Trước kia tôi mê F.Dostoevsky và đánh giá ông là một nhân vật vĩ đại. Tất nhiên bây giờ ông vẫn là một nhà văn vĩ đại bất chấp cảm giác của tôi thế
Thế nhưng tôi đã giảm sự yêu thích ông khá nhiều khi đọc lại những cuốn tôi thích nhất, ví như Tội ác và hình phạt. Tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Dos để kiểm tra lại cảm giác choáng ngợp của lần đầu đọc. Ông đã khiến tội hụt hẫng khi đọc lần hai. Lần thứ nhất, tôi đã đứng tim khi đọc những dòng mô tả về Raskolnikov khi hắn phạm tội giết người. Lần sau, tôi đã không còn cảm giác như thế nữa. Raskolnikov làm tôi khá dửng dưng. Tôi đã biết được diễn biến và không hứng thú nữa. Sự đọc lần hai này tôi đã bình tĩnh hơn rất nhiều và có lẽ điều đó đã làm giảm sự đam mê của tôi đối với ông. Tôi vẫn kính trọng F.Dostoevsky nhưng ông không làm tôi mê mẩn như lần đầu nữa.
Điều đó không xảy ra tương tự với Lev Tolstoy hay nói khác đi sự giảm sút cảm xúc ở Lev không nhiều như ở Dos khi đọc lại lần hai. Tôi vẫn ngỡ ngàng trước những hành động của Anna Karenina, vẫn thấy một sự cảm thương vô bờ với nàng. Sự miêu tả của tác giả với những diễn biến tâm lí của người đàn bà quý tộc ấy khi rơi vào vòng xoáy tình ái vẫn khiến tôi xúc động. Những hành động bản năng đầy kiên quyết của nàng vẫn khiến người đọc thông cảm, đón đợi. Lev Tolstoy vẫn làm tôi hứng thú, kể cả với cuốn tiểu thuyết mang tính lí tưởng của ông là Phục Sinh. Những suy nghĩ của chàng công tước Nekhliudov về cái ác, nhà tù, nỗi thống khổ của con người vẫn có sức lay động.
Sự đọc lại là một sự trải nghiệm khắc nghiệt với tác phẩm, dù tinh thần cơ bản là bất cứ tác phẩm nào, ở lần đọc sau, cảm xúc đều bị suy giảm ít nhiều. Có tác phẩm suy giảm chút ít, có tác phẩm bị mất đi một khối lớn và cá biệt từ non cao rơi thẳng xuống vực thẳm. Thế nên ban đầu tôi xếp Dos cao hơn Lev. Dos đứng vị trí thứ nhất trong các nhà tiểu thuyết Nga cổ điển, Lev ở vị trí thứ hai nhưng sau khi đọc lại, vị trí đã bị đổi ngược. Tôi viết những cảm nhận về hai nhà văn nói trên ở mạng xã hội facebook, một bạn đọc đã hỏi tôi: Vì sao như vậy? Tôi trả lời rằng: Đọc lại mà vẫn thích, điều ấy khó hơn. Cho nên trong cảm quan cá nhân của tôi bây giờ Lev là số một trong các nhà tiểu thuyết Nga cổ điển. Lev Tolstoy đã làm được cái điều mà tôi nghĩ F.Dostoevsky rất khác biệt. Tác giả của của Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục Sinh… làm cho tôi cảm thấy rằng câu chuyện ông kể là rất thực, còn Dos, ấn tượng lần sau là những câu chuyện của ông phi thực, nó giống những vở kịch được dàn dựng nhiều hơn. Và đọc những câu chuyện được dàn dựng, dù có khéo léo đến mấy thì lần sau đều ít hứng thú.
Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu đọc Salammbô của G.Flaubert, sao mà nhiều cảnh hùng vĩ và ấn tượng đến thế. Tôi thán phục trước những cảnh hoành tráng mà miêu tả vô cùng tỉ mỉ của Flaubert. Những cuộc chiến tranh đầy màu sắc và âm thanh giữa các bộ tộc, tác phẩm như một cuốn phim với rất nhiều cận cảnh vĩ đại. Ông có một trí nhớ và một óc họa sĩ thiên tài. Nhưng ở lần đọc sau, những cảm giác đó trong tôi mất đi nhiều lắm. Tôi thấy Salammbô chỉ là một tác phẩm hay, không đến mức gây choáng ngợp bàng hoàng. G. Flaubert quá cầu kì, quá dàn dựng và khi người ta đã biết được ý đồ của tác giả thì họ không còn hồi hộp chờ đợi nữa.
Sự khác biệt ấy có thể xảy ra ở cùng một tác giả với những tác phẩm khác nhau. Vẫn là Flaubert nhưng với Bà Bôvary thì cảm giác gần như trái ngược. Lần sau của Bà Bôvary vẫn khiến tôi ưa thích với những phiêu lưu tình ái đầy nguy hiểm của người đàn bà ấy, dù sự hồi hộp đã mất đi một lượng không tránh khỏi. Sự kiểm chứng này rất giống với trường hợp của Anna Karenina, đọc lần sau, người ta vẫn tin rằng điều ấy có thực và có thể chính mình đã rơi vào vòng xoáy ấy. Sự cám dỗ của những người đàn bà đẹp, người ta nhìn thấy sự nguy hiểm của vấn đề mà không sao thoát ra khỏi. Bi kịch của bà Bôvary giống hệt của Anna Karenina nhưng tất nhiên vấn đề không phải là nội dung câu chuyện. Điều tài tình là tác giả đã khiến cho người đọc lần sau vẫn tin vào câu chuyện, dẫn dắt họ đi theo cảm xúc và nhập cuộc theo những cảm xúc ấy. Và điều đó khiến cho tác phẩm được thích lâu hơn?
Sự đọc lại vô cùng nghiệt ngã. Tôi ngưỡng mộ nhiều hơn những tác phẩm trụ được lần đọc thứ hai, thứ ba và hơn nữa. Thôi thì tạm gác qua những vĩ nhân cổ điển. Giờ ta đi gặp những “ông lớn” đương đại xem thế nào.
Nói thật là khi Cao Hành Kiện vừa được dịch ra tiếng Việt với Linh Sơn tôi đã không thể nào đọc nổi ông. Đọc được mươi trang tôi đã vất sách và không nghĩ sẽ có ngày đọc lại. Khoảng mười năm sau, tôi mới đọc lại Cao Hành Kiện và vô cùng thích thú. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ cảm giác của mình giống như khi đọc Salammbô của G. Flaubert, tôi để lắng lại ít nhiều và tiếp tục với Linh Sơn. Kinh ngạc. Lần kiểm tra này cảm xúc vẫn gần như lần đầu và đến lần thứ ba, thứ tư, họ Cao bị mài mòn rất ít và tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết của họ Cao là một trường hợp vô cùng đặc biệt. Nó chống lại cực tốt sự bào mòn. Lại sao có được trạng thái ấy, có phải tác giả đã không muốn giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, cuộc đi tìm ngọn núi thiêng chỉ là một cái cớ? Và xen vào cuộc truy tìm là rất nhiều những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Trung Hoa. Nhưng cuốn sách cũng không phải viết về văn hóa lịch sử Trung Hoa, nó là một sự “lừng khừng” giữa các lằn ranh giới, giữa tiểu thuyết và tản văn, giữa kí sự và triết luận. Nó không triệt để vấn đề để tạo khoái cảm quá lớn của lần đầu nhưng đến lần thứ hai, thứ ba vẫn bóc tách, khám phá những mảng lớp mới. Đó là sự tài tình và khác biệt của Cao Hành Kiện. Nhưng tất nhiên đấy là cảm xúc riêng của tôi, một người bạn văn khác thì đánh giá, anh không thể nào chịu nổi họ Cao lần hai!
Milan Kundera đã được dịch rất nhiều ra tiếng Việt và fan hâm mộ của ông không phải ít. Tôi đã đọc toàn bộ những gì của ông được dịch ra tiếng Việt, độ chục cuốn. Nhà văn gốc Séc này có một điểm rất đáng nói về góc độ đọc lại. Các tiểu thuyết, tiểu luận của ông đa số đều vượt qua được những lần bào mòn cảm xúc, những cuốn xuất sắc nhất có thể kể đến: Sự bất tử, Đời nhẹ khôn kham, Nghệ thuật tiểu thuyết, Màn… Tại sao Milan Kundera làm được điều này, có phải những triết luận đan xen trong tiểu thuyết của ông là vừa đủ, vừa đủ độ kích thích hưng phấn sau mỗi lần đọc và không bị mệt mỏi cho những lần tiếp sau? Nó như một nhắc nhớ nhẹ nhàng về cuộc sống, đọc nó không bị phiền lòng, không bị giáng những đòn quá mạnh nhưng vẫn đủ sâu sắc. Đa số sách của Milan Kundera không làm tôi suy giảm hứng thú với những lần trở về, cho nên ở những chuyến đi xa, tôi thường chọn vài cuốn của Kundera để mang theo cùng hành trình.
Tôi thử nghiệm sự đọc lại với hai cuốn tiểu thuyết thuộc loại thành công nhất của các nhà văn Việt đương đại: Thời xa vắng của Lê Lựu và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Thời xa vắng của Lê Lựu gợi cho tôi những nỗi buồn của anh chàng Giang Minh Sài nhưng những lần đọc sau tôi càng ít buồn hơn. Có lẽ, vì cái sự “thời vụ của lịch sử” đã thay đổi, cái “thời cuộc” của đời anh Giang Minh Sài không kéo dài và bây giờ không lặp lại nữa. Với Nỗi buồn chiến tranh thì dường như tính lặp lại và những quãng rung động về chiến tranh, tình yêu vẫn còn nhiều. Người đọc vẫn thấy mình có cơ hội trải qua nó hoặc nghĩ về nó với những gần gặn của liên tưởng và trải nghiệm. Sự suy giảm khoái cảm của Bảo Ninh ít hơn của Lê Lựu và tôi nghĩ rằng đó đều là hai tượng đài của tiểu thuyết Việt Nam mà có lẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để có đối thủ vượt qua.
Câu hỏi đặt ra là các nhà văn, họ viết cho lần đọc thứ nhất hay cho lần đọc thứ hai hoặc nhiều hơn và có bí quyết gì không? Có lẽ không ai đặt ra câu hỏi ấy khi bắt tay vào viết và tôi nghĩ cũng không ai giải nổi bài toán này. Lev Tolstoy chắc chắn không ý định viết Anna Karenina cho người ta đọc lần thứ hai mới thích và F. Dostoevsky sẽ không ngốc mà nghĩ rằng ông chỉ làm cho người ta choáng ngợp ở lần thứ nhất. Và ở cùng một tác giả đã có sự khác biệt như ở trường hợp G. Flaubert, cả Lê Lựu hoặc Bảo Ninh… Bằng một sự mẫn cảm hoặc thiên phú, xuất thần nào đó của tác giả mà ta khó giải thích nổi sự khác biệt ở những tác phẩm cụ thể của họ ở những lần đọc lại và không hề giống nhau. Cùng tác giả mà có cuốn thích đọc hơn một lần, cuốn khác lại không thế và ngay cả ở quy mô nhỏ hơn, những truyện ngắn cũng có nhiều trường hợp tương tự. Một truyện ngắn của Bảo Ninh tôi rất thích khi lần đầu khi đọc trên báo là Bội phản, nhưng rồi khi tôi chọn nó để đọc cho một mục đích khác tôi đã thất vọng vì cảm xúc xưa đã bị mất đi khá nhiều. Ngoài vấn đề tài năng hay nội dung của tác phẩm thì những khác biệt này còn có thể suy nghĩ theo một hướng khác nữa: “cái tạng của tác phẩm”. Tác phẩm “tạng này” thì chỉ nên đọc một lần, còn “tạng kia” thì có thể nhiều lần?
Sự đọc lại nghiệt ngã như nhúng kim loại vào a xít. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà văn đôi chút lo sợ khi đọc lại tác phẩm của mình và những bạn đọc, vì quá yêu mến một tác phẩm nào đó cũng ngần ngại khi đứng trước sự thử thách này. Sự đọc lại giống như một lưỡi cưa máy rất sắc, ít trang bị bảo hộ. Chiếc cưa có thể cắt đứt ngay một thân cây lớn và cũng có thể làm tổn thương chính người dùng. Những tác phẩm đã vượt qua được sự nghiệt ngã của sự đọc lại thì có thể chúng đã sở hữu một vé đi vào sự bất tử của văn chương.
Uông Triều
Nguồn: Tạp chí Sông Hương SDB33/06-2019, phiên bản trực tuyến ngày 25.6.2019.