Đám rẫy Kéo Khà cách nhà chưa đầy chục phút đi bộ nhưng vụ ngô nào cũng không được thu hoạch một cách trọn vẹn. Khi bắp ngô mới thành hạt non đã bị lũ khỉ lông vàng kéo đến phá, cái bị bóc lá bi, cái bị ngắt khỏi thân cây, cái bị cắn nham  nhở. Số bắp còn lại không bị lũ khỉ ăn đến lúc chín lại bị lũ chuột núi kéo đến. Một bọn ăn lúc còn non, một lũ ăn khi bắp đến kỳ thu hoạch. Gieo trồng theo kiểu chia phần này bao giờ mới khấm khá lên được. Không hiểu lũ chuột ở đâu ra lắm thế không biết, cứ như bao nhiêu chuột to, chuột nhỏ đều kéo về Kéo Khà tất. Cả đám rẫy không có lấy một cái bắp còn nguyên, từ nhỏ đã chứng kiến bố mẹ ông bà đổ mồ hôi cuốc từng miếng đất, công trồng, công vun mà chẳng được hưởng thành quả làm Cải bực lắm. “Thế này thì sao mà không đói dài dài, của làm ra toàn để cho lũ chuột, khỉ chén béo tròn căng bụng”. Được rồi chúng mày cứ kéo nhau đến ăn hết đi. Rồi chúng mày sẽ biết tay tao. Cải hậm hực không thèm thu hoạch những cái bắp ngô bị gặm nhấm nham nhở. Vợ con Cải lượm lặt những cái ngô sót bỏ vào bao tải.

*

Một chiếc chòi rộng chừng mười mét vuông lợp tấm pro được dựng ngay sát sườn nhà. Bộ đồ rèn từ đời ông nội được Cải lấy xuống từ trên gác. Những dụng cụ lâu ngày không động đến bám bầy mạng nhện và phủ một lớp bồ hóng đen đặc. Một cái quạt thổi lò, một cái đe, một bộ kìm có đủ kích cỡ, và cả những cái búa to nhỏ. Những thanh sắt, những cục sắt đủ loại, kích thước và cả những thanh nhíp ô tô gãy. Bố Cải quả là người biết bảo quản đồ sắt. Sắt thép để ngoài trời dính nước mưa sẽ hoen gỉ, để trên gác bếp chỉ bị bồ hóng bám, khi cần dùng đến thì đem lau qua nước, mài, rèn lại dùng được. “Con cháu không được đem bộ đồ rèn này bán sắt vụn, đồng nát lấy mấy đồng tiền về uống rượu cho phải tội. Không được vứt nó ở ngoài mưa nắng hỏng hết đồ nghề. Hãy cất nó ở trên gác, sẽ có ngày các con lấy chúng ra sử dụng đấy”. Trước khi chết ông nội đã dặn đi dặn lại như thế. Mà hình như ông nội nhìn thấy tương lai phía trước nên mới dặn con cháu như thế? Trong  làng có ba cái lò rèn tồn tại đã năm, sáu đời nhưng đến giờ chỉ còn mỗi bộ lò rèn nhà Cải lưu giữ được, dù lò không lửa đỏ ngày hai buổi sớm chiều. Ông nội biết trước có ngày Cải sẽ đắp lại lò mà sao lúc còn sống, ông và bố không rèn mấy bộ bẫy để chim chuột, khỉ, lợn rừng không phá hoại mùa màng? Cải định hỏi bố nhưng bố anh giờ tai ngễnh ngãng, suốt ngày lẩm cà lẩm cẩm có hỏi thì cũng chẳng được gì, chỉ mua thêm cái buồn cái bực vào thân. Thôi chắc ông nội có lý do khi không rèn ra những cái bẫy. Cải nghe ông nội nói người làm bẫy và người thợ săn có chung một điểm, đôi bàn tay chỉ có một đường hoa độc nhất kéo từ giữa ngón cái và ngón trỏ ngang lòng bàn tay. Ông nội có hoa tay chữ M, bố cũng vậy. Chỉ có Cải là người có hoa bàn tay khác lạ nhất nhà. Bàn tay của người làm ra các loại bẫy, bẫy những loài thú lớn hung dữ. Bàn tay phù hợp với nghề săn bắn.

Cải chọn ngày Thai Tắm, giờ Hoàng Đạo, Đại An nổi lửa lò rèn làm ra những cái bẫy. Lửa đốt lên, ống thổi từ cái quạt tạo gió đẩy vào làm lửa cháy nhanh vào những khúc than gỗ mạy diễn, chẳng mấy chốc những thanh sắt đã được nung đỏ. Cải dùng kìm gắp ra đặt lên trên cái đe bên cạnh bếp lò, tay phải cầm búa nện xuống. Những thanh sắt tưởng chừng bỏ đi đã được Cải biến thành những cái bẫy chuột, bẫy khỉ. Cải rèn vào buổi sáng sớm và buổi chiều muộn, khi ánh nắng bắt đầu tắt. Mỗi tháng chỉ rèn được nhiều nhất là ba ngày. Rèn vào ngày Thai Tắm bẫy mới thoong được. Để làm ra mấy chục cái bẫy từ loại nhỏ để bẫy chuột, đến loại nhỡ để bẫy khỉ, lợn rừng, hươu nai… Cải kiên trì trong ba tháng trời. Cái nào không được như ý anh cho vào lò nung để rèn lại. Anh đem nỗi căm giận những loài phá hoại mùa màng vào trong tâm trí truyền vào cái bẫy mà anh đang chế tạo ra. “Tao sẽ không bao giờ bán bẫy lấy tiền, ai xin thì tao cho. Tao chỉ mong sẽ diệt được sạch lũ chuột phá hoại và cả lũ khỉ lông vàng trên núi, lũ lợn rừng trong đông lậc (rừng sâu)”. Cải đã nói như vậy với những người làng đến xem anh rèn bẫy. Có người hỏi: “Anh Cải không sợ mất bí quyết rèn bẫy à?” Cải chỉ cười. Bẫy làm ra để diệt những loài chuyên phá hoại thì giữ bí quyết làm gì? Có phải như rèn dao rèn búa để cho dao vừa cứng vừa sắc, mài một lần mà dùng được nhiều lần đâu mà lo sợ mất bí quyết. Rồi anh sẽ rèn dao búa, lúc còn sống nội đã truyền hết bí quyết cho cháu. Nhưng bí quyết thôi chưa đủ mà cần phải có cả tâm sức của người làm ra nữa. Bất kể một dụng cụ gì khi làm ra bởi người có tâm huyết và tình yêu với nó sẽ làm cho vật đó trở nên đẹp hơn. Bẫy sẽ được thoong hơn. Ông nội nói thế.

*

Năm nay nương Kéo Khà không trồng ngô hè thu, dù đất đã được người nhà Cải cuốc lên phơi nắng tơi xốp. Cải dùng xẻng lên luống trồng khoai lang. Mấy luống khoai lang trồng ở giữa đám nương rộng bằng bốn tấm cót phơi thóc. Cho nhiều phân chuồng hoai mục, phân bón lót chỉ trong hai tuần những ngọn khoai lang non đã phủ gần kín luống. Thế này thì sẽ có nhiều củ khoai lang to lắm đây. Cải thầm nghĩ. Nhưng Cải không mong sẽ được thu hoạch những củ khoai to về nhà. Mấy chục cái bẫy anh sẽ rải đều xung quanh, chỉ cần lũ chuột, lũ khỉ mò đến chúng sẽ mắc vào những cái bẫy giăng sẵn, những cái bẫy có hai cái răng cưa đan chéo nhau sắc lẹm. Cải tự tin cuối năm sẽ có vài bộ xương khỉ để nấu cao bán cho khách du lịch đến thăm thác Bản Giốc. Lũ chuột kia sẽ trở thành đặc sản cho những nhà hàng trên phố Thung Huê. Cải sẽ học cách làm mắm chuột của người Mường để ăn dần. Những con chuột ăn khoai, ăn ngô còn lành hơn thịt lợn chăn bằng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Người làng Cốc Kham nói Cải là người có đôi tay sát thủ. Mỗi khi Cải cầm hòn đá lên ném con vật nuôi toàn trúng vào chỗ hiểm, cái đôi tay “ném chó chó chết, ném gà gà toi” đã phải đền cho những người làng những con gà bị chết oan khi chúng đến nhặt ăn những hạt thóc, hạt ngô vãi trong sân nhà anh. Đã có lúc Cải thề từ nay đôi tay này sẽ không bao giờ cầm vào hón đá, thanh củi nữa. Nhưng ở làng hễ mở mắt ra là núi, là rừng thì làm sao không cầm đá, cầm dao được. Hòn đá vào tay anh cứ như nó có mắt nhằm vào đích hướng đến vậy. Bản thân Cải cũng không thể nào lý giải được đôi bàn tay anh lại có sát khí như thế. Có người nói: “Nếu đang trong thời chiến thì hay biết mấy, thằng Cải mà ra trận nhất định sẽ tiêu diệt được nhiều kẻ thù…”. Cải nghe không nói gì. Không thể nói gì trước mũi tên hòn đạn được. Đôi khi mạng sống của con người phó mặc cho may rủi. Người số đỏ thì sống, số đen thì chết, vậy thôi. Cải nghĩ cuộc sống này chẳng có gì phức tạp. Cứ để mọi cái thuận theo tự nhiên là hay nhất. Nghĩ như thế nhưng có nhiều lúc Cải lại làm những việc trái ngược với tự nhiên.

Lòng dạ của thằng Cải hẹp như cái mương nước lâu ngày không được nạo vét. Bà Đống ra rả như thế. Ở trong làng chẳng ai lạ tính bà Đống, người cả đời theo đít trâu nổi tiếng lơ là. Trâu đã đi xa mà người vẫn còn kề cà nói chuyện, chân chưa muốn bước, mặc trâu ăn lúa ăn ngô ở bờ đường. “Trâu tao ăn đi một vài cây ngô, vài bông lúa tốt thì chúng mày nghèo đói đi được à?” Nhiều lần trâu bà Đống ăn cây ngô, cây lúa Cải tức lắm. Nhất định cho mấy con trâu đó gãy cẳng để bà biết đường sợ mà lùa lũ trâu tránh xa cây trồng của nhà Cải ra. Cải đã nói nhiều rồi, bà Đống hay bất kể ai ở trong cái làng này cũng vậy thôi. Đã chăn nuôi thì phải trông cho cẩn thận đừng để ăn của người làng. Quy ước làng đã có từ lâu “mỗi hốc ngô bị trâu bò ăn, chủ phải đền năm nghìn đồng”. Phạt cái cục c,.. đã có ai nộp phạt đâu. Nói cho vui cho có làng ta cũng có quy ước thôi, còn lâu mới thực hiện được. Đã thế Cải sẽ làm cho người làng biết sợ. Nói nhiều mồm bã cả rồi mà có ai chịu lưu tâm đâu.

Mặc bộ đồ lao động màu cỏ úa đã sờn vai, cầm theo cái mũ lá cọ, Cải vác cây xà beng dài hơn sải tay lên vai đến những đám nương gần đường đi vào lũng. Chọn những lối trâu bò thường xuyên phá vào nương rẫy ăn ngô, đỗ, khoai lang. Cải đào những cái hố tròn sâu gần một mét, mỗi lỗ cách nhau một bước chân dài, lỗ rộng bằng cái ống bơ đựng sữa bột dành cho trẻ nhỏ. “Thế này con nào còn cố tình vào ăn, phá hoại mùa màng thì chỉ có gãy chân”. Cải thầm nhủ. Cải không muốn lấy mạng trâu bò của người làng, chỉ gây thương tích, chủ nó sẽ phải mất nửa tháng trời tìm cây thuốc của loài chim bìm bịp về giã đắp, buộc trong nửa tháng mới mong nối lại được xương chân bị gãy. Cải chỉ muốn người làng biết sợ mà chăn thả có trách nhiệm hơn. Sẽ chẳng ai có thể kiện được bởi Cải đã nhiều lần thông báo trong những cuộc họp làng rồi. Trưởng xóm rồi cả Bí thư cũng đã nhắc nhở, người làng cũng đã hứa sẽ chăn trâu bò tốt hơn. Không để gia súc ăn của người làng nữa. Rồi sao, trâu bò vẫn cứ ăn, mỗi ngày một vài cây, đến khi cây ngô trổ cờ chỉ còn nửa nương rẫy. Anh không muốn làm ác. Làm ác sẽ có người ghét, có người căm thù anh. Nhưng anh mặc kệ, ở đời không thể lo được nhiều như thế.

Nhưng con trâu sụt chân xuống lỗ gẫy chân trước không phải của bà Đống mà là của nhà Thu, một kẻ ngang tàng nhất xóm. Nhìn con trâu bị gãy hai chân trước Thu rất tức giận. Cơn giận của lão Thu như nước lũ tràn về muốn nhấn chìm kẻ đã đào cái bẫy giăng lối vào nương ngô. Thu bắt Cải phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng anh Cải vẫn dửng dưng. “Bắt tôi phải chịu trách nhiệm ư? Ông tự hỏi mình xem đã chăn trâu bò tốt chưa? Đã bao lần thằng này nói rồi, ngay cả khi đào hố thằng này cũng đã nhắc nhở mọi người chăn thả cho tốt, nhưng nào có ai chịu nghe? Thằng Cải này còn viết lên cái bảng thông báo ngay trên đường vào lũng Mươi nhưng có ai chịu đọc? Mọi người cứ cho rằng thằng Cải chỉ nói mà không dám làm, thằng Cải chỉ biết hăm dọa. Bây giờ chuyện xảy ra thì bắt thằng này chịu ư? Không bao giờ thằng này chịu đâu, thằng Cải không đào hố trên đường đi lối lại chung mà đào trong phần đất nhà mình thì cớ gì thằng này phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Lão Thu định nhảy vào đánh nhau với Cải nhưng người nhà đã kịp thời can ngăn. “Ở đời người ta không có tiền để trả nợ, chứ lo gì không có cứt để đền dắm hả ông”. Lời nói của vợ làm lão nguôi đi cơn tức. Cứ như thanh sắt nung đỏ trong lò được gắp ra và thả xuống chậu nước mát vậy.

*

Việc Cải mở lại lò rèn chẳng mấy chốc dân khắp vùng đều biết. Họ mang cái cuốc, con dao, cái búa đã cùn đến nhờ anh rèn lại cho sắc. Ngày mở lò rèn Cải thầm nguyện sẽ không kinh doanh buôn bán. Nhưng bà con mất công đến nhờ cậy anh nỡ lòng nào từ chối. Xong họ trả tiền công cho anh. Số tiền đủ anh mua than củi của mấy người Mông đem từ trên núi cao xuống chợ. Cứ một hai hôm Cải lại đón một vài người đến nhờ sửa chữa, rèn cho con dao cái cuốc, cái rìu đục gỗ. Nhưng hôm nay Cải đón một vị khách, một người đàn ông chạc tuổi anh nhưng râu ria rậm rạp, trông như một người rừng, một kẻ buôn gỗ mà anh đã nhiều lần bắt gặp. Người đàn ông tự giới thiệu tên là Học ở bản Pù Lùng cách đây năm quả núi, bảy quả đồi. Học nhờ anh rèn cho một cái bẫy hổ cỡ lớn. Vừa nghe đến bẫy hổ Cải thoáng giật mình. Hổ xuất hiện trở lại rồi ư? Cũng phải thôi mấy chục năm khoanh nuôi bảo vệ rừng, đã có những cây gỗ to một hai người ôm không xuể, người ngồi dưới đất không nhìn thấy mặt trời, có nhiều loài thú xuất hiện, có hổ cũng phải thôi. Nhưng sao phải làm bẫy bắt hổ? Động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ, săn bắt chúng kiểm lâm biết được là chết, đi tù như chơi, không đùa được đâu”. Học biết mối lo của anh. Nó bảo “hổ ở trong rừng thì đi bắt nó làm gì. Đằng này nó cứ dăm ba ngày lại đến bản bắt nghé, bê, lợn khiến người làng ai cũng sợ hãi. Đêm chẳng ai dám đi chơi vì sợ gặp hổ. Dù nó chưa bắt người, nhưng biết đâu đấy. Thôi anh Cải làm ơn rèn giúp cho một hai cái bẫy… Bắt được hổ thì người làng biết ơn anh lắm ạ. Anh Cải hãy giúp làng em trừ ác đi nhé”. Trừ ác ư? Chẳng phải Cải cũng căm thù cái ác, căm thù sự phá hoại sao. Cải sẽ phá lệ rèn hai cái bẫy to cho Học đem về. Nhưng phiên chợ sau mới đúng ngày Thai Tắm, giờ Hoàng Đạo anh mới rèn được. Rèn ngày thường không linh đâu. Nghe anh thợ rèn nói vậy Học lặng lẽ ra về. Tuần sau Học sẽ quay trở lại lấy bẫy, trả tiền công cho chủ lò rèn.

Con hổ dính bẫy gào lên thảm thiết. Tiếng kêu của nó làm những con chim rừng bay dáo dác, những con chó chui vào gầm giường im re, những con lợn trong chuồng đầu nghếch lên với đôi tai dựng ngược, những đứa trẻ con không dám khóc. Học và đám thanh niên trai tráng trong làng tin một khi con hổ dính bẫy sẽ không thoát ra được. Cái bẫy to và cứng, khi gài phải cần đến xà beng mới cậy được. Cái bẫy được nối với một sợi xích to cột vào thân cây, dù hổ có sức mạnh đến đâu cũng không thoát ra được. Mặc cho con hổ gầm gào vang vọng núi rừng Học và đám thanh niên vẫn ngồi nhà uống rượu nhắm với đĩa đỗ tương rang. Đợi khi nào con hổ giằng xé quằn quại với sợi xích mệt người làng sẽ mang theo thuổng dài, đòn gánh đánh đập kết liễu mạng sống con vật hung ác. Nửa ngày trôi đi, chắc giờ con hổ đã mệt, không còn nghe thấy tiếng kêu gầm vang của chúa sơn lâm. Nhưng những người đàn ông khỏe mạnh trong tay lăm lăm binh khí tiến đến nơi con hổ dính bẫy thì không khỏi giật mình. Xung quanh gốc cây cột dây xích đất bị cào xới nham nhở. Cái bẫy vẫn còn đó, một nửa bàn chân trước của con hổ dính chặt ở răng bẫy. Máu đỏ loang lổ trên cái bẫy vẫn chưa kịp khô. “Sao lại có thể như thế anh Học nhỉ?” Có người hỏi Học. Nhưng chính Học cũng đang không biết vì sao cái bẫy mới chỉ cắn hơn một nửa bàn chân con hổ. Bẫy sắt to rất cứng một khi sập nó nảy lên ngang bụng người. Con hổ mà dẫm phải bẫy thì đáng lẽ ra bẫy phải cắn đến bắp đùi nó mới đúng. Nhưng Học không biết được rằng con hổ này nhảy lên quá nhanh, cái bẫy mới cứng nhưng nó không được nhạy lắm. Người gày bẫy lại không quấn nhiều vải rách vào hai hàng răng sắc nhọn của bẫy nên con hổ mới bị đứt nửa bàn chân. Con hổ dính bẫy mất đi nửa bàn chân chắc sẽ không còn dám quay trở lại bắt gia súc của người làng nữa. Là Học nghĩ thế. Nhưng cũng có người lo sợ con hổ sẽ quay lại báo thù. Họ không biết Học đã chú nguyện những câu gì lên bẫy khi gài ở nơi con hổ thường hay đi lại.

*

Gần đây Cải thường hay ngửi thấy mùi măng chua hăng hắc mỗi khi anh vào rừng khi lên nương. Lẽ nào làng này giờ cũng bắt đầu xuất hiện hổ rồi sao? Thế thì phải thành lập lại phường săn thôi. Phường săn tan rã đã lâu lắm rồi, tan từ khi không còn thú, tan từ khi rừng bị con người đẩy đi rất xa làng xa bản. Rừng bị đẩy đi xa đến độ đi cả ngày trời mới bước được chân vào bìa rừng kia. Nhưng vừa ngửi thấy mùi măng chua, linh tính của một người thợ săn có hoa bàn tay đặc biệt mách bảo con hổ đang lẩn khuất ở đâu đây. Thế càng tốt, không hẹn mà gặp, Cải sẽ có khỉ lẫn hổ. Có được hai loại cao này nhiều người sẽ tìm đến, anh sẽ thu được nhiều tiền.

Ngoài đồng lúa bắt đầu ngả sang màu vàng. Trên nương những quả bí đỏ cũng đến kỳ thu hoạch. Mấy luống khoai Cải trồng, đất nứt toác, chứng tỏ có nhiều củ khoai to. Vén lá khoai lang Cải thấy thích thú khi thấy những củ khoai lang đỏ nhô lên khỏi mặt đất. Những củ khoai to ngon thế này bảo sao lũ khỉ sao không thích. Mấy ngày nay Cải đã nghe nhiều tiếng hú ở những ngọn núi bên Lũng Xỏm. Rồi chúng sẽ đến đây, Cải đang giăng những cái bẫy đợi sẵn. Cải chỉ lo mấy con chuột chưa dính bẫy đến làm hỏng công giăng bẫy của anh. Cải hồi hộp chờ đợi. Tranh thủ về nhà ăn cơm trưa, thời gian còn lại trong ngày anh ẩn mình ở một bụi cây bên sườn núi quan sát mọi động tĩnh của bầy khỉ lông vàng đang nhằm núi Phia Đeng đi tới. Cải nóng lòng mong lũ khỉ đến ăn  khoai lang nhô lên khỏi đất nhấp nhô như cái đầu gà mái kia. Nhưng lũ kỉ lại cứ nhởn nhơ đùa nhau chí chóe trên đỉnh núi không chịu xuống. Hình như lũ khỉ đã ngửi thấy sự nguy hiểm đối với chúng. Lẽ nào con khỉ chinh sát đã biết xung quanh đám khoai lang có nhiều bẫy giăng sẵn? Con khỉ chinh sát làm nhiệm vụ cảnh giới là con khôn nhất trong đàn. Nhưng nhiều lúc con khỉ cảnh giới cũng bị mắc lừa khiến lũ khỉ dính phải bẫy, bị đón lõng dính đạn chết. Cải từng chứng kiến con khỉ chinh sát bị đuổi ra khỏi đàn, trở thành con khỉ cô đơn. Dù nhìn từ xa không rõ mặt con khỉ bị đuổi, nhưng anh tin chắc con khỉ cảnh giới buồn lắm. Vì nó mà trong đàn có con phải bỏ mạng. Khỉ chưa đến mà thỉnh thoảng những cái bẫy lại sập bởi lũ chuột đáng ghét. Anh dùng chân đạp xuống khóa để lấy xác con chuột xấu số ra khỏi bẫy và giăng lại. Xác những con khỉ chết một hai ngày đã dậy mùi thu hút lũ nhặng xanh kéo đến…

“Khiác”, một tiếng động vang lên phá vỡ bầu không gian yên tĩnh. Và một tiếng kêu “a rối nó” vang lên cùng lúc. Cải đã dẫm trúng cái bẫy to nhất của mình giăng chờ lũ khỉ. Nhìn xuống bắp chân, hai gọng bẫy cắm vào da thịt, máu chảy thấm ướt cả miếng giẻ quấn vào răng bẫy chảy xuống mắt cá chân. “Mẹ thằng Tuế, con Liên ơi đến đây… cứu bố, bố sắp đứt chân r..ồ…i”. Vợ Cải nghe tiếng chồng gọi thì sai con Liên nghe xem bố gọi ai, nói cái gì. Hình như bố nói đã bắt được khỉ rồi. Có lẽ bố gọi mẹ con đến giúp khiêng khỉ về đấy mẹ ạ. Bà Quỷnh nghe con nói thì mừng lắm. Phen này chắc bầy khỉ sợ phát chết rồi. Một khi một con bị dính bẫy, nhiều năm sau lũ khỉ chẳng dám quay về ăn tàn phá hoại mùa màng nữa. Chỉ còn lo bẫy hết lũ chuột núi mà thôi. “Liên ơi, mày có ở nhà không? Nhanh l..ê..n đ..i”. Thằng Tuế đi lấy củi chưa về. Mẹ con Liên vội vàng chạy lên núi. Hai người mang theo dây buộc, đòn khiêng. Nhưng đến nơi hai người tỏ ra sợ hãi. Chẳng thấy có con khỉ nào cả, chỉ thấy Cải đang nằm thoi thóp gần mỏm đá lô nhô giữa đám nương.

– Bố… bố sao lại thế này? Con Liên sợ quá hét toáng lên.

– Bố bị dính bẫy chân sắp đứt lìa rồi. Mẹ con mày hãy nhanh lên gỡ cái bẫy ra đi, nhanh lên. Cải nói đứt quãng, có lẽ cơn đau đã làm anh kiệt sức.

Nhưng khi mẹ con Liên bước đến gần Cải lại can ngăn. Khoan đã, còn nhiều cái bẫy giăng xung quanh lắm. Con hãy chặt một cái cây dài chọc xuống bàn bẫy để những cái bẫy sập rồi hẵng vào, không cả nhà gặp nạn hết đấy. Liên làm theo lời bố chặt cây Phât Lẩu dài hơn sải tay làm cho những cái bẫy sập một loạt rồi mới đến cứu bố. Mẹ con Liên chưa bao giờ ngó ngàng đến những cái bẫy thú nên chẳng thể biết gài, tháo ra sao một cách an toàn. Mặc cho Cải hướng dẫn cách đạp vào cái khóa để cái bẫy banh ra, nhưng cái bẫy to, cứng, sức đạp không mạnh, người không đủ nặng làm cái bẫy vừa banh ra một chút đã siết lại càng làm cho Cải đau đớn. Phải đạp đến năm sáu lần cái bẫy mới được banh ra hoàn toàn, hai mẹ con mới nhấc được cái chân bị thương của bố ra khỏi cái bẫy thú. Để bố tựa lưng vào tảng đá. Cái Liên nói với mẹ có buồn đi tiểu không. Bố bị mất máu nhiều phải uống nước tiểu mới được. Liên nghe người già nói vậy, người đi rừng đi núi bị búa vào chân mất nhiều máu thì cho uống nước tiểu là tốt nhất. Có người không biết đã cho người bị thương uống nước. Bị mất máu nhiều mà cho uống nước là chết  ngay. Cải vừa nghe thấy nước đái đã sợ. “Bố không uống thứ nước đái ghê ghê đó đâu, con để mẹ ở đây chạy xuống nhà xem thằng Tuế đã về chưa, bảo nó gọi nhờ người làng đến khiêng bố xuống núi đi lên viện thôi”. Thấy chồng lắc đầu, bà Quỷnh đang cầm cốc nước thánh đựng trong lá cây toong slản đổ vào hốc đá “sạch cho lắm vào, có ngày chết vì ăn ở quá sạch cho mà xem. Nếu nước trong hố trâu đằm uống vào mà khỏi bệnh hiểm nghèo không ít người sẵn sàng vốc lên mà uống”. Bà Quỷnh lầm rầm.

Cái chân phải của Cải bị hoại tử phải tháo khớp đầu gối, câu nói của bác sỹ Chất, người có tay nghề cao nhất ở bệnh viện Co Xàu làm Cải không tin vào tai mình. Từ nay anh sẽ trở thành một kẻ tàn phế ư? Sao có thể như thế được? Nhớ lại cái buổi chiều định mệnh đó Cải thấy có cái gì đó sai sai, mơ hồ. Bẫy là do anh giăng đặt, từng vị trí đặt bẫy đã được đánh dấu ký hiệu. Sao cái bẫy lại có thể dịch chuyển ra xa tám bước chân, đúng lối mà Cải hay đi. Hình như ai đã cho bẫy sập và đặt lại bẫy ở một vị trí khác khiến Cải gặp nạn. Nhưng ai lại ác với anh như thế. Cả ngày trừ lúc ăn cơm ra Cải đều có mặt ở quanh rẫy nào có thấy ai lảng vảng trên núi Phia Đeng đâu. Còn chưa thấy mặt con hổ dữ ra sao, cũng chưa bắt được một con khỉ nào mà Cải đã dám nhận tiền của mấy vị quan khách ngoài thành phố Lãng Bình rồi, giờ thân anh tàn phế thế này thì làm sao mà săn hổ, bẫy khỉ về róc xương nấu cao được nữa. Biết lấy tiền đâu mà trả lại cho người ta lúc này cơ chứ? Nhưng mấy hôm nay ăn chẳng được, ngủ không ngon giấc, sau khi cái cẳng chân được các bác sỹ tháo lìa khỏi thân, tay cắm dây dợ truyền dịch, cũng chẳng còn thấy đau đớn, tự nhiên Cải thấy buồn ngủ. Chỉ trong chốc lát anh đã chìm vào trong cơn mộng mị. Cải đang đứng ở một bãi cỏ xanh mướt, chung quanh không có một cái cây, chỉ rặt cỏ là cỏ. Trước mặt anh là con hổ thiếu nửa bàn chân, sau lưng là mấy con trâu mộng, con nào cũng chỉ có ba chân. Bên trái anh là con khỉ đột, bên phải là lũ khỉ lông vàng. Những con vật quây anh vào giữa, chẳng có lệnh hiệu nhưng tất cả các con vật đều xông lên quyết lấy mạng người đang đứng bơ vơ với hai bàn tay trắng. “Hự, hự” chân tay Cải đạp loạn xạ. Cú văng mạnh suýt làm đứt cái dây truyền dịch. Hóa ra đó chỉ là một giấc mơ, giấc mơ làm anh toát mồ hôi lạnh. Bây giờ thì Cải tin tất cả các con vật sinh sống trên mặt đất đều có linh hồn. Cải đã gây ra nhiều cái ác cho những con thú hoang, cho những con trâu ăn cỏ bỏ phân, kéo cày làm ra hạt thóc, bắp ngô nuôi sống bao thế hệ. Và bây giờ anh đang phải trả giá cho những cái ác do chính đôi bàn tay mình gây ra. Cải suy ngẫm về những gì đã qua, bất giác anh nhìn lên lọ dịch truyền, từng giọt từng giọt dịch truyền nhỏ đều, chậm rãi. Không biết cuộc đời của Cải sẽ kéo dài bao lâu, anh không thể biết trước. Nhưng anh tin chắc phía trước là những ngày tối tăm, căng đôi mắt ra nhìn chỉ thấy một màu tro xám nhờ nhợ.

Nguồn Văn nghệ số 39/2018