Nhắc đến nhà thơ Tú Mỡ, ta không quên những trang thơ đầy độc đáo và ấn tượng của ông. Ông cảm nhận được tất cả và đã giữ lại trong thơ mình như một tang chứng sống của thời cuộc. Tính chất hiện thực là một đóng góp đặc sắc của Tú Mỡ vào nền thơ công khai hồi ấy, chất trào phúng nằm ngay trong sự việc. Nếu bạn yêu thích nhà thơ này thì hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết này nhé!

Hoạ “Gửi đùa bác Tú Mỡ” chơi

Kể chi xa cách, bạn thơ ơi,
Lời gửi thăm nhau miễn tới nơi.
Đủ mỡ, tôi không phì nộn lắm,
Tăng sương! Bác chớ quở quang hoài!
Rượu chè, tiên vẫn say sưa khướt?
Thơ phú người thuê, viết lách trôi?
Nghe nói Hiếu gầy hay Hiếu ốm?
Hôm nào thư thả Hiếu lên chơi.

Khóc người vợ hiền

Bà Tú ơi! Bà Tú ơi!
Té ra bà đã qua đời, thực ư ?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm maị
Đâu bóng dáng con người thùy mị,
Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi,
Vần còn khỏe mạnh, vui tươi,
Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh.
Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ
Một cô nào thiếu nữ thanh tân.
Vậy mà cái chết bất thần
Cướp ba1 đi mất, vô ngần xót xa!
Kể từ thuở đôi ta kết tóc,
Thấm thoát gần năm chục năm qua
Thủy chung chồng thuận vợ hòa,
Gia đình hạnh phúc thật là ấm êm.
Tôi được bà vợ hiền thuần thục,
Cảm thấy mình tốt phúc bao nhiêu!
Đôi ta cùng một cảnh nghèo,
Đạo chồng vợ lấy chữ yêu làm nền.
Nhớ khi giường bệnh đã nằm,
Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng
“Tôi mà chết thì ông sẽ khổ,
Vì, cứ theo câu cổ ngữ ta
Xưa nay con cái nuôi cha
Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông.”
Bà ơi, hãy dầu lòng yên dạ,
Giấc nghìn thu cho th?o vong hồn,
Bà đi, đã có dâu con,
Một lòng phụng dưỡng, chăm nom bố già.
Tôi có khổ, âu là chỉ khổ
Vì thiếu bà, nhà cửa vắng tanh,
Khổ khi thức giấc tàn canh
Bên giường trống trải một mình nằm trơ.
Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước
Pha ấm trà chén nước mời nhau.
Giờ tôi chẳng thấy bà đâu,
Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi…
Khổ những lúc ra sân mê tỉnh
Ngắm vườn nhà thấy cảnh thênh thang,
Mà bà khuất núi cho đang,
Quả cau tươi, látrầu vàng ai xơi ?
Khổ trông thấy cái cơi còn đó,
Đã khô trầu, khô vỏ, khô cau.
Ba thước đất đã vùi sâu
Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi
Ngẫm: cảnh già cuộc đời sung sướng,
Tưởng vợ chồng còn hưởng dài lâu
Không ngờ con tạo cơ cầu,
Bà đi, để tủi dể sầu cho tôi
Ôi! Duyên nợ thế thôi là hết,
Năm mu_ơi năm thám thiết yêu nhau!
Bà về trước, tôi về sau
Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui
Bà đi rồi nhưng tôi phải ở,
Công việc đời còn dở tí thôi,
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi,
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà…

Khoe lười

Anh em chớ bảo ta lười,
Làm việc cho hay phải thức thời.
Xuân hãy còn chơi cho phỉ chí,
Hạ mà cất nhắc tất nhoài hơi.
Thu sang cảm nguyệt còn ngâm vịnh,
Đông lại hầm chăn tạm nghỉ ngơi.
Chờ đến xuân sang ta sẽ liệu,
Anh em chớ bảo ta lười.

Không phải thiến

Gớm mồm bọn chỉ huy Tây
Tuyên truyền quân lính để gây oán tình
Rằng: “Bay phải biết Việt Minh
Nó mà tóm được tù binh thì rầy.
Nó đè ra thiến cu ngay,
Thế là mất gống, đời bay sẽ tàn…”
Chiến trường Vĩnh Phúc vừa tan,
Quân ta áp giải một đoàn tù binh,
Thằng nào thằng nấy thất kinh,
Đang lo đến cái nhục hình bất nhân.
Đột nhiên có lệnh: “Những chân!”
Tiếp theo đến lệnh: “Cởi quần!”. Chí nguy…
Đoàn tù ngơ ngác thầm thì:
“Đích là nó thiến, còn chi mà ngờ”
Thế là một lũ tô hô
Lội qua khe suối sang bờ bên kia.
Vẫn còn nơm nớp sợ ghê,
Ngạc nhiên được lệnh: “A lê! Mặc quần!”
Đoàn tù không khỏi phân vân,
Mãi khi đến lúc đóng quân tạm thời.
Cơm xong, nhân lúc nghỉ ngơi,
Một anh bộ đội ngỏ lời vân vi:
“Chúng tôi dẫn các anh đi,
Trời rét mướt, các anh thì không chăn.
Chúng tôi rất đỗi băn khoăn
Các anh lội suối ướt quần sao đang.
Cởi quần! Nghe lệnh hơi ngang,
Các anh chắc hẳn hoang mang tinh thần.
Bây giờ hẳn hết tần ngần
Và vui lòng được mặc quần ấm khô”.
Đoàn tù cảm động hoan hô,
Mới hay rằng lính cụ Hồ có nhân
Còn phường tướng tá thực dân
Tuyên truyền xảo trá manh tâm bịp lừa.

Lại thăm bác Tản Đà

Hôm kia, chơi phiếm Trung Hà,
Rẽ qua bác Hiếu Tản Đà vào chơi.
Tiểu đồng nói: bác vừa xuôi.
Đi chơi Hà Nội chừng đôi, ba ngày.
Ra đường gặp gái, không may,
Haỵ là Hiếu ấy, Hiếu này vô duyên?
Tiếc rằng chẳng gặp Trích tiên,
Cùng nhau ta dạo chơi miền núi non.
Sẵn gà quay, bánh tây ròn,
Sẵn ba chai bố rượu ngon bồ đào.
Ví chăng, có bạn thi hào,
Chén thù, chén tạc, chừng nào là vui!
Nhưng mà chẳng gặp thời thôi,
Rượu ngon, nhắm tốt, bỏ ôi sao đành!
Rầu lòng gửi lại thiếp danh.
Anh em tìm chốn cây xanh rườm rà,
Ngồi trông núi Tản, sông Đà,
Tưởng chừng bác Ấm như là có đây.
Rót đầy cốc rượu nâng tay,
Vắng ai mời vọng đưa cay cũng tình…

Lỡm cô Ngọc Hồ

(Đề bức ảnh đăng báo Loa nhan đề là Băng Tâm khách)
Trơ tráo kìa ai chẳng sượng sùng,
Mình trần trùng trục thú tình không?
Nõn nà một tấm băng trong muốt,
Thỗn thện hai bầu tuyết trắng trong.
Ngọc thẹn làn môi e ấp miệng,
Hồ ghen sóng mắt đắm say lòng.
Anh hoa phát tiết là như thế,
Ướm hỏi cô em đã mấy chồng?
Tưởng băng trắng muốt, tuyết trong veo,
Tuyết lấm băng nhơ rõ chán phèo.
Tiết sạch coi nhàm, trăng gió nhởn,
Hoa tàn rử mãi bướm ong theo.
Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn,
Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo.
Nhắn khách Băng Tâm ai đó tá,
Mỹ danh hai chữ, nghĩ buồn teo!

Lý Toét đặt tên con

Xưa bà Lý Toét đẻ con giai,
Ông Lý tìm tên gọi với đời.
Phải lúc, tìm trong gia phả họ,
Khỏi nhầm đặt trúng huý tên ai.
Láng giềng Xã Xệ chạy sang chơi:
“Mừng bác trời thương có cháu giai.
Tên đặt là gì cho đệ biết?”
Toét rằng: “Thưa bác cháu là Mơi”.
Xã Xệ nghe tên bỗng tái người,
Thưa rằng:”Xin chớ đặt tên Mơi,
Vì tình xin bác thay tên khác,
Bởi chữ Mơi là huý cụ tôi…”
Vò đầu Lý Toét lại loanh quanh,
Thức một đêm thâu nghĩ bực mình.
Rồi đặt tên Minh cho cậu cả.
Đến nhà hộ lại để khai sinh.
Hộ lại nghe tên bỗng giật mình,
Bảo rằng: “Ấy chết! Cái tên Minh
Trùng danh cụ nhạc quan Tri huyện
Đặt thế rồi sinh sự, sự sinh…”
Lầm bầm, Lý Toét cắp ô về:
“Có cái tên mà rắc rối ghê,
Tên chữ hay ho thường chạm huý,
Âu là bố Toét, đặt con Toe”.
Đặt tên mách qué tưởng rằng yên,
Chẳng huý tên ai, đỡ sự phiền.
Ngán nỗi hôm sau rồi mới rõ,
Trùng tên thằng mõ ở làng trên.
Thành ra cụ Lý nghĩ loanh quanh,
Một cái tên con đặt chẳng thành.
Mãi đến bây giờ, gần dạm vợ,
Vẫn còn chưa có giấy khai sinh.

Một trò chơi không thành

hôm nay các cháu
bài vở xong xuôi
bày một trò chơi
“Bắt phi công Mỹ”
Thằng Hiệp sáng trí
Xếp đặt chương trình
Bắt đầu, chúng mình
Hú còi báo động
Rồi sau vác súng
Đi bắn máy bay
“Thần sấm” lăn quay
“Con ma” bốc cháy
giặc Mỹ lái máy
hốt hoảng nhảy dù
chúng mình cùng hô:
“Xung phong!” Chĩa súng!
thét lên: “Muốn sống!
Giơ tay đầu hàng!”
diễu nó qua đường
nhân dân sỉ vả
việt rằng: “Để tớ
kéo cái ô-tô
sình sịch! Pi pô!
chở súng cao xạ”
tuấn rằng: “Đây tớ,
súng lục đàng hoàng
làm chú công an
giữ gìn chật tự
nguyệt làm phụ nữ
đeo túi cứu thương
thắng vác súng trường
làm anh tự vệ”
như thế, cứ thế
vui thật là vui
nhưng… quên đứt rồi!
ai làm thằng Mỹ?
“Thằng Khánh béo phị
làm Mỹ giống ghê!
muốn bước lặc lè
việt cho mượn ủng”
Khánh ta nổi nóng:
“Chịu thôi! Chịu thôi!
tớ “đét” vào chơi
làm thẳng Mỹ đểu!”
hiệp dù tán khéo:
làm Mỹ vờ thôi…
rốt cục chẳng ai,
chịu làm Mỹ cả
trò chơi rôm rả
vì thế không thành
hỏi ông, ông đành:
Thôi, tuỳ các “tướng”!

Mời vọng Tản Đà

Hôm xưa qua bến Trung Hà
Rẽ qua bác Hiếu Tản Đà vào chơi
Tiểu đồng nói bác vừa xuôi
Đi chơi Hà Nội chừng đôi ba ngày
Ra đường gặp gái không may
Hay là Hiếu ấy Hiếu này vô duyên
Tiếc rằng chẳng gặp trích tiên
Cùng nhau ta dạo chơi miền núi non
Sẵn gà quay, bánh tây giòn,
S8ãn ba chai bố rượu ngon hồ đào.
Ví chăng có bạn thi hào
Chén thù chén tạc chừng nào là vui!
Nhưng mà chẳng gặp thì thôi
Rượu ngon nhắm tốt bỏ ôi sao đành!
Rầu lòng gửi lại thiếp danh
Anh em tìm chốn cây xanh rườm rà
Ngồi trông núi Tản sông Đà
Tưởng chừng bác Hiếu đâu là có đây.
Rót đầy cốc rượu trao tay
Vắng ai ngồi vọng đưa cay cũng tình.

Mùa xuân

Dung dăng dung dẻ
Dẫn trẻ đi chơi
Mùa xuân đến rồi
Ánh xuân tươi sáng.
Đám mây bông trắng
Nổi giữa trời xanh
Gió đưa bồng bềnh
Cao vời lồng lộng
Vườn thênh thang rộng
Cỏ non xanh vờn
Hoa đào tươi thắm
Vườn xuân đầm ấm
Ríu rít chim ca.

Nàng Thơ của tôi

Tú tôi kết bạn với nàng Thơ
Cô ả xinh xinh tính ỡm ờ
Nhí nhảnh nhưng mà hơi khó nết
Hay dằn hay dỗi, ít tơ mơ…
Những sớm bình minh buổi đẹp trời
Cây rung rinh lá, cỏ xanh tươi
Êm đềm tôi thấy lòng thơ thái
Ấy lúc cô nàng quấn quít tôi.
Thủng thỉnh đi đôi, bước dịu dàng
Đồng quê cùng ngắm cảnh mênh mang
Trông mây, nhìn bướm, nghe chim hót
Thi hứng lòng tôi thấy chứa chan.
Nhưng… lúc đưa chân đến sở làm
Vào đời thực tế hết mơ màng!
Vô tình cô ả theo chàng Tú
Tới chốn làm ăn, cảnh rộn ràng.
Tiếng máy rào rào tựa pháo ran
Những hồi chuông bấm tiếng kêu vang
Kẻ đi tất tưởi, người cặm cụi
Giấy má hồ sơ để ngổn ngang.
Công việc hằng ngày Tú vác ra
Giấy tờ sổ sách với “măng đa”
Cô nàng ngơ ngác kề tai hỏi:
“Anh Tú làm chi, chẳng phải thơ!”
Buồn thỉu buồn thiu, Tú băn khoăn
Rằng: “Việc anh làm kiếm gạo ăn
Vương lấy nợ đời nên phải trót
Kéo cày lận đận đã bao xuân.
Chốn này chẳng phải để đôi ta
Thơ thẩn cùng nhau chuyện phất phơ
Nàng hãy dằn lòng lui gót vậy
Hẹn hò khi khác sẽ tơ mơ…”
Cô nàng phụng phịu kém vui tươi
Nhếch một nụ cười rất mỉa mai
Cong cớn nguýt dài, đi mất hút
Mặc anh ký cóp ngẫn ngơ hoài.
Nhớ tiếc tôi đành chỉ nhún vai
Chúi đầu làm trọn việc sinh nhai
Cho qua ngày ấy sang ngày khác
Ba chục năm trời kiếp khổ sai.
Để mặc nàng Thơ với gió giăng
Chơi non chơi nước dạo lăng băng
Có khi vắng mặt lâu lâu lắm
Bỏ lửng nhà thơ chẳng đãi đằng.
Rồi khi cao hứng bất thình lình
Nàng lại về chơi với bạn tình
Đem vẻ vui tươi và nhí nhảnh
Cho mình an ủi cái vong linh.

Ông trẻ già

Ngược đời! Có lắm hạng “ông ranh”
Đạo mạo làm ra mặt lão thành!
Trước mắt long lanh đôi kính trắng,
Dưới cằm lún phún sợi râu xanh.
Đứng ngồi khệ nệ oai nghiêm giả,
Ăn nói màu mè đạo đức tuênh!
Động hé môi ra là…thở hắt,
Than cho thế thái với nhân tình.

Ông là “Ông… thợ cạo”

Nay mai sắp đến Tết
Ông dọn vườn trồng hoa
Đón xuân vườn tươi đẹp
Cũng là một áng thơ
Ông hì hụi làm cỏ
Mảnh vườn sạch như li
Triệt không cho cỏ dại
Lởm chởm nhớp lối đi
Mấy bồn hoa tươi tốt
Nào chân chim, mào gà
Nào lay ơn, thược dược
Sạch cỏ, mọc sởn sơ
Dậu ô rô thẳng tắp
Đầu như xén tông đơ
Ông say mê vườn nhỏ
Thượng uyển của nhà thơ
Thằng Khánh lơ mơ ngắm
Thốt nhiên bật lời ca:
“Ông là ông thợ cạo
Cạo mặt cho vườn hoa!”

Ông và cháu

Làm được ông
Không phải dễ
Biết yêu trẻ
Cho ra yêu;
Biết nuông chiều
Cho đúng độ;
Biết dạy dỗ
Chẳng cần roi;
Biết trò chơi
Cho trẻ thích;
Chuyện cổ tích
Biết thật nhiều;
Kể thế nào
Nghe thật khoái;
Biết gấp giấy
Làm thằng người,
Làm thuyền mui,
Làm tên lửa,
Làm con ngựa,
Làm chim cò…
Biết làm bò
Cho cháu cưỡi;
Bài hát mới
Biết dăm ba,
Dậy hát ca
Và biểu diễn;
Biết xử kiện
Cho thông minh,
Được cảm tình,
Không trái lẽ.
Tính con trẻ
Hay tò mò
Hỏi bất ngờ
Vài câu hóm
Oái oăm gớm
Ai? Tại sao?
Làm thế nào?
Nhiều lúc bí…
Ông phải nghĩ
Đáp cho thông.
Cháu với ông
Hai thế hệ
Già hợp trẻ,
Trẻ hợp già
Vui cửa nhà
Thật hạnh phúc!

Sư cô ở cữ

Chùa Yên Lạc, phủ Khoái Châu
(Tên sao khéo đặt nên câu hữu tình!)
Có bà sư trẻ xinh xinh,
Tuổi chừng ba chục xuân xanh đang vừa.
Vẻ người bầu bĩnh dễ ưa,
Nõn nà tay ngọc, mởn mơ má hồng.
Tuy duyên lộ vẻ mặn nồng,
Sư bà vẫn muốn hết lòng chân tu.
Nhưng rồi một sáng mùa thu,
Người ta thấy vị ni cô sượng sùng.
Bụng đeo cái trống cà rùng,
Đến nhà thương để tìm phòng khai hoa.
Các ngài Bồ Tát, Thích Ca,
Độ trì phù hộ sư bà trẻ son.
Đẻ ra một cậu sư con,
A Di Đà Phật! Mẹ tròn con vuông.
Đẻ xong từ giã nhà thương,
Gởi con nhà nước lên đường lại tu.
Dốc lòng tu… hú, tu… mu,
Tại miền khoái lạc, cảnh chùa yên vui.
Phật thương rồi cứ quen mùi,
Sẽ năm một, ba năm đôi xòn xòn.
Sinh năm đẻ bảy sư con,
Càng ngày quả phúc càng tròn hơn xưa.
Ngẫm ngày mùng tám tháng tư,
Bụt còn đẻ, nữa là sư?! Ngượng gì!

Qua bài viết này chắc hẳn các bạn đã cảm nhận được ngòi bút tài hoa và độc đáo của nhà thơ Tú Mỡ. Hãy cùng nhau cảm nhận và chia sẻ bài viết này đến bạn bè xung quanh nhé!

Tagged: