Chạnh lòng tưởng chốn phương trời xa vắng
Một tấm lòng yêu thương trong yên lặng!

20. Hai Cái Chết

Thôi đã hết ngượng ngùng và bỡ ngỡ
Ôi dịu dàng, êm ấm, phút tình thân!
Làn môi khô sẽ mấp máy đôi lần,
Lão đau đớn trông tôi mà nức nở:
Anh có hiểu cô đơn là nỗi khổ
Của lòng tôi? Thất thểu giữa muôn người
Vẫn thấy mình trơ trọi; muốn tìm nơi
Đầy nắng rát, vẫn còn nghe tái lạnh!
Mùa thu trước, hai tay gầy mỏng mảnh
Còn dắt bồng hai đứa cháu mồ côi,
Tôi buồn lo ngày chẳng đủ cơm nuôi,
Và dại nghĩ: “Thà “xong” đi một đứa!”
Thì ra… thật! Non ngày, con khát sữa,
Chết chiều mai. Tôi không khóc lại mừng:
Chính đời tôi đã giết chết tình thương
Mà khốn khổ vẫn đọa đày xác heo1
Ôi lạt lẽo là những ngày lạnh lẽo!
Mùa đông sang, băng giá cả lòng ai…
Tôi bảo thầm: “Không nhẽ chết chùm hai”,
Và vui nguyện về mồ cho cháu sống.
Nó chẳng sống! Ngày hôm sau, trước cổng…
Một lầu cao, nó chết trong lòng tôi
Giữa “tình thương” lưu luyến của… đàn ruồi!
Rồi từ đấy, một mình, tôi mới biết
Cái đáng buồn, đáng sợ nhất: cô đơn!
Và đây anh, cả một khối căm hờn
Mà tôi đã vun vì hai cái chết!

21. Cảm Thông

Hỡi anh lính gác đêm ơi
Ngoài anh đứng đó, trong tôi chưa nằm
Dòm qua lỗ cửa âm thầm
Bóng anh, với một tình trăm năm rồi!
Đợi chi biết mặt quen lời
Tôi yêu anh với tình người khổ đau
Anh buồn thân thế lao đao
Bâng khuâng chỉ biết nhìn sao xa vời…
Lại đây anh lính đêm ơi
Can chi mà để sầu rơi một minh?
Lại đây đi chút, nghe anh
Lại đây với bạn tâm tình một đêm
Nói đi anh, hết nỗi niềm
Để chi e ấp buồn thêm héo lòng!
Nói đi anh, chớ ngại ngùng
Buồn anh, tôi sẽ góp cùng buồn tôi
Buồn ta là cửa buồn đời
Buồn ta không chảy thành đôi lệ hèn
Buồn ta, ấy lửa đương nhen
Buồn ta, ấy rượu lên men say nồng
Ấy nguồn thân mến cảm thông
Giữa hồn uất hận, giữa lòng đau thương
Lại đây, hỡi bạn đêm trường!

22. Bầm Ơi!

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…

23. Cánh Chim Không Mỏi

Chiều nay gió lặng, nắng hanh
Mây hồng trắng nõn, trời xanh, Bác về
Sông hồng nắng rực bờ đê
Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa
Bác đi, muôn dặm đường xa
Hôm nay tuyết lạnh, nay vừa nắng lên
Bác về, tóc có bạc thêm?
Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?
Hỡi Người, tim những thương yêu
Cánh chim không mỏi sơm chiều vẫn bay
Chim kêu tung cánh chim bay
Ba mươi sáu triệu chim bầy gọi nhau
Chim kêu ríu rít trên đầu
Mùa cam đương ngọt địa cầu của ta
Giá sương đương hẹn mùa hoa
Nắng xuân từ Mạc-tư-khoa đã về.
Sông hồng nắng rực bờ đê
Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa
Hoa ơi, con gái của cha
Cha nâng con nhé, làm hoa mừng Người.
Bác về, vui đó, con ơi!
Bác hôn các cháu, bác cười với dân
Ngày vui vui những hai lần:
Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà.

24. Tâm Sự

– Bạn hỏi vì sao đất nước này
Ngày đêm khói lửa vẫn hăng say
Tóc tang lòng vẫn không cay đắng
Gánh nặng đường xa chẳng chuyển lay?
Có lẽ nghìn năm đã dạn dày
Anh hùng xưa để giống hôm nay
Khổ đau nhiều mới yêu thương lắm
Quen vượt trùng dương lái vững tay.
– Thù bạn đời nay có khác xưa,
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa?
Chợ trời thật giả đâu chân lý?
Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa?
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…
Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù:
“Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước
Rắn, mình em chịu, có sao đâu!”
Chân lý, mặt trời soi sáng mãi
Lỗi lầm âu cũng bóng mây qua
Lương tâm đều vẫn trong như ngọc
Tình nghĩa anh em lại một nhà.

25. Tiếng Chổi Tre

Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Những đêm đông
Khi cơn dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác…
Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.
Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!

26. Những Ngọn Đèn

Không gì thương bằng đôi mắt đen
Của người yêu nhìn ta đăm đắm
Không gì thân bằng những ngọn đèn
Trên đường đêm canh trời thăm thẳm.
Một túp lều rơm giữa cánh đồng
Mái chòi xơ xác gác ven sông
Đôi cành tre tạm che mưa gió
Những ngọn đèn treo, đỏ ấm lòng.
Đã mấy đêm rồi, xuân lại đông
Ngọn đèn như mắt của ai trông
Ngọn đèn như trái tim thương nước
Soi bóng ta đi rực lửa hồng
Ôi biết bao tình, bạn nhớ không ?
Ngọn đèn đồng chí giữa cơn dông
Tôi không rõ mặt người em ấy
Chỉ thấy trong đêm một bóng hồng…

27. Tri Âm

Phải mấy hoa hồng, một giọt hương
Phải bao núi đá, hạt kim cương
Hỡi ai, số phận yêu thương ấy
Được mấy tri âm, bấy dặm đường…

28. Duyên Thầm

Hà Nội duyên thầm… Lặng lẽ xuân
Lưa thưa mưa bụi, rét tần ngần
Trời chưa thắm biếc, từ hơi đất
Hay tự lòng ta, toả ấm dần.
Lá vàng cứ rụng, nẩy mầm tơ
Căng nhựa cành non, chẳng đợi chờ
Én liệng tầng xanh, mang nắng tới
Như một niềm tin, một ước mơ…
Hồ Gươm, mắt long lanh bích ngọc
Nhìn đời ta, nay chẳng vui sao ?
Đường mở rộng, vươn dài, ngang dọc
Bao phố phường lên những lầu cao.
Hàng nội ngoại nhập tràn chợ mới
Nụ cười tươi chào khách lạ quen
Áo thời trang, tím hồng chấp chới
Bạc vàng lao vào cuộc đỏ đen.
Có ai cân được máu ngày qua
Trăm mối buồn lo, nỗi xót xa
Có ai tính được bao tình nghĩa
Giá thị trường của mỗi hồn ta ?
Muôn đời trời đất tặng mùa xuân
Xin sáng lòng ta một chữ Nhân
Cuộc sống, dẫu chưa giàu có lắm
Nghìn năm Hà Nội vẫn duyên thầm!

29. Dầu Và Máu

Một giọt dầu, bao giọt máu rơi
Một giếng dầu, bao người tan xác!
Biển dầu cháy, bỏng sôi sa mạc
Khét lửa bom, cái Ác hoá thiên thần.
Không đổi máu lấy dầu!
Không thể làm con thiêu thân
Cho bay ném vào hoả ngục.
Máu của ta, máu của nhân dân
Là máu Thánh. Phải dành cho hạnh phúc
Của chính ta! Cho sa mạc hồi sinh
Cho ngày mai ấm áp nhân tình.
Dẫu hôm nay ngạo nghễ bay lũ diều hâu Nhà trắng
Sẽ là ta, người sau cùng chiến thắng.
Dầu-máu này là của chúng ta!
Máu-dầu này là của chúng ta!

30. Chân Lý Vẫn Xanh Tươi

Không nỗi đau nào riêng của ai
Xi-mô-nốp, nếu còn anh trên đời này nóng bỏng
Có lẽ anh sẽ ca một bài ca “Hy vọng”
Như ngày xưa, anh hát “Đợi anh về”
Giữa mùa đông băng giá tái tê
Tôi lại nhớ Lê-nin
Sắp ra đi, vẫn thanh thản niềm tin
Con Người thắng, vì “Tình yêu cuộc sống”
Thật vậy ư? Như trong cơn ác mộng
Chuông nhà thơ rung cùng tiếng cầu kinh
Mấy kẻ đốt đền, quỳ gối cầu xin
Thiên đường máu, từ tay bầy quỷ dữ:
Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử
Cào chiến công, xé cả xác anh hùng
Ôi! nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi lẽ nào ta tự sát?
Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát
Và cả bay quân cướp nước, giết người
Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi
Cách mạng Tháng Mười vẫn mở đường đi tới.
Từ đổ nát, ta lại xây dựng mới
Rũ bùn dơ, mặt đất sẽ thanh tân
Không sức nào ngăn nổi sức nhân dân
Ngày mai sẽ là ngày mai cộng sản!

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu - Nhà thơ với những sáng tác sống mãi với thời gian 3
Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Tố Hữu

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 – 9 tháng 12 năm 2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tiểu sử sự nghiệp nhà thơ Tố Hữu

Năm 1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. Tháng 3 – 1942, ông vượt ngục Đắc Glêi (nay thuộc Kon Tum) rồi tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với Đảng (về hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế.
Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và nhà nước:
1948: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam;
1952: Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ;
1954: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền;
1963: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam;
Tại đại hội Đảng lần II (1951): Ủy viên dự khuyết Trung ương; 1955: Ủy viên chính thức;
Tại đại hội Đảng lần III (1960): vào Ban Bí thư;
Tại đại hội Đảng lần IV (1976): Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương;
Từ 1980: Ủy viên chính thức Bộ Chính trị;
1981: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Phó Thủ tướng) cho tới 1986. Ngoài ra ông còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương.
Trong thời gian phụ trách mảng văn nghệ, ông là người đã phê phán quyết liệt phong trào Nhân văn – Giai phẩm (1958). Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá II và VII.
Năm 1969, ông được giao là người sửa cuối cùng bản điếu văn trong tang lễ chủ tịch Hồ Chí Minh. Tố Hữu đã dùng ngòi bút và tâm huyết của mình để giúp cho bản điếu văn hay hơn, đi vào lòng người hơn:
Bản dự thảo viết: “Thưa đồng bào, Thưa các đồng chí và các bạn”. Tố Hữu sửa lại thành: “Thưa đồng bào và chiến sỹ cả nước, Thưa các đồng chí và các bạn”
Bản dự thảo viết: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất lớn lao này không gì bù đắp được”. Tố Hữu sửa lại thành: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn”.
Bản dự thảo viết: “Phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết”. Tố Hữu sửa lại thành: “Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết”.
Bản dự thảo viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sản sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Tố Hữu bỏ chữa “sản”, trở thành: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Sau năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện. Ông bị mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ những năm 1980 nên bị miễn nhiệm các chức vụ về quản lý, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội và các chức danh lãnh đạo về văn học nghệ thuật.
Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ngay trong đợt xét tặng đầu tiên (năm 1996).
Ông qua đời lúc 9 giờ 15 phút 7 giây, ngày 9 tháng 12 năm 2002 tại Bệnh viện 108.

Những sáng tác của nhà thơ Tố Hữu

Các tác phẩm
Từ ấy (1937 – 1946), 72 bài thơ
Việt Bắc (1947 – 1954), 26 bài thơ
Gió lộng (1955 – 1961), 25 bài thơ
Ra trận (1962 – 1971), 35 bài thơ
Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973)
Máu và Hoa (1972 – 1977), 13 bài thơ
Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981)
Một tiếng đờn (1978 – 1992), 74 bài thơ
Ta với ta (1992 – 1999)
Nhớ lại một thời (hồi ký, 2000)

Bài thơ tiêu biểu
Bác ơi
Bà má Hậu Giang
Bài ca xuân 1961
Bài ca quê hương
Bầm ơi!
Con cá chột nưa
Có thể nào yên?
Đi đi em!
Đời đời nhớ Ông
Đợi anh về (tập thơ dịch, 1998)
Em ơi… Ba Lan
Gặp anh Hồ Giáo
Hai đứa trẻ
Hồ Chí Minh
Hãy nhớ lấy lời tôi
Hoa tím
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Kính gửi cụ Nguyễn Du
Khi con tu hú
Lao Bảo
Lạ chưa
Lượm
Mẹ Suốt
Mẹ Tơm
Mồ côi
Một tiếng đờn
Miền Nam
Mưa rơi
Năm xưa
Sáng tháng Năm
Stalin! Stalin![8]
Emily, con ơi
Ta đi tới
Ta với ta
Từ ấy
Tâm tư trong tù
Tương tri
Theo chân Bác
Tiếng chổi tre
Tiếng hát sông Hương
Tiếng ru
Với Lênin
Vườn nhà
Việt Bắc (thơ, 1954)
Việt Nam máu và hoa
Xuân đang ở đâu…
Xuân đấy.

Phong tặng và Giải thưởng văn học chính

Giải nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955 (tập thơ Việt Bắc)
Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ “Một tiếng đờn”.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1, 1996)
Huân chương Sao Vàng (1994)
Nhiều giải thưởng, danh hiệu khác…

Trên đây là những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu và đôi nét về tiểu sử của nhà thơ do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những thông tin cần thiết liên quan đến nhà thơ Tố Hữu bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *