Ý Nhi là một nhà thơ nữ khá nổi bật của thơ ca cuối giai đoạn chống Mỹ, bà là một gương mặt nổi bật của nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Ý Nhi vượt qua những dòng thơ lãng mạn, bà tìm cho mình một phong cách thơ mới lạ khó nhà thơ nào so sánh được. Ở giai đoạn này bà như một hình tượng của thơ ca được mọi ngưỡng mộ. Với tài năng của mình, bà cho ra đời những tuyệt phẩm giá trị. Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng và cảm nhận nhé!
Ban mai
Thôi đừng buồn nữa anh
Ngày đã ban mai
Ðây ly nước trong
Em mang đến mời anh
Giọt sóng sánh tràn qua mặt gỗ
Ðây thếp giấy tinh nguyên
Em đặt bên bàn
Như nỗi đợi từng ô cửa mở
Ðây tay em
Trong tay anh lặng lẽ
Lời yêu thương, quấn quít chẳng rời xa
Anh nhìn em
Chú chim nhỏ lại về
Thanh thỏa đứng giữa cành mai tứ quý
Một vệt nắng ửng vàng bên lối cỏ
Thôi đừng buồn
Anh nhé
Đã ban mai
Bên thềm nhà Pasternak
Tiếng ồn ào đã lặng
những cơn bão tuyết
những đám cháy hoàng hôn
những rừng cây trơ trụi
những ngọn gió dữ dằn từ thảo nguyên
những hồi chuông báo động
Tiếng ồn ào đã lặng
lời ly biệt đắng cay
sự nhục mạ
nỗi buồn thương
năm tháng nặng nề
Tiếng ồn ào đã lặng
La Ra* không còn nữa
trong băng giá, cô đơn, tù ngục
nàng không trở lại
Màn đã buông
kiếm đã tra vào vỏ
rượu đã cạn ly
sẽ bắt đầu thiên bi kịch khác
Biển chiều
Biển nhẹ nhàng xóa lấp đoạn đường ta đã qua
ngoảnh nhìn lại, chỉ gặp cát mênh mông, lặng lẽ.
Không có con đường nóng như hun trong chiều hạ
không có nhà cao chất ngất
không có dòng người đi như lũ cuốn dưới vòm cây
và những ngọn đèn mầu chói mắt.
Cái đốm lửa hy vọng chập chờn nơi khúc ngoặt
những ý nghĩ về rủi, may, còn, mất
những tính toán chi li và sự nhầm lẫn khôn cùng
những phép tắc ngặt nghèo và cái trớ trêu ngoại lệ
những giá trị không cân bằng luôn đổi chỗ
cái đã vỡ tan, cái mới dựng lên
tất cả mọi điều xa khuất.
Tôi là đứa trẻ muốn kêu to lên để nghe thấy lời mình trong biển
là người đàn bà tìm về kết cục
tôi đang đứng kề bên cái vạch nhỏ xíu
của thủy chung và sự phản trắc, của tan vỡ, và hy vọng,
của hằn thù và tha thứ.
Trong ánh rực rỡ của biển chiều
chỉ còn lại nỗi lo âu vẫn theo ta như chiếc bóng
không thể nắm giữ
cũng không thể lìa bỏ.
Biển miền Trung
Tôi sững sờ trước một sắc nước xanh
như trời thẳm như vô cùng cây lá
mà chẳng phải, chẳng phải là như thế
xanh lạ kỳ nước biển miền Trung
Thoắt biến đi thoắt lại hiện bên đường
như chạy trốn như gọi mời đùa nghịch
sau mỗi cung đường biển oà lên bất chợt
sóng ngời ngời ánh mắt trẻ thơ
Thoáng chút gì như nỗi ưu tư
khi ngày hết trong bóng chiều sẫm tối
một chút gì như niềm bối rối
trước chân trời mênh mông
nhưng lớn lao thanh thản vô cùng
là điều biển cho tôi nhiều nhất
Lòng cảm động nghẹn ngào trước đất
đất khổ nghèo cay cực miền trung
những cây cằn những ruộng nắng cháy lưng
những đồng hẹp bãi cát dài loá mắt
củ khoai gầy với căn nhà mái thấp
con đường dài giữa những cánh đồng hoang
đất nhọc nhằn bao nỗi lo toan
lại chiu chắt cho người biển cả
Chùa trong phố
Phố như thể cuộc đời
dài xa và náo động
mỗi bước chân người đi
mưa dầm rồi nắng bỏng
Chùa như thể bóng cây
giữa tháng ngày vất vả
người mệt mỏi dừng chân
dưới màu xanh che chở
Dẫu bao năm tháng nữa
cuộc đời rồi đổi thay
chùa vẫn còn bên phố
và người còn qua đây
Con
Con – Sự thăng bằng
trên sợi dây hạnh phúc cheo leo
Dẫu chỉ là cơn mưa
Mưa ồn ào mùa hạ
mưa dịu hiền mùa xuân
tháng ba ngày mưa nhuần
vòm hoa xoan tím ngát
Bất cằn trong khô khát
bỗng mát lành sau mưa
cây lá xanh vườn trưa
lại nồng nàn hơi thở
Anh có còn luôn nhớ
cái mùa mưa đầu tiên
con suối nhỏ bên thềm
bỗng cồn cào mùa lũ
Anh có còn luôn nhớ
mùa đông mưa trắng đồi
hoa lau phơ phất gió
Dốc dài và suối Ðôi
Hay chỉ mình em thôi
tháng năm dài vẫn nhớ
như nhớ về đống lửa
như nhớ về mặt trời
chắc bền và rực rỡ
thân gần và xa xôi.
Em chẳng dám quên đâu
những gì mình đã có
để làm nên ngọn lửa
suốt cuộc đời hai ta
dẫu chỉ là cơn mưa
em làm sao quên được.
Dự cảm
Ta đã nghe thấy bước chân người
như nghe thấy hơi mưa trong đám mây chiều hạ
như nghe thấy tiếng sóng của miền ta chưa tới
Và ta
cùng kiệt đã tràn đầy
và ta
bền vững đã chơi vơi
và ta
câm nín đã thốt lời
Và ta
âm thầm soi lối vui tìm đến
Đắc đạo
Dương Bích Liên uống rượu
lặng im
và vẽ
Đã vượt qua mối vướng bận đời thường
đã vượt qua mối vướng bận vinh quang
đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm
khi phải đứng riêng về một phía
Dương Bích Liên uống rượu
lặng im
và vẽ
Những đối cực
Đã tuyệt vời hài hoà trên mặt vải
những tiếng kêu bi thương, cuồng nộ
đã tan trong lặng thinh kỳ bí
và rượu đã thay cho mọi loài ngũ cốc (*)
Rồi ra đi
như một vì sao
chợt tắt giữa bao la
Đêm mùa đông đường Hoàng Diệu
Sương như khói bay mờ trên mái phố
Trăng mơ hồ trong lá biếc vòm cây
Đèn bật sáng như sao về đỗ lại
Người lạ lùng như thức tỉnh, như say…
Ai đi về qua lối phố hôm nay
Trong tiếng gió trở mùa, trong tiếng lá
Nơi thân thuộc, nơi chẳng gì xa lạ
Sao tận lòng muốn nói nỗi yêu thương?
Đêm trước ngày lập xuân
Tàu ngập ngừng trước ga lẻ rồi đi
Gió thổi hút qua hàng xoan không lá
Mưa tê buốt bàn tay ngoài cửa sổ
Làng giữa đồng im vắng đã từ lâu.
Có gì đâu nào có gì đâu
Để em biết ngày mai rồi xuân đến?
Chỉ mắt anh nhìn nơi đầu ga đưa tiễn
Nói cùng em, cùng em.
Đôi khi
Ðôi khi
ta như chiếc gàu thả sâu trong lòng giếng
cứ va đập
va đập mãi vào bờ đất
cho đến hồi
chỉ còn lại một vốc nước nhỏ.
Ðôi khi
ta như đứa trẻ bán hủ tiếu rong
tay cứ gõ hoài hai thanh gỗ mỏng
rồi lắng nghe cái âm thanh khô giòn, quen thuộc ấy
ta đã quên chuyến đi
đã thôi chờ đợi
tiếng gọi của khách hàng.
Ðôi khi
ta như người leo núi rủi ro
không phải vì kém cỏi
không phải vì thiếu can đảm
nhưng mà núi lở
Nào ai có thể bám vào khoảng không.
Ðôi khi
thèm nhớ tuổi mười lăm
qua phà Bính
đi xe ngựa về Thủy Nguyên
hát những bài hát buồn
khi chưa biết nỗi buồn.
Ðôi khi
chợt ứa tràn nước mắt.
Lời nguyện cho anh
Anh có biết bây giờ là tháng mấy ?
Mà sương mù giăng kín cả lối mơ
Để nơi đây có con bé thẫn thờ
Mắt hoen ướt long lanh mong hương nắng
Con bé buồn một mình trong thanh vắng
Lật từng trang, dòng nhật ký – vần thơ
Gió thoảng qua, con bé quên ngày giờ
Nâng cung nhạc, lời ca nghe sầu lắng
Nơi chân Chúa, tay nâng cành hoa trắng
Con bé quỳ lặng bên Chúa bình yên
Chợt nhớ anh, dâng lên Chúa lời nguyện
Mong hạnh phúc mỉm cười bên anh nhé
Lời ca vang trong thánh đường khe khẽ
Con bé về trong cuộc sống tạm quên
Bao nhiêu lời âu yếm với dịu êm
Giờ bình lặng cúi đầu nơi chân Chúa!
Bàn tay ngà trên phím đàn như múa
Ước dịu hiền như vạn đóa hoa hồng
Chẳng còn thương, chẳng còn đợi, ngóng trông
Linh thiêng lắm, lời cầu xin Thượng Đế
Anh yêu hỡi, con bé nhỏ là thế
Yêu thương ai chỉ nói với Chúa thôi
Để mai đây trên những bước cuộc đời
Còn Thượng Đế luôn hằng đi bên nó
Bao lời kinh con bé cầu xin đó
Xin góp thành những nụ nhỏ ngây thơ
Và dệt đan nên hoà khúc đợi chờ
Một mình lặng, âm thầm luôn khấn nguyện!!!
Mưa dạo tháng mười
Những cơn mưa báo rét
Bay mờ cả dốc dài
Ruộng bèo như thảm dệt
Mưa long lanh ngọc trai
Mùa thu vừa đi rồi
Đông hãy còn chưa đến
Mưa trổ lưng chừng đồi
Cỏ may dày lối hẹn
Đi suốt triền núi xa
Hái đôi nhành “mảnh bát”
Mưa đọng đầy nhị hoa
Cho ong ngờ là mật
Cây bàng màu nhuốm lửa
Khóm trúc mới đổ vàng
Lòng suối Đôi rộng quá
Chúng mình đưa nhau sang
Những lối mòn màu đỏ
Mưa êm trên mặt đường
Mưa tháng mười dạo đó
Là mùa mưa yêu thương
Ngã ba sông
Con tàu đi trong gió rét màu đông
về thành phố về ngã ba sông ấy
nơi đầu ga cơn mưa dai dẳng vậy
ngờ đâu cuối con đường nắng lên
Ngã ba sông buổi ấy bình yên
màu nước đỏ dường như nhạt lại
con thuyền mỏng như mảnh trăng nằm đợi
cây bên bờ cây còn chưa biết tên
Bao vui buồn ngỡ đã nguôi quên
bỗng lại đến như vì con sóng đó
bao mưa nắng xa rồi không còn nhớ
bỗng lại về vì hàng cây chưa quen
Buồm mở rồi ngọn gió thật dịu êm
tôi chợt hiểu lòng còn tha thiết lắm
chợt nghe cả tiếng bầy chim rất khẽ
chợt nhận ra bông lau kề bên
Trước ngã ba buổi ấy bình yên
tôi vẫn biết những mùa dông gió lớn
tôi vẫn biết một tình yêu độ lượng
sau vui buồn mưa nắng đã đi qua
Ngày đại hàn
Trời rét như tê dại
mà lòng sao không yên
sao chùm hoa cúc đỏ
vẫn một mau đỏ nguyên?
Ý Nhi là một nhà thơ nổi tiếng cùng sự cống hiến miệt mài không ngừng nghỉ mà những thi phẩm của bà luôn đi sâu vào lòng bạn đọc. Qua những bài thơ chúng ta nhận ra được một phong cách thơ mới mẻ và độc đáo khác với những bài thơ dập khuôn khô khan.