Nhắc đến thơ Ý Nhi người ta không khỏi xuýt xoa ngưỡng mộ những vần thơ tuyệt diệu của bà. Những bài thơ của bà luôn mang một màu sắc mới khác với lối thơ truyền thống của Việt Nam. Chính phong cách thơ độc lạ của bà mà những thi phẩm ấy luôn lấy được lòng bạn đọc mạnh mẽ. Nhiều bài thơ của bà được mọi người ca ngợi và vẫn vẹn nguyên giá trị đến hiện nay.

Biển

1
Tôi biết đâu chính chỗ cuối con đường
Tôi lại gặp biển lớn lao, cô độc
Lòng ta những bàng hoàng, choáng ngợp
Những dịu dàng, xa xót trước trùng khơi
Tự khi nao biển đã đứng bên trời
Xanh thăm thẳm một màu chờ đợi
Và tôi đến như thể là biển gọi
Sau dải bờ cát ướt, nắng mùa đông
Tôi đã qua gại cỏ, đất bùn
Qua cánh rừng của cây, đồng bằng của lúa
Có lúc sướng vui, lúc mỏi mòn, kiệt quệ
Nhưng chưa bao giờ như trước biển chiều nay
Có thể nào nói đến nỗi đắng cay
Được giấu kín sau màu xanh trầm mặc
Và tất cả nỗi niềm hạnh phúc
Nơi nhưng triền sóng mặn dẫn về xa
Có điều gì đã vỡ nát trong ta
Đang kết là dưới mặt trời như muối trắng
Bài ca đã lãng quên bỗng thốt lời thương mến
Như thể là gió biển hát qua môi.
2
Biển bao giờ cung đột ngột hiện ra
Ở phía trước những bến bờ cát bỏng
Chân đã bước bồn chồn lên nhịp sóng
Lòng cơ hồ chưa hết nỗi chia xa
Nắng trên đường, mây gió tháng năm qua
Bước thành bại giữa đời nhiều xoay trở
Như đã xa, như chưa bao giờ có
Chỉ còn màu nước biếc đến muôn khơi
Tuổi dễ yêu, dễ hờn giận, qua rồi
Ngày ngắn lại, vui buồn như đá khắc
Lòng gắn bó với mất, còn, tan, hợp
Suốt một đời của biển chẳng nguôi yên
Đâu chân trời cháy rực lúc ngày lên
Miền đất trẻ giọng nói cười mới lạ
Niềm khao khát đón nhận từ biển cả
Côn rung trong nhịp đập tim mình
Dù thời gian rồi sẽ khắc nghiệt hơn
Ta đã có những tháng ngày của biển
Người đã hát qua muôn trùng mưa nắng
Một bài ca xanh thẳm nước non này.

Cà Mau

Đọc câu thơ viết về Cà Mau
Nghe tiếng gió qua nhà đổi khác
Đâu ngọn gió lang thang bao rừng Đước
Đâu khóm bần bãi sú gọi phù sa
Vết bùn non thắm đỏ sắc hồng hà
In theo dấu chân người kiên nhẫn bước
Chiều xao xác trên rừng Tràm cháy rực
Câu thơ bay đi đâu câu thơ về dòng sông
Mái chèo dẫn về đâu sau những bờ kênh
Biển thăm thẳm ngoài xa như sóng đợi
Mẹ có hát ru trong đêm dài mong mỏi
Em có đội khăn rằn dưới nắng ban trưa
Cây có lên xanh trên lá mục nghìn xưa
Sóng có vỗ âm thầm bên mũi đất
Đâu phải câu thơ, đâu chỉ là tiếng hát
Máu, mồ hôi sắc dễ nói nên lời
Mũi Cà Mau thân thiết của tôi
Dù mai nữa tôi chẳng hề đặt bước
Lòng cảm động khi nói về Tổ quốc
Tôi có miền đất ấy, mũi Cà Mau.

Cát

1 – Cát
Như là sự gắn bó của số phận
Tôi lại trở về với cát
Tưởng đã choáng ngợp đời tôi
Những nhọc nhằn, lo âu, những hân hoan, chờ đợi
Tưởng đã khuất lấp mọi điều sau những phố nhà
Sau những tàn lá biếc
Sau những nếp chùa bình lặng
Nào hay đâu có một miền cát nóng
Như hạt mầm trong sỏi đá
Như đốm lửa dưới tàn tro
Ôi phút lạ lùng khi cánh lá mọc lên
Khi ngọn lửa bừng bừng chói sáng
Những gì tôi đã lãng quên, những gì tôi chưa hề biết đến
Bỗng hiện về một miền cát mênh mông, với màu trắng dịu dàng, quyết liệt
Tôi đã đến, tôi đang đặt chân mình trên cát
Cát ròng ròng tuôn chảy dưới lòng chân
Những gì luôn dằn vật đời tôi, những gì từng khiến tôi lo sợ
Những niềm vui tôi che giữ mỗi ngày
Những nỗi buồn chẳng cùng ai chia sẻ
Tôi mang theo như hành lý
Tôi đem hết cuộc đời mình đến cát
Và lòng chợt bình yên, nhẹ nhàng, khoáng đạt
Trước biển cát bỏng khô, chói lọi, vô bờ
2 – Không chết
Đơn độc và kiêu hãnh
Cây Dương vút cao trên đất đai nóng giẫy
Sau hàng nghìn nhà cháy
Sau hàng nghìn căn hầm bị bật tung
Sau hàng nghìn tấn đạn bom
Sau nhưng trận tập kích, bao vây, đổ bộ
Sau những tính toán chi li, những âm mưu cuồng nộ
Như để xanh thay cho từng ngọn Cỏ
Xanh thay cho rừng Dương
Xanh thay cho những khu vườn
Cây Dương mỗi ngày thêm thắm biếc
Mỗi đêm cây Dương là cái đích
Của nhưng người đồng chí trở về
Trong tiếng gió thì thầm qua mỗi tán cây kia
Anh nghe thấy lời đất đai yêu dấu
Ôi lời nói chỉ mình anh hiểu thấu
Chỉ mình anh xao xuyến giữa trời khuya
Chỉ mình anh cảm nhận sự chở che
Của chiếc lá trên vai anh rơi khẽ
Trong phút lặng yên, anh chợt nhớ
Khuôn mặt anh trên những tờ yết thị
Chỗ này chúng nó treo đầu anh với giá mười ngàn
Chỗ khác chúng đặt điều vu khống
Anh cảm thấy rất gần anh những mắt nhìn mong ngóng
Và những lo âu, ngờ vực
Anh đã tay lên cành cây khô ráp
Tưởng như vừa bắt gặp một bàn tay
Cuộc đời anh cũng như gốc Dương này
Anh gánh chịu trên vai cái chết
Và anh phải chứng minh cho những gì bất diệt
3 – Cát (II)
Những người còn sống khi đặt chân lên cát
Tưởng như mình chạm tới thịt xương
Cát ròng ròng tuôn chảy dưới lòng chân
Cát như máu hai mươi năm đã đổ
Trong cát ấy có Mẹ Cha của bao nhiêu trẻ nhỏ .
Có chồng con của bao người goá bụa
Những bạn hè, đồng chí đã hy sinh
Người ta đứng trang nghiêm trước cát bạt ngàn.
Có thể rất nhiều người trong số họ
Không còn tuổi tên trên sử sách
Có thể họ đã chết bình thường, không chiến công hiển hách
Có thể mai sau người ta dần quên
Nhưng họ đã thành hạt cát dưới bàn chân
Thành miền đất chói ngời bên biển sóng
Tôi tìm đến những đền đài tưởng niệm
Nào hay đâu chỉ là cát đấy thôi
Hạt cát nào trong đáy mắt bỏng sôi
Đang lặng lẽ lăn đi trên gò má
4 – Bài ca
Những người hát đã chết khi họ còn rất trẻ
Nhưng họ đã truyền lại bài ca như người ta truyền lửa
Qua đêm đông giá buốt
Như người ta chuyền vũ khí cho chiến hữu
Chuyền gia tài cho cháu con
Trên nẻo đường hiểm nghèo của cuộc chiến tranh
Phút ghê gớm đôi mặt cùng cái chết
Những tan vỡ không thể hàn gắn được
Những bến bờ xa ngái, những chờ mong
Ánh mắt nhìn như đốm lửa trong đêm
Lời trăn trối trên môi người đồng chí
Tiếng sóng vỗ ngoài khơi thầm thì
Ngọn Dương nào cao vút giữa xa xanh
Những xóm làng vùi lấp dưới tro than
Những ý nghĩ không cùng về hạnh phúc
Đó là lời của bài ca dịu dàng, quyết liệt
Như là màu cát trắng quê hương.
Những người đàn bà gánh trên vai hàng chục cái tang
Những trẻ sơ sinh chỉ một mình sống sót
Những người yêu cách xa biền biệt
Những cụ già trơ trọi chẳng cháu con
Là người giữ bài ca suốt tháng năm
Qua tất cả mọi buồn vui, bão sóng
Dù chỉ một lần bước cát nóng
Chỉ một lần hiểu thấu khúc ca kia
Suốt đời tôi chẳng thể bao giờ
Đặt bút viết những điều dối trá.

Chiều

Ngỡ vui buồn của bao tháng ngày qua
kết đọng lại trong buổi chiều thầm lặng
cao chót vót trên tầng cây đốm nắng
đủ cho lòng se lại trước mùa đông.
Chiều lắng mình như cát dưới lòng sông
nước vẫn chảy không yên về phía biển
như mạch quặng nằm sâu trong đáy giếng
ánh mặt trời, tiếng gió đã đi qua
như yêu thương chắt lọc lại bài ca
như hạt muối mặn mòi sau nghìn con sóng vỗ.
Phút yên tĩnh không cần lời nói nữa
dẫu phải nói chăng ta biết nói lời gì
đốm nắng vàng sau những tán cây kia
yên ả cháy, yên ả làm ngọn lửa.

Chiều Tuyên Quang

Vườn nhỏ ven dòng sông
Đơn sơ màu Vạn Thọ
Ai nói cười bỡ ngỡ
Áo vàng như nắng bay
Thành cũ, rêu phong dày
Cây xanh trên bờ đá
Ai ngày xưa nơi đây
Trên chòi canh đốt lửa
Mưa nhoè trên lối cỏ
Chợ chiều, người qua nhanh
Đất đồi như son đỏ
Cây vườn như rừng xanh
Trời mở như cánh buồm
Trên phố nhà ngóng đợi
Người đi, nghe gió gọi
Qua đường chiều Tuyên Quang

Ghi chép

1
Đêm trông vời sao sáng
Đã lo ngày nắng trưa
Mới cầm chùm Vải chín
Đã lo mùa bão mưa
2
Chợt ngoảnh đầu nhìn lại
Bao con đường đã qua
Vẫn một cành Lau ấy
Trắng dịu dàng bên ta.
3
Cây dào dạt những lá vàng trong lá
Hè mới sang, thoắt đã thu rồi
Lòng bất chợt niềm lo âu vô cớ
Một màu mây xa lạ ngang trời
4
Mùa hạ qua rồi
Cơn bão đã đi xa
Sông còn lại một dải hồng bình lặng
Nắng nhẹ nhõm như chẳng là có nắng
Gió sẽ sàng đến khó thể nhận ra
Ai qua cầu sặc sỡ áo hoa
Như muốn kéo một mùa hè trở lại.
5
Cây vàng bên vách đá
Như lòng người xa quê
Cành rung từng chiếc lá
Nghe gió mùa đông về.
6
Bất chợt mùi hương lạ
Ngẩng đầu lên vòm cao
Trắng ngần màu hoa Sữa
Thu đến từ khi nào
7
Ngoài xa kia có một dòng sông
Nước lặng lẽ trở về với biển
Có con thuyền cánh bướm mở rộng
Về với bờ mong đợi, với cây xanh
Ngoài ra kia con tàu trọng tự tình
Với một sóng đã suốt đời mưa nắng
Chiếc cầu lớn giữa hai bờ bền vững
Qua xói mòn, bồi đắp của dòng sông.

Hai người

Giữa dòng người xuôi ngược
Giữa những hàng quân
Giữa những ánh nhìn căng thẳng
Những bước đi vội vã
Những áo choàng đúng mốt
Tôi nhìn thấy một người đàn bà mặc áo đen
Và bên chị, là người đàn ông mù
Tay trong tay
Họ đi rất chậm như vừa đi vừa dò tìm.
Có thể gương mặt cuối cùng anh nhìn thấy là gương mặt người đồng Chí đã hy sinh
Anh đã qua những ngày tưởng như không thể qua dù trong giây phút
Anh đã bước những bước đầu tiên trên phố phường này như đi trên lửa
Và có thể
Chị đã từng bị phản bội
Chị đã mất những đứa con chị đáng được có trong đời
Đã phải bước qua con đường không định trước
Đã từ lâu rồi, chỉ còn lại trong anh khoảng đen vô tận
Đã từ lâu rồi chị nhìn mọi điều với ánh nhìn hơi khép lại
Không phải để tránh những đau thương
Mà để che giữ trước bao nhiêu ánh nhìn
Nỗi đau thương của chị
Tay trong tay
Họ bước đi rất chậm
Chị nói điều chi với nụ cười dịu dàng
Và trên gương mặt anh
Lan toả niềm vui.

Hải Phòng, tháng 11 năm 1979

1
Lời mong nhớ cơ hồ tan biến cả
Trước đôi bờ Phượng Vĩ giữa chiều đông
Thành phố sớm mai này có đơn đợi tôi chăng
Sau chiếc cầu bắc qua sông
Sau sau ô cửa đóng
Sau những bến phà, sau ngọn sóng
Sau tiếng xe, tiếng người, sau năm tháng chờ trông
Thành phố sớm mai này có nhận biết tôi không
Trong tấm áo đen ngày thường tôi mặc
Như người vốn quen với dòng Tam Bạc
Những tán lá ngô đồng xao xác gió ngoài ô
Như người quen bao gương mặt đi về
Qua phố vui, qua nhiều lơi vắng
Quen với con tàu uy nghiêm, trầm lặng
Lá cờ bay thao thức gió đại dương
Tôi về đây biết đã ba lần
Quen đến vết gạch mòn trên lợi phố
Sao lòng vẫn lo âu bỡ ngỡ
Trước con dường Cầu Đất Tràng Kênh
Tôi đã quen đến tiếng khép cánh buồm
Mà lòng vẫn bơ thờ bên sóng nước.
2
Như thế là tôi đã trở về
Như người đi là về cứ nhà của mình
Nơi có anh em, bạn bè, cha mẹ
Nơi ta khóc, ta cười vì chia lìa gặp gỡ
Cái đích sau cùng của mọi lối ta qua
Như con thuyền ai khắp biển sông xa
Trở về đỗ bàng hoàng bên bến cũ
Trong phút chốc quên đi dông gió
Quên nắng mưa, quên những đảo cằn khô
Tôi lặng mình trước nhưng phố nhà xưa
Lòng nhẹ nhõm yên lành như chiếc lá
Điều muốn nói giờ đâu cần nói nữa
Mái tóc đẫm bụi đường và chuyến tàu đêm
Bờ hoa lau, vách đá dựng âm thầm
Đường dài dặc một màu lửa cháy
Mây không yên, vòm trời xanh áy náy
Dải cát vàng loá mắt dưới ban trưa
Ngày mùa đông âm ỉ cơn mưa
Chút nắng sớm hoe vàng trên ngọn cỏ
Và những mắt lo âu, buồn khổ
Nhưng mắt cười trong trẻo dưới hàng mi
Giờ tôi đã bên người, những điều ấy cần chi
Người nghe cả trong lời tôi yên lặng
Thành phố như con thuyền quen gió sông
Đứng tự tin, bền vững trước thời gian
Tôi thêm đi giữa những phố tan tầm
Người ồn ã kéo nhau về xóm thợ
Tôi thèm nghe bài ca phượng đỏ
Những Bến Bình, Cầu Rào quấn quít với âm thanh
Thèm lại qua giữa những phố hà quen
Lá Bàng thấp như ngọn đèn ngoài cửa
Dẫu nhỏ nhoi, dẫu vô cùng ít ỏi
Tôi mong sao có cho người.
3
Vẫn lý chuyến tầu đêm
Hồi còi ngắn giã từ
Thôi chào nhé đôi bờ cây Phượng Vĩ
Lời tôi trong tiếng gió đến bên người
Ánh mắt này như ngọn lửa nghiêng soi
Sẽ theo khắp những dặm đường tôi đến
Ánh bền bỉ, sống trong, thương mến
Sẽ suốt đời an ủi, chở che tôi.

Kính gửi mẹ

Con đã đi rất xa rồi
Ngoảnh nhìn lại vẫn gặp ánh đèn thành phố
Sau cánh rừng, sau cù lao, biển cả
Một ánh đèn sáng đến nơi con
Và lòng con yêu mến, xót thương hơn
Khi con nghĩ đến cuộc đời của mẹ
Khi con nhớ đến căn nhà nhỏ bé
Mẹ một mình đang dõi theo con
Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường
Đã có lúc lòng con hờ hững
Thấy hạnh phúc của riêng mình quá lớn
Ngỡ chỉ mình đau đớn xót xa thôi
Giữa bao nhiêu năm tháng ngược xuôi
Đã có lúc lòng con đơn bạc
Quên có những điều tưởng không sao quên được
Như người no quên cơn đói của chính mình
Sao đêm nay se thắt cả lòng con
Khi con gặp ánh đèn thành phố
Nơi mẹ sống, mẹ vui buồn, sướng khổ
Chỉ một mình tóc cứ bạc thêm ra
Sao đêm nay khi đã đi xa
Lòng con bỗng bồn chồn quay trở lại
Bên đời mẹ nhọc nhằn dầu dãi
Nỗi mất còn thăm thẳm trong tim
Đời mẹ như bến vắng bên sông
Nơi đón nhận những con thuyền tránh gió
Như cây tự quên mình trong quả
Quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây
Như trời xanh nhẫn nại sau mây
Con đường nhỏ dẫn về bao tổ ấm
Con muốn có lời gì đằm thắm
Ru tuổi già của mẹ tháng năm nay.

Một buổi chiều ở Praha

Như người ta thường đi trong giấc mơ
Tôi bước một mình trên vỉa hè đá lát
Giữa cảnh sắc lạ lùng, hư thực
Như chưa qua, như đã gặp lâu rồi
Sông V’tava lặng lẽ êm trôi
Bỗng gợi nhớ điều gì xa lắc
Những con đường không có nơi bắt đầu, không có nơi kết thúc
Những đền dài trâm mặc, uy nghiêm
Cánh chim câu như một thoáng giật mình
Trong giấc mơ dài bao phố nhà nối tiếp
Có điều gì tôi chưa hiểu được
Dắt tôi đi trong chiều nay.
Không phải niềm vui
Không phải nỗi buồn
Không phải hạnh phúc
Không phải đau khổ
Có thể là tất cả
Có thể là một cái gì hoàn toàn khác biệt
Praha trong hoàng hôn đã đem lại cho tôi
Và tôi nhận biết Praha chính bằng điều đó
Tôi tưởng như nếu mình đưa tay gõ lên cánh cửa
Cánh cửa sẽ mở
Và Nhiêmxôva với mái tóc dài
Sẽ hát cho tôi nghe bài ca xưa cũ
Và trong một ngôi nhà khác
Có lẽ Nezơvan sẽ nói đôi lời giản dị
Bởi có thể nào Praha trong mưa lại thiếu vắng Nezơvan
Lòng bồn chồn giữa Praha bình yên
Tôi như người đánh mất
Lại như người vừa tìm thấy được
Như người đã trải qua
Như người đang đón gặp
Như người sắp đi xa
Như người mới trở về
Ôi Praha! Praha.

Mùa thu

Tôi không sao tránh được lo âu trước mỗi độ thu
Trước chiếc lá chợ ánh vàng
Trước ngọn gió may
Và đường chân trời xám bạc
Nỗi lo âu vốn có trong mỗi niềm hạnh phúc
Mỗi khi lòng ta đối diện với những gì trong sạch
Những gì như mùa thu
Tôi thường đợi mùa thu với nỗi lòng không xác thực
Vừa hân hoan vừa ưu phiền
Vừa mong ngóng vừa ngại ngùng
Như tôi đang đứng trước cuộc hẹn hò
Với linh cảm, điều lớn lao sẽ xảy ra trong thời khắc ấy
Là vòm trời xanh dịu kia
Bay là cơn bão lớn, mùa thu

Mùa thu chưa tới

Có những gì chờ đợi phía xa kia
Nơi đầu nguồn sông, nơi tận cùng biển lớn
Mùa thu ngủ yên giữa tầng lá thắm
Gió trong xanh như nước chảy qua rừng
Hạt cát vàng của bao chuyện thần tiên
Nằm nghe sóng ồn ào qua bãi vắng
Nơi anh và em chúng mình chưa đến
Chỉ bao lần ta đã nói cùng nhau
Đang chờ ta, cây lá tháng năm sau
Đâu sông nước, bầu trời, bờ bến mới
Ta sẽ bước chân trần trên đá sỏi
Những buồn vui gay gắt dưới mặt trời
(bài hát của người kéo thuyền ngược sông,
người dẫn gỗ về xuôi
Lửa nhen nhúm sau mùa mưa bão lớn
Ngụm nước ngọt của những miền cát lấn
Gương mặt người khi cuộc chiến tranh qua)
Có những gì ở phía xa kia
Bao mùa thu đã đi mãi, còn một mùa thu chưa tới.

Mùa thu ở Bratislava

Tôi kịp về thành phố
Giữa độ mùa thu sang
Cây vừa lên sắc vàng
Như muôn nghìn đốm lửa
Nắng vương trên thành cổ
Như có từ nghìn xưa
Gió sẽ sàng ru đưa
Như lời ai khẽ hát
Sông Đunai lặng yên
Như chẳng hề có thực
Bao mà người hạnh phúc
Qua gần kề bên tôi
Tôi lạc trong giọng nói
Trong sắc màu sáng tươi
Giữa đêm xanh tuyệt vời
Bao lần tôi tự hỏi
Phải mùa thu tôi yêu
Về đây và đón đợi
Hay thành phố vì tôi
Giữa mùa thu ở lại.

Nghe mưa

Sau những căn nhà kia
Sau nhưng bến sông kia
Sau những con tàu lô nhô ngoài cảng
Tuổi thơ tôi ra tít tắp
Thuở ấy tôi mặc áo rộng thùng thình
Và tóc tết đuôi sam
Thuở ấy tôi đi lang thang giữa thành phố của mình
Chưa biết đến niềm vui làm ta rơi nước mắt
Chưa có nụ cười nào xa xót nở trên môi
Lời ca của ngày xưa tôi đã quên rồi
Giữa bao bài hát mới
Bao màu hoa đã che khuất một màu hoa dại
Ngọn sóng trắng buổi nào vùi lấp giữa ngàn khơi
Tiếng còi tàu vang suốt tuổi thơ tôi
Đã chìm lẫn giữa ồn ào, náo động
Tôi đi gần cuộc đời, giữa muôn nghìn mất, còn chết, sống
Nào nhớ gì ngày tháng đã xa xôi
Sao hôm nay tôi muốn được là tôi
Với tóc tết đuôi sam
Với áo rộng thùng thình
Đi lang thang qua phố nhà, sông nước
Được nhìn thấy tuổi thơ ta tít tắp
Đang mỉm cười, tha thứ, chở che.

Thơ ca thời kì chống Mỹ phát triển mạnh mẽ và có nhiều thành tựu góp một phần không nhỏ cho nền văn học Việt Nam. Nổi bật nhất chính là nữ thi sĩ Ý Như, bà có một hướng cách tân thơ mới thu hút bạn đọc và trở thành một cây bút xuất sắc nhất của thơ ca nước nhà đương đại. Chỉ khi đọc và suy ngẫm chúng ta mới thấy được vẻ đẹp trong những thi phẩm giá trị của bà.

Tagged: