Chưa bao giờ con người có thể sống xa các dòng sông mẹ. Các di tích khảo cổ, các công trình nghiên cứu về dân tộc học đã phác họa con đường từ những hang động xuống với đồng bằng, hướng về phía biển của các tộc người khác nhau. Nhưng, trong tâm thức của con người, dường như có một sự khác biệt. Những dòng sông là mẹ, là sữa nguồn vô hình mà hiện hữu, sâu lắng. Có phải vì thế mà trong nhịp điệu lời hát giao duyên, trên mái đao của đình làng, trong từng câu chữ uyển chuyển đẩy đưa, ta cũng nghe đâu đây như tiếng sóng vỗ rì rào của những dòng sông. Một liên tưởng rất khó tìm ra minh chứng cụ thể, đó là những ám ảnh tâm hồn. Dường như ra đi từ sông, có dòng sông ở phía sau lưng…
Mùa xuân, mùa hạt nảy mầm, cây nảy chồi, đâm lộc, cũng là mùa diễn lại kí ức của tạo hóa đầy đủ nhất chứ không chỉ là những cuộc sinh sôi. Bởi thế, con người thời đại nào, dù bị cuốn vào vòng quay của công danh, địa vị, tiền bạc nhưng khi xuân về vẫn có chút chạnh lòng nghĩ về tạo hóa, về số phận, về những việc trước sau. Dẫu là cất giấu thật kĩ những suy cảm đó trong lòng thì vẫn không thể không đối diện với chính lòng mình. Dòng sông đi vào tiềm thức luôn thao thiết chảy như thế.
Mang nỗi niềm ấy, sớm xuân nay, tôi xuôi theo dòng sông Bôi về phía biển. Chỉ cần chếch mũi chân sang bên này, dòng Bôi phát tích từ đất “chén vàng” lại vời vợi về phía biển. Trước đó, dòng sông không quên mở ra cả một dải quê hương thanh bình trù phú. Vạt xanh ấy lúc trầm tư lững lờ, lúc nông nổi dữ dằn như đời một con người đủ các cung bậc cảm xúc, đủ âu lo, tan chảy…
Mùa xuân, về mạn ấy, Sông Bôi mặc nhiên cứ chảy rồi “đọng” lại những ruộng đào đã được ươm tự bao giờ, những cánh đồng hoa cúc, rau xanh đón lõng giá rét bằng su hào, bắp cải… Hóa ra, nếu sông Đà mải mê thác gềnh bồi cát vàng để bàn chân những lứa đôi tình tự êm đềm hay kiến tạo những căn nhà kiên cố, thì Sông Bôi bình thản đắp bồi bờ bãi và làm nên một đồng bằng trên đất Hòa Bình. Từ mạn Suối Khoáng xuôi về không còn dốc để mây phủ, dẫu vẫn có núi. Bắt đầu những đồng bãi mở ra bạt ngàn, thỏa sức cho người cày cấy. Kim Bôi vẫn có nhà sàn- ứng xử văn hóa của người miền núi nhưng lại dung hòa bởi có thêm những ngôi nhà đá ong. Xuôi về Lạc Thủy, một đồng bằng thực sự từ lời ăn, tiếng nói đến những lề lối quê mùa. Hòa Bình kề cận với cố đô Hoa Lư nên những “đạo”,“trại”, những “động” được nhắc đến trong sử sách giờ vẫn phảng phất bằng những cái tên thuần Việt-Mường nhưng hơi thở cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào từng thôn xóm.
Lặng lẽ bên những biến động cuộc đời, dòng sông Bôi đưa nước về với biển. Qua các thị tứ nhỏ, qua những làng Mường, về đến thị trấn có đồn điền Chi Nê nổi tiếng và nơi quần cư của những gia đình từ Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam lên khai khẩn, dựng cơ nghiệp. Về tới đây, dòng Bôi mênh mang như mở ra một miền châu thổ. Sông Bôi vừa như một phiên bản của sông Đáy, sông Cầu, vừa có những nét riêng. Tựa vào núi, sông vẫn mải miết xuôi nhưng đã vỡ òa trước những đồng bãi làng mạc bằng những ao, đầm ăm ắp nước. Mùa xuân, về với quê cha, đất tổ, dưới mái nhà lợp ngói ri, cửa bức bàn nghe mẹ già lầm rầm khấn khứa cầu phúc, lộc bình an đêm Ba mươi mới giật mình tự hỏi: Đấy vẫn là đất Mường chứ đâu đã thuộc về đồng bằng.
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, đất này là nơi rừng còn rậm rạp, người miền núi, miền xuôi cùng gặp gỡ ở nơi nguồn nước để giúp nhau dựng nhà, xua đuổi thú dữ, đặt bẫy, bảo về mùa màng và dạy nhau những kinh nghiệm canh tác. Ngày đó, đường còn lút trong cỏ, bóng làng mạc còn bị khuất lấp sau cổ thụ vậy nguyên cơ gì đã đưa họ đến với nhau cùng quần cư ở chốn này?
Có lẽ, chỉ có tiếng gọi những dòng sông. Một người theo sông xuôi về vùng đất thấp, khát đã có sông cho nước, đói đã có cá tôm qua bữa, sông cho phù sa bồi đắp hạt lúa căng mẩy, sông tắm mát tuổi thơ… Người mạn dưới ngược sông lên tìm đất mới. Họ tin rằng ở nơi đâu có sông là có sự sống, sông là nơi thả bè gỗ, bè nứa về dựng nếp nhà, sông dẫn họ tìm những loại thuốc quý chữa trị những căn bệnh nan y…
Tôi vẫn nhớ mùa xuân đầu tiên cùng làng Mường đón tết. Cái tên làng Chanh đã thuần Việt. Khác với vẻ vắng lặng, mênh mang của những cánh đồng phía ngoài kia, làng trong này san sát những ngôi nhà tường đá. Những dòng suối từ trong núi đổ ra sông Bôi không quên để lại bên con đường làng những viên cuội trắng lấp lánh dưới nắng xuân. Con sông được người dân nhắc đến trong câu chuyện đón khách mùa xuân này nhiều như một vị thần, lại thân thương như một người dân quê bình dị. Ăn, ở, làm lụng, sinh thành, thác về… đều bên dòng sông ấy.
Lâu nay, nhắc đến mùa xuân miền non cao, người ta thường nghĩ đến những hoa đào, hoa mận, hoa ban… của núi rừng Tây Bắc. Nhưng, ở những làng quê trù phú này, bên cạnh những sắc hoa ấy, còn là khi dòng sông thao thiết gọi mùa xuân về. Mùa xuân ấy đâu phải chỉ đợi lộc, chồi xanh biếc, hạt giống nảy mầm mà xuân từ lòng người náo nức. Xuân qua rồi hạ, thu, đông… như quy luật cuộc đời qua chông gai mới đến ngọt ngào. Mùa xuân này sẽ con vương vấn bên dòng sông như một lời hẹn ước tự bao giờ…
Nguồn Văn nghệ số 9/2019