“Mang cho thím hai yến phòng mưa bão lâu ngày nhá!” Tiếng đàn bà trung niên chen giữa tiếng mưa lốp thốp xiên vào từng bụm nắng vàng như mật ong. Những bụm nắng thơm mùi nếp mới từ bên kia sông Đáy theo ngọn nồm lan sang, ấm và trong văn vắt. Lụa vâng khẽ, tiếng gió phả ra từ miệng cười trắng lóa. Hơi thở nóng sực, ngực Lụa như sắp vỡ. Chà, tại tham quá. Tạ bảy, hơn mọi ngày những hai mươi cân. Trót hẹn rồi, biết làm thế nào. Người ta tin mình, đơn sai thì mất mối, nay mất mai mất rồi mất hết. Thì đến ra chợ mà đánh chịn cả ngày, mấy chục cân cũng ế sưng ế xỉa.

Lụa cho xe áp vào tường, dưới mái hiên hàng tạp hóa bà Mười, tay nón quạt, tay gạt mồ hôi  tong tong nhỏ xuống ướt nhèm ghi đông cái xe đạp trần truồng lấm như ma chôn ma vùi. Thồ nặng, gác đờ bu, gác đờ xen tháo ra phòng bùn đất kẹt cứng hai bánh. Từ Tuệ Tĩnh lên đến đây ngót hai chục cây số, đánh thừng đánh chão với đoạn đường đang sửa đất đá nhày nhụa. Chiếc xe Phượng hoàng bố chồng cho, bảo nó đúng bằng tuổi Lụa. Nhưng mà chỉ cái khung thôi, còn thì săm lốp, chắn bùn, chắn xích… tất tật thay tháo không biết bao nhiêu đời. Nước thời gian xối vào lóng lánh màu biển biếc làm trơ ra hai gióng sắt nâu xỉn. Cái khung như bộ xương của một con ngựa can trường, bất khuất tạc vào năm tháng.

Lụa nghiêng xe đổ ra một bên, khéo léo gỡ từng bao gạo. Những cái bao chĩa ra như bông hoa xòe cánh hết cỡ. Mưa vẫn đan vào nắng khi thưa khi mau làm dịu bầu không khí oi ả. “Mưa rong bão, u em bảo thế”. Lụa cười, hàm răng trắng như răng sữa . “Ờ, đem cho chị ba yến nhá!” “Chị ơi mai được không, hôm nay chỉ đủ mấy cái hẹn thôi”. “Nhưng mà thùng gạo nhà chị trơ đáy rồi, em sẻ cho chị tạm một yến được không”. “Để em điện cho bà Lành khất đến mai vậy”. Lụa gật, thèm thuồng trông theo chiếc làn đầy ắp thức ăn, tưởng đến tô canh cua khoai sọ rau rút thơm lịm người.

Lí do Lụa chọn mái hiên bà Mười làm “bến đỗ” là vì nó nằm trên lối rẽ vào chợ Phù Hoa lúc nào cũng người xe tấp nập. Người ta dừng lại mua hàng tạp hóa, mua luôn gạo. Hoặc vì mua gạo tiện thể mua hàng tạp hóa. Bán được hàng, bà Mười tươi ra mặt. Những hôm trời mưa bà còn giúp Lụa bê gạo vào tận nhà trong. Song người mua phần nhiều là khách quen, có trong danh bạ điện thoại di động . Già nửa dân của cái xã Phù hoa này, nơi nổi tiếng nghề trồng hoa cây cảnh, ăn gạo của Lụa . Quen  miệng rồi, gạo khác không ăn được. Hôm nay Lụa chở năm bao, là năm loại gạo khác nhau, theo yêu cầu của khách. Nhiều  nhất Bắc thơm, rồi đến Hương thơm, Tám thơm, Nếp cái hoa vàng, Khang dân. Bây giờ ăn toàn gạo thơm, ít nhà dùng gạo thường. Nhà giàu nuôi nhiều chó, Khang dân chỉ thổi cho chó ăn. Chả bù ngày xưa, gạo dâu cứng quèo lao bát tới tấp chả kịp xới.

Xếp xong đám bao thành hàng ngay ngắn tựa vào hiên, Lụa giở cái túi treo ở ghi đông lôi ra chiếc áo hoa, le te chạy xuống nhà tắm. Chiếc áo phông màu xanh tím than đẫm mồ hôi dán vào tấm lưng ong đỡ lấy cái cổ cao với gương mặt rám nắng sáng trưng tựa vầng trăng khiến cánh đàn ông bên kia đường nhìn như găm vào người, làm đôi chân Lụa líu díu.

Lụa lấy cái áo mưa mỏng, loại áo mưa năm nghìn, phủ lên bao bắc thơm chở đến nhà bà Suốt ở xóm tám, xóm xa nhất xã Phù Hoa. Trời đổ mưa rào. Mưa như trút trắng xóa mặt đường. Mưa bong bóng thế kia thì đến bao giờ mới tạnh? Người người nhanh chân chen vào quán xá. Nhìn mưa mỗi lúc một to, Lụa lầm rầm : “Lạy chúa thương xót chúng con. Chúa bớt hạt to, chúa bỏ hạt nhỏ, chúa đem ơn mưa móc ban cho rừng rú hay những nơi hạn hán. Lạy chúa, hôm nay con  phải đi gần chục nhà. Xin chúa thương đến kẻ nghèo khó con của Người”. Lụa vừa dứt lời thì mưa tạnh. Đất trời trong veo, anh ánh nước . “Cô bác yên tâm, gạo cháu gạo sạch một trăm phần trăm”. Lụa thủ thỉ với mấy bà nạ dòng rồi nhót lên xe, lẹ như chả có cái gì dính vào gác ba ga.” Từ từ hẵng đi”- Chị Chanh chạy lại nắm chắc ghi đông: “Gạo sạch là gạo thế nào?” “Dạ, phần nhiều là gạo vùng ta, nhà cấy nhiều lắm cũng chỉ được đôi tấn thóc, đa số mỗi nhà vài tạ. Lúa  gặt về dăn dở ba nắng khô coong coong mới đem xát. Hạt gạo nấu lên thơm dẻo và có độ dai, càng nhai càng ngọt.” “Nghe mày nói chưa ăn đã ngon. Thế còn gạo bẩn?” Mặt Lụa hồng lên. “Dạ, nghe nói là gạo vùng trong đưa ra cho các đại lý.Thương lái đến tận đầu ruộng mua thóc tươi chất lên ô tô cả mấy chục tấn. Nhiều thế làm sao  phơi phóng? Đưa vào kho, đống thóc nóng sực ngùn ngụt khói. Người ta sấy rồi đem xát. Thóc khô ép, hạt gạo bở bùng bục, mùi hôi rình. Đưa đi tẩy trắng. Lại còn có thứ gạo xử lý bằng thuốc chống ẩm mốc vì vận chuyển qua nhiều công đoạn mới đến tay người ăn. Rồi gạo ướp hương liệu, ngay cả đến vỏ bao cũng thơm rưng rức”. “Nghe mày tả sợ chết khiếp”. “Có sự thật em mới dám nói”.” Thế gạo Thái là gạo bẩn hay gạo sạch?” “Gạo Thái họ tẩy trắng bong rồi đưa vào máy đánh bóng lòng lọng, còn bẩn sạch thì em không biết”. ” Ừ, chỉ được cái mã, còn ăn  nhạt thênh thếch. Giá đắt cắt cổ”. “Chuyện, đồ ngoại mà chị “. “Chết, tay em làm sao thế kia?”. Lụa xoa xoa chỗ da thịt tím giập cỡ miệng bát ăn cơm  nơi giáp bả vai, vết răng hoăm hoắm còn tươi rói : “Hôm qua em đi đong thóc ở Tái Kênh bị con chó lai to như con bê chồm lên người. Từ trong ngôi nhà ba tầng con chó phi ra cổng chìa hai hàm trắng ởn với cái lưỡi dài thè lè làm em cuống, chân tay quyếnh quáng, thế là nó xồ lên đớp.” “Giời ạ, nhỡ chó dại thì khốn!”  “Nhà chủ bảo đã tiêm phòng rồi ạ”. ” Đau thế kia sao không nghỉ vài hôm đã?” “Hơn muỗi đốt một tí thôi. Hẹn rồi đơn sai họ mắng cho. Thôi em đi nhá, từ giờ đến trưa còn bảy chuyến nữa cơ”.Chị Hòa buông tay  nói với  theo: “Hẹn mấy chả hò.Từ nhà lên đây đã đứt hơi, lại còn đi phân phát khắp lượt. Sắm cái xe máy tàng tàng mà chạy cho đỡ mệt em ạ. Hay là chuyển nghề khác đi, bây giờ thanh niên đi làm công ty nhiều, việc nhàn mà lương cao”. Lụa dướn người lên, nghĩ: thôi thì lấy công làm lãi. Xe máy khó len lỏi vào các con ngõ sâu hun hút. Vả lại, lời lãi được bao nhiêu đâu, máy móc có mà chết tiền xăng. Làm Công ty việc nhẹ hơn nhưng bó buộc thời gian. Đi đưa gạo thế này, chịu khó dậy sớm, chín mười giờ sáng là xong, còn về cơm nước, trông nom con cái học hành. Lụa thích nấu ăn. Lụa bảo phụ nữ chăm việc nhà, ham chăm sóc chồng con là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì ngày nào cũng có niềm vui. Nhiều cặp vợ chồng mải mốt Công ty, tăng ca liên tục tối khuya mới đưa nhau về, con cái  phó thác cho ông bà hoặc tự quản. Đứa bé điện tử thường xuyên trốn học, đứa lớn ma túy, bố mẹ biết được thì đã muộn.

Đến cây đa Quán Mõ, Lụa guồng mạnh, lưng lửng dốc mới chịu xuống. Sương sớm mòng mọng như chuỗi ngọc ai đem rắc vào đôi bờ cỏ bắt nắng long lanh ngũ sắc trên nền xanh thẳm. Từ sáng đến gìờ leo bốn cái dốc dài đườn đưỡn, dài nhất dốc cầu Hồng Liên, dài nhì dốc cầu Phù Hoa. Xuống xe rạp người mà đun mà đẩy, chốc chốc phải dừng lại thở, ngực muốn vỡ. Mệt thì mệt nhưng nghĩ đến năm đứa con, người Lụa lại rưng lên.Con Lan nết na  ấm phận Nhà dòng. Con Làn vừa hết cấp hai, con Lài con Lý lớp ba lớp bốn, con út vào lớp một. Nom chúng  ăn như tằm, mọi mệt mỏi tan biến. Con Làn đảm việc nhưng sắp thi vào trường chuyên, è cổ ra mà học. Đã một tháng nay Sơn biền biệt, Tuệ Tĩnh với Hà nội  nào có bao xa! Chả bù ngày xưa, tuần nào cũng về, có tuần  mấy lần. Bây giờ… Điện thì bảo đang mùa làm ăn, việc chồng đống. Hôm trước Sơn về, nết ăn nết ngủ khang khác, Lụa đã sinh nghi. Lục túi xách thấy một đôi áo phông rất đẹp thoảng mùi nước hoa. Ở với nhau năm mặt con, có bao giờ Sơn tự tay mua quần áo đâu? Lụa chiều Sơn, trông cái quần cái áo nào đèm đẹp, vừa túi tiền là mua ngay cho chồng. Càng ngày Sơn càng  nhác việc nhà, lần về thưa dần đi, cứ về là ngủ. Nhớ bận Sơn từ nhà tắm đi ra, mẹ chồng bảo sao lại mặc trái thế kia, Sơn thản nhiên vuốt dọc thân mình, ngẩn người: “Tại cái Lụa đấy”. Cắp bao thóc năm mươi cân từ ngõ ì ạch đi vào, Lụa nghe mà nhột nhạt cả người. Hôm ấy Lụa ra dây phơi rút quần áo, sắp sẵn trong nhà tắm cho chồng, quên không lộn. Mặt trời sắp lặn, thóc thì chưa đong được tẹo nào.

“Hai giờ rồi mẹ không ngủ à?” “Ừ, mẹ xong rồi đây”. Mới mười bốn mà con Làn cao gần mét sáu. Con Lan chị nó, ơn trên gọi một mùa Thiên chúa giáng sinh, trong ngày múa dâng hoa, cao gần mét bảy. Ngày xưa… Mới đó mà đã ngày xưa. Sơn hay kiếm cua kiếm cá. Sơn sát cá, cứ vác dậm đem nơm ra đồng là nặng giỏ. Suốt ngày canh cua canh cá. Lụa om trấu nhừ tơi, ăn cả xương. Làng bảo con mày đứa nào cũng cao là do thức ăn lắm can xi. Không như đám con nhà ông Sấu, một đống vừa ngắn vừa bé như cái nõ ngô! Bây giờ cua đắt hơn thịt. Thế mà hễ Sơn về, Lụa lại mua hàng cân, xé rồi chòi gạch, đóng vào các túi ni lông, ướp đá cho chồng đem đi ăn dần. Mấy anh em cùng nghề thợ nấu ăn với nhau, chủ  nhà trọ có tủ lạnh thoải mái gửi. Hồi chiều Lụa phải xuống tận dốc ông Nghè đong thóc, gom được hai tấn, thuê công nông mất hai trăm. Đến Phủ Lý thì xâm xẩm tối, bà Nga từ trên ban công gọi rối rít: đem ngay cho cô một tạ Bắc thơm, thứ gạo sục tay vào bao còn nóng giãy! Gạo nóng nghĩa là gạo vừa xát, mùi thơm phức. Váy bà gió nồm bay phấp phới. Người  phố có tiền chảnh thế đấy. Lụa giục công nông chạy gấp, sấp ngửa đem thóc về xát .Cái máy xát công nghệ cao có cả bộ phận lọc sạn, dành dụm mãi mới mua được, ngày nào cũng nóng. Mang gạo xuống đến Phủ Lý thì đã tám giờ tối.

Thường ngày chiều chiều, Lụa đạp xe đi, đem về chừng hai tạ. Cơm nước giặt giũ lợn gà xong, chín giờ đêm máy nổ ròn, không hôm nào ngủ trước mười hai giờ. Bốn giờ sáng choàng dậy, lui cui đủ việc.

“Mẹ chiều bố vừa vừa thôi. Đáng lẽ những hôm bố nghỉ phải đi chở thóc cho mẹ. Xe máy vù một tí, để mẹ đánh vật với cái xe đạp. Bố không tự giác thì mẹ phải nói chứ. Mỗi lần bố về chỉ giỏi nằm, việc nhà không động tay. Giờ lại biền biệt, tiền thì chả thấy đâu. Tiền con học thêm lần nào cũng bảo xin mẹ.” “Xuỵt, khe khẽ cái mồm chứ kẻo ông nội thức giấc. Mà ai cho con nghĩ về bố như thế.” “Rành rành ra đấy, con có nói gì sai đâu”. Con Làn ấm ức cãi. Nó quày quả đến chỗ cái xe Phượng hoàng ở truồng, thấy các bao gạo đã được chằng buộc gọn ghẽ. Mẹ toàn một mình xoay xở với đám hàng nặng như cùm câm này. Con Làn ra giếng rửa mặt, cái giếng xây bằng đá ong nước trong văn vắt, mát tê người. Ngó thấy mẹ đã đi nằm, con bé ron rón ngồi vào bàn học. Chỉ còn hai ngày nữa là thi cấp ba. Nó mong đỗ trường chuyên, có học bổng đỡ mẹ.

Lụa trằn trọc dăn giở, hai mắt cứ trơ trơ. Mọi hôm đặt lưng là ngủ ngay. Hôm nay việc ngập đầu mà lòng Lụa chốc chốc lại cồn cào. Giờ đây mọi bận rộn lắng xuống, nỗi bất an hiện lên mỗi lúc một rõ, cào bới gan ruột. Lụa đặt tay lên ngực nơi quả tim đang đập những nhịp hối hả, bất chấp thời gian, cực nhọc để sinh hạ năm đứa trẻ. Con ngô con khoai bồng bồng lớn. Vì chúng đều là con của Chúa, là quà chúa ban. Luật Chúa đã định, không thể vì con đông mà phá bỏ thai.

Ngày xưa… Mới đó mà đã ngày xưa. Lụa lấy chồng cùng xóm. Hai đứa mến nhau từ khi nhà nông còn chưa có máy xát. Lụa thường đem gạo xay đến nhà Sơn giã nhờ. Lần nào Sơn cũng mon men xin giã cùng. Sơn đứng sau, Lụa đứng trước, hương bưởi bồng bềnh phả ra từ búi tóc óng mướt khiến cần cối nhẹ tênh. Cối gạo trắng tinh như bông bưởi mà Sơn cứ đòi giã, giã mãi. Chiều hôm đó, ngõ nhà Lụa lấp ló tiếng Sơn, trên tay bối rối mớ cỏ mần trầu, bảo gội lẫn với bông bưởi tóc vừa tốt vừa thơm.

Học sinh chuyên văn lại trượt đại học, Lụa buồn bã ru rú trong nhà, đúng lúc ấy gia đình Sơn ngỏ nhời xin cưới. Cưới rồi, Sơn càng thích kiếm cỏ mần trầu cho vợ gội đầu.

Bệnh viện Bach Mai, Việt Đức xây mới, nằm lọt thỏm giữa ruộng đồng Tuệ Tĩnh  bát ngát. Rực lên cơn sốt đất. Người ta lấy ruộng trả nông dân hai mươi triệu một sào, tức là ba trăm sáu mươi mét vuông, bảo là để xây Công ty chế biến thức ăn gia súc. Mỏi mắt chả thấy Công ty đâu. Mênh mông là ruộng, thái ra bán như bán thịt, mỗi mét vuông hai mươi nhăm triệu. Một số hộ đánh bài lì không chịu lấy đền bù, bảo giá ấy bèo quá. Găng lên, cờ Tổ quốc cắm làm mốc giới bay phần phật khắp đồng. Bàn nhau đi Hà Nội biểu tình. Đơn từ hàng tệp đều do cụ Phán thảo. Cụ Phán về hưu đã hơn ba mươi năm, vừa đi vừa thở, nhưng trí não còn minh mẫn lắm. Đoàn biểu tình quá tam ba lần đội đơn đi Thủ đô, bộ hành, mỗi người trên tay một ổ bánh mì, một chai nước lọc, xếp thành hai hàng lả thả tiến. Đêm vật vờ  như ma. Hai ngày thì tới nơi. Tắc cả phố dài. Công an Hà Nội bốc tất cả lên xe như bốc những bao thóc, chở về tận sân đình. Lúc này cụ Phán mới vỡ nhẽ, thì ra người ta đòi tăng tiền đền bù, chứ không phải đòi ruộng. Tất nhiên cũng có người thực sự yêu quý đất đai, xa xót trước những thửa ruộng xôi mật bị bỏ hoang, trong đó có cụ Phán. Cụ Phán nản, không thảo đơn giúp dân biểu tình nữa.

Ruộng hết, Sơn đi Hà Nội làm thợ cơ khí. Thời gian đầu, Sơn nhớ nhà về luôn xoành xoạch, gần như sáng đi tối về. Mùa mưa ít việc, Sơn ở nhà, đi kích cá. Những con cá quả nần nẫn như bắp chuối bị trúng điện, khoanh đầy một giỏ. Mùa hanh bận tối mắt, Sơn nảy ra ý đưa vợ lên thành phố để vợ chồng gần nhau. Nhiều cặp như thế, để con ở quê cho ông bà nuôi, lên phố kiếm tiền, thỉnh thoảng mới về. Mồng một đầu tháng, Lụa ra đầm thăm đám rau rút mới cấy, nghe tiếng thở phì phì trong rặng cúc quỳ. Hoa cúc quỳ  trải thảm dọc đường làng, rừng rực mặt nước đầm xanh. Lụa định thần lùi lại, thì ra là một con rắn hổ mang bành đang phun nọc. Cổ nó dựng đứng to bằng bàn tay, hai mắt nhóng nhánh sáng, cái lưỡi chẻ thành hai nhánh hệt những mũi mác bé tí xíu sắc nhọn bắt ánh vàng của hoa cúc quỳ thụt vào thò ra vẻ thèm thuồng trông phát khiếp. Nhanh như cắt, Lụa một tay túm đuôi, tay kia vuốt dọc sống lưng. Thịt rắn nấu cháo cho chồng, bổ hơn thuốc. Con Lan đã hai tuổi, ở nhà với ông bà được rồi. Vợ chồng dắt nhau đi Hà Nội, lựa mãi, xin được cho Lụa làm ở hiệu thẩm mỹ Khánh Huyền. Cô Huyền chủ hiệu tuổi ngoài năm mươi, ở nước ngoài về. Mới mở được hai năm mà đông khách lắm. Vừa làm vừa học, sáu tháng tay Lụa mềm nuột. Bạn nghề vừa quý, vừa ngấm ngầm ghen tị với làn da mịn mượt của Lụa. Cuộc sống đáng yêu biết bao, nếu không phải lo lắng về bố mẹ chồng và con gái ở nhà. Có mang đứa thứ hai được bốn tháng, Lụa về quê.

Không ngủ được, Lụa trở dậy đọc kinh. Ngước lên Đức mẹ, giọng Lụa thanh thanh, da diết. Hết một ván kinh mà lòng vẫn rối bời.

Lụa đi như mê ra vườn. Đương mùa hoa rộ, bông Láng nức nở hương, thơm cả vầng trăng thượng huyền. Hương láng dịu mát như trăng quê. Chiều nay phải gọi mợ Na đến cho đi chợ thôi, chứ đợi đến ngày tuần thì hoa nở hết còn gì. Bất giác, một thứ mùi khác, là mùi nước hoa, nồng nặc từ đôi áo phông lật phật treo trên ngọn chuối bay lại. Lụa căng mắt nhìn. Hai cái áo lới phới khi gần khi xa, lúc ẩn lúc hiện như ma trơi. Lụa gục vào gốc cây hồng xiêm, nôn thốc nôn tháo. “Lạy chúa nhân từ, xin người thương xót chúng con”. Lụa thì thầm, ngước mắt về Lời nhấp nhánh mấy vì sao lạc. Lụa có đôi mắt rất đẹp, hệt mắt Đức Mẹ. Như người mộng du, Lụa bỏ dép, chân trần đi ra ngõ, giẫm lên lớp lá xà cừ bề bộn. Một trận gió thổi dạt trời đêm. Lụa trân trối nhìn những chiếc lá nhuộm vàng ánh trăng âm thầm lìa cành, chấp chới xoay tròn rồi nhẹ nhàng đáp xuống, mỉm cười làm thân với lớp lá gạo cội ngả màu nâu xỉn, lặng lẽ làm cuộc chuyển kiếp vào lòng đất. Đâu rồi nhịp chày giã gạo quấn quýt hương sả hương chanh? Đâu rổ cá bò, cá ngạnh vàng óng xôn xao bình minh mỗi khi Sơn ra bến tắm sớm, ngụp lặn vào hang hốc tìm cua cá. Lụa nghe những thanh âm vừa hư ảo lãng đãng cách vời, vừa gần gặn thân thuộc đang gào thét, cào bới lớp lớp thời gian bời bời như sương như khói, đặng tìm kiếm chút gì còn lại của kiếp người.

Lụa mê man đi vào vườn chuối. Màu chuối rừng rực xanh xao cả ánh trăng. Khóm hoa bướm bên giếng mệt lả trong gió đông. Chợt từ phía cuối trời, một ngôi sao băng ngời lên như ánh chớp. Những tia máu đỏ rực từ không trung rớt xuống, hối hả viền quanh những cánh hoa bướm mong manh run rẩy, vẻ đẹp lộng lẫy biến ảo không tả xiết. “Máu, máu…”Lụa bàng hoàng thét lên. Con Làn từ trong nhà hốt hoảng lao ra, gỡ mẹ khỏi cây chuối tiêu trĩu buồng. Người mẹ nó mềm nhũn, hơi thở nặng nhọc. Dìu được mẹ vào giường, con Làn vội vã pha cốc trà gừng kề vào miệng mẹ, rồi lấy đồng bạc đánh gió.

Lụa mệt mỏi nhắm mắt. Bồng bènh mùa thu. Mây trắng bông và trong vắt nắng. Nắng len qua cửa sổ hiệu thẩm mỹ Khánh Huyền, chảy từng dòng ong óng vào váy áo người thiếu phụ có gương mặt đẹp, nhưng phần bụng đã bắt đầu xệ xuống. Hương sả từ vòi sen lan tỏa, thấm vào da thịt chị khiến các lỗ chân lông giãn nở hơn hớn tươi. Mười ngón tay Lụa di chuyển vào sáu vùng bạch huyết trên mặt khách. Chị ta say sưa hứng lấy từng làn hương thảo dược, hai lỗ mũi xinh đẹp phập phồng. Bàn tay Lụa tinh tế lướt trên thân thể thiếu phụ, tìm sâu vào  huyệt đạo. Những ngón tay biết cảm biết nói, truyền đến trí não thứ ngôn ngữ khó tả. Thiếu phụ thả lỏng người, mê đắm tận hưởng niềm lạc thú. Chị là Giám đốc một Công ty Mỹ phẩm. Được nâng niu chiều chuộng và đắp thảo dược, chỉ sau ít phút, da thịt người đàn bà trở nên mềm mại thơm ngát. Chị ta nằm dài, khoan khoái vươn người một cách lười biếng trên ghế Sô pha. “Em đánh mỡ bụng cho chị”. Lụa dạ nhỏ, lấy kem xoa đều lên bụng người đàn bà. Hai bàn tay Lụa thuần thục day miết từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ, rồi ngược trở lại. Người Lụa đầm mồ hôi, đôi tay mỏi rã là lúc da bụng thiếu phụ nóng lên, những mô mỡ từ hai bên dồn vào giữa. Lụa day bóp thật mạnh. Làm như thế khoảng nửa tiếng, liên tục một tuần đến mười ngày, bụng sẽ ngót hẳn đi. Những ca làm đẹp nối nhau không dứt khiến Lụa và bạn nghề mệt bã. Đêm về chân tay rời rã, chồng muốn làm gì trên cơ thể cũng mặc. Ai bảo nghề thẩm mỹ là nhàn? Riết rồi quen. Đôi tay Lụa dần mềm như nước, dẻo như múa và khi cần thì cứng như tay đàn ông. Đó là kết quả của chịu thương chịu khó học nghề. Nào tẩy trắng da mặt, xóa tàn nhang vết nám. Nào cắt mí, xăm môi, tỉa lông mày… Vất vả nhất là đánh mỡ bụng. Nhễ nhại đánh vật với những cái eo quá cỡ của quí bà để nó thon thả trở lại. Những thượng đế khó tính chỉ ưng Lụa làm đẹp. Lụa bận thì cố đợi hoặc ra về, hẹn hôm sau. Mát xa mặt khiến  làn da trắng hồng, đẹp mịn màng, song phải hết sức che chắn giữ gìn. Chỉ cần hai ngày nắng gió, da mặt trở lại cứng và đen. Đánh mỡ bụng phải kết hợp ăn uống kiêng khem, luyện tập thể thao đều đặn không thì bụng to lại, có khi còn to hơn vì lúc này da bụng đã giãn, mỡ từ khắp nơi trên cơ thể dồn về đặng lấp đầy. Thế nên, chỉ những người dư dả tiền bạc, thì giờ mới thường xuyên đi làm đẹp. Gần chồng, người Lụa rạc đi. Lại có mang đứa thứ hai. Vừa lúc mẹ chồng đau yếu, Lụa về quê canh cháo phục dịch. Được nửa năm thì bà mất.Cứ thế, Lụa quanh quẩn với con cái ruộng vườn. Đứa thứ ba, thứ tư, rồi thứ năm ra đời. Sơn vẫn mải miết đi, thỉnh thoảng mới về. Xa mặt thì cách lòng, có phải thế không mà người Lụa luôn thấy bứt rứt!

“Ai cứu tôi, cứ…u…”. Lụa lảm nhảm hét lên. “Mẹ ơi con đây, mẹ tỉnh chưa, người mẹ ướt mồ hôi lạnh thế này”. Con Làn cuống quýt lay gọi. Mẹ nó giọng lạc đi, rời rạc: “Mẹ không sao. Mẹ mơ thấy nhà mình lênh đênh trên một con thuyền. Mênh mông cô độc. Mây đen mịt mờ, nước cuồn cuộn chảy, giông gió giương lên vật xuống xé toang cái thuyền làm trăm mảnh. Các con đứa chìm nghỉm, đứa  ôm lấy mai chèo”. “Mẹ, chỉ là mơ thôi mà. Con đã đặt nồi cháo. Sáng nay mẹ mệt nghỉ chợ nhé” – Con Làn lo lắng nằm xuống, một tay ôm ngang, tay kia xoa xoa xoa lưng mẹ. “Nghỉ sao được. Hẹn rồi không sai được đâu. Con gọi xe ôm chở gạo cho mẹ, mẹ đạp xe theo sau”. “Mẹ ốm rồi, tiếc làm gì. Tiền xe ôm quá tội.” “Đã hẹn, không nên để người ta mong”.

Xong việc thì đã mười giờ trưa. Lụa tất tưởi đạp xe về, người dâm dấp sốt. Sau khi ăn bát cháo, càng thấy bồn chồn, ruột gan như bào.”Con ở nhà trông nom các em, cẩn thận không cu Tẹo ra ao. Mẹ đi Hà Nội xem tình hình bố làm sao, ở trên ấy đang dịch sốt xuất huyết.Giê su ma lạy chúa thương xót chồng con”. “Mẹ đang yếu thế này, lại say xe nữa. Con lo lắm”. “Mẹ đi được, đi về là khỏe ngay ấy mà!”

Lụa xuống xe, nôn thốc nôn tháo. Bến xe rộng. Tấp nập mà bơ vơ. Trời ong ong nắng. Dường như bão sắp về. Xe ôm đưa Lụa đến nhà trọ. Sơn quần soóc áo may ô tất tưởi bê cơm cho khách. Trong quầy, một người đàn bà phốp pháp trạc tuổi Sơn đang tay dao tay thớt. Khuôn mặt chị ta lấm tấm tàn nhang, các nếp má, nếp mi xệ xuống, nhão ra. Trí não Nụ vặn lên rõ dần những làn sóng mơ hồ, lúc một rõ dần, như một cuốn phim quay chậm. Đúng người đàn bà đó, chị ta là giám đốc công ty mỹ phẩm, ngày ấy thường xuyên một tay Nụ đánh mỡ bụng và làm đẹp. “Thế này là thế nào? Sao giờ chị ta lại là chủ quán cơm? ” Mắt Lụa hoa lên, lẩy bẩy tựa vào cửa. Sơn hốt hoảng chạy lại đỡ vợ. “Mình ốm rồi, người nóng thế này. Anh đưa mình đi nghỉ nhá! “Lụa gật, vịn vào Sơn leo lên cầu thang. Đầu tầng hai, cửa phòng mở toang. Lụa níu Sơn lại, dụi dụi mắt, nhìn trân trân vào tường. Trên móc, quần áo Sơn lẫn lộn với quần áo đàn bà. Có cả đồ lót nam nữ. Cái quần sịp Lụa mới mua hôm nào! Đầu Lụa ung úc như có cả ngàn con ve đang kêu gào. “Sơn không đi làm cơ khí nữa. Làm thợ leo trèo sớm khuya vất. Sơn bưng bê, ăn nằm với  chủ hàng cơm!”

Lụa bứt khỏi Sơn, chạy như điên như dại từ tầng hai xuống, chui tọt vào gầm đoàn xe nối nhau loáng loáng trên đường phố.

May mà không việc gì… nhưng Lụa không còn sức khoẻ để lai gạo như ngày xưa nữa. Mấy hôm nằm viện, rất nhiều người đến thăm. Trong đó có nhưng người Lụa đã đưa gạo cho gia đình họ cả một thời gian dài, đã gắn bó với nồi cơm của họ suốt bao năm tháng.

Sơn bỏ Hà Nội về nuôi con. Chiều chiều tay nơm vai dậm vào tận hang Luồn ao Dong. Mờ sáng giãi thẻ ra chợ Tuệ Tĩnh sau cái chậu lộm ngộm cua cá.

Ngang trời lóng lánh mấy vì sao nhạt nhoà   …

V.M.T

Nguồn Văn nghệ số 50/2018

Tagged: