Hội Hoa Đàm là một tập thơ hấp dẫn của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Ông có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển thơ ca nước nhà. Với lòng đam mê mãnh liệt với văn học mà ông đã cho ra đời những trang thơ chất lượng và mang giá trị sâu sắc. Nhiều thi phẩm của ông được phổ nhạc trở thành những ca khúc đi cùng năm tháng. Hãy đón xem nhé!
Kệ khai kinh
khơi lò trầm thanh tịnh
ngâm dòng thơ cúng dường
hào quang mười phương Phật
tỏa áng kinh hiền lương
nguyện ba đời cõi pháp
tuyên lưu giải thoát hương
Cơ duyên
Khơi trầm thơm tụng kinh Hiền,
Núi Đông thoát hiện một viền gương nga.
Vườn nhài đơm trắng ngàn hoa,
Tầm hương chim cũng la đà bay sang.
Nến rơi lã chã giọt vàng,
Trang kinh lấp lánh đôi hàng sao in.
Gió lay tờ nguyệt im lìm,
Mỗi dòng chữ mở cánh chim hiền từ.
Theo vào mộng thực cõi hư
Phiến trăng mở cánh chân như tuyệt vời:
Là đây cõi Phật cung trời,
Là đây non núi vọng lời tuyết sương.
Hồn như khói thoảng, mây vương
Nổi nênh giữa chốn chân thường tịch không
Mở ra mười cõi mênh mông,
Khép vào lại thắm một bông sương vàng.
Tỉnh thôi khói cuộn mê đàng,
Ngoài hiên còn lại đôi hàng hoa lay
Soi trăng chênh chếch mái Tây,
Đem kinh diệu nghĩa diễn bày thành thơ.
Ai hay tâm thể nghìn xưa
Vẫn như vầng nguyệt trên bờ nước mau,
Qua sông thì mượn đò, cầu,
Chuyển mê, khải ngộ: tâm mầu hiện soi.
Mười phương Bồ-tát thuận đời,
Chuyển khai Pháp nhãn không ngoài một tâm.
Nương vô thường, chuyển vô thường,
Mở tung giả ngã muời phương đại đồng.
Kết thơ nên chiếc bè hồng,
Đẩy sào tín nguyện vượt dòng vọng mê.
Tử sinh chẳng khác Bồ-đề,
Pháp không tự tánh đi về ngại chi.
Kìa bông sen trắng lưu ly,
Dâng hương thanh tịnh xá gì bùn hôi.
Hội Phật dưới hoa
Chính tôi nghe kể một thời,
Bên thành Xá-vệ giữa nơi đạo trường.
Vì nguyện độ chúng mười phương,
Cùng vào trí Phật, lòng thương vô bờ.
Trải bao năm lắng tâm tu,
Nằm sương, gối cỏ cho dù khổ đau.
Giơ tay xô đổ thành sầu,
Dứt tham, mê, giận, tâm mầu nhiệm khai.
Phật ngồi trên nệm cỏ dài,
Hào quang vô lượng cõi ngoài sáng soi.
Hoa thơm khắp mấy từng trời
Cúng dường trải xuống quanh người trầm tư.
Thương chúng sinh chốn ao tù,
Đảo điên ý nghiệp, mịt mù vọng tâm.
“Mà đây chính đạo cao thâm,
Nói ra người chấp mê lầm, chẳng tin.
Chi bằng ta nhập Niết-bàn,
Thiền oai, nguyện lực, chuyển đàng vọng mê.”
Biết Phật dưới cội Bồ-đề,
Phạm thiên vương thoắt hiện về dưới hoa.
Chắp tay, dòng lệ nhạt nhòa
Bạch Thầy: “nỡ bỏ Ta-bà đi sao?
Chẳng khai hóa đạo nhiệm mầu,
Chúng sinh rồi biết nương đâu trở về!
Đành quên nguyện lớn xưa kia,
Cứu đời thoát khỏi lầm mê, đọa đày.
Kể từ lập cõi cao dày,
Sáng nay muôn loại có ngày vàng son.
Xin vì tha thiết lòng con,
Ngài khai chính đạo, cho tròn hạnh duyên.”
Phật truyền: “đáng bực chân tiên,
Lòng thương ông trải khắp miền thế gian.
Ý tôi muốn nhập Niết-bàn,
Nói chi thêm để trần hoàn chấp nê.”
Bạch Thầy: “hạt chắc Bồ-đề,
Muôn lao ngàn khổ có nề hà chi!
Dù chúng sinh đắm mê si,
Sen thơm kia cũng hẳn vì đầm tanh.
Nhớ xưa trải mấy cao xanh,
Ngài từng góp nhặt pháp lành dài lâu.
Quên thân mạng để tìm cầu
Đạo vàng, luật ngọc cao sâu nghìn trùng.
Gương vô lượng kiếp còn trong,
Sáng soi như mặt trời hồng cõi tiên.”
Giữa đài mây toả
Rằng xưa có một vua hiền,
Trần-lan-ba, ấy là tên họ nhà.
Ngài trị châu Diêm-phù-đề,
Khắp muôn cõi nước theo về cậy trông.
Vương phi trăm tía ngàn hồng;
Đại thần, một vạn quan trông nước trời.
Thái bình an lạc nơi nơi,
Mưa hòa, gió thuận, lòng người hoan ca.
Một sớm vua dạo xem hoa,
Ngắm sương từng hạt vùa sa chói ngời.
Thoáng đâu về gợn gió trời,
Chùm sương như thể rụng rơi lệ vàng.
Nhà vua ngộ lẽ vô thường,
Hỏi thầm đời khác chi sương khói này.
Mà người đắm giấc mê say,
Cuốn theo tham dục, tháng ngày lặng trôi.
Thân như gỗ mục, sóng nhồi,
Sinh, già, bệnh, chết, đời đời chuyển xoay.
Nhủ lòng: ta phải tìm ngay
Con đường thoát khổ, đưa người qua sông.
Sáng sau chim mới gọi Đông,
Nhà vua hoa ướp, trầm xông sạch mình.
Trên bệ ngọc, giữa triều đình,,
Ân cần vua ngỏ chân tình thiết tha:
“Các khanh hãy chỉ giùm ta
Con đường cứu khổ giúp nhà giúp dân.
Cầu chi, ta chẳng ngại ngần,
Dù ban vàng ngọc như trần sa kia.”
Lệnh vua truyền khắp sơn khê,
Tin đi đã lắm, tin về còn lơi.
Năm sau một vua trên trời –
Tứ thiên – hiện xuống cõi đời, xem qua.
Liền biến thành quỷ Dạ-xoa,
Mặt xanh, mắt đỏ như là máu tươi.
Nanh nhe, tóc dựng rợn người,
Mồm phun lửa đỏ, nói cười lao xao.
Trình rằng: “thần biết đạo mầu.”
Vua nghe lòng bặt ưu sầu, ra nghinh.
Trà ban mấy chén ngọc quỳnh,
Suốt đêm kề nguyệt, chân tình hỏi han.
Sáng sau kiệu ngọc, tàn vàng,
Rước Thầy lên ngự pháp đàn trầm sa.
Mây hồng phấp phới quanh tòa,
Muôn dân trụ lại trải hoa cúng dường.
Gối quì đảnh lể pháp vương,
Nhà vua dưới bệ trầm hương thỉnh cầu.
Thầy truyền: “muốn học đạo mầu,
Hãy dâng hoàng hậu, con đầu ta ăn.”
Ai nghe, chẳng hãi vô ngần,
Riêng vua hoan hỉ, lui chân xuống tòa.
Ngỏ cùng con ngọc, vợ hoa:
“Hy sinh là đạo đức nhà trị dân.
Muốn cầu chính đạo độ nhân,
Lễ Thầy, cần đến tấm thân hai người.”
Cúi đầu hoàng hậu nghẹn lời,
Dắt tay thái tử lên nơi đạo trường.
Giữa tòa nghi ngút trầm hương,
Thầy ăn một thoáng máu xương chẳng còn.
Người quanh xiết đỗi kinh lòng,
Xót thương, ai chẳng dòng dòng lệ sa.
Cỏ sầu cũng héo dung hoa,
Mây sầu mấy dải quanh tòa vấn tang.
Pháp sư cao giọng ngâm rằng:
”Thế gian tan hợp thường hằng như mây.
Sinh ra khổ cực đọa đày,
Năm ngăn, không tướng, hợp vầy duyên sinh.
Thân ta: xương máu một bình,
Của ta: cũng lại muôn hình tướng không.”
Vua nghe như cởi tấm lòng.
Truyền đem sao chép dán cùng nơi nơi.
Pháp sư sắc diện sáng ngời,
Tự nhiên hiện tướng tuyệt vời cõi tiên.
“Quý thay! Ta gặp vua hiền,
Biết thờ chính pháp, ưu phiền sạch không.
Chẳng còn bao kiếp trần hồng,
Ngài thành Phật đạo, sáng lòng từ bi.”
Vua trời cưỡi hạc bay đi,
Lạ thay: thái tử hiện kề phu nhân.
Xin thưa: chính bực vua hiền,
Kiếp xa xưa đó là thân trước Ngài.
Ngàn ngọn hương dâng
Ngày xưa lại cũng châu này,
Một vua hiền đức là ngài Lý Sa.
Trị muôn cõi nước gấm hoa,
Bốn phương như thể một nhà an vui.
Thái bình thịnh trị nơi nơi,
Dân coi vua thể như người cha yêu.
Ngài thường sớm tối đăm chiêu,
Cái thân hoại khổ diễm kiều mà chi.
Gieo nhân lành kiếp xưa kia,
Trăm năm phước báo, còn gì nữa đây.
Làm sao tận diệt khổ này,
Độ mình đến khắp muôn người qua sông.
Một hôm vua ngự bệ rồng,
Lệnh truyền xuống khắp muôn vùng dân gian.
Cầu người, chứng ngộ đạo vàng,
Phò vua giáo hóa con đàng dân sinh.
Ban cho phú quý hiển vinh,
Đất đai muôn dặm, ngọc vàng muôn xe.
Một hôm có khách phương xa,
Tính danh người nọ xưng là Đỗ Sai,
Ngựa dừng yên trước thành ngoài,
Quì tâu: “xin hiến một vài pháp môn.”
Vua hiền rất đỗi vui mừng,
Tự tay đỡ dậy tận tình hỏi han.
Dốc vò ngự tửu thưởng ban,
Cấp riêng lầu ngọc huy hoàng gấm hoa.
Lại truyền dựng một pháp tòa,
Hôm sau cùng thỉnh Thầy ra đạo trường.
Vua quì dưới bệ dâng hương,
Cầu xin mở đức dẫn đường chúng nhân.
Sư rằng diệu pháp chính chân,
Muốn nghe vua phải muôn phần tôn nghinh.
Khoét ngàn lỗ thịt trên mình,
Đổ dầu, đốt ngọn lửa minh thần này.
Vua nghe, hoan hỉ nhận ngay,
Khất sư cho phép bảy ngày sửa sang.
Sứ truyền rao khắp nhân gian,
Dân hay đại nguyện cúng dàng nhà vua.
Việc chưa hay thấy bao giờ,
Dù năm biển lớn sao vừa nguyện kia.
Ai nghe, lệ chẳng đầm đìa,
Ngựa xe như nước tràn về bỗng dưng.
Quạt tàn như núi như rừng,
Dâng lên sớ thỉnh xin đừng hoại thân.
Còn ai lo nước lo dân,
Bầy con dại thiếu mẹ hiền được đâu.
Vua chiêu an: “chớ buồn rầu,
Trẫm dâng thân mạng tìm cầu pháp tu.
Dẫu rằng vạn kiếp phù du,
Nguyện đem chính đạo đền bù các ngươi.”
Ý vua đã quyết chẳng dời,
Thần dân khắp một gầm trời ủ ê.
Đến ngày hủy mạng cầu sư,
Vua quì trước bệ dáng như núi trầm.
Cầu nghe diệu pháp cao thâm,
Khoét thân, thắp bấc cúng dâng lửa thần.
“Tôi xin hủy giả hợp thân,
Cầu thanh tịnh đạo cứu dân, độ đời.”
Cầm dao vua khoét một hồi,
Ai ai mà chẳng rụng rời khóc than.
Vua rằng: “lửa thắp, hồn tan,
Trước xin Thầy mở pháp vàng độ tôi.”
Pháp sư ngâm giọng bồi hồi:
“Thường rồi đều hết, cao rồi thấp ngay.
Hợp tan một thoáng mây bay,
Vừa sinh thoắt đã đến ngày tử vong.”
Nhà vua cung kính nghe xong
Tự tay châm lửa, thân rồng an nhiên.
Khởi lòng thanh tịnh vua nguyền:
“Khổ thân để dứt triền miên khổ tình.
Đốt thân cầu lửa trí minh,
Phá ngu si cứu chúng sinh mọi loài.”
Nguyện vua chuyển cả cung trời,
Thần tiên hiện xuống quanh nơi lửa hồng.
Tàn hoa che kín hư không,
Kim thân Bồ-tát dốc lòng cầu sư.
Lệ tiên nhỏ xuống thành mưa,
Ngàn hoa theo gió cũng đưa hương về.
Vua trời Đế-thích hầu kề,
Rằng: “ngài quyết vượt sông mê, qua dòng?
Bây giờ, nuối tiếc chi không?”
Vua cười: “phát nguyện một lòng không hai.”
Thiên vương gặng hỏi: “thưa ngài,
Lấy gì chứng cớ cho lời nguyền kia?”
Nghe xong, vua phát lời thề:
“Tâm tôi như trước chưa hề chuyển lay,
Thì xin lỗ tẩm dầu này,
Trên thân xác lại vẹn đầy như xưa.”
Lòng thành cảm đến Phật thừa,
Quán Thế Âm hóa giải mưa biến thần.
Chợt nghìn ngọn lửa trên thân,
Nở thành sen quý xanh ngần cánh hương.
Lòng như ngọc, trí như gương,
Sáng như nhật nguyệt chân thường như lai.
Thưa rằng: “vua đó là Ngài,
Đốt thân để sáng muôn loài si mê.”
Trăm con hạc trắng
Ngày xưa châu Diêm-phù-đề,
Có vua thánh trị là Lê Thái Bình.
Núi sông hùng vĩ quang vinh,
Hậu cung rực rỡ muôn cành sắc hương.
Với bao hoàng tử siêu phàm,
Lại thêm văn võ bách quan trung thành.
Phồn hoa lầu các như tranh,
Đồng quê thảm lúa trải xanh mượt mà.
Ơn cao thắm đượm nhà nhà,
Bốn phương trong cảnh thái hòa an vui.
Xe vua thường dạo khắp nơi,
Miền sông biển, chốn rừng đồi ngại chi.
Tìm nghe chính pháp từ bi,
Giúp nền giáo hóa, trị vì năm châu.
Lại đem yết bảng tìm cầu,
Đón người đắc pháp nhiệm mầu chính chân.
Một hôm có bậc đạo nhân,
Từ non cao xuống trước sân khấu đầu.
Rằng “tôi tu học dày lâu,
Nhập thâm Phật lý nhiệm mầu, ghé chơi.”
Nhà vua hoan hỉ đón mời,
Lập đàn thuyết pháp giữa nơi đại thành.
Tin truyền đến khắp vùng quanh,
Ai mong nghe pháp, trọn lành đều qua.
Đến ngày khai mở đạo tòa,
Nhà vua quì dưới thiết tha ngỏ bày
Rằng “tôi mê chấp sâu dày,
Duyên may lại gặp được thầy độ cho.”
Sư rằng “đáy bể khôn dò,
Biết ai đã quyết nương đò qua sông.
Mà, ôi! biển khổ mênh mông,
Nếu chưa đại lực đại hùng khó sang.
Thân rồng, xin đóng đanh vàng,
Một trăm chiếc thử đá vàng xem sao.”
Vừa nghe đại chúng nhôn nhao,
Nhưng vua dưới bệ gật đầu kính vâng.
Bảy ngày sau hẹn xin dâng
Tin truyền xóm trúc thôn tùng đều hay.
Cáo rằng “trẫm hủy thân này,
Quyết tìm đạo lớn chuyển xoay vận đời.
Nguyện đóng trăm đinh trên người,
Phát tâm dũng mãnh cầu lời chính chân.”
Tin nghe xúc động lòng dân,
Kéo về từ khắp thành gần làng xa.
Non cao cũng rũ, giang hà
Sông buồn nước cũng la đà sóng xô.
Ngựa xe dàn chật kinh đô,
Đêm dong đèn đuốc mơ hồ bốn bên
Người chung một ý tâu lên
”Chúng con thay mặt muôn miền gấm hoa.
Ơn vua trải mấy sơn hà,
Chăn dân là mẹ, quốc gia là vì.
Thánh hoàng nay bỏ ra đi,
Rồi muôn cõi nước còn gì ngưỡng trông.
Để mà noi tấm gương trong,
Bốn phương giữ mãi trong vòng anh em.
Xin trên thương xót con hiền,
Ở ngôi nhật nguyệt giữ gìn muôn dân.”
Lại thêm hoàng tộc quần thần
Rập đầu thềm ngọc muôn lần khóc can.
Vua rằng “xin chớ bi than,
Trong cơn trường mộng muôn vàn tử sinh.
Dòng sông hư ngụy chưa đình,
Chiếc thân bọt nổi, mặc tình sóng đưa.
Thân ta từ kiếp xa xưa,
Chất nên cho đến bây giờ thành non.
Máu xưa góp chảy đá mòn;
Lệ xưa, đọng lại nay còn sóng lay.
Cũng vì tham vọng mê say,
Uổng bao kiếp sống đọa đày trần gian.
Trẫm nay phát nguyện cúng dàng,
Hủy thân cầu đạo, tuyệt đàng tử sinh.
Nguyện thành Phật, phá vô minh,
Thề dìu dắt chúng hữu tình qua sông.
Việc này vì lợi ích chung,
Gác bi oán nọ, xin đừng can chi.”
Thần âm đã chuyển mê kia,
Lệ người còn chảy đầm đìa áo tơ.
Hôm sau vừa sáng tinh mơ,
Hoa thơm trải khắp đường mờ sương bay.
Ngựa xe chật cứng thành ngoài,
Mười phương tụ lại quanh đài trầm lan.
Nhà vua lên đỉnh pháp đàn,
Thỉnh nghe pháp trước, đanh vàng đóng sau.
Đạo hiền tụng biến mưa mau:
”Thế gian như thể dưới cầu nước xuôi.
Vô thường chuyển khắp trời, người,
Sinh ra khổ lụy nào rời tấm thân.
Cõi đời, ôi, áng phù vân!
Hợp tan, tan hợp bao lần có không.
Thân ta một nắm bụi hồng,
Khác chi lòng suối in dòng chim bay.”
Nghe xong diệu pháp khai bày,
Chép kinh thơ nọ sai người tụng rao.
Trăm đinh trăm ngọn máu đào,
Khóc lên dậy đất, lệ trào nát hoa.
Đức vua mặt vẫn hiền hòa,
Sáu lần chuyển động mây lòa hào quang.
Thần tiên hiện trải hoa hương,
Cảm vì đức lớn cúng dường cao sâu.
Vua trời Đế-thích rầu rầu
Hỏi rằng “Ngài nguyện mai sau làm gì?
Ma vương, hay Phạm vương ư?
Thánh vương? Đế-thích? Nguyện từ hôm nay!
Vua rằng “hủy giả thân này
Nguyện thành Phật đạo cứu người đảo điên.
Chẳng cầu phúc báo nhân thiên,
Tử sinh ba cõi, dưới trên sá gì.”
Vua trời lại tỏ lòng nghi:
”Thân đau ngài có còn gì hối không?”
Xin thưa “nguyện tựa vàng ròng,
Như chim hồng lạc thoát vòng gió mây.”
“Thế thì bằng cớ chi đây?
Chứng cho lời nguyện cao dày làm tin!”
Nhà vua nghe lại thệ nguyền:
“Giờ xin vô lượng vô biên chứng giùm.
Nếu con sau trước một lòng
Thì cho nguyên vẹn mình rồng xưa nay.”
Hào quang sáng rực phương mây,
Định thành trăm cánh hạc bay trắng ngần.
Lại lành nguyên cả châu thân,
Tiếng reo dậy đất quân thần ngợi ca.
Bạch Thầy tâm nguyện sâu xa,
Thái Bình kiếp trước chính là người xưa.
Lòng như biển lớn vô bờ,
Thân như mây trắng vật vờ hư không.
Chí như nghìn ngọn thác hồng,
Phá tan tập kiến một lòng từ bi.
Hoa đơm hố lửa
Bạch Thầy: một kiếp xưa kia,
Lê Thiên vua cõi Phù-đề châu Diêm
Hạ sinh thái tử ngoan hiền
Muôn muôn cõi dậy Lê Kiền danh thơm.
Thiên năng trí tuệ phi thường,
Riêng nơi động núi hoa vườn tĩnh tâm.
Lòng ưa chính pháp cao thâm,
Thường đi khắp nước suy tầm đó đây.
Kể gì Nam Bắc Đông Tây,
Tìm đạo giải thoát khai bày trí minh.
Giúp cho dân nước thanh bình,
Tấm thân dầu dãi mặc tình gió sương.
Mải mê tìm đạo chân thường,
Hương pha áo cỏ, mây vương gót lành.
Lòng ngài cảm đến cao xanh,
Vua trời Đế-thích hiện thành đạo nhân.
Một chiều quảy gói phù vân,
Hương bay mình hạc, mây ngần dâng hoa.
Gót dời lãng đãng mưa sa,
Tiếng như suối ấm la đà rừng thu.
Thành ngoài ghé bước vân du,
Truyền khai lẽ sáng, pháp tu đạo lành.
Danh thơm đồn đãi vùng quanh,
Một chiều thái tử vượt thành tìm nghe.
Bên rừng đôi mái nhà che,
Đạo sư thiền tọa bên hè cúc lan.
Vừa nhìn dáng hạc tiên nhan,
Pháp mầu tỏ ngộ, bàng hoàng tâm mê.
Thương mình si đắm chưa lìa,
Trăng lên lệ vẫn đầm đìa giọt ngân.
Về thành tâu lại phụ thân,
Dựng đàn bảy báu đủ phần uy nghi.
Thái tử thân kéo xe đi,
Lọng tàn giát ngọc lưu ly chói lòa.
Suốt đường trải gấm phơi hoa,
Hai bên mỹ nữ đàn hòa sáo vang.
Thỉnh sư về ngự thiền đường,
Có tòa mã não, có giường bích châu.
Chọn ngày mở tạng kinh mầu,
Vượt sông tham dục, dựng cầu thanh tâm.
Sáng sau nắng mới hoe vầng,
Chim muôn sắc tụ hót mừng hội khai.
Mây hồng tía khắp phương ngoài
Kết thành tán gấm trải dài hư không.
Nhạc thần cũng tự không trung,
Êm êm như thoảng mấy từng hoa vương.
Thái tử quì trước án hương
Chắp tay đảnh lễ tỏ tường trình thưa:
“Thân con ở chốn mê mờ,
Tấm hình bọt sủi vật vờ sóng lay.
Bây giờ được gặp duyên may,
Xin ân đức lớn khai bày chân thân.”
Ba phen cầu thỉnh ân cần.
Sư rằng “mối đạo suy tầm dày lâu.
Trải bao nắng ải mưa dầu,
Ngó non mây nổi, soi cầu nước xuôi.
Gối cây, chiếu cỏ, màn trời,
Cơm rau nước suối ẩn nơi động thần.
Ngài muốn cầu đạo độ dân,
Phát tâm phải dứt hồng trần nghiệp duyên.
Trước lo mình sạch ưu phiền,
Sau vì mê khổ nhân thiên độ trì.
Nếu ngài quyết diệt tham si,
Cầu tâm đạo chớ tiếc gì giả thân.
Cho đào hố nhóm than lên,
Nhảy vào lửa để dứt liền tóc tơ.”
Việc chưa từng thấy bao giờ,
Vừa nghe, ai chẳng sững sờ ngó trông.
Chỉ riêng thái tử thuận lòng,
Phụ vương, mẫu hậu tuôn dòng lệ can:
“Sao con nỡ hủy thân vàng,
Chẳng lo gánh vác giang san sau này.
Ngai rồng ai sẽ lên thay,
Kho tàng châu báu vơi đầy uổng đi.
Lại bao lân quốc nể vì
Vẫn hằng cẩu khẩn hiện về thành vương.
Mẹ, cha giờ tóc điểm sương,
Tuổi già còn biết đâu nương ngày thừa.”
Nghe lời lệ nhỏ như mưa,
Chàng quì dưới gối, giọng thưa rầu rầu:
“Thân con lụy nghiệp dày sâu,
Tử sinh như bọt dưới cầu réo sôi.
Kể từ vô thủy luân hồi,
Nương lòng tham dục sáu loài quẩn quanh.
Dù muôn tuổi thọ thiên đình,
Dù mang kiếp sống mỏng manh nhân hoàn.
Dù hầm ngục lửa kêu than,
Đọa thân ngạ quỉ vô vàn khổ đau.
Dù làm kiếp ngựa kiếp trâu,
Bò, bay, máy, cựa cũng sầu khổ thay.
Nay con được gặp duyên may
Cầu diệu pháp cứu muôn loài tham si.
Kiếp phù du có kể gì,
Nguyện thành đạo lớn chuyển mê độ đời.”
Song thân thấy đức tuyệt vời,
Còn đâu mong chuyện đổi dời tâm tư.
Đến ngày cung thỉnh đạo sư,
Pháp đàn hoa kết, ngọc lư ùn trầm.
Vây quanh tàn quạt quần thần,
Dưới đàn ngọn lửa cũng dần bốc cao.
Từ xa nổi tiếng khóc gào,
Nghe ra ai chẳng nao nao tấc lòng.
Ngài quì trên thảm gấm hồng,
Vừa coi tưởng lả một bông tuyết trời.
Cầu nghe chính giáo diệu vời,
Gió lay hoa chợt rụng rơi cánh vàng.
Đạo sư cao giọng ngâm vang
Lời thơ hồ tưởng gieo vàng rơi châu.
Rằng “sinh tử nước xuôi mau,
Chết trong thây sống tham cầu mà chi!
Một lòng tâm khởi trí bi
Trừ sân, tưởng hại huyễn mê nào còn.
Lấy chúng sinh làm thân mình,
Dù mười phương lớn cũng hình thể tâm.
Tu hành làm chốn vui mừng,
Khiến tam thế mộng tan bừng ánh dương.
Giúp người vượt thoát mê trường,
Là tâm Bồ-tát yêu thương độ đời.”
Nghe xong thái tử mừng vui,
Truyền đem sao chép sai người tụng rao.
Rập đầu lễ trước đài cao,
Thì từ đâu tiếng khóc gào dấy lên.
Phạm thiên vương đứng chờ bên
Cầm tay thái tử Lê Kiền hỏi han:
“Vị gì nhảy xuống hố than,
Hiếu tâm đã bỏ, ngai vàng thì sao?
Chi bằng nước mạnh dân giàu,
Nệ gì pháp kệ nhiệm mầu này thôi.”
Thái tử rằng “chớ can tôi,
Cũng vì thương chốn luân hồi mê sân.
Vả chăng nghĩa lợi phù vân,
Ngọc vàng nào chữa tâm thân bệnh dày.
Nguyện đem đạo lớn độ đời,
Nguyện thiêu thân để thức người trần lao.”
Dứt lời từ đỉnh đàn cao,
Như hoa nguyệt quế gieo vào lửa thiêng.
Nguyện người chuyển khắp cõi thiên,
Hào quang như tỏa một viền trăng soi.
Lạ thay hầm lửa ngút trời
Biến thành ao ngọc sáng ngời lưu ly.
Một bông sen nở diệu kỳ,
Gió thơm thoảng sạch sân si lòng người.
Thái tử ngồi giữa hoa cười,
Ánh mây hồng tía lưng trời vừa sa.
Tiếng hò reo nổ tung ra,
Tin vui đến khắp muôn nhà ngợi khen.
Đại sư biến thành vua tiên
Thưa rằng “như đóa hồng liên đại hùng.
Lòng thương ngài thật vô cùng,
Quyết sau thành đạo qua sông mê trường.”
Vua xưa là Tịnh-phạn vương,
Hoàng hậu ngày đó là thân mẫu ngài.
Thái tử chính đức Như Lai,
Ơn sâu suốt cả đất trời còn vang.
Tâm kia sáng ngọc tươi vàng,
Chí như chim lạc thẳng hàng bay lên.
Một nguyện cứu độ nhân thiên
Trong hồ mê trược hiện viền thái hư.
Dưới hoa đức Phật trầm tư,
Nghe xong đứng dậy áo như ráng hường.
Trông về thung lũng mù sương,
Bước đi mỗi bước chân thường Như Lai.
Cánh hoa tuyết rụng trên vai,
Đường về thơm một dặm dài khói hương.
Huỷ thân cầu đạo
Lại nghe một thuở xa kia,
Cách vô lượng kiếp Phù-đề châu nay,
Có nước hào rộng thành dày,
Có non hoa tía ngày ngày ngậm sương.
Là nơi thạch động mây vương,
Bên dòng suối bạc, cạnh nương liễu đào.
Năm trăm tu sĩ thanh cao
Ẩn trong động núi tiêu dao tháng ngày.
Ông Phạm Ngọc Lan là thầy,
Dù theo tiên đạo vui vầy trúc mai.
Lại thường cầu đạo như lai,
Gót chân mài khắp phương trời biên cương.
Tìm nơi động khói rừng hương,
Ý mong gặp đấng pháp vương một lần.
Ngày kia có vị đạo nhân,
Áo gai mình hạc dừng chân động ngoài.
Quảy thêm túi xách trên vai,
Tuyết pha mây bạc, hoa cài tóc thưa.
Rằng: “là cơ pháp duyên xưa
Muốn cầu giải thoát qua bờ trần sa.
Bút dùng thì chẻ xương ra,
Giấy dùng thì lóc da ngà trên vai.
Cắt máu chép pháp Như Lai,
Đó là đại nguyện của người cầu tu.”
Rập đầu lễ tạ đạo sư:
“Thầy đem ánh sáng đại từ xuống đây.
Thân con nghiệp chướng sâu dày,
Quẩn quanh sáu nẻo dẫy đầy vô minh.
Duyên may thoát kiếp phù sinh,
Dù cho trả cái giả hình mê tân.”
Rồi cầm dao tự hủy thân,
Lóc da vai, chặt một chân tức thì.
Bút xương chấm máu đầm đìa,
Ngàn hoa dường cũng thân lìa hồn tan.
Thầy ngồi dưới cội lau vàng,
Sau lưng như dựng mấy hàng ngọc trâm.
Môi như sen thắm trong đầm,
Tiếng ai như thoảng hương trầm dâng xanh.
“Phải thường thâu nhiếp tâm hành,
Sát-dâm-trộm-dối: bốn nhành sông lơi.
Xa lìa tà kiến, vọng lời,
Là Bồ-tát hạnh cứu đời tham mê.”
Chép xong tâm kệ Bồ-đề,
Nhìn lên sư hóa thân về phương nao.
Dải mây ngũ sắc trên cao,
Thinh không thoảng tiếng hạc nào lên tiên.
Rồi đem mấy lá kinh hiền,
Chiếc thân tấp tểnh quanh miền hóa khai.
Độ người mê tỉnh trần ai,
Vất vơ sinh tử, lạc loài khói mây.
Ngọc Lan xưa lại về đây,
Xả thân vì nghiệp sâu dày chúng sinh.
Chim tiên cầu đạo
Lại thưa cũng ở châu Diêm,
Thuở xa xưa có vua hiền Tạ Thi.
Núi sông nghìn cõi quy về,
Triều đình, vương quốc Bạt-đề cậy oai.
Lúa ngô xanh ngát chân trời,
Miền miền an lạc, người người âu ca.
Ơn vua thắm cỏ tươi hoa,
Dù nơi hải giác thiên nha cũng từng.
Mỗi lần thức giấc nghe sương,
Vua thường suy nghĩ tìm phương giúp đời.
Mỗi chiều ngó nắng vàng rơi.
Nhà vua tự kiểm ý lời ngày qua.
Nghiệp lành gió thuận mưa hòa,
Chìm vui tiếng hót la đà triền miên.
Ngày kia Đế-thích vua tiên,
Tới hồi nghiệp tận ưu phiền dung hoa.
Cận thần có ý xem qua,
Tâu lên: khí sắc sao mà khác xưa?
Vua rằng: “khanh đã hay chưa,
Đêm qua sao rụng báo giờ tử vong.
Tiếc thay sống cõi trần hồng,
Như Lai chẳng gặp thỏa lòng y nương.
Mà thân móc đọng sương vương,
Biết đâu chính pháp soi đường tịnh tu.”
”Thưa ngài: dưới cõi Diêm-phù,
Vua Tạ Thi nọ chuyên tu đạo vàng.
Bồ-tát hạnh hóa nhân gian,
Xóa bờ nhân, ngã, một đàng trí bi.
Nếu ngài tới đó quy y,
Viên thành Phật đạo ngại gì tử vong.”
Vua truyền: “quả đúng như lòng,
Thì muôn nghìn cõi mây hồng cũng qua.
Thử xem người có hơn ta,
Nhập thâm giáo lý Phật-đà cao sâu.
Vậy khanh hóa làm chim câu,
Ta làm chim cắt đuổi nhau mấy vòng.
Tới nơi điện ngọc thành trong,
Nhà ngươi đậu nấp mình rồng áo mây.
Cầu vua cứu thoát nạn này,
Còn ta sẽ hỏi xin người lại ăn.
Xem ngài giải quyết sao đành,
Đôi bên cho được đẹp lành đôi bên.
Thử lòng vàng đá cương kiên,
Xem ra đáng bực đại hiền sẽ nương.”
Nói rồi giữa cõi mây vương,
Một đôi chim nọ thẳng đường tung bay.
Thoáng thôi, lầu các hiện đầy,
Vàng châu lấp lánh như bầy sao sa.
Chim câu đáp xuống thềm hoa,
Nhà vua đang ngự trên tòa thưởng hương.
Chim câu gọi: “bớ đại vương,
Cứu tôi thoát khỏi tai ương lần này.”
Chim cắt đậu trên cành cây
Cũng thưa: “xin trả vật này cho tôi.”
Vua nghe dạ những bồi hồi,
Xót thay nợ máu bao đời trả vay.
Truyền rằng: “nguyện cứu muôn loài,
Lẽ đâu ta đuổi chim này mi ăn?”
Cắt kêu: “ngài xét cho mình,
Tôi không phải loại hữu tình hay sao?
Đói thịt tươi, khát máu đào,
Cứu chim kia lại nỡ nào hại tôi!”
Vua rằng “gạo trắng trái tươi,
Cứ gì máu thịt một loài ăn nhau?”
Cắt thưa “tập nhiễm dày lâu,
Người kia đâu khát lệ sầu máu hôi?
Tôi tìm thịt để ăn thôi,
Người giết nhau để mua cười ích chi?”
Vua trầm nét mặt từ bi,
Cứu hai mạng sống đền nghì thân ta.
Ngài rằng “xin thế thịt da,
Nếu ưng, sẽ lóc thịt ra đền bồi?”
Cắt thưa “thì cũng chìu lời,
Đổi sao cho xứng thịt người thịt chim.”
Lưỡi dao cắt thấu con tim,
Bên đùi tách miếng thịt in máu hồng.
Đặt trên một dĩa cân đồng,
Lạ thay, khối thịt nhẹ bồng hơn chim!
Vua liền lóc cả đôi chân,
Thịt da sao đọ phép thần cho đang.
Bên chim nặng tựa non vàng,
Xương da nào dễ so bằng lượng kia.
Nén đau nhích lại gần kề,
Phục lên dĩa nọ đầm đề máu tuôn.
Lạ sao: vẫn nhẹ như thường!
Nhà vua ngã xuống chân tường mê man.
Hiên rồng một vũng máu loang,
Chừng nghe lãng đãng mơ màng khói sương.
Nghĩ thân lẩn quất vô thường,
Cánh bèo nhân ảnh sáu đường nổi trôi.
Vì tham mạng sống khôn dời,
Giữ mình nên hại muôn loài kể chi.
Rốt thôi, nấm cỏ xanh rì,
Đất trời kia hỏi còn gì bóng mây.
Trải ra bón cỏ đơm cây,
Tự thân xả nắm bụi này dễ đâu.
Quyết vượt ngã chấp dài lâu,
Hiến mình đổi mạng chim câu một lần.
Là đường thể nhập pháp thân,
Mười phương thế giới chuyển vần trăng sao.
Bỗng dưng tỉnh giấc mộng đào,
Mắt như nhật nguyệt rực hào quang soi.
Đứng lên dũng mãnh tươi cười,
Bước đi mỗi bước cung trời ngả nghiêng.
Gió thành đàn sáo thiên tiên,
Vi vu gieo nhạc quanh miền thành hoa.
Lệ thần cũng thoáng mưa sa,
Hô như rụng ngọc rơi ngà đó đây.
Dù cho trời rộng đất dày,
Ngàn năm muốn có nguyện này dễ đâu.
Xả thân chuộc mạng chim câu.
Còn chăng ánh sáng nhiệm mầu đại bi.
Lòng thành nhiếp phục chim kia,
Hiện ra nguyên dạng một vì thiên vương.
Gối quì lạy trước thềm hương,
“Tôi từ Đao-lợi tìm đường qua đây.
Biến làm chim cắt thử ngài,
Lòng từ kia hẳn vượt ngoài cõi mê.
Kiếp sau thành đạo Bồ-đề,
Ứng thân ba cõi đi về hóa khai.”
Tay tiên như búp hoa đài,
Lạy xong cõi đất tỏa ngời hào quang.
Nghìn bông sen ánh hồng vàng,
Giữa hư không trải theo hàng phượng qua.
Cánh mầu che khắp Ta-bà,
Dựng nên một chiếc quạt hoa diệu vời.
Mấy từng mây khói chơi vơi,
Phật Di-đà ngự đỉnh trời ngó trông.
Hoa thơm phủ khắp thềm rồng,
Thân vua nguyên vẹn như hồng như mai.
Tạ Thi xưa chính là Ngài,
Trải muôn ức kiếp khai bày cõi mê.
Phạm Thiên Thử sở hữu một ngòi bút độc đáo được người đời yêu mến cùng những tư tưởng hiếm có được thể hiện rõ nét trong những trang thơ của ông. Chỉ khi bạn đọc và suy ngẫm mới hiểu hết được nét đẹp trong thơ ông. Mời các bạn đón xem phần 2 nhé!